Cuốn sách này cố gắng giới thiệu những vấn đề trung tâm trong chính sách giáo dục thông qua việc gắn kết với các giả định mang tính triết học của chúng. Theo đó, cuốn sách này giới thiệu những vấn đề cốt lõi trong cả triết lý giáo dục cũng như chính sách giáo dục. Các tác giả cũng cố gắng làm cho những vấn đề này trở nên dễ tiếp cận hơn đối với sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai. Trong nhiều năm qua, một số công trình dẫn luận về triết lý giáo dục đã được biên soạn ở nhiều quốc gia thuộc thế giới Anh ngữ. Tuy nhiên, theo hiểu biết của chúng tôi, không có cuốn sách nào trong số đó có liên quan trực tiếp với lộ trình xây dựng chính sách [về giáo dục].
Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là việc các tác giả đó có xu hướng tuân thủ truyền thống phân tích của triết lý giáo dục, và họ, có khuynh hướng tư duy về giáo dục theo một cách phi chính trị, coi giáo dục là cái có thể lý giải thông qua việc xem xét không thiên vị những khái niệm giáo dục được áp dụng trong mọi xã hội và mọi thời kỳ. Tuy nhiên, đặc điểm này của truyền thống phân tích hoàn toàn sai lầm và có khuynh hướng làm lu mờ hơn là làm sáng tỏ những câu hỏi trung tâm của giáo dục. Trọng tâm trong những đặc điểm này là giả định cho rằng giáo dục về bản chất là một việc tốt đẹp và do đó không cần thiết phải chất vấn hoặc giải đáp bất cứ vấn đề thực chất nào liên quan tới việc biện luận cho những chính sách giáo dục. Như vậy, chẳng hạn giả định này né tránh thay vì giải quyết những câu hỏi liên quan tới ngân sách giáo dục, nó sẽ không bao giờ băn khoăn rằng, cho dù giáo dục là một việc tốt đẹp, liệu nhà nước có nên cam kết đài thọ cho giáo dục hay không. Do đó giả định này phớt lờ một thực tế rằng các quyết định về giáo dục thường là quyết định chính trị, và kéo theo đó nó cũng phớt lờ cả thực tiễn là các quan điểm chính trị của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến không chỉ câu hỏi mà chúng ta nêu ra mà cả câu trả lời chúng ta sẽ chấp nhận. Nó bỏ qua một điều hiển nhiên là các thực tiễn giáo dục, dù ở bất cứ dạng nào, đều diễn ra trong những bối cảnh văn hóa cụ thể và sẽ được định hình bởi các giá trị đạo đức và văn hóa cấu thành bối cảnh ấy. Giả định này hầu như không chú ý đến một thực tế rằng người thụ hưởng giáo dục ở mọi cấp độ, ví dụ như trẻ em, các bậc cha mẹ, người sử dụng lao động, đều đang làm việc với những hệ giá trị đạo đức, chính trị, kinh tế và văn hóa, cái nhất định có ảnh hưởng đến những điều họ cho là có thể chấp nhận hay không thể về mặt giáo dục.
Ở góc độ nào đó, chúng tôi cho rằng, sự mù mờ đối với một số vấn đề hiện thực đó phần nào khởi phát từ thực trạng lẫn lộn giữa hai thứ khác nhau. Thứ nhất là khái niệm giáo dục (concept of education), cái chúng tôi sẽ bàn luận, vốn là danh xưng của một điều rất căn bản, liên quan đến thứ phải xảy ra trong mọi xã hội, đó là sự chuẩn bị cho cuộc sống khi trưởng thành của các thế hệ tương lai. Thứ hai là những quan niệm về giáo dục (conceptions of education), hay bản chất của giáo dục trong những xã hội cụ thể. Do những quan niệm này thường cạnh tranh và mâu thuẫn với nhau, chúng luôn cần được biện hộ và thảo luận. Vậy nên, chúng ta cần đặt câu hỏi liệu giáo dục có nên được xem như quá trình chuẩn bị cho công việc hoặc cho một cuộc sống nhàn rỗi, và nếu giáo dục là sự chuẩn bị cho cuộc sống thoải mái đối với một số người thì làm thế nào chúng ta xác định được ai sẽ được chuẩn bị để làm việc còn ai sẽ được chuẩn bị cho cuộc sống nhàn rỗi? Hoặc lấy một ví dụ khác. Nếu một nhóm trong xã hội tin rằng họ có thể sống một cuộc đời đáng sống mà không cần tới đức tin, trong khi nhóm khác lại cho rằng để có một cuộc sống ý nghĩa thì trẻ em bắt buộc phải lớn lên với những niềm tin tôn giáo cụ thể, vậy làm thế nào để hai quan điểm đối nghịch một cách rõ ràng như vậy lại có thể dung hòa với nhau, nếu như chúng thực sự có thể dung hòa được?
Ở một mức độ nào đó, sự miễn cưỡng trong quá khứ đối với triết lý giáo dục khi đương đầu với những vấn đề này dựa trên thái độ không sẵn sàng thừa nhận rằng rốt cuộc thì các vấn đề về giá trị trong giáo dục luôn luôn bị mắc kẹt với các giá trị khác của chúng ta như tôn giáo, đạo đức, quan hệ xã hội, công việc, cuộc sống gia đình và tự do cá nhân. Và rằng do đó, không một cuộc bàn luận nghiêm túc nào về giáo dục lại có thể diễn ra mà thiếu vắng sự tham chiếu các giá trị đó. Ở phần tiếp theo, chúng tôi nỗ lực nhiều nhất để khơi mào cho những thảo luận làm cơ sở cho bất kỳ quan niệm thực tế nào về giáo dục. Trong khi làm thế, chúng tôi đặc biệt chú ý vào các hình thái xã hội mà chúng ta quen thuộc nhất và cũng là nơi mà chúng tôi cho là phần đông độc giả của cuốn sách này sinh sống. Đó là những thể chế dân chủ tự do ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Châu Đại Dương. Trong những xã hội này, chúng tôi thấy chính thể đại nghị, nền dân chủ, kinh tế thị trường tự do và một nhãn quan thế tục. Chúng tôi phải nhanh chóng bổ sung rằng những điều chúng tôi nói ra ở đây không chỉ liên quan đến các hình thái xã hội như vậy. Các xã hội khác nằm ngoài những khu vực nói trên cũng quan tâm học hỏi từ những xã hội phát triển: Làm thế nào để không hành xử cũng như áp đặt thái quá những gì mà họ nghĩ rằng đang học hỏi từ thực tiễn của các nền dân chủ tự do ấy. Vì thế, cuốn sách này cũng sẽ hữu dụng cho những ai quan tâm tới các vấn đề của giáo dục khi chúng xảy ra trong những xã hội dân chủ tự do. Vì lẽ đó, những quan niệm về giáo dục chúng ta quan tâm nhiều nhất cũng chủ yếu xuất hiện trong kiểu xã hội đó, và rồi những quan niệm ấy lại kéo theo các vấn đề giáo dục cụ thể mang hàm ý chính sách đối với công tác quản trị giáo dục từ góc độ chính trị trong chính các xã hội ấy.
Chúng tôi bắt đầu bằng cách đưa ra những vấn đề chung mà mọi xã hội phức tạp đều phải đối diện trong quá trình xác lập mục đích cho hệ thống giáo dục của xã hội đó, xét đến sự đa dạng văn hóa và chính trị (Chương 1). Tiếp theo, chúng tôi thảo luận về những vấn đề quan trọng nhất nảy sinh từ những câu hỏi chung về mục đích và giá trị kể trên. Vì vậy, Chương 2 tập trung vào cách mà mục tiêu và chương trình giáo dục liên kết với nhau và làm thế nào để có thể xây dựng một chương trình giáo dục thỏa đáng. Kế đến, chúng tôi luận giải về dạy và học (Chương 3). Vấn đề cơ bản ở đây là liệu việc học có cần được dạy hay không, và nếu có, mối quan hệ giữa hai hoạt động này là gì? Điều này liên quan tới tình trạng căng thẳng dễ thấy giữa kỳ vọng biến người trẻ trở thành những cá nhân độc lập và trở thành người thầy của chính mình (self-teacher) với khát khao đem lại cho họ một nền tảng vững chắc, bao gồm sự thành thục kỹ năng cơ bản và gặt hái thành tựu trong nền văn hóa của họ, đi liền với mong muốn họ trở nên độc lập, có tư duy phê phán cùng tinh thần đổi mới sáng tạo. Các xã hội khác nhau có quan điểm khác nhau về việc liệu họ đã đạt được sự cân bằng giữa hai vấn đề cấp thiết có vẻ mâu thuẫn này hay chưa.
Trong Chương 4, chúng tôi tiếp tục xem xét cách dạy học phù hợp nhất và liệu chúng ta có thể chứng thực cách dạy học nào thì hiệu quả còn cách nào thì không. Sự trăn trở này có liên quan đến những mối lo ngại lớn hơn trong một số xã hội rằng liệu hệ thống giáo dục của họ có đang hoạt động tốt và nếu chúng hoạt động tốt, liệu chúng ta có biết [về điều đó] hay không. Câu hỏi phương pháp dạy học nào “thích hợp” trở nên quan trọng trong các cuộc thảo luận, song các vấn đề khác cũng vậy. Chẳng hạn, quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ đã mang tới một loạt mối quan tâm có liên quan đến tính hiệu quả của các hệ thống giáo dục cũng như việc kiểm tra đánh giá và trách nhiệm giải trình. Những vấn đề này sẽ được bàn luận kỹ hơn trong Chương 5. Bản chất cá nhân chủ nghĩa của các xã hội dân chủ tự do đã làm nổi bật nhu cầu dung hòa giữa khát vọng cá nhân với sự cố kết xã hội. Thông qua những cách riêng của mình, giáo dục đạo đức, giáo dục xã hội và giáo dục công dân được coi là phương thức để giải quyết các mâu thuẫn. Và đây cũng là chủ đề của Chương 6. Thêm nữa, trong những xã hội nói trên, mong muốn để cá nhân được chọn lựa các giá trị và lối sống của mình cũng dẫn tới mâu thuẫn giữa chủ kiến cá nhân với ý kiến của cộng đồng xã hội xoay quanh những điều có ý nghĩa. Mặt khác, nó cũng làm nổi bật các vấn đề về việc giáo dục người trẻ tự chủ. Quả thực, như chúng tôi sẽ trình bày trong chương này, vẫn còn rất nhiều sự mơ hồ về ý nghĩa thực sự của quan điểm rằng sự tự chủ cá nhân là một mục tiêu của giáo dục.
Trong ba chương cuối, chúng tôi bàn luận ba vấn đề cực kỳ cụ thể. Thứ nhất là sự chuẩn bị để làm việc. Hiệu quả kinh tế được cho là hạt nhân trong sự thành công của các thể chế dân chủ tự do và có công ăn việc làm vừa là khát vọng vừa là yêu cầu của đại bộ phận dân chúng trong những xã hội như thế. Nhưng làm thế nào để có thể dung hòa nhu cầu có được cảm giác mãn nguyện nội tâm với những đòi hỏi về hiệu quả kinh tế? Hai điều đó có thể dung hòa được với nhau hay không? Chương 8 sẽ bàn luận chủ đề này, những điều mà từ trước tới giờ không phải bao giờ cũng nhận được sự chú ý mà lẽ ra chúng phải nhận được khi [người ta] tìm hiểu về triết lý giáo dục, mặc dù chúng có lúc đã khiến những người làm chính sách bận tâm. Trong Chương 9, chúng tôi xem xét một trong những kết quả giáo dục nổi bật nhất từ sự phổ biến của thị trường tự do và tư tưởng về thị trường tự do. Đó là niềm tin rằng những khát vọng cá nhân, hiệu quả giáo dục và sự công bằng có thể đạt được thông qua việc áp dụng các nguyên tắc thị trường vào lĩnh vực giáo dục. Trong Chương 10, chúng tôi trở lại vấn đề trung tâm đã nêu ra ban đầu, cái gọi là cuộc cạnh tranh diễn ngôn về giáo dục, đồng thời giải quyết vấn đề làm thế nào mà các xã hội tự do có thể đáp ứng tốt nhất, trong phạm vi một hệ thống chung, việc chuẩn bị cho cuộc sống, cho những khát vọng khác biệt của các nhóm sắc tộc, văn hóa và tôn giáo vốn rất đa dạng.
Cuốn sách này là một nỗ lực cho thấy triết lý giáo dục đã đóng góp lớn đến mức nào vào hiểu biết của chúng ta về sự hình thành chính sách giáo dục. Đồng thời, cuốn sách cũng cố gắng chỉ ra rằng triết lý giáo dục nếu thiếu vắng sự tham gia của khía cạnh chính sách và chính trị thì sẽ trở thành một lĩnh vực chuyên môn hạn chế như thế nào. Chúng tôi viết cuốn sách này sao cho có thể lôi cuốn cả những người không có sẵn nền tảng triết học nhưng lại mong muốn có hiểu biết nền tảng về các vấn đề chính sách đang ẩn dưới thực tiễn giáo dục đương thời. Chúng tôi cũng cung cấp một phần tóm tắt ở đầu mỗi chương để độc giả có thể bỏ qua một số mục nếu họ muốn. Thêm vào đó, mỗi chương sẽ kết thúc bằng một số câu hỏi thảo luận và gợi ý đọc thêm, để độc giả khám phá sâu hơn các vấn đề cụ thể, có thể do cá nhân tự thực hiện hoặc triển khai trong bối cảnh các cuộc thảo luận trên lớp hay tại các buổi hội thảo.