Khi bé tới tuổi đến trường, các bậc cha mẹ cũng vào trường học. Sau mười một năm(1), trẻ sẽ thay đổi là chuyện dễ hiểu. Thế nhưng có bao giờ chúng ta quan tâm đến việc “những năm phổ thông tuyệt vời” cũng đòi hỏi chính chúng ta, những người làm cha mẹ, phải thay đổi?
(1) Khác Việt Nam, hệ thống giáo dục phổ thông ở Nga chỉ mười một năm. (ND)
Tôi đã tiến hành một nghiên cứu xã hội học. Tôi đặt cùng một câu hỏi “Tại sao bạn đến trường?” cho trẻ em Israel và Nga. Kết quả tôi nhận được hoàn toàn khác nhau. Ở Israel, câu trả lời “Để học” dẫn trước khá xa, còn ở Nga là “Để giao tiếp”. Trẻ em Nga hiểu rõ rằng việc học ở trường phổ thông không phải là việc chính.
Chuyện bạn giao con mình cho trường học và quên đi việc học của nó… không đắc dụng rồi, hỡi ôi. Tôi đã viết và nói nhiều về điều này, rằng: “Nếu ba mẹ muốn con của họ lớn lên có học vấn, thì chính họ phải quan tâm đến sự học của con”.
Nhà sư phạm vĩ đại người Nga Konstantin Ushinsky cho rằng các bà mẹ phải dạy con, chỉ nên giao chúng cho trường học trong trường hợp tối cần thiết. “Tôi những muốn phụ nữ Nga cảm nhận được niềm sướng vui sâu sắc khi tự mình dạy dỗ và phát triển đứa con của mình, không nhường sự vui sướng đó cho ai nếu không thật sự cần thiết”, ông viết. “Người phụ nữ được phú cho thiên chức dạy dỗ và phát triển con mình; cùng với điều đó, họ được trao cho những khả năng cần thiết để làm việc này, không có gì phải nghi ngờ”(2).
(2) Konstantin Dmitrievich Ushinsky, sách đã dẫn, tr. 301.
Khi cha mẹ nghĩ về việc dạy con mình học, họ thường hình dung ra những môn khoa học được dạy trong trường. Không nghi ngờ gì cả, những môn học đó rất quan trọng. Tôi đã viết không ít về điều đó ở những cuốn sách trước. Thế nhưng ở đây, quá ít hy vọng vào trường học; cha mẹ hoặc phải giải quyết nhiệm vụ này một mình, hoặc mời giáo viên giúp sức.
Đồng nghĩa với “học vấn” là “khởi nguyên”(3). Giúp cho sự khởi nguyên, hình thành nên con người phải là cha mẹ. Và để làm việc đó, họ phải trao cho con mình những kiến thức đặc biệt mà ở trường thậm chí không đề cập đến.
(3) Từ “образование” ngoài nghĩa là “học tập, giáo dục”, còn có nghĩa là “thành lập, tổ chức”, nên tác giả cho rằng nó đồng nghĩa với từ “возникновение”, cũng có nghĩa là “hình thành, phát sinh, xuất hiện”. (ND)
Những kỹ năng của thế kỷ 21
Khi sinh ra một đứa bé, người ta ngay lập tức trở thành cha mẹ. Còn tôi thì rất muốn cha mẹ trở thành một nhà sư phạm. Những kiến thức chủ yếu nào mà cha mẹ – nhà sư phạm – phải trao cho con mình để hình thành một con người có thể sống thoải mái và thành công trong thế kỷ 21?
Để trả lời câu hỏi này, tôi giới thiệu với bạn kết quả của một nghiên cứu rất nổi tiếng. Ở Đại học Tổng hợp Melbourne có một hiệp hội liên kết hơn 250 chuyên gia của 60 đại học ở nhiều nước khác nhau. Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra bốn kỹ năng cần thiết để một người có thể thể hiện mình ở thế kỷ 21.
SÁNG TẠO – biết tiếp cận một cách sáng tạo bất cứ vấn đề gì, đưa ra được những giải pháp bất ngờ, không rập khuôn.
TƯ DUY PHẢN BIỆN – có năng lực không tin vào bất cứ giả thuyết nào, biết đặt những câu hỏi đúng giúp giải quyết bất cứ nhiệm vụ nào.
KHẢ NĂNG GIAO TIẾP – biết giao tiếp, truyền đạt cho người khác những ý tưởng của mình, cùng với đó là biết lắng nghe người khác.
KỸ NĂNG HỢP TÁC – biết làm việc trong đội nhóm; khi có yêu cầu thì có thể lãnh đạo, còn khi cần thiết thì trở nên phục tùng.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bản thân bạn có biết cách sở hữu những kỹ năng cần thiết của con người hiện đại đó không?
Kỹ năng nào bạn đang thiếu? Bạn có sẵn lòng học hỏi nó, và có thể, học cùng với con mình?
Chỉ cần tự hiểu ra điều đó, bạn sẽ có thể giúp cho con học hỏi những kỹ năng này.
Dường như với chúng ta, khả năng lĩnh hội kiến thức không nằm trong những kỹ năng này. Tại sao? Các nhà khoa học tin rằng kiến thức tự thân chúng là vô ích, chúng chỉ phát huy tác dụng trong trường hợp bạn có óc sáng tạo và tư duy phản biện.
Nhận định sau của nhà tâm lý học Shimi Kang một ngàn lần chính xác: “Thế giới của chúng ta vốn chìm ngập trong những thông tin chưa được sàng lọc, giá trị đích thực của tư duy sáng tạo không phải là khả năng ghi nhớ sự việc, mà là biết tìm mối tương quan giữa chúng”(4).
Nếu trường học vẫn như trước kia, nhồi vào đầu trẻ hàng đống thông tin và cố dạy chúng học thuộc lòng, thì điều gì mà các bậc cha mẹ cần làm? Đầu tiên là phải biết những kỹ năng này. Thứ hai là phải hiểu bản thân mình có những kỹ năng này hay không. Và thứ ba là tạo điều kiện để chúng được hình thành ở trong con.
(4) Shimi Kang, sách đã dẫn, tr. 102.
Dạy trẻ những điều không được dạy trong trường như thế nào?
Nếu bạn muốn gieo trồng những kỹ năng này cho con, sẽ rất tốt nếu bạn hiểu rằng chúng cần được dạy theo kiểu đặc biệt. Cách hành xử của bạn, thái độ của bạn với con trẻ, cuộc sống của bạn sẽ là tiền đề để những kỹ năng này xuất hiện ở con, hoặc là không.
Sáng tạo
Gia đình là ngôi trường mà tính sáng tạo trong trẻ sẽ được sinh ra hoặc mất đi. Trẻ càng nhỏ, khả năng sáng tạo của chúng càng cao. Những đứa bé thường đưa ra những kết luận đáng kinh ngạc và những giải pháp không thể tưởng tượng nổi, nhưng không nên cười nhạo mà nên ủng hộ trẻ trong những kết luận can đảm của chúng.
Ngay cả khi lớn lên, cũng không hiếm lần trẻ đưa ra những cách tiếp cận bất ngờ đối với những sự việc bình thường. Chẳng hạn như khi dọn phòng, chúng nhảy múa dưới tiếng nhạc ầm ĩ. Hay nghĩ ra những trò chơi trong nhà nào đó, như cố đá quả banh tennis vào giữa hai chân ghế mà quả banh có nguy cơ sẽ bay theo hướng khác và làm vỡ thứ gì đó. Tai họa là ở chỗ, các hành vi khác lạ, bất thường của trẻ thường khiến cha mẹ giận dữ. Họ muốn khép con mình vào quy củ. Bằng cách đó, tính sáng tạo bị hủy diệt.
Vì thế, không nên sợ những quyết định bất ngờ của con. Nên thảo luận những quyết định này để hiểu xem chúng hiệu quả đến đâu. Nhưng đừng bao giờ coi khinh hay cười chê chúng.
Tư duy phản biện
Gia đình là ngôi trường mà trong đó, hoặc trẻ sẽ học được tư duy phản biện, hoặc được giáo dục nỗi khiếp sợ trước kiểu tư duy đó – cùng với nó sẽ là tai họa.
Những đứa trẻ không tin mọi điều ba mẹ nói thường rất dễ tức giận. Thậm chí chúng có thể trở nên không kiểm soát được.
Tôi sẽ không nhắc lại suy nghĩ tuyệt vời của Korczak(5): Nói về “đứa trẻ ngoan”, chúng ta thường hình dung ra “một đứa trẻ dễ bảo”.
(5) Janusz Korczak (1878 - 1942): Nhà sư phạm lỗi lạc người Ba Lan, nhà văn, bác sĩ và nhà hoạt động xã hội. (ND)
Nếu bạn muốn giáo dục cho con mình tư duy phản biện, bạn phải hiểu việc dạy con chính là trách nhiệm của bạn, những người làm cha làm mẹ. Điều đó không có nghĩa là phải chấp nhận bất cứ cái “Không” nào của trẻ, mà có nghĩa là bất cứ sự không đồng tình nào đều cần được thảo luận.
Sẽ rất tốt nếu cha mẹ đưa vào kho từ vựng của mình những câu nói như “Hãy lập luận đi”, “Hãy chứng minh đi”, “Hãy giải thích đi”. Đây chính là những từ cần đi theo sau bất kỳ tiếng “Không” nào của đứa trẻ.
Khả năng giao tiếp
Gia đình là ngôi trường giao tiếp. Chính ở đây, trẻ học hiểu lời của người khác và hình thành rõ ràng những suy nghĩ riêng của mình. Nếu bạn muốn con lớn lên có kỹ năng giao tiếp, chính bạn phải giao tiếp với con.
Dường như chẳng có gì đơn giản hơn. Thế nhưng không hiếm khi con trẻ bị gây áp lực, người lớn thường không nhìn thấy trong em là một người đối thoại có thẩm quyền và phải nói ra quan điểm của mình, mà chỉ là một người cần được dạy dỗ, có nghĩa vụ phải chấp nhận mọi thứ chúng không tin.
Kỹ năng hợp tác
Gia đình là tập thể đầu tiên mà trong đó trẻ có thể nhận được những kỹ năng hợp tác đầu tiên. Bạn hợp tác với con mình hay đơn giản là ra lệnh cho chúng? Bạn có sẵn sàng phục tùng con người nhỏ bé ấy trong tình huống nào đó và cho em cơ hội cảm nhận trách nhiệm với những quyết định mình đưa ra? Ví dụ, bạn chuẩn bị đi nghỉ cùng con. Một ý tưởng tuyệt vời! Vậy thì tại sao không cho con khả năng tự lên kế hoạch các hoạt động mà con thấy hấp dẫn cả cho con và cho bạn? Bạn chuẩn bị bữa cơm trưa cho ngày lễ? Hay đấy! Tại sao không cùng con mình lên thực đơn?
Có vẻ thật nghịch lý khi nghĩ đứa trẻ phải là một phần của đội được gọi là gia đình. Bởi ít khi chúng ta nhận định gia đình là một đội. Chính trong gia đình, đứa bé sẽ được đào tạo những kỹ năng đội nhóm – kỹ năng hợp tác.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Nếu bạn đồng ý rằng cần thiết phải giáo dục cho con bốn kỹ năng trên, bạn phải nghĩ xem hành động của bạn có tạo điều kiện cho việc giáo dục các kỹ năng đó hay không.
Tính sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác là những kỹ năng tạo nên nhân cách con người. Những kỹ năng này không được hình thành nhờ vào bất kỳ bài học riêng lẻ nào, chúng được tạo nên từ cuộc sống của bạn với con.
Vì thế, phương án lý tưởng là bạn suy nghĩ cặn kẽ, cân nhắc mọi hành động, thái độ, kể cả lời nói, để hiểu chúng có giúp ích gì cho việc giáo dục những kỹ năng này hay không.
Ba nhiệm vụ của cha mẹ liên quan đến nhà trường
Vậy đối với nhà trường thì sao? Thậm chí ngay cả khi chúng ta đã nhất trí với nhau rằng trường học không dạy cho con trẻ những điều chủ yếu, thì đằng nào con cũng phải học hết phổ thông.
Khi trẻ đi học, bạn có một nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ con người nhỏ bé đó. Hối thúc, buộc trẻ phải học hành xuất sắc sẽ hủy diệt những kỹ năng vừa nêu trên ở trẻ.
Vào buổi bình minh của thế kỷ 19, hệ thống giáo dục nước Nga buộc học sinh phải học mọi thứ, không buồn chú ý đến những đặc điểm cá nhân mỗi người, đã được nhà sư phạm vĩ đại Pestalozzi(6) gọi là hệ thống “phản tâm lý”.
(6) Johann Heinrich Pestalozzi (1746 - 1827): Nhà giáo người Thụy Sĩ, đồng thời là nhà cải cách giáo dục. (ND)
Và khoảng một trăm năm sau, vào buổi bình minh của thế kỷ 20, Viktor Frankl đã viết như sau về học vấn của mình: “Ở những lớp đầu của trường trung học, tôi vẫn được xem là một nam sinh mẫu mực, nhưng sau đó tôi đã chuyển sang con đường riêng của mình”(7).
(7) Viktor Frankl, Воспоминания (tạm dịch: Hồi ức), sách đã dẫn, tr. 55.
Bạn có hiểu vấn đề là gì chưa?
Trường học ra lệnh: “Muốn là người mẫu mực, đừng đi theo con đường riêng của mình”! Vậy thì nói được gì về tính sáng tạo hay tư duy phản biện ở đây? Hay về những kỹ năng hợp tác?
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Nếu con bạn học ở trường phổ thông, có lẽ bạn vẫn la mắng bé. Việc đó luôn xảy ra.
Bình tĩnh sau một cơn trách mắng, bạn hãy nghĩ xem mình la mắng con vì lý do gì? Vì điểm xấu? Tại sao bạn cho rằng đứa trẻ phải học giỏi? Bạn có tin rằng điểm số tốt sẽ bảo đảm được gì đó cho con người nhỏ bé ấy trong tương lai?
Bạn có nghĩ rằng sẽ hợp lý hơn nếu bạn giúp con nhận ra năng khiếu của bé và khẳng định nó? Bạn có cho rằng sẽ đúng hơn nếu giúp con khắc phục sự vô nghĩa của trường học, để con người nhỏ bé ấy thấy nơi bạn một người bạn, có thể hiểu mọi thứ, chứ không phải là một nhà giáo dục, người tiếp tục “khủng bố” bé ở nhà cũng giống như thầy cô giáo ở trường?
Không có gì phi lý hơn việc đòi hỏi đứa trẻ phải học xuất sắc. Tôi hoàn toàn không tin một học sinh xuất sắc sẽ sở hữu được những kỹ năng mà chúng ta đã đề cập ở trên. Tiêu chí chính cho học sinh lẽ ra không phải là các em phải giỏi đều các môn, mà là các em có tìm ra thiên khiếu của mình và có tiến bước thành công trên con đường đã chọn hay không.
Vậy thì nhiệm vụ của cha mẹ là gì? Theo tôi, có ba nhiệm vụ:
1. Bảo vệ trẻ khỏi sự độc đoán và hạ thấp của nhà trường
Hãy cố đứng về phía con. Đừng la mắng con vì những lời phê xấu, mà hãy tìm hiểu vì sao con bị phê như thế. Đừng cho rằng đánh giá đó là tiêu chuẩn của kiến thức, nó không phải như thế. Đừng làm nhục bé.
2. Giúp trẻ học xong phổ thông
Ở bên cạnh con. Đừng đòi hỏi điểm cao ở tất cả các môn, mà hãy giúp con lên lớp. Trở thành đồng đội của con trong công việc phức tạp bậc nhất này – học phổ thông.
Bạn có thể làm bài tập cùng con, hoặc có thể thuê gia sư. Để thể hiện tình đoàn kết, hãy thức khuya cùng con. Khi con đang làm bài tập, hãy mang cho con một cốc sữa. Hãy ở cạnh con.
3. Giúp trẻ tìm ra chí hướng của mình và lĩnh hội tối đa kiến thức chính ở những môn học có ích cho việc thực hiện thiên hướng đó
Chính cha mẹ, chứ không phải trường học, phải giúp con trẻ nhận thức chính mình, tìm ra việc bé muốn làm và dâng hiến cho cuộc đời. Cha mẹ phải quan tâm đến việc con trẻ cần những kiến thức nào, những môn học nào sẽ hữu dụng cho bé trong tương lai. Đừng đòi hỏi đứa bé phải là học sinh xuất sắc trong tất cả các môn, mà phải quan tâm sâu sắc đến những sở thích của con, thử giúp con tìm ra khả năng thiên bẩm của mình.
Vui chơi, đó là việc có ích
Một trong những bất hạnh của trường học chúng ta là ở chỗ, việc học diễn ra nghiêm túc một cách thê thảm, nếu không muốn nói là buồn chán. Và bạn, những người làm cha làm mẹ, có quên chơi đùa với con của mình không? Hay bạn nghĩ mình quá đứng đắn, không đâu mà vui chơi? Thế nhưng những kỹ năng mà chúng ta đề cập đến trong chương này đôi khi đơn giản có được nhờ vào việc cùng nhau vui chơi.
Nhà tâm lý học Shefali Tsabary kêu gọi các bậc cha mẹ rằng: “Hãy nắm bắt trong chính bản thân bạn những biểu hiện hồn nhiên thơ trẻ, hãy nhớ điều đó lý thú làm sao. Khi đó bạn sẽ có cùng làn sóng giao tiếp với con. Khi sự trao tặng của bạn xuất phát từ trái tim, một cách cởi mở, khi bạn chân thành bước vào mối quan hệ với trẻ, trẻ sẽ không còn khép kín với bạn nữa”(8).
(8) Shefali Tsabary, sách đã dẫn, tr. 241.
Ủy ban nhân quyền Liên Hợp Quốc thừa nhận rằng vui chơi là quyền cơ bản của mỗi đứa trẻ. Nhà tâm lý học Shimi Kang kêu gọi hãy xem việc thiếu vui chơi ở trẻ em cũng nghiêm trọng như thiếu ngủ vậy.
Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm trên loài chuột. Họ có hai nhóm chuột. Một nhóm được họ cho chơi đùa, tức là được đánh nhau, xô đẩy, kêu chít chít. Còn nhóm thứ hai bị cấm vui chơi, họ phạt các chú chuột vì bất cứ hoạt động tích cực nào. Kết quả thí nghiệm cho thấy những con chuột của nhóm thứ nhất rất hiếu kỳ, phản xạ với những nguy hiểm một cách thích hợp và can đảm hơn. Những chú chuột ở nhóm đầu tiên thích nghi với cuộc sống tốt hơn so với những con gặm nhấm ở nhóm thứ hai.
Chúng ta thảo luận về việc trò chơi quan trọng như thế nào với trẻ. Nhiều kỹ năng sống của trẻ chỉ có thể gặt hái được qua trò chơi. Nhưng cũng đừng quên trò chơi cũng quan trọng với người lớn chúng ta lắm đấy.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Hãy nhớ xem lần cuối cùng bạn chơi đùa với con là khi nào.
Nếu vui chơi là một phần không thiếu trong giao tiếp của bạn thì thật là tuyệt vời! Còn nếu không, có nghĩa là vẫn còn nhiều điều về con mà bạn chưa nhận biết.
Nhà sư phạm vĩ đại người Nga Konstantin Ushinsky nhận xét rằng chơi đùa với trẻ không phải là trò chơi, đó là hiện thực. Liệu người lớn có khả năng tin vào hiện thực đó? Sống trong nó?
Trò chơi, đối với người lớn, đó là việc kiểm tra xem người ấy có còn giữ được những phẩm chất thánh thiện mà Tạo Hóa đã ban tặng – khả năng tưởng tượng, sự say mê, kỹ năng tập trung,…
Nếu bạn không chơi đùa với con, bạn sẽ khó tìm được tiếng nói chung với trẻ.
Nếu bạn không chơi đùa với con, điều đó có nghĩa là bạn quá nghiêm túc. Bạn không có tính tự trào.
Nhà tâm lý học Shefali Tsabary nhận xét: “Tôi đã nhiều lần được thuyết phục rằng trẻ em hấp thụ quan điểm của bố mẹ mình. Dĩ nhiên, khi trưởng thành, chúng có thể xem xét lại, nhưng thái độ cơ bản đối với cuộc sống đã được truyền sang chúng ở mức độ tích cực”(9).
(9) Shefali Tsabary, sách đã dẫn, tr. 126.
Chơi đùa là cách chuyển giao cho trẻ thái độ sống. Hẳn bạn đã biết điều đó quan trọng thế nào rồi, phải không?
Điểm gì chung giữa những ẩn dụ về thái độ đối với con trẻ?
Đó là sự thiếu tôn trọng trẻ. Là không hiểu được rằng trẻ không chỉ có quyền được sai lầm, mà còn có nhiệm vụ phải sai lầm hầu có thể rút ra được kinh nghiệm riêng, chứ không sao chép cha mẹ mình.
Khi chúng ta giúp trẻ nhận ra chính mình, thấy được thiên hướng của bản thân, chúng ta phải hiểu: Ta đưa con bước đi trên con đường riêng, chứ không phải đi vào con đường mà mình đã đi qua. Về điều này, tôi sẽ nói chi tiết hơn ở chương sau.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Shimi Kang đã đề xuất một cách phân loại các bậc cha mẹ như thế này. Hãy nghĩ xem bạn thuộc nhóm nào và điều gì khiến bạn không thường xuyên giám hộ con mình, mà cho con khả năng sống và phát triển tự do.
“Cha mẹ trực thăng” luôn lượn bay trên đầu con mình, bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng hạ cánh…
“Cha mẹ cắt cỏ” hay “Cha mẹ dọn tuyết” luôn đi trước, quét sạch tất cả những trở ngại, dọn đường cho con đi.
“Cha mẹ túi bọng” dâng hiến cả cuộc đời để bảo vệ con mình khỏi bất kỳ thất vọng cỏn con nào(10).
(10) Shimi Kang, sách đã dẫn, tr. 38.