Rất nhiều cuốn sách tâm lý học sư phạm đã ra đời nói về đề tài phải làm gì với con trẻ để chúng lớn lên thành người tử tế và hạnh phúc.
Trời ạ, sao chúng ta lại thích giáo dục con trẻ của mình và của người khác đến thế?
Người đang nuôi dạy con trẻ luôn sống trong một cảm nhận tuyệt đối rằng họ biết nên sống như thế nào. Và dù cuộc đời trưởng thành của họ chẳng mấy thành công thì điều đó cũng không quan trọng, bởi họ sẽ bù đắp bằng thế hệ hậu sinh. Họ sẽ giải thích. Sẽ kể. Kể không thành công? Sẽ nhồi. Nhồi nhét không được? Nhồi mạnh hơn nữa!
Nhiều lần, trong giờ giảng về các vấn đề giáo dục của mình, tôi thường hỏi mọi người:
- Những ai trong số các bạn tin rằng cần phải truyền cho trẻ kinh nghiệm của bản thân, và những ai nỗ lực hết sức để làm điều đó, xin hãy giơ tay!
Thường thì tất cả đều giơ tay. Yêu cầu tiếp theo của tôi là:
- Những ai trong số các bạn cảm thấy hạnh phúc, hãy giơ tay.
Đôi khi không có một cánh tay nào. Tối đa thì có ba, bốn người.
Khi đó tôi hỏi tiếp:
- Vậy thì hãy cho tôi biết, các bạn truyền cho trẻ những kinh nghiệm gì? Cuộc đời không hạnh phúc à? Bạn tin chắc là kinh nghiệm đó cần cho con các bạn sao?
Đúng, người lớn thường thích dạy dỗ. Nhưng cùng với việc đó, họ quên rằng bản thân tấm gương của họ đã truyền đạt rất nhiều điều. Phải chăng đã đến lúc chúng ta, các bậc cha mẹ, cần nói về việc chúng ta phải làm gì với chính mình để con trẻ ít gặp rắc rối hơn và để ta không quấy rầy chúng phát triển thành những người tử tế, hạnh phúc?
Sự ra đời của đứa bé có phải là một sự kiện trọng đại của gia đình?
Đây là câu hỏi tu từ, vì câu trả lời hiển nhiên rồi.
Vậy thì sự ra đời của một đứa bé là sự kiện thay đổi cuộc sống của gia đình?
Và một lần nữa câu hỏi này hiển nhiên có câu trả lời là: “Đúng! Đúng! Đúng!”.
Tuyệt!
Giờ ta hãy suy nghĩ: “Chúng ta, những bậc cha mẹ, muốn nói gì khi nghĩ về việc cuộc sống của mình đã thay đổi sau khi sinh con?”.
Than ôi, đa số các bạn đều trả lời như thế này: “Dường như trẻ con, đó là… nếu không phải là thảm họa, thì cũng là chuyện phiền toái”. Chúng ta phàn nàn vì phải ngủ ít hơn, mệt mỏi nhiều hơn, cũng như giờ đây có ít thời gian rỗi hơn.
Một số người lại cho rằng cuộc sống của họ giờ đây trở nên có ý nghĩa hơn. Và tôi tán dương những ai có suy nghĩ như thế.
Mặc dù cuộc sống có đủ mọi chuyện, nhưng hãy thử xuất phát từ quan điểm: Con của bạn được sinh ra từ một người đầy tình yêu thương.
Chẳng phải việc gặp gỡ người yêu đã thay đổi bạn rất nhiều sao? Tình yêu là gì nếu nó không thể thay đổi được con người? Chẳng phải đứa con cũng là người mà bạn yêu thương? Và bạn cũng đã gặp gỡ con. Hơn thế, bạn còn sống chung với con nữa. Bạn có nghĩ rằng con đang tác động lên bạn? Việc sinh con có làm cho chúng ta thay đổi không? Bản chất của chúng ta có thay đổi không?
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy nghĩ về việc cuộc sống của bạn thay đổi như thế nào sau khi sinh con. Hãy cố nghĩ về việc này không phải từ hoàn cảnh sống bên ngoài mà từ bản chất bên trong của bạn.
Bắt đầu từ những câu hỏi đơn giản nhất:
- Bạn trở nên trầm tĩnh hơn hay lo âu hơn?
- Cuộc sống của bạn trở nên thú vị hơn hay ít thú vị hơn?
- Cuộc sống của bạn có ý nghĩa hơn hay vẫn như trước đây?
Và sau đó, hãy suy nghĩ:
- Con trẻ dạy bạn điều gì?
- Có điều gì xuất hiện trong bạn mà trước khi có con, bạn đã không có?
Tuổi thơ là thời kỳ khó nhọc
Than ôi, thái độ của chúng ta đối với tuổi thơ thường rất kiêu ngạo. Sự kiêu ngạo đó được xây dựng trên niềm tin rằng tuổi thơ là thời kỳ tuyệt vời, kỳ diệu, được tạo nên bởi toàn những niềm vui.
Nhà nghiên cứu người Pháp thế kỷ 19 Émile Tardieu đã khẳng định: “Trẻ em phát triển, với chúng, thế giới trở nên thần tiên, như một ngày hội. Người ta đòi hỏi chúng những gì? Chơi đùa, hạnh phúc và làm chúng ta say mê bởi vẻ hạnh phúc, sướng vui của chúng”(1).
(1) Émile Tardieu, Скука: Психологическое исследование (tạm dịch: Sự buồn chán: Nghiên cứu tâm lý), M.: LKI, 2013, tr.147.
Một cái nhìn kiêu ngạo không thể tưởng!
Còn nhà nghiên cứu đương đại Shefali Tsabary khẳng định: “Tuổi thơ, đó không phải là thời kỳ thu hoạch, mà là thời kỳ gieo giống”(2).
(2) Shefari Tsabary, sách đã dẫn, tr. 237.
Một cái nhìn rất đặc trưng của người lớn. Đứa nhỏ không sống, mà gieo những hạt giống chuẩn bị cho cuộc sống.
Nhưng từ quan điểm của trẻ nhỏ thì mọi thứ hoàn toàn ngược lại: Cả ngày, bé làm mỗi việc là thu hoạch mùa màng mà người lớn thường không nhận ra.
Khi nhìn lại, chúng ta – những người lớn – thật sự có cảm giác rằng tuổi thơ là một ngày hội bất tận. Bởi khi đó, cả cuộc đời còn ở phía trước.
Pushkin vĩ đại từng khẳng định hồi tưởng là khả năng tốt nhất của tâm hồn con người. Vì thế, kể cả khi tuổi thơ chẳng hạnh phúc đến tận cùng, hay nói chung là chẳng hề hạnh phúc, thì từ đỉnh cao của người lớn, dẫu sao nó cũng tuyệt diệu và nhẹ nhõm, bởi chúng ta có cái để mà so sánh: Hôm nay, ta đã là người lớn, đứng trước những vấn đề nghiêm trọng hơn và nặng nề hơn rất nhiều so những vấn đề của tuổi thơ.
Trẻ em lại chẳng có gì để so sánh. Chúng sống ở đây và ngay bây giờ. Chúng không quan tâm lắm đến tương lai, còn quá khứ thì quá ít để có thể ảnh hưởng nghiêm trọng lên chúng.
Trong vòng vài tháng, tôi đã quan sát những đứa bé đang ở độ tuổi mầm non chơi như thế nào trong sân chơi. Đứa bé càng lớn tuổi thì càng nghiêm nghị, có thể nói là trở nên buồn bã hơn.
Điều đó dễ hiểu thôi. Bạn có biết công việc chính của một đứa bé là gì không? Công việc chính của một đứa bé là nhận thức thế giới.
Hãy nhìn ra cửa sổ đi, thế giới của người lớn chúng ta ra sao? Không đơn giản à? Mâu thuẫn à? Không tốt lành ư? Và giờ hãy tưởng tượng nhận thức về cuộc sống sẽ khó khăn như thế nào đối với đứa trẻ.
Trước ba tuổi, thế giới của đứa trẻ là mẹ của em. Nhìn chung, không gì khác tồn tại. Rồi sau đó em hiểu rằng bên cạnh mẹ còn có rất nhiều thứ khác; và với những thứ này, bằng cách nào đó, em phải sống và xây dựng mối quan hệ với tất cả. Chẳng lẽ điều đó là đơn giản?
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Nếu con bạn đã trên ba tuổi, hãy thử đặt cho con những câu hỏi mà thông thường, chẳng bao giờ người ta đặt cho trẻ em.
- Con sống để làm gì?
- Theo con, điều gì làm cho người lớn khác với trẻ em?
- Con cảm thấy cuộc sống có nhiều niềm vui hơn hay nhiều nỗi buồn hơn?
- Người lớn làm gì để con vui? Và họ làm gì khiến con tức giận?
- Mơ ước lớn nhất của con là gì?
- Nếu con là tiên, con sẽ mang đến điều kỳ diệu gì cho mẹ? Và cho ba?
- Điều gì giúp con sống nhiều hơn? Và điều gì cản trở?
…
Ban đầu, bé có thể bối rối; nhưng sau đó, nếu bạn kiên nhẫn, thể nào bé cũng sẽ trả lời.
Những câu hỏi tương tự có thể giúp bạn thấy được nhân cách trong con, không đơn giản chỉ là một đứa bé dễ thương, mà là một con người thú vị. Có thể khi đó bạn sẽ nghĩ về việc mình sẽ học được điều gì ở con, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến bạn như thế nào.
Tôi hỏi một bé gái bảy tuổi:
- Theo con, cái gì làm cho người lớn khác trẻ em? Chẳng nghĩ ngợi lấy một giây, bé đáp ngay:
- Nụ cười. Trẻ em cười vui hơn người lớn. Bởi người lớn dẫu sao cũng có nhiều trải nghiệm hơn và họ mệt mỏi.
Nhân thể, cô bé nói điều đó với vẻ mặt khá buồn rầu.
Trẻ em sinh ra người lớn
Nhận thức về thế giới, xây dựng mối quan hệ với thế giới là nhiệm vụ chẳng dễ dàng gì. Đứa bé sẽ tìm đến ai trong tình huống không đơn giản này? Những ai gần gũi và ruột thịt – cha mẹ của các em.
Con trẻ không đơn giản học hỏi ở chúng ta, mà trong một thời gian dài, con “sao chép” thái độ của chúng ta đối với cuộc đời. Chúng ta quen với ý nghĩ rằng mình là thầy cô giáo của con – đương nhiên là như thế. Nhưng sẽ không tệ nếu thi thoảng bạn nghĩ trẻ chính là người chấm thi của mình. Nói chung, tôi tin rằng đứa trẻ chính là kỳ thi mà con người phải hoàn thành với Thượng Đế, hay Tạo Hóa.
Nhận được sự hỗ trợ để thể hiện mình là một con người hạnh phúc, vui sướng, thành công, có nghĩa là bạn đã sống một cuộc đời không uổng phí. Còn không thành công… bạn có thể làm gì? Không có tiền bạc, phần thưởng hay danh xưng nào giúp bạn qua được kỳ thi này.
Trẻ em là tấm gương của chúng ta.
Bé hay kêu gào và gắt gỏng? Bé học điều đó ở đâu và từ ai?
Khó bắt trẻ ngồi học? Vậy thì đã bao lần bé nghe từ miệng của cha: “Công việc mới chán làm sao! Chẳng muốn đi làm nữa!”.
Bé nói dối? Vậy thì đã bao lần người mẹ đưa điện thoại cho con và nói: “Lại ông sếp khó ưa gọi. Hãy nói với ông ta là mẹ đi ra ngoài rồi và bỏ quên điện thoại ở nhà”?
Trẻ tham lam? Bé bắt chước ai?
Trẻ lớn lên mặc cảm? Chẳng phải đó là hậu quả của việc bạn trấn áp con từ thuở nhỏ?
Đứa bé không thể tìm ra bản thân và chỗ đứng của mình trong cuộc đời? Phải chăng mọi thứ trở nên như thế là vì từ nhỏ, người ta đã mớm cho bé ý nghĩ rằng điều quan trọng nhất trong công việc tương lai chính là đồng lương tốt, những thứ còn lại không quan trọng?
Trong “tấm gương” trẻ em, chúng ta thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình và là kết quả của chính mình.
Ý tưởng sau đây của nhà tâm lý học người Đức và nhà văn Hunter Beaumont thật đáng kinh ngạc bởi sự sâu sắc và dung dị: “Chúng ta thường nói về việc bà mẹ sinh ra đứa con, còn khái niệm đứa con có thể sinh ra người mẹ, không nghi ngờ gì, đòi hỏi ta phải tập cho quen”(3).
(3) Hunter Beaumont, Смотреть на душу. Душевная психотерапия (tạm dịch: Nhìn vào tâm hồn. Tâm lý trị liệu), M., Viện Tư vấn và các Giải pháp Hệ thống, 2011, tr. 44.
Bạn đã hiểu câu chuyện chưa?
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bởi vì tất cả chúng ta đều sống trong sự bận rộn và hỡi ôi, con cái của chúng ta cũng được dạy dỗ trong sự bận rộn đó nên sẽ không thừa nếu đôi khi bạn tự hỏi bản thân: “Mình có nhớ rằng con cái chính là niềm vui?”.
Bạn tưởng rằng điều đó tự nhiên, là một kết luận tự thân ư? Nếu thế, hãy thử phân tích mối giao tiếp của bạn với con vào hai, ba ngày gần đây nhất. Mọi hành động cụ thể và những cuộc chuyện trò với con có luôn xuất phát từ việc xem bé là niềm vui? Bạn có luôn nhớ điều đó không?
Kiểm soát là điều hoàn toàn cần thiết để bạn xây dựng mối quan hệ đúng đắn và hài hòa với con trẻ.
Trẻ em sinh ra chúng ta. Đó là một quá trình bắt buộc. Hiển nhiên. Nó luôn diễn ra. Và đừng quên một trong những nguyên tắc chính của tâm lý học sư phạm là: Con cái chính là niềm vui.
Người lớn chúng ta được sinh ra, hay cũng có thể nói là được tái sinh, từ niềm vui. Và nếu việc sinh ra một em bé không làm cho cuộc sống của bạn trở nên vui vẻ, có nghĩa là có gì đó không ổn trong sự nhận thức của bạn về thế giới, có gì đó đã bị phá vỡ.
Như thế có nghĩa là đứa bé sẽ không bao giờ tức giận, không bao giờ nổi đóa?
Dĩ nhiên là không rồi. Con cũng là một con người, và phản ứng của con cũng sống động, tự nhiên.
Nếu bạn yêu nửa kia của mình, điều đó không có nghĩa là hai bạn sẽ không bao giờ cãi nhau. Nhưng nếu nền tảng cho mối quan hệ là tình yêu (nói cách khác, hiểu được bên cạnh mình là một con người sống động), là niềm vui của việc có anh/cô ấy, thì mối quan hệ của bạn được xây dựng khác hơn so với việc nền tảng của mối quan hệ chỉ là sự thờ ơ.
Với con trẻ cũng thế.
Trẻ em – sự nhắc nhở về bản tính nguyên thủy của con người
Triết luận tâm lý học xuất phát từ việc xem trẻ em là hình ảnh lý tưởng của con người.
Làm sao có thể như thế được – bởi đứa bé mới sinh hoàn toàn yếu ớt kia mà?
Đúng vậy. Chúng ta, người lớn, đã quen với việc đánh giá người khác dựa trên quan điểm sức mạnh, tầm ảnh hưởng, vũ lực,…
Tổ tiên của chúng ta (đến giữa thế kỷ 19) nói chung đã nhận định rằng trẻ sơ sinh là một tạo vật có thể trở thành con người, hoặc có thể không. Và đúng thế, đứa trẻ có gì là của con người? Nó bò trên tứ chi, không nói, và điều chính yếu là nó chẳng hiểu gì. Tương lai nó sẽ lớn lên thành con người, còn bây giờ…
Tâm lý học giới thiệu một cái nhìn khác hẳn. Trẻ em là hình ảnh lý tưởng của con người, bởi nó hoàn toàn tự do và tuyệt đối chân thành. Nó chỉ tuân phục đúng những mong muốn của bản thân: muốn ăn – nó la lên; gặp mẹ – nó cười; thấy người lạ – nó quan sát; muốn đi vệ sinh – nó làm ngay; khi mệt – nó ngủ. Trẻ em sinh ra tự do, và sau đó cha mẹ bé đến với bé. Đứa trẻ sơ sinh là hiện thân của Thượng Đế.
Đời người là một con đường, bắt đầu từ sự tự do thiêng liêng đi đến sự lệ thuộc xã hội
Liệu con người có thể sống mà không có sự lệ thuộc này?
Đương nhiên là không.
Điều đó có nghĩa là ta phải đánh mất tất cả những gì mà Thượng Đế, hay Tạo Hóa, đã trao cho mình từ lúc mới sinh ra?
Dĩ nhiên là không.
Sau một thời gian quan sát trẻ em ở sân chơi nhà trẻ, tôi nhận ra một quy luật đáng kinh ngạc. Một con người nhỏ bé ngồi nặn cái bánh Phục sinh bằng cát, còn một con người nhỏ bé khác phá hủy cái bánh này.
Đứa bé ba tuổi làm gì? Hoặc nó khóc, hoặc nó nặn cái khác.
Đứa bé năm tuổi làm gì? Hoặc nó nhào tới đấm vào kẻ phá phách, hoặc đi méc cô bảo mẫu. Và trong trường hợp này hoặc trường hợp kia, đều đi đôi với nước mắt.
Bạn có hiểu vấn đề không? Đứa bé ba tuổi chưa học được việc đấu tranh – nó chưa biết phải làm gì.
Đứa bé năm tuổi thì hiểu, sống là đấu tranh, chứ không phải chấp nhận, và nó sống dựa trên tiền đề đó.
Nếu ta muốn giữ lại trong con người mình tính thần thánh ban sơ như khi ta được sinh ra, ta phải thay đổi chính mình. Đứa trẻ được trao cho chúng ta như là một lời nhắc nhở về cái gì đó đích thực, tức điều đang có (hay đã có) trong chúng ta và đã biến mất dưới áp lực của những nhu cầu xã hội.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Nếu con của bạn vẫn còn trong độ tuổi “thần tiên” từ ba đến năm tuổi, hãy thử phân tích những hành động của bé từ quan điểm của bé: “Bé làm điều gì đó vì bé muốn thế, hay vì muốn làm hài lòng ai đó?”.
Triết luận tâm lý học xuất phát từ quan điểm rằng tự do là khả năng sống theo những mong muốn của bản thân. Dựa trên quan điểm này, hãy tìm hiểu xem bé con của bạn có lớn lên tự do không.
Hãy thật trung thực khi tìm hiểu:
- Bạn vùi dập những ước muốn của trẻ bởi vì chúng thật sự có hại, hay bởi vì như thế sẽ giản tiện cho bạn hơn?
- Liệu bé có lớn lên với niềm tin rằng chẳng ai buồn quan tâm đến ước muốn của bé, chẳng ai cho nó là quan trọng, cho nên trông bé thật… ngu ngốc?
Nếu đúng là thế, có nghĩa là bạn đang nuôi nấng một con người không tự do. Nhiều khả năng điều đó sẽ xảy ra bởi vì chính bạn cũng là người không tự do…
Trẻ nhỏ là sứ giả của Thượng Đế, hay Đấng Tạo Hóa.
Hãy tin tôi đi, đó không phải là những lời hoa mỹ mà là một hướng dẫn hành động. Sự chọn lựa của các bậc cha mẹ sẽ là: Cảm nhận sức ảnh hưởng của vị sứ giả này đối với mình, hay chỉ làm mỗi việc là gieo rắc ảnh hưởng của mình lên con?
Cảm nhận được sức ảnh hưởng có nghĩa là tự thay đổi, tự sửa mình.
Người lớn là những kẻ kỳ cục. Chúng ta sẵn sàng thay đổi để làm đẹp lòng sếp mới, để được yêu thương nhưng lại hay quên rằng nếu muốn con cái mình không đi quá xa lý tưởng Thượng Đế mà nó từng là khi còn thơ ấu, chúng ta cần phải nghiêm túc thay đổi chính mình. Phải tái sinh. Ra đời lần nữa, nếu cần.
Làm việc đó như thế nào, chúng ta sẽ nói tiếp sau đây.