Khách hàng của tôi thường là những bậc cha mẹ đau khổ vì các vấn đề liên quan đến con cái. Trên nguyên tắc, đó thường là các bà mẹ, bởi trong xã hội chúng ta, người mẹ luôn cảm thấy mình có trách nhiệm đối với con cái nhiều hơn là phái mạnh.
Tôi thường hỏi các bà mẹ:
- Hãy nói cho tôi biết, bà muốn có con để làm gì?
Câu hỏi này luôn gợi lên sự lúng túng và suy tư sâu sắc nhưng đôi khi là sự giận dữ, kiểu như: “Sao ông có thể đặt một câu hỏi như thế đối với đứa con yêu thương của tôi?”.
Thế nhưng, đây là câu hỏi hết sức quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất trong quan hệ của chúng ta đối với con trẻ. Chúng ta giáo dục các con mình dựa theo câu trả lời cho câu hỏi này.
Bà mẹ nào cho rằng có con là vì tình yêu thì sẽ đối xử với con mình khác với những bà mẹ cho rằng đứa trẻ cần được giáo dục để trở thành một công dân chân chính. Người cha nào tin rằng có con là để duy trì nòi giống thì sẽ đối xử với con mình không giống những người tin rằng đứa trẻ sinh ra là để ngôi nhà có được niềm vui.
Khi chúng ta có con, điều đầu tiên chúng ta quan tâm là sức khỏe của con, và tiếp đó là việc phải giáo dục con sao cho tốt.
Về việc xem đứa bé là một con người mà ta cần phải xây dựng mối quan hệ như với một cá thể tự do, thì các bậc cha mẹ dường như hiếm khi nghĩ đến.
Nếu chúng ta không thấy trong đứa bé là một con người, tức là bình đẳng với chúng ta, nghĩa là chúng ta đã đặt ra một tấm chắn giữa con và mình, không cho phép con tác động lên bản thân mình.
Chúng ta đã tự khóa kín cửa. Sức ảnh hưởng chỉ lan truyền theo một hướng: từ trên xuống.
Bạn hình dung ra chưa? Chúng ta đã gạch bỏ người thương yêu nhất ra khỏi danh sách những người tác động đến ta, giúp ta trở nên tốt hơn. Đứa con đối với chúng ta đơn giản chỉ là người được ta giáo dục.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy trả lời trung thực câu hỏi: “Bạn muốn có con để làm gì?”.
Bạn có thể hỏi trong cuộc đối thoại với chính mình, hay trong đối thoại với chồng/vợ. Cái chính là không trả lời theo thông lệ hay để nghe cho hay, mà phải thành thật.
Lời đáp cho câu hỏi này, thậm chí việc tìm kiếm câu trả lời, đó chính là việc điều chỉnh tâm lý nghiêm túc, cho phép xây dựng mối quan hệ với con trẻ theo cách mà bạn thấy là đúng nhất.
Có ngốc nghếch không?
Nhà sư phạm vĩ đại người Nga Ushinsky(1) từng nhận xét: “Mỗi người đều cảm thấy tâm hồn mình đặc biệt nhạy cảm với điều nó quan tâm, mà điều làm nó quan tâm luôn có thể kích động trong nó nhiều cảm xúc và qua đó trao cho nó phạm vi hoạt động rộng lớn nhất”(2).
(1) Konstantin Dmitriyevich Ushinsky (1824 - 1871): Nhà sư phạm, nhà văn, người sáng lập khoa học sư phạm ở Nga.
(2) Konstantin Dmitriyevich Ushinsky, Воспитать ребенка как? (tạm dịch: Giáo dục trẻ con thế nào?), biên soạn E. Philippova. M.: ACT, 2014, tr. 47.
Một trong những tiêu chí chính để chúng ta quan tâm đến con cái không chỉ là việc chúng ta tác động lên bé mà còn là việc bé tác động lên chúng ta, để lại trong tâm hồn chúng ta ngày càng nhiều dấu ấn.
Đứa con – đó là khán giả?
Hỡi ôi, rất thường xuyên, các bậc cha mẹ biến đứa con mình thành “khán giả”. Họ muốn trông cũng được trước chúng, tức là tốt hơn những gì họ đang có trong đời thực.
Đấy cũng là một kiểu chướng ngại. Các bậc cha mẹ như đang ở trên sân khấu, còn đứa bé thì trong khán phòng. Này con, hãy xem, chúng ta tuyệt như thế nào! Chúng ta đóng vai những người hùng mới chiến làm sao!
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Có bao giờ bạn nghĩ về việc đứa con là gì đối với bạn?
Đó là một tạo vật chưa đủ hiểu biết, cần phải liên tục giáo dục? Hay là một khán giả mà trước nó, bạn cần phải đóng vai trò của mình? Hay là một đứa trẻ vụng về luôn gây ra đủ loại vấn đề? Hay là một đối tượng để giáo dục mà bạn cần thường xuyên đưa ra nhận xét?
Theo tôi, cái đúng nhất là thấy trong đứa bé một người bạn, đôi lúc cần sự giúp đỡ của ta nhưng cũng không hiếm khi chính con có thể giúp ta.
Thế nhưng, nếu bạn chọn góc nhìn này, vấn đề sẽ không ở chỗ là bạn tuyên bố ra điều đó, mà cái chính là bạn cần sống với đứa con của mình như với một người bạn, phải giao tiếp với con theo kiểu bạn vẫn quen trao đổi với những người bạn thân thiết của mình.
Chỉ có mối quan hệ bình đẳng, bạn bè với con cái mới cho phép bạn học hỏi điều gì đó ở chúng.
Nhà tâm lý học và là mẹ của ba đứa con, Shefali Tsabary, đã viết những lời thông thái về việc tại sao không nên diễn với trẻ con. Bạn hãy nghiền ngẫm chúng.
“Nếu bạn ứng xử với những khuyết điểm và sai lầm của mình một cách bình thường, không quá khắt khe, mà tiếp nhận nó như một sự kiện, thì cũng hãy tránh cho con trẻ nỗi sợ hãi lớn nhất đó. Chúng sẽ không còn đau khổ bởi những lo âu bất tận, sợ phạm sai lầm, và điều đó sẽ giúp chúng thể hiện mình trong cuộc sống.”(3)
(3) Shefali Tsabary, sách đã dẫn, tr. 79.
Tại sao trong mối quan hệ với các con của mình, chúng ta lại thường lo sợ khi thể hiện con người thật của mình? Câu trả lời quá rõ. Đó là do nỗi mặc cảm của chúng ta.
Triết luận tâm lý học xuất phát từ quan niệm rằng mặc cảm là không cần thiết cho thế giới. Cuốn sách của nhà tâm lý và sư phạm Shefari Tsabary có tên Деmu — зеркало нашего тайного “Я” (tạm dịch: Trẻ em – tấm gương cái “Tôi” bí mật của chúng ta). Dù cuốn sách thật tuyệt vời, hiển nhiên và rất hữu ích, nhưng tôi dứt khoát không đồng tình với tên gọi, bởi trẻ em là tấm gương không chỉ bí mật, mà còn là “cái Tôi” hiển nhiên của chúng ta.
Ảnh hưởng của con trẻ lên chúng ta có nhiều tầng lớp. Chúng thấy được những điều mà ai cũng thấy, những điều mà chỉ những người thân thiết nhất chú ý, và cuối cùng, cả những gì mà chính ta cũng không muốn thấy trong ta.
Nếu bạn không muốn là con người thật của mình khi giao tiếp với con, đó là dấu hiệu chính xác cho thấy mặc cảm đang điều khiển cuộc đời của bạn
Bạn thích sống như thế? Tốt thôi, hãy sống như thế! Đó là sự chọn lựa của bạn.
Bạn không thích sống như thế? Vậy thì hãy học từ đứa bé để là con người thật của mình và cố đừng đóng kịch khi giao tiếp cùng con.
Nên bắt đầu từ đâu?
Ví dụ, từ việc nói chuyện với con về những gì đang làm bạn lo âu. Vấn đề là ở chỗ nếu không thấy trong con một cá thể, chúng ta sẽ ngại trò chuyện với chúng về những cảm xúc của bản thân. Chúng ta thường cho rằng đứa bé chưa đủ hiểu biết, không nên để chúng bị “quá tải” bởi những vấn đề của người lớn.
Nói với con trẻ những vấn đề của người lớn?
Rất nhiều lần tại các buổi tư vấn hay trong các giờ giảng, tôi được hỏi: “Các bậc cha mẹ có phải kể cho con về những vấn đề của mình không?”. Từ “phải” ở đây dường như không phù hợp. Không có một quy luật nào – mỗi người phải tự quyết định.
Nhưng với tôi, có một điều hoàn toàn tất yếu: Nếu cha mẹ không kể cho con nghe về những lo âu và phiền muộn của bản thân, họ khó lòng mong đợi sự cởi mở của chính đứa con mình.
Bạn hãy xem câu chuyện ở đây là thế nào.
Một đứa trẻ lớn lên, biết cha/mẹ hoàn toàn cởi mở. Họ không chỉ chia sẻ với nhau, mà còn chia sẻ với con mọi điều làm họ lo âu. Đứa trẻ sẽ quen với điều đó, và chuyện đó đã là một chuẩn mực.
Trong một gia đình khác, người cha/mẹ không chia sẻ với nhau, cũng như không chia sẻ với con những điều làm họ phiền muộn. Họ giữ kín. Khi đó, mối quan hệ này cũng sẽ trở nên quen thuộc đối với đứa trẻ.
Đôi khi, các bậc cha mẹ hay nói: “Làm sao chúng ta có thể đứng ngang hàng với đứa con nếu chúng ta biết nhiều hơn nó?”.
Họ không đúng sao?
Vâng, không đúng. Cha mẹ không biết nhiều hơn, mà chỉ là họ biết về cái khác.
Còn trẻ em thì biết nhiều hơn về thiên nhiên, về giao tiếp, bởi trẻ em, đặc biệt là những bé nhỏ, sống chan hòa hơn người lớn. Đôi khi chúng quan sát được nhiều hơn và có thể dạy cho chúng ta điều đó – dĩ nhiên nếu chúng ta muốn học.
Bạn tôi kể một câu chuyện đáng kinh ngạc về việc đứa con trai tám tuổi của anh ấy cảm nhận như thế nào về mối quan hệ gia đình. Anh bạn tôi có vấn đề với vợ. Anh cho rằng đứa con không nhận ra điều đó. Anh và vợ luôn cố đóng vai đôi vợ chồng thương yêu nhau. Nhưng có một lần, cậu con trai đi đến gần cha và hỏi thẳng, điều chỉ trẻ con mới dám làm (nhân tiện, đây cũng là điều chúng ta có thể học hỏi – không tệ chút nào):
- Cha, cha hết yêu mẹ rồi sao?
- Sao con nói thế? – Người cha ngạc nhiên.
- Vì khi mẹ đi đến gần cha, gương mặt cha buồn hẳn. – Đứa bé giỏi quan sát thở dài.
Đấy, câu chuyện là như thế. Bậc cha mẹ nào cũng đều biết khó có thể giả vờ trước mặt con. Chúng ta, trên nguyên tắc, phát hiện rất nhanh đứa con mình đang diễn. Vậy sao chúng ta cho rằng con trẻ ngốc hơn mình? Từ đâu chúng ta nghĩ rằng chúng có thể nuốt trôi sự dối trá của ta?
Trẻ em không thấy chúng ta như những gì ta muốn chúng thấy, mà chúng thấy ta thật sự như ta đang có. Che giấu, diễn, xin lỗi, khoe mẽ đều là những việc vô ích.
Trẻ em không chỉ là tấm gương soi. Đó là tấm gương với tia X. Chúng có khả năng soi thấu.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Nếu con bạn trên ba tuổi, hãy thử kể cho con nghe về những vấn đề của bạn, chẳng hạn như ở nơi làm việc.
Kể cả khi bạn cho rằng con chẳng hiểu gì về việc đó, cũng không sao. Quan trọng ở chỗ đó chính là mong muốn thật sự của bạn và bạn thật sự cần giúp đỡ.
Nếu mối quan hệ giữa bạn và con thật sự tin cậy, đứa bé sẽ giúp bạn nhìn vào tình huống theo cách mà không ai có thể làm thế.
Hãy thử đi, chính bạn sẽ ngạc nhiên.
Trẻ em, tấm gương soi với tia X
Nhà tâm lý học người Mỹ John Welwood trong cuốn sách tuyệt vời của mình Путешествие с сердцем (tạm dịch: Du hành với trái tim) viết: “Những mối quan hệ mật thiết có thể giúp chúng ta thoát khỏi tính ước định, trao cho chúng ta cơ hội thấy rõ mình mắc kẹt ở đâu và bằng cách nào. Chúng buộc chúng ta thường xuyên va chạm với những điều mình căm ghét trong chính bản thân mình”(4).
(4) John Welwood Путешествие с сердцем (tạm dịch: Du hành với trái tim), M.: Postum, 2015, tr. 25.
Dễ hiểu rằng ở đây nói về tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà. Giờ hãy thử tưởng tượng chúng ta cũng sẽ nhìn nhận như thế về quan hệ mật thiết với con mình.
Trẻ em như những tạo vật đến với chúng ta từ Thượng Đế, và mở ra cho chúng ta nhiều điều khó chịu do xã hội mang tới, làm chúng ta bực tức.
Mở ra cái gì? Nhìn thấy âm bản của mình trong tấm gương của đứa con?
Hay vẫn còn che giấu? Tiếp tục đóng một vai trò?
Sự chọn lựa thuộc về các bậc cha mẹ.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Dễ hiểu là chúng ta trò chuyện với con mình về mọi thứ. Đúng thôi! Nhưng bạn có kiểm soát chính mình trong những cuộc trò chuyện như thế hay không?
Bạn hãy thử làm một thí nghiệm – ghi nhận bao nhiêu lần bạn nói với con về mình, chẳng hạn như trong vòng một tuần lễ.
Nếu bạn nói về mình, hãy đánh dấu vào quyển sổ. Nếu lại nói về mình một lần nữa, hãy đánh dấu nữa vào sổ. Cuối tuần bạn hãy tổng kết lại.
Bạn sẽ thấy hóa ra bạn hầu như không nói về mình với người bạn gần gũi nhất – đứa con của bạn. Bạn sợ “tải” lên con những vấn đề của mình? Bạn cho rằng con sẽ buồn chán?
Đó là lựa chọn của bạn. Có nhiều nguyên nhân khiến người lớn không muốn nói với con cái về chính bản thân họ. Trong trường hợp này, rõ ràng đứa con không phải là bạn thân của bạn, bởi người ta không đối xử với bạn thân như thế, đúng không?
Và còn nữa. Nếu bạn không cởi mở với con mình, đừng chờ sự cởi mở từ phía con.
Trong một dự án, tôi gặp phải một tình huống khó chịu và đã chia sẻ hết điều đó với Andrey, cậu con trai mười tuổi của mình. Thằng bé nhìn tôi buồn bã rồi nói: “Cha, sẽ không được gì đâu. Bởi cha không thích những người đó, và những người đó không thích cha. Nên cha sẽ không làm được gì đâu”. Và thằng bé đã đúng! Hơn thế nữa, nó nói điều tôi hiểu nhưng tôi lại sợ thú nhận với chính mình.
Mối quan hệ chân thành, làm bạn với con – đó là con đường đơn giản nhất để người lớn đi đến với cái tôi thật sự của mình.
Vậy thì không cần giáo dục con trẻ ư?
Vấn đề là ở chỗ, chúng ta có hàm ý gì khi nói đến từ giáo dục. Trẻ em cần phải sống. Giao tiếp. Trò chuyện.
Và luôn ghi nhớ rằng chúng sẽ được giáo dục khi nhìn vào chúng ta. Không lời nói thông minh nào, không câu châm ngôn sâu sắc nào có thể tác động lên con người nhỏ bé ấy hiệu quả bằng tấm gương của cha mẹ.
Nhà sư phạm và tâm lý học Shefali Tsabary đã nhận xét rất đúng: “Giao tiếp với con trẻ – đó là sự hỗ tương, trong đó sự phát triển của đối tác này luôn gắn với sự hình thành nên đối tác kia. Và việc trẻ em có thể thay đổi chúng ta ra sao cũng quan trọng không kém so với việc chúng ta tác động thế nào lên chúng”(5).
(5) Shefari Tsabary, sách đã dẫn, tr. 32. (Phần in nghiêng do tác giả Andrey Maksimov nhấn mạnh.)
Chúng ta không chỉ nghiên cứu con mình, mà ngay cả con trẻ cũng đang tìm hiểu về chúng ta. Và con cũng đưa ra kết luận về chúng ta. Những kết luận này chủ yếu phụ thuộc vào việc đứa bé thấy chúng ta, cha mẹ chúng, như thế nào.
Mà chúng ta như thế nào? Luôn bận rộn và chạy cuống cuồng.
Điều gì có thể ngăn người lớn chúng ta lại, những người tự cho rằng mình hiểu biết?
Chúng ta sẽ nói về điều đó ở phần sau.