Mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì? Chúng ta đặt những ý nghĩa nào vào cái từ tưởng như ai cũng biết? Họa sĩ biếm họa nổi tiếng Charles Schultz(1) tin rằng hạnh phúc là chú cún con ấm áp. Một định nghĩa thật thiện cảm và dễ thương, phải không? Có thể nói như thế. Nhìn chung, có lẽ có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu hình dung về hạnh phúc. Mà những hình dung này thường hoàn toàn khác nhau.
(1) Charles M. Schultz (1922 - 2000): Bút danh Sparky, là họa sĩ biếm họa người Mỹ nổi tiếng với loạt truyện tranh Peanuts (đăng từ năm 1950 đến năm 2000) nhiều lần tái bản và dịch ra 21 thứ tiếng, được vinh danh là “cây bút biếm họa nổi tiếng nhất mọi thời đại”. (ND)
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hạnh phúc với bạn có nghĩa là gì? Có những tiêu chí nào?
Hãy trò chuyện với con để xem con nghĩ gì về hạnh phúc? Những tiêu chí hạnh phúc của con là gì?
Sẽ rất lý thú khi bạn so sánh các tiêu chí với nhau và thảo luận điều đó với con mình. Khi so sánh, bạn không cần phải dạy dỗ hay giáo huấn con, mà hãy học ở con hay ít ra là lắng nghe bé. Trong trường hợp đó, tôi đoan chắc với bạn, bạn không chỉ biết thêm nhiều điều về con, mà sẽ hiểu thêm về chính bản thân.
Tác giả từ điển nổi tiếng Ozhegov(2) cho rằng hạnh phúc là cảm giác và tình trạng viên mãn, hài lòng cao độ. Còn tác giả cuốn từ điển không kém nổi tiếng khác là Dal(3) cho rằng hạnh phúc là sự tình cờ.
(2) Ozhegov Sergey Ivanovich (1900 - 1964): Nhà ngôn ngữ học Xô viết, tiến sĩ ngôn ngữ học, nổi tiếng với bộ Từ điển giải thích tiếng Nga được tái bản rất nhiều lần, đồng tác giả bộ Từ điển giải thích tiếng Nga do Ushakov D.N. biên soạn. (ND)
(3) Dal Vladimir Ivanovich (1801 - 1872): Nhà văn, nhà dân tộc học, tác giả bộ từ điển nổi tiếng mà ông mất 53 năm thực hiện Từ điển giải thích tiếng Nga vĩ đại sống động. (ND)
Hàng trăm nghìn, nếu không muốn nói là hàng triệu luận văn đã tranh cãi về việc thế nào là hạnh phúc, làm cách nào để đạt được và gìn giữ nó. Tôi sẽ không tham gia cuộc tranh cãi này. Dĩ nhiên, có thể hiểu hạnh phúc theo ý của mình và xây dựng nó từ những chất liệu rất khác nhau.
Thế nhưng, hiển nhiên là, không thể có hạnh phúc ở nơi không có sự thỏa mãn. Hay nếu bạn muốn nói theo cách của mình, thì đó là niềm vui sướng. Và vấn đề bắt đầu xuất hiện từ đây.
Hạnh phúc không có niềm vui?
Thái độ tiêu cực đối với niềm vui bắt đầu từ trường học. Trải qua mười một năm sau những bức tường, trẻ lớn lên với cảm nhận rằng việc học thật nặng nề, buồn chán, đôi khi thật khó khăn. Niềm vui chỉ đến khi kỳ nghỉ bắt đầu.
Trường học là một bài học xã hội, nghiêm túc, chín chắn về việc cuộc sống có ít sự thỏa mãn và nhiều công việc nặng nề, thậm chí là vô nghĩa. Bài học này đã được người Nga lĩnh hội suốt cuộc đời. Đa số chúng ta sống theo nguyên tắc: mười một tháng làm việc, mục đích chính là kiếm tiền. Sau đó, hai mươi ngày ra biển và vui chơi, tức là sự hài lòng.
Trong quá trình tham vấn của mình, tôi đã nhiều lần được thuyết phục rằng gần như tất cả những ai gặp vấn đề về gia đình đều tin không thể xây dựng gia đình trên nền tảng tình yêu, và việc xây dựng những mối quan hệ gia đình là một công việc khó khăn, nếu không muốn nói là khổ sai mà trong quá trình đó, đôi khi có niềm vui.
Thành ra, chúng ta đã tách biệt niềm vui từ cuộc sống: những ngày hội hè, những niềm vui – riêng một phía; và cuộc sống buồn chán, nặng nề – riêng một phía. Niềm vui ùa vào đời chúng ta như những ánh chớp, như những đốm sáng pháo hoa. Và chúng ta đã quen xem tình trạng này là bình thường.
Nếu chúng ta sống như thế, thì đó là lựa chọn của bản thân ta… Còn giờ đây, hãy nhớ xem con của bạn xuất hiện trên cuộc đời này như thế nào. Con đã như thế nào hồi lên ba, lên năm, thậm chí lúc bảy tuổi,… Con đã vui mừng với bất cứ điều gì mới mẻ (mà mọi thứ với con đều mới) và tận hưởng mọi thứ trên thế gian.
Tôi và vợ đã gọi con trai tôi, khi con còn nhỏ, là “nhà sản xuất tâm trạng vui vẻ”. Tôi nghĩ thật sự có thể gọi bất cứ đứa bé nào như thế. Trẻ em có thể trải nghiệm tất cả, kể cả cảm giác đau khổ. Nhưng trong thế giới của em, niềm vui không tách biệt khỏi cuộc sống. Nó hợp thành một phần nhất định của cuộc sống.
Bạn thật sự thấy như thế là đúng sao, rằng không phải chúng ta lấy ví dụ từ những đứa trẻ để thử sống và cảm nhận được niềm vui sống, mà là trẻ bị chúng ta bắt buộc sống theo những quy luật của người lớn, trong đó niềm vui tách riêng khỏi cuộc sống và chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện như những đốm sáng?
Bạn có cảm thấy trong đời bạn có quá nhiều vấn đề?
Cuộc sống của một đứa bé, con người đang nhận thức về thế giới này, cũng phức tạp biết bao nhiêu. Ở trẻ, những vấn đề cũng chẳng ít hơn, nhưng chúng không cản trở đứa trẻ sướng vui. Có nghĩa là mọi việc không nằm ở chỗ có quá nhiều vấn đề, mà là ở tâm thế của ta – rất thường xuyên, đã cản trở ta nhận ra những niềm vui mà đời trao tặng.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy suy nghĩ xem con của bạn nhận được niềm vui nhiều nhất từ đâu. Lập danh sách những điều mang đến cho con sự hài lòng cao nhất. Rồi hỏi con xem điều gì làm con vui sướng hơn cả. Và bạn cũng hãy ghi lại. So sánh cả hai danh sách. Trùng khớp không? Có gì không trùng hợp?
Bài tập này là cuộc kiểm tra nghiêm túc về việc bạn hiểu con mình bao nhiêu. Nó còn giúp mang đến cho con nhiều niềm vui hơn – không phải thứ mà bạn có cảm tưởng là “vui”, mà là thứ mang đến cho con sự hài lòng.
Nếu đứa trẻ (đặc biệt là cậu bé/cô bé đang học phổ thông) cảm thấy quá thiếu niềm vui, có nghĩa là cuộc sống của con rất buồn và chẳng hề nhẹ nhõm. Cuộc sống đó không đủ hạnh phúc. Không ai, ngoài cha mẹ, có thể thay đổi tình trạng này.
Khôi phục niềm vui
Đã đến lúc chúng ta phục hồi lại khái niệm “niềm vui”. Trước tiên, chúng ta nhận thức rằng điều này chẳng có gì phải xấu hổ. Nếu chúng ta muốn bản thân được hạnh phúc và con cái lớn lên hạnh phúc, chúng ta không được quên rằng hạnh phúc không thể có nếu thiếu niềm vui. Thứ hai, chúng ta phải tự học và dạy các con đừng bao giờ tách niềm vui ra khỏi cuộc sống. Nói cách khác, phải hiểu rằng niềm vui là một phần của cuộc sống chứ không chỉ là một kỳ nghỉ nào đó. Hiển nhiên, không phải lúc nào ta cũng có thể vui vẻ. Đó là việc chúng ta cần hướng đến.
Niềm vui, nhìn chung, không phải là một khái niệm theo kiểu Rabelais(4) nào đó. Về nguyên tắc, niềm vui của cuộc sống đến từ mọi thứ: công việc, gia đình, ăn uống, nghỉ ngơi, giao lưu với bạn bè. Rõ ràng không phải lúc nào mọi việc cũng được như thế. Nhưng nếu điều đó hiếm khi xảy ra hoặc không xảy ra, thì có gì đó đã sai. Chúng ta phải thay đổi tình trạng này.
(4) Franҫois Rabelais (1494 - 1553): Nhà văn Pháp, tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng Gargantua và Pantagruel, trong đó Gargantua là một nhân vật háu ăn, to béo, ham vui và tên nhân vật trở thành biểu tượng của những thú vui phàm tục. Các tác phẩm của Rabelais đả phá xã hội phong kiến, giới giáo sĩ, vua chúa tham lam độc ác. (ND)
Cần hiểu rõ rằng nếu cha mẹ sống và làm việc mà không có niềm vui, con cái họ mỗi ngày sẽ chỉ thấy những con người mệt mỏi và tức giận. Do luôn lấy hình mẫu từ cha mẹ nên dần dần, chính trẻ cũng trở nên khó chịu và mệt mỏi. Rồi trường học còn khiến cảm nhận này tăng thêm. Nếu con bạn hoài nghi, mệt mỏi, thờ ơ với mọi thứ, tôi khuyên bạn hãy nghiêm túc soi gương và suy nghĩ con đã lấy tấm gương về thái độ sống này từ ai.
Triết luận tâm lý học xuất phát từ quan niệm cho rằng hạnh phúc là sự hài hòa, nên có thể kéo dài rất lâu. Hạnh phúc không phải là một đốm sáng, mà là một cảm xúc kéo dài, rằng cuộc sống đang đi đúng hướng. Điều gì đang ngăn cản bạn có thái độ như thế đối với hạnh phúc? Điều gì cản trở bạn vươn đến đó? Và cuối cùng, điều gì khiến bạn không thể dạy cho con thái độ này?
Buồn chán – đó là sự thiếu vắng niềm vui
Nhà nghiên cứu người Pháp Émile Tardieu nhận định rằng buồn chán là hệ quả của sự kiệt sức. “Con người kiệt sức, luôn cam chịu sự mệt mỏi,… cả đời sống trong buồn chán. Anh ta không có khả năng nỗ lực, cảm thấy mình hèn mọn, trống rỗng.”(5)
(5) Émile Tardieu, sách đã dẫn, tr. 9.
Một quan sát chính xác đến khó tin! Liệu có hay không một người hài lòng với cuộc sống lại bị kiệt sức bởi công việc của mình? Dĩ nhiên, có thể. Liệu có một người, bị kiệt sức vì công việc, cảm thấy hài lòng về cuộc sống? Dĩ nhiên, không.
Buồn chán, như là hệ quả của việc mệt mỏi kinh niên vì sự vô nghĩa của cuộc sống, có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nỗi buồn chán đó dần trở thành truyền thống, một thói quen của gia đình. Thường thì ta không nhận ra điều này, mọi người đã quen với thực tế là sự hài lòng và niềm vui chỉ là những vị khách hiếm hoi, còn nỗi buồn chán mới là chủ nhân của cuộc sống.
Như chúng ta đã nói, thói quen là những gì khó thay đổi nhất. Những thói quen gia đình cũng thế. Trong những gia đình như vậy, đứa con rất dễ tiếp thu truyền thống: công việc thì nặng nề, cuộc sống thì buồn chán, có rất ít thời gian để vui vẻ. Đứa con sống không hòa hợp nhưng cố làm cho cuộc sống mình hạnh phúc, sẽ bắt đầu bằng cách “hoãn binh” – đánh vật với nỗi buồn chán của cuộc sống. Và chúng ta hiểu rõ việc “hoãn binh” như thế có thể đi xa đến đâu.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bạn vui vẻ như thế nào khi trò chuyện với con của mình? Đứa con sinh ra vốn là người vui vẻ, lạc quan. Con sẽ còn như thế rất lâu, cho đến khi nào cha mẹ còn cho phép điều đó. Đứa con còn là phép kiểm tra về việc chúng ta có thể (hay không thể) tạo ra một cuộc sống hạnh phúc, hòa hợp.
Đây không phải là những suy nghĩ chung chung mà là một bài tập. Bạn hãy ngồi xuống và suy ngẫm về tất cả những điều này. Tốt hơn nữa là hãy nói thành lời với chính mình điều đó.
Một cuộc trò chuyện nghiêm túc, thẳng thắn với chính mình về khả năng trò chuyện vui vẻ với con có thể tác động lên thái độ của bạn đối với bản thân, cũng như trong mối quan hệ với con, và cuối cùng là lên cuộc đời bạn.
Mười nguyên tắc của niềm vui
Khi tôi chia sẻ điều này tại các buổi giảng, một trong những thính giả của tôi đã nói: “Vâng, điều đó đơn giản là chủ nghĩa Epicure nào đó!”. “Một nhận xét thú vị”, tôi nghĩ. Và tôi quyết định làm sáng tỏ.
Hóa ra, trên cổng trường của Epicure(6) có viết những dòng sau: “Này vị khách, ở đây quý vị sẽ cảm thấy tốt lành; ở đây sự hài lòng là niềm vui cao nhất”. Epicure coi sự hài lòng là niềm vui cao nhất. Thật tuyệt! Và đây là mười nguyên tắc mà ông khuyên chúng ta nên tự điều chỉnh để đạt được mục đích này:
(6) Epicure (341 - 270, trước công nguyên): Triết gia Hy Lạp cổ đại, sáng lập trường phái Epicure – chủ nghĩa hưởng lạc ở Athens. (ND)
1. Luôn làm việc.
2. Luôn yêu thương.
3. Yêu bạn đời hơn yêu chính mình.
4. Đừng chờ đợi sự biết ơn của người khác, đừng buồn nếu bạn không được cảm ơn.
5. Giảng giải thay cho hận thù; nụ cười thay cho sự khinh rẻ.
6. Từ cây tầm ma rút ra sợi chỉ, từ cây ngải cứu làm ra dược liệu.
7. Chỉ nghiêng mình để sau đó nâng người ngã đứng dậy.
8. Nên có nhiều trí thông minh hơn lòng tự ái.
9. Mỗi tối hãy tự hỏi: “Hôm nay mình đã làm tốt điều gì?”.
10. Luôn có sách mới trong tủ sách, chai rượu mới trong kho, bông hoa chưa ai chạm đến trong vườn nhà mình.(7)
(7) Trích từ Paolo Mantegazza, Физиология наслаждений. Наслаждения чувств. Наслаждения сердца. наслаждения ума (tạm dịch: Sinh lý học của khoái lạc. Khoái lạc của cảm giác. Khoái lạc của trái tim. Khoái lạc của trí óc), M.: Profit Style, 2012, tr. 18-19.
Bạn có đồng ý đây là những nguyên tắc tuyệt vời không? Nếu học được cách sống này, cuộc sống của chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui!
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Đọc kỹ những nguyên tắc của Epicure. Điều gì cản trở bạn áp dụng chúng vào cuộc sống? Điều gì ngăn cản bạn giải thích cho các con của mình, và cùng con sống theo những nguyên tắc này?
Tôi tin rằng việc thảo luận về những nguyên tắc này là dịp tốt để bạn giao tiếp với con. Và cũng là cơ hội để bạn suy ngẫm về cuộc đời mình.
Ý chí, sức mạnh của mong muốn vun đắp một cuộc sống hạnh phúc
Hầu hết mọi người đều khẳng định chính hoàn cảnh khiến họ không nhận được niềm vui từ cuộc sống. Nhưng chúng ta đã thống nhất với nhau rằng con người xây dựng cuộc sống, chứ không phải cuộc sống xây đắp nên con người. Trên thực tế, không phải là hoàn cảnh, mà chính việc thiếu ý chí đã cản trở chúng ta nhận được sự thỏa mãn từ cuộc sống.
Vậy ý chí là gì? Ý chí là sức mạnh của mong muốn tạo dựng nên những hoàn cảnh sống mà trong đó bạn cảm thấy hạnh phúc nhất. Đôi khi bạn có cảm tưởng rằng bạn không biết cách làm công việc mình yêu thích, hay chúng ta cũng chẳng biết yêu. Không lẽ có việc đó? Dĩ nhiên là có đấy. Câu trả lời không phải là “biết - không biết” mà là “muốn - không muốn”.
Mong muốn càng lớn bao nhiêu, kỹ năng làm chủ và lĩnh hội càng xuất hiện nhanh chóng bấy nhiêu. Trên thực tế, mỗi chúng ta đã từng kiểm chứng kết luận này trên chính mình không chỉ một lần.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Trên một chuyến taxi ở Israel, tôi nhìn thấy một tấm áp phích nhỏ với dòng chữ “Hãy cảm ơn Thượng Đế vì buổi sáng đang đến hôm nay. Còn lại là phần thưởng”. Nếu chúng ta học cách sống như thế này, mỗi sự kiện đều được ta tiếp nhận như là một phần thưởng tăng thêm, tức là một niềm vui.
Nhưng điều gì cản trở chúng ta sống như vậy? Những chướng ngại nào trong nội tâm khiến ta không thể có thái độ như thế đối với cuộc đời?
Tôi nghĩ nếu chúng ta có thể loại bỏ hết những trở ngại này, cuộc sống sẽ khác biệt về cơ bản…
Có lẽ để bắt đầu, hãy làm một tấm áp phích như thế, treo trong nhà mình, để mỗi ngày ta đều đọc được những lời này?
Hạnh phúc nảy sinh ngay cả trong bi kịch
Có nhiều ví dụ về việc con người có thể cảm nhận được hạnh phúc ngay cả trong những tình huống tưởng chừng như là bi kịch. Tôi có một người bạn gái thân thiết, một con người kỳ lạ và là một nghệ sĩ tuyệt vời, Oksana Korostyshevskaya. Cô có ba cô con gái kỳ diệu. Hai cô con gái đầu lòng là một cặp sinh đôi: một con gái bình thường và bé thứ hai với hội chứng Down. Marusya tuyệt vời và Masha cũng tuyệt vời không kém. Rõ ràng là ban đầu, tình huống này bị xem như là một bi kịch. Nhưng ngay sau đó, nó không chỉ không đốn ngã Oksana và chồng cô là Maksim Korostyshevsky, mà còn khiến họ thêm hạnh phúc.
Chúng ta vốn quen xem những đứa trẻ bị hội chứng Down là bệnh tật. Điều này đúng một phần. Nhưng chúng cũng là những đứa trẻ đặc biệt tài năng. Và không phải tình cờ mà chúng được gọi là thiên thần.
Tôi biết Masha. Đó là con người mang ánh sáng cho thế giới. Cô bé không biết đến giận dữ và thù hận. Cô bé mê đọc sách. Sự hiện diện của cô bé trong gia đình lớn ấy không chỉ không hủy diệt hạnh phúc, mà còn nhân niềm hạnh phúc lên gấp bội. Việc sinh ra một đứa trẻ không bình thường không làm cho cha mẹ lo sợ, và ba năm sau khi sinh Masha, họ lại sinh tiếp đứa con thứ ba, cô bé xinh đẹp và thông minh Vasilisa.
Nhà Korostyshevsky đã tạo ra một thực tiễn mà họ mong muốn, và không hoàn cảnh nào cản trở được họ. Vậy điều gì cản trở chúng ta làm như thế? Không phải là hoàn cảnh sống, mà là việc thiếu ý chí. Ý chí là thứ mà chúng ta có thể tự tôi luyện cho mình – chỉ cần có mong muốn.
Bạn có yêu thương bản thân không?
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Ý Paolo Mantegazza(8) đã nhận xét: “Yêu thương bản thân là một trong những tính cách cơ bản và đơn giản nhất của một con người; nó khuyến khích ta bảo vệ bản thân khỏi mọi sự khó chịu và giành được tất cả những gì mang đến sự thoải mái trong cuộc sống”(9).
(8) Paolo Mantegazza (1831 - 1990): Nhà thần kinh học, sinh lý học và nhân chủng học, nổi tiếng với nghiên cứu thực nghiệm về tác động của lá coca đối với tinh thần con người. (ND)
(9) Trích từ Paolo Mantegazza, sách đã dẫn, tr. 160.
Bạn đồng ý chứ, rằng thật khó để tận hưởng cuộc sống và xây dựng cuộc đời hạnh phúc đối với những ai không biết yêu chính mình. Bạn đang làm gương cho các con về điều gì – ví dụ, yêu thương bản thân hay căm ghét bản thân? Có bao giờ bạn liên tục dạy dỗ con mà quên dạy cho chính mình nghệ thuật đó – biết yêu và tôn trọng bản thân?
Cuộc sống có thường xuyên đặt ra cho bạn những rào cản trên con đường bạn đi đến hạnh phúc? Thường xuyên à? Vậy thì bạn đối xử với những cản ngại này như thế nào? Bạn có biết sử dụng chúng không? Bạn có dạy cho các con mình điều đó?
Đầu tiên, chúng ta sẽ nói về thành công. Chướng ngại chính là những gì cản trở chúng ta đạt được thành công. Đúng thế chứ? Và thành công là gì? Chúng ta sẽ nói tiếp ngay sau đây…
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Có bao giờ bạn tự đặt cho mình câu hỏi “Tôi có yêu thương chính mình không?”? Theo bạn, yêu thương chính mình có nghĩa là gì?
Bạn có suy ngẫm về việc có thể bạn đã thực hiện nhiều hành động không chút yêu thương và tôn trọng nào đối với bản thân mình?
Và cuối cùng, bạn có muốn con bạn yêu bản thân? Đối xử với bản thân bằng sự tôn trọng? Biết nhận được niềm vui từ cuộc sống?
Nếu bạn muốn, vậy thì đầu tiên hãy thử đối đãi với chính mình như thế.