Các bậc cha mẹ yêu quý, các bạn có biết tôi sẽ nói gì với các bạn không?
Rất nhiều vấn đề trong việc giáo dục nảy sinh vì một niềm tin bệnh hoạn nào đó của cha mẹ vào sự tuyệt đối đúng và vào sức mạnh của kinh nghiệm cá nhân, cũng như việc họ tuyệt đối không muốn lắng nghe kinh nghiệm của con mình.
Người lớn là ai? Người lớn là những con người tin vào việc họ biết con họ cần phải sống thế nào. Trong khi đó, cuộc đời của chính họ có thành công hay không cũng không quan trọng. Dẫu sao, họ cũng tin rằng họ biết con cái mình cần phải sống như thế nào.
Còn trẻ em là ai? Trẻ em là những con người đang lạc lối trong thế giới của người lớn, và chúng cần phải bấu víu vào gì đó. Chúng có thể thu nhận kinh nghiệm của cha mẹ và đi theo con đường mòn đó. Nhưng chúng cũng có thể tự mình khám phá và tiến bước trong đời, dựa vào kinh nghiệm của cá nhân mình.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy dành thời gian để trả lời câu hỏi “Bạn muốn truyền đạt cho con mình kinh nghiệm nào nhất?”. Kinh nghiệm xây dựng cuộc sống hạnh phúc hay kinh nghiệm thất bại? Kinh nghiệm tìm ra chính mình hay kinh nghiệm dịch chuyển hỗn loạn trong đời? Kinh nghiệm hạnh phúc hay kinh nghiệm đau thương? Kinh nghiệm thành công hay kinh nghiệm thất bại?
Nhiều cha mẹ tin rằng nếu họ sống đủ lâu thì bất cứ kinh nghiệm nào cũng cần truyền đạt cho con. Cuộc trò chuyện thành thật với chính mình như thế sẽ giúp bạn nhận biết ngờ vực gây tranh cãi này và giúp bạn có thái độ phản biện đối với những chỉ thị mà mình đặt ra cho con.
Cha mẹ kém cỏi là những người đòi hỏi con phải dựa vào kinh nghiệm của cha mẹ. Cha mẹ tốt là những người muốn con gầy dựng mối quan hệ riêng với cuộc đời, nhận được những kinh nghiệm của cá nhân mình và dựa vào chúng. Cha mẹ kém cỏi là những người dẫn con đi trên đường. Cha mẹ tốt là những người cho con khả năng dịch chuyển độc lập, nhưng sẵn sàng hỗ trợ và bảo vệ con.
Kinh nghiệm là số lượng những hiểu biết
Nhà tâm lý học Shimi Kang đã dí dỏm nhận xét rằng: “Có thể chúng ta là những bậc cha mẹ cổ lỗ nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại”(1).
(1) I. Yalom, sách đã dẫn, tr. 35.
Tại sao Kang lại nhận xét như thế?
Hãy nói với tôi, những cô bác lớn tuổi khi gặp vấn đề với các thiết bị điện tử, chẳng lẽ bạn không chạy đến nhờ bọn trẻ hướng dẫn? Chẳng lẽ chúng ta, các bậc cha mẹ, không tin rằng trẻ con hiểu biết về iPhone và các thiết bị điện tử khác nhanh hơn và giỏi hơn so với những người lớn tưởng như giàu kinh nghiệm?
Các ông bà vất vả mày mò iPhone bởi kinh nghiệm chẳng giúp ích được gì ở đây. Còn kinh nghiệm của trẻ trong việc này, xin thưa, chính là át chủ bài. Thời của những công nghệ mới cho chúng ta một ví dụ tuyệt vời về việc tôn trọng kinh nghiệm của trẻ em. Thế nhưng, kinh nghiệm này không làm chúng ta kinh ngạc. Chúng ta không muốn sử dụng chúng. Chúng ta, vẫn như trước, cho rằng ai sống đủ lâu lẽ đương nhiên sẽ giàu kinh nghiệm. Chẳng lẽ không phải thế sao?
Không phải thế. Kinh nghiệm là năng lực tối cần thiết để hiểu được ý nghĩa của cuộc đời. Vì thế, kinh nghiệm là số lượng những hiểu biết chứ không phải là số lượng những gì mà ta đã sống.
Có những người đứng tuổi không quen sống chiêm nghiệm, và ở họ, về thực chất, không có kinh nghiệm nào cả. Họ chẳng có gì để truyền đạt.
Có những người trẻ lại có rất nhiều điều có thể chia sẻ. Đương nhiên ở đây không chỉ nói về khả năng sử dụng các tiện ích.
Thật nghịch lý khi nói ra điều này, nhưng kinh nghiệm không chỉ có ở người lớn mà còn có cả ở trẻ em. Bởi mọi đứa trẻ đều phải tư duy về cuộc đời mình. Chúng thường làm điều đó một cách khác thường, bởi kinh nghiệm ở chúng cũng khác thường.
Con người lớn lên. Mối quan tâm về thế giới xung quanh giảm bớt, và mơ ước phân tích thế giới xung quanh, cũng như chính bản thân họ, cũng giảm dần. Không hiếm khi điều đó dẫn tới việc con người càng già dặn, thì kinh nghiệm của họ càng ít đi, chứ không phải nhiều hơn. Đơn giản vì người đó không biết và không muốn nghiên cứu cuộc sống, cũng như bản thân họ trong cuộc đời.
Ưu điểm và nhược điểm của kinh nghiệm
Trong hệ tọa độ của chúng ta, kinh nghiệm luôn được xem là điều tốt. Đó là ưu điểm. Một nhân viên giàu kinh nghiệm là tốt. Một nhân viên trẻ chưa nhiều kinh nghiệm là kém. Chẳng phải thế sao? Song, điều đó không phải lúc nào cũng đúng.
Kinh nghiệm cho chúng ta những gì? Biết cách giải quyết vấn đề cụ thể; hiểu hệ quả của những quyết định khác nhau. Về nguyên tắc, điều đó là tốt. Thế nhưng, khi chúng ta bị rơi vào vòng cương tỏa của những câu trả lời có sẵn, đó là lúc kinh nghiệm sẽ bắt đầu kiềm chế ta. Bộ não vui vẻ cung cấp cho chúng ta một (thậm chí là vài) giải pháp cho bất cứ vấn đề nào, bất cứ nhiệm vụ phức tạp nào. Và bỗng nhiên, ôi thật đáng sợ, không có giải pháp! Và sự sáng tạo xuất hiện.
Sáng tạo là việc tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề mà não không thể đề xuất. Chính nhờ điều này mà những phát minh vĩ đại ra đời. Những quả táo rụng là vì gió thổi. Một lời giải có sẵn. Kinh nghiệm con người chỉ ra như thế. Quả táo rụng bởi vì định luật vạn vật hấp dẫn. Đó là phát hiện của Newton.
Trẻ em được trao cho chúng ta để chúng ta không bị mắc kẹt trong kinh nghiệm của mình và góp phần sáng tạo. Ví dụ, chúng ta bắt đầu sáng tạo cuộc sống, tức không chỉ xây dựng nó theo những khuôn mẫu đã biết, mà đôi khi ít nhất cũng tạo ra nó theo kiểu mới. Trong trường hợp này, cái nhìn tự nhiên, chưa vẩn đục của trẻ em, sẽ giúp chúng ta.
Janusz Korczak đã kể một câu chuyện thế này. Người ta hỏi một cậu bé: “Em muốn làm gì?”. “Thần tiên”, cậu bé đáp. Mọi người bật cười. “Không”, cậu bé cười bối rối, “em biết em sẽ làm việc trong ngân hàng, giống cha em, nhưng vì mọi người hỏi ‘Em muốn làm gì’ nên em mới nói thế”.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy thử phân tích mối quan hệ giữa bạn với con từ góc nhìn này. Những hiểu biết của bạn về con người, về mối quan hệ của họ có gì mới thông qua việc trò chuyện với con? Bạn đã khám phá được những gì mà kinh nghiệm của bạn không mách bảo, nhưng cái nhìn của con lại dẫn đến đó?
Đứa bé thuyết phục bạn chơi đá bóng với nó – và hóa ra, đó là một hoạt động rất hấp dẫn.
Bạn đã quen tôn trọng ngài N. vì ông đã tạo dựng một sự nghiệp rực rỡ, nhưng đứa con lại “mách” cho bạn biết rằng đó là một người rất ủ rũ, buồn chán. Bạn đã phần nào đoán ra, nhưng cho đến khi đứa trẻ chưa vào cuộc, bạn không dám thừa nhận với chính mình điều đó.
Bạn là người say mê công việc? Còn đứa bé buộc bạn phải ra phố dạo chơi. Hóa ra cuộc dạo chơi cũng không đến nỗi tệ.
Càng có nhiều khám phá trong chính mình và thế giới xung quanh nhờ vào đứa bé, mối liên hệ giữa bạn với con càng trở nên nghiêm túc hơn và sâu sắc hơn.
Kinh nghiệm của người lớn không khoan nhượng: không có thần tiên. Kinh nghiệm của trẻ thì biết điều đó, nhưng vẫn không muốn tin tưởng điều đó đến tận cùng. Cuối cùng thì đó là sự lựa chọn của chúng ta: tận diệt cái nhìn trẻ con trong ta, hoặc hiểu rằng nó sẽ giúp chúng ta nhìn thế giới theo kiểu khác, tự nhiên hơn.
Trẻ em, đó là những người khác
Trẻ em là những người khác. Nếu bạn kiểm soát hành vi của chúng bằng kinh nghiệm của mình, thì sẽ chẳng dẫn đến đâu cả. Nếu thử dõi theo cách bọn trẻ nhìn thế giới này, bạn có thể tìm được một cái nhìn mới mẻ và đầy bất ngờ.
Nhà tâm lý học Edward de Bono đã dẫn ra một ví dụ rất hay về việc một cái nhìn khác lạ có thể mang đến câu trả lời mà nếu nhìn theo cách thức quen thuộc, dường như không có lời đáp. Hãy tưởng tượng ba người, mỗi người cầm trên tay một thanh gỗ. Và họ nới lỏng những ngón tay ra. Ở người đầu tiên, thanh gỗ rơi xuống đất; ở người thứ hai, thanh gỗ bay lên; người thứ ba, thanh gỗ ở tại chỗ.
Kinh nghiệm mách bảo ta rằng điều đó là không thể. Vì chúng ta đã xuất phát từ tiên nghiệm rằng cả ba đều đứng trên mặt đất. Nhưng nếu chúng ta tưởng tượng người thứ nhất quả thật đang đứng trên mặt đất, người thứ hai ở trong nước và người thứ ba ở trong tình trạng không trọng lượng, thì ngay lập tức sẽ rõ rằng “hành động” nêu trên của thanh gỗ là hoàn toàn có thể.
Các cha mẹ cần hiểu rằng kinh nghiệm giúp họ xây dựng cuộc sống của mình. Còn trẻ em phải xây dựng cuộc sống của chúng dựa trên kinh nghiệm riêng của bản thân. Các bậc cha mẹ thường phân tích mọi kiểu tình huống mà người quen của họ, cùng bạn bè, lâm vào trước mặt con cái. Sẽ rất tốt nếu trong những cuộc trò chuyện như thế, chúng ta đưa vào những câu đại loại như: “Và đây, ví dụ, tôi…”, “Cá nhân tôi không thể hiểu, tại sao ông ấy (hay bà ấy) lại hành động thế này, thế nọ”.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Trong một khoảng thời gian giới hạn nào đó, chẳng hạn như hai hay ba ngày, theo dõi để giải thích cho con điều gì đó hoặc cùng con giải quyết những vấn đề nào đó mà không dựa vào kinh nghiệm của bạn. Bạn phải tìm những luận chứng khác để chứng minh sự đúng đắn của mình. Muốn hay không, bạn phải hiểu được logic của con, chứ không áp đặt quan điểm riêng của mình.
Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn phải hoàn toàn từ chối kinh nghiệm của bản thân. Không cần làm thế và cũng không thể. Thế nhưng, thí nghiệm thế này có thể hữu ích trong việc tìm kiếm những luận cứ khác, ngoài kinh nghiệm cá nhân.
Tôi không ngừng nhắc lại rằng Thượng Đế là ông chủ của “hàng độc”. Người tạo ra mỗi con người là một cá thể riêng biệt, có điểm gì đó giống nhau nhưng cũng có điểm gì đó hoàn toàn khác biệt. Nếu cha mẹ muốn con học được cách hiểu người khác, họ không được dạy chúng áp đặt cái nhìn và quan điểm riêng của mình. Sẽ thật tuyệt nếu họ cho con ví dụ về cách hiểu quan điểm của người khác.
Ở người lớn học về xã hội, ở trẻ em học điều thiêng liêng
Hãy thử suy nghĩ: “Tại sao người lớn, kể cả những người thấy mình không thành công, cũng tuyệt đối tin rằng kinh nghiệm của họ dẫu sao cũng cần cho trẻ em? Tại sao người lớn luôn chỉ bảo trẻ em, trong khi bản thân họ rất khó lắng nghe lời khuyên từ những người trẻ hơn?”.
Bởi vì chúng ta sống trong một thế giới vô thần, trong đó người lớn cho rằng mình là người chủ, còn trẻ em là những vị khách vừa mới đến. Vì thế, lẽ tự nhiên, chúng ta phải chuyển cho chúng kinh nghiệm tồn tại trong thế giới quen thuộc với chúng ta. Điều ấy đúng một phần. Chúng ta phải giải thích cho trẻ hiểu một số quy tắc xã hội: bắt đầu từ việc phải tôn trọng người lớn, và kết thúc bằng việc sang đường khi đèn giao thông bật màu xanh.
Thế nhưng, nếu chúng ta xuất phát từ quan niệm rằng trẻ em đến với chúng ta từ thế giới mà sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ đến đó, cái nhìn của ta sẽ phần nào thay đổi. Khi đó sẽ xuất hiện câu hỏi: “Ở đây, ai là chủ? Trẻ em sẽ dạy chúng ta điều gì đó mà trong cuộc sống tất bật, chúng ta đã quên?”.
Ở người lớn, ta học hỏi về xã hội. Ở trẻ em, ta học hỏi những điều thiêng liêng. Trẻ em hòa đồng hơn người lớn. Trẻ em tự nhiên hơn chúng ta. Trẻ em biết tìm tiếng nói chung với thiên nhiên. Trẻ em nhìn nhiều vấn đề tự nhiên hơn và không định kiến.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy suy nghĩ xem trẻ biết làm những gì mà bạn không biết. Nếu không, có nghĩa là bạn không chú ý đến con mình. Một vấn đề đáng lo ngại! Trong trường hợp này, bạn cần thảo luận với những người gần gũi – với nửa kia của mình, với ông bà, và có thể với cả người bảo mẫu hay bất cứ ai mà bạn tin tưởng về vấn đề này.
Người lớn có nhiều cách để tận hưởng cuộc sống. Và cũng có nhiều lý thuyết khác nhau để giải thích lý do tại sao không nhất thiết phải vui vẻ với cuộc sống. Trẻ em vui vẻ mà không cần lý thuyết nào. Chúng đơn giản sống với niềm vui như thế. Bởi chúng yêu cuộc sống. Bởi chúng gần gũi với Thượng Đế – Đấng tạo ra con người vì niềm vui.
Hãy tin tôi đi, tôi không thần thánh hóa trẻ em. Trẻ em cũng là con người. Như tất cả mọi người, chúng cũng có những khiếm khuyết của mình, những vấn đề của bản thân. Nhưng tôi không nói về điều đó, mà tôi muốn nói rằng, nói về kinh nghiệm với trẻ em, chúng ta không phải thảo luận về việc chuyển giao chúng mà là trao đổi chúng.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Thỉnh thoảng, hãy tự hỏi: “Hôm nay mình học được ở con điều gì?”.
Trong một thời gian dài, chẳng hạn một tuần lễ, nếu không có câu trả lời, nghĩa là một tuần giao tiếp của bạn với con đã trôi qua vô ích.
Tôn trọng cái nhìn khác
Edward de Bono nhận xét rằng: “Con người càng bảo vệ quan điểm của mình tốt bao nhiêu, người ấy càng ít có khuynh hướng nghiên cứu về chủ đề một cách thật sự bấy nhiêu”(2). Bạn có thấy câu trích dẫn này khái quát khá tốt mối quan hệ của cha mẹ với con cái? Cha mẹ thường hành động theo kiểu De Bono viết: “Họ bảo vệ quan điểm của mình một cách cuồng nhiệt thay vì nghiên cứu tình huống được tạo ra”.
(2) Edward De Bono, Я прав – вы заблуждаетесь (tạm dịch: Tôi đúng, bạn sai), Minsk: Popurri, 2008, tr. 199.
Cha mẹ biết, cần làm gì, thay cho việc cùng với trẻ em hiểu, cần làm gì. Họ nghe theo tiếng nói của kinh nghiệm bản thân, phớt lờ tiếng nói của đứa con thiếu kinh nghiệm. Người lớn không chỉ không quen tôn trọng mà còn không chú ý đến đứa con; họ không quen lắng nghe con, không quen nghĩ về quan điểm của con đối với thế giới. Than ôi, chúng ta cũng chẳng chú ý nhiều đến những người lớn khác, không nghĩ về họ nhiều lắm.
Khi trẻ thấy cha mẹ chúng thảo luận với nhau bất cứ tình huống nào của người lớn, không ít khi chúng phát hiện ra rằng người lớn sợ nhất là bị bẽ mặt. Về nguyên tắc, chúng ta rất khó thừa nhận, nhất là trước mặt trẻ con: “Tôi không biết. Để tôi nghĩ xem sao”. Chúng ta luôn muốn mình trông thật tuyệt. Thói quen không tìm hiểu, mà chỉ cốt để trông sao cho tuyệt vời được người lớn truyền đi – từ giao tiếp với những người đồng niên sang giao tiếp với con mình.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy thử nhớ lại lần cuối bạn nói với con: “Đúng, con nói đúng. Cha đã sai rồi” là khi nào. Bạn nhớ à? Tốt lắm. Bạn không thể nhớ? Tệ thật. Có nghĩa là bạn có vấn đề trong giao tiếp với con. Hãy nghĩ xem tại sao bạn không muốn nghe con của mình. Có thể bạn cần phải thay đổi điều gì đó trong giao tiếp với con?
Đứa con đã quen với việc cha mẹ biết mọi chuyện nên việc thảo luận với họ những vấn đề riêng của mình chẳng có ý nghĩa gì. Chỉ đơn giản kể cho họ nghe – và sẽ có câu trả lời. Như thế, ở trẻ KHÔNG phát triển ý thức nghiên cứu, vốn sản sinh ra thái độ sáng tạo đối với cuộc sống.
Vậy chúng ta có nên sử dụng kinh nghiệm của mình trong khi giao tiếp với con trẻ? Lẽ đương nhiên. Họ có nên áp đặt kinh nghiệm của mình cho con? Dĩ nhiên là không!
Trẻ sống cuộc sống của chúng, và gặt hái kinh nghiệm của riêng mình. Chúng ta có nên học hỏi kinh nghiệm của con trẻ? Tôi nghĩ rằng nên. Tôi lại đặt ra câu hỏi yêu thích của mình: “Đứa con thấy điều gì trước mắt chúng? Máy truyền kinh nghiệm tự động hay một người đối thoại, không chỉ sẵn sàng nói mà còn biết lắng nghe?”. Có thể đó là vấn đề chính trong giao tiếp với con trẻ.