Để thúc đẩy sự tiến hóa cho giai đoạn sắp đến, các đấng cao cả đã hoạt động không ngừng để giúp đỡ nhân loại bằng cách ban rải những luồng thần lực đặc biệt để tạo cảm hứng cho những người có tâm hồn hướng thượng. Khi đón nhận được luồng thần lực này, họ sẽ sáng tạo được những công trình khoa học, nghệ thuật đặc biệt để góp phần vào sự phát triển của nhân loại nói chung. Lịch sử đã ghi nhận công trình làm phong phú gia tài văn hóa của nhân loại bởi các triết gia, khoa học gia và nghệ sĩ bằng các tư tưởng thanh cao, các tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho đời sống con người. Bất cứ công trình nào đề cao sự học hỏi, hiểu biết các chân lý hằng có trong vũ trụ, đều là những công trình góp phần thúc đẩy sự tiến hóa của nhân loại và giá trị của nó sẽ tồn tại với thời gian.
Theo các hiền triết trên Tuyết Sơn, địa cầu được phân chia ra những vùng rộng lớn, mỗi vùng được giao phó cho một vị chân tiên (Asekha) trông nom. Các vị này có nhiệm vụ săn sóc và dìu dắt mọi sinh vật trong vùng. Những vùng này không phân chia theo địa dư, chính trị hay quốc gia mà phân phối theo sự tiến hóa của các sinh vật sống trong đó. Từ cõi giới cao cả, các vị này ban rải thần lực của mình, hoặc rút các thần lực vĩ đại trong thiên nhiên để phân phối cho các sinh vật trong vùng. Một người có đời sống lý tưởng, biết làm các việc có ích lợi chung thì vô tình đã góp phần vào công việc của các đấng chân tiên này và sẽ được các ngài hỗ trợ một cách kỳ diệu. Nếu để ý quan sát những người đang giúp đỡ nhân loại như một bác sĩ săn sóc bệnh nhân, người thiện nguyện làm việc thiện nguyện xã hội, người nghệ sĩ phục vụ nghệ thuật thì chúng ta sẽ thấy tất cả đều làm việc một cách hăng say, tận tâm, và vui sướng, không quản ngại cực nhọc, khó khăn. Tại sao họ có thể làm việc ngày đêm không mệt mỏi như thế? Ai đã ban cho họ nguồn cảm hứng và năng lực phi thường đó? Tại sao những người làm việc vì miếng cơm manh áo thường mệt mỏi, mất năng lực trong khi người làm việc phụng sự lại hăng say, có nhiều năng lực như thế? Phải chăng họ đã nhận được các nguồn cảm hứng và thần lực hỗ trợ một cách tế nhị mà không hề hay biết?
Thật ra, sự sống bên trong của mọi cá nhân giống như một hạt giống đang chờ đợi cơ hội nảy mầm vì nguyên lý tiến hóa đã có sẵn trong đó rồi. Nếu một hạt giống nhờ nước làm nảy mầm và nhờ ánh sáng mặt trời làm phát triển thành một cái cây, thì trong mỗi cá nhân cũng có những mầm mống tốt đẹp đang chờ đợi một sự kêu gọi, giúp đỡ nào đó để phát triển. Một hành động thiện lành, dù nhỏ bé, cũng có thể là giọt nước làm nảy mầm một hạt giống; một lời nói chân thành có thể cảnh tỉnh những người xung quanh khiến họ biết quay về đường ngay nẻo chánh. Hiền triết Kuthumi cho biết: “Khi một người biết hiến mình vào việc phụng sự, cho ích lợi chung của nhân loại thì họ không phải lo lắng bất cứ việc gì nữa. Khi đã góp phần vào việc phụng sự thiên cơ của các đấng cao cả thì các ngài sẽ lo liệu chu toàn cho họ”.
Vì thế giới tương lai sẽ khác hẳn thế giới ngày nay và nhân loại trong tương lai sẽ có trình độ hiểu biết khác xa với nhân loại ngày nay, nên từ lâu đã có những hoạt động âm thầm gieo rắc những mầm mống tư tưởng cao thượng để chuẩn bị và thúc đẩy sự tiến hóa của nhân loại. Song song với việc đó là những tác động hủy hoại làm thay đổi, đảo lộn mọi giá trị hiện hữu vì chỉ trong sự suy tàn, đau khổ mà người ta ý thức được những giá trị cao cả. Do đó, trước khi thời đại hoàng kim này xảy ra, nhân loại còn phải trải qua một thời kỳ hắc ám, suy đồi để phá tan những giá trị vật chất giả tạo trước khi một giá trị cao cả về tâm linh được đề xướng. Đây là lúc nhân loại sẽ ý thức rằng mọi đau khổ của thế gian hiện nay đều bắt nguồn từ lòng ích kỷ, tham lam do sự thiếu tình thương mà ra. Nếu mọi người đều biết thương yêu và đối xử với nhau như anh em, không phân biệt quốc gia, chủng tộc, tôn giáo thì tất cả mọi mâu thuẫn, tranh chấp sẽ tiêu tan và một thời đại huy hoàng sẽ đến với nhân loại. Do đó, những người hiểu biết cần nỗ lực tu sửa tâm tính để chuẩn bị cho giai đoạn sắp đến. Nhiều người cho rằng việc này đòi hỏi một trình độ hiểu biết cao siêu hay một kỷ luật sắt đá nào đó nhưng thật ra điều này không đúng vì chân lý không phải những điều vượt khỏi tầm hiểu biết của con người mà trái lại nó rất giản dị và có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Sau đây là một vài quy tắc căn bản:
1/ Để chuẩn bị cho việc tu tâm sửa tính, con người cần phải có một kiến thức căn bản về các định luật vũ trụ như Luân hồi, Nhân quả, Tiến hóa... Các định luật này vẫn được trình bày dưới hình thức này hay hình thức khác qua các tôn giáo, hoặc tùy theo kinh nghiệm học hỏi và hiểu biết cá nhân. Thí dụ, một người không tin Nhân quả nghĩ rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn mà không bị trả giá gì thì chắc chắn sẽ gặp những hậu quả hết sức bất ngờ về việc làm của mình. Cũng như thế, một người sống tham lam, ích kỷ sẽ thấy rằng sự thỏa mãn nhu cầu vật chất không thể đem lại hạnh phúc thật sự, vì nó không bao giờ thỏa mãn được sự khát khao của phần tinh thần bên trong. Càng thỏa mãn vật chất, lòng tham lại giục họ phải tìm kiếm thêm, được cái này lại đòi cái khác và cứ thế cho đến khi chết. Lòng tham không ngừng ở đây mà tiếp tục chi phối và thúc đẩy họ lao đầu vào những tham vọng vật chất trong vô số kiếp sống luân hồi. Chỉ khi nào họ biết rằng các ao ước vật chất không bao giờ chấm dứt vì nó thật sự không phải là mục đích của cuộc đời mà chỉ có sự thỏa mãn nhu cầu tinh thần thì mới mang lại sự bình an thật sự. Đến khi đó họ mới ý thức rằng con người thật vốn thuộc về phần tâm linh chứ không phải vật chất.
Nếu vì lý do gì mà người ta vẫn chưa thể hiểu được các định luật vũ trụ nói trên một cách rõ ràng thì ít ra họ cũng nên tin rằng đây là những điều căn bản nên tuân giữ để có một đời sống bình an, thoải mái. Luật Tiến hóa định rằng con người chỉ có thể đạt đến sự toàn thiện bằng cách sống một cuộc đời tốt lành, tuân theo các định luật hằng có trong vũ trụ. Họ sẽ trải qua vô số kiếp sống để học hỏi các bài học cần thiết, để tiến bộ và phát triển cho đến khi đạt đến trình độ toàn thiện. Càng học hỏi, họ càng thấy rõ sự công bình của các định luật vũ trụ. Một khi biết tuân phục và sống theo những luật này thì họ sẽ tìm được mục đích cao cả thật sự của đời sống.
2/ Ngoài việc hiểu biết các định luật vũ trụ, con người cần biết hướng tư tưởng vào các điều cao thượng, tốt lành, không để tư tưởng tham lam, ích kỷ lôi cuốn. Trong đời sống xã hội hiện nay, hầu như ai cũng bị chi phối bởi nếp sinh hoạt đầy náo động nên việc giữ cho tâm hồn điềm đạm, không xáo trộn rất khó. Một trong những phương pháp tĩnh tâm là việc tu tập thiền định mà tôi đã đề cập ở phần trên nhưng không phải ai cũng có thể thực tập theo phương pháp này. Do đó, tôi thường khuyến khích một số người nên tập trung tư tưởng vào hình ảnh các đấng giáo chủ của họ như Đức Jesus hay Đức Phật, rồi tự hỏi: Tôi phải làm gì để sống một cuộc đời như các ngài? Tôi phải thay đổi thế nào để có thể biểu dương được sự tốt lành của các ngài cho người xung quanh? Những tư tưởng này sẽ giúp cho tâm hồn họ trú vào một mục đích rõ ràng, không để ý nghĩa xấu xa lôi cuốn. Một khi tư tưởng trong sạch, không có ác ý thì người ta sẽ không thể hành động khác được. Một tư tưởng trong sạch còn là việc chỉ nhìn thấy sự thật mà thôi. Muốn thế, người ta cần gạt bỏ các dư luận, thành kiến để nhìn thẳng vào sự thật như nó là.
Đa số mọi người thường dễ dãi, không chú ý nên dễ bị các thành kiến lôi cuốn. Một khi họ nghĩ là người nào đó xấu thì tất cả hành động, lời nói của người đó đều xấu xa. Hiển nhiên con người vốn bất toàn, có cả tính tốt lẫn tính xấu, nhưng tại sao chúng ta chỉ để ý đến tính xấu của người đó mà quên rằng họ còn có những tính tốt nữa? Chúng ta chỉ nhìn thấy một khía cạnh nào đó rồi đi ngay đến kết luận, do đó tư tưởng của chúng ta không chân chính, không nhân từ và không đúng. Đức Jesus đã dạy: “Tất cả mọi người đều là con của Thượng Đế”, nếu thực sự tin Ngài tại sao anh em cùng cha lại có thể oán ghét lẫn nhau? Giáo lý của Đức Jesus là những bài giảng về tình yêu thương tuyệt vời, nhưng tại sao những người muốn noi gương Ngài chẳng có được những tư tưởng yêu thương và bao dung như Ngài?
3/ Ngoài việc hướng tư tưởng lên những điều cao thượng, con người cần ý thức để làm chủ lời nói vì ngôn ngữ là phương tiện chính trong sự truyền thông giữa con người với nhau. Chỉ nên nói điều lành và đúng với sự thật chứ không nên nói điều xấu về người khác. Phần nhiều câu chuyện thuật lại về một người nào đó thường không đúng sự thật và nếu người ta tiếp tục lặp lại điều này, thì lời nói của người đó sẽ không đúng. Như thế là họ tự làm hại chính mình, vì đã tạo một nhân xấu và bất cứ nhân nào cũng mang lại hậu quả tương tự. Dù điều đó có thật chăng nữa, nhưng người lặp lại điều đó cũng vẫn sai, bởi vì họ không giúp ai khi lặp lại những điều quấy của người khác. Do đó, con người cần tập thói giữ im lặng, không đề cập gì đến những việc vô ích đó. Nhiều người quan niệm rằng người lịch sự phải biết ăn nói vì im lặng là quê mùa, là thiếu xã giao nên hễ gặp ai là họ nói huyên thuyên không dứt. Thật ra người lịch sự là người biết nghe chứ không phải người biết nói. Đức Jesus đã cảnh cáo: “Mỗi lời nói dư thừa, vô ích mà các con thốt ra thì các con sẽ phải trả lời vào Ngày Phán Xét Cuối Cùng”. Nếu tin Ngài, tại sao chúng ta có thể tiếp tục ăn nói bừa bãi như thế được?
4/ Ngoài việc giữ gìn tư tưởng và lời nói cẩn thận, con người cần hành động một cách ngay thẳng, chân chính, và đúng với lương tâm. Cả ba điều: suy nghĩ, nói năng và hành động liên quan đến nhau rất chặt chẽ, vì nếu đã giữ cho tư tưởng trong sạch, lời nói ngay thẳng thì làm sao con người có thể làm những điều trái với lương tâm cho được? Trước khi hành động, con người cần phải cân nhắc xem việc làm đó có gây thiệt hại cho ai không. Trong xã hội vội vã ngày nay, nhiều người thường hành động bừa bãi, không ý thức mà không biết rằng mọi hành động đều mang lại kết quả và một việc làm cẩu thả sẽ mang lại hậu quả không tốt cho mình và cho người khác. Không làm điều ác cũng chưa đủ, mà còn phải tích cực làm điều lành nữa. Đức Phật đã dạy: “Tránh làm điều ác, chỉ làm việc lành”. Nếu đã tin Ngài, tại sao chúng ta có thể làm khác được?
Theo tôi, một hành động ngay thẳng là một hành động đúng đắn, không vụ lợi, không ích kỷ và như thế đã là hành động có tính cách phụng sự thế gian rồi. Nhiều người cho rằng phụng sự phải là những việc to tát, lớn lao chứ ít ai biết rằng suy nghĩ, nói năng và hành động đúng với sự thật chính là những viên đá lót đường để xây dựng một xã hội đầy thương yêu và tốt lành cho tương lai. Một số người khác cho rằng những điều tôi trình bày kể trên quá giản dị, tầm thường, không thể đổi thay gì được. Họ chủ trương muốn thay đổi phải có những công trình to tát, vĩ đại, cao siêu nhưng phải chăng nhân loại đã có quá nhiều công trình vĩ đại như thế rồi? Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy có khi những việc làm lớn lao lại là những việc làm đầy ích kỷ vì người chủ xướng thường ao ước sẽ đạt được một cái gì đó, nếu không phải là lợi thì cũng là danh. Phụng sự nhân loại không phải là những việc to tát, vĩ đại mà là những việc có tính cách không vụ lợi. Đừng nghĩ đến việc chúng ta thích làm hay muốn làm mà hãy nghĩ đến những việc chúng ta cần phải làm, dù việc đó nhỏ bé tầm thường đến đâu. Chúng ta cần biết rằng lời nói, tư tưởng và hành động của mỗi cá nhân đều ảnh hưởng ít nhiều đến những người khác. Hãy thử tưởng tượng một xã hội mà trong đó mọi người đều chỉ làm việc không toan tính vụ lợi, nói năng hòa nhã, lễ phép trong tinh thần tương thân tương ái thì xã hội đó sẽ tốt đẹp như thế nào?
Chúng ta cần biết rằng hành động không phải là một khả năng của con người nhưng là một quyền năng được Thượng Đế giao phó cho con người để họ sử dụng và họ phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Quyền năng này là những lợi khí để con người chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng một thế giới mà trong đó tình thương là căn bản chính. Vũ trụ này được tạo dựng do tình thương và chỉ tồn tại trong tình thương mà thôi. Bất cứ một hành động nào cũng phải phản ảnh sự yêu thương này vì nếu sử dụng vào mục đích khác, nó là sự lạm dụng quyền năng và con người sẽ phải trả một giá rất đắt cho sự lầm lạc của mình.
5/ Ngoài việc tu tâm sửa tính, con người cần biết lựa chọn những nghề nghiệp chân chính, những phương tiện sinh nhai không làm tổn nhân hại vật, hay gây thiệt hại cho bất cứ sinh vật nào. Hiển nhiên, những nghề như mổ thịt, bán rượu không phải là những nghề mang lại quả tốt, vì làm thương tổn đến đời sống các sinh vật khác. Nhiều người cho rằng họ phải làm việc để kiếm sống nhưng họ có quyền lựa chọn nghề nghiệp và những việc gây đau khổ cho sinh vật khác sẽ tạo hậu quả khổ đau cho chính họ.
Ngoài ra, dù làm những nghề nghiệp chân chính nhưng với tâm địa bất lương cũng trở thành bất chính vì những hậu quả của nó. Một giáo sư không tận tâm dạy dỗ mà chỉ lo quát mắng, đối xử bất công với học trò sẽ đào tạo những thế hệ học trò hung hăng, bạo động. Một y sĩ không tận tâm săn sóc bệnh nhân mà chỉ lo trục lợi sẽ gặt hái những hậu quả bất lợi về sau. Người bán hàng biết rõ phẩm chất món hàng hơn ai hết nhưng nếu hàng xấu mà nói là hàng tốt thì họ đã làm trái với lẽ phải rồi và việc buôn bán không còn là một nghề chân chính nữa mà trở thành một việc lừa bịp. Khi được người khác tin thì đó là một vinh dự mà mình phải đền đáp cho xứng đáng vì một người hiểu biết phải ý thức rằng nghề nghiệp không phải chỉ là việc làm để kiếm sống mà còn là một thiên chức, một bổn phận đối với xã hội.
6/ Ngoài việc tu tâm sửa tính và làm những nghề nghiệp chân chính, con người còn có bổn phận phải gìn giữ sức khỏe và năng lực nơi mình. Đa số con người được sinh ra với những năng lực thể chất cũng như tinh thần và họ cần biết tiết kiệm, không phung phí những năng lực này vì hành động là quyền năng và lạm dụng quyền năng sẽ đem lại hậu quả đáng tiếc.
Để sinh sống, con người phải ăn uống nhưng không nên lạm dụng để tránh mắc phải những căn bệnh mà nguyên nhân khởi sự từ việc ăn uống bừa bãi này. Ăn uống quá nhiều tức là lấy đi phần ăn của người khác. Trong thiên nhiên, mọi việc đều quân bình tuyệt đối, kể cả số lượng thực phẩm cần thiết để nuôi dưỡng tất cả mọi sinh vật. Sở dĩ có nạn đói kém là vì những quốc gia giàu mạnh đã tiêu thụ thực phẩm phung phí, bừa bãi tạo ra sự mất quân bình. Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy mỗi khi có nạn đói kém xảy ra thì tại các quốc gia khác, số người mắc bệnh do hậu quả của việc ăn uống bừa bãi cũng gia tăng rất nhiều. Trong các xã hội văn minh, nhiều người ăn uống cẩu thả và thiếu ý thức. Không những họ tiêu thụ rất nhiều mà còn luôn luôn đòi hỏi của ngon, vật lạ; do đó số người mắc các bệnh nan y cũng gia tăng trầm trọng. Người ta đổ lỗi cho vi trùng, cho vấn đề vệ sinh và môi sinh nhưng không ai chịu nhận trách nhiệm về nhu cầu bao tử của chính mình. Một người hiểu biết cần ý thức rõ về vấn đề dinh dưỡng này và hậu quả của nó. Không những để tránh bệnh tật mà còn để mở rộng lòng thương đến những người kém may mắn, không đủ ăn đủ mặc. Sự tiết kiệm thực phẩm, ăn uống vừa đủ là một kỷ luật giúp con người bớt các ham muốn vật chất, bớt đi các tư tưởng tham lam, ích kỷ và giúp ích cho sức khỏe của chính họ.
7/ Sau hết, con người cần dành thời giờ để tự kiểm thảo và quán xét nội tâm. Chúng ta cần biết rõ ta là ai, có bổn phận gì, đóng vai trò gì trong hoàn cảnh hiện tại, và phải làm những gì để xứng đáng với địa vị một con người trong xã hội. Đời sống là một chuỗi kinh nghiệm, vui cũng như buồn, khổ cũng như sướng nhưng con người phải biết lựa lọc ra những điều để học hỏi, để suy gẫm, để rút tỉa kinh nghiệm. Phải biết sống làm sao cho thoải mái, hồn nhiên, biết tha thứ, xả bỏ những điều người khác làm phiền đến mình và ghi nhớ những điều tốt đẹp mà họ làm cho mình để cho tâm hồn tràn đầy lòng biết ơn. Sống trong xã hội là nặng nợ với nhân quần, chúng ta cần biết ơn tất cả mọi người. Từ miếng cơm, manh áo đến vô vàn các sản phẩm khác đều là sản phẩm của xã hội; và một khi trong lòng ta tràn đầy sự biết ơn này, chúng ta sẽ nhìn xã hội với một quan niệm khác hẳn.
Tóm lại, để được sống trong một thế giới tốt đẹp với trình độ tiến hóa cao cả của chu kỳ sắp đến, người ta cần tu sửa thân tâm ngay trong lúc này. Nếu tất cả mọi người cùng tu sửa và giúp đỡ nhau tiến bước thì đường đi đến thế giới tương lai đó sẽ là một lộ trình không xa.