Người lớn chúng ta hoàn toàn không nghĩ đến việc thái độ của mình đối với công việc sẽ ảnh hưởng lên con cái như thế nào. Chúng ta thường chia thế giới thành: đây là công việc, đây là trẻ con. Nó giống như hai phần riêng rẽ của cuộc sống vậy. Thế nhưng bạn đừng quên: Trẻ luôn nhìn vào thái độ của chúng ta với công việc.
Bạn hãy tưởng tượng mỗi ngày trẻ đều nhận thấy ba mẹ khổ sở như thế nào vì công việc của họ. Buổi sáng, họ không muốn đi làm; buổi tối, họ than vãn mệt phờ người. Họ thở dài: “Còn một tháng nữa mới đến kỳ nghỉ, giá mà có thể nhanh hơn”. Họ ít kể về những điều tốt đẹp đang có ở nơi mình phục vụ, mà lại nói nhiều về các rắc rối.
Trẻ sẽ đúc kết được thông tin nào từ tất cả những điều này? Rằng công việc là cái gì đó nặng nề, khó khăn và buồn thảm. Cuộc sống chia ra thành những ngày nghỉ tuyệt vời, khi muốn làm gì cũng được; và những ngày thường nhật nặng nề, khi phải làm việc gì đó buồn chán chỉ để kiếm tiền.
Rồi đài phát thanh, truyền hình, Internet trước ngày nghỉ thường xuyên đưa những tin tức vui mừng. Đấy, họ nói chúng ta đã làm xong việc của mình, đã lao động xong, niềm hạnh phúc của ngày nghỉ đã đến! Thế giới chung quanh bảo rằng nghỉ ngơi thật vui sướng, còn lao động rất nặng nề.
“Lao động” xuất phát từ chữ “lao khổ” – đứa bé suy nghĩ như vậy. Còn tiền là mục đích duy nhất của mọi hoạt động. Kiếm được nhiều tiền có nghĩa là công việc của bạn càng tốt. Vì thế, tiêu chí chính để lựa chọn công việc trong cuộc sống là thu nhập.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bạn có nghĩ rằng thái độ của bạn đối với công việc sẽ được phản chiếu bởi con mình?
Nếu bạn yêu công việc của mình, bạn có truyền được cho con cảm giác vui sướng với công việc đó không?
Nếu bạn cảm thấy tiêu cực đối với công việc của mình, hãy giải thích với con vì sao lại như thế, và hãy cố để con hiểu rằng trong trường hợp này không nên lấy cha mẹ làm tấm gương.
Chúng ta, những người trưởng thành, có một logic kỳ lạ. Khi con tuyên bố muốn cưới vợ một cách tính toán, điều đó khiến ta phiền muộn. Còn nếu nó tuyên bố muốn tìm công việc nào trả nhiều tiền hơn, thì ta quả quyết rằng mình đã nuôi dạy được một con người khôn ngoan.
Chọn lựa công việc không phải là sự chọn lựa tiền lương hay một tương lai tuyệt vời, mà là sự chọn lựa hạnh phúc hay bất hạnh. Bởi vì một ngày tám giờ (thường là nhiều hơn) làm một công việc mình không yêu thích, thì cho dù là danh tiếng và nhiều lợi lộc, người đó cũng không thể nào hạnh phúc.
Than ôi, thống kê cho thấy có đến hơn 80% người làm những công việc mình không yêu thích, nghĩa là con người đã quen với việc làm những việc họ không thấy thú vị. Và thói quen đáng sợ đó đã truyền lại cho con cái họ.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Nếu bạn nằm trong số 20% người làm những việc mình yêu thích, bài tập này không dành cho bạn.
Nếu bạn đến nơi làm việc như đến chốn lao động khổ sai, có bao giờ bạn suy nghĩ vì sao lại thế và bạn có cố thay đổi hoàn cảnh đó không?
Bạn có nói với con mình những nguyên nhân khiến bạn phải làm công việc mình không thích? Bạn có cùng con suy nghĩ về cách thoát khỏi tình huống này, hay cho rằng chuyện đó là bình thường và muốn hay không thì bạn cũng đang đẩy con mình vào cuộc đời như thế?
Đời như một cuộc đua
Đa số cha mẹ đòi hỏi con mình phải đạt được điểm tốt. Vì sao điểm số tốt lại khiến các bậc cha mẹ quan tâm nhiều hơn việc đứa trẻ đã mở ra được thiên hướng cho mình? Nếu suy nghĩ thật thấu đáo, đó là một logic kỳ lạ, phải không?
Konstantin Ushinsky đã viết như thế này: “Không chỉ có một đứa trẻ tài năng, dễ xúc động và nhạy cảm bị biến thành ngu ngốc và lười biếng bởi niềm tin vào năng lực bản thân, vốn rất cần thiết trong bất kỳ công việc nào, đã bị tổn hại bởi những mưu toan non yểu”(1).
(1) Konstantin Dmitrievich Ushinsky, sách đã dẫn, tr. 303-304.
Chúng ta vội vã, vội vã, vội vã! Đó là cuộc đua mà, phải vượt qua tất cả!
Ở Phần Lan, người ta không cho điểm học sinh cho đến năm lớp sáu! Bài kiểm tra tiêu chuẩn đầu tiên, như nhau cho tất cả, cho phép so sánh kiến thức của các học sinh, được làm khi những đứa trẻ đã… mười sáu tuổi!
Và bạn có biết chuyện gì đã xảy ra không? Theo một nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế tiến hành, khác biệt giữa các học sinh mạnh và yếu ở Phần Lan là thấp nhất thế giới.
Và còn nữa. Theo chỉ số hạnh phúc (được đánh giá theo thang điểm 10), Phần Lan chiếm một trong những vị trí đầu bảng: 9,6 điểm.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Đây là bài tập cho tất cả những ai có con đang đi học.
Bạn đánh giá thành công hay thất bại của con theo tiêu chuẩn nào?
Với bạn, điều quan trọng là con đạt được điểm tốt, hay việc nó xác định được thiên hướng trong đời mình?
Nếu con đã xác định được thiên hướng rồi, bạn vẫn có thái độ như thế về điểm số mà con nhận được cho những môn “cần thiết” và những môn “không cần thiết”?
Điều gì khiến bạn trách mắng con, chẳng hạn như, con thích môn khoa học xã hội và bị điểm 3 môn toán? Bạn nhận ra ý nghĩa gì trong chuyện đó?
Trong khi đó, cuộc đua này không vì những giá trị có tính bản chất mà chỉ có tính hình thức. Đầu tiên, người ta chạy đua vì điểm số tốt, sau đó vì sự nghiệp, tiền bạc, vinh quang,…
Ở Phần Lan, người ta hiểu rằng không nên đưa trẻ em vào cuộc đua tranh. Còn chúng ta?
Một người phụ nữ đến gặp tôi để xin tư vấn vì cô đã đánh mất tất cả động lực trong cuộc sống. Cô từ Rostov đến Moskva. Cô bắt đầu bằng việc mua hàng hóa ở nước ngoài và bán ở Moskva. Sau đó, cô mở một cửa hàng. Rồi hai. Sau đó, cô đi trên chiếc ô tô lộng lẫy đến một căn hộ mới mua cũng lộng lẫy nốt, đi vào đó, ngồi xuống sàn hành lang và tự hỏi mình tiếp tục sống nữa để làm gì. Cô ba mươi lăm tuổi. Không gia đình. Không con cái. Không có mong muốn làm gì cả, bởi cô không tìm thấy chính mình.
Khi con người kiếm ra tiền, điều đó thật hay. Nhưng nếu con người không thể tìm thấy chính mình thì đồng tiền không bao giờ mang lại hạnh phúc.
Con trẻ thấy tấm gương nào trong ngôi nhà của chính mình? Tấm gương của cha mẹ, những người yêu công việc? Những người tìm ra được thiên hướng của mình, hạnh phúc và biến được nó thành hiện thực? Hay tấm gương của những “kẻ chạy đua” chỉ nghĩ về sự nghiệp của bản thân, căm ghét hay thậm chí khinh bỉ những việc mình đang làm?
Công việc – yêu hay không yêu
Con trẻ có thể dạy cho ba mẹ mình nhiều thứ, có thể giúp họ mở mắt trước nhiều thứ. Đặc biệt, trẻ có thể buộc ba mẹ phải suy nghĩ về việc tại sao cuộc đời họ bị đánh mất vì công việc không ưa thích.
Nếu trẻ thấy ba mẹ mình được động viên bởi công việc yêu thích, say mê hoàn thành nó, họ có thể mệt nhưng đó là cái mệt mỏi của một người nhiệt tình, thì không cần phải kể nhiều với con về việc làm việc theo chí hướng – đó là hạnh phúc.
Nếu trẻ thấy trước mắt mình một người cha mệt mỏi, không yêu công việc ông làm, thì con cần phải được giải thích cho sự sai lầm và không hợp tự nhiên của tình hình, và giúp con tìm ra thiên hướng của bản thân.
Trạng thái cảm xúc của cha mẹ luôn tác động đến con cái.
Người lớn thường không có khả năng thay đổi công việc mình ghét bỏ sang công việc mình ưa thích. Khả năng thay đổi ấy cũng có, nhưng người ta lại không đủ can đảm.
Khi bắt đầu làm công việc tư vấn, tôi thật sự ngạc nhiên vì có nhiều người trong độ tuổi từ ba mươi đến ba mươi lăm muốn đổi từ việc làm không ưa thích sang việc làm ưa thích, mà thường thì lương bổng và danh giá đều ít hơn. Một số người thành công, và một số người thì không, thế nhưng mong muốn ấy đã có ở rất nhiều người!
Và tôi càng kinh ngạc hơn khi không ít động cơ cho việc thay đổi này được hình thành như vầy: “Tôi không muốn trước mắt con, mình là tấm gương về một người bất hạnh!”.
Người ta đến gặp tôi không chỉ vì lời tư vấn, mà còn vì sự ủng hộ.
Và… họ đã đổi việc!
Sau đó họ có hạnh phúc không? Không, hiển nhiên là cuộc đời được sắp đặt khác nhau.
Như những nhân vật trong các bộ phim nổi tiếng, họ đã có thể nói câu: “Dù sao tôi cũng đã cố thử”. Nhưng phải làm gì nếu không thể thay đổi hoàn cảnh đã được sắp đặt và không thể thoát khỏi tỷ lệ 80% ấy? Trong trường hợp ấy, nên xây dựng mối quan hệ với trẻ như thế nào?
Thứ nhất, đừng xấu hổ. Hãy nói với con là bạn làm công việc mình không thích và điều đó rất, rất buồn. Đừng sợ việc bạn trông chẳng đỉnh chút nào trong mắt con. Hãy lấy cuộc đời mình làm gương để giúp con tìm ra thiên hướng của nó. Hãy trung thực với trẻ. Rõ ràng về nguyên tắc là điều rất quan trọng. Ngoài cách đó ra, không còn cách nào khác để kết bạn với con nữa cả.
Thật vô ích khi cố làm ra vẻ mọi việc ở bạn đều ổn thỏa, trong khi đứa trẻ thấy trước mặt nó là một con người bất hạnh. Trẻ em cũng cảm nhận được tình trạng hạnh phúc hay bất hạnh của chúng ta.
Thứ hai, giúp trẻ tìm ra chí hướng. Chí hướng là cái mà trẻ muốn làm nhiều nhất. Konstantin Ushinsky vĩ đại đã nhận xét: “Ai quan sát trẻ sẽ thấy nó hạnh phúc không phải khi người ta làm nó vui, mà là khi nó hoàn toàn nghiêm túc làm việc nó say mê”(2).
(2) Konstantin Dmitrievich Ushinsky, sách đã dẫn, tr. 153.
Bạn đã hiểu vấn đề chưa?
Trẻ em hạnh phúc khi chúng say mê.
Tôi tin rằng Thượng Đế chỉ tạo ra những nghệ sĩ độc tấu. Người ta vào vai quần chúng (80% người đi vào nhóm này) theo ý muốn riêng chỉ vì họ không được hỗ trợ để tìm ra chí hướng của mình đúng lúc.
Chí hướng giúp con người giải quyết một số lượng lớn những vấn đề, bắt đầu từ việc tách trẻ ra khỏi máy vi tính (con người nhỏ bé, khi phải đi tìm chính mình, thường không đủ thời gian để chơi trò chơi điện tử), và kết thúc bằng việc đấu tranh với sự đố kỵ.
Viện sĩ Dmitry Sergeyevich Likhachev(3) nhận định rằng lòng đố kỵ là nét đặc trưng của những người không tìm ra được chính mình. “Lòng đố kỵ phát triển trước tiên ở nơi mà bạn xa lạ với chính mình”, ông viết. “Lòng đố kỵ phát triển trước tiên ở nơi bạn không khác người khác. Bạn đố kỵ có nghĩa là bạn không tìm ra chính mình”(4).
(3) Dmitry Sergeyevich Likhachev (1906 - 1999): Nhà văn Nga, được coi là học giả hàng đầu thế giới về ngôn ngữ và văn hóa Nga. (ND)
(4) Dmitry Sergeyevich Likhachev, Мысли о жизни. Письма о добром (tạm dịch: Suy nghĩ về cuộc đời. Những lá thư về điều tốt lành), M., Azbuka-Attikus; KoLibri, 2014, tr. 470.
Tìm ra chí hướng
Làm cách nào để giúp trẻ tìm ra chí hướng? Tôi đã viết nhiều về điều này trong những cuốn sách khác(5). Vì thế ở đây tôi chỉ nói ngắn gọn thôi.
(5) Danh sách những cuốn sách của tôi cho những ai quan tâm được đưa ở cuối cuốn sách này. (Chú thích của tác giả)
Việc tìm ra chí hướng phải là việc tuyệt đối độc lập. Nhà tâm lý và triết gia người Mỹ Rollo May đưa ra một ẩn dụ chính xác về cách chúng ta sống. Con người “sống như thể bị điều khiển bởi một chiếc ra-đa gắn trong đầu, không ngừng nói với anh ta về việc người khác đang trông đợi điều gì đó ở anh ta. Chiếc ra-đa ấy được kích hoạt và điều khiển bởi những người khác”(6).
(6) Rollo May, Человек в поисках себя (tạm dịch: Con người trong cuộc tìm kiếm chính mình), M.: Viện các nghiên cứu nhân văn, 2013, tr. 15.
Hỡi ôi, chính cái ra-đa đó thường giúp chúng ta tìm kiếm thiên hướng cho đứa con của mình. Chúng ta tìm một công việc danh giá, lương hậu, cần thiết hiện nay trong xã hội,... Chẳng lẽ đấy không phải là những tiêu chí đúng hay sao? Đó là những tiêu chí không chính yếu.
Tôi lặp lại lần nữa: Chí hướng – đó là mong muốn.
Làm cách nào để giúp trẻ xác định được mong muốn chủ yếu?
Đầu tiên là cần tôn trọng trẻ, phải hiểu rằng đó là một cá thể độc lập với những nhu cầu riêng của mình. Trẻ không cần phải lặp lại con đường của cha mẹ. Đôi khi sự lặp lại con đường đó là bi thảm.
Thứ hai, trẻ cần được giới thiệu những công việc khác nhau. Không được bắt trẻ làm gì đó, mà chỉ cần giới thiệu. Màu nước để vẽ. Trái bóng để chơi bóng đá. Bộ lắp ráp để thiết kế,… Bạn hiểu không? Giới thiệu những thứ khác nhau. Không bắt buộc, mà là đề nghị.
Thứ ba, cần quan sát trẻ. Khi trẻ trì hoãn một trò tiêu khiển nào đó mà cha mẹ đề xuất, người lớn thường kết luận rằng trẻ lười biếng hoặc không biết ơn. Đó là một sai lầm thô thiển. Trò tiêu khiển ấy thú vị nhưng khó. Trẻ muốn chơi được ngay lập tức, nhưng không thành công. Cha mẹ có thể giúp trẻ, nếu cần. Nhưng có thể trẻ không thích thứ mà trẻ được giới thiệu. Tốt thôi. Thế có nghĩa là bạn phải tiếp tục gợi ý cho đến khi bạn thấy trẻ quan tâm điều gì đó.
Nhà sư phạm vĩ đại Johann Heinrich Pestalozzi(7) mà phương pháp thuận tự nhiên của ông đã giúp tôi nghĩ ra phương pháp xác định thiên hướng của trẻ em, cho rằng ở hình thức tổng quát nhất, chí hướng của trẻ có thể xác định được – chú ý nhé! – trong khoảng từ năm đến bảy tuổi.
(7) Johann Heinrich Pestalozzi (1746 - 1827): Nhà sư phạm, nhà cải cách giáo dục Thụy Sĩ. Ông đã thành lập một số cơ sở giáo dục ở cả hai vùng nói tiếng Đức và Pháp của Thụy Sĩ, viết nhiều tác phẩm để giải thích các nguyên tắc cách mạng của ông về giáo dục, trong đó phương châm chính là “Học bằng đầu, tay và trái tim”. Nhờ Pestalozzi mà Thụy Sĩ đã khắc phục hoàn toàn tình trạng mù chữ vào năm 1830. (ND)
Ở tuổi lên ba - bốn, trẻ đang tách khỏi người mẹ và nhận ra quanh em đang hiện hữu một thế giới phức tạp, hấp dẫn. Pestalozzi tin rằng nếu yêu bé và quan sát bé, thì chỉ sau ba bốn năm rời khỏi mẹ, bé đã có thể hiểu được những thứ lôi cuốn mình.
Hiện nay, việc xác định chí hướng ở độ tuổi năm - bảy có vẻ như không tưởng. Được thôi. Cứ để điều đó diễn ra ở tuổi mười - mười hai. Nhưng dẫu sao cũng không phải là mười bảy tuổi, khi chúng ta phải chọn trường đại học, chứ không phải là thiên hướng.
Thứ tư, cần đặt ra trước đứa trẻ những nhiệm vụ sáng tạo phức tạp hơn. Các bậc cha mẹ nhận thấy con của mình vẽ, hay chơi bóng đá giỏi, hoặc làm thơ,… Phản ứng trước tiên của họ chỉ có một: âu yếm. Phản ứng đó là dễ hiểu, nhưng chưa đủ. Khi con trải nghiệm nó, bạn cần đặt ra cho con nhiệm vụ phức tạp hơn, chẳng hạn như không chỉ vẽ phong cảnh, mà còn cả chân dung; chơi bóng nghiêm túc hơn trong một đội,…
Tự mình không đặt ra được nhiệm vụ? Chẳng có gì đáng sợ. Có thể để các chuyên gia đặt ra nhiệm vụ này. Bởi trẻ em hiếm khi muốn làm chỉ một việc gì đó. Chúng muốn cái này lẫn cái kia, cái thứ năm, cái thứ mười. Vì thế, nếu mong muốn là chí hướng, thì những nhiệm vụ khó khăn hơn không làm chúng chán ghét mà sẽ buộc chúng có thái độ nghiêm túc hơn. Còn nếu làm chúng chán ghét, đó không phải là chí hướng của trẻ. Không có gì phải sợ cả.
Thứ năm, trẻ có quyền sai lầm. Những tiếng kêu la của ba mẹ: “Vừa mới tham gia nhóm chụp ảnh, giờ lại đòi đá bóng!” – là vô nghĩa. Nếu bạn giới thiệu với con một sự lựa chọn khác, bạn phải hiểu trẻ có thể tiếp nhận, và cũng có thể không. Không tiếp nhận cũng là một kết quả, mà đó lại là kết quả tích cực.
Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng đều có thể thực hiện tất cả những bước này. Trên thực tế, chúng rất đơn giản. Không người cha người mẹ nào không thể giúp con tìm ra được chí hướng của mình.
Điều chính yếu là hiểu việc tìm ra được công việc yêu thích quan trọng đến mức nào với con trẻ, và giúp con trong việc xác định này.
Hãy là người lạc quan!
Tôi muốn kết thúc chương này bằng ý nghĩ tuyệt vời của nhà tâm lý học người Canada, mẹ của ba đứa con, Shimi Kang. Bà đề nghị nên đối xử với trẻ em bằng một tiền đề nội tâm: “Hãy là người lạc quan, vui vẻ với cuộc sống, động viên những người chung quanh bằng điều đó và chúng ta sẽ cùng nhau thành công trong thế giới này, và thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn!”(8).
(8) Shimi Kang, sách đã dẫn, tr. 22.
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bạn đối xử với con mình bằng tiền đề nội tâm như thế nào?
Sự bi quan nội tâm mà nhiều người chúng ta đang mang thường được tạo ra bởi công việc không yêu thích, lấy đi phần lớn thời gian và cả sức lực tinh thần của chúng ta.
Trong ngôi nhà, nơi những bậc cha mẹ ủ rũ sinh sống, ít khi nào con trẻ lớn lên hạnh phúc.
Bạn có đối xử với các con mình bằng tiền đề nội tâm như Kang hay không?
Không à?
Ai có lỗi?
Vì hoàn cảnh, vì thiếu thốn bạc tiền; và cuối cùng, vì công việc không yêu thích?
Vì bạn không đặt ra cho mình nhiệm vụ: Dạy trẻ vui sống? Bạn có nên đặt ra mục tiêu ấy cho mình?
Đôi khi, các bậc cha mẹ chỉ cần sửa chữa điều gì đó ở bản thân, ở thái độ của bản thân đối với cuộc sống – và điều đó sẽ ngay lập tức tác động lên trẻ. Còn không thì chúng ta luôn thấy rắc rối trong tất cả mọi việc.