Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng đều mơ ước đứa con yêu thương của họ lớn lên thành đạt. Điều đó thật dễ hiểu và rõ ràng. Nhưng chúng ta lại chưa rõ ràng về ý nghĩa của thành công/thành đạt. Trong khi đó, con cái chúng ta đang sao chép từ cha mẹ về một cuộc sống thế nào là thành công và không thành công – “Con sẽ giống cha và khi đó, con sẽ thành công”, hay “Để thành công, con sẽ không bao giờ giống cha – cần phải hành động theo kiểu khác”.
Người lớn có thể hòa hoãn với việc anh ta không được thành công, và hoàn toàn có thể sống với cảm nhận đó, hay thậm chí không buồn nghĩ về nó. Trẻ em thì luôn đau đáu cho sự thành công của mình. Mong muốn sống cuộc đời thành đạt là điều đặc trưng ở mọi trẻ em.
Vậy với con trẻ, thế nào là thành công? Con sẽ tự tìm hiểu (dĩ nhiên là với sự hỗ trợ của cha mẹ), hay con sẽ xây dựng triết lý của riêng mình theo sự đặt để của xã hội – thành công nghĩa là giàu có và nổi tiếng?
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bạn có cho rằng mình là người thành công? Và nửa kia của bạn cũng thế? Với bạn, tiêu chuẩn của thành công và không thành công là gì? Hãy đưa ra một vài tiêu chí rõ ràng.
Nếu bạn muốn con của mình cũng cân nhắc chọn ra những tiêu chí thành công, bạn cần phải tự xác định trước, phải thế không?
Con người và sự hào nhoáng(1)
Trong cuốn sách trước đây của mình, Интеллигенция и гламур (tạm dịch: Giới trí thức và sự hào nhoáng)(2), tôi đã mổ xẻ khá chi tiết bối cảnh ở nước Nga khi ý thức hệ duy nhất thật sự hoạt động chính là hệ tư tưởng hào nhoáng. Vâng, hệ tư tưởng hào nhoáng, hay nếu bạn thích, có thể gọi đó là một triết lý mà nền tảng của nó chính là quan điểm cho rằng cuộc sống con người chỉ thành công nếu người đó tạo dựng được sự nghiệp và kiếm được nhiều tiền.
(1) Tác giả dùng từ “гламур”, một từ vay mượn từ tiếng Pháp, tiếng Anh là “glamour”, có nghĩa là “sự quyến rũ, bảnh bao, hào nhoáng”. (ND)
(2) Maksimov A. M., Интеллигенция и гламур, M., SVR-media, 2010.
“Sự hào nhoáng” là hệ tư tưởng của “những năm rửng mỡ”. Hiện nay ở Nga, nó được thay thế bằng hệ tư tưởng phổ biến nhất qua nhiều thế kỷ – hệ tư tưởng yêu nước. Nhưng sự hào nhoáng thì chẳng hề biến mất. Hệ tư tưởng này không dễ dàng quy hàng, bởi những mục tiêu chính của nó quá dễ hiểu và lôi cuốn.
Chúng ta, cũng như con cái của chúng ta, tồn tại trong thế giới của sự hào nhoáng không bị đánh bại. Có nghĩa là con trẻ bước vào một thế giới mà trong đó, khái niệm thành công hết sức rõ ràng và cụ thể.
Người lớn chúng ta có thích khái niệm này không? Nếu không thích, chúng ta có thể chống lại nó bằng cách nào, ngoài việc không chấp nhận nó? Liệu chúng ta có thể đề nghị những thay thế tích cực nào với các con mình? Chúng ta hiếm khi nghĩ đến những câu hỏi này. Nếu không có câu trả lời, chúng ta sẽ rất khó giúp con mình xây dựng nền tảng cho triết lý của riêng con, cho quan điểm riêng của con về thế giới này.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy nói với con về những giá trị sống cốt lõi của cuộc đời, những định hướng giá trị chính và tại sao chúng lại quan trọng trong việc tạo dựng cuộc sống của bản thân.
Sau đó, đề nghị con viết ra (theo thứ tự giảm dần) những ưu tiên mà con cho rằng cha mẹ nghĩ là quan trọng nhất trong cuộc sống. Ví dụ: sức khỏe, gia đình, sự nghiệp, tiền bạc, sự tự khẳng định,…
Song song đó, bạn cũng viết ra (theo thứ tự giảm dần) những giá trị sống mà bạn cho rằng con bạn nghĩ là chính yếu.
Đây là một kiểu trò chơi. Bạn viết về những định hướng giá trị của con, còn con lại viết về những giá trị của bạn. Sau đó, hãy ngồi lại cùng nhau và so sánh.
Đầu tiên, bài tập này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn quan điểm của con mình. Thứ hai, bạn sẽ biết rõ con hiểu bạn được bao nhiêu và chia sẻ những giá trị của bạn được bao nhiêu. Cuối cùng, bạn sẽ khẳng định được con có đang phản ánh trực tiếp, chính xác những ưu tiên của bạn, hay ngược lại.
Thành công là kết quả
Chúng ta quen gọi một người thành công là người đạt được nhiều thứ. Ít có cha mẹ nào nói với con trai mình rằng: “Hãy tìm ra thiên hướng của con, công việc mà con yêu thích, khi đó con sẽ hạnh phúc”. Thường thì phổ biến hơn vẫn là lời kêu gọi: “Con phải làm việc chăm chỉ và khó nhọc, thì mới kiếm được nhiều tiền và mới thành công”.
Đa số cha mẹ đều nhận định thành công là một khái niệm hết sức cụ thể, mà những dấu hiệu của nó là sự thăng tiến trong công việc, thu nhập cao, đôi khi (tùy theo nghề nghiệp) là danh tiếng.
Đứa con, dễ hiểu thôi, sẽ phản chiếu thái độ đó đối với thành công. Con sẽ lớn lên với suy nghĩ rằng ngôi sao sân khấu hay người dẫn chương trình truyền hình là những người thành công, chứ không phải là trở thành bà mẹ của năm đứa con; rằng người giàu có thì luôn thành công, còn nhà thơ hạnh phúc không đủ tiền mua chiếc bánh mì – là kẻ thất bại.
Chúng ta nghĩ gì về thành công – thành công chỉ là thứ gì đó ở bên ngoài? Chúng ta cố gắng đi theo con đường cụ thể và dễ hiểu đó, rồi ngay cả khi biết mình không thành công, chúng ta cũng cố gắng hướng con em mình đi theo nó. Thế thì liệu có con đường nào khác không? Đương nhiên là có.
Thành công là một quá trình
Triết luận tâm lý học xuất phát từ ý niệm rằng thành công không phải là kết quả mà là một quá trình. Thành công là niềm vui mà con người nhận được từ cuộc sống. Nếu con người hạnh phúc, tức là nếu anh ta xây dựng được cuộc sống hòa hợp, thì từ quan điểm triết luận tâm lý học, anh ta thành công bất kể anh ta có gầy dựng được sự nghiệp hoặc kiếm được nhiều tiền hay không. Nói đơn giản hơn, người thành công là người hài lòng với cuộc sống của mình, sướng vui với nó.
Niềm vui này có được từ đâu? Từ cảm giác hài hòa của cuộc sống. Vậy cảm giác này đến từ đâu? Từ nhiều điều khác nhau. Ví dụ, khi con người được làm công việc mình thích, sống bên cạnh những người yêu thương và hiểu được anh ta, đó chính là thành công.
Theo ý nghĩa này, chúng ta có thể nói, một tài xế taxi yêu công việc của mình và có một gia đình êm ấm có thể là người thành công hơn một ngôi sao ca nhạc dành hết năng lượng để duy trì sự nổi tiếng trong khi luôn phải sống đơn độc và cảm thấy mình không được thấu hiểu, bất hạnh.
Đấy là hai kiểu thành công: thành công là một kết quả và thành công là một quá trình. Tiêu chí cho sự chọn lựa cũng như thế – sự mong muốn. Tâm hồn bạn gần gũi với kiểu thành công nào hơn, bạn sẽ vươn đến đó. Nhưng bạn phải nhớ là ở nhà mình còn có một tấm gương với tia X.
Tùy thuộc vào việc cha mẹ thích loại thành công nào hơn, con cái họ cũng sẽ hành động theo hướng đó. Còn sức khỏe? Chúng ta quên rồi sao? Chẳng lẽ đó không phải là một nền tảng của cuộc sống thành công? Thật tốt khi con người khỏe mạnh. Điều này dễ hiểu rồi.
Tôi vẫn gặp những người không khỏe mạnh, nhưng họ vẫn có thể làm công việc họ yêu thích, bên cạnh họ là những người thân thiết, và họ cảm thấy mình hạnh phúc, thành công (Chúng ta lại nhớ về Nick Vujicic và Stephen Hawking(3)). Nhưng tôi không gặp một người khỏe mạnh nào có thể sống trong trạng thái hòa hợp nếu phải bận rộn với một công việc chán ngắt và không có người yêu thương bên cạnh. Sự thành công (và không thành công) quan trọng với giới trẻ hiện nay đến độ tôi rất muốn các bậc cha mẹ thảo luận đề tài này với con cái mình ít nhất một lần.
(3) Stephen Hawking (1942 - 2018): Nhà vật lý lý thuyết vũ trụ, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học lý thuyết thuộc Đại học Cambridge. Ông bị hội chứng xơ cứng teo cơ khiến tế bào thần kinh tê liệt, chống chọi với căn bệnh này suốt 20 năm, đồng thời vẫn duy trì việc nghiên cứu, lập gia đình. Ông là tác giả nhiều công trình đột phá về vũ trụ học, được mệnh danh là “bậc thầy vũ trụ”. (ND)
Đừng e ngại những cuộc trò chuyện như thế này. Ngay cả khi bạn chắc chắn về sự không thành công của mình, cũng cần phải trò chuyện với con về việc tại sao cuộc đời bạn thành ra như thế. Muốn hay không, đứa trẻ cũng sẽ nghĩ đến việc làm thế nào để đời mình thành công, và bằng cách này hay cách khác, chúng đưa những kinh nghiệm của đời bạn vào những suy nghĩ của mình.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy trò chuyện với con về những người mà chúng cho là thành công. Đó có thể là những ngôi sao nổi tiếng hoặc những người quen biết, kể cả họ hàng. Những ví dụ cụ thể sẽ giúp bạn hiểu con đánh giá cao loại thành công nào và muốn vươn đến loại thành công nào. Những tiêu chí của con, chứ không phải của bạn, về một cuộc đời thành đạt là như thế nào.
Hiểu đúng về trở ngại
Không chỉ cha mẹ muốn con mình thành công, mà chính bản thân con cũng mong muốn như thế. Mong muốn, nhưng lo sợ. Vì thế, ngay từ nhỏ, con đã hiểu trên con đường đi đến thành công, khó khăn cũng đang đón đợi.
Câu hỏi về cách vượt qua trở ngại rất thú vị, và theo kinh nghiệm của tôi, nó lại rất ít khi được thảo luận.
Vậy thì phải thảo luận gì ở đây?
Khó khăn là một phần của cuộc sống. Chúng đến? Ta sẽ khắc phục và đi tiếp. Thế ư? Thế đấy. Nhưng không hẳn chỉ có thế.
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Irvin Yalom nhận định, nhiệm vụ chính của ông là “xác định và dẹp bỏ các trở ngại”(4). Bạn có hiểu không? Giải quyết bất kỳ vấn đề tâm lý hay nhiệm vụ giao tiếp nào – điều chính yếu là hiểu những trở ngại nào đang ngăn cản bạn giải quyết và dẹp bỏ chúng. Để chứng minh cho luận điểm của mình, ông dẫn ra một ví dụ thú vị và tiêu biểu. Tại một buổi trị liệu của nhà tâm lý học, một phụ nữ than phiền về “trái tim phá sản” của mình – cô muốn, nhưng không thể yêu ai.
(4) Irvin Yalom, Дар психотерапии (tạm dịch: Quà tặng của liệu pháp tâm lý), M., Eksmo, 2015, tr. 31.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy dành một ít thời gian để tự trả lời, hoặc như tâm lý học sư phạm đề nghị, hãy trả lời thành tiếng cho câu hỏi này “Bạn có thái độ như thế nào trước khó khăn?”.
Bạn có tìm ra được kỹ năng nào đó? Khi xuất hiện vấn đề, bạn có biết sử dụng chúng để tiến lên phía trước? Hay bạn cứ buông xuôi, hy vọng bản thân có thể tự kiểm soát?
Bạn có tuân thủ một trong những quy luật chính của tâm lý học sư phạm (khi xuất hiện bất kỳ vấn đề nào, đừng bao giờ đặt câu hỏi “vì cái gì?”, mà phải luôn tự hỏi “để làm gì?”)?
Sau khi bạn trung thực nói với chính mình về tất cả những điều đó, hãy cố tìm hiểu: Bạn muốn truyền lại cho con thái độ thế nào trước các vấn đề, và trong việc khắc phục khó khăn?
“Khôi phục khả năng yêu, nhiệm vụ mới khó khăn và đáng sợ làm sao! Tôi không biết phải giải quyết nó thế nào”, Yalom thú nhận. “Vậy đối với việc xác định và loại bỏ những trở ngại quấy rầy việc nảy sinh tình yêu thì sao?”, Yalom tự hỏi. Và ông tự trả lời: “Điều đó mình làm được”(5).
(5) Irvin Yalom, sách đã dẫn, tr. 32.
Bạn đã hiểu chưa? Yalom không phục hồi lại khả năng yêu, ông chỉ dọn dẹp những chướng ngại đang cản trở người phụ nữ này bằng cách tìm hiểu xem cô gặp phải những vấn đề nào từ thuở ấu thơ. Có thể đến bây giờ, khi đã trưởng thành, nó vẫn còn khiến bệnh nhân sợ hãi hay sầu muộn, khiến cô không thể yêu thương ai… Khi đó, khả năng yêu thương sẽ tự phục hồi.
Một kết luận rất quan trọng trong cuộc trò chuyện của chúng ta: Khi không biết làm thế nào để giải quyết vấn đề, hãy cố gắng tìm hiểu xem những trở ngại nào ngăn cản ta làm điều đó.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy sử dụng “công thức của Yalom” để nhận diện những trở ngại gây khó khăn cho bạn trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong bất cứ tình huống phức tạp nào của cuộc sống. Điều đó sẽ giúp bạn và cuộc sống của bạn. Nó còn quan trọng ở chỗ cách tiếp cận này sẽ được con bạn “phản chiếu” lại.
Đứa con học kém. Vấn đề ư? Đúng rồi. Không hiếm khi việc đó được giải quyết bằng tiếng la hét: “Làm bài đi! Học bài đi! Đồ dốt nát!”. Một việc làm vô nghĩa. Bằng cách đó, chúng ta thể hiện khí thế cha mẹ của mình, nhưng vô ích.
Lúc này, hãy sử dụng “công thức Yalom” – tìm hiểu những trở ngại khiến vấn đề không được giải quyết.
Đứa con không hứng thú học hành? Vâng, đó là chuyện rất thường xảy ra. Khắc phục trở ngại này bằng cách nào? Cần tìm hiểu động lực của con bạn. Ví dụ, “Vâng, ba hiểu con thích các môn khoa học xã hội, không cần toán. Nhưng con phải học để thi tốt nghiệp. Cần phải học để sao cho qua được kỳ thi khó khăn này trước đã”.
Có thể, mọi việc còn nằm ở việc trẻ gặp phải thầy cô không tốt, luôn hoạnh họe khiến con cho rằng có học cũng chẳng được gì. Vậy làm cách nào để khắc phục trở ngại này? Hãy trò chuyện với giáo viên của bé, thậm chí có thể đổi trường. Hoặc nói với con: “Hãy thử sử dụng vấn đề này để học cách xây dựng mối quan hệ với những người không ưa mình. Bởi đây là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống, đúng không nào? Vậy ta hãy cố gắng học hỏi nó”.
Quen với những vấn đề
Suốt cuộc đời tương đối dài của mình, tôi đã sống ở nước Nga. Và như tôi còn nhớ được, tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần câu nói: “Vào thời buổi không dễ dàng của chúng ta… Trong thời buổi không đơn giản của chúng ta…”. Không lần nào, không bao giờ tôi được nghe: “Hiện nay, mọi thứ đã dễ thở hơn… Ngày nay, khi chúng ta sống trong thời vui vẻ…”. Chúng ta đã quen với những vấn đề. Đa số chúng ta sống trong một hệ tọa độ, nơi mà nỗi buồn và vấn đề đã trở thành chuẩn mực, còn niềm vui là những ngoại lệ bất thường. Chẳng lẽ không phải thế sao? Có thể là thế. Nhưng cũng có thể là không. Cái nhìn đó là chọn lựa của mỗi người.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy yêu cầu con mô tả một cách ngắn gọn, rõ ràng những trở ngại mà chúng nhận thấy trên con đường xây dựng cuộc sống hạnh phúc của bản thân, con thích điều gì, và điều gì ảnh hưởng đến sự tồn tại của con.
Trên một tờ giấy khác, cũng ngắn gọn như thế, con hãy giải thích theo cách nhìn của con, cách thức để khắc phục chúng.
Ví dụ:
- Con không thích đi học? Có thể thay đổi điều gì?
- Không thích món ăn mẹ nấu? Vậy con thích ăn gì hơn?
- Không thích bị cha la mắng? Vậy phải thay đổi chính mình như thế nào hay phải nói với ba điều gì để ông hòa dịu hơn?
Một mặt, bài tập này có thể giúp con giải quyết những vấn đề trong cuộc sống của con và hiểu được những rắc rối nào cần thay đổi, những vấn đề nào đơn giản là cần chấp nhận. Mặt khác, bài tập này sẽ giúp bạn cảm thấy gần gũi và dễ hiểu hơn về thế giới của con.
Thế nhưng, khi thực hiện sự lựa chọn, chúng ta phải luôn nhớ rằng con trẻ đang nhìn vào chúng ta. Và phần lớn những chọn lựa, quan điểm của trẻ đối với những vấn đề quan trọng của cuộc sống đều được định hướng bởi chúng ta.
Và một lần nữa, tôi sẽ hỏi bạn: Con trẻ đang thấy ai trước mắt chúng? Một người biết sử dụng những vấn đề hay oằn mình trước sức nặng của chúng? Con người mang đến cho thế giới niềm vui hay nỗi buồn?
Trẻ nhỏ luôn vui tươi và lạc quan. Chính lối vào thế giới người lớn đã biến chúng thành những kẻ bi quan. Và chúng ta có muốn không chỉ trao cho con kinh nghiệm của bản thân, mà còn nhận lại điều gì đó từ kinh nghiệm của con? Không phải truyền đạt kinh nghiệm, mà là trao đổi chúng?
Muốn? Không muốn? Chúng ta đã có nói đôi chút về điều này ở đầu cuốn sách, nhưng với tôi, đây là vấn đề rất quan trọng, quan trọng đến độ tôi để dành nó ở lúc hạ màn. Bây giờ, đã đến lúc ta cần nói về điều đó.