Những phòng giam cá biệt đã được nghĩ ra để làm cho cuộc sống của tù nhân thoải mái hơn. Vào những năm 1820, người ta đã nghĩ ra phòng giam cá biệt “thoải mái” đó. Nhưng rất nhanh chóng, họ nhận ra rằng phòng giam cá biệt chính là sự tra tấn. Mọi thứ tưởng như chẳng có gì tệ hại – được sống một mình, không bị các bạn tù làm phiền, lại được cho ăn, cho uống, cho ra sân chơi,… nhưng không! Cuộc sống thoải mái lại trở thành sự tra tấn – sự tra tấn của phòng giam cá biệt.
Tại sao? Bởi vì con người không thể sống một mình. Anh ta đau khổ bởi không nhận được nguồn năng lượng từ người khác. Con người phải sống cùng nhau, và mong muốn được sống bên cạnh người mình yêu. Khi đó mới tạo thành gia đình.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Tôi nghĩ đây là bài tập đơn giản nhất trong tất cả những bài đã và sẽ được đề nghị với bạn trong cuốn sách này. Nhưng có thể đây là một trong những bài tập quan trọng nhất.
Bạn hãy trả lời những câu hỏi sau:
- Bạn có thường cảm ơn Thượng Đế (hay số phận, hoàn cảnh) về việc bạn có người yêu và có con? Nếu bên cạnh bạn không có người bạn yêu, đơn giản là vì bạn có con trai hoặc con gái?
- Bạn có nghĩ về việc có bao nhiêu tỉ người trên thế gian này đau khổ vì họ không có tình yêu, con cái?
- Bạn có nghĩ rằng một người có con, hoặc vừa có con vừa có một nửa của mình, là người được ban cho hạnh phúc, bất kể thu nhập, sự nghiệp,… của họ được định đoạt ra sao?
Trong cuộc sống bận rộn, thỉnh thoảng chúng ta cũng cần đặt cho mình những câu hỏi tương tự để không đánh mất những định hướng quan trọng nhất.
Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học hiện đại đã chứng minh rằng gia đình không chỉ quan trọng, gia đình là vô cùng hữu ích. Trong cùng một nghiên cứu với sự tham gia của các sinh viên tốt nghiệp Đại học Harvard mà chúng ta đã nói ở trên, người ta xác lập được rằng những người đánh giá cao mối quan hệ ấm áp trong gia đình, trung bình kiếm được 141.000 USD mỗi năm, nhiều hơn so với những ai không đánh giá cao và không nỗ lực gìn giữ gia đình. Một gia đình tốt đẹp, bền vững là hậu phương giúp người đàn ông và người phụ nữ cảm thấy tự do hơn, mạnh mẽ hơn trong thế giới.
Xin nhắc lại lần nữa, cha mẹ không giáo dục con cái, mà là đang giáo dục chính mình. Suốt một thời gian dài, con trẻ không có một tấm gương nào khác về tình yêu ngoài tấm gương của cha mẹ. Không có một tấm gương nào khác về gia đình ngoại trừ gia đình mà con đang sống. Con của bạn sẽ tạo dựng một gia đình tự do bằng cách lấy gia đình cha mẹ làm ví dụ, hoặc sử dụng nó như là một phản ví dụ.
Gia đình – ngôi trường của sự tương dung?
Ít ai xây dựng mối quan hệ với nửa kia của mình một cách có nhận thức. Hiếm khi ta thỏa thuận về những luật lệ mà chúng ta dự định dùng để xây dựng gia đình mình. Hầu hết chúng ta cho rằng tình yêu là một cảm xúc thiêng liêng, bất ngờ, không kiểm soát được. Vì thế, gia đình, được sinh ra bởi tình yêu, cũng phải bất ngờ và không kiểm soát được như thế.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Nếu con của bạn hơn ba tuổi, thỉnh thoảng bạn cần phải nói cho con về những gì con thích và có thể con muốn thay đổi nếp sinh hoạt trong gia đình. Hãy nói với con thật nghiêm túc. Điều đó rất quan trọng bởi vì:
Thứ nhất, con phải cảm nhận được mình là thành viên trong gia đình chứ không phải là nô lệ của người lớn. Cảm giác đó sẽ giúp phát triển trong con tinh thần trách nhiệm đối với những gì xảy ra trong gia đình.
Thứ hai, cái nhìn của trẻ có thể giúp bạn thay đổi bản thân mình nói riêng và cả mối quan hệ gia đình nói chung. Trẻ em thường gần gũi với Thượng Đế hơn, có thể nhận ra điều mà những người lớn bị mắc kẹt trong cuộc sống thường không nhận thấy.
Khi đứa trẻ được sinh ra, thật tuyệt nếu ta nghĩ rằng đứa trẻ không đơn giản là rơi vào một gia đình, mà là rơi vào một ngôi trường gia đình, vào ngôi trường của tình yêu thương (hay không có tình yêu thương).
Việc con người lớn lên trong những mối quan hệ gia đình như thế nào, và trẻ thấy tình yêu nào trong ngôi nhà của mình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiểu biết của trẻ về gia đình và tình yêu thương.
Gia đình, các mối quan hệ gia đình luôn tác động lên đứa trẻ, kể cả khi người lớn không nghĩ về điều đó và không nhận ra điều đó. “Theo các nghiên cứu”, nhà tâm lý học Shimi Kang viết, “những trẻ nào ăn cùng với gia đình dẫu chỉ năm lần một tuần, sẽ ít có nguy cơ mắc phải những thói quen ăn uống không lành mạnh, các vấn đề về cân nặng, lệ thuộc vào rượu bia hoặc ma túy. Những đứa trẻ ấy sẽ học tốt hơn so với những trẻ thường xuyên ăn ở ngoài, hay ăn một mình”(1). Bạn có hiểu không? Sự hòa hợp là điều rất quan trọng trong gia đình. Bài học về sự tương dung, hay sự hòa hợp, rất quan trọng đối với con trẻ.
(1) Shimi Kang, sách đã dẫn, tr.53.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy nghĩ xem bạn sẽ làm điều gì cùng với gia đình. Ăn trưa? Đi cắm trại? Cùng giải trí? Hay đơn giản là tụ tập vào mỗi tối để nói chuyện?
Nếu những việc làm cùng nhau còn ít, hãy nghĩ đến việc tăng số lượng lên. Điều đó không chỉ cần thiết cho các hoạt động bình thường của gia đình, mà trước hết nó cần thiết cho chính đứa con của bạn. Nó giúp ích cho việc hình thành trong con trẻ những nét tính cách, kỹ năng sinh tồn, mà trẻ sẽ không cách nào có được nếu không có những hoạt động chung thực hiện cùng cha mẹ.
Gia đình – ngôi trường đấu tranh với sự cô đơn?
Gia đình là tuyệt vời và kỳ diệu. Tưởng như điều đó là hiển nhiên. Ấy vậy mà…
Một linh mục Công giáo kể cho nhà văn Alexander Dumas “con” nghe rằng trong số một trăm phụ nữ trẻ thì hết tám mươi thú nhận tại các cuộc xưng tội một tháng sau khi lấy chồng rằng họ vỡ mộng trong hôn nhân. Đó là thế kỷ 19.
Càng về sau, tình hình càng tệ hơn. Thế giới của chúng ta đang trở nên cô đơn. Một nghiên cứu về sự cô đơn diễn ra tại Đại học California ở Los Angeles đã chỉ ra rằng gần 30% người Mỹ cảm thấy cô đơn. Cứ ba người thì có một người cảm thấy như thế. Đó là thế giới mà con trẻ của chúng ta đang hướng đến. Gia đình có thể là ngôi trường đấu tranh với sự cô đơn, mà cũng có thể là ngôi trường của sự cô đơn. Điều đó còn tùy thuộc vào chúng ta, những người lớn. Trong chương trình của tôi, Дежурный по стране (tạm dịch: Người trực đất nước), Mikhail Mikhailovich Zhvanetsky(2) đã nói: “Cảm giác rằng cuộc sống gia đình sẽ tiêu diệt sự cô đơn là giả dối. Thực tế, chính trong gia đình, nỗi cô đơn mới thật sự bắt đầu”.
(2) Дежурный по стране (tạm dịch: Người trực đất nước): Một chương trình hài hước, châm biếm chính trị, thảo luận về những vấn đề thời sự Nga và thế giới do tác giả sách, người dẫn chương trình truyền hình Andrey Maksimov cùng Mikhail Zhvanetsky, nhà văn trào phúng Nga, nghệ sĩ, tác giả kịch bản phụ trách, phát sóng hàng tháng trên kênh Rossia-1, kể từ năm 2002. (ND)
Gia đình là gì?
Tôi không biết. Nhưng tôi biết câu hỏi “Có nên gìn giữ gia đình vì con?” thì rất thời sự. Tôi thường được đặt cho câu hỏi này trong các giờ thuyết giảng. Người ta cũng đến chỗ tôi để tìm câu trả lời cho nó. Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta hãy suy nghĩ: “Thực tế, chúng ta hình dung gia đình là gì khi bàn luận về việc gìn giữ nó?”.
Nhà tâm lý học người Mỹ John Welwood đã có những lời đáng kinh ngạc: “Mối liên hệ sâu sắc với người khác đã lôi kéo chúng ta ra khỏi chính mình. Những ranh giới của chúng ta bắt đầu đánh mất sự vững chắc vốn có. Khi tôi tan chảy trong sự nồng ấm của đôi tay người yêu dấu, tôi kết thúc ở đâu và nàng bắt đầu từ đâu?”(3).
(3) John Welwood, sách đã dẫn, tr. 45.
Những lời tuyệt đẹp, phải không? Thực tế nó rất chính xác.
Trẻ em thấy gì trong gia đình mình? Một cộng đồng dựa trên tình yêu thương? Những con người hòa lẫn vào nhau nhưng vẫn gìn giữ được cá tính của mình? Hay những ông bố bà mẹ mải trách móc nhau, những người về thực chất chẳng liên hệ gì với nhau, ngoài những thói quen và một nghĩa vụ nào đó chưa rõ ràng đến tận cùng? Sự hiểu lầm và mâu thuẫn giữa cha mẹ xảy ra trong mỗi gia đình. Và đa số người lớn cố giữ cho con cái mình khỏi những rắc rối này.
Điều đó không đúng sao?
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Nếu trong gia đình bạn xảy ra xung đột, hãy thử trò chuyện với con về việc làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này. Nói chuyện với con như đang trò chuyện với bạn bè của mình.
Nếu mối quan hệ giữa bạn với trẻ là đáng tin cậy, tôi đoan chắc rằng bạn có thể biết thêm được điều gì đó hoàn toàn mới, bất ngờ mà trước đây bạn chưa từng biết – về bản thân, về đời sống gia đình, và cả về con mình. Còn con sẽ có cảm giác tôn trọng bản thân, cảm nhận được trách nhiệm của bản thân đối với đời sống gia đình.
Nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện khi mối quan hệ giữa bạn với con là đáng tin cậy, khi bạn không sợ sự chân thành của con và con trẻ không sợ phải thẳng thắn với bạn.
Ở đây, dĩ nhiên không có một câu trả lời đơn nhất. Không để con trẻ phải chứng kiến những cuộc cãi vã của cha mẹ hay lắng nghe ý kiến của chúng về vấn đề này, thậm chí lời khuyên của chúng, là lựa chọn riêng của mỗi cặp cha mẹ.
Chúng ta có cảm tưởng rằng chúng ta không lôi kéo con trẻ vào những cuộc cãi vã. Chúng ta cứ ngỡ mình đang giữ cho con thoát khỏi những rắc rối không cần thiết. Nhưng chúng ta không thể giấu được các xung đột. Con trẻ sống với chúng ta trong cùng một không gian; và chúng thấy, cũng như cảm nhận được tất cả.
Thật tuyệt vời nếu cha mẹ lắng nghe ý kiến của con, thậm chí có thể xem xét những lời khuyên của con và thay đổi mối quan hệ gia đình, khiến mối quan hệ trở nên hài hòa hơn. Còn nếu không được thế? Hoặc là vì cha mẹ không coi trọng ý kiến của con, hoặc gia đình đang ở trong tình trạng mà mọi sự kết nối đều không thể?
Gìn giữ gia đình vì con?
Trước câu hỏi “Có nên gìn giữ gia đình vì con?”, một lần nữa, các bậc cha mẹ phải tự tìm câu trả lời cho mình. Lời đáp phụ thuộc vào từng hoàn cảnh. Không có lời khuyên nào được xem là chân lý tuyệt đối. Theo tôi, vấn đề này tự thân nó đã khơi dậy những suy nghĩ nghiêm túc và hữu ích.
Hãy thử đặt câu hỏi theo một hướng khác. Không phải “Có nên gìn giữ gia đình vì con?” mà là “Chúng ta muốn trao lại cho con bài học gì thông qua cuộc sống của chính gia đình mình?”. Có những gia đình giống như phòng biệt giam. Mọi người sống chung với nhau, nhưng thực chất mỗi người đều sống cuộc sống riêng của mình. Trong khi có những gia đình giống như một cộng đồng, nơi mọi người giúp đỡ nhau, người lớn và trẻ em cảm nhận được nhau.
Chúng ta gìn giữ cái gì và gìn giữ để làm gì?
Kiểu gia đình nào đang được phản chiếu trong tấm gương của con?
Con sẽ rút ra được bài học nào từ tình huống xung đột của gia đình?
Bài học lừa dối và không thành thật, hay bài học về việc người ta êm thắm chia tay vẫn giữ sự tôn trọng lẫn nhau?
Dù cha mẹ trả lời như thế nào cho câu hỏi “Có nên gìn giữ gia đình vì con?”, thì họ phải luôn nhớ rằng trẻ nhỏ vốn gần với Thượng Đế hơn người lớn, và căm thù bất cứ sự giả dối nào. Khi bạn nói về việc gìn giữ gia đình, có phải bạn đang nói về một cộng đồng, hay đơn giản chỉ là hai “phòng biệt giam” dưới một mái nhà? Nếu một bên cán cân là mối quan hệ giả dối đến tận cùng của cha mẹ, thì cán cân bên kia sẽ là gì? Bạn có nghĩ rằng cái cán cân kia cần thiết cho con bạn không? Dựa vào đâu mà bạn đưa ra kết luận như thế?
Một người phụ nữ tìm đến tôi để xin tư vấn. Cô ấy cho biết mối quan hệ giữa cô với chồng đã trở nên xấu đi, mỗi người đều cố xây dựng cuộc sống riêng của mình. Con của họ mười tuổi, và họ cố gắng cho con thấy dường như mối quan hệ giữa họ vẫn bình thường, dù họ ngủ ở những phòng khác nhau. “Thế rồi có một lần”, cô ấy kể, “khi cuộc cãi vã bùng phát, và chúng tôi cố hết sức để kiềm chế nó, thì con trai chúng tôi đã nói ‘Con mong ba mẹ đừng chia tay, con cầu xin ba mẹ đó. Con không quan tâm đến chuyện gì xảy ra giữa ba mẹ, nhưng khi trở về nhà, con muốn gặp cả ba và mẹ’. Mối quan hệ giữa tôi và chồng sau đó vẫn không được cải thiện, nhưng đã bớt sóng gió hơn. Chúng tôi không còn giằng co nhau nữa, hiểu rằng mình không thể chia tay. Kết quả là chúng tôi chỉ ly hôn sau khi con chúng tôi tốt nghiệp trung học”.
Bạn có nghĩ gia đình là ngôi trường của tình yêu thương? Bởi qua đó trẻ sẽ hiểu được thế nào là tình yêu thương, thế nào là mối quan hệ giữa người đàn ông và người đàn bà ngay từ chính gia đình mình. Một đề tài quan trọng, phải không? Chúng ta sẽ nói về đề tài này tiếp sau đây.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bài tập này chỉ dành cho những ai đang đọc cuốn sách này và có suy nghĩ về việc giữ gìn gia đình. Đây không hẳn là bài tập, mà đúng hơn là một lời khuyên. Bạn có thể làm theo, hoặc quên nó đi.
Dù quyết định bạn đưa ra có khắc nghiệt thế nào, đừng cố làm gì mà không bàn luận với con. Tuyệt đối sai lầm nếu đưa ra quyết định nào đó có liên quan trực tiếp đến con mà không hỏi ý kiến của bé. Điều đó không đúng vì:
- Thứ nhất, đứa trẻ cũng là một cá nhân, cũng có cái nhìn riêng của mình về những gì đang diễn ra.
- Thứ hai, con trẻ phải chia sẻ trách nhiệm với tất cả những gì xảy ra trong gia đình, vì đó cũng là gia đình của con.
Theo đó, lời khuyên của tôi hết sức đơn giản là: Đừng sợ tham khảo ý kiến của con, ngay cả khi nói về những vấn đề nặng nề, hoàn toàn liên quan đến người lớn.