Gia đình là ngôi trường yêu thương của con. Đó là điều mà chúng ta rất hiếm khi nghĩ đến. Chúng ta hiếm khi nghĩ đến tình yêu. Chúng ta thường chỉ nghĩ đến nó khi nó rời bỏ chúng ta. Và chúng ta có khuynh hướng phân tích những mối tình không thành.
Tình yêu là đại dương, là bản năng. Tình yêu bắt được chúng ta và mang chúng ta đi, tìm tòi gì ở đây?
Tình yêu là niềm hạnh phúc, mà hạnh phúc thì chẳng cần bất kỳ nghiên cứu nào. Người ta chỉ muốn ngụp lặn trong đó, thế thôi.
Làm sao có thể làm việc với niềm hạnh phúc chứ? Xuẩn ngốc làm sao! Đã thế, hạnh phúc lại còn mong manh đến độ có thể vỡ tan bởi bất cứ sự va chạm thiếu cẩn trọng nào.
Và rồi, hoa trái của tình yêu xuất hiện. Đứa con của chúng ta.
Chúng ta có nghĩ mối quan hệ giữa cha và mẹ mà đứa con nhìn thấy sẽ được con cho rằng đó là tình yêu thật sự? Chúng ta đã biết một số dấu hiệu của tình yêu thật sự. Nhưng chúng ta không có thời gian, và thường suy ngẫm một cách lúng túng về việc có hay không những dấu hiệu như thế trong đời sống gia đình. Ví dụ, chúng ta biết là tình yêu luôn tự nhiên, vui sướng, không chứa đựng nỗi sợ hãi.
Và giờ chúng ta hãy thử xem xét cuộc sống gia đình của chúng ta. Liệu trẻ có thấy một tình yêu như thế trước mặt mình? Trẻ sẽ lớn lên với cảm giác về tình yêu vui sướng hay tình yêu trách nhiệm? Trẻ hiểu rằng tình yêu là thứ mà không có nó, cha mẹ mình không thể sống, hay trẻ trưởng thành với suy nghĩ rằng tình yêu là một chuyện, còn đời sống gia đình là một chuyện hoàn toàn khác?
Một số bậc cha mẹ xấu hổ khi phải thể hiện tình yêu với nhau trước mặt con trẻ. Họ không ôm nhau, không hôn nhau, không thể hiện bất cứ sự dịu dàng nào. Tại sao? Có gì tệ hại trong việc con trẻ nhìn thấy cha mẹ cuốn hút vào nhau, yêu thương nhau, cần có nhau? Nếu cha mẹ không có sự cuốn hút lẫn nhau, hãy nghĩ xem con của họ đang ở trong ngôi trường yêu thương hay ngôi trường của một mối quan hệ thờ ơ.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Tình yêu là thành phần quan trọng cấu thành cuộc đời mỗi con người. Vậy tại sao chúng ta lại ngại nói với con mình về tình yêu? Chúng ta sợ và không biết nói như thế nào ư? Chúng ta thường để con mình đi vào vũ trụ tình yêu mà thậm chí chẳng buồn thảo luận với con về các quy luật của vũ trụ này.
Khi nào nên bắt đầu nói với trẻ về tình yêu? Khi trẻ muốn. Khi đó đã không còn sớm nữa. Tất cả những cuộc trò chuyện kiểu như: “Lớn lên đi! Chưa phải lúc với con! Tốt nhất là lo làm bài đi!” đều là vô nghĩa. Những lời như thế chỉ có thể làm được mỗi một việc: xây một bức tường giữa cha mẹ và con cái.
Chỉ cần trẻ quan tâm đến những câu hỏi về tình yêu thì đừng e ngại, hãy thảo luận cùng trẻ. Đừng để con bơ vơ một mình giữa vũ trụ này. Hãy đến đó cùng với con, như những người bạn.
Trả lời trung thực tất cả các câu hỏi ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tập cho con quen với việc rằng lúc nào con cũng sẽ tìm được sự cảm thông ở cha mẹ, trong đó có cả việc thảo luận về tình yêu.
Tình yêu bất lực
Còn một định đề nữa mà tất cả chúng ta đều biết: Tình yêu khiến người ta nhu nhược. Người đem lòng yêu thương dường như tan biến vào người khác. Cuộc sống không có người mình yêu thì trở nên vô nghĩa. Bạn bỗng phụ thuộc rất nhiều vào người khác.
Bằng tấm gương của chính mình, chúng ta có thể giải thích cho trẻ hiểu sự “yếu đuối” đó đòi hỏi phải có một niềm tin đặc biệt đến thế nào. Trẻ có thấy tấm gương đó trong gia đình mình? Chúng ta có thảo luận với trẻ về điều đó? Và con của bạn có cảm thấy, về thực chất, cha mẹ bất lực trước chúng chỉ vì họ quá yêu con?
Chúng ta tuy muốn nhưng không phải lúc nào cũng có thể cải thiện cuộc sống của con, bảo vệ con khỏi một số vấn đề nào đó. Chúng ta có những hành vi ngốc nghếch và mù quáng chỉ vì tình yêu của chúng ta chứ không có gì khác.
Con có hiểu được điều đó không? Chúng ta có nói cho con biết điều đó không? Con của bạn có nhận thức rằng bạn yêu thương con, đang cùng con sống cuộc sống của con? Rằng bạn cũng đau vì những vết thương của con, cũng phiền muộn với những rắc rối của con? Rằng có tình yêu giữa cha mẹ và cả hai đang cố gắng gìn giữ? Và có tình yêu thương con của cha mẹ, tình yêu ấy cũng cần được gìn giữ?
Tình yêu nào mà con trẻ nhìn thấy trong gia đình mình, thì tình yêu đó trong nhiều năm (có khi là suốt cuộc đời) sẽ được cho là chuẩn mực.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bạn có yêu con mình không? Câu trả lời hiển nhiên là có.
Đứa bé được bạn yêu có biết điều đó không?
Bạn có cảm thấy con đã biết trước điều đó? Tại sao bạn lại nghĩ như thế?
Lần cuối cùng bạn nói với con rằng bạn yêu con là khi nào?
Lần cuối cùng bạn ôm và âu yếm con là khi nào?
Bạn sợ làm con hư hỏng bằng sự nuông chiều và âu yếm quá mức à? Vậy bạn có sợ nuôi nấng một con người không hiểu thế nào là tình yêu chân thành không?
Nếu gia đình không trọn vẹn
Thống kê chứng minh rằng ở Nga có 30% gia đình không trọn vẹn, 5,6 triệu bà mẹ đơn thân và 634,5 nghìn ông bố đơn thân. Dĩ nhiên, điều đó thật đáng buồn. Một gia đình trọn vẹn (khi người đàn ông và người đàn bà kết hôn vì tình yêu) thì tốt hơn là một gia đình không đầy đủ.
Tất cả những điều đó không có nghĩa là đứa trẻ không hoàn toàn hạnh phúc trong một gia đình không trọn vẹn. Điều chính yếu mà cha mẹ có thể trao cho con mình đó là tình yêu. Đừng nghĩ rằng trong một gia đình trọn vẹn, đứa trẻ sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn trong một gia đình không trọn vẹn. Trước hết, điều này phụ thuộc vào cha mẹ. Thứ hai, tình yêu không được đo bằng số lượng; nó được đo bằng chất lượng. Một bà mẹ đơn thân có thể yêu con mình nhiều hơn và sâu sắc hơn so với mẹ, cha, ông bà cộng lại. Thế nhưng có nhiều trường hợp bà mẹ đơn thân quá nghiêm khắc với con mình (nếu đó là con trai) khi cố hoàn thành cùng lúc vai trò của cả người cha lẫn người mẹ.
Điều đó không đúng à?
Vâng, đó là một sai lầm nghiêm trọng. Trẻ em trong một gia đình không trọn vẹn đòi hỏi một tình yêu bao la và dịu dàng hơn.
Kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng không hiếm trường hợp các thanh thiếu niên kêu ca về việc cha mẹ họ không biết gìn giữ gia đình. Những lời phàn nàn này sẽ không có nếu trẻ yêu mẹ (hay cha). Yêu có nghĩa là thương xót. Mà nếu thương xót thì làm sao kêu ca được chứ? Những lời phàn nàn ấy sẽ không có nếu cha mẹ cởi mở chia sẻ với con trẻ về việc tại sao cuộc sống gia đình của họ không thành. Nhìn chung, một cuộc nói chuyện cởi mở với con trẻ, như một người bạn, sẽ là cơ hội để tránh xung đột.
Dĩ nhiên, đôi khi một gia đình không trọn vẹn phát sinh từ những hoàn cảnh bi thảm, khi người chồng hay vợ qua đời. Nhưng số liệu ở trên đã tàn nhẫn chứng minh rằng nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là do ly dị.
Một người mẹ (hay người cha) đơn thân sau khi đã trải qua, đôi khi không chỉ một lần, thất bại trong tình yêu, đã để lại trong lòng họ một nỗi sợ. Thật đáng sợ nếu trải nghiệm tiêu cực này, nếu nỗi sợ hãi này chuyển sang cho con trẻ. Khi mẹ và cha đều không tin là có tình yêu thật sự, sự ngờ vực của họ sẽ lây nhiễm sang cảm nhận đầu đời của trẻ.
Khi yêu đương, con trẻ sẽ không cần kinh nghiệm của cha mẹ. Con chỉ cần cha mẹ hiểu cảm giác của mình. Và như thế, một gia đình không trọn vẹn cũng có thể là ngôi trường của tình yêu thương, nếu người mẹ (hay người cha) yêu đứa con của mình, nếu cô ấy (hay anh ấy) không ngại chia sẻ với con về những nguyên nhân khiến cho gia đình họ tan rã, nếu cuối cùng cô ấy (hay anh ấy) sẵn sàng nhìn nhận tình yêu của con mình mà không bị ám ảnh bởi trải nghiệm tiêu cực của bản thân.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bài tập này chỉ liên quan đến những bậc cha mẹ đơn thân do ly hôn.
Bạn đã bao giờ nói chuyện với con về lý do ly hôn? Ở tuổi nào thì không quá sớm cho việc này? Khi nào đứa bé quan tâm, đó chính là lúc thích hợp.
Đây là một cuộc nói chuyện rất nghiêm túc, và dĩ nhiên không đơn giản. Điều chính yếu là nó phải tuyệt đối trung thực.
Cuộc nói chuyện này, lẽ đương nhiên, là một cuộc kiểm tra nghiêm ngặt đối với cha mẹ. Họ có thể nhìn lại quá khứ của mình thành thật ra sao?
Không có cuộc trò chuyện này, bạn khó mà có được mối quan hệ chân thành với con và giành được niềm tin của trẻ.
Khi mẹ phải lòng người khác
Người mẹ đơn thân sẽ làm gì nếu bà phải lòng ai đó? Có nên giới thiệu con mình với người yêu mới? Và nếu giới thiệu, thì vào lúc nào?
Không hiếm trường hợp người ta tìm đến tôi để hỏi câu hỏi này, mà chủ yếu là những bà mẹ. Những ông bố đơn thân không bao giờ hỏi về việc này. Nhưng tôi nghĩ những kết luận đối với các bà mẹ trong tình huống này cũng hữu ích cho cả những người cha.
Thành thật mà nói, cách đặt câu hỏi làm tôi ngạc nhiên, bởi câu trả lời đã rành rành ra đấy. Nếu bạn yêu, mà đứa con là bạn của bạn, chẳng lẽ bạn có thể giấu bạn của mình về cảm xúc mới đó?
Hẳn bạn đã biết bạn cần phải xử sự với một người bạn như thế nào rồi, phải không? Tuyệt vời! Có gì cản trở việc giao tiếp bạn bè giữa bạn với con?
Một người đang yêu luôn nghi ngờ không biết tình yêu của họ có được đáp lại hay không. Trong khi đó, bạn sống cạnh một người – đứa con của bạn – mà tình yêu của con dành cho bạn không có gì phải nghi ngờ. Vậy thì tại sao bạn lại ngại chia sẻ với con như với một người bạn chứ?
Nếu người mẹ (hay người cha) thường xuyên thay đổi đối tượng say đắm của mình, thì chẳng lẽ người nào cũng đều phải giới thiệu với con, đều phải kể về họ cho con nghe sao? Nếu một người lớn làm việc gì đó mà anh ta thấy khó xử khi phải chia sẻ với con của mình, thì đấy là lý do nghiêm túc để suy nghĩ về việc có cần thực hiện điều đó hay không.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy dành thời gian để suy nghĩ thật nghiêm túc về việc này. Trong cuộc đời bạn, liệu có những hành động khiến bạn cảm thấy khó xử hay xấu hổ khi kể lại cho con nghe hay không?
Tôi tin rằng nếu bạn có thói quen đánh giá những hành động của mình từ cách nhìn này, nó sẽ thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của bạn theo hướng tốt hơn.
Cha + mẹ = ?
Đứa con không chỉ là hoa trái, mà còn là tấm gương phản chiếu tình yêu của người lớn. Nó phản chiếu những tình cảm đích thực đang ngự trị trong gia đình.
Trong tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà tồn tại một mâu thuẫn mà mọi người đều biết. Một mặt, bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều sợ sự thay đổi; chúng ta sợ thay đổi thói quen của mình, bởi thói quen, về bản chất, cũng chính là con người. Mặt khác, nếu dưới tác động của tình yêu, con người không thay đổi gì cả, thì có nghĩa là chẳng có tình yêu.
“Làm thế nào để thay đổi vì người mình yêu, mà cùng lúc vẫn giữ được chính mình?”, câu hỏi luôn được đặt ra cho những người yêu nhau. Theo ý nghĩa này, con trẻ nhìn thấy gì từ trong gia đình – cuộc chiến bảo vệ những thói quen của mình, hay chấp nhận những thói quen của người khác?
Cha thích ngủ trong phòng lạnh, mẹ chỉ ngủ được trong phòng ấm áp. Cha thích ăn sáng thật no, mẹ chẳng thích ăn sáng. Cha mê bóng đá, mẹ bảo đấy là lãng phí thời gian vô ích, nhưng lại mê phim bộ, thứ mà cha coi thường. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Điều gì thúc đẩy quyết định của họ? Tình yêu và sự chấp nhận? Hay cuộc chiến quyết liệt vì “cái tôi” của mình? Chúng ta có biết đứa trẻ thấy hết những điều đó và đưa ra kết luận của riêng mình?
Con trai và con gái
Khi nói về một gia đình đầy đủ, chúng ta không chỉ nói về hai người, mà là hai người khác nhau – người cha và người mẹ. Và đứa bé, không đơn giản là một thành viên của gia đình, mà là một cậu bé hoặc một cô bé.
Chúng ta, các bậc cha mẹ, có nghĩ đến điều đó không? Chúng ta có hiểu rằng khi giáo dục một bé trai, chúng ta đang giáo dục một người chồng tương lai; còn với một bé gái, đó là một người vợ tương lai? Chúng ta có hiểu sự khác nhau giữa người chồng hay người vợ trong gia đình không?
Triết gia vĩ đại người Nga Grigory Pomerants(1) nhận xét: “Đàn ông và đàn bà khác nhau một cách sâu sắc trong mọi triết lý của người kia. Đàn ông có thể phát triển theo những hướng khác nhau, có thể thành công trong bất kỳ lĩnh vực riêng biệt nào, nhưng luôn với cái giá của tổng thể, dẫn đến sự phá hủy tổng thể. Phụ nữ thì vượt trội hơn đàn ông về mặt tổng thể. Với phụ nữ, tinh thần không tách rời thể xác, tình yêu không tách rời khỏi tình mẫu tử, và trí óc không tách rời khỏi con tim”(2).
(1) Grigory Solomonovich Pomerants (1918 - 2013): Triết gia người Nga, nhà nghiên cứu văn hóa, tác giả nhiều công trình triết học tự xuất bản, có ảnh hưởng đáng kể đối với giới trí thức tự do Nga thập niên 1970 - 1980. (ND)
(2) Grigory Pomerants, Zinaida Mirkina, Работа любви (tạm dịch: Công việc của tình yêu), M., SPb.: Trung tâm các Sáng kiến Nhân văn, 2013, tr. 2013.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bạn có con trai, hay con gái, hay cả trai lẫn gái? Trong trường hợp này, điều đó không quan trọng. Như tất cả những người cha người mẹ khác, bạn muốn giáo dục con mình trở thành người tốt. Tuyệt vời!
Bạn có nghĩ thế nào là giáo dục một người đàn ông tốt và một người phụ nữ tốt? Trong quan hệ của bạn với con, điều gì đang điều chỉnh nhiệm vụ này?
Ví dụ, cách hành xử nào của người cha hay người mẹ mà con trẻ thấy được trong gia đình? Khi giao một nhiệm vụ nào đó cho con, thảo luận với con những tình huống khác nhau, bạn có nhận thức mình đang nói chuyện với con trai hay con gái không?
Phong cách trung tính, vốn đang rất phổ biến hiện nay, là không thể chấp nhận trong các vấn đề giáo dục.
Một người tìm đến tôi để được tư vấn, hãy gọi anh là Mikhail. Anh ấy đối xử với vợ mình như với một đối tác, và như thế, cô ấy có trách nhiệm hoàn thành những nghĩa vụ xác định nào đó.
Nói tóm lại, đây là tính cách của nhiều người đàn ông. Họ nghĩ ra một hình ảnh nào đó về người phụ nữ của mình, rồi ướm nó như một khuôn mẫu vào một hành vi cụ thể của người mình yêu. Có người muốn thấy ở người phụ nữ là một hậu phương, có người muốn thấy đó là người ủng hộ mình trong công việc, người khác lại muốn thấy đó là mẹ của những đứa con của mình,… Rõ ràng người phụ nữ không phải luôn thích ứng được với điều đó. Hơn thế nữa, không phải lúc nào cô ấy cũng hiểu bản chất của những yêu cầu như thế. Cô ấy muốn được đánh giá bằng chính những điều mình đang có, chứ không phải theo khuôn mẫu tưởng tượng nào đó áp vào mình.
Cha Mikhail là một quân nhân. Từ nhỏ, cậu con trai đã thấy mẹ mình chật vật trong việc thực hiện vai trò vợ của một sĩ quan. Bà cố gắng thích ứng với hình tượng mà người cha nghĩ ra. Và như thế, Mikhail nhận được một bài học. Bài học này đã cản trở anh rất nhiều trong việc tạo lập một gia đình của riêng mình. Anh không thấy trước mắt mình là một người phụ nữ sống động, mà luôn nhét họ vào khuôn khổ của một cái khung “đối tác”, theo anh là phù hợp nhất với đời sống gia đình.
Hiện nay anh đã bốn mươi tuổi. Hai cuộc hôn nhân tan vỡ. Về thực chất, chúng tan vỡ bởi vì anh đã “soi chiếu” mối quan hệ với người vợ dựa theo hiểu biết từ thời thơ ấu.
Không gian riêng của tâm hồn
Thông thường, chúng ta hay đồng nhất đời sống cá nhân với đời sống gia đình. Dĩ nhiên, ở đây không nói về những thay đổi, bởi đó đã là một đề tài khác, riêng biệt. Trong đời sống gia đình, con người liệu có còn không gian cho đời sống riêng tư của mình không? Người ấy có cần phải có không gian riêng không? Từ “phải” ở đây là không thể chấp nhận. Như mọi khi, ở đây tùy thuộc vào sự chọn lựa.
Có những người tin rằng: con người phải có không gian riêng, nơi không ai được phép vào. Thế nhưng, cũng có những người cho rằng: cần chia sẻ tuyệt đối mọi thứ với người mình yêu: từ chiếc giường cho đến email.
Có một phụ nữ đến gặp tôi trò chuyện, hãy gọi cô ấy là Marina. Vấn đề của Marina rất phổ biến: Cô không trò chuyện được với con gái. Con gái cô mới mười ba tuổi, nhưng không chia sẻ với cô bất cứ tâm sự gì của mình. Trong cuộc trò chuyện, tôi biết ra Marina là người nhiệt tình ủng hộ không gian riêng. Triết lý sống của cô ấy là: không gian riêng, đó là lãnh thổ của tự do mà mỗi người đều cần có để cảm thấy thoải mái.
Marina rất thích giao lưu trên các trang mạng xã hội, nhưng yêu cầu chồng và con gái không được vào trang của cô. Dễ hiểu là tài khoản của cô luôn cài đặt chế độ riêng tư với các thành viên trong gia đình, và cô luôn giữ mật khẩu riêng. Quan hệ của cô với chồng cũng không đơn giản, nhưng cô không nói với con gái điều đó. Nói chung, cô cố gắng không nói về những vấn đề của mình với con gái, huống hồ gì với chồng.
Lúc ấy mọi chuyện ra sao?
Marina đã tập cho con gái quen với việc rằng mỗi người đều cần có không gian riêng, nơi không ai được bước vào.
Một quan điểm bình thường?
Tưởng rằng hoàn toàn là thế…
Có điều, hãy nhớ đến việc cô con gái đã “phản chiếu” tuyệt vời quan điểm sống này. Cô con gái sống với suy nghĩ tin rằng những vấn đề riêng của mình thì không nên chia sẻ với bất cứ ai, trong đó có cả mẹ. Dễ hiểu là trong những gia đình như thế, mối liên hệ giữa mẹ và con gái dần dần biến mất.
Cha mẹ phải ghi nhớ rằng: Nếu họ đòi cho được một không gian cho riêng mình, thì con của họ cũng sẽ yêu cầu như thế.
Trong những gia đình tốt đẹp mà tôi biết, cha mẹ có hộp thư điện tử chung và không có bí mật gì với nhau. Nhu cầu về không gian riêng nói chung không tồn tại ở họ. Nhưng dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa cha mẹ sẽ đi cạnh nhau suốt đời, tay trong tay. Nếu có cơ hội, họ cũng sẽ tách nhau ra, chẳng hạn, người vợ đi xem bộ phim mà ông chồng không thích. Nhưng khi đi chung một nhóm bạn, tôi nghe thấy người vợ bảo chồng: “Em có tin nhắn, anh xem ai đấy” thì tôi hiểu đó là một gia đình đầm ấm mà trong đó, vợ chồng không giấu giếm gì nhau.
Có lẽ, cần phải nói nhiều hơn về không gian riêng, nhưng nếu được, thì về không gian riêng của tâm hồn, về việc con người muốn chia sẻ tâm sự của mình với người thân, hay che giấu chúng.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy nghĩ xem: Bạn có một không gian riêng cho tâm hồn mình hay không? Liệu có tồn tại những việc mà bạn không kể cho chồng (hay vợ) của mình hay không? Tại sao bạn lại làm thế? Bạn sợ điều gì?
Bạn có cho rằng nếu kể ra, mối quan hệ của bạn sẽ xấu đi hay tốt hơn? Nếu bạn xác định là xấu đi, thì xuất phát từ đâu mà bạn có suy nghĩ này?
Nếu bạn cho rằng nó sẽ tốt hơn, thì điều gì khiến bạn không thể công khai với nửa kia của mình?
Bạn có nghĩ rằng con cái đang lấy ví dụ từ bạn? Bạn có nghĩ về việc hành vi của con được định đoạt bởi tấm gương của bạn hay không, và có thể làm hỏng mối quan hệ của bạn?
Tôi không ngừng nhắc lại: mỗi người có quyền hành động theo cách mà họ cho là đúng. Nhưng luôn phải hình dung rằng: Con trẻ nhìn vào người lớn, và có khuynh hướng tiếp nhận các quy tắc tồn tại của chúng ta như những quy tắc riêng của cuộc đời chúng.
Còn việc đứa trẻ nào cũng phải có vùng trách nhiệm cá nhân, là một chuyện khác. Dĩ nhiên là thế. Vùng trách nhiệm cá nhân – đó là việc mà chính con trẻ phải tự trả lời, theo cách riêng của con. Vùng như thế trước tiên là việc học. Con trẻ phải hiểu được rằng, con học cho mình, để có thể sống bình thường trong cuộc đời này chứ không phải để cho cha mẹ, càng không phải cho thầy cô giáo. Điều quan trọng là không làm lẫn lộn không gian cá nhân và vùng trách nhiệm cá nhân.
Cần sử dụng tình yêu
Các nhà khoa học nhận thức rõ nguyên tắc này: Điều gì không được sử dụng, điều đó sẽ chết. Ví dụ, nếu con người bất động trong một thời gian dài, sau đó anh ta gần như phải học cách đi lại một lần nữa. Và nếu chúng ta không sử dụng bất kỳ bộ phận nào của não, nó cũng sẽ tự tiêu hủy vì không cần thiết. Kết luận này cũng liên quan cả đến cảm xúc của chúng ta.
Tình yêu, nếu không được sử dụng, nó sẽ chết. Điều này không chỉ liên quan đến tình yêu giữa cha và mẹ, mà cả với tình yêu đứa con của họ. Giữ gìn tình yêu không quá phức tạp: Chỉ cần sử dụng nó!
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Con của bạn có một không gian riêng cho tâm hồn hay không?
Nếu không có, thì thôi. Còn nếu có thì theo bạn, tại sao nó lại nảy sinh? Bởi vì con đã lấy ví dụ từ bạn hay bởi vì con không muốn chia sẻ những vấn đề của bản thân với cha mẹ, bởi cho rằng dẫu sao cha mẹ cũng không hiểu mình?
Con của bạn có vùng trách nhiệm cá nhân, tức là một điều gì đó mà chỉ mỗi mình trẻ có trách nhiệm hay không?
Nếu có, thì thôi. Còn nếu không, thì tại sao? Phải chăng đơn giản vì bạn không cho phép con chịu trách nhiệm về một việc gì đó (như việc học, hay đơn giản chỉ là việc dẫn chó đi dạo), luôn kiểm soát con mình?