Khi tôi từ Tuyết Sơn trở về châu Âu (1916) thì tình hình thế giới đang có những biến chuyển rất lớn. Phong trào vô thần đã lan tràn khắp nơi và nhiều người vội vã kết luận rằng hiện nay tôn giáo đã lỗi thời, không thể áp dụng vào hoàn cảnh xã hội được nữa vì nó không thay đổi được gì. Tôi không bi quan như thế mà quả quyết rằng đã có những thay đổi lớn lao xảy ra trái ngược với những biến chuyển thời cuộc hiện nay. Người ta có thể thấy khắp nơi, khắp chỗ và trên mọi lĩnh vực, đều đã có những thay đổi tận gốc rễ để chuẩn bị cho một vận hội mới. Không một nơi nào trên thế giới mà lưỡi cày của Thượng Đế chẳng đào xới để gieo rắc những hạt giống tốt lành cho kỷ nguyên sắp đến (Chu kỳ Bảo Bình). Hiển nhiên, sự đào xới này đã làm đảo lộn hầu hết quan niệm sẵn có khiến cho nhiều người hoảng hốt và mất lòng tin. Sở dĩ họ bi quan như thế là vì họ chỉ muốn sự thay đổi xảy ra theo quan niệm của họ mà thôi và khi điều này không xảy ra, họ đâm ra thất vọng.
Ngày nay, đa số mọi người chưa biết rõ về các định luật vũ trụ đang điều hành tất cả. Được giáo dục bởi nền khoa học, con người chỉ biết tin tưởng vào các giác quan của thể xác và các lý luận thuộc phạm trù trí thức nên không chấp nhận rằng có một mãnh lực thiêng liêng tiềm ẩn trong mọi vật đang điều khiển tất cả. Sự thiếu đức tin này là căn bản của những lầm lạc đã dẫn dắt con người vào vòng đau khổ. Chính nó đã khuyến khích sự ngông cuồng và kiêu hãnh của trí thức, đề cao sự quan trọng của Bản ngã. Bản ngã luôn luôn lầm lạc vì nó xây dựng trên lòng ích kỷ, trên sự ngụy tạo, không thật, không có giá trị lâu dài. Khi mất niềm tin, con người trở nên bơ vơ và trong sự phiêu bạt này, họ không còn gì để bám víu ngoại trừ những giá trị vật chất như tiền tài, địa vị, danh vọng hay quyền lực. Những thứ này làm nảy sinh lòng ích kỷ, khuyến khích sự chia rẽ và gây đau khổ cho con người. Khi có niềm tin, sức mạnh của Chân ngã được thúc động, nó sẽ hướng dẫn con người hành động một cách tích cực và sáng tạo. Con người sẽ nhận thấy rõ những gì họ có thể làm cũng như ý nghĩa của các hành động đó và từ đấy sẽ hiểu được vị trí của họ trên đường tiến hóa của nhân loại.
Hiền triết Kuthumi cho biết: “Trong các giai đoạn tiến hóa, nhân loại là mức tiến hóa khó khăn nhất. Con người không phải là một con thú nhưng cũng chưa phải là một vị thánh. Họ đang ở giữa những áp lực của vật chất và sự kêu gọi của tinh thần. Tuy ý thức được phần tâm linh cao cả đang kêu gọi họ tiến bước nhưng họ vẫn còn quyến luyến cái khả năng vật chất mà họ đã sở hữu”. Vì còn phân vân chưa biết tiến hay lùi, nghiêng về vật chất hay hướng về tinh thần nên xã hội loài người cũng phản ảnh tâm trạng hoang mang này và đó chính là thảm kịch của nhân loại hiện nay. Vì thiếu niềm tin mà đời sống diễn ra như một dòng nước chảy xiết và con người vì mất định hướng nên không biết phải bơi theo dòng hay ngược dòng! Vì để cho dòng đời mặc tình lôi cuốn nên họ đã trở thành nạn nhân của những thay đổi và xáo trộn hiện nay.
Từ ngàn xưa, thiên nhiên là ông thầy đã dạy cho loài người về giới hạn vật chất cũng như các định luật vũ trụ. Hiện nay khoa học lại có khuynh hướng chống lại thiên nhiên và khắc phục các sức mạnh này để đem lại tiện nghi cho con người. Họ phá rừng, xẻ núi, tàn sát mọi sinh vật không gớm tay dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học nhưng ít ai đặt câu hỏi rằng khoa học đã giúp ích gì cho con người ngoài những hứa hẹn hão huyền? Nguyên nhân chính của các thảm họa đang xảy ra trên thế giới hiện nay bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về các định luật thiên nhiên và nó sẽ còn gây nhiều hậu quả khốc hại hơn nữa nếu con người chưa học bài học mà họ cần phải học. Thế giới ngày nay sẽ khác hẳn nếu con người biết sống hòa hợp với thiên nhiên và tuân theo các định luật của vũ trụ. Cái lý trí mà con người sở hữu như một đặc ân, không thể được sử dụng như vũ khí để chống lại thiên nhiên hay đi ngược lại các định luật vũ trụ, mà chỉ để giúp họ hiểu biết rõ thêm về các định luật này.
Hầu như mọi biến cố xảy ra trên trái đất này đều bắt nguồn từ con người và thái độ kiêu căng của họ. Đời sống càng ngày càng hình thành một mâu thuẫn lớn mà ít ai để ý đến: Con người càng chinh phục thiên nhiên qua những phát minh khoa học thì đời sống của họ càng trở nên khó khăn hơn trước. Đời sống càng trở nên tiện nghi bao nhiêu thì lại nảy sinh ra lắm phiền toái, khó chịu bấy nhiêu. Kiến thức con người càng phát triển rộng rãi bao nhiêu thì tâm hồn của họ lại trở nên chật hẹp bấy nhiêu. Nhà cửa con người được xây cất to lớn hơn xưa nhưng gia đình của họ lại bé nhỏ đi thấy rõ. Chưa lúc nào nền giáo dục lại đào tạo nhiều nhà khoa học thông thái, học rộng tài cao như lúc này nhưng phần lớn con người lại tỏ ra thiếu giáo dục, thiếu tình thương, thiếu lễ phép hơn trước. Các phương tiện truyền thông phát triển nhiều, sự cảm thông giữa con người lại thu hẹp đi, chỉ còn vài câu khách sáo trên đầu môi chót lưỡi. Khoa học kỹ thuật lan rộng khắp hoàn cầu nhưng nhân tâm con người lại rút vào trong những ích kỷ cá nhân. Liệu giá trị của con người có tương xứng với những thành quả mà họ đạt được trong phạm vi khoa học kỹ thuật này không? Nếu khoa học được đặt ra để phục vụ con người thì kết quả của nó phải khác hẳn chứ! Tại sao với những phát minh kỳ diệu hiện nay mà con người không trở nên thuận hòa hơn xưa? Tại sao càng tiến bộ con người lại đối xử với nhau tàn bạo hơn xưa?
Phải chăng chỉ vì con người đã quên mất cái nguồn gốc cao quý sẵn có nơi mình mà cứ tìm kiếm những giá trị viển vông bên ngoài? Thay vì phát triển Chân ngã bất diệt sẵn có bên trong thì họ lại để cho cái Bản ngã giả tạo chi phối. Ngày nào loài người còn tìm kiếm những giá trị bên ngoài thì ngày đó họ không đạt được chân hạnh phúc. Ngày nào họ chưa biết quay về với trung tâm tinh thần thì công việc của họ chưa thể hoàn thiện được. Con người không thể hiểu được ý nghĩa chân thật của sự sống khi đời sống của họ chỉ được đo lường bằng những giá trị vật chất như tiền tài, địa vị, danh vọng. Họ chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của đời sống khi ý thức được phần tử bất diệt bên trong và biết rằng kiếp người chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp trong chu trình tiến hóa của nhân loại. Khi thấu hiểu được điều này, con người sẽ có một quan niệm khác hẳn và tất cả mọi giá trị từ trước đến nay sẽ thay đổi. Từ đó đời sống sẽ xảy ra một cách thoải mái chứ không còn là một cái gì mà người ta phải tranh giành, cướp đoạt nữa.
Thi sĩ Paul Valery có câu thơ rất hay: “Ta phải như con chim biết rõ mình bay đến đâu chứ không phải một cái lông bị gió cuốn đi mãi”. Đúng như thế, loài chim biết sống một cách ý thức nên biết rõ mục đích của nó phải đi về đâu, còn chiếc lông chỉ là vật vô thức nên bị gió cuốn đi nay đây mai đó. Con người có trí thông minh phải biết quay về với cái bản tính vốn thực có nơi mình để sống thuận theo luật vũ trụ chứ không thể sống một cách vô ý thức, vật vờ trôi nổi mãi được. Khi con người biết dẹp bỏ Bản ngã thấp hèn để sống với Chân ngã thiêng liêng, nơi mà sự khác biệt và chia rẽ không còn nữa, họ sẽ ý thức được rằng tất cả chỉ là một và đời sống chính là một biển tình thương rộng lớn. Trong tương lai, căn bản của thế giới sẽ là tình huynh đệ đại đồng vì tất cả chúng ta đều phát xuất từ một nguồn gốc chung và chỉ có thế, sự thông cảm thực sự giữa con người mới nảy sinh, không còn chống đối hay mâu thuẫn nữa.
Con người không bao giờ hiểu được ý nghĩa của đời sống nếu họ không ý thức rằng mọi sự, mọi việc, dù nhỏ nhặt đến đâu, cũng đều có ý nghĩa đặc biệt. Dù việc đó dường như phi lý cũng là bài học dạy cho con người về những định luật bất biến của vũ trụ. Đời sống là một sự thay đổi không ngừng vì nếu không thay đổi nó sẽ mất ý nghĩa. Sự thay đổi của xã hội là do sự đổi thay của những cá nhân sống trong đó, do đó, mọi hành động, cử chỉ và lời nói của chúng ta đều ít nhiều ảnh hưởng đến xã hội mà chúng ta đang sống. Đa số mọi người thường quan niệm rằng tư tưởng hay tình cảm của họ không quan trọng bao nhiêu so với xã hội nhưng thật ra mọi hành động, dù bé nhỏ, vẫn có thể thay đổi tất cả. Trong đời sống hàng ngày, mọi người đều ít nhiều ảnh hưởng lẫn nhau mà ít ai chú ý đến. Không ai biết hành động của mình sẽ đem lại kết quả như thế nào nhưng nếu một hạt giống bé nhỏ có thể trở thành một cây cổ thụ to lớn thì cảm xúc và hành động hàng ngày của chúng ta sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những người xung quanh. Không phải ai cũng cần có những quan niệm cao siêu, những tư tưởng vĩ đại hay phải ở một địa vị to tát nào đó mới có thể ảnh hưởng đến người khác, mà trái lại, một hành động nhỏ bé, khiêm tốn lại thường ảnh hưởng đến người khác nhiều hơn. Một hiền triết trên Tuyết Sơn đã nói: “Tìm hiểu những vật nằm ngay trước cửa hang là cách luyện tập hay nhất để hiểu những việc xa vời hơn. Trước khi có thể hiểu người khác, hãy tự biết chính mình; trước khi tìm hiểu về những định luật vũ trụ, hãy tìm hiểu những định luật chi phối con người”.
Ý nghĩa chân thật nhất của đời sống là làm sao để cái Chân ngã hay cái điểm linh quang tiềm ẩn trong ta được biểu hiện mỗi ngày một rõ hơn. Có như thế con người mới có thể bình thản tiến bước giữa những xáo trộn đầy náo động của cuộc sống hàng ngày mà không bị ảnh hưởng. Khi đã có nội tâm vững mạnh thì đời sống không còn như chiếc lá bị lôi cuốn bởi những trận cuồng phong nữa, mà là một cái cây đã mọc rễ sâu trong lòng đất, có thể chịu đựng được sự thử thách của giông bão.
Hiền triết Kuthumi cho biết: “Thượng Đế không gặp con người ở một nơi chốn xa xôi nào mà giao tiếp với con người ngay trên quả đất này. Ngài nói chuyện với chúng ta qua những sự việc và những người mà Ngài gửi đến với chúng ta trong đời sống hiện nay”. Nếu chúng ta đồng ý như thế thì đời sống không thể là những gì vô nghĩa mà phải là một trải nghiệm thích thú với những sự kiện lạ lùng. Đời sống phải là một khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ đang chờ đợi chúng ta khám phá. Nếu chúng ta nhận định rằng mọi sự đều được Thượng Đế đem lại, những người chúng ta gặp đều do Thượng Đế giới thiệu đến, thì đời sống hẳn phải có một ý nghĩa rõ rệt là để học hỏi và có thái độ đúng đắn trước kinh nghiệm đó. Nếu ý nghĩa của đời sống là thu tập hiểu biết qua các kinh nghiệm học hỏi - kinh nghiệm đi trước và học hỏi đến sau - thì người ta không thể đọc sách mà tự hào đã có kinh nghiệm vì sách vở chỉ ghi lại kinh nghiệm của người khác, do đó, người ta cần phải sống để tích lũy kinh nghiệm. Kinh nghiệm cá nhân là vật sở hữu không thể mất được và nó sẽ tiếp tục trở thành hành trang theo ta qua vô số kiếp luân hồi, trên hành trình tiến hóa.
Sự hiểu biết về luật Luân hồi sẽ giúp nhân loại ý thức rằng đời sống vẫn tiếp diễn sau cái mà con người gọi là sự chết. Con người không bao giờ có thể hiểu được ý nghĩa của đời sống nếu họ quan niệm rằng chỉ có một kiếp sống duy nhất kéo dài vài chục năm, khởi đầu bằng sự ra đời và chấm dứt bằng cái chết. Một đời sống ngắn ngủi như thế không có ý nghĩa gì hết. Thượng Đế không tạo lập vũ trụ và sáng tạo đời sống một cách vô nghĩa như vậy. Nếu biết rằng kiếp sống chỉ là một phần nhỏ của một sự sống kéo dài vô tận trên chu trình tiến hóa thì con người mới có thể giải thích được nhiều việc và từ đó đời sống sẽ trở nên có ý nghĩa hơn. Đời sống không phải là sự tự hào, niềm hãnh diện rằng con người đã làm được điều này điều nọ. Đời sống không phải là sự hủy hoại hay chế ngự các năng lực trong thiên nhiên. Đời sống cũng không phải là việc đưa ra các lý thuyết khoa học cao siêu. Đời sống chính là sự biết rõ mình, biết rõ nguồn gốc cao cả của con người, biết tôn trọng thiên nhiên và sống thuận theo các định luật vũ trụ.
Ngày nay danh từ “Philosopher” hay “Triết gia” thường được hiểu theo một ý nghĩa hạn hẹp là người cổ xướng cho một lý thuyết nào hay đọc những sách vở liên hệ. Danh từ “philosophy” theo nguyên nghĩa Hy Lạp là “sự yêu mến minh triết” vì minh triết là biểu tượng của chân lý. Do đó, triết gia là người yêu mến minh triết hay sự thật. Thật là một chân trời khác biệt khi danh từ “Minh triết” được thay đổi bằng danh từ “lý thuyết” vì “Minh triết” là phần tinh hoa hay biểu tượng của chân lý, trong khi “lý thuyết” chỉ là sự lý luận của chuyện người về một quan niệm nào đó. Minh triết đã có từ ngàn xưa và được truyền bá đến chúng ta qua các sách vở hay quan niệm của các triết gia thời cổ. Vào lúc đó, một số người quây quần quanh một triết gia để học hỏi với vị này về Minh triết. Triết gia là những người không những tự biết mình mà còn sở hữu một kiến thức rất uyên bác về sự biểu hiện của các chân lý trong vũ trụ (Minh triết). Hầu hết các triết gia đều cố gắng sống thuận theo chân lý vì họ hiểu rằng đó là những điều có giá trị vĩnh cửu, không thay đổi theo không gian hay thời gian. Minh triết có thể phát xuất hay ẩn tàng tùy theo các thời đại nhưng nó không bao giờ thay đổi, có thay đổi chăng chỉ là hình thức trình bày nó của các triết gia mà thôi.
Ví dụ, một triết gia theo dõi các biến chuyển trong thiên nhiên và diễn giải nó theo quan niệm riêng mình. Tùy sự hiểu biết và trí thông minh của ông mà sự diễn giải này có thể sai hay đúng với sự thật. Tuy nhiên, hầu hết các triết gia thời cổ đều dành rất nhiều thời giờ để quán xét nội tâm, biết mình trước khi biết đến sự vật xung quanh nên sự diễn giải của họ đều ít nhiều phản ảnh nền Minh triết thực sự. Theo thời gian, truyền thống này dần dần thoái hóa vì con người không muốn quan sát nội tâm để tìm hiểu chính mình nữa mà thích phóng tầm mắt ra bên ngoài, giải thích sự kiện theo lý luận của trí thức nên sự cảm thông giữa con người và môi trường xung quanh càng ngày càng trở nên cách biệt. Thiên nhiên không còn là một ông thầy khôn ngoan dạy dỗ nhân loại nữa mà trở thành một đối tượng để cho con người chinh phục. Các định luật vũ trụ không còn là những chân lý để sống theo mà trở thành những lý thuyết để mang ra bàn cãi, thảo luận. Thay vì nghiên cứu chân lý và giảng giải nó qua khoa Minh triết, con người chỉ biết thu góp những kiến thức rời rạc, những lý luận cạn hẹp của trí thức và đưa ra những lý thuyết viển vông. Vì nền giáo dục đã trở nên bất toàn, vì căn bản kiến thức được xây dựng trên những lý thuyết hẹp hòi mà con người càng ngày càng trở nên hoang mang, sợ hãi và hậu quả đưa đến tình trạng mất niềm tin, tham lam, ích kỷ và chia rẽ ngày nay.
Vào đầu thế kỷ XVIII, con người đã xác nhận trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền rằng hạnh phúc là một mục đích căn bản và sự tìm kiếm hạnh phúc là một quyền của con người. Tuy nhiên phần lớn con người đã đồng hóa hạnh phúc với những khoái lạc riêng, đưa đến sự cổ xúy cho chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa này đề cao sự ích kỷ, tham lam, phân biệt và hậu quả của nó là nạn kỳ thị chủng tộc, xung đột tôn giáo, tranh chấp màu da, chiến tranh giữa các quốc gia, nạn nghèo đói, bóc lột, chia rẽ, bạo động. Nếu mục đích của cuộc đời là sự tìm kiếm hạnh phúc thì hạnh phúc đó phải đem lại niềm vui cho tất cả chứ không thể riêng cho một thiểu số người có quyền lực. Nếu con người có quyền tìm kiếm hạnh phúc thì hạnh phúc đó phải là cái gì mà ai cũng có thể tìm được và có tính cách vĩnh cửu chứ không thể là một giấc mơ, một ảo ảnh. Do đó, hạnh phúc chân thật không thể phát sinh từ một chế độ chính trị, xã hội hay phản ứng con người trước hiện tượng bên ngoài được. Tất cả các hình thức này chỉ có tính cách tạm bợ, chỉ là những lớp sơn phết, tạm thời và ngắn ngủi.
Các hiền triết trên Tuyết Sơn cho biết: Con người vốn phát xuất từ thực thể cao quý, đại đồng (Universal) thì hạnh phúc thực sự chỉ đến khi con người trở về hòa hợp với thực thể đó - nghĩa là rung động cùng với sự rung động của chính thực thể hay của Đấng Sáng Tạo đang hiện diện khắp nơi. Mọi sự tìm kiếm những gì bên ngoài chỉ là ảo ảnh vì hạnh phúc thật sự không nằm ở ngoại cảnh. Chỉ có sự trở về mới là hạnh phúc duy nhất, tốt đẹp nhất và chân thật nhất vì niềm hạnh phúc này lúc nào cũng có sẵn, lúc nào cũng tràn đầy, lúc nào cũng thiêng liêng và bất diệt. Chỉ khi nào hạnh phúc được quan niệm một cách rõ rệt như thế thì sự tìm kiếm hạnh phúc mới có thể thực hiện được. Nếu mục đích của kiếp người là sự tìm kiếm hạnh phúc, con người phải biết thay đổi sự suy nghĩ, hành động để sống thuận theo các định luật thiên nhiên, vì luật thiên nhiên là những quy luật không bao giờ thay đổi của Đấng Sáng Tạo để điều hành tất cả mọi vật theo một trật tự chung. Con người phải biết làm chủ dục vọng, tình cảm và ham muốn riêng tư để hướng tâm hồn lên những tình cảm cao thượng, những lý tưởng đẹp đẽ và hòa hợp tâm hồn với sự rung động của vạn vật. Thiên nhiên không thể là một đối tượng để chinh phục mà là một cái gì gần gũi, mật thiết với con người.
Mặc dù khoa học đã có những lý thuyết để giải thích nguyên nhân của thiên tai như động đất, núi lửa phun nhưng theo sự học hỏi của tôi, trái đất hoàn toàn rung động theo những tình cảm xáo trộn trong lòng người vì ngoại cảnh với nội tâm vốn liên lạc rất mật thiết. Khi nội tâm con người chuyển động thì ngoại cảnh cũng chuyển động theo. Khi nhân loại đối xử với nhau như thù nghịch thì những cuồng phong, bão tố sẽ xảy đến. Khi các quốc gia gây chiến thì những trận động đất, bão xảy ra trong tâm hồn con người mà thôi. Nói một cách khác, muốn thay đổi ngoại cảnh, con người phải biết thay đổi nội tâm. Khi lòng người đã an tĩnh, sự xáo trộn bên ngoài sẽ không thể xảy ra. Khi nhân loại biết sống thuận theo các định luật thiên nhiên, các thiên tai động đất sẽ chấm dứt, vì hầu hết các thảm họa của nhân loại ngày nay chỉ là hậu quả của sự phá hoại môi sinh, sự thiếu hiểu biết và ngông cuồng của ngành khoa học muốn chinh phục tất cả. Khi con người biết sống trong tinh thần hòa hợp, cảm thông và yêu thương, những động năng này sẽ chuyển hóa và thay đổi tất cả. Tôi tin rằng khi thực sự hiểu biết và ý thức rõ rệt những định luật cao cả của vũ trụ thì con người sẽ trở thành một trung tâm bình an, hòa hợp để ảnh hưởng của thương yêu tràn lan khắp nơi và đem lại hạnh phúc vì tất cả.
Trước tình trạng xáo trộn hiện nay, tôi tin rằng thời gian sắp đến sẽ là một giai đoạn thử thách với những thay đổi lớn lao hơn bao giờ hết. Không như các thế kỷ trước đó, khả năng trí tuệ của con người đã phát triển cùng cực. Không một thời đại nào mà có nhiều lý thuyết xung đột mãnh liệt như lúc này nhưng cũng không lúc nào mà con người được học hỏi về các định luật thiên nhiên rõ ràng như hiện nay. Dù lạc quan hay bi quan, người ta sẽ thấy rằng cái trật tự cũ phải tan rã để một trật tự mới được thành lập. Mọi sự, mọi vật đều có một vị trí nào đó trong cơ tiến hóa thiêng liêng và các biến cố sắp xảy ra đều có một mục đích nhất định để giúp con người học hỏi về tác động của luật Tiến hóa phổ quát và luật Nhân quả vĩnh cửu.
Theo các hiền triết trên Tuyết Sơn, chu kỳ Song ngư đang đi đến hồi kết thúc, vì thế các căn bản giá trị của chu kỳ này cũng như các thể chế xã hội xây dựng trên các căn bản đó cũng đang tan rã. Tất cả mọi công trình của loài người xây dựng từ hàng ngàn năm nay đều được xét soi và thẩm định. Nhưng chính sự xáo trộn này lại giúp cho con người quan sát sự việc dưới một quan niệm mới, một nhân sinh quan mới về các định luật mầu nhiệm của vũ trụ. Trong quá khứ, bản chất của con người thay đổi rất chậm, nhưng bây giờ nó bị thúc đẩy để tiến hóa mau hơn cho phù hợp với đời sống hiện tại. Vì không ai ý thức được năng lực chuyển biến mãnh liệt này nên đời sống trở thành một áp lực ghê gớm. Không mấy ai còn thời giờ để suy nghiệm về ý nghĩa thực sự của đời sống nữa mà chỉ chạy theo sự đòi hỏi của xã hội. Tuy nhiên, nếu họ biết rằng mục đích của cuộc đời là kinh nghiệm, học hỏi để thay đổi thì họ sẽ hành động khác.
Trên chu trình tiến hóa, nếu con người biết giúp đỡ người khác cùng tiến về mục đích cao thượng như mình và biết hợp tác chặt chẽ với các quyền năng cao cả đang dìu dắt nhân loại thì thế giới sẽ khác hẳn. Nếu không có những người hy sinh, âm thầm giúp đỡ nhân loại này thì thế giới đã biến thành một địa ngục khổng lồ bởi sự tham lam, ích kỷ của con người. Nếu để ý quan sát, người ta sẽ thấy một khi áp lực tàn phá, hủy diệt phát triển tới một mức độ nào đó thì tự nhiên lại có những biến cố dường như vô tình hóa giải được nó khiến cho chúng tự hỏi phải chăng đã có những sự trợ giúp mầu nhiệm nào đó? Các đấng cao cả vẫn không ngừng ban rải các nguồn thần lực xuống thế gian để giúp đỡ nhân loại giảm bớt phần nào các ảnh hưởng xấu xa, ma quái đang đe dọa con người. Các ngài làm thế với mục đích muốn giúp cho sự học hỏi và tiến hóa của nhân loại. Có người hỏi tôi rằng nếu các đấng cao cả có quyền lực như thế thì tại sao các ngài không dẹp bỏ hoàn toàn các tư tưởng xấu xa để thế gian này được hưởng những ân phước tốt lành hơn? Hiển nhiên dù các ngài đã có trình độ tiến hóa cao hơn chúng ta nhưng các ngài biết rõ luật vũ trụ như Nhân quả, Luân hồi, Tiến hóa và không thể làm gì khác với các định luật vũ trụ đó được. Các ngài chỉ có thể dạy dỗ, khuyến khích, làm nảy nở những tư tưởng thương yêu, tốt lành để giúp cho sự học hỏi của nhân loại mà thôi.
Để giảm bớt các động lực ma quái có tính cách hủy hoại hiện nay, các ngài đã phóng ra những luồng thần lực để tạo cảm hứng cho những người biết hướng thượng, những nghệ sĩ và nhà phát minh khoa học. Khi những người này bắt được nguồn cảm hứng đó thì họ có thể hoàn tất những công trình sáng tạo mỹ lệ, đẹp đẽ và thế gian sẽ được thừa hưởng công trình tốt đẹp của họ. Các ngài hướng dẫn những người có lý tưởng cao thượng, muốn phụng sự kẻ khác. Ngoài ra các ngài còn sử dụng những nghi lễ tôn giáo để làm phương tiện ban rải luồng thần lực cho thế gian và khích động sự phát triển tâm linh của nhân loại. Sự hoạt động của các ngài không hạn chế trong các tôn giáo mà còn giúp đỡ những người có lòng sùng tín, nâng tâm thức của họ lên mức độ cao hơn để họ kinh nghiệm được những sự tốt lành.
Trước sự khủng hoảng đang đe dọa thế giới ngày nay, con người chỉ có thể giúp đỡ nhân loại bằng cách tu sửa nội tâm mình, biến lòng tham thành tình thương rộng lớn, đổi cuộc sống tiện nghi vật chất thành đời sống an lạc, thanh bần. Con người không phải lăng xăng đi chỗ này, đến chỗ nọ mới hoạt động được mà giúp đời bằng sự trau dồi tư tưởng, phẩm hạnh của chính mình. Sự lầm lạc của nhiều người hoạt động tinh thần là quá chú ý đến việc giúp đỡ người khác mà quên giúp đỡ chính mình. Điều này thoạt nghe dường như mâu thuẫn nhưng sự thật là chỉ khi nào chúng ta có được sự bình thản nội tâm thì chúng ta mới có thể giúp người khác bằng sự an lạc, sáng suốt của chúng ta được. Nếu mọi người đều biết mình, biết sống trong sạch, thanh khiết, vị tha thì xã hội chắc chắn sẽ biến chuyển theo chiều hướng đó. Người phụng sự nhân loại phải là người phát triển tình thương thật sự, người đi tìm sự thật chứ không miệt mài với những ảo vọng trá hình dưới các danh nghĩa tốt đẹp. Thượng Đế không bao giờ đòi hỏi con người phải làm những việc phi thường mà chỉ mong các con của Ngài làm những việc bình thường như thương yêu nhau. Một việc làm âm thầm được làm với một tinh thần trong sạch có nhiều ý nghĩa hơn những việc rầm rộ, to tát để mọi người biết đến mình. Tóm lại, chỉ có sự thật là đáng kể, sự thật ở những việc chúng ta làm, sự thật ở tư tưởng chúng ta suy gẫm, sự thật sâu xa trong tâm hồn chúng ta mới là sự thật quan trọng nhất.
Theo tôi, nhân loại hiện nay đang cần những người giàu lòng bác ái hơn những kẻ thông minh xuất chúng. Mặc dù khoa học kỹ thuật đã tiến bộ vượt bậc nhưng hậu quả của xã hội văn minh kỹ thuật này cũng vô cùng ghê gớm. Việc phát triển kỹ nghệ đã tạo ra những lý thuyết kinh tế vô nhân thúc đẩy con người bóc lột lẫn nhau, làm khổ cho nhau và đang khiến thế giới trở nên bất ổn. Ngày nào con người còn đề cao những giá trị bên ngoài, còn vinh danh những nhà khoa học chỉ biết phục vụ những lý thuyết phi nhân đó thì ngày đó con người còn phải học hỏi rất nhiều. Sự hiểu biết về kỹ thuật phải đi cùng với sự hiểu biết về con người, tất cả mọi lý thuyết được đặt ra để tạo lợi ích cho thiểu số đều là những lý thuyết cần loại bỏ. Hiện nay, nhân loại đang cần những người hiểu biết về các định luật vũ trụ, không phải một cách lý thuyết nhưng là sự hiểu biết thực sự để biết sống theo đó. Kiến thức này không phải là những lý thuyết được giảng dạy ở học đường, những kiến thức từ chương, sách vở mà là kiến thức xây dựng trên căn bản từ sự biết mình, sự đào sâu vào tâm thức chính mình và đó mới là sự hiểu biết đứng đắn nhất.