-Nghe này, tác giả, ông đã nói về mong muốn rồi. Có cần phải nhắc lại không?
- Vâng, tôi đã nói rồi. Không phải một lần, không phải hai lần. Cả trong cuốn sách này, và trong những cuốn sách khác. Thế nhưng, càng gần đến kết thúc câu chuyện của chúng ta, tôi cho rằng cần trở lại với đề tài này và thảo luận về nó thật chi tiết.
Từ quan điểm của triết luận tâm lý học, mong muốn là động lực chính của con người trong cuộc sống. Trong khi đó, con người không dành sự quan tâm cần thiết cho mong muốn.
Tại sao lại như thế? Bởi vì chúng ta không quen nghĩ về mình. Chúng ta đã được dạy rằng những giá trị chính dường như được ban xuống cho chúng ta, còn những hoài bão cá nhân thì chẳng làm ai quan tâm, trong đó có cả bản thân chúng ta.
Nhiều người đã quen sống với suy nghĩ rằng những mong muốn cá nhân của họ là một ý tưởng ngông cuồng. Vậy thì nghĩ về nó làm gì khi chẳng ai thèm quan tâm?
Một khát khao chân chính sẽ trao cho con người nguồn năng lượng đáng kinh ngạc để khắc phục mọi trở ngại. Nhiều người trong chúng ta không hình dung ra điều đó, vì thế đã lay lắt sống cuộc đời mình theo quán tính.
Đó là việc của người lớn chúng ta, là sự chọn lựa của người lớn chúng ta. Nhưng thật đáng buồn nếu chúng ta dạy cho con cái quen với việc sống theo sức ỳ như thế. Khi đứa trẻ khẳng định: “Con muốn!”, cha mẹ luôn sẵn sàng câu trả lời: “Đâu phải muốn là được!”. Chúng ta quên rằng sự chọn lựa của con người vốn chẳng nhiều – hoặc sống với những hoài bão của mình, và khi đó sẽ sống cuộc đời của riêng mình; hoặc làm theo mong ước của người khác, rồi bạn sẽ sống cuộc đời mà ai đó (cha mẹ, thủ trưởng, quốc gia) cho là đúng.
Vì thế, càng sớm dạy cho trẻ quen với việc mong muốn của bản thân là quan trọng bao nhiêu, trẻ sẽ càng có nhiều cơ hội để xây dựng được cuộc đời riêng hạnh phúc bấy nhiêu. Cần phải bắt đầu suy nghĩ về những điều này, khi chúng ta cùng lúc có nhiều câu hỏi quan trọng mà những giải đáp cho chúng là có tính nguyên tắc đối với cuộc sống riêng của ta – và điều này đặc biệt quan trọng đối với mối quan hệ giữa ta với con cái.
Mong muốn và thói đỏng đảnh
- Ông nói gì thế, tác giả? Rằng con tôi muốn gì thì tôi cũng phải thực hiện hết à? Phải thế không?
- Dĩ nhiên là không.
Xin nhắc lại, phân biệt giữa mong muốn với thói đỏng đảnh là rất quan trọng. Thói đỏng đảnh sẽ không tệ, nếu như… Những thứ được gọi là mong muốn thật ra không gì khác hơn ngoài những ý muốn đỏng đảnh. Thực hiện những ý muốn đỏng đảnh, bất chợt – được thôi. Nhưng nếu không được? Cũng chẳng sao. Vốn dĩ chúng ta đã sống mà chẳng cần những thứ đó, và sẽ tiếp tục sống.
Mong muốn là cái mà ta không thể sống nếu thiếu nó. Nếu nó không được thực hiện thì cái tôi thật sự sẽ không còn tồn tại. Mong muốn chỉ ra cho ta thấy những thay đổi của bản thân, giúp tôi hoàn thiện cái tôi đích thực.
Nhà nghiên cứu người Pháp Émile Tardieu đã hình thành công thức tuyệt vời sau đây: “Mong muốn chỉ có thể xảy ra khi nó biểu hiện thành một nhu cầu chân chính”(1). Chân chính, bạn có hiểu không? Đích thực. Thật sự.
(1) Émile Tardieu, sách đã dẫn, tr. 110.
Nếu tôi không làm việc này, cuộc sống của tôi sẽ trở nên vô nghĩa. Nếu tôi không thể chiếm được trái tim của người phụ nữ này, đời tôi xem như không thành. Thực hiện mong muốn, đó là đặt ý nghĩa cho cuộc sống.
Trẻ em có rất nhiều ý muốn thất thường. Đương nhiên rồi. Chúng ta hiểu rõ điều đó và rất thích đắm mình trong những suy xét, có nên dung túng cho những “ý muốn” trẻ con đó hay không. Đừng quên rằng con trẻ có những mong muốn thật sự, đích thực mà không thực hiện được, chúng sẽ không hạnh phúc.
Mong muốn là điều thúc đẩy con lựa chọn nghề nghiệp của chúng. Nếu tôi không là nhà khoa học, chủ nhà băng, bác sĩ thú y, nghệ sĩ,… thì cuộc đời tôi là vô nghĩa. Nếu đứa trẻ nhận ra được thiên hướng của mình như thế, đó sẽ là niềm hạnh phúc to lớn của những người làm cha mẹ.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Rà soát lại những mong muốn của bạn, tách hẳn nó khỏi những ý muốn bất chợt. Hãy thực hiện một cách trung thực, tốt nhất là nói to lên những suy nghĩ của bản thân.
- Tại sao một số mong muốn được thực hiện, một số khác lại không?
- Bạn đã cố hết sức mình khi thực hiện nó chưa?
- Tại sao bạn không thử thực hiện những mong muốn đó?
- Bạn có hoàn toàn tin rằng bạn sẽ không bao giờ thực hiện chúng thành công?
Có mong muốn? Có bước đi đầu tiên!
Ý muốn bất chợt là trò đùa của số phận, còn mong muốn là điều mà Thượng Đế ban cho chúng ta. Vì thế, nếu mong muốn của bạn là chân chính, bạn sẽ biết được bước đầu tiên để thực hiện nó.
“Tôi không thể sống thiếu cô gái này. Nếu không có cô ấy, cuộc đời tôi sẽ vô nghĩa và không viên mãn”. Người đàn ông trải qua cảm giác này sẽ biết mình cần phải làm gì. Anh ta bỏ hết tâm sức vào việc thực hiện khát vọng ấy. Và như thế, mong muốn đã định ra bước đi đầu tiên.
Có thể ai đó sẽ phản đối, rằng ý muốn bất chợt cũng có thể đề ra bước đi đầu tiên. Ý muốn bất chợt – đó là ước mơ, một ảo tưởng, một giấc mộng. Ước mơ chỉ biến thành mong muốn khi chúng ta biết cách thực hiện nó. Mà sự hiểu biết này chỉ nảy sinh nếu chúng ta nhận thức được bước đi đầu tiên, và hiển nhiên là thực hiện nó.
Một trong những vở kịch của tôi có sự tham gia của nữ diễn viên trẻ tuyệt vời Yulia Latysheva. Cô thi vào trường Đại học Sân khấu khi đã ngoài hai mươi tuổi – đối với sự nghiệp nghệ sĩ mà nói, độ tuổi đó đã là khá cứng. Tại sao lại như thế? Bởi vì cha mẹ Yulia muốn cô làm giáo viên, và ban đầu cô đã hoàn thành mong muốn của cha mẹ. Nhưng khá nhanh sau đó, Yulia hiểu rằng nếu không thực hiện được ước mơ của riêng mình, cô sẽ không thể tự khẳng định được bản thân. Đồng thời, cô cũng đã xác định khá rõ bước đi đầu tiên của mình – thi vào trường Đại học Sân khấu. Yulia đã đóng một số phim, hiện giờ đã lập một sân khấu riêng của mình, diễn trên sân khấu đó và hạnh phúc.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Biết được bước đầu tiên để thực hiện mong muốn của mình sẽ giúp bạn hiểu rõ trẻ đang nảy sinh ý muốn nhất thời hay mong muốn thật sự.
Hầu hết trẻ em đều mơ ước rằng trường của chúng bị thiêu rụi. Nhưng không một đứa trẻ bình thường nào lại muốn đi đốt trường. Vì thế đó chỉ là ý muốn nhất thời.
Chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu nói về nghề nghiệp. Nếu một thiếu niên hiểu bản thân cần tiến hành những bước đầu tiên nào để thực hiện nó, thì đây là mong muốn thật sự.
Tôi có quen biết một tiểu thư đã mười năm. Cô bé mê ngựa, say sưa môn cưỡi ngựa. Như bất kỳ cô bé nào, cô rất thích trang sức, song nếu không có chúng thì cũng không sao. Nhưng nhận được món quà là cuốn sách mới về loài ngựa, thì đó là mong muốn của cô bé. Cuốn sách sẽ mang đến cho cô bé những kiến thức mới về loài động vật cô yêu thích. Và do đó, nó sẽ thay đổi chính cô bé và cuộc sống của cô.
Giúp con phân biệt thiên hướng với ý muốn nhất thời có thể giúp bạn, một người lớn, học cách hiểu nhiều thứ, cả những khát vọng riêng lẫn những ước mơ của riêng mình.
Mong muốn và lương tâm
Con người có lương tâm, tức có một thông điệp chung với Thượng Đế, mang đến cho ta khả năng cân bằng mong muốn, khát vọng của bản thân với cuộc sống của người khác. Mà thông điệp chung với Thượng Đế là gì?
Bạn dễ dàng hình thành phản ứng theo cách mình cần, thậm chí có thể tưởng tượng ra phản ứng này. Đó sẽ là thông điệp riêng của ta, một thông điệp ta gởi đến chính mình như một phản ứng trước những hành động của bản thân. Nó có thể được chỉnh sửa, viết lại, thậm chí không nghe thấy. Nhưng chúng ta không thể lừa dối Thượng Đế. Người luôn nói với chúng ta sự thật về bản thân ta. Nếu chúng ta lắng nghe Người, liên kết với những phân tích của chúng ta về cuộc sống của mình, với thông điệp riêng của ta, có nghĩa là chúng ta có cùng thông điệp với Thượng Đế: lương tâm(2).
(2) Ở đây tác giả chơi chữ: “lương tâm” tiếng Nga là “совесть”, nếu chia từ thành hai âm tiết, “со-весть”, thì “со” có nghĩa là “chung”, và “весть” là “thông điệp, tin tức”. Vì thế tác giả cho rằng con người có “chung thông điệp” – lương tâm – với Thượng Đế. Nguyên văn: “У человека есть совесть – совместная весть с Богом…”. (ND)
Phải chăng điều đó có nghĩa là trên thế gian này không có người vô lương tâm? Dĩ nhiên là không phải thế. Không cần phải luận bàn nhiều về việc trên thế giới có những người vô lương tâm. Thế nhưng, chẳng lẽ việc thế gian xuất hiện những người vô lương tâm sẽ tước bỏ nhu cầu được lắng nghe những khát vọng riêng tư? Con người phải lắng nghe mong muốn của chính mình và phải được chúng hướng dẫn. Còn việc họ là người tận tâm hay tán tận lương tâm, đó là lựa chọn của họ.
Chúng ta hay ném vào trẻ những cáo buộc như: “Con thật vô lương tâm!”, nhưng hiếm khi chúng ta thảo luận với con về bản chất của khái niệm “lương tâm”, vì chính chúng ta không phải lúc nào cũng đồng lòng với nhau về sự khác nhau giữa một hành động có tâm và một hành động vô sỉ.
Con trẻ được ban tặng cho chúng ta nhằm mục đích giúp ta xác định rõ ràng chuẩn tắc của lương tâm. Bởi vì trẻ em là một tạo vật logic hơn và cụ thể hơn, so với người lớn, nên nói chuyện với con về lương tâm sẽ giúp trẻ tìm ra những tiêu chí dễ hiểu và cụ thể. Các tiêu chí này khác nhau đối với mỗi người. Chẳng hạn như, với một người sùng đạo và một kẻ vô thần, thì chúng khác nhau về nguyên tắc. Thế nhưng chúng luôn luôn tồn tại.
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng những người vô lương tâm sẽ sống nhẹ nhàng hơn. Nếu bạn muốn đưa vào thế giới một con người sẽ đi dọc những xác người và thực hiện những mong muốn của mình mà chẳng buồn quan tâm đến người khác, đó là việc của bạn. Còn theo cái nhìn của tôi, người nào sống mà không cân nhắc đến những người xung quanh, họ sẽ sống một cuộc đời không phải đơn giản hơn mà là nặng nề hơn. Anh ta từng bước tiến đến sự cô đơn một cách có ý thức. Anh ta muốn sống không chỗ dựa, bởi vì chỗ dựa chính trong cuộc đời mỗi chúng ta dù sao cũng do người khác trao cho.
Cho dù thái độ của bạn về vấn đề này như thế nào, thì việc lựa chọn một thái độ với mọi người phải được con thực hiện một cách có ý thức, phải do chính con bạn đưa ra một cách cân nhắc.
Thái độ này bắt đầu được hình thành ở con từ thuở nhỏ. Vì thế, không thể không suy nghĩ đến việc con sẽ lấy ví dụ nào từ bạn, không thể không trò chuyện với con trẻ về lương tâm và về sự vô sỉ khi con còn rất nhỏ. Chẳng hạn như, nếu người cha kể một cách tự hào về việc để được thăng tiến trong sự nghiệp, ông đã lừa dối, hạ nhục, chiến thắng ai đó, thì đứa trẻ sẽ nhận thức rằng xử sự vô lương tâm với kẻ khác đó là một chuẩn mực. Và trẻ có thể lấy tiêu chuẩn này làm nền tảng cho cuộc đời mình.
Lắng nghe mong muốn của con
Nếu chúng ta học cách hiểu và tôn trọng những mong muốn của con, điều này không chỉ giúp chúng ta kết bạn cùng con, mà còn giúp chúng ta và con cùng hướng đến việc nhận thức đúng đắn về cuộc sống, sống và khẳng định bản thân, trải qua cuộc sống như mong muốn chứ không phải cuộc sống của ai khác.
Nhà tâm lý học và triết gia nổi tiếng, người sáng lập ngành tâm lý học nhân văn Abraham Maslow(3) đã sống một thời gian với những thổ dân bộ lạc Blackfoot. Ở đó, ông làm quen với một cậu bé bảy tuổi tên là Teddy, người sở hữu một kho báu lớn theo cách nhìn của thổ dân – một túi thuốc.
(3) Abraham Maslow (1908 - 1970): Nhà tâm lý học người Mỹ, được thế giới biết đến với mô hình Tháp Nhu cầu, được xem là cha đẻ của tâm lý học nhân văn. (ND)
Một thổ dân đã đề nghị mua lại kho báu đó của cậu bé. Teddy rời làng ba ngày để suy nghĩ, sau đó cậu ra quyết định.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Đầu tiên, điều mà nhà triết luận tâm lý học làm, khi tư vấn cho ai đó, là hỏi: “Còn chính bạn muốn gì? Mong muốn của bạn là gì?”.
Hãy thử trò chuyện với con bạn bằng cách này, khi con chia sẻ với bạn những vấn đề của con. Đừng áp đặt quyết định của mình, mà cố tìm hiểu xem đó là mong muốn chân chính hay ý muốn nhất thời của con.
Cách tiếp cận này rất hữu ích và hiệu quả, nếu bạn muốn làm bạn với con. Ngoài ra, nó còn giúp bạn tự định hướng đời mình, không quên những khát vọng của bản thân.
Maslow viết: “Tôi không thể tưởng tượng là chúng ta cho phép một cậu bé bảy tuổi làm việc đó”(4). Còn bạn có tưởng tượng được không? Không à? Vậy thì, thực tế là, vì sao? Tại sao chúng ta, những người cha người mẹ yêu thương con cái, thích tự quyết định mọi thứ thay cho con mình? Tại sao chúng ta tin mình hơn tin trẻ? Tại sao chúng ta tin rằng, trong tình huống khó khăn, quyết định phải do chúng ta đưa ra chứ không phải là đứa con? Tại sao chúng ta tập cho mình quen với việc không quan tâm đến mong muốn của con, che đậy nó bằng câu “Nó còn muốn gì nữa chứ?”. Tại sao chúng ta không muốn tập cho con mình lắng nghe nguyện vọng của bản thân và thực hiện chúng?
(4) Abraham Maslow, Мотивация и личность (tạm dịch: Động lực và Cá thể), in lần thứ ba. – SPb.: Piter, 2012, tr. 263.
Điều đó thường xảy ra bởi vì chính cha mẹ cũng không biết lắng nghe mong muốn của bản thân. Và vì thế, lẽ dĩ nhiên, họ không thể dạy cho con mình điều đó. Kết quả là họ đang dạy con mình sống, tuân thủ ý nguyện của người khác (chẳng hạn như của cha mẹ), và bằng cách đó, không được sống cuộc sống của chính mình.
Mong muốn và ý chí
Đa số các nhà tâm lý và triết gia đều khẳng định rằng ý chí của con người là tự do. Hỡi ôi, nào phải thế. Trên thực tế, ý chí của chúng ta phải chịu rất nhiều tác động. Những người thân thiết, xã hội, thậm chí một số phức hợp tác động từ bên ngoài, đã thường xuyên làm tê liệt ý chí của chúng ta khi đặt ra sự cần thiết phải thực hiện những hành động khác nhau.
Các nhà khoa học tính rằng bình quân con người nhận được hơn 3.000 thông báo quảng cáo mỗi ngày – 3.000 lần mỗi ngày chúng ta được dạy phải làm gì! Quảng cáo đã dần dần tập cho chúng ta quen với việc quyết định không dựa vào mong muốn của bản thân, mà vào một chuẩn mực chung nào đó.
Nhưng quảng cáo đâu chỉ là “nhà độc tài” duy nhất. Truyền hình và Internet cũng đặt ra các tiêu chuẩn khác. Rồi còn cha mẹ, sếp,… Vâng, không đếm hết những “nhà độc tài” như thế này, đang sẵn sàng áp đặt cái nhìn của mình lên thế giới!
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bạn có sẵn sàng trả lời câu hỏi thẳng thắn của con về việc vì sao bạn không lắng nghe mong muốn của mình? Bạn đã sẵn sàng ủng hộ con trong việc thực hiện mong muốn của con?
Rà soát lại những mong muốn của con, giúp con tách chúng khỏi những ý muốn bất chợt và hỗ trợ con thực hiện.
Tôi tuyệt đối tin rằng nếu không trả lời trung thực và thẳng thắn cho những câu hỏi này, rất khó để bạn có thể giúp con, và cả chính mình, trong việc xây đắp một cuộc sống hòa hợp, hạnh phúc.
Làm thế nào để không bối rối? Làm thế nào để lấy lại được ý chí của mình? Ta định vị dựa vào điều gì? Vào mong muốn của mình. Không còn cách nào khác. Vì thế, điều quan trọng là giúp con em chúng ta nhận ra những mong muốn của con, giải thích cho chúng rằng việc thực hiện những mong muốn này chẳng có gì là xấu, chẳng có gì phải sợ.
“Con khó nhận ra mong muốn của mình? Hãy tìm hiểu xem, con không thể sống nếu thiếu điều gì. Hãy tìm hiểu xem con đã có bước đi đầu tiên cho việc thực hiện điều gì. Cứ thế tiến lên! Nhận thức được mong muốn của mình sẽ trao cho con sức mạnh và hỗ trợ cho ý chí của con. Cha (mẹ) sẽ giúp con!”. Đấy là những lời mà cha mẹ nên nói với con mình.
Mong muốn và hạnh phúc
Triết gia và nhà sư phạm Mortimer Adler(5) nhận xét: “Tôi không thể tưởng tượng được một sự phát triển tâm lý nào mà không phụ thuộc vào mục tiêu luôn nằm trước mắt chúng ta”(6). Trên thực tế, bản thân chúng ta cũng biết rõ khó khăn thế nào khi trưởng thành mà thiếu vắng mục tiêu. Nhưng làm thế nào để tìm ra mục tiêu? Dựa trên những định hướng nào?
(5) Mortimer Jerome Adler (1902 - 2001): Triết gia, nhà giáo dục người Mỹ, Giám đốc Great Books Foundation và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Triết học (1952), thành viên Ban biên tập Bách khoa Toàn thư Britannica. (ND)
(6) Mortimer Jerome Adler, Искусство говорить и слушать (tạm dịch: Nghệ thuật nói và nghe), M.: Mann, Ivanov và Ferber, 2013, tr. 17.
Câu trả lời vẫn là thế: mong muốn. Ta dịch chuyển về bất cứ nơi nào mà mình muốn. Nếu không thực hiện được điều đó, bạn sẽ cảm thấy không viên mãn, chưa hoàn thiện. Nếu bạn có thể giúp con mình nhận thức và thực hiện mong muốn của con thì điều đó cũng sẽ giúp bạn trở thành người hạnh phúc và hòa hợp hơn?
Nhà tâm lý học Ulf Dimberg của Đại học Uppsala, Thụy Điển, đã tiến hành một thí nghiệm nhằm mục đích tìm ra phản ứng của con người trước những gương mặt hạnh phúc hay không hạnh phúc, nhấp nháy trên màn hình máy tính. Thấy những gương mặt không hạnh phúc, người ta thường nhíu mày, và mỉm cười khi gặp những gương mặt hạnh phúc. Mà phản ứng là tức thời, có thể nói là tự động.
Nói chung, không cần Ulf Dimberg thì chúng ta cũng biết chúng ta thích những gương mặt hạnh phúc hơn, bởi chúng truyền cho ta năng lượng tích cực. Chúng ta ai cũng muốn hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều muốn con cái mình lớn lên hạnh phúc. Nhưng liệu chúng ta có nhận ra rằng không thể xây dựng cuộc sống hạnh phúc nếu không biết mục tiêu, vốn được đặt ra từ một mong muốn thực sự?
Trong khi đó, con cái chúng ta đang “phản chiếu” chính chúng ta. Và chúng học ở ta nghệ thuật quên đi những mong muốn của mình, để lớn lên thành người không hạnh phúc, không hiểu bản thân cùng những hoài bão của mình.
Chọn lựa cuộc sống hạnh phúc (hay bất hạnh) cũng là một sự chọn lựa. Chúng ta tự làm điều đó. Không ai làm điều đó cho chúng ta. Chúng ta dạy con mình sự lựa chọn này. Dù là chủ ý hay vô tình, chúng ta đều đang dạy sự lựa chọn quan trọng nhất trong cuộc đời.
Khi nói về mong muốn, sẽ xuất hiện câu hỏi về sự thỏa mãn mà ta muốn nhận được từ cuộc sống. Sự thỏa mãn, khái niệm không được tôn trọng lắm trong hệ thống những giá trị của chúng ta. Nó nhỏ bé làm sao. Không nghiêm túc. Vậy thì đã đến lúc khôi phục lại giá trị cho nó. Và chúng ta sẽ thực hiện điều này ở chương tiếp theo.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bạn đã sẵn sàng để trả lời câu hỏi “Bạn có hạnh phúc không?” chưa? Nếu có, thì điều gì làm cho cuộc sống của bạn hạnh phúc? Nếu không, thì điều gì cản trở hạnh phúc của bạn?
Bạn có suy nghĩ về điều đó không? Bạn có cố thử thay đổi tình huống, nếu bạn không thể gọi mình là người hạnh phúc, hay bạn xuất phát từ quan điểm rằng con người sinh ra không phải để hạnh phúc?
Bạn truyền cho con mình ví dụ về một người hạnh phúc hay không hạnh phúc?
Nếu bạn muốn trở thành người hạnh phúc và mong ước con mình lớn lên cũng thế, thì điều gì đang cản trở? Hoàn cảnh? Vậy thì Nick Vujicic đã làm thế nào? Hay với Pushkin, người đã biến dịch tả thành “mùa thu Boldino”(7)?
(7) “Mùa thu Boldino 1830” là tên gọi cho giai đoạn sáng tác đỉnh cao trong đời thơ của đại thi hào Nga A. S. Pushkin. Kẹt trong ngôi làng Bolshoe Boldino bị cách ly do dịch tả bùng phát suốt một mùa thu, Pushkin đã hoàn thành trường thi nổi tiếng Evgheni Onegin, loạt Truyện Belkin, loạt kịch Những bi kịch nhỏ, bài thơ Ngôi nhà nhỏ ở Kolomna và gần 30 bài thơ khác. (ND)
Con người xây dựng nên thực tiễn của mình. Có nghĩa là mọi việc không nằm ở hoàn cảnh. Vậy thì ở đâu? Trong mong muốn được là người hạnh phúc của chúng ta? Hay trong việc chúng ta đã quá vội vàng, sẵn sàng quên đi những mong muốn của bản thân và sống theo quán tính, không nghĩ về mình mà chỉ tuân phục những mong muốn của người khác?