Hầu hết các nhà khoa học đều coi thuyết Tiến hóa (Evolution) của Charles Darwin như một khám phá quan trọng, đặt nền tảng cho môn Sinh vật học hiện nay nhưng theo sự học hỏi của tôi với các hiền triết trên Tuyết Sơn thì khoa học ngày nay chỉ mới hiểu được một phần rất nhỏ về định luật Tiến hóa của vũ trụ mà thôi.
Hiền triết Kuthumi cho biết sự thay đổi của các hình thể vật chất bên ngoài chỉ là kết quả tự nhiên của sự tiến hóa và biểu lộ của phần tinh thần hay sự sống tiềm ẩn trong tất cả mọi loài. Các hình thể bên ngoài luôn luôn thay đổi theo thời gian nhưng phần tinh thần bên trong thì trường tồn và tiến hóa qua các kiếp sống. Do đó nó tự biểu lộ qua những hình thể thích hợp với sự phát triển tâm linh của nó. Nói một cách khác, thuyết Tiến hóa của Darwin cho rằng các sinh vật tiến hóa để thích nghi với môi trường sống xung quanh rất giới hạn. Nó không giải thích được những đổi thay lớn lao trong thiên nhiên, vì Darwin không lý giải được những động năng tiềm ẩn trong mọi sinh vật. Khoa học cũng không giải thích về sự sống mầu nhiệm đang tuôn chảy khắp vũ trụ vì các nhà khoa học không thể lặp lại những điều kiện này trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên những người có trực giác bén nhạy đều cảm nhận được sự hiện diện của các mãnh lực kỳ diệu đang thấm nhuần khắp vạn vật này. Chúng ta có thể thấy sự sống biểu lộ trong hương sắc của những bông hoa muôn hồng ngàn tía, trong sức mạnh của những cổ thụ thâm trầm, trong sự linh động uyển chuyển của loài cầm thú, cũng như trong tâm hồn thanh cao của con người. Chính sự sống này đã thúc đẩy cơ tiến hóa của vũ trụ mà Thái Dương Hệ của chúng ta chỉ là một phần nhỏ với các hành tinh xoay vần, với các sinh vật linh động biến chuyển.
Nếu quan sát vũ trụ, chúng ta sẽ thấy có hai yếu tố dường như đối nghịch nhau, đó là “Tinh Thần” và “Vật Chất”, cái “Thật” và cái “Không Thật”, nhưng cả hai đều liên hệ với nhau rất chặt chẽ do đó mới nảy sinh ra yếu tố thứ ba là sự liên giao giữa tinh thần và vật chất hay giữa cái “Thật” và “Không Thật”. Ba yếu tố này được gọi là Ba Ngôi hay Tam Vị Nhất Thể (Trinity). Từ ngàn xưa, các đạo gia và hiền triết đã biết rõ về sự liên kết giữa con người và vũ trụ nên các đạo gia Ai Cập đã đề cập đến yếu tố Ba Ngôi này qua hình ảnh Osiris, Isis và Horus*; người Ba Tư gọi là Ahura Mazda, Asha và Vohumano**; và người Trung Hoa gọi đó là Thái Cực, Lưỡng Nghi và Tứ Tượng. Yếu tố ba ngôi này cũng được đề cập trong các tôn giáo lớn: Thiên Chúa giáo gọi là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần; Phật giáo tượng trưng bằng Đức Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Âm và Bồ Tát Thế Chí hay Đức Phật Thích Ca, Bồ Tát Phổ Hiền và Bồ Tát Văn Thù. Ấn Độ giáo gọi là Brahma, Vishnu và Shiva. Cũng như thế, con người được cấu tạo bởi ba phần chính là tinh thần, linh hồn và thể xác. Theo các hiền triết trên Tuyết Sơn, Tinh thần (Spirit) chính là hơi thở của Thượng Đế vì danh từ Spirit, gốc Latin Spiro, có nghĩa là hơi thở, hay điểm linh quang của Thượng Đế. Nó chính là “con người thật” (Chân ngã) của con người chứ không phải cái xác thân bằng xương bằng thịt như đa số đã hiểu lầm. Chương trình tiến hóa của nó là phải giáng xuống cõi vật chất để học hỏi kinh nghiệm. Vì tinh thần hay cái điểm linh quang này được cấu tạo bằng những nguyên tử rất thanh nhẹ, có tỷ lệ rung động rất cao khác hẳn với sự rung động nặng nề, ô trược của các nguyên tử thuộc cõi vật chất nên nó không thể giao tiếp với các rung động của cõi này mà cần phải có một yếu tố trung gian. Phần Tinh thần (Spirit) này tự phân tách ra mội phần nhỏ khác gọi là Linh hồn (Soul) làm trung gian tiếp xúc với xác thân. Điểm quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là Linh hồn chỉ là một phần nhỏ của phần Tinh thần được tạo ra để tiếp xúc với các rung động vật chất mà thôi. Trong sự tiếp xúc này, nó tự khoác lấy một ấn tượng, một hình ảnh có “tính cách cá nhân” mà ta gọi là Phàm ngã (Ego). Cái mà mọi người cho là mình hay Phàm ngã chỉ là một ảo ảnh không thật vì nó chỉ đóng vai trò trung gian rất thô thiển của “con người thật” (Chân ngã) mà thôi. Tuy nhiên trong sự tiếp xúc với các yếu tố vật chất để học hỏi và thu tập kinh nghiệm, cái “ảo ảnh” này đã khoác lấy một xác thân vật chất rồi tự gán cho mình một địa vị quan trọng như một “thực thể” có đời sống riêng biệt và chỉ hoạt động cho mục đích riêng của mình.
(*) Osiris là thần của thế giới bên kia. Ông được coi là con trai của thần Trái đất Geb và nữ thần bầu trời Nut. Isis là em gái và cũng là vợ Osiris. Horus là con trai của họ, được Isis sinh ra sau khi Osiris chết.
(**) Ahura Mazda là vị thần tối cao của Hỏa giáo, tượng trưng cho sự sống, ánh sáng. Asha là vị thần tượng trưng cho trí tuệ. Vohumano là vị thần tượng trưng cho hạnh phúc.
Sự đồng hóa một cái gì “không có thật” thành một cái gì “hiện hữu” này chính là sự hiểu lầm tai hại mà kinh điển Ấn giáo gọi là sự “Hiểu lầm nguyên thủy”; danh từ Thiên Chúa giáo gọi là sự “Sa ngã đầu tiên” và Phật giáo gọi là sự “Vô minh, lầm lạc”. Các hiền triết trên Tuyết Sơn cho biết: “Mục đích của kiếp người là học hỏi để biết rõ mình là ai, từ đâu đến, và sẽ đi về đâu. Khi con người ý thức mình không phải là Phàm ngã và nguồn gốc của mình vốn cao thượng chứ không thấp kém thì họ đã tiến được một bước rất xa rồi. Sự biết mình và ý thức sự tương quan giữa mình và vũ trụ chính là căn bản chính yếu của mọi tôn giáo”. Truyền thống phương Tây thường đề cập đến cái chén và chất rượu trong đó.
Cái chén tượng trưng cho sự hoàn hảo của vật chất nhưng nó không có một giá trị gì cho đến khi được rót chất rượu hay sự sống thiêng liêng vào. Cũng như thế, thể xác con người được tạo ra cho linh hồn tạm thời trú ngụ để học hỏi, thu tập kinh nghiệm và nó chỉ hoàn toàn phát triển khi được đặt dưới sự kiểm soát của phần tinh thần. Vì không biết mình chính là phần tinh thần bất diệt mà hiểu lầm rằng mình chỉ là phần xác thân tạm bợ nên con người đã để cho xác thân điều khiển. Vì chạy theo cảm xúc, như con ngựa bất kham không để ai điều khiển, con người mất tự chủ, buông thả theo sự lôi cuốn của dục vọng và hậu quả là họ gây đau khổ cho nhau. Sự đau khổ có giá trị của nó vì trong đau khổ mà con người học hỏi, rút kinh nghiệm và thay đổi. Trong cơ tiến hóa, phần tinh thần phải làm chủ thể xác, như viên kỵ mã kiểm soát con ngựa của mình một cách thuần thục. Sự tiến hóa của con người là sự khai mở mối liên hệ giữa con người thật hay Chân ngã và Phàm ngã để cho Chân ngã được biểu lộ mỗi ngày một rõ ràng hơn. Khi Chân ngã hoàn toàn làm chủ được Phàm ngã; thì con người hoàn tất sự nhập thế học hỏi và chuẩn bị bước vào trình độ tiến hóa của các bậc thánh nhân.
Luật Tiến hóa ấn định rằng mọi loài phải đi từ thấp lên cao, từ các loài vô tình như đất đá, cây cỏ rồi đến loài hữu tình như cầm thú rồi đến loài người trước khi bước vào giai đoạn tiến hóa của các vị thánh. Thật ra tiến hóa chỉ là những giai đoạn chuẩn bị để đưa con người trở về nguồn gốc cao quý lúc ban đầu. Danh từ Phật giáo gọi là sự hòa hợp với Chân Như và Thiên Chúa giáo gọi là sự hợp nhất với Thượng Đế.
Khi giải thoát, không còn chịu ảnh hưởng của luân hồi sinh tử, các bậc toàn thiện thường bỏ lại thể xác vật chất, vì các ngài đã sở hữu những quyền năng có thể khoác lấy bất cứ một hình hài, thể xác nào, để sử dụng theo ý muốn. Các ngài thường xuyên sống ở một cảnh giới cao cả nhưng đôi khi, vì một lý do gì hay cần giúp đỡ người nào, các ngài có thể hóa thân trở lại thế gian, khoác một thể xác tạm thời nào đó để giúp đỡ, an ủi, cứu giúp những người thế gian. Dĩ nhiên, những người tiếp xúc với các ngài không hề hay biết các ngài là ai và các ngài cũng chỉ làm việc này trong những trường hợp cần thiết mà thôi. Việc làm của các đấng cao cả thiêng liêng vô cùng, không ai có thể biết được. Có nhiều vị nghe tiếng kêu cầu của nhân loại đau khổ mà hóa thân xuống cứu giúp; có nhiều vị phóng ra những tư tưởng thương yêu tốt lành để cảnh tỉnh nhân loại; có nhiều vị gieo rắc hạt giống yêu thương và sự hiểu biết cho người có tinh thần hướng thượng, giúp họ hoàn tất những công việc phụng sự, giúp đời. Phần lớn việc làm của các đấng cao cả đều âm thầm, ít ai có thể hiểu nhưng tác động của nó thì to lớn vô cùng. Vì tình thương nhân loại mà các ngài thường xuyên giúp đỡ thế gian dưới muôn vạn hình thức khác nhau và tùy theo sự tin tưởng của tôn giáo, phong tục hay tập quán xã hội mà người thế gian gọi các ngài bằng những danh từ khác nhau như: Thiên Thần, Bồ Tát, Hóa Thân, Chân Sư Thánh Nhân, v.v…
Nhiều người không tin rằng các hành tinh vô tri mà cũng tiến hóa nhưng nếu quan sát qua kính viễn vọng, chúng ta sẽ thấy vũ trụ, với hàng triệu hành tinh, không hề bất động mà biến chuyển không ngừng với những hành tinh đang tàn lụi và các hành tinh khác được sinh ra. Thật ra điều này không có gì lạ vì mọi sự, mọi vật trong vũ trụ đều thay đổi theo một chu kỳ nhất định: Sinh ra, trưởng thành, suy hoại và tiêu vong (Thành, Trụ, Hoại, Diệt). Quả đất mà chúng ta đang sống cũng thế, nó được thành lập từ triệu năm về trước, đang phát triển nhưng rồi sẽ suy tàn và tiêu vong, có thể trong hàng triệu năm nữa.
Nếu nhìn một cách tổng quát hơn, chúng ta sẽ thấy quả đất chỉ là một hành tinh nhỏ trong Thái Dương Hệ và toàn thể Thái Dương Hệ cũng chỉ là một phần nhỏ của dải Ngân Hà (Galaxy). Và dải Ngân Hà cũng chỉ là một phần nhỏ của khối Tinh Vân (Nebular) đang xoay vần trong vũ trụ.
Sự hiểu biết của con người về vũ trụ tạm thời giới hạn ở đây nhưng một ngày nào đó, người ta sẽ khám phá rằng các khối Tinh Vân cũng chỉ là một phần nhỏ của một đại thể khác rộng lớn hơn nữa và cứ thế vô cùng tận. Tuy nhiên, vũ trụ không phải là cái gì hỗn độn, tình cờ và vô trật tự mà là một hệ thống tiến hóa với những quy luật hết sức rõ rệt. Luật vũ trụ điều khiển tất cả vạn vật, trong đó luật Tiến hóa xác định rằng mọi loài, mọi vật trên mọi hành tinh đều tiến hóa theo những chu trình đã được ấn định. Trong Thái Dương Hệ của chúng ta, sự tiến hóa khởi đầu với loài đất đá, kim thạch rồi qua loài thảo mộc, loài cầm thú sẽ tiếp diễn sau loài thảo mộc, và loài người tiếp sau loài cầm thú. Loài người có một chu trình tiến hóa nhất định, một giới hạn mà khi vượt qua, họ sẽ bước vào trình độ tiến hóa của các bậc hiền triết, thánh nhân rồi tiếp tục tiến hóa thành các bậc tiên thánh...
Nhiều người không tin những loài vô tri như đất đá, cây cỏ lại có thể tiến hóa được nhưng luật vũ trụ không hề có sự phân biệt. Trên diễn trình tiến hóa, loài đất đá vì được cấu tạo bằng các nguyên tử rung động nặng nề, thô thiển nên chưa phát triển được các thể tình cảm do đó nó có vẻ ù lì, không tri giác. Loài cây cỏ nhờ tiến hóa hơn nên đã có thể đón nhận vài rung động rất giới hạn. Sự phát triển của loài cầm thú đi song song với sự phát triển các thể tình cảm và đặc biệt là sự phát triển về phần hồn. Mỗi con thú đều có một linh hồn riêng biệt nên có cảm xúc, mặc dù tình cảm của chúng còn giới hạn. Tuy nhiên linh hồn con thú không tái sinh vào một thể xác độc lập như con người mà trở về khối hồn chung gọi là Hồn Nhóm (Soul Group). Điều này có thể ví như một hồ nước mà mỗi linh hồn con thú khi sinh ra như một bình nước được múc từ hồ lên và khi chết thì tựa bình nước được đổ trở lại vào cái hồ đó. Hiển nhiên, mỗi loài vật lại có các hồn nhóm khác nhau nên điều này giải thích tại sao những con vật đồng loại có tính tình, thể xác và hành động như nhau. Một con voi sẽ hành động như một con voi và một con chó sẽ hành động như một con chó chứ không thể khác được. Ngày nay, khoa học chứng minh rằng đó là yếu tố di truyền, nhưng yếu tố này chỉ là sự biểu lộ của sự sống tiềm ẩn trong hồn nhóm mà thôi.
Trong kiếp sống, con thú thu tập được các kinh nghiệm và học được những bài học nhất định. Khi chết, linh hồn của nó trở về hồn nhóm ví như một bình nước đã nhuộm màu được đổ trở lại cái hồ khiến cho màu sắc của nước trong hồ thay đổi. Nhờ đó một con thú sinh sau từ hồn nhóm đó sẽ tiến hóa hơn con thú đã sinh ra trước vì được chia sẻ sự học hỏi của con thú kia và đó chính là diễn trình tiến hóa của các loài cầm thú. Sự tiến hóa cứ thế tiếp diễn trong các sinh vật cho đến khi một con thú phát triển trọn vẹn những điều cần thiết thì hồn của nó không trở về hồn nhóm hay hồ nước kia nữa mà chuyển qua một nhóm khác của loài thú có trình độ tiến hóa cao hơn. Một con vật hung dữ có thể tiến hóa thành con vật thuần lương. Một con chó sói có thể đầu thai thành loài chó giữ nhà rồi được dạy bảo để trở thành loài chó được huấn luyện để hiểu được mệnh lệnh của loài người. Một con heo ù lì chỉ biết ăn với ngủ có thể sẽ tiến hóa thành loài trâu bò kéo cày và sau có thể chuyển kiếp qua loài khỉ vượn, tinh khôn lanh lợi hơn. Khi con thú phát triển trọn vẹn để có thể bước vào con đường tiến hóa của loài người thì lúc bỏ xác, hồn của nó sẽ trở thành một thực thể độc lập với một cá tính riêng biệt chứ không trở lại hồn nhóm nữa.
Khi thoát kiếp thú thành người, nó vẫn còn nhiều thú tính như ích kỷ, hung ác, say mê dục lạc nên gây nhiều đau khổ cho người khác. Đây là lúc nó tạo nhiều nhân xấu và sẽ gánh chịu hậu quả, nhưng theo thời gian, trải qua nhiều kiếp sống và vô số bài học khổ đau, con người bắt đầu học hỏi và kiềm chế các thú tính này. Con người tiến hóa của nhân loại kéo dài rất lâu, đưa con người từ hoàn cảnh này đến môi trường khác, từ quốc gia này đến quốc gia kia để học hỏi và kinh nghiệm. Có lúc họ sinh làm thân người nam, có khi sinh vào thân người nữ và con người dần dần thay đổi, từ thấp lên cao, từ xấu đến tốt, từ hung dữ trở nên thuần lương, từ ngu si trở nên sáng suốt. Khi đã học được những bài học cần thiết và phát triển được lòng bác ái, con người biết làm điều lành, tránh điều ác, giảm bớt ích kỷ, biết hy sinh cho kẻ khác và càng ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Trong chu trình tiến hóa, họ sẽ học hỏi kinh nghiệm về các định luật vũ trụ như Luân hồi, Nhân quả, Tiến hóa và biết rằng ngoài các yếu tố vật chất vô thường, nay còn mai mất, vẫn có một cái gì thiêng liêng, trường tồn tiềm ẩn bên trong. Họ sẽ ý thức được rằng đời sống không phải là môi trường để chém giết, tranh đua, mà để trở về sự thương yêu. Qua các kinh nghiệm này, họ biết chuyển hướng để góp phần phát triển một xã hội thực sự tiến bộ vì hạnh phúc không phải là vun vén, thu vào cho mình mà là sự phân phát, ban rải những gì mình có để giúp người, giúp đời. Khi con người ý thức được vai trò của mình với đồng loại cũng như sự tương quan giữa con người và môi trường sống xung quanh thì họ đã bước chân vào giai đoạn tiến hóa rất cao trước khi chuyển sang giai đoạn tiến hóa của các bậc hiền triết, thánh nhân.
Vì tiến hóa là luật vũ trụ nên sự tiến hóa xảy ra ở khắp nơi chứ không nhất thiết phải trong thế giới của chúng ta hay giới hạn trên quả địa cầu này. Con đường tiến hóa bao la vô tận, đi từ hoàn cảnh này đến hoàn cảnh khác, từ quốc gia này đến quốc gia khác, từ thế giới này đến thế giới khác, từ hành tinh này qua hành tinh khác và từ thái dương hệ này qua thái dương hệ khác. Mọi sinh vật đều tiến hóa theo những chu trình nhất định của hệ thống tiến hóa hay thiên cơ vĩ đại.
Theo sự học hỏi của tôi với các hiền triết trên Tuyết Sơn thì Thái Dương Hệ là một hệ thống mà trong đó mọi hành tinh đều có mức tiến hóa khác nhau và những sinh vật sống trên đó cũng tuần tự trải qua những chu trình tiến hóa nhất định. Thái Dương Hệ gồm có bảy cõi giới là: Tối Đại Niết Bàn (Mahaparanirvana), Đại Niết Bàn (Paranirvana), Niết Bàn (Nirvana), Bồ Đề (Boudhe), Thượng giới (Celestial), Trung giới (Astral) và Hạ giới (Physical). Mỗi cõi giới được cấu tạo bởi những nguyên tử có sự rung động khác nhau. Những người khai triển được quyền năng như Thần Nhãn, Thiên Nhãn, Huệ Nhãn, Phật Nhãn thì có thể thấy được những cõi giới kia. Đây là những khả năng tiềm ẩn bên trong mọi chúng ta và tùy trình độ tiến hóa mà nó tự nhiên khai mở chứ không phải một cái gì mà người ta có thể tìm kiếm được. Mục đích của con đường đạo chân chính là phát triển được các đức tính để trở nên tốt đẹp hơn, để sống đúng theo các chân lý cao thượng chứ không phải để phát triển quyền năng.
Con người được cấu tạo bởi nguyên tử của bảy cõi giới kia và những nguyên tử này kết hợp thành bảy thể (Bodies) tương ứng với bảy cõi giới ấy. Đó là: thể Xác, thể Vía, thể Phách, thể Hạ Trí, thể Thượng Trí, thể Bồ Đề và thể Thiêng Liêng. Ba thể Thiêng Liêng, Bồ Đề và Thượng Trí thì trường tồn, không thay đổi nhưng các thể như Hạ Trí, thể Phách, thể Vía và thể Xác thì luôn luôn thay đổi theo kiếp sống tùy theo sự chi phối của các luật vũ trụ như Nhân quả, Luân hồi.
Con đường tiến hóa trải qua rất nhiều giai đoạn nhưng đến khi làm người thì đây là một giai đoạn đặc biệt vì con người đã phát triển về thể Trí nên có thể quyết định số phận của họ. Họ có thể tiến hay lùi, đi nhanh hay đi chậm, và sống thuận theo đà tiến hóa chung hay đi ngược dòng tiến hóa của nhân loại. Vì đã phát triển về lý trí nên cơ hội học hỏi để tiến hóa của họ trở nên phức tạp hơn các loài cầm thú vốn sống bằng bản năng. Nếu tiếp tục tiến hóa, họ sẽ bước vào con đường của bậc hiền triết, thánh nhân và nếu tiến xa hơn nữa thì họ có thể trở thành một vị Chân Tiên cai quản một cõi trời, một vị Bồ Tát có thể đi khắp các cõi giới, và khi giác ngộ hoàn toàn sẽ trở thành một vị Phật.
Thể xác con người là một bộ máy hết sức tinh xảo với những giác quan đặc biệt nhưng ít ai biết rõ vì khoa học ngày nay chỉ chú trọng đến một phần rất nhỏ của nó hay các giác quan thể xác mà thôi. Căn bản của khoa học là sự lặp đi lặp lại một số điều kiện trong phòng thí nghiệm rồi đặt ra lý thuyết để giải thích các hiện tượng này chứ không để ý đến những điều mà họ không thể giải thích.
Khi sống trên Tuyết Sơn, tôi đã gặp nhiều đạo sĩ có thể làm những việc kỳ lạ như làm tim ngưng đập trong nhiều giờ, phi hành trên những sườn núi cao chênh vênh, tọa thiền trên băng tuyết lạnh giá mà vẫn không hề hấn gì. Các khoa học gia tuy biết thế nhưng vì không thể giải thích nên đã phủ nhận nó. Họ sợ những gì có thể làm đảo lộn giá trị của lý luận khoa học hiện nay. Thí dụ, khoa học cho rằng vì sống bằng thực phẩm, người ta chỉ có thể nhịn đói vài ngày hay nửa tháng nhưng không thể kéo dài quá lâu vì sẽ chết đói. Tôi đã gặp nhiều đạo sĩ ngồi thiền suốt mấy tháng trong động đá, chẳng ăn uống gì mà vẫn khỏe mạnh như thường. Khi tôi kể chuyện này cho các nhà khoa học, họ cho biết đã có những phái đoàn khoa học gia đi tìm hiểu về hiện tượng lạ lùng này nhưng vì không thể giải thích nên họ giữ thái độ im lặng.
Trong thời buổi khoa học là quyền uy tối thượng, không ai dại gì đưa ra những hiện tượng mà họ không thể giải thích vì nó sẽ gây hoang mang, khiến mọi người không còn tin tưởng tuyệt đối ở khoa học nữa. Bất cứ điều gì đi ngược lại sự giải thích của các khoa học gia đương thời đều bị coi là “phản khoa học” và người đề xướng sẽ bị chỉ trích nặng nề. Do đó, thay vì tìm hiểu thêm những khả năng đặc biệt này, khoa học lại chủ trương “những gì không thể chứng minh được thì không nên công bố”. Chủ trương “đơn giản hóa” tinh hoa tôn giáo để bành trướng thế lực là nguyên nhân của nhiều tranh chấp phe nhóm và đưa châu Âu vào hoàn cảnh đen tối của thời Trung cổ. Cũng như thế, các nhà khoa học ngày nay đã bỏ qua những cơ hội nghiên cứu về những hiện tượng không thể giải thích, những giác quan tiềm ẩn trong con người khiến cho khoa học bị giới hạn trong phạm vi các phòng thí nghiệm, không tiến xa hơn nữa.
Vì con người được cấu tạo bởi nguyên tử tương ứng với bảy cõi giới khác nhau nên tùy sự rung động của những nguyên tử này phù hợp với sự rung động của cõi nào mà con người khai triển những giác quan tương ứng với cõi đó. Nguyên tử cấu tạo thể xác của con người hiện nay có sự rung động tương ứng với cõi Hạ giới nên họ chỉ sử dụng được các giác quan tương ứng với cõi này hay giác quan thuộc về thể xác. Nhờ phát triển về lý trí, con người cố gắng làm chủ xác thân và đặt nó dưới sự kiểm soát của lý trí. Khi tâm kiểm soát được thân thì các giác quan thể xác sẽ không còn ảnh hưởng nhiều nữa, bằng chứng là những người có đời sống tinh thần rất cao ít khi chú ý đến nhu cầu thân xác. Nếu họ biết hướng tư tưởng vào những điều cao thượng, tâm thức của họ sẽ rung động đồng nhịp với sự rung động của các cõi giới cao hơn và giúp họ khai mở các giác quan của cõi này như thần nhãn, thiên nhĩ v.v...
Tôi muốn nhấn mạnh rằng quyền năng chỉ là những giác quan sẽ tự nhiên hoạt động khi tâm thức con người đạt đến một mức độ tiến hóa nào đó chứ không bao giờ là mục đích của con đường đạo. Khi các giác quan này khai mở, con người có thể nhìn được mọi sự, mọi vật một cách rõ ràng sáng suốt hơn. Thế giới của họ sẽ mở rộng và họ sẽ có một kiến thức thâm sâu hơn một người bình thường. Điều này có thể ví như một người suốt ngày chỉ ngồi trong nhà thì không thể hiểu biết bằng một người đã du lịch nhiều, giao thiệp rộng. Sự khai mở giác quan này chỉ là một tiến trình tự nhiên để giúp con người học hỏi, thu thập kinh nghiệm và giúp họ tiến hóa theo những chu trình đã được ấn định bởi những quy luật nhiệm màu của vũ trụ. Tất cả mọi chúng sinh đều có cùng một nguồn gốc nhưng ít ai ý thức được điều này cho đến khi tâm thức của họ mở rộng và đạt đến tâm thức Bồ Đề. Điều này có thể ví như một người đang sống ở đáy giếng, họ có thể ngẩng mặt để nhìn ánh sáng mặt trời nhưng đây là một ánh sáng bị giới hạn. Chỉ khi nào thoát ra khỏi cái giếng sâu đó thì họ mới thấy bầu trời rộng lớn bao la, và ánh sáng của Đấng Duy Nhất chiếu soi tất cả.
Trên đường tu học, việc nuôi dưỡng thể xác bằng các thức ăn tinh khiết thích hợp với các rung động thanh cao rất quan trọng. Các thức ăn như thịt cá mang vào thân thể chúng ta những nguyên tử thấp thỏi của loài cầm thú, làm khơi dậy những chủng tử nặng nề của giai đoạn tiến hóa trước và làm cản trở sự tiến bộ tâm linh. Mỗi loài thú đều có những đặc tính riêng nên khi ăn thịt chúng, con người sẽ thu hút vào mình đặc tính của con thú đó. Những con vật được nuôi để mổ thịt như gà vịt, trâu bò khi bị giết rất sợ hãi, đau đớn, có tư tưởng oán thù. Khi hấp thụ những nguyên tử này vào mình, người ăn vô tình đã mang vào trong thân thể họ mầm mống của sự lo sợ, giận hờn, nỗi đau đớn, quằn quại khi bị giết và hậu quả sẽ đưa đến những căn bệnh như ung thư, lở loét bao tử, cao huyết áp và đặc biệt là bệnh thần kinh.
Nhiều người không tin việc ăn thịt cá lại gây ra bệnh tật. Khoa học hoàn toàn phủ nhận lý luận này và chứng minh rằng bệnh tật là do vi trùng gây ra. Người ta đã trút tất cả tội lỗi cho vi trùng và tìm đủ mọi cách để giết những vi trùng gây bệnh. Thế nhưng, hễ trừ được bệnh này thì lại nảy sinh những loại bệnh tật khác ghê gớm hơn. Vào thời Trung cổ, bệnh dịch hạch là một đe dọa hết sức ghê gớm, giết hại gần một nửa dân số châu Âu. Khi khoa học phát minh ra những phương pháp trừ bệnh dịch hạch thì xã hội lại nảy sinh các bệnh khác như: ho lao, sưng màng óc và khi người ta trừ được các bệnh này thì lại nảy sinh bệnh ung thư, huyết áp cao v.v...
Nguyên nhân sâu xa của những căn bệnh này là do những yếu tố tiềm ẩn mà vi trùng chỉ là những tác nhân gây bệnh mà thôi. Ngày nay, nếu người ta quan sát những quốc gia có mức sống cao, thực phẩm dư thừa, dân chúng ăn nhiều thịt cá thì họ sẽ thấy tỷ lệ người mắc bệnh ung thư hay cao huyết áp gia tăng rất nhiều so với các quốc gia chậm tiến hơn. Khi khoa học không thể đổ lỗi cho vi trùng được nữa thì họ phải đặt ra một lý thuyết khác để giải thích và quan niệm dinh dưỡng qua việc phân loại thực phẩm được đề xướng. Dân chúng được khuyến khích tiêu thụ các loại thức ăn theo một tiêu chuẩn giới hạn để tránh bệnh tật nhưng khoa học chưa dám công bố rằng thịt cá hay thực phẩm do sự giết chóc là nguyên nhân chính. Các khoa học gia chưa nắm vững nguyên lý về sự liên quan giữa tinh thần và xác thân nên không thể giải thích tại sao xã hội càng văn minh, số người mắc bệnh thần kinh càng nhiều, nơi nào càng ăn nhiều thịt cá, số người gây tội ác như bạo động, sát nhân càng gia tăng.
Một người đi trên đường đạo và mở rộng lòng thương không thể tiếp tục ăn thịt cá vì nó ngăn trở việc phát triển tâm linh. Có người không đồng ý với tôi và lý luận rằng các loài ăn cỏ như trâu bò đâu phát triển tâm linh hay có tiến bộ gì! Điều tôi muốn trình bày là việc ăn rau cỏ chỉ là những yếu tố trợ giúp cho sự phát triển cá nhân, tránh mang vào thân thể những nguyên tử ô trược, nặng nề mà thôi. Ngoài ra, người ta còn phải thực hành các quy tắc cần thiết để kiểm soát thân cũng như tâm và học hỏi để phát triển những quang năng giúp họ tiến hóa. Các loài ăn cỏ như trâu bò chưa phát triển về lý trí mà sống bằng bản năng nên không phát triển tâm linh như loài người được, nhưng vì chỉ ăn rau cỏ nên bản tính của chúng thường hiền hòa không quá hung dữ như loài cọp beo.
Các hiền triết trên Tuyết Sơn còn cho biết thực phẩm có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa, phong tục và sự phát triển của các quốc gia. Nếu để ý quan sát, người ta sẽ thấy dân trí của những quốc gia tiêu thụ thực phẩm như rau trái, ngũ cốc thường hiền hòa, thuần hậu so với các quốc gia tiêu thụ nhiều thịt cá. Mỗi quốc gia đều có mức độ tiến hóa khác nhau tùy theo trình độ hiểu biết của các cá nhân sống trong đó. Một quốc gia phát triển huy hoàng là nhờ những linh hồn đã tiến hóa rất cao đầu thai vào đó để xây dựng, giúp cho xã hội trở nên phồn thịnh. Một quốc gia suy kém là do những linh hồn kém cỏi đầu thai vào để phá hoại khiến nó chóng suy tàn. Thời gian hưng thịnh hay suy tàn của một nước hoàn toàn do tập thể sống trong đó biết cách gìn giữ, bảo vệ và xây dựng hay chỉ biết hưởng thụ, tiêu pha những gì họ có thể sử dụng được. Ngày nay, đa số mọi người đều thẩm định trình độ phát triển quốc gia qua những tiêu chuẩn vật chất và cho rằng sự văn minh và tiến bộ của một quốc gia phải được xây dựng trên những lực lượng quân đội hùng mạnh hay đời sống xã hội với nhiều tiện nghi vật chất. Không mấy người hiểu rằng giai đoạn phát triển của một quốc gia hoàn toàn dựa trên những tiêu chuẩn thuộc phạm vi tinh thần và khi quốc gia đó bước vào địa hạt của những giá trị vật chất thì nó đang ở trong tiến trình suy thoái rồi. Hãy nhìn lại lịch sử, chúng ta đã học được gì ở những nền văn minh thời cổ như Ai Cập, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã hay những nền văn minh cổ xưa hơn nữa như Atlantis, Toltec và Lemuria. Tất cả những nền văn minh này sau giai đoạn phát triển cực thịnh đã suy tàn nhanh chóng vì người dân không biết gìn giữ gia sản tâm linh quý báu mà chỉ lo thụ hưởng những tiện nghi vật chất.
Có người hỏi tôi: Nếu như thế thì người ta phải làm gì để góp phần xây dựng cho sự tiến bộ chung của nhân loại? Theo tôi, người ta cần tu tâm sửa tính, loại bỏ các lầm lạc do sự thiếu hiểu biết về mình để cho con người thật hay Chân ngã hiển lộ. Trong đời sống này, người ta cần hướng tầm mắt lên những điều cao thượng, vượt các sự việc nhỏ nhen để tránh hao tốn thời giờ hay năng lực vào những việc vô ích. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải ngoảnh mặt trước các công việc bé nhỏ. Đôi khi một việc nhỏ lại có ý nghĩa lớn lao trong khi một việc dường như to tát lại hóa ra tầm thường nếu chúng ta không biết phân biệt rõ ràng. Giá trị mọi việc hoàn toàn tùy thuộc vào tinh thần làm việc hay động năng thúc đẩy người làm việc đó. Nếu người ta hành động với một tâm hồn trong sạch thì các khiếm khuyết về kỹ thuật không quan trọng lắm. Khi đã hiến mình cho lý tưởng cao thượng, con người cần đặt trọn vẹn tâm hồn vào mục tiêu cao cả đó và khi nào họ đã quên mình trọn vẹn, thì việc làm đó mới thực sự tốt đẹp vẹn toàn.
Tôi đã gặp nhiều người thích làm việc từ thiện, xã hội nhưng lại xem việc này như cơ hội để họ tự đề cao cá nhân. Đó không phải việc làm chân chính mặc dù họ đạt được kết quả khả quan. Một việc tốt nhưng làm bởi mục đích ích kỷ cũng khiến cho nó mất giá trị rất nhiều. Tôi đã gặp nhiều người có khả năng hoạt động rất cao nhưng vì thiếu ý thức nên họ chỉ hoạt động hữu hiệu khi được mọi người xung quanh tán thưởng hay để ý đến. Tuy thành công nhưng động năng thúc đẩy họ làm việc đó lại hoàn toàn vì quyền lợi riêng chứ không phải lợi ích chung. Thánh Francis thành Assisi*** đã hỏi: “Có ai đã phụng sự Thượng Đế mà không đòi hỏi gì không?”. Ngài giải thích rằng chỉ có sự làm việc chân thành, không mong cầu, không ao ước, không xin ban thưởng gì khi còn sống cũng như không mong được vào Thiên Đàng khi chết, mới là phụng sự chân chính và trong sạch nhất. Ngài nhấn mạnh: “Chỉ những ai làm được điều đó mới xứng đáng thành người ban rải tình thương của Thượng Đế”. Thử hỏi trong xã hội văn minh tiến bộ hiện nay, đã mấy ai có thể phụng sự chân thành như thế?
(***) Thánh Francis thành Assisi còn gọi là Thánh Francis Khó Khăn, là một tu sĩ Công giáo đã sáng lập ra Dòng Anh Em Hèn Mọn. Giáo hội xem ông là Thánh bổn mạng của loài vật, chim trời, môi trường và nước Ý. Ngày lễ kính Thánh Francis là 4 tháng 10.