Người cha người mẹ yêu thương con là người biết đặt mình vào vị trí của con trẻ.
Bạn mắng con vì con mang về điểm hai?
Tuyệt lắm. Hãy nhớ, bạn cảm thấy thế nào khi bị trách móc vì mang về nhà ít tiền hay nấu bữa ăn không ngon?
Bạn bắt trẻ đứng trong góc?
Rất tốt. Hãy tưởng tượng bạn cảm thấy thế nào khi đứng quay mặt vào tường?
Bạn mắng con về việc nó đi ngủ trễ?
Hay lắm. Thế bạn cảm thấy ra sao khi chồng/vợ buộc bạn đi ngủ khi những việc quan trọng còn chưa làm xong, hay trận bóng đá gay cấn còn chưa kết thúc?
Trong một buổi giảng của tôi, có một người đàn ông đứng lên và đặt câu hỏi rất nghiêm túc: “Khi con trai tôi mang điểm ba từ trường về, để dạy con, tôi đã lấy dây nịt quất vào mông nó ba cái; nếu điểm hai thì sáu cái; còn nếu bị lời phê xấu trong vở, năm cái. Tôi làm có đúng không?”.
“Tuyệt đối đúng”, tôi đáp, và bắt gặp cái nhìn ngơ ngác của những cử tọa khác. “Nhưng với một điều kiện. Khi vợ ông nấu bữa ăn dở tệ, bà sẽ bị sáu roi; còn nếu bữa ăn không ngon lắm, ba roi. Và nếu ông mang tiền về nhà ít, thì còn chờ gì nữa, bốn roi cũng cùng chỗ đó. Có bà nội không? Có à. Nếu bà ấy dạy cháu theo cách mà ông cho là không đúng, bà ấy cũng sẽ bị quất bằng dây nịt! Khi đó, mọi thứ sẽ đúng đắn và công bằng. Đơn giản đó là gia đình, tất cả nhất thiết phải phạt roi như nhau…”.
Đùa thế thôi, dẫu sao thì cũng có một cách thức hay ho để hiểu. Có cần phải hành động với trẻ như thế hay không? Để làm điều đó, cần phải đặt cho mình câu hỏi “Bạn có hành xử như thế với những thành viên trưởng thành của gia đình – vợ, chồng, mẹ bạn – hay không?”.
Bạn la mắng trẻ, bởi vì nó chạy chơi ngoài đường không đội mũ?
Được thôi! Bạn có mắng chồng/vợ vì điều đó không?
Bạn đuổi trẻ đi ngủ mà không cho nó xem hết bộ phim?
Tốt! Chỉ cần nghĩ xem chồng bạn phản ứng thế nào nếu anh ấy ở vào vị trí của con.
Bạn cho con ăn những thức ăn có lợi cho sức khỏe, theo quan điểm của bạn, mà không quan tâm gì đến việc nó có ngon hay không?
Tuyệt! Hãy thử kéo dài cuộc hôn nhân của bạn, nếu bạn cho chồng mình ăn theo đúng công thức đó.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy nghĩ về những điều bạn vừa đọc như là bài tập thực hành.
Nếu muốn làm bạn với con mình, hãy cố gắng làm sao để chuẩn mực – “Tôi có làm như thế với những thành viên khác trong gia đình không?” – trở thành thói quen của bạn.
Tôi cam đoan với bạn rằng, phương pháp này, cách tiếp cận đơn giản này sẽ cải thiện đáng kể mối quan hệ của bạn với thế hệ mới lớn.
Nỗi sợ hay tình yêu?
Nếu thẳng thắn nhìn cách nhiều người trong chúng ta giao tiếp với con mình, có thể đưa ra một kết luận không dễ chịu nhưng hiển nhiên: Yêu thương con thật sự, tức là đặt mình vào vị trí của con, còn phức tạp hơn việc dạy dỗ con trong sự sợ hãi.
Rất nhiều bậc cha mẹ cương quyết rằng bất cứ chỉ thị nào của họ đều phải được thực hiện nhanh chóng, không cần những cuộc trò chuyện thừa thãi. Bằng cách đó, nỗi sợ hãi được sinh ra.
Konstantin Ushinsky vĩ đại đã nhận xét rất đúng: “Tác động mang tính sư phạm của nỗi sợ hãi rất đáng ngờ. Nếu quả là có thể sử dụng nó, thì phải hết sức thận trọng, luôn phải hình dung rằng sự can đảm chính là năng lượng sống của tâm hồn”(1).
(1) Konstantin Dmitrievich Ushinsky, sách đã dẫn, tr. 121.
Giáo dục con trong nỗi sợ hãi thường trực rất tiện lợi. Nhưng bằng cách đó, chúng ta đang dạy dỗ một người nô lệ. Tình yêu thương giúp sinh ra năng lượng sống trong đứa trẻ, còn nỗi sợ hãi thì hủy diệt nó.
Giao tiếp với trẻ cũng là bài kiểm tra nghiêm túc đối với người lớn: Chúng ta biết lắng nghe người khác, tiếp thu và hiểu biết họ, được bao nhiêu.
Nếu nỗi sợ hãi, chứ không phải tình yêu, là vũ khí chính của bạn trong mối quan hệ với con, nghĩa là thẳm sâu trong bạn có điều gì đó không ổn, đúng thế không? Konstantin Ushinsky cũng nói thêm: “Đa phần trẻ con bị trừng phạt vì những việc mà lẽ ra phải trừng phạt cha mẹ hay những người giáo dục trẻ”(2). Nếu được phép, tôi sẽ treo những lời này trong mỗi căn hộ.
(2) Konstantin Dmitrievich Ushinsky, sách đã dẫn, tr. 127.
Nỗi sợ hãi trong giáo dục con trẻ xuất phát từ sự bất lực của chính các bậc cha mẹ. Nếu con bạn sợ bạn, đó là dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối trong vai trò cha mẹ lẫn trong bản thân con người bạn. Làm gì trong tình huống này đây? Phải tuyệt đối nghiêm cấm bản thân có bất cứ hành động, hay lời nói nào có thể khiến trẻ sợ hãi. Và hãy cố gắng yêu thương. Để bắt đầu, hãy tập trung vào chính con của mình.
Yêu thương?
Hãy tập trung vào người khác!
Vì chúng ta tin rằng cần phải giáo dục con trẻ, nên chúng ta lúc nào cũng làm gì đó với con mình. La mắng hoặc khen ngợi; sắp xếp cho chúng thời gian rỗi hoặc trừng phạt; hỏi gì đó hoặc đôi khi kể lại gì đó.
Điều đó có đúng không?
Rõ ràng chẳng có gì sai trái trong việc cha mẹ giao tiếp nhiều với con cái.
Nhưng tại sao với các thành viên lớn tuổi khác trong gia đình, chúng ta ít giao tiếp với họ hơn?
Trẻ nhỏ còn là giáo viên của chúng ta trong việc giao tiếp với những người gần gũi. Chúng buộc ta phải tập trung vào những người mà chúng ta đã quen thuộc.
Theo tôi, không có (đúng hơn là không được có) những quy luật riêng biệt, đặc biệt nào trong giao tiếp với trẻ em. Trẻ không phải là một sinh vật đòi hỏi được giáo dục đặc biệt, mà là một thành viên của gia đình, ít nhất có thể liên kết gia đình trong một mối giao tiếp có ích và thú vị.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy viết ra những khác biệt trong mối quan hệ giữa bạn với con và quan hệ giữa bạn với chồng/vợ mình – ngoài những cái hiển nhiên, như: với vợ/chồng, bạn có quan hệ tình dục, với con thì không; vợ nấu ăn, chồng mang tiền về, con đi học ở trường,… Ở đây chúng ta không nói về những điều này, mà là những khác biệt có tính nguyên tắc trong mối quan hệ, sự khác biệt trong giao tiếp với họ. Bạn có cởi mở với con không? Có khoan dung với con không? Ít tự nhiên hơn?,… Càng ít những khác biệt này, bạn càng có cơ hội trở thành người bạn của con.
Trong các gia đình, người ta nói về việc thiếu quan tâm, trước tiên hãy nghĩ đến việc không tập trung đủ vào người khác. Câu nói “Họ hiểu nhau với chỉ nửa lời” là một đánh giá tích cực, rằng những người thân thiết hiểu nhau rất rõ. Phải thế không?
Đôi khi đúng như thế. Nửa kia đã học thuộc phản ứng của bạn đời mình, đã hiểu, ai sẽ nói gì trong tình cảnh đó, và ai sẽ trả lời gì cho câu nói đó.
Người ta cứ sống như thế, và rồi đứa bé xuất hiện.
Trẻ con luôn thay đổi. Nếu sự thay đổi của người lớn là một tiến trình lâu dài, phức tạp, thì trẻ con thay đổi thường xuyên. Trẻ nhỏ thì thay đổi từng ngày.
Chúng ta không thể hiểu con nếu không nhận biết những đổi thay này. Muốn hiểu những thay đổi mà không tập trung vào con là một việc làm vô vọng.
Chúng ta biết điều khiển sự chú ý của mình, mặc dù chúng ta thường quên đi kỹ năng này. Chẳng hạn như, một người ngắm biển có thể dễ dàng chuyển sự chú ý của mình từ việc chiêm ngưỡng làn nước trải rộng vô tận sang việc nhìn người đang tắm biển. Sự chú ý của chúng ta tuân phục chúng ta.
Và đây là sự lựa chọn của chúng ta. Hoặc chúng ta cao ngạo bảo con: “Đừng xen vào, đây không phải việc của con”, hoặc tập trung chú ý vào việc đứa trẻ muốn ta biết điều gì. Nếu đứa trẻ không còn để ý đến việc cha mẹ không quan tâm đến bé nữa, đó là dấu hiệu cho thấy con đã “lớn khôn”. Nó hiểu người ta không nên thành thật, và vì sự chân thành có thể bị trừng phạt!
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bài tập này không khó, cho phép bạn hiểu bản thân bạn đã thay đổi thế nào theo thời gian.
Đầu tiên, hãy lập một bảng câu hỏi, gắn thái độ của bạn vào những sự kiện quan trọng nhất trong đời mình:
- Tôi nghĩ điều gì có giá trị nhất trong đời mình?
- Tôi sợ mất điều gì nhất?
- Tôi sợ điều gì nhất?
- Điều gì làm tôi hạnh phúc nhất?
- Tôi quan niệm thế nào về tình yêu? Về gia đình? Về bạn bè? Về đồng tiền? Về du lịch?,…
Sau đó, trả lời những câu hỏi này theo cách bạn đang suy nghĩ như hiện nay, mười năm trước, hai mươi năm trước hay bao nhiêu cũng được.
Hãy tập trung vào chính mình. Vào những thay đổi nội tâm của mình. Điều đó sẽ giúp bạn sống tỉnh thức hơn.
Những câu hỏi này bạn cũng có thể đặt ra cho đứa con ba - bốn tuổi của mình. Câu trả lời sẽ giúp bạn tập trung vào con, hiểu hơn những thay đổi của con.
Yêu thương?
Hãy quan tâm đến người khác!
Đối với trẻ nhỏ, điều các bé quan tâm là sự chú ý của cha mẹ hướng về đâu khi đôi bên trò chuyện cùng nhau – vào bản thân con, những vấn đề của con, hay cha mẹ chỉ thể hiện nhiệt huyết giáo dục của mình.
Trẻ chỉ cảm nhận được tình yêu của cha mẹ khi họ thật sự quan tâm đến trẻ, chứ không phải để thể hiện những hiểu biết và kỹ năng sư phạm của mình. Nếu đứa trẻ nhận thấy khi giao tiếp với người khác, cha mẹ chúng thường xuyên thể hiện bản thân, thì trong tiếp xúc với em, làm sao những điều ấy lại không thể diễn ra. Nói một cách đơn giản, yêu một đứa trẻ, đó là trò chuyện với bé.
Tôi không ngừng lặp lại rằng “giao tiếp” và “tương giao” có cùng một gốc từ. Trong cuốn sách về giao tiếp của tôi Общение в поисках общего (tạm dịch: Giao tiếp để tìm sự tương giao)(3), tôi đã nói về những cuộc trò chuyện như vậy, khi cha mẹ không quá chăm chú vào việc giáo huấn con cái, mà là cố tìm điểm chung với con mình.
(3) Theo tác giả, danh từ “giao tiếp” (“общение”) cùng gốc với tính từ “chung, cộng đồng” (“общее”). Để Việt hóa và thể hiện được ý tác giả, chúng tôi tạm dịch từ ”общее” thành “tương giao”. (ND)
Các nhà khoa học đã chứng minh để trẻ học nói nhanh, cần có “những cuộc trò chuyện mỗi ngày để động viên trẻ… Tự nhiên đã lập trình việc học hỏi ngôn ngữ của chúng ta phải được thực hiện thông qua những mối quan hệ xã hội. Các màn hình vi tính, thậm chí với các loại có tương tác đi nữa, cũng không thể thỏa mãn những mối quan tâm của trẻ em. Trong cuộc trò chuyện sống động, chúng ta mới có cơ hội theo đuổi những đề tài muốn thảo luận với con mình”(4).
(4) Kathy Hirsh-Pasek, Roberta Golinkoff, Diane Ayer, Эйнштейн учился без карточек. Как на самом деле учатся наши дети и почему им нужно больше играть, чем зубрить (tạm dịch: Einstein học không cần thẻ. Trẻ em của chúng ta thật sự học thế nào và tại sao chúng cần chơi nhiều hơn là học vẹt), M., Eksmo, 2014, tr. 121.
Trẻ em học ngôn ngữ (cả bản ngữ lẫn tiếng nước ngoài) tốt nhất thông qua giao tiếp trực tiếp, điều đó là hiển nhiên. Trên thực tế, việc lĩnh hội bất kỳ kiến thức nào thông qua hội thoại với cha mẹ là điều tốt nhất. Dĩ nhiên ở đây không chỉ nói về hóa học, vật lý, toán học, mà còn về những điều chính yếu: kiến thức về các quy luật trong cuộc sống con người, về giao tiếp giữa con người với nhau, và về việc giao tiếp của con người với chính mình.
Tình yêu của chúng ta với con trẻ còn được thể hiện ở việc chúng ta đối thoại với trẻ. Nếu cuộc trò chuyện được tiến hành nghiêm túc và thông minh, nó có thể mở ra nhiều thứ cho chúng ta, những người lớn.
Nhiều bậc cha mẹ quan tâm đến việc dạy con mình nói chuyện thành thạo và giỏi giang, nhưng ít ai nghĩ rằng chính trong gia đình, đứa trẻ sẽ nhận được những kỹ năng giao tiếp đầu tiên. Đứa con sẽ học được sự giao tế toàn diện với sự giúp đỡ của cha mẹ.
Bạn sợ thảo luận với con trẻ về những vấn đề nghiêm túc ư? Chẳng hạn như, người ta sống để làm gì? Tại sao phải học ở trường, và những kiến thức nhân loại nào có thể nhận được thông qua cuộc trao đổi với giáo viên? Điều gì liên kết hai người trong một gia đình? Sự khác nhau trong mối giao tiếp giữa những người thân thuộc và những người không thân thuộc?
Ai bảo rằng trẻ em chưa đủ lớn để bàn luận về những đề tài nghiêm túc này? Bạn đã thử thảo luận với trẻ về các vấn đề này chưa, hay đây chỉ là kết luận tiên nghiệm của bạn?
Khi cuộc nói chuyện với con biến thành màn răn dạy, thì trẻ có thể học về sự giao tiếp ở đâu và bằng cách nào? Ngoài cha mẹ, ai có thể giúp con trẻ hiểu rằng giao tiếp là một quá trình vui vẻ và sâu sắc?
Yêu thương?
Hãy để mình được sinh ra lần nữa
Nhà tâm lý học nổi tiếng Erich Fromm(5) nhận xét: “Trong tình yêu giữa đàn ông và đàn bà, mỗi người trong họ đều được sinh ra lần nữa”(6). Khi chúng ta yêu, chúng ta đang nhận biết về nhau. Tình yêu càng sâu sắc, nhận thức càng đầy đủ. Với chúng ta, kết luận đó tuyệt đối hiển nhiên. Nhưng chúng ta có hiểu rằng điều này cũng đúng trong mối quan hệ với các con?
(5) Erich Fromm (1900 - 1980): Nhà tâm lý học xã hội, nhà phân tâm học, nhà xã hội học người Đức. (ND)
(6) Eirch Fromm, Искусство любить (tạm dịch: Nghệ thuật yêu). SPb.: Azbuka, 2002, tr. 105.
Yêu con không có nghĩa là lấp đầy trẻ bằng những hiểu biết (người lớn) của mình.
Yêu con là phải nhận thức về con.
Nhà sư phạm vĩ đại Konstantin Ushinsky chứng minh: “Trẻ em lớn lên mỗi ngày, và phát triển nhanh đến nỗi hai hay ba tháng trong đời một đứa trẻ sáu tuổi mang lại nhiều thay đổi cho tâm hồn và cơ thể của bé nhiều hơn cả một năm trong độ tuổi từ mười đến mười lăm”(7).
(7) Konstantin Dmitrievich Ushinsky, sách đã dẫn, tr. 302-303.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Nhà tâm lý học Shimi Kang nhận định lời khen ngợi hay nhất, tuyệt vời nhất, được mong muốn nhất của con người đó là câu: “Bạn đã làm cho thế giới này trở nên tốt hơn”.
Một ý nghĩ tuyệt vời!
Bạn có bao giờ nói lời này với con của mình? Có lúc nào bạn nghĩ rằng đứa trẻ đã làm cho thế giới của bạn trở nên tốt hơn? Tốt hơn như thế nào và tại sao?
Tôi cam đoan với bạn rằng bản thân cái nhìn này đã tạo điều kiện cho tình yêu của bạn với con trẻ được củng cố thêm.
Tôi không ngừng lặp lại những lời của Seneca(8) vĩ đại: “Tôi sẽ chỉ ra một loại thuốc mê không có chất độc nào, không có thảo mộc, không có phép thuật của phù thủy. Nếu bạn muốn được yêu thương, bạn hãy yêu thương”(9). Nếu bạn, các bậc cha mẹ, muốn con yêu thương mình, hãy yêu con. Bạn có hiểu không? Ở đây nói về tình yêu, chứ không phải về giáo dục, không phải về việc truyền đạt kinh nghiệm… mà là về tình yêu!
(8) Lucius Annaeus Seneca (4 TCN - 65): Triết gia người La Mã thuộc trường phái triết học khắc kỷ, đồng thời là chính khách, nhà biên kịch, nghệ sĩ hài. (ND)
(9) Lucius Annaeus Seneca, Нравственные письма к Луцилию (tạm dịch: Những cánh thư đạo đức gởi Lucilia), SPb.: Azbuka, 2013, tr. 42.