Trong lịch sử nhân loại, hình như tình yêu thương chưa bao giờ đạt được tính cách rộng rãi, không phân biệt chủng tộc, giai cấp hay tôn giáo. Mặc dù các bậc giáo chủ đều khuyên dạy về tình yêu thương nhưng hầu hết các lời khuyên này chỉ được tín đồ tôn kính như một lý tưởng cao thượng thay vì quy tắc áp dụng trong đời sống hàng ngày. Không những thế, nó còn bị sửa đổi và thu hẹp lại trong giới hạn tôn giáo hay phe nhóm của mình mà thôi. Con người không thể tiến bộ được nếu họ chỉ yêu thương những ai cùng giai cấp, xứ sở hay lập trường tôn giáo với mình. Thứ tình cảm giới hạn và phân biệt này là nguyên nhân của mọi sự chia rẽ, tranh chấp hiện nay. Nếu con người không chịu thay đổi để phát triển một tình thương rộng lớn, có tính cách đại đồng thì họ sẽ còn phải học những bài học đau khổ không bút mực nào tả xiết.
Theo các hiền triết trên Tuyết Sơn, vũ trụ là công trình sáng tạo tuyệt hảo, một trật tự được quy định bởi những định luật hết sức công minh và cái động năng sinh hóa này chính là tình thương. Từ thuở ban sơ, trong hư vô vắng lặng, Thượng Đế đã sáng tạo ra vũ trụ và đây chính là tình thương nguyên thủy, nguồn gốc của mọi sự thương yêu. Thay vì an nghỉ, Ngài đã sáng lập vũ trụ, ban rải sự sống và nuôi dưỡng muôn loài. Sau đó cũng vì lòng thương yêu này mà Ngài lại tự hạn chế trong các sắc tướng để chịu sự bất toàn, ô nhục của nó. Từ đám rong rêu bẩn thỉu, từ những thân cây khô héo, từ hạt bụi bé nhỏ, Ngài đều có mặt. Như mẹ hiền chăm sóc con thơ từng giây phút, Ngài đã chăm sóc muôn loài trong tình thương yêu vô bờ bến này vì nếu Ngài ngưng lại thì tất cả mọi vật đều tan rã. Tóm lại, vũ trụ được thành lập do tình thương, tồn tại trong tình thương và sau đó tiến hóa qua tình thương yêu cao cả này.
Vì vũ trụ được thành lập bằng tình yêu thương nên thương yêu chính là động năng cao cả nhất điều hành mọi vật. Con người cần hiểu rằng một sắc tướng có thương yêu và chịu hy sinh thì các sắc tướng khác mới phát sinh được. Trong tiến trình sinh hóa, loài Kim thạch tiến hóa thành loài Thảo mộc vì các phần tử Kim thạch có tan rã thì mới biến thành đất để nuôi Thảo mộc và thúc đẩy chúng phát sinh. Nói một cách khác, vì tình yêu thương mà Kim thạch hy sinh để Thảo mộc sinh sôi nảy nở. Cũng như thế, vì tình yêu thương mà loài Thảo mộc trở thành thực phẩm nuôi dưỡng loài Cầm thú khiến cho chúng phát triển vì sắc tướng này có hy sinh thì các sắc tướng khác mới nảy sinh được. Sự tiến hóa từ loài Kim thạch qua loài Thảo mộc và Thảo mộc qua Cầm thú được thúc đẩy bởi những mãnh lực tự nhiên của tình thương nhưng nó chưa có tính cách tự nguyện vì Kim thạch và Thảo mộc là loài vô tình, sự phát triển của chúng chỉ giới hạn trong các yếu tố vật chất chứ chưa phát triển yếu tố thuộc về cảm xúc. Bước vào giai đoạn Cầm thú hay loài hữu tình thì các thể tình cảm đã phát triển nên bắt đầu có sự phân biệt. Trong bản năng loài thú đã có mầm mống ích kỷ, tham lam và vì thế đã có sự sợ hãi nhưng vì trí khôn chưa phát triển mấy nên loài Cầm thú vẫn còn chịu ảnh hưởng bản năng nhiều hơn. Khi từ kiếp thú chuyển qua kiếp người, các thể thuộc về lý trí bắt đầu khai mở nên con người có thể quyết định số phận của mình trong khi các loài Kim thạch, Thảo mộc, Cầm thú hoàn toàn chịu sự chi phối của những động lực dìu dắt trong thiên nhiên. Sự tiến hóa của loài người bắt đầu bằng sự hoàn hảo của các thể thuộc về tình cảm (xác thân) rồi chuyển qua việc phát triển các thể thuộc về lý trí (tinh thần). Lúc đầu các thể của lý trí chỉ khai mở một cách giới hạn hay Hạ trí (lý trí). Nhưng về sau, nhờ tiến hóa mà con người sẽ phổ triển hoàn toàn để chuyển tâm thức thành Thượng trí (trí tuệ). Vì có sự hiểu biết nên sự tiến bộ của loài người được xây dựng trên việc học hỏi về các định luật vũ trụ. Trong lúc vừa chuyển kiếp thành người, bản năng loài thú còn mạnh nên con người đã hành động theo sự chi phối của bản năng, chú trọng nhiều về các đòi hỏi của xác thân nên họ phải học hỏi qua đau khổ, để cho lòng tham ảnh hưởng, để cho Bản ngã biểu hiện và học hỏi về hậu quả của những hành động này. Cuộc đời là một trường học vĩ đại mà con người sẽ phải học hỏi qua yếu tố đau khổ. Nhờ đó mà họ suy gẫm và biết được nguyên lý của luật Nhân quả như làm ác sẽ gặp ác, ở hiền sẽ gặp lành. Qua những bài học kéo dài trong nhiều kiếp sống luân hồi mà con người rút kinh nghiệm và biết thay đổi tâm tính. Họ bắt đầu phát triển các khả năng về lý trí (Hạ trí) để kiểm soát các bản năng thấp hèn; nhưng đặc tính của Hạ trí là suy luận, phân tích nên con người sẽ còn mắc vào một trở ngại khác mà họ cần phải học, đó là sự phân biệt, chia rẽ.
Khởi đầu của sự chia rẽ là tinh thần bộ lạc, bè phái rồi chuyển thành quốc gia, chủng tộc và sau cùng là quan niệm, lập trường hay tôn giáo. Vì có sự phân biệt nên người bộ lạc nào chỉ biết bảo vệ quyền lợi của bộ lạc đó, người thuộc chủng tộc nào chỉ biết đến chủng tộc đó đưa đến hậu quả là tranh giành, bạo động và chiến tranh. Lúc đầu là cuộc chiến giữa các bộ lạc, sau tiến đến chiến tranh giữa các quốc gia, tranh chấp giữa các chủng tộc và sau cùng sẽ là cuộc chiến về tôn giáo hay ý thức hệ. Chiến tranh và các tranh chấp ý thức sẽ dạy cho con người bài học về sự chia rẽ vì chỉ trong kinh nghiệm đau khổ này mà họ bắt đầu chuyển tâm thức để phát triển về trí tuệ (Thượng trí) thay vì lý trí (Hạ trí).
Lý trí là sự suy luận đưa đến sự phân biệt trong khi trí tuệ có tính cách tổng quan, quan sát mọi việc một cách rộng rãi sáng suốt và không phân biệt. Hiện nay nhân loại đang ở giai đoạn phát triển về lý trí nên các phát minh khoa học, các lý thuyết thuộc về luận lý (logic) rất thịnh hành nhưng hậu quả của nó là sự phân biệt, chia rẽ mỗi ngày một trầm trọng khiến trên thế giới xảy ra những biến động, loạn lạc, chiến tranh nhằm giúp con người học về hậu quả của sự chia rẽ bắt nguồn từ cái lý trí cạn hẹp này và để gieo trồng những hạt giống của tình thương và trí tuệ. Động năng chuyển hóa cao cả nhất từ lý trí cạn hẹp sang trí tuệ rộng rãi chính là sự phát triển về tình thương rộng lớn, không phân biệt. Điều con người cần phải học trong giai đoạn tiến hóa hiện nay là sự phát triển tình thương yêu rộng lớn này vì vũ trụ là do tình thương tạo thành và chỉ có thể tồn tại trong tình thương. Các hiền triết trên Tuyết Sơn đã nhấn mạnh rằng: “Thiên cơ chỉ có thể chuyển động qua tình yêu thương và nếu không có tình yêu thương, tất cả sẽ hủy hoại và tan rã”.
Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy một người ích kỷ chỉ tiêu pha phung phí thì không thể giàu được. Một gia đình chỉ lo hưởng thụ và ngụp lặn trong các thú vui dục vọng thì sẽ suy vong. Một xã hội mà dân chúng chỉ lo vơ vét, cưỡng đoạt lẫn nhau; làm quan thì ăn hối lộ, làm chủ thì bóc lộc nhân công, buôn bán thì đầu cơ tích trữ, kẻ giàu sống xa hoa, người nghèo sống gian xảo... thì chắc chắn xã hội đó phải suy tàn mau chóng. Sự phát triển của một quốc gia là do sự kết tinh của các năng lực về tình thương trong đó. Khi người trên biết hy sinh quyền lợi riêng của mình để lo cho người dưới; khi mọi người biết đối xử với nhau trong tinh thần tương thân tương ái; khi luật pháp xây dựng trên tình thương thay vì sự trừng phạt; khi tình yêu thương là yếu tố chính điều hành xã hội thì chắc chắn quốc gia đó sẽ phát triển huy hoàng mãi mãi. Xã hội là một con thuyền, chỉ tiến khi mỗi mái chèo là một hành động hy sinh cho việc chung. Sự biết quên mình để lo cho người là một đức hạnh cao quý và là động năng chính trong mọi hành động vì nó chính là căn bản của một tình thương yêu vô bờ bến và không phân biệt.
Tùy theo sự hiểu biết mà con người có thể quyết định đời sống của mình: sống để thỏa mãn các đòi hỏi của vật chất hay sống theo niềm phúc lạc của tinh thần. Nếu chỉ biết sống theo nhu cầu vật chất thì khi thân xác hao mòn, già nua, bệnh hoạn, không thể đáp ứng với đòi hỏi vật chất nữa thì con người sẽ đâm ra lo lắng, sợ hãi, đau khổ. Ngày nay con người hầu như đều sống trong sự lo âu, sợ hãi, bất an và đau khổ chỉ vì ít người biết đến niềm phúc lạc của tinh thần. Nếu biết sống theo tiếng gọi của tinh thần, họ sẽ hiểu rằng con người thật của ta vốn trường tồn bất diệt, mất thể xác ta sẽ được một thể xác khác thì làm gì còn lo lắng, sợ hãi nữa. Sắc tướng này có mất đi thì một sắc tướng khác mới nảy sinh và chỉ như thế tinh thần mới tiến hóa được.
Vì không hiểu biết các định luật cao cả của vũ trụ mà con người trở nên ích kỷ, chỉ biết lo cho mình hoặc gia đình mình. Lo đủ ăn, đủ mặc, được yên ổn vẫn chưa đủ vì khi đã có những thứ đó, con người lại muốn ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, có nhà cửa tiện nghi hơn. Cứ như thế, họ để mặc cho các nhu cầu vật chất đòi hỏi và lòng tham tiếp tục gia tăng, có cái này lại muốn có thêm cái khác để hưởng thụ. Chính vì thế, cuộc đời có lắm đổi thay bất thường. Hôm trước đang nhà cao cửa rộng, hôm sau bỗng hóa thành kẻ không nhà. Hôm trước đang tiền rừng bạc biển, hôm sau bỗng hóa ra tay trắng. Hôm trước đang mạnh khỏe, yêu đời mà chỉ sau một cơn bệnh nặng bỗng trở thành kẻ tật nguyền, tàn phế. Vì chẳng ai có thể giữ mãi được điều mình sở hữu nên sự sợ hãi đã trở thành mối đe dọa khủng khiếp cho tất cả mọi người. Trong sự lo lắng này, người ta bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc đời cũng như sự vô thường của kiếp nhân sinh.
Khi con người ý thức rằng đời sống không có ý nghĩa gì nếu chỉ lo hưởng thụ và thỏa mãn các nhu cầu vật chất thì họ sẽ thay đổi và đi tìm một mục đích cao đẹp hơn. Hầu hết các thánh nhân, hiền giả đều đã trải qua những giai đoạn này, nghĩa là đắm mình trong dục lạc, theo đuổi các ham muốn vật chất. Qua các bài học khổ đau, họ biết rằng không thể thỏa mãn và chạy theo các ham muốn này mãi nên họ đã chuyển hướng đi tìm các thú vui cao thượng khác. Sự thay đổi từ ích kỷ thành vị tha, từ vật chất qua tinh thần chính là bước đầu của sự tiến hóa. Sự thay đổi từ việc chăm lo thể xác hữu hình đến việc rèn luyện phần tinh thần vô hình, bất diệt chính là bước đầu trong chuyến đi kỳ diệu để trở về với con người thật của mình (Chân ngã) và để sống đúng với ý nghĩa của sự sống là học hỏi và yêu thương.
Trong giai đoạn đầu, khi lý trí còn mạnh, con người thường giới hạn tình yêu thương của họ cho những người thân nên tình yêu thương này chưa hoàn toàn vì nó ám chỉ một điều kiện. Ta yêu thương vì muốn được thương yêu lại; ta giúp người vì muốn người sẽ giúp lại ta, nếu không bằng của cải vật chất thì ít ra cũng bằng lòng biết ơn. Do đó đây chỉ là những điều kiện và nếu phân tích kỹ, nó vẫn là lòng ích kỷ chứ không phải là tình thương yêu chân thật. Khi còn ích kỷ là còn đau khổ, do đó những người này chưa thể nếm mùi vị của hạnh phúc cao thượng được. Một người hy sinh để lo cho vợ con được sang giàu nhưng biết đâu sự giàu sang này làm những người mà họ yêu thương nhất trở nên hư hỏng? Nếu người vợ phản bội người chồng thì liệu người chồng còn yêu thương người vợ nữa không? Nếu người thọ ơn tỏ ra vô ơn bạc nghĩa thì người trao ơn sẽ cư xử thế nào? Bất cứ hành động nào còn hàm ý một điều kiện thì nó chưa phải hành động thương yêu mà chỉ là sự đổi chác, mua bán. Cái mà mọi người gọi là tình yêu thương chưa hẳn là tình yêu thương nếu nó còn mang lại khổ đau vì tình thương yêu thật sự không thể gây đau khổ được. Sự thất vọng là bài học dạy cho con người biết rằng khi còn ham muốn kết quả, ao ước điều kiện gì thì nó chưa phải là tình yêu thương. Người ta cần đổi thái độ từ sự phân biệt đến sự không phân biệt, từ việc mong cầu kết quả đến việc không mong cầu thì mới ý thức được sự mầu nhiệm của tình yêu thương chân thật.
Tình yêu thương chỉ có ý nghĩa cao quý khi nó được làm một cách vị tha, trong sạch, không mong cầu. Từ việc thương yêu giúp đỡ những người thân trong gia đình đến việc yêu thương tất cả mọi người trong xã hội sẽ giúp con người phát triển được một thứ tình thương rộng lớn, không phân biệt. Đây chính là mức tiến hóa để phân biệt giữa con người và các bậc hiền triết. Các hiền triết trên Tuyết Sơn cho biết: “Thượng Đế không cần kết quả sự hoạt động của con người mà chỉ muốn năng lực yêu thương của Ngài được lan rộng khắp nơi. Chính cái tình yêu thương rộng lớn bao la này là động năng khiến vũ trụ chuyển động, điều khiển tất cả mọi loài, đã thúc đẩy mọi sự sinh hoạt qua các quy luật vũ trụ”.
Khi con người biết thương yêu chân thành, biết dẹp bỏ các mong cầu riêng để lo cho việc chung, họ đã tiến được một mức rất quan trọng. Luật Nhân quả đã định khi còn ham muốn là còn trói buộc; sự thèm khát có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, có địa vị, danh giá... là những động năng lôi cuốn, thu hút con người gây ra nghiệp và nghiệp chính là động lực dẫn dắt con người trôi nổi trong luân hồi. Bài học mà con người cần học là sự cởi bỏ lòng ham muốn vì biết rằng nếu có sẽ mất, nếu thỏa mãn điều này sẽ thèm muốn điều khác và còn ham muốn là còn đau khổ. Khi biết dứt bỏ sự ham muốn, khi dẹp bỏ tất cả mong cầu thì họ sẽ bước chân vào con đường giải thoát.
Sự thương yêu chân thành, không phân biệt sẽ giúp con người ý niệm về sự sống duy nhất vì vạn vật bên ngoài tuy có thiên hình vạn trạng nhưng bên trong chỉ có một sự sống duy nhất, phát sinh từ một cội nguồn là Thượng Đế. Khi ý thức điều này, họ sẽ hiểu được mục đích của đời sống là sự hợp nhất và chỉ trong sự hợp nhất này họ mới kinh nghiệm được tất cả những vinh quang, đẹp đẽ của Đấng Sáng Tạo. Khi đã kinh nghiệm được điều ấy rồi, mọi quan niệm của con người về cuộc đời sẽ hoàn toàn đổi thay, vì không một cái đẹp gì ở thế gian này có thể sánh với sự mỹ lệ, tuyệt hảo của sự hợp nhất với Thượng Đế.
Sự yêu thương sẽ giúp tâm thức con người hướng lên cao, vượt lên khỏi khía cạnh nhỏ nhen của đời sống hàng ngày, để phát triển tình yêu thương rộng lớn, bao la, không phân biệt. Từ đó, con người sẽ sống với một tâm thức mới, một thứ tâm thức siêu đẳng mà Phật giáo gọi là tâm thức Bồ Đề. Khi Bồ Đề tâm phát triển, con người sẽ hiểu rõ về sự đồng nhất của vạn vật và ý thức sự sống duy nhất, tiềm ẩn trong tất cả. Tuy thân sống ở cõi trần, nhưng tâm của họ đã sống ở cõi trời và từ đó họ trở thành một con người khác hẳn, một công cụ để vận chuyển những luồng thần lực cao cả, những tình yêu thương của cõi trên xuống cõi trần. Từ đó, đời sống đối với họ là một niềm phúc lạc vô biên, một thứ hạnh phúc vĩnh cửu và họ bước vào con đường tiến hóa của các bậc hiền triết, thánh nhân.
Vì ban rải tình yêu thương là đức hạnh vô cùng cao quý nên mọi tôn giáo lớn trên thế giới đều nói rất rõ về hạnh này: Trong phép tu Lục Độ của Phật giáo thì hạnh Bố Thí đứng đầu. Kinh Veda của Ấn giáo cũng ghi nhận: “Hãy ban rải và cho ra tất cả, vì các con chỉ hy sinh phần vật chất vô thường mà được hưởng cả một kho tàng vô giá”. Lão Tử trong Đạo Đức Kinh cũng khuyên: “Bậc thánh nhân không tích trữ, vì lo cho người mà mình giàu, trời đất sở dĩ được trường cửu vì không sống cho mình”. Đấng Cứu Thế cũng dạy: “Hãy cho tất cả để được tất cả”, vì ban rải tình yêu thương chính là mục đích của sự sống.
Nếu xem lại các bài học lịch sử, con người sẽ thấy rõ tình yêu thương là nền tảng của mọi nền văn minh huy hoàng nhất và khi con người không biết yêu thương thì những nền văn minh này đều suy vong, tàn lụi. Các tôn giáo cũng thế. Vào buổi sơ khai, các tôn giáo đều thấm nhuần tình yêu thương rộng lớn nhưng chỉ ít lâu sau, vì sự thiếu hiểu biết của con người mà tình yêu thương này đã phai nhạt và giới hạn trong hàng ngũ những người cùng tôn giáo. Kinh Veda của Ấn giáo đã đề cập đến những thời đại vàng son khi các quốc gia được cai trị bởi những vị minh quân, lo cho dân nhiều hơn lo cho bản thân mình, khi các thi sĩ được tự do đi từ nước này qua nước khác để làm thơ ca tụng tình người. Lịch sử Trung Hoa đề cập đến thời đại Nghiêu, Thuấn thái bình thịnh trị, khi nhà không cần đóng cửa, của rơi không ai thèm nhặt. Thời Đức Phật còn tại thế, các môn đồ của Ngài đã quây quần trợ giúp nhau trên đường tu tập. Lúc sơ khởi, các tín đồ Thiên Chúa giáo đều xem tài sản như của chung và phân chia tùy nhu cầu mỗi người. Khi người ta đến với tôn giáo bằng sự thành kính biết thực hành lời dạy của các giáo chủ một cách nghiêm cẩn thì tôn giáo chính là hiện thân của chân lý và tình yêu thương. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết, vì sự phân biệt mà con người đã làm lu mờ các hứng khởi đầu tiên, làm hoen ố các giáo lý cao đẹp nên theo thời gian, đa số tôn giáo chỉ còn hình thức bề ngoài chứ không hoàn tất được mục đích cao cả lúc ban đầu. Thế nhưng, tinh hoa tôn giáo không hề mất đi, nó chỉ tiềm ẩn trong lòng mọi người để chờ cơ hội khôi phục. Sự văn minh xây dựng trên căn bản tình yêu thương cũng thế, nó vẫn nằm trong giấc mơ của những người hướng thượng để chờ đợi một thời điểm tốt đẹp nào đó.
Nhiều người không tin một nền văn minh xây dựng trên căn bản của tình yêu thương lại có thể thực hiện được. Thậm chí, có người còn cho rằng đó chỉ là ảo vọng của những kẻ mơ mộng, thiếu thực tế mà thôi. Vốn dĩ trong thời đại mà sự tranh đấu để sống còn là nguyên lý sống, khi giá trị vật chất được đề cao, khi việc chiếm đoạt vơ vét tài sản là mục đích chung, khi căm thù bạo động là chuyện bình thường thì người ta có thể nghĩ như thế. Tuy nhiên, sự tiến hóa của vũ trụ vẫn tiếp tục vì con người sẽ phải học những gì mà họ cần phải học.
Chương “Ngày Phán Xét Cuối Cùng” trong Kinh Thánh đã ghi nhận như sau: “Ngày đó Đấng Cứu Thế cùng chư thánh sẽ giáng lâm. Trước mặt Ngài, nhân dân các nước đều tề tựu đông đủ và công việc của Ngài là phán xét kẻ hiền, người dữ. Kẻ hiền sẽ đứng bên tay phải của Ngài và kẻ dữ đứng bên phía tay trái. Với kẻ hiền lương, Ngài nói: ‘Này các con, cha của ta ở trên trời rất yêu thương các con nên đã dành riêng một nơi chốn tốt đẹp cho các con. Vậy các con hãy đến ở nơi chốn tốt đẹp an lành đó. Tại sao các con được diễm phúc ấy? Là vì khi ta đói, các con cho ta ăn; khi ta khát, các con cho ta uống; khi ta lỡ đường, các con đón tiếp ta; khi ta rách rưới, các con cho ta áo quần; khi ta bệnh hoạn, các con cho ta thuốc men; khi ta tù đày, các con thăm nuôi ta’. Những người này vô cùng ngạc nhiên, bèn hỏi: ‘Lạy Chúa, chúng con có thấy Ngài đói khát lúc nào và có cho Ngài ăn uống bao giờ! Chúng con đâu thấy Ngài lỡ đường và tiếp đón Ngài bao giờ! Chúng con đâu thấy Ngài rách rưới, bệnh hoạn và cho Ngài quần áo, thuốc men bao giờ! Chúng con đâu thấy Ngài bị tù đày và đi thăm nuôi bao giờ!’. Đấng Cứu Thế mỉm cười nói: ‘Này các con, mỗi khi các con giúp đỡ một người hèn mọn, khốn cùng, một kẻ nghèo đói, rách rưới hay một kẻ tù đày nào, chính là các con đã giúp đỡ ta đó’. Nói xong Ngài quay qua với những kẻ hung ác bên trái và bảo: ‘Này những kẻ xấu xa kia, các ngươi hãy đến sống ở những nơi mà lửa cháy không bao giờ tắt, các nơi chốn hôi hám, xấu xa của loài yêu ma, quỷ quái. Tại sao như vậy? Là vì khi ta đói, các ngươi không cho ta ăn; khi ta khát, các ngươi không cho ta uống; khi ta lỡ đường, các ngươi xua đuổi; khi ta rách rưới, các ngươi không giúp áo quần; khi ta bệnh hoạn, các ngươi không cho thuốc men; khi ta tù đày, các ngươi chẳng thăm nuôi’. Những người này sợ hãi kêu lên: ‘Lạy Chúa, chúng con có thấy Chúa rách rưới, đói khát, lỡ đường, bệnh hoạn, tù đày hồi nào đâu và có khi nào từ chối không giúp đỡ Ngài bao giờ?’. Đấng Cứu Thế đáp: ‘Thật ra mỗi khi các ngươi từ chối không giúp đỡ một người hèn mọn, đói khát, rách rưới, lỡ bước hay bị tù đày nào; ấy là các ngươi đã từ chối chính ta đó’.”
Thế là sau Ngày Phán Xét, người hiền sẽ được hưởng những điều tốt lành, được sống ở những nơi chốn đẹp đẽ, sung sướng, được sinh vào những nơi xây dựng trên căn bản của tình thương. Kẻ ác sẽ phải chịu những điều đau khổ, phải sống tại những nơi xấu xa, hôn ám, sinh vào những nơi mà thù hận và bạo động là lẽ thường của cuộc sống.
Có người hỏi tôi: “Khi nào sẽ đến Ngày Phán Xét?”. Hiển nhiên, không ai có thể biết được nhưng theo Phúc Âm khi gần đến ngày đó, sẽ có những điềm bất thường xảy ra để cảnh cáo nhân loại như các thiên tai, bão tố, lụt lội, cháy rừng mỗi ngày một ghê gớm; có những bệnh tật khủng khiếp lan tràn, hết bệnh này đến bệnh khác, liên miên bất tuyệt; có những trận chiến tranh, giặc giã nổi lên khắp nơi cho đến khi “mặt trời sẽ mờ, mặt trăng sẽ tối, các vì sao sẽ rơi xuống làm rung động cả cõi trời hùng vĩ”.
Phật giáo cũng đề cập đến giai đoạn cuối của thời Mạt Pháp, khi con người mất hết tính thiện, bị tiêm nhiễm các thói hư tật xấu, không còn biết phân biệt phải trái, mà chỉ biết sống theo bản năng, dục vọng. Đến khi đó, Đức Di Lặc sẽ giáng trần, mở pháp hội để hóa độ chúng sinh. Cũng như trong quá khứ, Đức Phật Nhiên Đăng đã lập Liên Trì Hội, hay hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Phật Thích Ca đã lập Linh Sơn Hội để giáo hóa chúng sinh thì trong tương lai, Đức Di Lặc cũng sẽ lập Long Hoa Hội vì Ngài sẽ đắc quả vị Phật dưới cội cây Long Hoa. Trong pháp hội này, Ngài sẽ hóa độ rất nhiều chúng sinh để đưa về cõi nước của Ngài. Hiển nhiên những người được Phật Di Lặc hóa độ là những người hiền lương, đã trồng nhiều duyên lành trong quá khứ, đã biết ăn năn, sám hối, tu sửa thân tâm thì mới được hưởng diễm phúc đó. Theo Kinh Di Lặc, cõi nước của Ngài rất trang nghiêm, đẹp đẽ; đâu đâu cũng có ao báu nước trong, hoa thơm cỏ lạ. Mặt đất bằng phẳng êm mượt như nhung. Dân xứ này tướng mạo trang nghiêm, đoan chính, không hề gặp cảnh khổ não, bệnh tật. Họ sống trong những ngôi nhà làm bằng bảy thứ ngọc báu, ăn toàn những thức ăn mỹ vị tinh khiết. Được sống trong cảnh đó nhưng họ vẫn không quên tu sửa thân tâm, mở rộng lòng thương đến khắp mọi loài chúng sinh, trồng nhiều nhân lành nên sống lâu muôn tuổi. Hiển nhiên, đây là một thế giới văn minh cực độ, tiến hóa về cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần vì được sống sung túc như thế mà họ vẫn lo tu tâm sửa tính.
Khi sống trên Tuyết Sơn, tôi đã mang đề tài “Ngày Phán Xét” ra hỏi và được các hiền triết giải thích như sau: “Đời sống là một sự tiến hóa không ngừng, từ chỗ xấu đến chỗ tốt, từ chỗ dữ đến chỗ lành, từ chỗ thấp đến chỗ cao. Cuộc đời chỉ là một giai đoạn rất nhỏ trong chu kỳ tiến hóa không ngừng từ loài Kim thạch, Thảo mộc, Cầm thú, từ Cầm thú đến nhân loại, và từ nhân loại bước vào trình độ siêu nhân loại của các bậc tiên thánh. Ngày Phán Xét hay Hội Long Hoa có thể tạm coi là những giai đoạn tuyển lựa quan trọng trên đường tiến hóa. Cũng như học sinh phải vượt qua kỳ thi từ Tiểu học, qua Trung học rồi vào Đại học, con đường tiến hóa của nhân loại cũng có những kỳ tuyển lựa tương tự để loại đi những thành phần tiến hóa thấp kém, không theo kịp đà tiến hóa chung của nhân loại”.
Mỗi khi nhân loại tiến đến một mức độ nào đó, sẽ cần phải có sự phân biệt giữa người đã đi xa và kẻ vẫn dừng chân một chỗ. Hiển nhiên những người đã hiểu biết về định luật vũ trụ và sống theo chân lý sẽ được thu xếp để bước vào con đường tiến hóa của các vị tiên thánh. Tại đây họ sẽ tiếp tục kinh nghiệm và học hỏi để tiến lên những mức độ cao cả hơn nữa. Tuy nhiên, trong hàng ngũ nhân loại vẫn có những người thiếu hiểu biết, không bắt kịp đà tiến hóa chung dù trải qua nhiều kiếp sống nên họ cần được đến những cảnh giới của những chúng sinh có trình độ tiến hóa thấp kém hơn để học hỏi thêm. Do đó, mới có những sự lựa chọn qua những biến chuyển của từng chu kỳ và những người bỏ lỡ cơ hội phải đọa lạc muôn ngàn kiếp sống ở những nơi chốn thấp kém này. Họ sẽ phải sống với những chủng loại vừa thoát kiếp thú thành người, những kẻ hung ác, đầy thú tính, tham lam, bạo động và thù hận. Chỉ trong môi trường đau khổ này mà họ học những điều cần thiết để hiểu về các chân lý vũ trụ, những điều mà tất cả đã không chịu học. Thiên nhiên thường sa thải những phần tử thấp kém này qua những tai trời, ách nước như thiên tai, động đất, bão lụt, núi lửa phun; hoặc qua các cuộc chiến tranh thảm khốc, các bệnh tật tai ương lan tràn khắp nơi.
Con người đã học được gì qua những biến cố khốc liệt như chiến tranh? Đã mấy ai biết coi thảm họa này là bài học mà họ cần phải học? Đã mấy ai biết lấy sự đau khổ làm bài học để tu sửa thân tâm? Đã mấy ai thấy rõ hậu quả của những lý thuyết phi nhân như chủ nghĩa vô thần hay luật của kẻ mạnh đã đưa nhân loại đến tình trạng gì? Có bao giờ con người tự hỏi tại sao có những người được sinh trưởng vào những nơi tốt đẹp, những xã hội thái bình, những quốc gia tiến bộ, trong khi có kẻ lại sinh vào những quốc gia suy kém, đầy chiến tranh, thù hận, bạo động hay những nơi mà nạn đói và bệnh tật lan tràn? Tại sao có những quốc gia đang hưng vượng mà chỉ sau một vài thiên tai đã trở nên sa sút, đói kém? Tại sao một xã hội đang thịnh vượng lại nảy sinh kẻ độc tài nắm quyền, gây chiến tranh, đưa đến tình trạng suy kiệt, đói khổ? Con người đã thấy gì và học được gì qua những biến cố đó? Hiện nay, đa số mọi người vẫn dửng dưng vì các sự kiện trên chưa trực tiếp ảnh hưởng đến họ. Ngày nay con người quá bận rộn vì sinh kế nên không mấy ai còn nhạy cảm trước sự đau khổ của kẻ khác. Đời sống văn minh vật chất đã làm thui chột các mầm mống thương yêu sẵn có trong nội tâm con người. Hầu hết đã quên rằng họ đều là thành phần của gia đình nhân loại với những liên hệ vô cùng mật thiết.
Thật ra không một biến cố nào, xảy ra ở đâu mà không ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống nhân loại, vấn đề quan trọng là con người đã học hỏi hay rút tỉa được gì qua các biến cố đó. Vì đa số có thái độ dửng dưng không quan tâm nên khi trở thành nạn nhân, họ chỉ biết oán trời trách đất, đổ lỗi cho hoàn cảnh chứ không mấy ai biết coi đó là bài học mà họ cần phải học. Đời sống là một trường học mà trong đó con người phải học về các định luật vũ trụ để tu tâm sửa tính, để thay đổi, để tiến hóa, để trở nên hoàn hảo hơn. Chân lý là các định luật bất di bất dịch của vũ trụ với những quy tắc mà con người cần hiểu biết và sống theo đó. Đây không phải là một điều mới lạ vì mọi tôn giáo lớn đều đề cập đến. Hầu hết con người chỉ coi tôn giáo như một hình thức cao đẹp để tôn thờ chứ không mấy ai biết áp dụng những quy tắc đó vào cuộc sống hàng ngày. Có lẽ vì thế mà trải qua hàng ngàn năm, con người vẫn không thay đổi bao nhiêu. Đa số vẫn chịu đựng những đau khổ do chính con người tạo ra và chấp nhận nó như một việc hiển nhiên. Không mấy ai biết rằng nhân loại có thể thay đổi hoàn toàn nếu biết chuyển hóa tâm thức để sống theo các định luật vũ trụ. Khi trình độ tiến hóa của nhân loại đạt đến một mức nào đó thì sẽ có những cuộc đào thải lớn lao, vượt ngoài sự tưởng tượng của con người. Đây là một sự tuyển lựa gắt gao đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Từ xưa đã có những nền văn minh lớn mà ngày nay chẳng mấy ai biết đến như trường hợp của Lemuria hay Atlantis với hàng triệu người bị nạn hồng thủy nhận chìm. Trong tương lai cũng sẽ có các biến cố tương tự như thế để lựa chọn ra những linh hồn đã tiến hóa và những linh hồn chưa tiến bộ được bao nhiêu. Nếu lịch sử chỉ là sự tái diễn của quá khứ thì trong tương lai sẽ có những biến cố, thiên tai rất lớn khiến cho một số lục địa sẽ bị tiêu diệt nhưng những phần khác sẽ được an lành và thế giới sau đó sẽ thay đổi hoàn toàn. Cũng như học sinh Trung học bước vào Đại học và thấy môi trường nơi đây khác xa bậc Trung học thì thế giới trong tương lai đó sẽ khác hẳn thế giới ngày nay. Tôi muốn nhấn mạnh rằng các biến cố tương lai chỉ là một cuộc tuyển lựa cần thiết để thúc đẩy sự tiến hóa của nhân loại chứ không có tính cách trừng phạt cá nhân. Những kẻ kém tiến hóa sẽ bị gạn lọc để đầu thai vào những cảnh giới có mức độ tiến hóa thấp hơn để học hỏi. Trong khi những người tiến hóa cao sẽ được lựa chọn để sống trong cảnh giới có trình độ tiến hóa thích hợp với họ hơn. Nếu biết thế, con người cần tu tâm sửa tính để tránh khỏi bị đào thải vào Ngày Phán Xét Cuối Cùng.
Hơn lúc nào hết, con người cần học hỏi về các quy luật của vũ trụ, để mở mang trí tuệ, trau dồi đức hạnh và đặc biệt là để dẹp bỏ lòng ích kỷ, chia rẽ, phân biệt và phát triển tình thương rộng lớn, bao la vì chỉ có tình thương mới là giải pháp duy nhất cho tình trạng xáo trộn, bạo động, đầy hận thù đang xảy ra hiện nay.