Chính sách giáo dục dựa trên những ý tưởng về bản chất con người, công lý và các mục đích chung của giáo dục. Những ý tưởng này thường không được trình bày rõ ràng và đôi khi khó có thể nhận ra đằng sau các tuyên ngôn mang tính chính trị về chủ nghĩa thực dụng và cuộc truy cầu “cái gì thực sự có hiệu quả?”. Như thể hoạch định chính sách là một công việc trung lập, chẳng khác mấy việc sửa chữa một động cơ bị hỏng hóc. Nhưng ít nhất thì giáo dục cũng phần nào nhắm tới những mục tiêu chung mà xã hội đã đặt ra cho nó và cách thức để hiện thực hóa những mục tiêu này trong thực tiễn. Do vậy, giáo dục không thể là một việc có tính chất kỹ thuật thuần túy, mà nó bao giờ cũng là lĩnh vực mang tính văn hóa, đạo đức và chính trị sâu sắc, gắn bó chặt chẽ với những ý tưởng về một xã hội tốt đẹp và các phương cách làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Chúng tôi đặt mục tiêu khám phá tư duy triết học làm nền tảng cho sự hình thành chính sách giáo dục. Khi bắt đầu thai nghén cuốn sách này, chúng tôi đã nhận ra rằng có rất nhiều sách vở bàn về chính sách giáo dục và các ý tưởng giáo dục, song hầu như không có cuốn sách nào đề cập đến cả hai vấn đề này sao cho những người sơ tâm về triết học có thể dễ dàng tiếp cận. Vì thế chúng tôi có ý định lấp đầy khoảng trống về mặt tài liệu ấy.
Động lực thúc đẩy chúng tôi hoàn thiện cuốn sách này là trong những năm gần đây có tương đối ít công trình dẫn nhập về triết lý giáo dục và đây cũng là thời điểm chính sách giáo dục đang thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Giáo dục được coi, có thể đúng đắn hoặc sai lầm, là chìa khóa cho quá trình hiện đại hóa các xã hội truyền thống, đồng thời là một hành trang cho các quốc gia để tham gia cạnh tranh trong một nền kinh tế toàn cầu hóa. Những vấn đề có liên quan ở đây thực sự phức tạp và vi tế. Đây là điều không dễ thấy ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng một khi đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng một vấn đề về chính sách giáo dục, thì đủ loại câu hỏi sẽ nảy sinh liên quan đến bản chất của các xã hội cụ thể, những khát vọng, những lý tưởng của các xã hội đó về công lý, về cách con người ta nỗ lực thích ứng với sự đa dạng. Mục tiêu của chúng tôi là đem đến cho độc giả ý niệm về những vấn đề cốt lõi [của triết lý giáo dục] cũng như hệ quả của chúng đối với những quyết định về mặt chính sách. Nếu như làm được điều đó, chúng tôi sẽ cảm thấy mình thực sự thành công.