Người xưa có câu “Biển xanh bao nhiêu thành ruộng dâu” để chỉ những đổi thay theo thời gian vì sự thay đổi là điều tất yếu trong lịch trình tiến hóa của nhân loại. Ngày nào châu Lemuria rộng lớn còn nằm vắt ngang trái đất dọc theo đường xích đạo mà nay đã tan rã thành vô số những đảo nhỏ trên Thái Bình Dương! Ngày nào đại lục Atlantis hùng vĩ với những kiến trúc xây theo hình kim tự tháp bằng vàng chói lọi mà nay đã chìm sâu trong lòng đại dương, không để lại dấu tích gì! Tất cả đều thay đổi, tất cả đều vô thường, tất cả đều tan rã theo thời gian, cát bụi sẽ trở về với cát bụi vì có thịnh ắt phải có suy, có thành ắt phải có hoại và đó chính là định luật vĩnh viễn, không thay đổi của vũ trụ. Tuy nhiên, luật vũ trụ cũng định rằng có hủy hoại thì mới có phát sinh, có diệt thì mới có thành do đó đã có những nền văn minh suy tàn rồi lại phát triển ở một thời điểm khác nhau theo sự biến thiên của luật Chu kỳ, mỗi chu kỳ là một sự thay đổi, tiến hóa để đi đến chỗ toàn vẹn và hợp nhất. Châu Lemuria có tan vỡ thì mới có châu Á và châu Úc; nền văn minh Atlantis có suy tàn thì mới nảy sinh nền văn minh Ai Cập và Nam Mỹ.
Ngày nay con người văn minh thường tự hào có thể chế ngự được thiên nhiên và kiểm soát mọi thứ; nhưng đó chỉ là một ảo vọng ngông cuồng của những người chưa hiểu biết mà thôi. Nếu họ hiểu rằng con người chỉ là những sinh vật bé nhỏ sống bám vào những giải đáp mong manh trên mặt địa cầu và chỉ một thay đổi về địa chấn là tất cả đều biến chuyển. Luật Chu kỳ cho thấy các giống dân và những nền văn minh cổ đã phát triển và suy tàn theo biến chuyển về địa chấn thì chắc chắn trong tương lai điều này sẽ xảy ra chứ không thể khác được. Hiện nay, con người văn minh đang phá hoại trái đất, hủy diệt môi sinh, tiêu diệt các sinh vật khác một cách thản nhiên không thương tiếc mà không ý thức rằng họ đang thúc đẩy những đổi thay địa chấn để nó xảy ra nhanh hơn bao giờ hết.
Có người đã hỏi phải chăng tôi muốn trình bày một lý thuyết mới hay một hình thức tin tưởng mới khi viết cuốn sách này. Tôi xin khẳng định rằng tất cả những điều mà tôi đã trình bày hoàn toàn không có gì mới lạ, mà trái lại, nó xưa như trái đất. Tất cả những điều này đã được giảng dạy trong những đạo viện thời cổ ở Trung Hoa, Ba Tư, Tây Tạng, Ai Cập, Hy Lạp cho những người đã được tuyển chọn cẩn thận. Người ta có thể tìm thấy những quy tắc này trong kinh điển các tôn giáo lớn nếu họ chịu khó quay về, tìm đọc để hiểu biết và thực hành những lời giảng dạy cao cả của các đấng giáo chủ sáng lập. Tôi không có ý đưa ra một điều gì mới lạ mà chỉ trình bày những luật vũ trụ căn bản như Luân hồi, Nhân quả và Tiến hóa, những điều đã được truyền dạy từ hàng ngàn năm nay rồi. Nhiều người có lẽ vì hiếu kỳ và tò mò chỉ muốn biết về những điều huyền bí, kỳ lạ chứ không muốn nghe những điều gì bình thường, giản dị nhưng luật vũ trụ đâu phải những từ chương để phê bình hay bàn luận. Thượng Đế không sáng tạo vũ trụ để mua vui hay giải trí. Ngài không đặt ra các định luật để con người nghiên cứu mà để các con của Ngài sống theo đó mà biết tìm đường trở về hợp nhất với Ngài.
Nhân loại hiện nay đang tiến bộ hay tha hóa? Có người cho rằng con người đã tiến rất xa qua những phát minh, khám phá và tiện nghi vật chất nhưng cũng có người cho rằng con người đã thoái hóa rất nhiều vì đời sống ngày nay không còn thoải mái êm đềm như trước. Hiển nhiên, nếu dựa trên tiêu chuẩn khoa học thì con người đã tiến rất nhiều so với mấy trăm năm trước nhưng khoa học có phải là giải pháp cho đời sống con người không? Khoa học có thực sự mang lại hạnh phúc cho con người hay không? Tại sao xã hội càng văn minh, con người lại càng đau khổ; quốc gia càng tiến bộ, con người càng cảm thấy bất mãn, khó chịu? Vì quá tin tưởng vào những hào nhoáng của khoa học mà con người đã quên rằng khoa học chưa hề giải quyết được những mong muốn căn bản của con người. Trong những thế kỷ qua, đã có rất nhiều lý thuyết khoa học được đề xướng, thay thế những lý thuyết cũ đã lỗi thời. Trong tương lai, những lý thuyết khoa học ngày nay chắc chắn sẽ thay đổi và những gì xây dựng trên nền tảng cũ sẽ bị đào thải. Cứ thế, con người tiếp tục chạy theo hết lý thuyết này đến lý thuyết khác và đời sống bị biến thành một phòng thí nghiệm với những cuộc thí nghiệm không bao giờ chấm dứt. Phải chăng những lý thuyết khoa học phát xuất từ những đầu óc đầy lý luận chỉ là những lớp sơn phết bên ngoài để che đậy cho sự hư hỏng đã rỉ sét từ bên trong? Người ta đã làm những cuộc thí nghiệm bằng cách thay đổi chính thể, luật pháp, kinh tế, xã hội cũng như tôn giáo nhưng sự đổi thay này đã mang lại những gì ngoài các cảm giác hoang mang, sợ hãi, bất an, thù hận, bạo động và chia rẽ? Phải chăng sự đổi thay thật sự chưa xảy ra vì con người chưa biết đi tìm đúng chỗ mà vẫn lao đầu vào những phiêu lưu, mạo hiểm của các lý luận khoa học đầy sôi nổi?
Để giải quyết vấn đề hiện tại của nhân loại, con người cần phải biết quay về, giở lại những trang sách cũ, để ôn lại những lời dạy bảo của các đấng Giáo chủ và hiểu rõ những lời dạy của các Ngài về các định luật của vũ trụ. Chỉ khi nào con người hiểu rõ được sự liên quan giữa con người với nhau, giữa con người với Thượng Đế, biết rõ các cõi giới trong thiên nhiên, về đời sống sau khi chết thì họ sẽ ý thức rằng con người thật sự chính là phần tâm linh luôn luôn sáng ngời, là điểm linh quang của Thượng Đế, là một sự sống bất diệt chứ không phải cái thể xác hữu hình nay còn mai mất này. Chỉ khi nào con người hiểu biết rõ về sự tạo lập vũ trụ, về các định luật vũ trụ như luật Chu kỳ, Tiến hóa, Luân hồi, Nhân Quả và biết theo đó để tu sửa, để thay đổi sống thuận theo cơ tiến hóa thiêng liêng thì họ sẽ hiểu được mục đích và ý nghĩa của cuộc sống.
Tương lai của nhân loại sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ hy sinh, thành tâm, nhất là kiến thức và minh triết mà mỗi người kinh nghiệm được vì sự trưởng thành về tâm linh con người sẽ xảy ra một cách tự nhiên cùng với sự hiểu biết để biến thế giới đầy tranh chấp, hận thù này thành một thế giới tràn đầy tình thương. Vũ trụ này được lập ra bởi tình yêu thương, do yêu tình thương và chỉ tồn tại trong tình yêu thương chân thành mà thôi.