Mỗi ngày, con trẻ nhìn thấy bạn trước mắt mình. Liệu bạn có tự đặt câu hỏi: “Mỗi ngày, chúng thấy ai trước mắt?”. Những người mệt mỏi và rầu rĩ, quên mất cách tận hưởng cuộc sống, mỗi ngày đều chỉ thực hiện nghĩa vụ của mình và thậm chí chẳng mơ tới một cuộc sống khác? Hay những người yêu công việc và cuộc sống của mình, dù mệt mỏi nhưng vì đó là công việc họ yêu thích nên họ có thể nhận được niềm vui sống từ tất cả mọi thứ?
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bạn có được sống theo mong muốn của mình không? Nếu có, thật tuyệt vời. Nếu không, hãy suy nghĩ xem điều gì đang ngăn trở bạn. Sẽ là lý tưởng nếu bạn liệt kê mọi trở ngại lên một tờ giấy hay trong một file riêng. Sau đó, hãy đọc qua những trang (của cuốn sách này) nói về bản chất của các khái niệm “nghĩa vụ” hay “mong muốn”, rồi trở lại với những ghi chép đó.
Bạn có thấy rằng nhiều phiền toái, trở ngại đã được tưởng tượng ra và không khó để khắc phục? Vậy thì điều gì cản trở bạn thực hiện việc đó?
Mong muốn – động lực của cuộc sống
“Nếu bạn có mong muốn và khát vọng làm điều gì đó và ‘điều gì đó’ nằm trong ý nguyện của Thượng Đế, nhất định bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình.”(1) Có thể, đối với bạn, chúng quá đẹp để trở thành sự thật. Quá đẹp để sống theo nó trong cuộc đời mình. Thế nhưng, những lời này thuộc về một người biết mình nói gì. Sự đúng đắn của kết luận này đã được anh kiểm chứng bằng chính cuộc đời mình. Đó là Nick Vujicic, người sinh ra với sự khuyết tật đến đáng sợ: không có tay lẫn chân.
(1) Nick Vujicic, Жизнь без границ. Путь к потрясающе счастливой жизни (tạm dịch: Cuộc sống không giới hạn. Đường dẫn đến cuộc sống hạnh phúc diệu kỳ), M.: Eksmo, 2015, tr. 12.
Hoàn cảnh của Nick lẽ ra phải sống ẩn dật cả đời. Thế nhưng, anh đã biết cách trở thành một trong những người diễn thuyết nổi tiếng khắp thế giới. Anh đã cưới vợ và có hai con. Anh không muốn phục tùng hoàn cảnh. Anh có một mong muốn khác. Và anh đã tìm thấy trong mình sức mạnh để thực hiện khao khát đó. Anh đã đạt được mục tiêu. Anh đã tạo ra một hiện thực mà anh mong muốn. Trong thế giới mà Nick Vujicic đang sống, việc đổ lỗi cho hoàn cảnh không thuận lợi đơn thuần là bất nhã, thậm chí là vô nghĩa.
Mong muốn – đó là một trong những khái niệm nền tảng của triết luận tâm lý học, xuất phát từ quan điểm cho rằng mong muốn phải là động lực chính của con người trong cuộc sống. Tại sao chúng ta dạy cho con trẻ điều đó? Bởi vì nhiều bậc cha mẹ vẫn xuất phát từ nguyên tắc “‘Tôi’ là chữ cuối cùng trong bảng chữ cái. Và suy nghĩ của con, những nhận định, đừng nói về những mong ước, chẳng ai quan tâm cả?”. Tại sao chúng ta lại không lắng nghe những ước mong của con (ngay cả khi nói về thiên hướng hay về hôn nhân)? Bởi vì:
Trước tiên, bảo con cần phải làm gì thì đơn giản hơn nhiều so với việc lắng nghe chúng.
Thứ hai, chúng ta đã quen như thế. Chúng ta đã được giáo dục và tiếp tục sống trong hệ thống tọa độ như thế, nơi mà nghĩa vụ quan trọng hơn mong muốn. Và ngay cả khi quan điểm đó không mang lại hạnh phúc, thì chúng ta vẫn cứ áp đặt nó cho thế hệ kế tiếp. Hoặc là vì thói quen, hoặc là vì chúng ta không nghĩ có thể có một cách tiếp cận khác, cũng như một hệ thống tọa độ khác.
Nghĩa vụ và mong muốn
Trước khi nói chi tiết hơn về mong muốn, chúng ta thử tìm hiểu xem từ “nghĩa vụ” có những ý nghĩa gì. Trên thực tế, con người có hai động cơ: nghĩa vụ và tình yêu thương.
Cha tôi đã trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Ông được dẫn dắt không phải bởi nghĩa vụ, mà là tình yêu đối với Tổ quốc, mong muốn bảo vệ nó khỏi kẻ xâm lược. Giả sử một người có cha mẹ bị ốm, anh ta sẽ chăm sóc cho họ theo nhiều cách khác nhau, tùy vào việc anh ta làm điều đó vì tình yêu (tức mong muốn) hay vì nghĩa vụ.
Chúng ta nói đến khái niệm nghĩa vụ trong tình huống không còn tình yêu. Nếu tình yêu vẫn còn, không nên nói về nghĩa vụ. Nghĩa vụ là một phần không thể thiếu cấu thành khái niệm tình yêu. Nhưng khi có tình yêu, việc nhấn mạnh vào nghĩa vụ là không cần thiết.
Nếu như trong giáo dục, nghĩa vụ, cái “cần phải” khét tiếng ấy vẫn còn thống trị, nghĩa là việc giáo dục đó không có đủ tình yêu. Bạn rửa chén, bởi vì bạn cần phải làm thế. Nhưng bạn cũng có thể làm điều đó vì bạn thương mẹ, bạn muốn giúp mẹ. Bạn có thể đến thăm bà, bởi đó là nghĩa vụ của bạn. Nhưng bạn cũng có thể đến thăm chỉ vì bạn yêu bà và nhớ bà, muốn gặp bà. Một thiếu niên có thể tiếp thu kiến thức bằng nhiều cách thức khác nhau – tùy trường hợp, em cần phải học thuộc bài, hoặc em thấy nó thú vị và muốn biết.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Mỗi lần muốn con làm điều gì đó (dắt chó đi dạo, rửa chén, học bài, đội mũ,…), bạn hãy thử làm sao cho mong muốn đó được nói ra không phải như một nghĩa vụ phải thực hiện, mà đầy ắp tình yêu. Chẳng hạn như, “Con không đội mũ thì sẽ ốm đấy. Đó là chuyện riêng của con, nhưng mẹ sẽ đau lòng. Con không thương mẹ sao?”, “Hãy tưởng tượng, con phải đi toilet không phải lúc con muốn, mà là lúc mẹ cho phép. Con không thấy tội nghiệp con chó sao?”,…
Thói quen sống tệ
Liệu có phải tất cả những điều vừa nói ở trên, rằng nghĩa vụ như là một động cơ, sẽ không bao giờ có tác dụng? Dĩ nhiên không phải thế. Đôi khi bạn phải làm những việc mà mình không muốn, vì nó cần thiết. Điều quan trọng là thái độ của chúng ta đối với nó, như đối với một chuyện bất khả kháng, hay là một chuẩn mực. Điều chính yếu là làm sao cho cái “cần phải” đó không biến thành thói quen, bởi vì điều này làm tê liệt tâm trạng con người rất nhanh, và do đó làm xấu đi thực tiễn mà người ấy đang tạo ra.
Tôi có một người quen đang sống khá nặng nề, nhưng cô ấy lại quyết liệt không muốn sống nhẹ nhàng hơn. Cô ấy làm việc rất chăm chỉ và kiếm được nhiều tiền. Nhờ đó, cô ấy có thể không cần tốn sức quá nhiều cho việc nấu nướng bằng cách đi mua thức ăn chế biến sẵn. Nhưng cô ấy không làm như vậy – cô thấy ngại trước chồng và con gái. Người chồng đề nghị cô tìm người giúp việc, nhưng cô từ chối vì cho rằng dọn dẹp nhà cửa là nghĩa vụ của người vợ. Cô ấy thậm chí còn không muốn mua máy rửa chén vì cho rằng rửa một vài cái chén cái đĩa thì có gì là khó.
Với cuộc sống như thế, cô ấy luôn trong trạng thái thiếu ngủ, và hậu quả là cô bị rối loạn thần kinh chức năng. Người nhà hiếm khi thấy cô ấy tươi cười và hạnh phúc. Còn đứa con gái thì nói chuyện với người bố nhiều hơn với mẹ… Nhưng con người này không biết sống theo kiểu khác. Không ai và không điều gì có thể khiến cô ấy sống khác đi, từ bỏ những nghĩa vụ không bắt buộc, giảm bớt gánh nặng cho cuộc sống của mình. Nghĩa vụ và bổn phận – đó là những điều dẫn dắt chính trong cuộc sống của cô ấy. Và cô ấy quyết tâm không thay đổi chúng.
Nhà tâm lý học người Mỹ và là triết gia nổi tiếng Rollo May đã kể về một người khăng khăng không chịu điều trị chứng rối loạn thần kinh chức năng: “Rối loạn thần kinh chức năng bảo vệ tâm hồn tôi… Với tôi, nó quý hơn tất thảy… Nếu tôi được chữa bình phục, điều đó chẳng khác nào một thất bại”(2). Bởi vì thói quen không chỉ là bản năng thứ hai mà còn là nền tảng cho tính cách con người, chúng ta phải rất khó khăn mới từ bỏ thói quen, kể cả những thứ đang làm hỏng cuộc sống của mình.
(2) Rollo May, Взывая к мифу (tạm dịch: Kêu đòi huyền thoại), M.: Modern, 2015, tr. 27.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Người phụ nữ mà bạn vừa đọc là một người thật. Cô ấy sống nặng nề và thậm chí không muốn thử sống nhẹ nhàng hơn. Hãy ngừng đọc để suy nghĩ:
- Trường hợp của bạn có giống với cô ấy không? Liệu cuộc đời bạn có đang bị dẫn dắt bởi cảm giác nghĩa vụ, một khái niệm giả tạo?
- Liệu bạn có những nghĩa vụ mà bạn có thể khước từ hoặc giao lại cho người khác?
- Trong thời gian biểu của mình, bạn có thời gian để làm những việc mình thật sự muốn và việc đó mang đến cho bạn sự hài lòng?
- Bạn có cảm thấy (thậm chí chẩn đoán được) sự rối loạn thần kinh bởi cuộc sống nặng nề vô tận này? Liệu có phải bạn đã quen với nó, biến nó thành nền tảng của mình và không từ bỏ nó không phải vì bạn không thể khước từ mà là vì bạn không muốn, bạn sợ phải từ bỏ nó?
- Và cuối cùng, bạn có bao giờ nghĩ đến việc con của bạn nhìn thấy trước mặt nó một con người như thế nào không? Một hình tượng nào về người mẹ (cha) được hình thành trong suy nghĩ của con trẻ? Bạn có tin rằng hình ảnh đó sẽ giúp ích cho con trong cuộc sống sau này? Nếu không, vậy thì bạn sẽ làm gì để thay đổi hình tượng đó?
Bạn cần phải trả lời một cách trung thực tất cả những câu hỏi này, bởi vì lừa dối chính mình sẽ không hiệu quả.
Cũng có trường hợp, chứng rối loạn thần kinh bắt nguồn từ việc phải hoàn thành vô số nghĩa vụ, rồi biến thành thói quen – và những người, như bệnh nhân của Rollo May, không muốn thay đổi nó. Đơn giản là họ không muốn – thế thôi!
Mong muốn cũng là một tiêu chí
Khi con chưa ra đời, bạn có thể xây dựng các mối quan hệ của mình với những mong muốn riêng, theo cách mà bạn muốn và cảm thấy thoải mái. Tôi biết không ít người rất thích theo đuổi đến tận cùng một nghĩa vụ nào đó, đôi khi hoàn toàn không rõ ràng, như câu chuyện về người phụ nữ mà tôi đã kể. Những người này đối xử với cuộc sống như đối xử với một thử thách. Họ luôn cần vượt qua trở ngại, đấu tranh thường xuyên với chính mình.
Điều đó có tệ không? Hãy thử đặt câu hỏi theo kiểu khác. Điều gì tốt hơn – làm một người luôn căng thẳng, đấu tranh với những khó khăn mà chẳng buồn nghĩ đến việc làm cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn; hay làm một người vui vẻ, không bị trói buộc vào những vấn đề của mình, suy nghĩ về sự hưởng thụ và niềm vui? Đấy, thưa bạn, hai góc nhìn thế giới, hai thái độ đối với thế giới. Giờ đây hãy nghĩ xem, bạn muốn gắn con mình vào cách tiếp cận nào?
Những lời bàn luận về việc có những hoàn cảnh không cho phép con người ta vui sống là tuyệt đối không thể chấp nhận. Hãy nhớ đến Nick Vujicic.
Tốt thôi. Ta cần phải đấu tranh với một số hoàn cảnh. Nhưng như thế nào? Ngay cả Vujicic, với những khiếm khuyết về thân thể, cũng có sự chọn lựa.
Cần phải tập trung vào điều gì khi bạn thực hiện sự chọn lựa? Mong muốn, đó là tiêu chí đích thực duy nhất mà bạn cần đến để không bị lạc lối trong đời, để có thể đưa ra những chọn lựa đúng đắn.
Nếu một người được làm điều anh ta thích, liệu anh ta sẽ thành công? Không, đương nhiên rồi. Nhưng nếu một người được làm điều anh ta muốn, ít nhất anh ta cũng sẽ có cơ hội xây dựng một cuộc sống hạnh phúc. Nếu sống mà phải phục tùng những mong muốn của người khác, thì sẽ không có cơ hội này.
“Đấy, xem con làm được rồi này!”, đứa bé hân hoan reo lên. “Con có thể làm tất cả những gì con thích, những gì con muốn ư?”. Khi đó, ta phải giải thích cho bé thế nào là mong muốn. Đề tài này quá quan trọng, nên chúng ta sẽ quay trở lại với nó ở chương tiếp theo.