Điều chỉnh tâm lý – để làm gì?
Để hiểu rằng không chỉ chúng ta sinh ra trẻ em mà trẻ em cũng sinh ra chúng ta.
Các bậc cha mẹ cần chú tâm vào những gì khi đứa bé xuất hiện?
Vào chính đứa bé. Cái chính là làm sao cho bé khỏe mạnh. Cả cuộc đời của cha mẹ và mọi ý nghĩa đời họ đều phụ thuộc vào điều đó.
Điều đó không đúng sao?
Nó hoàn toàn đúng! Nhưng ở đây, như mọi khi và trong tất cả mọi việc, cần có ý thức về mức độ.
Tôi có quen một chị bạn luôn tập trung hết mức cho đứa con của mình đến độ khi con tròn sáu tuổi, chị phải đến bệnh viện bằng xe cấp cứu vì kiệt sức.
Đứa bé ra đời không có nghĩa là các bậc cha mẹ phải quên đi chính mình
Tôi thuộc thế hệ những người cha vẫn còn nhớ việc nuôi con mà không có tã dùng một lần là như thế nào. Khi con gái lớn ra đời, tôi phải học thêm một kỹ năng chưa từng thấy: khoét lỗ cho cái núm vú, bởi thời đó ngành công nghiệp Xô viết đã cho ra đời những sản phẩm độc đáo: núm vú em bé không có lỗ! Khi đó cũng chưa có những thiết bị đặc biệt để hâm sữa – và chúng tôi đã phải làm mọi cách để hâm nóng nó.
Ngày nay có tất cả mọi thứ để giảm nhẹ “những nỗi khổ đau” của các bậc cha mẹ. Và việc các bậc cha mẹ chỉ tập trung cho đứa bé mà hoàn toàn quên đi bản thân không phải là một thực tế khách quan, mà là một sự lựa chọn.
Những tháng đầu tiên trong cuộc đời đứa bé vốn chẳng dễ dàng – đúng là như vậy. Rồi đứa bé lớn lên, cha mẹ chúng quên rằng đứa bé đang ảnh hưởng đến họ. Bận rộn với những công việc quan trọng hàng ngày, họ không tập trung vào chính mình, không phân tích chính mình. Có đáng để lâm vào tình cảnh đó không?
Than ôi, chúng ta hiếm khi nghĩ đến việc chuẩn bị tâm lý sẽ đảm nhiệm những vai trò mới như thế nào trong cuộc sống của mình.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy nghĩ về việc này:
- Với sự ra đời của đứa bé, bạn đã làm tất cả để không chỉ cuộc sống nội tâm mà cả cuộc đời bên ngoài của mình trở nên tốt hơn, chứ không phải tệ hơn chưa?
- Nếu cả cuộc đời của bạn phục tùng cho tạo vật nhỏ bé ấy, thì sự hy sinh đó có cần thiết hay không?
- Đó có phải là sự hy sinh, hay chỉ là dòng chảy bình thường của cuộc đời?
Nhà tâm lý học lỗi lạc hiện đại, một trong những người biện giải cho logotherapy(1) Alfried Langle đã nói: “Người ta đặt ra cho mình ‘công thức hạnh phúc’ và trong suốt nhiều năm đã cố hạnh phúc bất chấp mọi hoàn cảnh”(2).
(1) logotherapy: Liệu pháp ý nghĩa – một trong những lý thuyết và thực hành tâm lý học phổ biến nhất hiện nay, do nhà tâm lý học nổi tiếng Viktor Frankl sáng lập. (ND)
(2) Alfried Langle, Жизнь, наполненная смыслом. Логотерапия как средствооказания помощи в жизни (tạm dịch: Cuộc sống, tràn đầy ý nghĩa. logotherapy như một phương tiện hỗ trợ trong cuộc sống), M.: Genesis, 2014, tr. 94.
Quan điểm logotherapy cho rằng con người không nên hành xử như thế, bởi cuối cùng, nếu không nhận được hạnh phúc thì sự vỡ mộng sẽ chờ đợi họ.
Từ góc nhìn triết luận tâm lý học, quan điểm này hoàn toàn chính xác, bởi nếu người nào đó nhắm tới hạnh phúc, họ sẽ cảm thấy rất nặng nề nếu bị đánh bật khỏi con đường này.
Bạn hãy chọn lựa cách tiếp cận nào gần mình nhất.
Kinh nghiệm của tôi qua tiếp xúc với những người đến tư vấn không đơn giản là chỉ ra, mà thật sự là kêu gào về việc chúng ta đã để tâm quá ít vào sự điều chỉnh tâm lý của mình. Tìm đến tôi thường là những người có vấn đề liên quan đến con trẻ. Trong số họ, tôi không gặp được người nào cho rằng việc sinh ra một đứa bé sẽ khiến họ phải thay đổi. Không một người nào điều chỉnh bản thân để làm bạn với con…
Điều đó nghe có vẻ nghịch lý, nhưng chính là vì chúng ta đã làm quen với con mình. Mẹ của bạn tôi, nhà thơ Volodya Vishnhevsky, đã nói về điều này thật tuyệt vời trong khoảnh khắc gặp gỡ đầu tiên của họ: “Mẹ yêu con ngay từ cái nhìn đầu tiên”.
Một lời vô cùng thuyết phục! Tôi hạnh phúc khi được quen biết mẹ Volodya. Bà đúng là một người mẹ đáng kinh ngạc và là một con người kỳ diệu.
Cái cảm giác ngạc nhiên về tình yêu đối với đứa bé đang dẫn chúng ta đến điều gì? Chúng ta chuẩn bị gì khi làm quen với con mình?
Có lẽ thường nhất, tiếc thay, là vào việc đứa bé thuộc sở hữu của chúng ta. Con có nghĩa vụ phải làm tất cả những gì chúng ta cho là cần thiết, bởi ta biết rõ đứa bé cần gì. Con có nghĩa vụ phải tuân theo chúng ta vô điều kiện chỉ vì chúng ta là cha mẹ, và chúng ta sẽ đưa con đến với hạnh phúc, bởi không có cách nào khác.
Thế nhưng, nếu chúng ta không cho rằng trẻ em là một con người với những cái nhìn của bé, liệu ta có thể kết bạn với con?
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Nếu con bạn đã hơn ba tuổi, hãy thử làm một thí nghiệm như sau:
Trong vòng một ngày, ba ngày, hay một tuần, đếm xem con của bạn làm bao nhiêu việc hoàn toàn độc lập, không phối hợp với bạn? Và có bao nhiêu lần bé làm điều đó bất chấp lời khuyên của bạn?
Sau đó, bạn sẽ dễ dàng đưa ra kết luận: Ở nhà bạn có một đứa trẻ tự do đang lớn lên, có quyền có những sai lầm và những phát hiện riêng, hay chỉ có một nô lệ bị bạn quyết định thay cho mọi thứ – nói cách khác, người mà bạn đang sống thay cho nó.
Điều chỉnh tâm lý – các ví dụ
Hãy tin đi, tôi có thể viết hàng triệu từ để chứng minh tầm quan trọng của việc điều chỉnh tâm lý. Nhưng tôi nghĩ sẽ đúng và có ích hơn nếu dẫn ra một số ví dụ chứng minh một cách hùng hồn về vai trò quyết định của việc tự điều chỉnh mà chúng ta rất thường hay quên.
Nhưng đầu tiên, hãy nói về một thí nghiệm lạ thường, chứng minh cho việc suy nghĩ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong đời sống của chúng ta.
Trong vòng ba mươi ngày, một nhóm các vận động viên bóng rổ đã tập luyện ném bóng vào rổ mỗi ngày một tiếng trong phòng, còn các vận động viên nhóm thứ hai thì nằm trên giường và tưởng tượng họ làm điều đó thế nào. Đơn giản chỉ là nằm và tưởng tượng.
Sau ba mươi ngày, nhóm đầu tiên cải thiện khả năng ném bóng của mình đến 24%, còn nhóm thứ hai được 23% (mà trong suốt một tháng, nhóm này không một lần chạm tay vào bóng!). Nhóm thứ ba (có kiểm soát), không tập dượt về thể chất lẫn suy nghĩ, đã không đạt được chút cải thiện nào.
Bạn có hình dung được không, vai trò của những suy nghĩ, tưởng tượng và tư duy lớn đến thế nào trong cuộc sống chúng ta!
Và đây, xin mời bạn đọc thêm một ví dụ về việc điều chỉnh tâm lý đáng kinh ngạc.
Đầu thế kỷ 20, bác sĩ Émile Coué(3) phát hiện ra rằng nếu các bệnh nhân lặp đi lặp lại câu “Mỗi ngày tôi cảm thấy tốt hơn và khỏe hơn” hai phút mỗi sáng và hai phút mỗi tối thì họ sẽ hồi phục nhanh hơn! Thậm chí có nhiều tài liệu còn cho thấy có người khỏi bệnh nhờ phương pháp này!
(3) Émile Coué de la Châtaigneraie (1857 - 1926): Nhà tâm lý học, dược sĩ, người nghĩ ra phương pháp trị liệu tâm lý nổi tiếng và việc tự cải thiện sức khỏe dựa trên việc tự gợi ý lạc quan. (ND)
Bạn có bao giờ nghe về phương pháp của Émile Coué chưa? Tôi nghĩ là chưa. Phương pháp này rõ ràng không đâm chồi bén rễ. Theo góc nhìn của tôi, điều này xảy ra một phần là vì chúng ta không tin tưởng lắm vào sức mạnh của việc điều chỉnh tâm lý.
Thế nhưng, ý tưởng của Coué không biến mất. Cách đây không lâu, khoảng nửa thế kỷ trước, bác sĩ chuyên khoa tim mạch Leonard Cobb ở Seattle đã thực hiện một thí nghiệm như thế này.
Thời đó, một số bệnh nhân tim mạch được điều trị bằng cách được bác sĩ rạch một đường trên lồng ngực nối hai động mạch để tăng cường đưa máu đến tim (cách này hiện nay đã bị cấm). Thống kê cho thấy 90% bệnh nhân được chữa trị bằng phương pháp này.
Cobb bèn làm một “phẫu thuật giả”. Ông cũng rạch lồng ngực, nhưng không nối mạch máu. Thống kê cho thấy hiệu quả không thay đổi!
Và vào thời chúng ta, nhà tâm lý học nổi tiếng Irvin D. Yalom(4) đã đi đến kết luận: “Việc chẩn đoán có thể có tác động như là lời tiên tri biến thành hiện thực”(5).
(4) Irvin David Yalom (1931): Bác sĩ tâm lý học hiện sinh người Mỹ. (ND)
(5) Irvin Yalom, Дар психотерапии (tạm dịch: Quà tặng của tâm lý trị liệu), M.: Eksmo, 2015, tr. 35.
Bạn đã rõ câu chuyện là thế nào chưa? Việc điều chỉnh tâm lý điều trị được bệnh tật. Vậy tại sao chúng ta sợ sử dụng nó khi cần phải “điều trị” cuộc sống?
Viktor Frankl(6) đã kể lại một câu chuyện khó tin về tác động của việc tự kỷ ám thị. Câu chuyện xảy ra vào cuối cuộc chiến tranh trong một trại tập trung của Đức. Một người bạn tù kể cho Frankl nghe rằng trong giấc mơ, có một giọng nói tiên tri bảo với ông chiến tranh sẽ kết thúc vào ngày 30 tháng Ba. Và khi ngày 30 tháng Ba càng đến gần, thì tình hình càng rõ rằng ngày đó chiến tranh sẽ không chấm dứt. Thế nhưng vào ngày 29 tháng Ba, người ấy lên cơn sốt, ngày 30 anh ta hôn mê, và ngày 31 anh ta qua đời. “Ngày 30 tháng Ba, khi anh ta mất đi ý thức, với anh ta, chiến tranh đã chấm dứt”(7), Frankl xác nhận.
(6) Viktor Emil Frankl (1905 - 1997): Nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần người Áo, nhà sáng lập liệu pháp ý nghĩa và là người sống sót sau cuộc diệt chủng Do Thái của Đức Quốc xã. Việc bị giam cầm trong trại tập trung không khiến ông từ bỏ việc nghiên cứu; trái lại, chính tại đó, ông đã khám phá ra tầm quan trọng của việc tìm kiếm ý nghĩa trong tất cả các dạng của sự sống, và là một lý do để tiếp tục sống. Cuốn sách bán chạy nhất của ông Man’s Search for Meaning đã được công ty First News - Trí Việt xuất bản với tựa Đi tìm lẽ sống. (ND)
(7) Viktor Frankl, Психотерапия и экзистенциализм (tạm dịch: Tâm lý trị liệu và thuyết hiện sinh), M., Viện các nghiên cứu nhân văn, 2015, tr. 89.
Sự ám thị mạnh đến nỗi người ta sẵn sàng làm mọi thứ để linh cảm trở thành sự thật, kể cả phải chết. Đó là việc chuẩn bị tâm lý!
Điều chỉnh tâm lý – Xin chào, con trẻ!
Con người là những tạo vật tự kỷ ám thị nhất. Kết luận này đang nhắc đến chúng ta, các bậc cha mẹ.
Chúng ta luôn khơi gợi bản thân điều gì đó. Nhưng chúng ta có chủ tâm làm điều đó hay không?
Chúng ta khơi gợi bản thân những gì khi làm quen với con cái của mình và sống cùng chúng? Rằng đó là một con người mới, được sinh ra không phải cho ta mà cho thế giới? Rằng chúng ta có thể dạy cho con nhiều điều, trong khi cũng học được không ít điều từ con? Hay đó là một bản sao mà chúng ta sinh ra cho mình, sẽ sử dụng để giải quyết những vấn đề riêng nào đó và để chữa lành cho những mặc cảm của bản thân ta?
Than ôi, con người hiện đại quá bận rộn để nghĩ về việc xây dựng mối quan hệ với con trẻ. Chúng ta hãy thành thật thừa nhận rằng chúng ta không đủ thời gian để suy nghĩ cho những vấn đề và những thách thức quan trọng nhất trong cuộc sống của mình.
Câu hỏi “Tất cả những thứ này để làm gì?” vẫn thường được con người đặt ra cho mình vào những giây phút tuyệt vọng. Hiếm khi chúng ta nghĩ về điều đó trong những phút giây thanh thản.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Kinh nghiệm của tôi cho thấy thật đáng tiếc khi các bậc cha mẹ rất ít khi nghĩ về việc họ đang thấy trước mặt mình là ai khi nhìn vào đứa con của mình.
Trẻ con là trẻ con – giọt máu của tôi. Tôi đã quen với nó rồi. Còn phải đặc biệt nghĩ suy gì nữa?
Trong khi đó, mối quan hệ của bạn với đứa con lại phụ thuộc chủ yếu vào việc nó là gì với bạn.
Vì thế, hãy trung thực với chính mình khi trả lời câu hỏi: Con của bạn, đó là sở hữu của bạn hay là một cá thể độc lập?
Thế nhưng bài tập này không chỉ dừng ở chỗ tìm được câu trả lời, mà chính là bạn hãy sống đúng với câu trả lời đó.
Và nếu bạn cho rằng đứa trẻ là một cá thể, và thường xuyên lặp lại quan điểm này, tức là bạn đã điều chỉnh đúng.
Chúng ta làm quen với những đứa con của mình. Kể cả khi chúng ta không nghĩ về việc đó, thì quá trình làm quen với một con người mới cũng sẽ diễn ra và rất quan trọng đối với chúng ta.
Chúng ta tự điều chỉnh cuộc sống với con, có thể ta làm điều đó một cách vô thức. Việc chúng ta điều chỉnh như thế nào để phù hợp với con trẻ, việc chúng ta thấy ai trước mắt mình, sẽ có ảnh hưởng quyết định đến mối quan hệ giữa chúng ta với trẻ.
Điều chỉnh tâm lý cho việc giao tiếp
Nhà khoa học lừng danh, nhà nghiên cứu não bộ John Lilly nhận xét: “Những nghiên cứu của tôi cho thấy, một khi mất đi những nguồn đe dọa bên ngoài, bất kỳ điều gì bạn cho phép mình trải nghiệm đều có thể là kinh nghiệm nội tại”(8). Nói một cách đơn giản, kinh nghiệm nội tại sẽ có được một khi không có mối đe dọa bên ngoài.
(8) Trích dẫn từ N. Wallace, Ближе к воде. Удивительные факты о том, как вода может изменить вашу жизнь (tạm dịch: Gần hơn với nước. Những sự kiện kỳ lạ về việc nước thay đổi cuộc sống của bạn ra sao?), M.: Mann, Ivanov và Ferber, 2015, tr. 113.
Khi các bậc cha mẹ điều chỉnh bản thân không phải để có thể giao tiếp mà để giáo dục con, họ không nghĩ đến việc đứa trẻ sẽ xem họ như là một mối đe dọa. Và nếu con xem họ như là mối đe dọa, trẻ sẽ không nghĩ đến việc thu thập kinh nghiệm mà sẽ nghĩ cách làm thế nào để thoát khỏi hiểm họa này.
Bạn đã hiểu vấn đề là gì chưa?
Khi cha mẹ nghĩ: “Bây giờ mình sẽ giải thích cho con những lỗi lầm của nó, nó sẽ làm đúng và sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm đó nữa”, thì trên thực tế họ đang nhắm vào việc đe dọa đứa bé. Đứa bé vì vậy cũng sẽ tự điều chỉnh, không phải để sửa chữa sai lầm, mà bằng mọi cách có thể, chẳng hạn như nói dối, để thoát khỏi mối đe dọa đó.
Nếu cha mẹ chuẩn bị cho việc trò chuyện, đứa trẻ sẽ hiểu không có mối đe dọa nào cả, và sẽ tự điều chỉnh để thấu hiểu, dĩ nhiên là với điều kiện cha mẹ phải biết cách xây dựng cuộc trò chuyện sao cho đứa trẻ quan tâm.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Có bao giờ bạn nghĩ về việc con bạn sợ bạn chưa? Liệu bạn có thể giải thích được điều gì đó quan trọng cho con trẻ nếu nó chỉ thấy bạn như là một kẻ gây hấn?
Và thêm một câu hỏi quan trọng để bạn suy ngẫm. Việc dọa dẫm con trẻ liên tục đang sản sinh ra trong bạn những tính cách nào? Chuyện gì xảy ra với bạn nếu bạn cứ sẵn sàng đe nẹt người thân yêu nhất trên Trái Đất này của mình?
Có bao giờ bạn nghĩ đến việc mình có con để làm gì?
Chưa à? Vậy thì chúng ta sẽ nói về điều này ở chương kế tiếp.