Trong đời sống vội vã hiện nay, một số người đi trên đường tinh thần đã chủ trương phải xa lánh chốn phồn hoa đô hội, tìm đến những nơi hẻo lánh để trau dồi thân tâm. Theo tôi, người ta không nhất thiết phải tìm vào chốn rừng sâu núi thẳm mới tu hành được mà vẫn có thể tìm được sự an tĩnh nội tâm qua việc thực hành các phương pháp tĩnh tâm hay Thiền định.
Thiền định (tiếng Phạn Dhyana) có nghĩa là sự hòa hợp giữa người suy ngẫm và đối tượng của sự suy ngẫm, hay sự hòa hợp giữa chủ thể và đối tượng. Người Âu dịch Thiền định là “Meditation” hay sự tập trung để suy nghĩ về một đối tượng nào đó, nghĩa là có sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng. Sự hiểu lầm căn bản này bắt nguồn từ những dịch giả người Âu, không có kinh nghiệm tâm linh, không hiểu rõ quan niệm Nhất Nguyên (không phân biệt) của người phương Đông nên đã vô tình sử dụng quan niệm Nhị Nguyên (phân biệt) vào đó. Vì cho rằng có chủ thể và đối tượng nên nhiều người Âu đã sử dụng danh từ “Thiền” một cách bừa bãi như một phương pháp thực hành để đạt được một “cái gì” hay đến một “cảnh giới” nào đó. Đây là một ngộ nhận đã gây nhiều khó khăn cho những người muốn tìm hiểu về Thiền.
Theo tôi được biết, bất cứ ai trong một giây phút nào đó, đều có kinh nghiệm được một tâm trạng hoàn toàn an tĩnh hay tâm trạng “Thiền”. Tâm trạng này chỉ đến khi người đó không nghĩ đến nó, không ao ước nó vì đó chính là lúc linh năng thiêng liêng bên trong phát lộ khi tâm hồn con người không bị lôi cuốn bởi dục vọng hay chi phối bởi ngoại cảnh. Chỉ trong kinh nghiệm này, con người mới ý thức được rằng niềm an tĩnh vô biên vốn phát sinh từ những yếu tố tiềm ẩn bên trong chứ không phải một trạng thái nào đó đến từ bên ngoài. Các hiền triết trên Tuyết Sơn đã dạy: “Khi Bản ngã ngưng hoạt động thì Chân ngã sẽ biểu hiện, khi ao ước của vật chất chấm dứt thì niềm phúc lạc của tinh thần sẽ đến một cách tự nhiên”. Do đó, quy tắc chính yếu của Thiền là phải tránh mọi sự mong cầu, ước muốn vì cái ý tưởng mong muốn một thứ gì, dù đó là niềm an vui, lạc phúc, đã khiến cho chúng ta rời xa cái đó rồi. Điều con người cần không nằm ở bên ngoài, không phải là cái có thể tìm kiếm hay sở hữu được vì linh năng vốn sẵn có ở bên trong, do đó không cần phải tìm kiếm hay ước muốn gì nữa.
Bước đầu thực hành để cho tâm hồn an tĩnh là phải làm cho xác thân thoải mái hay phải biết điều thân trước khi điều tâm. Người châu Á có nhiều phương pháp điều thân rất hữu hiệu qua các tư thế như Yoga nhưng lúc khởi đầu người tập không nên cố gắng thái quá. Tư thế cần phải tự nhiên vì chỉ khi nào xác thân được thoải mái thì sự tập trung ý thức mới xảy ra được.
Trở ngại đầu tiên cho người mới tập thiền, phần lớn là người Âu, là cố gắng ngồi theo những tư thế của người Á Đông trong khi thể xác của họ chưa quen với các tư thế này và sự đau đớn của xác thân đã khiến cho nhiều người phải bỏ cuộc. Theo tôi, đối với những người chưa quen ngồi xếp bằng dưới đất thì có thể bắt đầu bằng việc ngồi trên ghế, giữ cho lưng thẳng, hai bàn tay để trên đầu gối, hai chân để sát vào nhau nhưng đừng bắt chéo chân. Tư thế ngồi cần phải dễ dàng, thoải mái, không quá gò bó. Mắt nhắm lại, miệng ngậm và giữ lưng cho thẳng để luồng chân khí lưu thông dễ dàng trong xương sống.
Trở ngại thứ hai trong phương pháp thiền là sự cố gắng thở cho thật dài, thật sâu rồi dồn khí xuống bụng (đan điền). Theo kinh nghiệm của tôi, khi nào thể xác thoải mái, tư tưởng điều hòa thì tự nhiên hơi thở sẽ trở nên sâu, nhẹ và nhịp nhàng. Tôi biết có nhiều phương pháp bắt người tập phải cố gắng hít vào thật sâu như các ca sĩ luyện giọng nhưng theo tôi điều này không cần thiết vì nó làm cho người tập quá chú trọng đến hơi thở mà trở nên mất tự nhiên. Điều quan trọng trong việc tĩnh tâm là giữ cho tâm trí thoải mái, nếu cố gắng thái quá vào các tư thế hay sự thở hít, sẽ làm trở ngại việc định trí. Ngoài ra khi khởi sự tập thiền phải hạn chế việc ăn uống quá độ. Nếu có thể bỏ được thịt cá hay rượu thì rất tốt vì những thức ăn phức tạp này thường cản trở luồng sinh khí lưu chuyển trong kinh mạch.
Trở ngại thứ ba trong khi thực hành thiền định là việc giữ đúng giờ giấc tham thiền. Một khi đã chọn giờ giấc nào đó thì người tập cần tuân giữ thật đúng để nó trở thành thói quen. Khi bắt đầu luyện tập, ai cũng có tính lười biếng, khi tập khi bỏ và như thế họ sẽ không thể tiến xa được. Việc giữ đúng giờ giấc sẽ khép người tập vào một kỷ luật nhất định. Theo các hiền triết trên Tuyết Sơn, có ba thời điểm thuận tiện nhất để tham thiền: Lúc mặt trời mọc, chính giữa trưa và lúc mặt trời lặn. Hiển nhiên trong đời sống vội vã ngày nay, người ta có thể lựa chọn một giờ giấc nào đó cho thích hợp nhưng nên tránh thực tập sau ăn vì dạ dày phải làm việc nhiều, khó đưa máu lưu chuyển khắp người hoặc vào lúc đêm khuya khi thân thể mệt mỏi, đầu óc cần phải nghỉ ngơi.
Theo tôi, trong công phu thiền định, người ta không thể áp dụng một phương pháp chung được vì mỗi người tùy thể chất sẽ lựa chọn một phương pháp phù hợp với mình. Nhiều người nghĩ rằng nếu mình đã đạt kết quả qua phương pháp đó rồi thì người khác cũng sẽ đạt được như thế. Trên phương diện thiền, điều này không đúng hẳn. Công phu của thiền định là làm sao giữ cho đầu óc được thoải mái yên tịnh, không vọng động. Vì đây là một việc hết sức khó khăn. Chẳng mấy ai có thể giữ đầu óc không suy nghĩ trong một phút vì chỉ trong thoáng giây là hàng trăm ý tưởng lộn xộn đã nảy sinh rồi.
Kinh Bhagavad Gita của Ấn giáo có ghi lại mẩu chuyện sau: Arjuna đến nói với thầy là Krishna: “Thưa thầy, tâm trí con xao động lộn xộn, khắc phục nó còn khó hơn khắc phục gió nữa. Xin thầy dạy cho phương pháp chủ trị cái tâm”. Krishna nói: “Cái tâm rất khó trị, càng cố gắng kiềm chế nó bao nhiêu thì nó càng chống đối mạnh mẽ bấy nhiêu. Con hãy bình thản ngồi yên, không chống đối, không kiềm chế, không thiết tha hay bám víu lấy nó mà chỉ theo dõi nó một cách thản nhiên. Nếu nó đến thì nó sẽ đi, nếu nó xuất hiện thì nó sẽ biến mất và đó chính là công phu duy nhất để chế ngự tư tưởng”.
Theo các hiền triết trên Tuyết Sơn, nguyên nhân làm cho đầu óc chúng ta náo động là do thói quen từ trước. Trải qua vô số kiếp sống, trí óc con người đã quen náo động, mỗi khi có kích thích nào đến là nó phản ứng tức thì và dần dần trở thành phản ứng tự nhiên. Đã quen suy nghĩ mông lung như thế mà phải bình thản quan sát và không phản ứng thì quả là một thay đổi vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nếu tập luyện đều đặn, người ta sẽ khắc phục được nó và mở mang khả năng định trí. Nên nhớ đầu óc con người luôn luôn thay đổi với các tư tưởng nảy sinh, từ việc này đến việc khác như một ngã tư đường với đủ loại xe cộ chạy lung tung. Công phu của thiền là làm sao không để tâm trí vọng động này chi phối, do đó người tập cần biết kiểm soát tư tưởng. Điều quan trọng cần để ý là sự an lạc bắt nguồn từ những yếu tố thiêng liêng tiềm ẩn bên trong chứ không phải qua sự cố gắng để đến trạng thái này. Khi tâm đã định (Samadhi), người thực hành sẽ kinh nghiệm được một sự an lạc, sáng suốt lạ thường. Danh từ Thiên Chúa giáo gọi là sự “Trở về nhà” và danh từ Phật giáo gọi là “Kiến tánh”, hiểu rõ con người thật của mình (Chân ngã).
Khi trở về Anh quốc, tôi đề nghị cho tổ chức các khóa giảng dạy về thiền, nhiều người đã phản đối và nói rằng họ không có thời giờ để “ngồi yên không làm gì hết” như vậy. Họ không biết rằng những người bận rộn nhất lại là những người cần thực hành phương pháp này hơn ai hết. Một hiền triết trên Tuyết Sơn cho biết: “Vào cuối thế kỷ này sẽ có những căn bệnh kỳ lạ, những biến chứng thần kinh mà y học phải bó tay vì nguyên nhân của nó phát xuất từ sự xáo trộn nội tâm, hậu quả của đời sống xã hội quá phức tạp. Đến khi đó, con người mới hiểu được giá trị của sự tĩnh tâm. Trong tương lai, các phương pháp thiền tập của người phương Đông sẽ phát triển rất mạnh ở phương Tây, vì nó đáp ứng được nhu cầu khẩn thiết của thời đại đó”.
Theo các hiền triết trên Tuyết Sơn, lúc khởi sự thực hành thiền định, người tập phải ý thức thật rõ về mục đích của nó. Việc thực tập này rất nguy hại nếu mục đích của nó liên quan đến tư lợi của người thực hành như việc ao ước, mong cầu một điều gì hay đến một cảnh giới kỳ lạ nào đó. Đây là một cạm bẫy nguy hiểm vì nó làm gia tăng Bản ngã riêng rẽ và đáp lại lòng hiếu kỳ của người thực tập khiến họ lầm tưởng rằng họ đã phát triển quyền năng hay trở thành một “đấng” nào đó. Nếu mục đích của người tập là để trở thành một cái gì, sở hữu một điều gì, phát triển một quyền năng thần thông nào thì họ đã đi xa hẳn mục đích của Thiền mà đi lạc vào ma đạo và việc này sẽ dẫn dắt người tập vào một con đường hết sức nguy hiểm. Tu tập các phương pháp như thế chỉ làm tăng cường lòng kiêu căng tự phụ, cho rằng mình quan trọng hơn người hay phát triển dục vọng và Bản ngã.
Như tôi đã trình bày ở trên, danh từ “Thiền” là trạng thái an tĩnh sáng suốt, vượt ra khỏi sự chi phối của Bản ngã để cho Chân ngã bên trong tự biểu hiện chứ không phải phát triển Bản ngã để đạt một cái gì hay đến nơi chốn nào. Đó chỉ là những phương pháp cầu thần thông của ma đạo, trá hình dưới danh từ “Thiền” mà thôi. Phương pháp này sẽ tạo những ảo giác kỳ lạ, những cảnh giới mê hoặc đưa người tập vào trạng thái xuất thần, không tự chủ rồi bị lợi dụng bởi các động lực ma quái bất hảo. Gần đây tôi thấy một số sách dạy về “Thiền” đã khuyên người tập phải hướng đôi mắt lên cao và giữ nó bất động trong trạng thái đó. Phương pháp này làm cho thị giác trong khối óc bị tê liệt khiến cho người tập như bị thôi miên và đi đến trạng thái xuất thần. Một đôi khi người tập được dạy rằng phải quên mình để tiếp nhận ảnh hưởng của một “đấng” nào đó hay tập trung tư tưởng để khai mở bí huyệt nào đó trong mình. Các lối thực tập hàm thụ qua sách vở này rất nguy hiểm và cần phải tránh, vì nó chuẩn bị cho người tập trở nên thụ động để tiếp nhận các ảnh hưởng bất hảo của cõi âm. Hiền triết Kuthumi cảnh cáo: “Đức tính cần thiết của người đi trên đường đạo là lòng khiêm tốn, quên mình, dẹp bỏ Bản ngã để cho Chân ngã biểu lộ. Thiếu ý thức về đức tính này, người ta sẽ vô tình để cho Bản ngã phát triển, đi ngược luật thiên nhiên, rơi vào cạm bẫy nguy hiểm của các thầy phù thủy, các kẻ luyện tà thuật, các pháp sư có khuynh hướng lợi kỷ hại nhân”.
Mục đích của sự tham thiền là để cho phần tâm thức cao đẹp sẵn có biểu lộ một cách tự nhiên hay mở cái cửa nhà tù đang giam hãm tâm thức mình để nó nhận thức chân lý chứ không phải là một phương pháp tập trung tư tưởng để sở hữu một quyền năng nào hay đạt được điều gì như nhiều người lầm tưởng. Con người chỉ có thể hòa hợp tâm hồn mình với ảnh hưởng thiêng liêng khi tâm hồn của họ hoàn toàn an tĩnh, không vọng động, mong cầu ước muốn một điều gì. Sự an tĩnh sẽ giúp họ biết rõ về mình hầu tự trau dồi phẩm hạnh. Chỉ trong sự an tĩnh mà họ mới ý thức được các năng lực mầu nhiệm đang chuyển hóa trong họ vì khi tư tưởng lặng yên, không bị chi phối bởi ngoại cảnh, các khả năng tiềm ẩn bên trong mới phát sinh và nảy nở trọn vẹn. Con người có thể thoát ra khỏi các tiếng động ồn ào của dục vọng, ham muốn thì mới thưởng thức được các hòa âm cao thượng vẫn phát xuất từ cõi vô biên.
Trong con đường tâm linh, mục đích của người tu tập thiền định và một người chú tâm cầu nguyện không khác nhau nhưng phương pháp thì có khác. Người tu thiền cố gắng hòa hợp với ảnh hưởng thiêng liêng qua sự định trí, còn người cầu nguyện qua sự chân thành. Người cầu nguyện tin rằng có một quyền năng bên ngoài nhưng người tu thiền tin rằng quyền năng đó phát xuất từ bên trong. Thật ra bên trong hay bên ngoài, tự lực hay tha lực đều là những yếu tố cần thiết để giúp người tập phát triển khả năng quay về với quê hương tâm linh mà thôi. Đôi khi, trong giờ phút tham thiền hay cầu nguyện, con người kinh nghiệm được một sự bình an lạ lùng, một hứng khởi mà không ngòi bút nào có thể diễn tả. Đó chính là sự biểu hiện của Chân ngã, một kinh nghiệm rất dồi dào về tâm, rất phong phú về trí và có sức mạnh chuyển hóa rất mầu nhiệm. Bất cứ ai trải qua kinh nghiệm đó cũng đều ý thức rằng nó là một trong những điều cao quý nhất của đời sống. Nó chỉ đến khi sự suy luận ngưng lại, các xét đoán, các ký ức đều tan biến trong hư vô và chỉ có sự an tĩnh tuyệt vời thấm nhuần khắp tâm hồn. Đó chính là lúc bức màn chân lý được vén lên để con người ý thức rằng có một yếu tố tiềm ẩn bên trong tất cả. Mặc dù giây phút này có thể ngắn ngủi nhưng nó sẽ lưu dấu rất lâu trong tâm thức con người rằng chỉ có sự bình an mới là mục đích chân thật của cuộc sống.
Có người hỏi tôi tại sao Chân ngã lại ẩn giấu kín đáo và sự trở về với “con người thật” này lại khó khăn như vậy? Chân ngã không thể biểu hiện khi cái Bản ngã thấp hèn của con người vẫn còn, nó không thể biểu hiện xuyên qua các tư tưởng ích kỷ, tham lam, xấu xa được. Chỉ khi nào con người biết dẹp bỏ các chướng ngại này, họ mới trở về quê hương tinh thần được. Thật ra, Thượng Đế không bao giờ có ý trốn tránh các con của Ngài nhưng con người phải biết quay về với Ngài thì mới có thể đến với Ngài được. Khi con người còn mải miết chạy xa, đuổi theo các dục vọng thấp hèn, ngập sâu trong sự ích kỷ thì làm sao họ có thể đến với Ngài được! Sự thực thì mọi sinh vật đều phát xuất từ Ngài và Ngài không đến với con người mà có sẵn trong lòng mọi người, không bao giờ rời xa họ. Sự hiện diện của Ngài trong lòng mọi người không hề thay đổi nhưng chính con người đã đổi thay. Không ít người thiếu ý thức về sự hiện diện của Ngài mà còn phủ nhận Ngài để đi tìm kiếm một cái gì xa vời ở mãi tận đâu. Nếu biết lắng lòng nghe thì họ sẽ thấy lúc nào Ngài cũng thầm lặng kêu gọi: “Này các con, Ta ở đây!”.
Nếu quan sát một cách khách quan hơn, người ta sẽ thấy tất cả vạn vật đều đang tìm kiếm Thượng Đế. Khắp mọi nơi, trong mọi chiều hướng, dưới các danh từ khác nhau, dù vô tình hay cố ý, tất cả đều đang tìm kiếm Ngài. Con người cũng đang tìm Ngài qua những phương thức có lúc thanh cao và có khi điên cuồng, sai lạc. Người ta thường gọi đó là sự tìm kiếm hạnh phúc nhưng vì chưa hiểu rõ bản chất của hạnh phúc nên họ đã gây nhiều lầm lạc đáng tiếc. Lịch sử loài người đã ghi nhận biết bao thảm kịch về sự nông nổi, ngông cuồng của con người trong sự tìm kiếm hạnh phúc này. Xưa kia, hiền triết Socrate đã khóc trước sự trụy lạc của dân chúng thành Athens cũng như Đức Jesus đã rơi lệ với thành Jerusalem. Nhân loại đã sống trong sự lầm lạc vô minh thay vì sống trong chân lý. Đáng lẽ làm điều phải thì họ lại làm điều quấy và kết quả là sự khổ đau không bao giờ chấm dứt. Khi con người cho rằng họ có thể tìm được hạnh phúc mà không biết gì về hậu quả việc làm của mình thì kết quả chỉ là những tranh giành, thù oán, giận hờn và đau khổ. Thảm kịch của kiếp người là mọi người đều muốn tìm kiếm hạnh phúc nhưng kết quả thu được chỉ là khổ đau. Tuy thế chẳng mấy ai biết rút tỉa kinh nghiệm để học hỏi thêm. Bản ngã của họ thúc giục “thua keo này ta bày keo khác” nên họ tiếp tục lao đầu vào các tìm kiếm vô vọng. Rất ít ai biết dừng lại, quay vào bên trong để khám phá rằng chỉ khi nào các dục vọng chấm dứt, các mong cầu, ao ước tan biến, các yếu tố lầm lạc của Bản ngã bị dẹp bỏ hoàn toàn thì hạnh phúc thật sự mới đến vì hạnh phúc chính là sự bình an, chính là sự trở về với Chân ngã sẵn có bên trong chúng ta.
Muốn được như thế, bước đầu của sự quay vào bên trong là việc kiểm soát tư tưởng vì tâm hồn con người giống như một sinh vật cần có thức ăn để nuôi dưỡng và thức ăn này chính là tư tưởng. Nếu một người biết tập trung tư tưởng vào những điều cao thượng tốt lành thì tâm hồn người đó sẽ có những rung động thanh cao hướng thượng. Sự rung động này sẽ thu hút các tư tưởng cao thượng khác, đồng bản tính với nó và giúp họ có khuynh hướng quay về với điều thiện. Trái lại, một người không để ý đến việc kiểm soát tư tưởng; để những điều ích kỷ, tham lam, oán giận chi phối thì đầu óc của họ sẽ có những rung động xấu xa. Sự rung động này thu hút các tư tưởng ti tiện bên ngoài, đồng bản tính với nó và thúc đẩy họ làm những điều xấu.
Trong đời sống văn minh hiện nay, việc thụ hưởng các tiện nghi vật chất đã trở thành một nhu cầu kinh tế nên người ta sáng chế ra các phương pháp quảng cáo để khêu gợi dục vọng. Đây là những áp lực vật chất rất mạnh, có thể chi phối tư tưởng mọi người khiến họ mất tự chủ, do đó, người đi trên đường đạo cần phải kiểm soát tư tưởng để tránh xa các ảnh hưởng tham lam, ích kỷ này thì công phu tu tập mới có kết quả. Chỉ có sự loại bỏ các tư tưởng ích kỷ, các ao ước vật chất tầm thường để tâm hồn điềm đạm, tự chủ thì con người mới ý thức thế nào là đời sống tâm linh thực sự.
Khi nào con người thấy rằng mình là kẻ chỉ biết ban rải ra chứ không hề thu nhận vào thì họ đã đến thềm đạo rồi. Họ sẽ tự hỏi: “Tôi phải làm gì để giúp người, giúp đời?”. Trong đời sống hàng ngày, phần lớn mọi người đều có thói quen là chỉ để ý đến những việc to tát, quan trọng chứ không mấy ai chú ý đến những việc nhỏ mọn, tầm thường. Họ không nghĩ rằng những việc dường như nhỏ nhặt đó lại đem lại những kết quả to lớn bất ngờ. Nếu một hạt giống bé nhỏ có thể trở thành một cây cổ thụ to lớn thì không một hành động nào, dù vô tình hay hữu tình, lại không tạo ảnh hưởng đến những người xung quanh. Con người càng thiên về đời sống tâm linh bao nhiêu thì công việc hàng ngày của họ lại càng thấm nhuần năng lực tâm linh bấy nhiêu. Ngay cả những việc nhỏ nhất cũng sẽ có ý nghĩa vì chúng chỉ là sự biểu lộ bên ngoài của một tâm hồn phong phú, dồi dào bên trong. Cũng như trong các cuộc hòa tấu, mọi âm thanh dù nhỏ bé đến đâu cũng đều cần thiết để phô diễn bản nhạc trong sự đẹp đẽ và huy hoàng nhất của nó.