Cuốn sách viết về những vấn đề giáo dục của tôi trước đây có nhan đề Родители как враги (tạm dịch: Cha mẹ như kẻ thù). Tại các cuộc gặp với độc giả, họ thường hỏi tôi: “Có lẽ ông viết về những bậc cha mẹ xấu, về những người không yêu con mình thì phải?”. “Không”, tôi đáp. “Về những người đó có gì để viết? Như một nhà thơ đã nói ‘Người như thế tôi không muốn đưa vào sách’. Tôi viết về những ông bố bà mẹ tin rằng họ yêu con mình, về những người nuôi con ăn, cho con mặc, luôn kiểm tra từng bước đi của con rồi… hủy diệt.”
Vậy, yêu thương con, điều đó có nghĩa là gì?
Theo tôi, không có câu trả lời nào duy nhất. Bất cứ bậc cha mẹ nào, khi trả lời câu hỏi “Ông (bà) có yêu con không?”, họ đều đáp rằng: “Dĩ nhiên rồi! Làm sao có thể khác? Tại sao ông lại hỏi điều hiển nhiên như thế?”.
Nhưng có ai hiểu tiêu chí của tình yêu này không?
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bạn có yêu con của bạn không?
Tôi tin độc giả cuốn sách này sẽ đáp rằng “Dĩ nhiên”.
Rất tốt.
Và con trẻ cũng yêu bạn chứ?
Tuyệt vời!
Vậy giờ xin mời bạn trả lời, tình yêu của bạn dành cho con và tình yêu của con dành cho bạn ảnh hưởng như thế nào đến bạn? Cụ thể nó đã thay đổi điều gì ở bạn?
Bạn đã thay đổi ra sao trước tình yêu dành cho con? Không thay đổi gì cả à? Vậy thì trên thực tế chẳng có tình yêu nào cả.
Cuộc sống bắt đầu từ tình yêu
Đa số các nhà khoa học đều đồng ý rằng tình yêu mà đứa trẻ có được vào thời thơ ấu sẽ là nền tảng vững chắc và mạnh mẽ cho cuộc sống tương lai. Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Carl Rogers, một trong những nhà sáng lập tâm lý học nhân văn, đã viết: “Trẻ em… bắt đầu cảm nhận mình là một đối tượng tâm lý, và một trong những yếu tố cơ bản nhất ở đây là trẻ cảm nhận mình là một người được thương yêu”(1). Nói cách khác, con người phải bắt đầu cuộc sống với cảm nhận rằng mình được yêu thương và thấu hiểu. Không phải dạy dỗ, không phải chỉ bảo họ sống ra sao, mà là yêu thương và thấu hiểu.
(1) Carl Rogers, Гуманистическая психология: теория и практика (tạm dịch: Tâm lý học nhân văn: Lý luận và Thực tiễn), M.: Voronhezh: Đại học Tâm lý Xã hội Moskva; NXB Viện Hàn lâm Giáo dục Nga, 2013, tr. 345.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Shefari Tsabary đưa một lời khuyên chính xác: “Nếu bạn hiểu rằng bạn không thể không chú ý đến việc hành xử của trẻ và không phải phản ứng bằng cách nào đó, thì hãy hỏi mình ‘Điều gì thôi thúc tôi làm thế – những nhu cầu của riêng tôi và những vấn đề nội tại không thể giải quyết, hay là mong muốn hỗ trợ đứa trẻ?’”(2).
(2) Shefari Tsabary, sách đã dẫn, tr. 359.
Thông thái không? Chắc chắn rồi!
Chỉ đơn giản thế thôi ư?
Về lý thuyết thì vâng, còn thực tế…
Trên thực tế, chẳng ai quấy rầy chúng ta hành động như Tsabary khuyên, cả chúng ta không đặt ra cho mình câu hỏi đó đơn giản là vì nó không đến trong đầu chúng ta.
Nếu như các bậc cha mẹ tập quen với việc trước khi đưa ra bình luận nào đó với con mình, phải công bằng tìm hiểu xem họ bị thôi thúc bởi những khát vọng riêng hay họ muốn giúp đỡ con, để con người nhỏ bé ấy có thể tin rằng em được yêu thương. Tình yêu của cha mẹ không thể hiện ở chỗ họ hoàn thành các nhiệm vụ cho ăn, cho uống, thay quần áo, kiểm tra bài tập về nhà,… mà là ở chỗ họ cố hiểu con mình, biết đặt mình vào vị trí của con. Hãy tưởng tượng bạn phải đứng quay mặt vào tường. Hãy tưởng tượng ai đó đang la mắng bạn vì bạn không làm một việc gì đó. Hãy tưởng tượng bạn không được xem đá bóng bởi sáng mai phải dậy sớm. Hãy tưởng tượng bạn bị bắt ăn thức ăn chẳng ngon lành gì chỉ vì nó có ích.
Những đứa con trai của mẹ – những người thành đạt
Các nhà khoa học của Đại học Harvard trong 75 (!) năm đã dõi theo cuộc đời của 268 sinh viên tốt nghiệp đại học danh tiếng này. Họ đã làm sáng tỏ nhiều điều trong cuộc nghiên cứu quy mô này. Nhưng nói chung, họ đi đến kết luận như sau: Những người đàn ông mà thời ấu thơ có mối quan hệ tốt với mẹ, trung bình mỗi năm kiếm được 87.000 USD, nhiều hơn những người không được thuận thảo.
Bạn có hiểu vấn đề ở đây là gì không? Những cậu con trai của mẹ lớn lên sẽ trở thành người thành đạt hơn những ai không cảm nhận được tình yêu của mẹ. Cụm từ “con trai của mẹ” thường được hiểu là những chàng trai sống theo sự chỉ dẫn của mẹ, là những người không được mẹ họ cho quyền được độc lập, tự do. Nhưng đối với tôi, “con trai của mẹ” là người tin vào mẹ mình và luôn cảm nhận được sự bảo vệ của bà.
Tôi đã tự kiểm chứng bằng chính mình trước kết luận của các nhà khoa học Harvard. Về thành công của bản thân, tôi không thể nói gì, nhưng tôi rất tự hào về việc mình là đứa con trai của mẹ.
Tôi có một người mẹ tuyệt vời Antonina Nikolayevna. Tình yêu, sự thấu hiểu của bà là điều tôi luôn cảm nhận và tiếp tục cảm nhận kể cả bây giờ, dù bà ra đi đã được mười năm. Tôi biết dù có việc gì xảy ra trong đời, tôi vẫn sẽ luôn được bà che chở. Bà luôn hiểu tôi. Và nếu bà trách mắng tôi, dĩ nhiên luôn có căn nguyên, nên tôi không có cảm giác bất công, tôi không cảm thấy mình bị xúc phạm.
Cảm giác được bảo vệ đó tiếp tục giúp tôi khắc phục những trở ngại khác nhau, kể cả những trở ngại gay go tưởng như không thể vượt qua. Nó giúp tôi đưa ra quyết định, tưởng là không logic từ quan điểm bình thường của cuộc sống nhưng lại rất cần thiết cho riêng tôi. Đã vài lần tôi tự nguyện nghiêm túc thay đổi cuộc sống của mình. Chẳng hạn như, khi đã trưởng thành, là một nhà báo uy tín, tôi bắt đầu tham gia công tác đạo diễn sân khấu. Hay khi đã chín chắn hơn, tôi bắt tay vào nghiên cứu tâm lý học, mặc cho sự nghiệp thành công trong lĩnh vực truyền hình. Sẽ không thể xảy ra những điều như thế nếu ngày bé tôi không cảm nhận được sự chở che của mẹ và không có những bài học thông thái của bà.
Yêu thương là bảo vệ
Nhà khoa học vĩ đại, người chuyên nghiên cứu những bí mật của đại dương Jacques Yves Cousteau(3) đã nói: “Họ luôn bảo vệ những gì mình yêu”. Hỡi ôi, chúng ta thường quên rằng điều đầu tiên con trẻ cần không phải là dạy dỗ, mà là sự bảo vệ.
(3) Jacques Yves Cousteau (1910 - 1997): Nhà thám hiểm, nhà sinh thái học, nhà làm phim, nhà nghiên cứu đại dương. Ông cũng đồng thiết kế thiết bị lặn biển vào năm 1943. Để vinh danh Cousteau, tên ông đã được đặt cho một gờ rìa trên sao Diêm Vương. (ND)
Trẻ bước vào một thế giới hứa hẹn đầy hiểm nguy, một vũ trụ phức tạp. Thế giới này có thể được gọi là thế giới của đường phố hay máy tính, của trường học hay vườn trẻ… Điều đó không quan trọng. Thế giới của người lớn luôn không đơn giản. Vậy, ta có thể giúp gì cho con yêu trong tình huống không dễ dàng này?
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Ngày nay có không ít những gia đình không trọn vẹn, nhưng dẫu sao trẻ vẫn được giáo dục không chỉ bởi một người mà là vài người. Điều quan trọng là hãy nói với những người cùng nuôi dạy trẻ với bạn về việc họ hiểu thế nào là yêu thương con trẻ.
Cứ để người bạn đời của bạn, ông bà nội ngoại, thậm chí cả bảo mẫu, nói tiếp câu này: “Yêu con trẻ nghĩa là…”.
Việc mọi người hiểu tình yêu con trẻ được thể hiện cụ thể ra sao sẽ xác định mối quan hệ của họ đối với trẻ. Từ quan điểm của triết luận tâm lý học sư phạm, tiêu chí chính của tình yêu là thấy được trong con người nhỏ bé ấy một nhân cách và cố thấu hiểu nó.
Bạn cũng có thể đưa ra những tiêu chuẩn của mình. Điều chính yếu là nỗ lực thương lượng để chúng trở nên phổ quát cho tất cả những ai cùng bạn nuôi dạy con người nhỏ bé đó.
Bảo vệ trẻ có nghĩa là hiểu trẻ
Để làm được điều đó, ta cần thấy trong đứa trẻ là một con người, chứ không phải là một đối tượng cần được giáo dục. Nhà tâm lý học vĩ đại của thế kỷ 20 Karen Horney(4) đã viết thật chính xác: “Những mưu toan phá vỡ tình bạn của trẻ với ai đó, chế giễu những biểu hiện của tư duy độc lập, phớt lờ những sở thích của trẻ – dù đó là nghệ thuật, thể thao hay kỹ thuật,… thái độ đó của cha mẹ dù không phải cố tình nhưng về thực chất có nghĩa là bẻ gãy ý chí của trẻ”(5). Và nó cũng đồng nghĩa với việc thiếu vắng tình yêu thương.
(4) Karen Horney (1885- 1952): Nhà phân tâm học người Đức. (ND)
(5) Karen Horney, Невротическая личность нашего времени. Новые пути в психоанализе (tạm dịch: Nhân cách nhạy cảm của thời đại chúng ta. Những con đường mới trong phân tâm học), SPb.: Piter, 2013, tr. 43.
Khi chúng ta nói về tình yêu nam nữ, chúng ta hiểu một cách tiên nghiệm rằng đây là mối quan hệ giữa hai đối tác bình đẳng. Hơn thế nữa, chúng ta hiểu rõ nếu không có mối quan hệ bình đẳng, thì không thể nói gì về một tình yêu tương hỗ.
Tại sao suy nghĩ này không có trong tâm trí của chúng ta khi nói về quan hệ giữa chúng ta với con trẻ? Tại sao nhiều bậc cha mẹ cho phép mình nghĩ rằng tình yêu dành cho con trẻ là một tình yêu cao đạo?
Nếu mối quan hệ của chúng ta với con trẻ được xây dựng theo nguyên tắc “chủ - tớ” thì các bậc cha mẹ đang làm một việc mà nói theo Horney, là bẻ gãy ý chí con mình, không có chuyện yêu thương ở đây, và sẽ vô nghĩa khi bàn về sự thấu hiểu. Một đứa trẻ được giáo dục theo triết lý nô lệ luôn bị buộc phải phục tùng, sẽ lớn lên thành những người không được bảo vệ.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Nếu con của bạn đã năm tuổi (hay lớn hơn), hãy suy nghĩ và thử phân tích điều này.
- Bạn có thường tìm đến con để tìm một lời khuyên? Con có thường tư vấn cho bạn điều gì đó?
- Con cũng có mặt ở những buổi họp gia đình khi quyết định những vấn đề quan trọng không, chẳng hạn như mua một chiếc tivi mới, hay sẽ đi nghỉ ở nơi nào đó?
- Con có biết về tình hình vật chất của gia đình không? Con có biết về tình hình ngân sách của gia đình và tiền được chi vào việc gì không?
Hãy nghĩ xem:
- Bạn yêu thương con như là một người bình đẳng, hay như một “tiểu yêu” cần phải nuôi ăn, cho uống và vuốt ve?
Tình yêu – luôn là tình yêu
Vấn đề của những người tìm đến tôi để tư vấn có thể khái quát như sau:
“Tôi không hiểu tại sao tôi và con gái (con trai) mình không có mối giao tiếp nào cả. Dường như tôi đã cho nó đủ mọi thứ: ăn, mặc, mùa hè thì đi biển, thậm chí còn không mắng khi nó bị điểm hai. Vậy mà vẫn không chuyện trò được. Nó còn cần cái gì nữa?”.
Câu trả lời thật ra chỉ có một: Sự thấu hiểu.
Trẻ em là một sinh vật có tâm hồn, thường ít quan tâm đến vật chất. Khi những ưu tiên này thay đổi, điều đó có nghĩa là đứa trẻ đã lớn.
Bất kỳ loài vật nào cũng đều bảo vệ con cái của mình bằng một sức mạnh không phải gấp ba lần, mà đến những mười lần. Tôi đã xem một bộ phim tư liệu, trong đó con hươu cao cổ mẹ đã đánh nhau với một con sư tử để bảo vệ con mình. Và cuối cùng, chúa tể rừng xanh đã phải rút lui!
Nếu như tôi được hỏi: “Những thay đổi chủ yếu nào diễn ra bên trong cha mẹ khi đứa trẻ ra đời?”, ắt tôi sẽ đáp: “Họ sẽ cảm nhận được sức mạnh và niềm tin vào bản thân mình”. Theo quan điểm của tôi, cảm giác về sức mạnh và niềm tin này là chuẩn mực cho sự ra đời của một đứa bé, là một sự kiện nghiêm túc của cuộc đời, là điều đã làm thay đổi họ. Nhưng nếu khi sức mạnh và niềm tin này xuất hiện, và bị sử dụng cho việc “bẻ gãy” đứa bé, thì sẽ không có tình yêu. Còn nếu chúng hướng vào việc bảo vệ trẻ, tức thấu hiểu trẻ, khi đó tình yêu sẽ nảy nở.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy thử làm một thí nghiệm đơn giản này với bản thân. Nhớ lại cảm giác mà bạn trải qua khi gặp nửa kia của mình. Điều gì đã xảy ra khi đó? Tình yêu đã thay đổi bạn ra sao? Tình yêu đã mở ra trong bạn những phẩm chất mới nào?
Hãy so sánh những cảm giác này với cảm xúc khi ở bên con. Nếu những cảm xúc này là như nhau, thì đó là tình yêu. Nhưng nếu nó khác biệt rõ rệt, bạn hãy suy nghĩ: Cảm xúc của bạn đối với con có phải là tình yêu không? Và điều gì đang cản trở bạn cảm nhận tình yêu đó?
Than ôi, chúng ta thường xuất phát từ quan điểm xem tình yêu đối với người chồng hay người vợ là một chuyện, còn tình yêu đối với đứa con lại là chuyện hoàn toàn khác. Các quy luật về tình yêu thật khó hiểu, nhưng dẫu sao luôn có một số nền tảng chung, chẳng hạn như:
• thấy trong bạn đời của mình một người bình đẳng.
• tình yêu sản sinh trong con người một sức mạnh mà họ có thể sử dụng để bảo vệ ai đó, chứ không phải để bẻ gãy họ.
• thấy người được yêu luôn thú vị, còn bản thân thì không cần phải ra lệnh cho người kia, mà là thấu hiểu họ.
• hiểu rằng ở đâu có tình yêu, ở đó phải có niềm tin. Khi nói về một nửa kia của mình, chúng ta cố không vi phạm nguyên tắc này. Còn khi nói về đứa con, chúng ta có tin tưởng con không? Việc kiểm tra mỗi bước đi của con sẽ đơn giản hơn?
Đừng quên nguyên tắc thiên thượng
Khi luận bàn về tình yêu nam nữ, nhà tâm lý học người Mỹ John Welwood đã nhận xét: “Nghịch lý vô cùng lớn về tình yêu là nó kêu gọi chúng ta hoàn toàn trung thành và tôn trọng chân lý của chính mình (nguyên tắc trần thế), cùng lúc là khước từ nỗi ám ảnh về chính mình và dâng hiến, không kìm giữ gì cả (nguyên tắc thiên thượng)”(6).
(6) John Welwood, sách đã dẫn, tr. 55.
Nếu sử dụng thuật ngữ của Welwood thì tình yêu của cha mẹ dành cho con cái sẽ nảy sinh rắc rối: Nó hoàn toàn thiếu vắng “nguyên tắc thiên thượng”. Cha mẹ nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để trung thành với chính mình, với những nguyên tắc của mình. Và họ hoàn toàn không muốn nghĩ về những ám ảnh của chính mình, về việc họ nên đến với con trẻ bằng những câu trả lời chứ không phải với câu hỏi; họ coi trọng việc truyền cho con những nguyên tắc sống của mình hơn là suy nghĩ xem con nhìn cuộc sống như thế nào.
Đứa trẻ là một tạo vật được sinh ra bằng tình yêu của cha mẹ. Sự ra đời của trẻ là cuộc kiểm tra đối với những người cha, người mẹ: Chúng ta có biết yêu thương, hay đã đánh mất khả năng này trong sự bận rộn của mình?
Cha mẹ thường không hiểu sự cần thiết của việc phải chia sẻ với con bằng cả tâm hồn, trong đó có cả những nỗi âu lo và ngờ vực của bản thân. Trong những buổi tư vấn, tôi nói về việc cần phải chia sẻ với trẻ tất cả, các bà mẹ hay vặn hỏi rằng: “Nếu tôi có vấn đề với cha của cháu, chẳng lẽ tôi cũng phải chia sẻ điều đó với cháu sao?”.
Tôi không có câu trả lời duy nhất cho câu hỏi này, tất cả phụ thuộc vào tình huống, nhưng thường xuyên nhất là: “Vâng, cần phải thế. Chia sẻ nhưng phải thể hiện sự tế nhị, không đặt con vào tình huống khó xử”. Bởi tình yêu có nghĩa là chân thành. Nếu đứa trẻ thấy trong mối quan hệ của cha mẹ mình có điều gì đó không ổn, mà không ai chia sẻ cùng em, thì em sẽ đưa ra kết luận thế nào? Rằng không ai tin em. Rằng họ không xem em là bình thường. Tức là họ không yêu thương em.
Thường thì các bậc cha mẹ che giấu không cho con biết những bất hòa trong gia đình bởi các con còn bé. Chúng không hiểu.
Phải thế hay không?
Hoàn toàn không phải thế.
Cha mẹ biết rất rõ rằng khó mà lừa dối được con, chúng cảm nhận được tất thảy. Họ quên rằng chính họ cũng cảm thấy nặng nề khi phải nói dối con, và con cũng cảm nhận được điều đó. Có thể không phải lúc nào trẻ cũng hiểu, nhưng bé sẽ luôn nhận ra.
Tình yêu với con không phải là một cảm xúc bản năng được sinh ra cùng lúc với sự ra đời của trẻ. Nó đòi hỏi những thay đổi ở người lớn. Nó đòi hỏi những biểu hiện và hành động.
Cuộc trò chuyện của chúng ta về tình yêu với con trẻ rõ ràng là đã kéo dài. Một chương thôi cũng không đủ. Vì vậy chúng ta sẽ tiếp tục ở chương sau.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bài tập này tôi mượn từ cuốn sách tuyệt vời của Shefali Tsabary Дети — зеркало нашего тайного “Я” (tạm dịch: Trẻ em – tấm gương “cái Tôi” bí mật của chúng ta) mà tôi đã nhắc đến.
Tôi thích nó đến độ muốn chia sẻ với các bạn. “Mỗi sáng bạn đừng bắt trẻ phải nhảy xuống giường ngay và chạy đi đánh răng. Hãy ngồi với trẻ vài phút, để một ngày của con bắt đầu một cách yên bình và ân cần. Nếu phải vội vàng và nhanh chóng ra khỏi nhà, thì song song với việc chuẩn bị, hãy hát cùng con những bài hát, chơi chữ hay cược xem ai sẽ là người thay quần áo xong và đứng ra cửa đầu tiên.”(7)
(7) Shefari Tsabary, sách đã dẫn, tr. 240.