Tôi bắt đầu chương này với một trích dẫn dài. Dài một cách hơi thiếu lịch sự. Hãy tin đi, tôi hiểu những câu trích dẫn này thường khó đọc, đã thế lại là câu dài, nhưng dẫu sao tôi cũng muốn bạn đọc nó.
Tại sao những lời này tôi cho là rất quan trọng? Bởi vì nếu chúng ta có thể dạy con em mình điều mà thiên tài tâm lý học thế kỷ 20 Viktor Frankl đã viết (để làm việc đó, bản thân người lớn chúng ta cũng phải học), thì chúng ta có thể tự tin nói: Nhiệm vụ chính yếu của giáo dục đã được hoàn thành.
Hãy tưởng tượng, những lời ấy quan trọng và đáng giá nhường nào. Điều mà Frankl viết không đơn giản là một kết luận mang tính lý thuyết. Những lời này đã được ông kiểm chứng và trải nghiệm bằng chính số phận của mình. Viktor Frankl, một người Áo gốc Do Thái, đã sống trong các trại tập trung của Đức. Ông đã cứu giúp các tù nhân và nhiều người đã thoát chết. Nhưng điều kinh ngạc nhất là Frankl đã biến trại tập trung Đức thành một phòng thí nghiệm tâm lý: Ông quan sát những con người bị lâm vào tình huống cực đoan, cố tìm hiểu những sức mạnh nào giúp họ sống sót kể cả khi không có một cơ hội sống nào. Và đương nhiên, ông cũng nghiên cứu cả chính mình. Bạn hiểu không? Đau khổ vì đói và vì bị lăng nhục, nhưng vẫn nghiên cứu tâm lý mình và những người khác.
Ra khỏi tù, ông viết cuốn sách kể về kết quả hoạt động khoa học của mình trong trại tập trung phát xít, Say “Yes” to Life: A Psychologist Experiences the Concentration Camp.
Và như thế, Viktor Frankl, người tù của các trại tập trung Đức, một thiên tài tâm lý học được nhìn nhận của thế kỷ trước nói riêng với bạn:
“Việc một hoàn cảnh nào đó, cả ngoại cảnh lẫn nội tâm, có ảnh hưởng lên một cá nhân cụ thể hay không và ảnh hưởng đó diễn ra theo đường hướng nào, tất cả phụ thuộc vào sự chọn lựa của cá nhân. Không phải hoàn cảnh bắt buộc tôi, mà là tôi quyết định có để nó ảnh hưởng đến mình hay không.
Không bao giờ có kiểu hoàn cảnh hoàn toàn tác động lên một con người đến mức không cho anh ta chút tự do nào.
Không một sự kiện nào, không một sức mạnh nào có thể định đoạt trọn vẹn ý nghĩa tồn tại của con người.
Con người tự mình làm điều đó. Họ không chỉ quyết định số phận của mình, mà còn quyết định cả chính mình. Họ hình thành và tạo ra không chỉ con đường sống của mình, mà cả ‘cái tôi’ của bản thân.
Liên quan đến việc đó, con người không chỉ có trách nhiệm với việc mình làm, mà cả việc bản thân là ai. Con người không chỉ hành xử tương quan với việc anh ta là ai, mà còn trở thành người do anh ta tạo ra qua cách hành xử của mình.
Cuối cùng thì con người tạo ra mình ngày hôm nay từ mình của ngày hôm qua. Thay cho việc phục tùng hoàn toàn những điều kiện nào đó, anh ta tạo ra chính mình.
Những sự kiện và nhân tố không khác gì những nguyên vật liệu cho các hành động tự tạo dựng bản thân, và đời người là một chuỗi liên tục những hoạt động như thế. Chúng như những công cụ, phương tiện để đạt được mục tiêu mà con người đặt ra.”(1)
(1) Viktor Frankl, Психотерапия и экзистенциализм (tạm dịch: Tâm lý trị liệu và chủ nghĩa hiện sinh), M.: Viện Nghiên cứu nhân văn, 2015, tr. 59.
Không phải “vì cái gì?”, mà “để làm gì?”
Bạn đã nắm bắt được lời trích dẫn chưa? Tôi khuyên bạn đọc ít nhất hai lần. Bởi vì trong những lời này hàm chứa lý do tại sao chúng ta phải dạy con mình và tự mình học hỏi.
Con người tự tạo ra bản thân, và sử dụng những điều kiện bên ngoài cho việc đó
Không phục tùng, mà là sử dụng. Đó là điều quan trọng.
Nhà tâm lý học Shefali Tsabary đã hoàn toàn chính xác khi kêu gọi các bậc cha mẹ hãy sống có ý thức: “Câu thần chú chính của tính nhận thức: Hãy tồn tại như đang có”(2).
(2) Shefari Tsabary, sách đã dẫn, tr. 102.
Chúng ta thử tưởng tượng, Viktor Frankl đã lặp lại câu thần chú này trong trại tập trung Đức. Chẳng lẽ bằng sức mạnh của ý chí, ông có thể thật sự biến trại tập trung thành một kiểu phòng nghiên cứu để tìm hiểu con người trong những hoàn cảnh hết sức nặng nề và cực đoan?
Tâm lý học đề nghị một câu “thần chú” khác. Không phải “Hãy tồn tại như đang có” mà là “Sẽ tồn tại như mong muốn”.
Con người có khả năng sử dụng hoàn cảnh theo cách họ mong muốn
Một đứa bé từ trường về than thở rằng bé không thể học được, vì cô giáo của bé thật… ngốc.
Như đã nói, đôi khi điều đó chỉ là cái cớ. Nhưng cũng có thể, hỡi ôi, người giáo viên thật sự không phải thông minh, và hóa ra đứa bé nói đúng.
Khi đó, cha mẹ phải trả lời cho sự thật này như thế nào?
Thường là: “Con còn nhỏ, nên đừng đánh giá người lớn như vậy. Hãy lo học đi”, và chấm hết.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy thử đánh giá một tình huống mâu thuẫn bất kỳ mà con bạn rơi vào, hãy dạy bé rút ra bài học từ đó, thay vì đau khổ.
- “Con cảm thấy việc học thuộc bản cửu chương là vô ích khi ngày nay ai cũng có điện thoại với phần mềm máy tính?” – Kết luận gây tranh cãi đây. Nhưng con hãy nghĩ đi: Cuộc sống của con sẽ rất có lợi nếu con biết làm những việc mà người khác chưa tư duy đến tận cùng. Chúng ta sẽ học điều đó.
- “Con thích một cô bé nhưng cô bé ấy không quan tâm đến con?” – Nhiệm vụ lý thú đây. Hãy khiến cô bé ấy để ý đến con. Nếu thành công? Sẽ có tình yêu. Nếu không? Con sẽ có những kỹ năng.
Và cứ thế…
Nhưng, để dạy con cách ứng phó với cuộc sống, rất cần nhìn thẳng vào cuộc sống và vào chính mình.
Có điều gì ngăn cản bạn thử chứ?
Còn hiếm hơn là: “Làm gì bây giờ? Hãy chịu đựng đi”.
Và hết?
Còn phương án trả lời nào khác không?
Đương nhiên là có!
“Con à, con đang gặp may đấy! Số phận đã cho con cơ hội học cách giao tiếp với người không được thông minh cho lắm. Việc học hỏi này dĩ nhiên chẳng thoải mái gì, nhưng nó cần thiết cho cuộc đời! Cố lên con! Hãy học hỏi đi! Hãy lĩnh hội những kỹ năng hữu ích cho cuộc sống tương lai.”
Không phải “vì cái gì?”, mà là “để làm gì?”, đó là câu hỏi chính mà chúng ta sẽ dạy con mình, nếu số phận đưa đẩy con vào tình huống phức tạp.
Frankl nói về việc không nên phục tùng hoàn cảnh mà phải sử dụng chúng. Không phải tình cờ mà hệ thống tâm lý học do ông sáng lập được nhà khoa học gọi tên là “logotherapy”, liệu pháp ý nghĩa.
Hãy tưởng tượng, kỹ năng đó có ích gì cho con cái chúng ta? Và nó có thể thay đổi cuộc đời người lớn chúng ta ra sao?
Không phải tai họa, mà là nhiệm vụ
Nhà văn và triết gia Canada nổi tiếng, John Kehoe, nhận định thế này: “Chúng ta sống đồng thời trong hai thế giới, hai hiện thực: hiện thực nội tâm của những suy nghĩ, cảm xúc, cùng cái nhìn của chúng ta; và hiện thực bên ngoài, nơi hiện hữu những con người, nơi chốn, đồ vật và sự kiện. Không đủ khả năng chia tách hai thế giới bên trong và bên ngoài đó, chúng ta mặc cho thế giới bên ngoài thống trị mình, giao cho thế giới bên trong vai trò ‘tấm gương’ phản chiếu những gì xảy ra xung quanh chúng ta”(3).
(3) John Kehoe, Подсознание может все! (tạm dịch: Tiềm thức có thể làm tất cả!), Minsk: Popurri, 2015, tr. 13.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bạn có đồng ý với John Kehoe? Bạn cũng đang tồn tại dưới sự chế ngự của thế giới bên ngoài, hay dẫu sao bạn cũng ảnh hưởng được lên nó?
Bạn có phản hồi với thực tiễn đang vây quanh bạn, hay đơn giản là phục tùng nó?
Và cuối cùng, bạn dạy con mình điều gì: phản ứng lại những hoàn cảnh bên ngoài một cách đúng đắn, hay xây dựng chúng một cách đúng đắn?
Tâm lý học xuất phát từ luận điểm rằng chúng ta tạo ra hiện thực của riêng mình và bản thân chúng ta phải có trách nhiệm với nó. Ví dụ, nhiều trẻ em gặp phải vấn đề này: Không thể xây dựng mối quan hệ với bạn bè cùng lớp.
Các bậc cha mẹ cần có thái độ thế nào trước vấn đề này?
Đôi khi họ trách mắng đứa trẻ, bảo sao con kém cỏi thế. Đôi khi họ tỏ ra thương hại: “Tội nghiệp con, con thật kém may mắn!”. Có khi họ còn chuyển trường cho con để con khỏi đau khổ.
Cần phải làm gì đây?
Cần cố gắng giải thích cho đứa bé rằng nó chính là chủ nhân thực tiễn của mình, vì thế việc quan trọng nhất là phải tìm cho ra lẽ vấn đề sau: Đứa bé thật sự muốn xây dựng quan hệ với các bạn cùng lớp hay không muốn.
Và một lần nữa, tôi sẽ không lưỡng lự lặp lại: Mong muốn là động lực chính của đời người.
Có những đứa trẻ thích sự đơn độc như thế trong lớp học, và trên nguyên tắc, chúng cảm thấy rất thoải mái trong sự cô đơn này nếu chúng không được thuyết phục từ mọi phía (trong đó có cả cha mẹ của chúng) rằng như thế là không đúng.
Còn nếu đứa bé thực tình muốn bình thường hóa quan hệ trong tập thể, thì việc giải thích cho bé lý do tại sao cũng rất quan trọng.
Xung đột – đó không phải là tai họa phải chịu đựng, mà là một nhiệm vụ cần phải giải quyết
Câu hỏi không phải là “Vì lý do gì mà tôi phải chịu đựng cái lớp kinh khủng như thế này?”, mà phải là “Xung đột này xảy đến với tôi để làm gì và nó dạy tôi điều gì?”. Đối phó như thế nào với tai họa là điều mà ngay cả người lớn cũng không thể biết ngay lập tức. Thế nhưng nếu nó không phải là tai họa mà là nhiệm vụ, tất nhiên sẽ có giải pháp.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Trẻ em thường gặp phải những tình huống không đơn giản, gần như là mỗi ngày. Điều đó tự nhiên thôi, vì các bé đang nhận thức về thế giới, mà mọi quá trình nhận thức đều có xung đột hoặc mâu thuẫn.
Mỗi khi con trẻ gặp phải một tình huống khó xử nào đó, hãy thử dạy con ứng xử với tình huống phức tạp đó như với một nhiệm vụ mà con phải giải quyết, và đấy không phải là nguyên cớ cho việc sầu muộn.
Hãy thử giúp con tìm giải pháp cho nhiệm vụ này.
Tôi tin đây cũng là một bài học cho chính bạn: Xem các rắc rối không phải là nguyên cớ cho việc lo âu hay rầu rĩ, mà như là một nhiệm vụ cần phải giải quyết.
Chẳng hạn như, có thể mời bọn trẻ đến nhà và tổ chức một bữa tiệc. Có thể kết bạn với lớp trưởng của lớp, và bằng cách đó giúp dàn xếp ổn thỏa các mối quan hệ. Có thể giới thiệu với các bạn cùng lớp những thứ mà tất cả cùng quan tâm, như bản ghi âm mới của một ca sĩ yêu thích, hay vé đi xem buổi biểu diễn của ca sĩ ấy.
Trong bất cứ trường hợp nào, nếu xem vấn đề như là một nhiệm vụ thì luôn có thể tìm ra giải pháp cho nó.
Và như thế, điều chính yếu mà chúng ta phải dạy cho trẻ và bản thân mình đó là phản ứng đúng đắn đối với những thách thức vô tận của thế giới. Chúng ta cần dạy cho con người nhỏ bé ấy và chính mình hiểu rằng con người không lệ thuộc vào hoàn cảnh mà hoàn cảnh phụ thuộc vào con người; rằng cuộc sống không làm nên chúng ta, mà chính chúng ta tạo dựng nên cuộc sống.
Thói quen của chúng ta là gì?
Khi nói về thói quen, chúng ta thường hình dung ra những thói quen xấu, kiểu như hút thuốc hay vừa đi vừa ăn. Vâng, có những thói quen xấu đó và cần phải chỉnh đốn chúng.
Thói quen là những điều đang quyết định phần lớn cuộc sống của chúng ta. Ví dụ, con của bạn đã quen làm bài kiểu nào? Đầu tiên, con làm bài tập của những môn khó và chẳng mấy thú vị, bài dễ hơn để làm sau, hay ngược lại? Con đã quen đầu tiên là học bài, sau đó mới giải trí, hay cứ lần lữa đến tận cuối cùng và chẳng chịu ngồi vào bàn học? Những thói quen này sẽ quyết định nhiều thứ trong cuộc đời bé sau này.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy dành thời gian để tìm hiểu xem con của bạn đang có những thói quen chính nào.
Trước tiên, bạn hãy nghĩ về những điều thật sự làm nên cuộc sống của con người: thái độ đối với bản thân, với công việc và thời gian rỗi, với bạn bè và kẻ thù.
Khi đánh giá thói quen của con, điều quan trọng là đừng nghĩ đến việc bạn thích hay không thích những thói quen này, mà là về việc chúng đang cản trở hay hỗ trợ con người nhỏ bé ấy trong cuộc sống.
Chấp nhận thói quen của bé, đó là bài học nghiêm túc đối với bạn trong việc nhìn nhận con đã là một cá thể độc lập.
Nếu bạn vẫn cảm thấy thói quen đó đang cản trở con, hãy cùng con suy nghĩ về việc thay đổi chúng bằng những thói quen khác và cách làm điều đó như thế nào.
Xin nhắc lại là: Đừng trừng phạt con, đừng nói những lời giáo huấn mà hãy cùng suy nghĩ và đưa ra giải pháp.
Khi khách đến chơi nhà, con ngại tiếp xúc hay vui vẻ chào hỏi, chuyện trò?
Con quen nói với bạn sự thật, kể cả khi sự thật không hay ho lắm, hay con đã quen nói dối chỉ để bạn không trách mắng?
Và con xem những vấn đề của cuộc sống như là một tai họa cần phải vượt qua, hay như một nhiệm vụ cần được giải quyết?
Nhà sư phạm vĩ đại người Nga Konstantin Ushinsky rất đúng khi nhận xét: “Cơ thể càng non trẻ bao nhiêu, thói quen càng bắt rễ nhanh bấy nhiêu. Trẻ em hình thành thói quen nhanh hơn và chuẩn xác hơn người lớn tuổi”(4).
(4) Konstantin Dmitrievich Ushinsky, sách đã dẫn, tr. 31.
Than ôi, chúng ta không phải lúc nào cũng nhận ra được rằng trẻ con nhanh chóng biến bất cứ kỹ năng nào thành thói quen. Kết quả là những thói quen này trở thành cơ sở cho tính cách của chúng.
Chúng ta giúp con hình thành những thói quen chính yếu nào thì cuộc đời con sẽ được xếp đặt như thế về sau.
Giáo dục là “tiêm” vào trẻ những thói quen đúng
Có bao giờ bạn nghĩ đến việc hành vi của chúng ta không gì khác hơn là một tổ hợp những thói quen? Khi còn trẻ, ai đó đã quen làm việc nhiều thì thói quen ấy sẽ theo anh ta suốt cả đời. Có người xem công việc như là một gánh nặng. Có người quen sợ hãi trước người khác, trong khi có người lại thích được giao tiếp. Có thể nói, giáo dục là “tiêm” vào trẻ những thói quen đúng, những thói quen có ích giúp cuộc sống của trẻ nhẹ nhàng hơn.
Trong cuốn sách Hồi ức, Viktor Frankl đã viết về những nguyên tắc mà ba mẹ ông từng “tiêm” cho ông: “Bất kỳ chuyện nhỏ nhặt nào cũng được làm một cách cẩn thận, như một công việc vĩ đại, và công việc vĩ đại nhất thì được làm với sự điềm tĩnh. Tôi không bao giờ để đến kỳ hạn cuối mà thường cố hoàn thành mọi việc sớm hơn, nhờ đó mà tôi ngăn chặn được sự căng thẳng kép – khi có quá nhiều việc, tôi không bị áp lực bởi nỗi lo không kịp thời hạn. Và nguyên tắc thứ ba: Không chỉ cố làm tất cả sớm hơn, mà còn bắt đầu từ những việc khó chịu nhất, để mau chóng thoát khỏi nó”(5). Những thói quen đã giúp Frankl không chỉ sống mà còn vượt qua được những nỗi kinh hoàng trong trại tập trung Đức Quốc xã.
(5) Viktor Frankl, Воспоминания (tạm dịch: Hồi ức), M.: Alpina Non Fiction, 2015, tr. 28-29.
Nếu chúng ta tập được thói quen nhìn con một cách tập trung và thấu đáo, ta sẽ dễ dàng thấy được con đang hun đúc những thói quen nào của cuộc sống. Một mặt, điều này tạo điều kiện để chúng ta thay đổi kịp thời những thói quen gây trở ngại sang những thói quen hỗ trợ cuộc sống. Mặt khác, chúng ta nhìn vào tấm gương với tia X và thay đổi những thói quen đang gây trở ngại cho cuộc sống của chúng ta.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Nhà tâm lý học người Mỹ Carl Rogers đã đưa vào khái niệm “cái tôi lý tưởng” – đó là hình dung của một người về con người lý tưởng của mình, về việc họ muốn mình trở thành người như thế nào.
Nếu con bạn đã hơn ba tuổi, hãy thử hỏi con xem bé muốn thấy con người lý tưởng của mình như thế nào và điều gì đang cản trở bé trở thành người như thế.
Bé muốn là người thông minh? Phải đọc nhiều. Đẹp ư? Phải rửa mặt mỗi sáng và tập thể dục. Khỏe mạnh ư? Phải ăn nhiều.
Trẻ em hoàn toàn có thể xây dựng chính mình chứ không chỉ đơn giản thực hiện các chỉ thị của ba mẹ.
Và sẽ thật tuyệt nếu như bạn đặt ra câu hỏi “Cái tôi lý tưởng của tôi là gì?” cho bản thân.
Hình dung của bạn về con người lý tưởng của mình là gì? Bạn muốn mình như thế nào? Điều gì đã cản trở bạn trở thành người lý tưởng như thế? Bạn có sử dụng những hoàn cảnh của cuộc sống để phát triển chính mình, hay bạn chỉ trông cậy vào chúng để không phải tự thay đổi?
Và cuối cùng, những thói quen nào giúp bạn tiệm cận với sự hiểu biết về con người lý tưởng của mình, và những thói quen nào đang đẩy bạn xa khỏi đó?
Thói quen chính là những thứ quen thuộc nhất trong cuộc sống của chúng ta, vì thế chúng ta thường ít để tâm đến chúng. Thói quen phản ánh cuộc sống của chúng ta và hiển nhiên là cuộc sống của con cái chúng ta.
Không thể tiêu diệt thói quen, chỉ có thể thay thế nó bằng thói quen khác. Nếu chúng ta học được cách ứng xử với hành vi của bé như đối với cách thức tạo dựng những thói quen khác thì việc giáo dục sẽ cụ thể và thông minh hơn. Không nên coi thường những thói quen của mình cũng như của người khác. Chúng là nền tảng của cuộc sống.