Chúng ta sống hết sức vội vã. Chúng ta chạy vụt qua, lao vào một mục tiêu không rõ ràng nào đó và chẳng hiểu vì sao mà nó luôn cám dỗ! Hiếm có điều gì có thể “bứng” chúng ta khỏi sự bận rộn và hối hả đó, thậm chí là cái chết của người thân hay sự ra đời của đứa con. Kết quả là chúng ta sống trong cái mà nhà tâm lý học vĩ đại Viktor Frankl gọi là chân không hiện sinh, hay chân không ý nghĩa.
Các nhà tâm lý học người Mỹ John Darley và Daniel Batson đã tiến hành một nghiên cứu nổi tiếng để chứng minh mong muốn không mệt mỏi lao vụt đi đâu đó tác động đến chúng ta ra sao. Có hai nhóm sinh viên tham gia nghiên cứu, công việc của họ đơn giản là chuyển từ tòa nhà này sang tòa nhà khác để lấy những tư liệu cần thiết cho việc học sau đó.
Nhóm thứ nhất được thông báo phải nhanh lên bởi cổng vào tòa nhà đấy sắp bị khóa. Còn sinh viên nhóm thứ hai không được thông báo điều đó, và họ chẳng phải vội vã gì. Trong cuộc nghiên cứu này cũng có một diễn viên tham gia. Ông nằm ở trên đường dẫn từ tòa nhà thứ nhất sang tòa nhà thứ hai và diễn cảnh một người đang oằn mình lại vì đau. Có vẻ ông sắp chết. Rõ ràng người này cần được giúp đỡ.
Các sinh viên nhóm thứ nhất đã chạy ngang qua người đàn ông bất hạnh này, chỉ 10% các bạn trẻ dừng lại. Còn nhóm thứ hai, 70% tiến đến “kẻ hấp hối”.
Một nghiên cứu có tính biểu tượng, phải không? Trong những điều kiện nhất định, cuộc sống con người, nỗi đau và sự khổ ải của họ có thể hoàn toàn chẳng còn quan trọng.
Như thường thấy, chúng ta tập trung vào đứa con của mình chỉ khi nó có vấn đề gì đó, chẳng hạn như khi nó đau ốm hoặc mang về quá nhiều điểm xấu. Thời gian còn lại, chúng ta giao tiếp với con theo cách chúng ta đã quen, tức là luôn vội vã.
Ngay cả với những bậc cha mẹ cho rằng đứa con là điều chính yếu trong cuộc đời mình, thì họ thật sự cũng không biết làm thế nào để tập trung vào con, không biết làm thế nào để nhận thức được điều đó.
Thật kỳ lạ, đúng không?
Vậy thì hãy thử, với sự giúp đỡ của con, bạn hãy phát triển trong chính mình kỹ năng tập trung vào con người, vào những vấn đề của người ấy? Đừng chỉ chạy ngang qua, tháo thân bằng vài câu nói chung chung, mà chính là tập trung. Có thể đứa con là trợ thủ tuyệt vời trong cuộc chiến chống lại sự hối hả đang gặm nhấm chúng ta từ bên trong?
Chú tâm là phải có ý thức
Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng hiểu rằng con trẻ cần được chú ý. Nhưng than ôi, kết luận này thường chỉ thuần túy là lý thuyết. Đối với con trẻ, chúng ta thường chỉ quan tâm đến hai việc: “Ở trường thế nào?” và “Con ăn chưa?”. Nói cách khác, chúng ta chỉ nói với con những việc mà chúng hoàn toàn chẳng hề thích thú. Bởi vì trên nguyên tắc, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên: “Bình thường”, và câu thứ hai: “Rồi”, hoàn toàn chẳng liên quan đến việc bé đã thật sự ăn chưa.
Trẻ em cần sự quan tâm. Đứa con càng nhỏ bao nhiêu (tức nó càng gần với Thượng Đế bao nhiêu) thì bé càng mong muốn có ba mẹ trọn vẹn một cách tự nhiên bấy nhiêu.
Bằng tất cả hành động và thái độ của mình, trẻ đang thét lên với chúng ta: “Cha mẹ ơi! Chúng con có cuộc đời của mình, có những vấn đề của mình! Kể cả khi đối với cha mẹ, nó thật không đáng kể, thì chúng con vẫn đau khổ thật sự vì nó! Hãy quan tâm đến chúng con, chúng con xin đấy!”.
Đấy là vấn đề của cha mẹ. Họ có nghe được tiếng thét này không, hay vì cuộc sống bận rộn, tất bật nên họ đã lướt ngang qua? Nếu họ không nghe, thì cơ hội kết bạn với con cái sẽ biến thành số 0. Và cơ hội để thay đổi chính mình cũng vậy.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Nếu bạn chưa chán việc phân tích những cuộc trò chuyện của mình với con, chúng ta hãy tiếp tục. Lần này, không cần thống kê hay suy tính đặc biệt nào – chỉ cần suy nghĩ. Bạn hãy nghĩ xem:
- Lần cuối cùng bạn thảo luận với con về một vấn đề nào đó là khi nào?
- Vấn đề đó là gì?
- Cuộc thảo luận kéo dài bao lâu?
- Một cuộc nói chuyện là đủ hay bạn cần tới vài cuộc trò chuyện?
- Và chính yếu là con có đối thoại cùng với bạn không, hay chỉ đóng vai trò là cái máy thu âm, ghi lại những ý nghĩ của bạn?
Là bạn với con, chúng ta cần một cuộc bàn luận bình đẳng, phải vậy không?
Và còn nữa. Thử xem cuộc thảo luận có tập trung vào vấn đề của con không, hay cũng có cả những vấn đề của bạn? Và nếu bạn phát hiện rằng, hỡi ôi, thường thì cả hai chỉ nói về những vấn đề của con, có nghĩa là bạn không tập trung vào việc giao tiếp, đứa con sẽ cảm thấy nó không phải là bạn của bạn, mà chỉ là người được bạn dạy dỗ.
Nhà tâm lý học Shimi Kang(1) chứng minh rằng: “Những nghiên cứu hiện đại về hình ảnh học thần kinh chỉ ra rằng sự chú tâm một cách ý thức sẽ cải thiện cấu trúc não. Khi chúng ta chú ý đến điều gì đó, não sẽ tiết ra một chất gọi là “nhân tố mô thần kinh não” (BDNF) – một protein cần thiết cho sự mềm dẻo của hệ thần kinh. BDNF không tự tạo ra nếu não nằm trong chế độ đa nhiệm”(2).
(1) Shimi Kang: Nhà tâm lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia truyền thông người Canada. (ND)
(2) Shimi Kang, Путь дельфина. Как вырастить счастливых и успешных детей, не превращаясь в мать-“тигрицу” (tạm dịch: Con đường của cá heo. Làm thế nào để nuôi dạy những đứa trẻ thành công và hạnh phúc mà không cần biến thành “mẹ hổ”?), M.: Alpina non-fiction, 2015, tr. 147.
Bạn không hiểu ư?
Bình tĩnh đi! Không cần phải lo ngại.
Vậy thế nào là sự mềm dẻo của hệ thần kinh?
Não của chúng ta uyển chuyển, tức nó biết tự thay đổi. Chính vì đặc tính này mà tôi đã đặt cái tít phụ cho cuốn sách đầu tiên của mình về triết tâm lý là “Cuốn sách dành cho những ai nhầm mình với đá”(3).
(3) Andrey Maksimov, Психофилософия. Книга для тех, кто перепутал себя с камнем (tạm dịch: Triết học tâm lý – Cuốn sách dành cho những ai nhầm mình với đá), Spb.: Piter, 2014.
Con người không phải là đá, chúng ta biết thay đổi
Nhờ đâu mà con người thay đổi? Nhờ vào việc anh ta nhận được kiến thức mới. Kiến thức mới tạo điều kiện cho việc tiết ra protein BDNF – và nhờ tính mềm dẻo của hệ thần kinh mà con người thay đổi.
Thế nhé, protein này được tạo ra chỉ khi nào chúng ta tập trung vào điều gì đó. Trong chế độ não đa nhiệm, nó sẽ không thể hình thành. Có nghĩa là khi chúng ta vội vã lao về phía trước, vừa chạy vừa quyết định nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, não sẽ mất đi sự mềm dẻo của nó, và chúng ta không có khả năng gợi ý cho cả bản thân lẫn cho con trẻ điều gì mới mẻ cả.
Với con người hiện đại, chạy thì đơn giản hơn nhiều so với dừng lại. Chúng ta đã lập ra một hệ thống giá trị mà trong đó ai có thời gian rảnh, người đó sẽ bị xem như là kẻ thất bại. Chúng ta đã quen sống như thế. Chúng ta học cách giải quyết đầy hấp tấp những vấn đề của mình – thế đấy. Chúng ta thích đánh tráo ý nghĩa bằng sự bận rộn. Đó là lựa chọn của chúng ta. Nếu thái độ này không thay đổi cùng việc sinh ra một đứa con, chúng ta có thể làm tổn thương tạo vật mình trân quý nhất trên cõi đời này. Nếu chúng ta không lắng nghe những yêu cầu bức thiết của con trẻ về việc tập trung chú ý vào bé, điều đó có thể mang đến tai họa không chỉ cho chúng ta mà còn cho chính đứa con.
Kỹ năng không cần triết lý
Có bao giờ bạn suy nghĩ về việc bạn dạy cho con mình điều gì không? Vâng, chúng ta dạy con những kỹ năng khác nhau, rất quan trọng và hữu ích. Tay nào cầm nĩa và tay nào cầm dao. Đèn giao thông màu nào thì có thể băng qua đường, còn màu nào tuyệt đối không được phép. Tại sao phải rửa rau củ và làm điều đó thế nào là tốt nhất? Những kỹ năng này rất quan trọng và hiển nhiên là cần thiết, nhưng không đòi hỏi các bậc cha mẹ phải “căng não”.
Còn về bản chất của cuộc sống là gì, chúng ta rất hiếm khi nói với nhau, nói chi là với con cái mình. Tôi muốn nói về những quy luật quan hệ hỗ tương giữa con người, giữa người với Thượng Đế, giữa con người với chính mình.
Chúng ta thường không dám cùng con suy nghĩ về khái niệm “tình yêu và cái chết”, “tình bạn và sự tuyệt vọng”, “việc tự hình thành bản thân và bản chất cuộc đời”,… Ta có thể vội vã dạy một đứa trẻ cầm nĩa và dao, vừa dạy vừa nghĩ về một điều gì đó của mình. Nhưng ta không thể vội vã nói tình yêu là gì, cũng như liệu có hay không một tình yêu đích thực.
Cuối cùng, trong cuộc sống hối hả, chúng ta hoàn toàn không nói với trẻ về điều chính yếu nhất. Liệu trẻ có thể tìm ra thái độ đối với cuộc sống mà chúng ta cho là đúng đắn, nếu ta không nói với chúng về điều đó? Điều quan trọng ở đây là không nên cho rằng cái nhìn của bạn là duy nhất đúng. Giới thiệu nó với trẻ vẫn là việc làm cần thiết.
Chúng ta đã mất nhiều năng lượng cho những hoạt động hoàn toàn vô lý, chẳng hạn như bắt trẻ dọn phòng hay làm bài. Giá như chúng ta dành dù chỉ một phần năng lượng này cho những cuộc trò chuyện về điều quan trọng nhất, thì ta sẽ có được một con người khi lớn lên sẽ biết sống có ý nghĩa. Không chỉ thế, chính chúng ta cũng sẽ sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy nhớ xem lần cuối cùng bạn thảo luận với con mình về những vấn đề thiết yếu của cuộc sống là khi nào. Điều này làm bạn hoảng ư? Đó là việc của bạn. Nhưng hãy nghĩ làm sao con của bạn có thể đưa ra một triết lý sống riêng (mà nó tồn tại ở mỗi con người) nếu bạn không nói gì với con về cái chính yếu, cái bản chất.
Hãy trả lời trung thực câu hỏi:
- Tại sao bạn không nói với con thế nào là tình yêu, thế nào là bản chất cuộc sống, thế nào là sự phản bội?
- Bởi vì bạn có cảm tưởng rằng trẻ con không quan tâm đến việc đó? Từ đâu mà bạn nhận định như thế?
- Bởi vì bạn cho rằng, trẻ con không hiểu việc này? Vậy nên, có cần phải thử?
- Hay vì chính bạn sợ những cuộc trò chuyện đó? Hay có thể, bạn cần tự thay đổi dưới tác động của con mình?
Chúng ta dạy cho trẻ tất cả, chỉ trừ việc điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời
Những đứa trẻ tội nghiệp ấy sẽ còn lại gì? Những con người nhỏ bé vừa bước vào đời kia, dù muốn hay không cũng cần nhận thức được nó sẽ phải làm gì. Chúng chỉ còn mỗi việc: nhìn vào chúng ta.
Tất cả những gì quan trọng trong cuộc đời, trẻ con đều hiểu được khi nhìn vào cha mẹ, vào cách họ đối xử với nhau thế nào, với Đấng Toàn Năng, với bạn bè và với kẻ thù. Về lý thuyết, điều đó lẽ ra sẽ dẫn đến việc người lớn bắt đầu thay đổi mạnh mẽ khi nhận ra rằng có một thế hệ “măng non” đang nhìn vào họ. Còn trên thực tế, điều đó chẳng đưa đến đâu.
Đứa trẻ sinh ra người mẹ… Một kết luận tuyệt vời, hay ho, và hoàn toàn công bằng: Mọi phụ nữ đều thay đổi sau khi sinh con. Nhưng câu hỏi ở đây là “Những thay đổi này được nhận thức đến đâu? Liệu người mẹ có hiểu, hay người cha có nhận ra rằng việc sinh ra một đứa bé có thể thay đổi mạnh mẽ chính bản thân họ?”.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Tôi đề nghị tiến hành một thí nghiệm. Hãy thử KHÔNG ĐƯA RA BẤT CỨ NHẬN XÉT NÀO VỚI CON MÌNH, dù chỉ một ngày.
Hãy chơi trò chơi này với mình. Tại sao lại không?
Với từ “nhận xét”, tôi hiểu đó là những câu nói chỉ ra cho con người nhỏ bé ấy rằng em nên làm việc gì đó mà ba mẹ em cho là đúng. Hoàn toàn không quan trọng nhận xét đó được đưa ra trong hình thái thô bạo hay âu yếm. Cái chính là nó yêu cầu đứa trẻ một thái độ hành xử nhất định trong một tình huống cụ thể.
Không đưa ra nhận xét, điều đó thật khó. Nhưng tại sao bạn không thử chơi trò chơi này?
Và song song với đó, bạn hãy thử tìm hiểu:
- Bạn nói gì với con nếu không sử dụng những nhận xét này?
- Bạn có đề tài nào cho cuộc trò chuyện không, và đó là đề tài gì?
- Có thể bằng cách đó, bạn sẽ dần tiến đến việc trò chuyện với con những điều quan trọng?
Vì con, tôi có thể làm lại chính mình
Nhà tâm lý học người Mỹ John Welwood đã nhận xét: “Cần phải thừa nhận rằng quan hệ tương hỗ là con đường giúp chúng ta phát triển nhận thức sâu sắc, khả năng đồng cảm và tính cách cá nhân”(4). Bản thân từ “quan hệ tương hỗ” có nghĩa là quan hệ bình đẳng với nhau chứ không phải là ra lệnh. Nó có nghĩa là biết lắng nghe người khác, nỗ lực để hiểu người khác.
(4) John Welwood, sách đã dẫn, tr. 13.
Cha mẹ có thể phát triển tính cách cá nhân của mình chỉ trong trường hợp duy nhất, khi xem con là một người bạn, chứ không phải là người được mình đặc biệt dạy dỗ. Nếu sự ra đời của đứa bé không thay đổi được bản chất của cha mẹ, nghĩa là với họ, sự kiện đó không phải là hãn hữu, mà đơn giản chỉ là một trong số những sự kiện.
Có đúng thế không?
“Bạn có thể làm gì cho con mình?”, các bậc cha mẹ luôn có nhiều câu trả lời. Nhưng đừng quên điều quan trọng nhất: “Chính mình. Tôi có thể làm lại chính mình vì con tôi”.
Chúng ta thảo luận nhiều về việc không cần phải dạy dỗ trẻ em, mà cần phải giao tiếp với chúng. Nhưng kể cả khi bạn, bậc cha mẹ đáng kính, có đồng ý với tôi thì bạn cũng không tránh được việc dạy dỗ con mình. Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục nuôi dạy con cái, không thoát đi đâu được.
Liệu có thể tách việc dạy dỗ hiệu quả khỏi việc dạy dỗ phản tác dụng?
Có.
Giáo dục tốt là khi cha mẹ tự giáo dục bản thân cùng với con cái. Chúng ta, những người lớn, không nên e sợ từ “giáo dục”. Giáo dục có nghĩa là thay đổi theo hướng tốt hơn. Từ “nuôi dạy” xuất phát từ từ “nuôi dưỡng”(5). Nuôi dưỡng tốt có nghĩa là làm đầy đứa trẻ bằng những thông tin và kỹ năng mà nếu không có chúng, bản thân người lớn cũng khó mà sống được. Về điều đó, chúng ta sẽ nói chi tiết hơn ở chương sau.
(5) Giáo dục, nuôi dạy, dạy bảo,… trong tiếng Nga là “воспитание”, từ gốc là “питать” – có nghĩa là “nuôi dưỡng, bồi dưỡng”. (ND)