Việc học hỏi với các hiền triết trên Tuyết Sơn không diễn ra trong lớp học như nhiều người thường nghĩ mà trong sự gặp gỡ, sinh hoạt hoặc qua sự liên lạc bằng tư tưởng. Hàng ngày, các đệ tử thường kéo đến tụ họp trước nhà các ngài để nghe dạy bảo. Phần lớn những người này sống ở các làng mạc xung quanh vùng, nhưng thỉnh thoảng cũng có một số người ở xa tìm đến. Mặc dù thầy và trò có thể liên lạc bằng tư tưởng qua cây cầu tâm thức nên việc gặp gỡ thường xuyên để học hỏi không hẳn là cần thiết nhưng nhiều người vẫn thích tìm đến để được khuyên dạy trực tiếp.
Hôm đó sau khi vắn tắt vài lời với các học trò, hiền triết Kuthumi đã quay qua một đệ tử đến từ miền nam xứ Ấn và ân cần khuyên: “Này Ajuta, cho đến nay, con đã thi hành rất đúng đắn những công việc ta giao phó cho con. Ta đã đưa đến cho con nhiều cơ hội để phụng sự nhân loại và lần nào con cũng làm một cách trọn vẹn. Từ nay, ta sẽ trao cho con nhiều cơ hội quan trọng hơn nữa, và sự tiến bộ của con sẽ tùy nơi con hành xử những việc đó. Con cần biết rằng sự hoàn hảo trong những công việc nhỏ sẽ dẫn dắt đến những việc lớn hơn. Con có một khả năng thương yêu rộng rãi, đã gieo rắc những điều tốt lành khắp nơi nhưng con chớ nên tự mãn. Ta thấy trong bông hoa tâm linh của con vẫn còn ẩn nấp những con sâu nhỏ của sự kiêu hãnh mà nếu con không cẩn thận, một con sâu nhỏ có thể làm hư hại cả một đóa hoa tươi đẹp. Này Ajuta, con cần phải khiêm tốn hơn nữa nếu muốn đạt đến sự minh triết cao cả và ngay khi đạt được sự minh triết ấy rồi thì con lại càng phải khiêm tốn hơn nữa. Con cần trau dồi đức tính này cho đến khi nào nó hoàn toàn thấm nhuần khắp làn da, thớ thịt trong thân con, chi phối mọi tư tưởng của con, cho đến khi con không còn thấy có việc để làm, có người để giúp đỡ thì con mới đạt đến sự hợp nhất thực sự”.
Ngài quay sang một đệ tử khác, ôn tồn nói: “Này Deependra, ta biết tâm nguyện của con là phụng sự nhân loại nhưng con đường này đòi hỏi một sự cảnh giác không ngừng. Lý tưởng quên mình để lo cho người khác là tấm khiên chắc chắn giúp con chống lại những tư tưởng nhỏ mọn vẫn còn lởn vởn quanh tâm thức con. Chỉ một giây xao nhãng, nó sẽ gây trở ngại cho con. Ta biết sự an lạc chưa đến với con trong lúc này. Ta cũng biết những người đang chung sống với con không hiểu con, không giúp đỡ gì cho con, nhưng việc chính của con là tiếp tục con đường mà con đã chọn. Con chớ tự mãn với thành tích đạt được mà phải tiếp tục đi nữa. Một kẻ phụng sự không bao giờ được ngơi nghỉ khi thế gian còn cần đến họ. Kẻ đi trên đường phụng sự phải biết chịu đựng những đắng cay, chua chát mà người thế gian, vì không hiểu biết, đã tạo ra cho họ. Mọi sự bất mãn, khó chịu hay những lời nói, dù chỉ để biện minh việc làm của mình, cũng cần phải tránh. Hãy giữ thái độ yên lặng, khiêm tốn và đừng bao giờ làm gì mà không suy nghĩ trước rằng điều mình nói ra có dễ nghe và hữu lý hay không. Ta biết con đã cố gắng rất nhiều nhưng con cần phải cố gắng hơn nữa để dẹp bỏ những tư tưởng vô ích đang lẩn quẩn trong đầu óc của con. Ngay những lý luận để giải thích về việc làm của mình cũng là điều không cần thiết. Kẻ đi trên đường phụng sự nhân loại phải biết lấy sự thiệt thòi của mình làm hành trang, lấy tình thương làm phương châm xử thế với mọi người vì không có tình thương thì mọi việc làm chỉ là những điều vô ích, như nước tưới lên sa mạc mà thôi. Này Deependra, con đã lựa chọn con đường hy sinh và biết trước rằng đây là con đường đầy chông gai, hiểm trở rất khó đi. Con cần ý thức thêm rằng kẻ đi trên đường này không làm những gì họ thích mà chỉ làm những gì để giúp đỡ người khác thôi. Giây phút nào mà con không sử dụng để giúp đỡ người khác thì đó là giây phút lãng phí. Tuy nhiên con không đi trên con đường này một mình vì hiện nay có nhiều người khác cũng đang phụng sự nhân loại như con và họ cũng đang trải qua những điều mà con đang kinh nghiệm. Con đừng bỏ lỡ cơ hội để phụng sự thế gian, mặc dù ta vẫn thường xuyên dõi theo con nhưng ta không thể làm việc này thay cho con được. Sự cố gắng phải do chính con tạo ra. Con hãy làm một cách chu đáo và trung thành với lý tưởng cao quý mà con đã chọn. Ta ban ân huệ cho con”.
Ngài mỉm cười và nói với một đệ tử khác đến từ Mumbai: “Hỡi Deshanda, ta rất vui khi biết con đã làm được nhiều điều tốt trong việc hướng dẫn, giúp đỡ những người thấp kém hơn con. Không việc gì tốt đẹp hơn việc giúp người và nhờ vậy con đã gặp lại một người bạn cũ. Ta biết hai con đã từng làm việc với nhau trong nhiều kiếp nên lần này công việc chung sẽ có nhiều hiệu quả tốt đẹp hơn. Hai người chắc chắn phải hơn một người rồi! Con đã khởi sự đúng đắn, vậy con hãy tiếp tục công việc đã được giao phó với lòng tin sắt đá rằng con đã đi đúng con đường mà con đã chọn từ nhiều kiếp trước đây”.
Một người không có kiến thức về sự liên hệ giữa thầy và trò của người phương Đông chắc hẳn sẽ ngạc nhiên và tự hỏi làm sao một người sống ẩn dật trên rặng Tuyết Sơn hoang vu lại có thể biết rõ tư tưởng và hành động của những người sống trong thành phố cách đó hàng ngàn dặm? Rõ ràng, đây là bằng chứng rất rõ về cây cầu tâm thức và sự hướng dẫn học trò của các vị thầy phương Đông. Các ngài thường xuyên theo dõi và liên lạc với học trò bằng phương pháp “thần giao cách cảm” mà khoa học ngày nay chưa thể giải thích.
Có người nói với tôi rằng các bậc hiền triết ắt hẳn phải có những lời dạy bảo cao siêu chứ những lời nói trên quá giản dị, làm sao có thể hướng dẫn giúp ai trong đời sống phức tạp, quay cuồng! Họ không biết rằng các hiền triết vốn rất ít nói và khi nói, các ngài đều sử dụng những lời khuyên chân thành, giản dị để đi thẳng vào lòng người. Người đi trên đường đạo là người biết từ bỏ cái thế giới của họ để bước vào thế giới của các hiền triết, nghĩa là biết gạt bỏ những hình thức hào nhoáng của ngôn ngữ để bước vào thế giới của tư tưởng, mà trong đó mọi sinh hoạt đều giản dị với những nguyên tắc rõ ràng, minh bạch. Họ phải biết sống chân thật, hồn nhiên vì đây là chìa khóa để mở cánh cửa tâm linh mầu nhiệm vẫn khép kín từ trước đến nay. Đức Jesus đã dạy: “Các ngươi không bao giờ có thể bước chân vào Thiên Đàng trừ khi các ngươi thức tỉnh và trở lại ngây thơ như con trẻ”. Phải chăng điều này có nghĩa rằng người ta không thể nào bước vào thế giới tâm linh khi trong lòng còn ham thích những hình thức bên ngoài, những hào nhoáng của ngôn ngữ và quan niệm tham lam ích kỷ của thế gian?
Truyền thống giáo dục phương Đông không tổ chức thành lớp học hay phân chia trình độ học trò như phương Tây. Các hiền triết tuyển chọn học trò, quy tụ thành nhóm để dạy đạo nhưng các ngài không giảng dạy nhiều nên học trò học được gì đều do sự quan sát cách hành xử của thầy. Phương pháp giáo dục này được gọi là “Thân giáo”, không dạy bằng lời nhưng bằng hành động, và theo tôi, đây là đường lối giáo dục chân chính nhất. Người phương Tây lại thích những vị thầy có tài hùng biện nhưng phần lớn những người này chỉ có khả năng sử dụng ngôn ngữ tài tình chứ thật ra bên trong chưa chắc đã có gì. Vì các hiền triết đã đạt đến trình độ tiến hóa cao nên quanh các ngài đều có những rung động tốt lành và học trò gần cận sẽ tiếp nhận được ảnh hưởng thanh cao đó. Nếu họ phát triển các đức tính cao thượng và có những rung động tương tự thì sự cảm thông giữa thầy và trò trở nên vô cùng mật thiết. Khi đó họ không cần phải sử dụng ngôn ngữ nữa, mà có thể thông cảm nhau qua tư tưởng vì họ có thể đọc rõ tư tưởng của nhau một cách dễ dàng. Một vị thầy như thế sẽ hiểu rõ học trò hơn ai hết và có thể giúp học trò phá vỡ những thành kiến sai lầm, để quán triệt chân lý một cách hiệu quả. Vì trình độ học trò không giống nhau nên các vị thầy phải áp dụng những phương pháp khác nhau để hướng dẫn. Do đó đường lối giáo dục của người phương Đông không chú trọng đến số lượng mà đề cao đến phẩm hạnh. Sự quy tụ họ thành một nhóm cùng nhau tu học cũng tạo ra những luồng tư tưởng hỗ tương, giúp cho sự phát triển các đức tính cao đẹp nói chung.
Sau thời gian dự bị (Probation), những người vượt qua các thử thách sẽ được tuyển chọn thành đệ tử chính thức. Đây là một thay đổi lớn trong đời người đệ tử và cũng là lúc cây cầu tâm thức giữa thầy và trò được nối liền vĩnh viễn. Tôi muốn nhấn mạnh rằng được thu nhận làm đệ tử chỉ là bước đầu của con đường đạo. Người đệ tử càng phải học hỏi, phát triển các khả năng phụng sự hơn nữa để tiến hóa thành người hướng dẫn, để trở thành những bậc thầy, những bậc hiền triết.
Tôi xin thuật lại một cuộc lễ nhập môn chính thức như sau:
Hôm đó, đám học trò chúng tôi đến nhà hiền triết Kuthumi. Chúng tôi thấy ngài và hiền triết Morya đang đàm đạo với nhau nên rụt rè đứng chờ ngoài hành lang. Vừa thấy chúng tôi, hai ngài đã ra dấu cho chúng tôi bước vào. Sau khi chờ cho chúng tôi an tọa thì hiền triết Kuthumi quay sang Miranda, một đệ tử dự bị đã theo học với ngài từ nhiều năm và nói: “Này Miranda, con có sẵn sàng làm việc dưới sự hướng dẫn của ta và cương quyết hiến mình để phụng sự nhân loại không?”
Tôi biết rõ Miranda rất tôn kính đức Kuthumi và đã hoàn tất rất nhiều việc mà ngài giao phó nên không ngạc nhiên khi thấy anh này cung kính trả lời rằng đã sẵn sàng. Hiền triết Kuthumi mỉm cười nói: “Ta rất hài lòng về những cố gắng của con và hy vọng rằng con sẽ tiếp tục như thế. Việc làm và lòng dũng cảm để vượt qua những khó khăn, thử thách của con thật đáng khen; do đó ta quyết định thâu ngắn thời kỳ dự bị của con. Ta rất mừng khi thấy con đã lựa chọn con đường ngắn nhất nhưng khó nhất là hy sinh tất cả để hướng dẫn người khác cùng đi trên con đường phụng sự này. Lòng thương yêu chân thành của con là một sức mạnh rất lớn và ít ai có thể giữ vững nó một cách hoàn toàn tinh khiết, không ô nhiễm. Con đã làm được điều này và sự tiến bộ của con hoàn toàn do chính con đã giữ được ngọn lửa bác ái trong tâm hồn luôn luôn chói sáng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Con đã phát triển tinh thần độc lập và ý chí bất khuất trước mọi nghịch cảnh, nhưng ta mong con sẽ phát triển thêm về sự phân biệt và khả năng quyết định mau chóng hơn nữa. Nếu thấy sự gì cần làm thì con hãy làm ngay chứ đừng đắn đo suy nghĩ nữa. Dù sao con đã cư xử đúng đắn trên nhiều lĩnh vực và ta rất hài lòng về sự tiến bộ của con”.
Ngài ngưng nói, chăm chú nhìn Miranda rồi đưa tay đặt lên đầu anh này với một cử chỉ âu yếm: “Ta thâu nhận con làm đệ tử chính thức theo đúng các nghi thức cổ truyền”.
Khi ngài vừa dứt lời thì căn phòng chợt bừng sáng lên bởi một luồng ánh sáng thiêng liêng. Hầu như mọi người hiện diện đều được thấm nhuần luồng từ điện phát ra nơi ngài và cảm thấy bình an vô tả. Đức Morya cũng lên tiếng: “Con còn trẻ mà đạt đến trình độ này quả thật là hiếm có. Ta có lời khen ngợi. Kể từ nay con hãy cố gắng sống làm sao cho xứng đáng với trình độ mà con đạt được”.
Buổi lễ nhập môn diễn ra giản dị như thế thôi nhưng về sau tôi được biết, nếu người ta quan sát nó qua khả năng Thần Nhãn (The Third Eye) thì họ sẽ thấy những luồng ánh sáng rực rỡ phát ra quanh vị thầy bao trùm lên học trò. Khi vị thầy đặt tay lên đầu học trò thì luồng hào quang của thầy đã bao phủ và hòa hợp với luồng hào quang của học trò. Lúc đó tâm thức học trò sẽ rung động đồng nhịp với tâm thức của thầy. Cây cầu tâm thức giữa thầy và trò được hoàn tất và từ đó dù xa cách muôn trùng, tâm thức của học trò sẽ vĩnh viễn rung động đồng nhịp với tâm thức của vị thầy. Nhờ những rung động thanh cao này mà các giác quan cao thượng của học trò sẽ được khích động và khai mở. Nếu học trò tiếp tục học hỏi, biết cư xử đứng đắn thì họ sẽ trở thành một con đường vận hà của những luồng thần lực rất lớn và từ đó việc gì họ cũng có kết quả vô cùng tốt đẹp.
Không một người nào được thâu nhận làm đệ tử nếu họ không biết cách hướng dẫn luồng thần lực vĩ đại đó từ trong tâm hướng ra ngoài để giúp đỡ người khác. Thông thường người ta chỉ muốn thu hút chứ mấy ai muốn cho ra và nếu có cho ra chút gì thì họ lại muốn thu vào nhiều hơn thế nữa. Vì thói ích kỷ này mà con người chỉ thu hút được những tư tưởng lộn xộn, tiêu cực khiến tâm hồn họ trở nên lạnh lùng, chai đá. Một người đã được chọn làm đệ tử phải biết cách hướng dẫn luồng thần lực mà y nhận được từ vị thầy để ban phát cho muôn loài chúng sinh. Tâm thức của người đệ tử có thể ví như một cái phễu đón nhận luồng thần lực từ cõi cao tuôn tràn xuống để phân phát cho người xung quanh. Vì là người ban rải tình thương nên tâm hồn của họ trở nên phong phú khiến họ biến thành một khí cụ hoàn hảo hơn trên con đường đạo.
Một đệ tử phát nguyện làm kẻ ban rải tình thương sẽ thường xuyên cảm thấy một sức mạnh nồng nhiệt của luồng thần lực dồi dào, của khối tình thương từ cõi trên chuyển xuống đi xuyên qua thân thể họ như một khối lửa. Nếu biết tập trung tư tưởng theo dõi luồng thần lực đó đi về đâu thì họ có thể biết được các đấng cao cả đang ban phát ân huệ, gieo rắc các rung động tốt lành như thế nào. Tuy nhiên người đệ tử cần ý thức rõ ràng rằng họ chỉ là con đường vận hà của luồng thần lực phát xuất từ vị thầy và vị thầy cũng chỉ là con đường vận hà của những luồng thần lực phát xuất từ các đấng cao cả hơn mà thôi. Một hiểu lầm tai hại của những người vừa sở hữu khả năng này là sự đồng hóa mình với luồng thần lực vĩ đại kia. Vừa kinh nghiệm được chút ít quyền năng, họ lầm lạc nghĩ rằng mình đã đắc thần thông, sở hữu quyền năng, chứng đắc quả vị này nọ và có quyền ban phúc, giáng họa cho mọi người. Thay vì khiêm tốn thực hành những điều cao đẹp đã được dạy bảo, họ lại để cho Bản ngã phát triển và nghĩ rằng mình đã trở thành một “đấng” nào đó có phép thần thông biến hóa. Một số tự xưng là thầy, là tổ sư, hay tệ hơn nữa, tự nhận mình là giáo chủ có quyền phép để thành lập môn phái, thu nhận đệ tử, bành trướng thế lực, để thỏa mãn các ước vọng thầm kín. Họ quên rằng khi vừa được nhận làm đệ tử, họ chỉ là kẻ mới nhập môn, vừa đặt chân vào con đường tiến hóa chứ chưa đi được bước nào đáng kể. Dù đã vượt qua vài thử thách nhưng đường đạo còn dài, đầy chông gai thử thách mà chỉ một số ít đi trọn vẹn để trở thành các bậc hiền triết. Do đó tôi không ngạc nhiên khi thấy một vài đệ tử sau một thời gian làm việc bỗng đổi tính, làm những việc kỳ lạ, như tự xưng có địa vị rất lớn, thu nhận học trò bừa bãi rồi đi lạc vào con đường tà muội, khác hẳn với mục đích cao đẹp ban đầu.
Tất nhiên vị thầy theo dõi tâm thức học trò và biết rõ việc này hơn ai hết; nhưng vì hiểu rõ luật Nhân quả nên họ không can thiệp mà để cho luật vũ trụ hành động. Họ chỉ cắt đứt cây cầu tâm thức giữa thầy và trò, và rút đi luồng ân huệ mà họ đã chuyển qua cho học trò. Thật là bất ngờ khi học trò bị ngăn cách với vị thầy như thế. Tôi đã thấy một vài người chới với, hụt hẫng. Họ mất hết quyền năng, trở lại là một người bình thường như trăm ngàn người khác. Lúc đó họ chỉ có hai giải pháp để chọn lựa: Một là ăn năn sám hối vì biết mình chưa kiềm chế được Bản ngã, xin trở về tu học với vị thầy cũ để rèn luyện tâm tính, xem việc vừa xảy ra như một thử thách mà họ đã thất bại. Hai là tiếp tục con đường tà muội dưới các hình thức quảng cáo, khoe khoang sự hiểu biết của họ trong quá khứ và sử dụng mánh khóe tiểu xảo để bịp đời. Phần lớn đều chọn giải pháp thứ hai vì ít ai có thể kiềm chế được Bản ngã. Họ trở thành những thầy pháp, thầy phù thủy, hay giáo chủ của tôn giáo mà họ đã tạo ra để lôi cuốn những kẻ hiếu kỳ, nhẹ dạ. Họ sử dụng các hình thức quảng cáo, hứa hẹn quàng xiên và hưởng thụ những phẩm vật dâng cúng của tín đồ. Và họ sẽ phải gặt hái hậu quả vì gieo nhân nào gặt quả đó vì luật vũ trụ không bao giờ sai trật.
Con đường tinh thần là một lối đi mà trong đó con người hoàn toàn tự do quyết định số phận của mình. Họ có thể tiến hoặc lùi, đi nhanh hoặc đi chậm và hoàn toàn lãnh chịu mọi hậu quả hành động của mình theo các định luật vũ trụ như Luân hồi, Nhân quả. Bước vào cửa đạo là một bước tiến rất lớn nhưng càng lên cao, thử thách càng lớn; càng đắc quả lớn, thử thách càng khó khăn hơn. Do đó các hiền triết luôn luôn khuyên học trò phải biết khiêm tốn, quay vào bên, thẩm xét chính mình để kiểm soát Bản ngã nên làm những việc phù hợp với trình độ và khả năng của mình mà thôi.
Tôi đã gặp nhiều người có tinh thần phụng sự rất cao, làm được nhiều việc đáng kể nhưng họ quá mải miết với việc giúp người mà lãng quên công phu tu tập của chính mình. Họ quá say mê việc cứu nhân độ thế mà lại chểnh mảng việc quán xét nội tâm để kiểm soát Bản ngã. Sau một thời gian, họ để Bản ngã chi phối lúc nào không biết. Họ trở nên kiêu ngạo, thích dạy bảo người khác, muốn được người đời xưng tụng. Họ ra những chương trình lớn lao mà quên rằng khả năng của họ còn giới hạn nên ít khi thành công.
Trên đường tinh thần, việc giữ quân bình trong tư tưởng và hành động đòi hỏi một công phu tu tập với kỷ luật tự giác rất cao. Từ ngàn xưa, các đấng giáo chủ đã đặt ra những giới luật nghiêm cẩn để giúp các tín đồ tránh các cám dỗ lầm lạc này. Tiếc thay ngày nay nhiều người không hiểu rõ lợi ích của các giới luật đó mà cho rằng nó chỉ là những điều đã lỗi thời, làm cho mất tự do nên không mấy ai tuân hành cẩn thận. Có lẽ vì thế mà ngày nay không mấy người đi xa trên đường tinh thần so với thời xưa.
Dù đã được các hiền triết thu nhận hay mới chỉ trong giai đoạn dự bị, người đệ tử cần ý thức rằng đây là một con đường hết sức chông gai, đầy thử thách chứ không bằng phẳng dễ đi. Do đó, người đi phải tập tính kiên nhẫn cương quyết đi cho đến cùng, mặc dù thất bại nhiều lần. Bất kể vấp ngã bao lần, họ vẫn phải đứng dậy dũng mãnh tiến bước. Dù đó là thử thách lần đầu hay lần thứ mấy trăm ngàn họ vẫn phải bền chí vì mỗi thất bại là một bài học mà họ cần phải học, mỗi vấp ngã là một kinh nghiệm mà họ cần phải trải qua. Chỉ như thế họ mới khắc phục được những khó khăn sau này vì sự tiến hóa của con người không giới hạn trên địa hạt vật chất mà còn cả lĩnh vực tinh thần.
Theo các hiền triết trên Tuyết Sơn, sự rèn luyện ý chí, trau dồi phẩm hạnh và kiểm soát tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn đối với những giác quan tế nhị và tinh vi của phần tinh thần. Bình thường, có nhiều việc mà con người không thể làm được vì giới hạn vật chất nhưng nếu biết áp dụng những giác quan thuộc phần tinh thần, con người có thể làm được nhiều việc phi thường. Thí dụ, một người bình thường không thể nhấc tảng đá nặng một tấn lên được, dù đó là một lực sĩ khỏe mạnh đã tập luyện cẩn thận vì bắp thịt con người có giới hạn. Tuy nhiên với sự luyện tập ý chí và sử dụng giác quan của thể tinh thần, người ta có thể nhấc tảng đá hàng tấn lên một cách dễ dàng. Điều này xét ra có vẻ khó tin và phản khoa học, nhưng khoa học xây dựng trên căn bản giới hạn của vật chất không thể giải thích được những hiện tượng siêu nhiên vượt ngoài áp lực vật chất được. Trong thời gian sống trên Tuyết Sơn, tôi đã chứng kiến nhiều điều mà một người bình thường cho là “phép lạ”. Tôi đã thấy có những đạo sĩ có thân thể gầy gò, mình hạc sương mai nhưng có thể nhấc bổng những tảng đá khổng lồ, nặng cả tấn lên để lấp cửa hang vì không muốn ai quấy nhiễu sự tĩnh tu của họ. Một số người khác mặc áo mỏng ngồi thiền trên tuyết lạnh ngày đêm mà không hề hấn gì. Hiển nhiên, họ không sử dụng bắp thịt mà áp dụng một sức mạnh nội tạng, một sức mạnh siêu nhiên mà khoa học chưa thể giải thích. Họ không làm thế để biểu diễn mà làm nó một cách tự nhiên như hàng trăm việc tương tự vẫn xảy ra trên rặng núi quanh năm phủ đầy tuyết trắng này.
Hiền triết Kuthumi cho biết: “Con người sử dụng giác quan thể xác vì đó là những hành động tự nhiên như đi đứng, nằm ngồi nhưng thật ra thể xác chỉ hoạt động dưới sự kiểm soát của tư tưởng. Nếu không có tư tưởng, thể xác kinh tế không thể hoạt động”. Tư tưởng có trước hành động, tư tưởng ra lệnh cho giác quan hành động. Tuy nhiên vì thói quen, đa số đã hành động một cách tự nhiên chứ không quan tâm tới việc này. Do đó, tư tưởng của họ trở nên máy móc vì họ không ý thức đến nó nữa. Một tư tưởng máy móc sẽ đưa đến những hành động có tính cách máy móc. Thiếu sự ý thức của tư tưởng, mọi hành động của con người sẽ trở nên vô ý thức. Trong cuộc sống vội vã hiện nay, con người đã ít nhiều bị điều kiện hóa bởi các yếu tố xung quanh nên đầu óc của họ càng ngày càng lệch lạc, toan tính, không thể kiểm soát tư tưởng được nữa. Do đó, họ sống và hành động theo thói quen của tập quán, xã hội và tiêm nhiễm mọi thói hư tật xấu. Trong tiến trình tu tập, việc kiểm soát tư tưởng hết sức quan trọng vì có kiểm soát được tư tưởng hoàn toàn thì họ mới có thể sai khiến được mọi giác quan, kể cả những giác quan thuộc về tinh thần và làm được nhiều điều phi thường.
Khi sống trên Tuyết Sơn, tôi gặp một đạo sĩ chỉ khoác tấm áo mỏng ngồi thiền trên băng tuyết. Khi hỏi về cách luyện tập thì ông cho biết nếu con người nghĩ rằng thân thể của họ không thể chịu nổi thời tiết giá lạnh thì không bao giờ họ có thể làm được việc này. Khi đã có những tư tưởng tiêu cực thì không bao giờ người ta có thể làm những việc tích cực được. Vì khoa học đã nói rằng thân thể con người không thể chịu đựng được thời tiết lạnh gắt gao và mọi người tin như thế nên đa số không thể làm được việc này. Mặc dù đạo sĩ cho biết rằng ông đã được thực hành một phương pháp khí công, thở hít và dẫn hơi thở đi khắp thân thể theo các kinh mạch đặc biệt, nhưng theo ông, đó chỉ là việc phụ và tư tưởng vẫn là yếu tố chính. Ông kết luận: “Bất cứ ai cũng có thể học phương pháp khí công nhưng rất ít ai có thể mình trần ngồi trên tuyết lạnh trong nhiều ngày mà không hề hấn gì, trừ khi họ có một tinh thần vững mạnh và công phu kiểm soát tư tưởng rất cao”.
Một số người thắc mắc về cây cầu tâm thức giữa thầy, trò và tỏ ra nghi ngờ về hiện tượng này, nay tôi xin kể một việc đã xảy ra với chính tôi như sau: Lần đó hiền triết Kuthumi nhờ tôi chuyển giao thông điệp cho một nhân viên cấp cao trong Chính phủ Anh mà tôi không hề quen biết. Lúc đó, tôi đã trở về Luân Đôn trông coi giáo khu Bramshott thì nhận được thông điệp bằng tư tưởng này. Tôi lúng túng không biết phải làm gì nhưng khi sư phụ đã yêu cầu thì tôi phải hoàn tất. Sau một lúc đắn đo, tôi liên lạc với văn phòng Thủ tướng để gặp nhân viên nọ. Khi bước vào phòng làm việc của ông, tôi lễ phép nói: “Thưa ông, sư phụ tôi có nhờ tôi chuyển cho ông một bức thư riêng. Tôi không có bằng chứng gì để chứng minh với ông rằng đây là bức thư của thầy tôi nên xin tùy ông muốn nghĩ thế nào cũng được”. Nói xong, tôi đưa bức thư mà chính tay tôi đã viết ra giấy sau khi đọc được thông điệp bằng tư tưởng, dĩ nhiên tôi biết rõ nội dung bức thư, trên hình thức nó không có gì quan trọng, chỉ vài lời thăm hỏi thân hữu nhưng bề ngoài giản dị đó lại hàm chứa những ẩn nghĩa sâu xa mà người ngoài cuộc không thể hiểu được.
Vừa đọc xong bức thư, ông ta đã nồng nhiệt nói ngay: “Xin đức Giám mục đừng ngại vì tôi nhận ra ngay luôn lối hành văn của đức Kuthumi. Không ai có thể mạo nhận lời văn như thế được. Có lẽ Giám mục không hiểu được tầm quan trọng của bức thư này đâu nhưng tôi xin cám ơn ngài đã mang đến đây cho tôi bức thư này để giúp tôi giải quyết được một vấn đề nan giải khiến tôi bận tâm suy nghĩ bao lâu nay”. Sau này tôi được biết bức thư đó rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với hoàn cảnh châu Âu lúc đó, nhưng thú thật tôi vẫn không hiểu nội dung bức thư nói gì mặc dù chính tôi là kẻ đã viết nó ra giấy.
Nhờ cây cầu tâm thức liên kết giữa thầy và trò mà đôi khi người đệ tử có thể thẩm định tư tưởng của mình theo đường lối suy nghĩ của vị thầy. Họ có thể nhận định, hòa nhập tư tưởng của mình với tư tưởng của thầy để kiểm điểm xem việc làm của mình như thế nào trước khi quyết định. Điều này cũng như việc sử dụng một cái thước để đo lường một vật gì chứ không phải việc thụ động nhờ thầy quyết định giùm vì các hiền triết không bao giờ bị học trò lạm dụng điều đó. Đây là phương pháp so sánh tư tưởng trước một việc khó khăn để kiểm điểm sự thẩm định của người đệ tử đó có đi đúng con đường đã định hay phù hợp với những tiêu chuẩn một cách đúng đắn mà thôi.
Trên tiến trình tu học, việc kiểm soát tư tưởng, hành động, lời nói qua các phương pháp tu tập rất quan trọng. Thật ra việc này không quá khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ nhưng vì đa số đã quen phóng túng, hành động bừa bãi, không ý thức về việc làm của mình nên ít ai chịu tuân theo kỷ luật một cách đúng đắn. Xã hội càng văn minh, đời sống càng trở nên phức tạp với những mong cầu, ham muốn và những thứ này đã trở thành một mãnh lực lôi cuốn tất cả vào một vòng quay không thể cưỡng lại được. Người đi trên đường đạo phải biết tu tập giữ cho thân, khẩu và ý được trong sạch, bỏ bớt cái ham muốn, mong cầu sống một cuộc đời giản dị để cho đời sống trở nên có ý nghĩa hơn. Càng giản dị bao nhiêu càng tránh được các phiền toái bấy nhiêu. Sống giản dị không có nghĩa là phải từ bỏ mọi tiện nghi của xã hội nhưng là một “thái độ sống” cho có ý thức, khác hẳn với những người sống vật vờ, vô ý thức, để cho hoàn cảnh xung quanh lôi cuốn. Con người cần biết sống làm sao để cho thân tuy sinh hoạt trong xã hội quay cuồng mà tâm không bị nó chi phối. Hằng ngày họ làm việc như mọi người nhưng với một tâm hồn an lạc, thảnh thơi. Muốn như vậy con người cần phải có một công phu tự chủ cho việc thực hành những phương pháp tĩnh tâm và thư giãn. Ngoài ra, họ cần ý thức thật rõ về hậu quả của những áp lực ghê gớm mà cuộc sống máy móc đã gây ra.
Hầu như ít ai ý thức về hậu quả của các tiếng động ồn ào náo nhiệt trong các thành phố lớn hiện nay. Những tiếng động này tạo ra những rung động bất thường, phá hoại hệ thần kinh con người mà đa số có lẽ vì đã quen nên không lấy thế làm khó chịu. Khi xưa sống tại Luân Đôn, tôi không biết gì về việc này cho đến khi từ Tuyết Sơn trở về, tôi mới ý thức được những tàn phá ghê gớm do tiếng động gây nên. Khoa học chỉ nói đến cường độ âm thanh làm hỏng thính giác, nhưng chưa biết gì về hậu quả của những tiếng động liên tục đã âm thầm phá hoại bộ thần kinh con người như thế nào. Hầu hết mọi người sau một ngày làm việc trong các hãng xưởng đông đúc, khi về nhà thường cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, tinh thần dã dượi. Đó là triệu chứng đầu tiên về ảnh hưởng của các rung động hỗn tạp lên hệ thần kinh. Các tiếng động với cường độ to nhỏ khác nhau này đã tạo ra một áp lực rất tế vi lên các thể tinh thần của con người. Vì các thể này chi phối tình cảm nên khi bị xáo trộn, nó tạo ra các rung động có tính cách đàn hồi khiến người ta dễ bực bội bởi những nguyên cớ lặt vặt không đâu. Đôi khi chỉ một việc rất nhỏ cũng có thể làm cho người ta nổi nóng, khó chịu. Với tinh thần căng thẳng xáo trộn như thế thì khó có thể tránh được các bệnh về thần kinh, và bằng chứng cho thấy xã hội càng văn minh, số người mắc bệnh thần kinh càng gia tăng.
Theo tôi, nếu không có giải pháp thích hợp thì số người khủng hoảng, thác loạn tinh thần sẽ gia tăng gấp bội và trở thành một căn bệnh thời đại. Hiển nhiên ai cũng biết nghỉ ngơi để lấy lại quân bình trong cơ thể là điều cần thiết, nhưng ít người ý thức sự nghỉ ngơi thực sự phải như thế nào. Đa số đều tìm sự nghỉ ngơi qua nhu cầu giải trí nên trong thời đại văn minh, người ta đã nghỉ ngơi bằng phát thanh hay máy quay dĩa*. Thay vì tinh thần được nghỉ ngơi hoàn toàn, nó lại phải chịu đựng thêm những tiếng động kích thích, ồn ào khác nữa nên hậu quả là con người dễ mất tự chủ hơn xưa. Vì tiếng động tạo ảnh hưởng rất tai hại trong hệ thần kinh nên sự nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng trong yên lặng hoàn toàn là điều vô cùng cần thiết. Một người hiểu biết cần phải dành hẳn một thời gian nhất định trong ngày, ít nhất vài giờ, để nghỉ ngơi trong yên lặng, tránh những nhịp điệu không tự nhiên do cuộc sống máy móc gây ra. Khi đi làm về nhà, người ta cần nghỉ ngơi ít nhất nửa giờ trước khi khởi sự làm những việc khác. Có người cho rằng họ còn phải làm những việc trong nhà như dọn dẹp, nấu ăn vì việc sở đã chiếm hầu hết thời giờ trong ngày. Họ đã vô tình để cho cái đồng hồ sai khiến mà không biết rằng chỉ cần nghỉ ngơi khoảng nửa giờ rồi làm việc nhà thì họ vẫn có thể hoàn tất mọi việc một cách thoải mái và hiệu quả hơn. Nếu không biết phân chia thời giờ một cách hữu hiệu, dành thời gian tĩnh dưỡng tinh thần thì không bao giờ họ có thể tự chủ được. Thiếu tự chủ, họ sẽ trở thành nạn nhân của các áp lực vật chất và hậu quả là các căn bệnh hết sức tai hại mà họ phải trả một giá rất đắt sau này.
(*) Thời đó khoảng năm 1924 chưa có ti-vi như ngày nay.
Một áp lực khác của cuộc sống văn minh là sự lo âu, phiền muộn mà ít ai biết hậu quả của nó ảnh hưởng lên thân thể con người như thế nào. Hiển nhiên ai cũng có lúc lo âu nhưng nếu ta cứ để cho nỗi lo này ám ảnh tâm trí mãi thì nó sẽ sinh bệnh. Sự lo lắng tạo ra các rung động bất thường lên các thể tinh thần, giống như một vết loét trong trí óc phá hoại hệ thần kinh và sau đó ảnh hưởng đến xác thân. Tâm và thân liên hệ với nhau mật thiết nên một khi tâm đã không an thì làm sao thân không sinh bệnh! Ngày nay khoa học chứng minh rằng sự lo âu có thể gây nên chứng loét bao tử nên người ta đã chế nhiều loại thuốc chống lại bệnh này. Tuy nhiên theo tôi, các loại thuốc này chỉ có tính cách xoa dịu cơn đau và ngăn chặn bao tử bớt tiết ra chất chua mà thôi. Thay vì trị tận gốc, người ta chỉ lo chữa các biến chứng nên bệnh sẽ không bao giờ tuyệt căn vì hết bệnh này sẽ sinh ra bệnh khác.
Sự lo lắng bắt nguồn từ một nguyên nhân sai lầm rằng con người có thể thay đổi mọi sự theo ý muốn. Rất ít ai ý thức rằng con người chỉ có thể kiểm soát được hành động chứ không thể kiểm soát được kết quả. Kết quả và hành động không phải là một tiến trình tất yếu, vì không phải hành động nào cũng đem lại kết quả như ý. Nếu con người biết rằng còn có những nguyên nhân khác chi phối kết quả thì có lẽ họ sẽ bớt lo lắng đi chăng? Một người đi trên đường đạo phải là người chỉ chú trọng đến việc làm của mình chứ không mong cầu hay lo lắng chờ đợi xem kết quả ra sao. Nhờ không để ý đến kết quả nên họ dứt được các nỗi ưu phiền vô ích và trở nên ung dung, tự tại. Khi không ưu phiền thì tâm hồn sẽ thảnh thơi, và khi tâm đã an thì thân cũng sẽ hết bệnh. Quy tắc chữa bệnh không phải việc điều trị các biến chứng mà phải trị tận gốc và đây là điều mà nền y khoa hiện tại đã thất bại. Một y sĩ đã thú nhận với tôi rằng làm dịu bớt đau đớn thì dễ nhưng trị tuyệt căn thì rất khó vì nó đòi hỏi rất nhiều công phu và thì giờ. Trong đời sống mà thời gian là tiền bạc, một y sĩ không thể bỏ quá nhiều thời giờ săn sóc cho một bệnh nhân mà phải lo cho các bệnh nhân khác. Thay vì chú trọng đến chất lượng, người ta lại nhấn mạnh đến số lượng; thay vì điều trị nguyên nhân, người ta chỉ lo xoa dịu các vết thương, nên bệnh tật vẫn là mối đe dọa rất lớn trong xã hội văn minh này.
Đời sống náo nhiệt ngày nay còn tạo ra một thói xấu khác là sự thích bàn luận, tranh cãi. Đây là hậu quả của nền giáo dục quá chú trọng đến sự tranh đua để thành công. Ngay từ khi còn nhỏ, học sinh đã được khuyến khích về sự cạnh tranh để đạt kết quả và điểm hạng cao trong các kỳ thi. Học trò được giáo dục rất kỹ rằng sự hơn kém trong lớp có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của họ ngoài xã hội. Điều này tạo ra sự tranh đua giữa cá nhân và hậu quả là sự tranh chấp trong xã hội. Nhiều người trở nên hung hăng, có tâm hồn sôi nổi, thích cãi cọ tranh luận về bất kỳ đề tài gì. Họ thích tranh cãi đến nỗi không còn biết mình đứng về khía cạnh nào của vấn đề nữa. Hãy nhìn các đại biểu ở Thượng viện nhiều quốc gia, họ là những người tiêu biểu cho tình trạng xã hội ngày nay, nghĩa là tranh cãi đến cùng để bảo vệ quyền lợi của mình, của phe nhóm mình. Sự tranh chấp làm nảy sinh hận thù, ghen ghét, bạo động và hậu quả của sự bất đồng ý kiến này là chiến tranh. Hiển nhiên với tinh thần tranh đua, háo thắng đó, người ta khó có thể đi trên đường tinh thần, vì một người đầu óc lúc nào cũng sôi nổi, sẵn sàng tranh luận, cãi vã về bất cứ đề tài gì và chỉ cần một khiêu khích nhẹ cũng bùng nổ thì khó có thể giúp đỡ ai được.
Ngoài sự nông nổi, hung hăng, con người ngày nay còn mắc một tính xấu khác là tính ích kỷ và những hình thức tế nhị của nó. Dĩ nhiên, không ai chịu nhận là mình ích kỷ, nhưng người ta cần nhìn vào những hình thức khác của nó như sự lười biếng, tham lam. Tôi biết có người rất ham đọc sách đến nỗi không thể rời cuốn sách trên tay để làm việc gì và luôn luôn đổ lỗi cho người khác đã làm mất đi hứng thú cao đẹp của anh ta. Chúng ta không sống một mình và không thể để cho người xung quanh phải mang gánh nặng vì tật xấu của chúng ta, dù nó được ngụy trang dưới bất cứ hình thức nào.
Một người khác có tật viết chữ rất xấu, không cần biết rằng điều này làm những người khác phải mất công dò dẫm từng nét chữ để đọc. Sự cẩu thả này khiến cho họ trở nên kém nhạy cảm với người khác; và chính sự không quan tâm đến người khác sẽ cản trở sự tiến hóa của họ và họ sẽ phải học bài học này một cách thấm thía.
Trên phương diện vật chất, những người làm việc tinh thần dường như có phần thiệt thòi vì họ không tranh đua hơn thiệt, không cãi cọ, lý luận mà âm thầm làm việc cho người khác. Họ làm thế vì đã hiểu rằng sự tiến bộ chỉ xảy ra khi con người biết nghĩ đến người khác chứ không phải cho chính mình. Họ thực hành điều mà Đức Jesus đã nói: “Bất cứ điều gì mà các con làm để giúp đỡ những kẻ hèn mọn nhất, thì điều đó các con đã làm cho ta vậy”. Một tín đồ chân chính cần phải tự hỏi chúng ta đang làm việc gì và cho ai? Chúng ta làm cho bản thân chúng ta hay cho Đấng mà chúng ta thương mến nhất?
Cách đây không lâu, có người đã lý luận rằng nếu giúp người như thế thì họ sẽ bị thiệt thòi. Người này nói: “Hiển nhiên tất cả mọi người đều giúp đỡ lẫn nhau, phần mà tôi cho ra sẽ có người khác bù lại thì cũng huề, nhưng thực tế không giản đơn như vậy. Nếu tôi giúp người khác mà không ai giúp tôi thì tôi sẽ bị thiệt hại nhiều quá”. Quả đúng như lời Đức Jesus đã dạy: “Kẻ giàu có muốn vào nước Trời thì khó như con lạc đà chui qua lỗ kim”. Ngay trong những việc có tính cách tinh thần mà chúng ta vẫn còn tính toán lời lỗ, hơn thiệt! Phải chăng chúng ta chỉ muốn cho ra thật ít nhưng lại muốn thu vào thật nhiều? Nếu thế, đó chỉ là lòng ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình và quyền lợi của mình, chứ đâu phải lòng thương xót người khác! Phải chăng chúng ta chỉ nói đến tình thương trên đầu môi chót lưỡi, như một hình thức để che đậy cho lòng tham lam của mình? Phải chăng chúng ta đã quên lời khuyên của Đức Jesus: “Các con đừng nghĩ đến quyền lợi riêng mà hãy chú trọng đến bổn phận của các con đối với cha của các con trên trời”.
Ngoài tính ích kỷ, nhiều người còn có tật xấu khác là thích khoe khoang. Cho được chút gì họ đòi phải được mọi người biết đến qua những lời tán tụng, khen tặng hay một hình thức quảng cáo cho họ. Đây là sự háo danh, thèm khát được người đời biết đến, hậu quả của một nền giáo dục đề cao sự thành công cá nhân hơn là tập thể. Tôi đã gặp nhiều người sốt sắng và chân thành nhưng vẫn để những giá trị phù phiếm này chi phối. Họ thích khoe khoang thành tích của mình, các chức tước, địa vị mà họ đạt được khiến cho việc làm của họ, dù chân thành, cũng mất hiệu quả rất nhiều. Khi xưa trong xã hội nông nghiệp, không ai chú trọng đến cá nhân mà chỉ đề cao giá trị tập thể. Mọi người đều làm việc chung, đôi khi phải hy sinh quyền lợi cá nhân cho ích lợi chung. Ngày nay, sự khoe khoang đã trở thành một hình thức quảng cáo rất tinh vi để thỏa mãn lòng háo danh này. Tôi thấy nhiều người, kể cả những giáo sĩ, đã in danh thiếp với những chức tước, địa vị rất lớn cũng như các bằng cấp mà họ đã đạt được. Họ khoe khoang các công tác xã hội, các việc làm lớn lao của mình mà quên lời dạy khi xưa của Đấng Cứu Thế: “Mỗi lời nói khoe khoang vô ích mà các con thốt ra, các con sẽ phải trả lời vào Ngày Phán Xét Cuối Cùng”. Phải chăng Ngài muốn nói rằng tư tưởng và hành động của chúng ta hết sức quan trọng và có thể gây nên những hậu quả mà chúng ta sẽ phải trả một giá rất đắt về sau?
Mỗi khi có việc gì xảy đến cho chúng ta trong đời sống cá nhân, chúng ta sử dụng toàn lực để giải quyết. Hiện nay nhân loại đang lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng nhưng đã mấy ai trong chúng ta phản ứng lại với tất cả mọi năng lực? Nhiều người cho rằng nếu nó không ảnh hưởng trực tiếp đến họ, đến quyền lợi của họ thì họ không cần phải quan tâm. Hậu quả của sự dửng dưng không biết thương xót này đã gây ra sự kỳ thị chủng tộc, xung đột quốc gia, tranh chấp tôn giáo khiến cho số đông nhân loại phải sống trong cảnh lầm than.
Mặc dù nền tảng của xã hội ngày nay xây dựng trên lòng ích kỷ dưới muôn vàn hình thức nhưng cũng có một số người muốn đưa ra giải pháp để giải quyết tình trạng hiện tại. Tuy nhiên ít ai ý thức rằng việc đưa ra một lý thuyết mới, một quan niệm mới để thay đổi ngoại cảnh không đem lại kết quả bao nhiêu. Đôi khi, kết quả còn ngược lại vì những đổi thay bên ngoài này thường có tính cách áp chế và chỉ đem lại khổ đau nhiều hơn mà thôi. Sự thay đổi thật sự chỉ có thể xảy ra khi con người biết cải thiện bản chất của chính mình. Nếu con người nhận thức rằng lòng ích kỷ cá nhân là nguyên nhân chính của sự chia rẽ, và sự chia rẽ là động năng gây đau khổ thì họ cần phải thay đổi lòng ích kỷ này bằng một tình thương rộng lớn. Con người cần ý thức rằng họ đều là những mảnh nhỏ của một thực thể đại đồng và khi biết hòa hợp với thực thể đó, biết rung động cùng một tiết điệu với Đấng Duy Nhất đó thì chúng ta mới đạt được hạnh phúc chân thật.
Một hiền triết trên Tuyết Sơn đã nói: “Trái đất rung động theo những dông tố trong lòng người vì ngoại cảnh và nội tâm có sự liên hệ rất mật thiết. Khi nội tâm dao động thì ngoại cảnh chuyển động và khi hận thù nung nấu đến mức nào đó nó sẽ ảnh hưởng lên trái đất và hậu quả là những thiên tai như động đất, núi lửa phun hay những cơn bão lụt tàn phá tất cả. Muốn thay đổi ngoại cảnh, con người cần phải biết cải tiến nội tâm”. Do đó chỉ có con đường tinh thần, tu sửa tâm tính để biết mình là ai, từ đâu đến và sẽ đi về đâu; cũng như sự liên hệ giữa con người và vũ trụ mới là con đường chân chính và là lối thoát duy nhất cho hoàn cảnh hiện tại.
Hiền triết Kuthumi cho biết muốn bước vào con đường tinh thần, người đệ tử cần tu tập những đức tính quan trọng như sau:
1. Phát triển Trí Tuệ** (Ấn Độ: Viveka; Pali: Manodvaravaj Jana) để phân biệt mọi sự vật một cách chính xác, trung thực, vượt khỏi các phán đoán thông thường. Thiếu điều kiện này, người ta khó đi xa được và sẽ rơi vào các lầm lạc hết sức vi tế.
(**) Trí tuệ và lý trí hay lý luận khác nhau rất xa.
2. Dứt bỏ lòng ham muốn hay đạt trạng thái Vô Dục (Ấn Độ: Vairagya; Pali: Parikama) để hành động một cách tự nhiên không mong cầu kết quả. Họ làm điều thiện vì yêu mến cái thiện chứ không phải để được một điều gì. Họ không phân biệt làm cho ai, ta hay tha nhân, không còn thấy có mình, có người hay đối tượng mà hoàn toàn ung dung, tự tại trong mọi hoàn cảnh.
3. Thiết lập các hạnh nguyện (Ấn Độ: Shalsampatti; Pali: Upachara) hay đặt ra các tiêu chuẩn để hướng dẫn con đường của mình, thí dụ như:
a. Hạnh Thanh Tịnh (Samo): giữ tư tưởng yên tĩnh, thanh khiết.
b. Hạnh Tự Chủ (Damo): kiểm soát tư tưởng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Không để ngoại cảnh ảnh hưởng.
c. Khoan Dung (Uparati): Diệt trừ mọi thành kiến, dị đoan mê tín hay các hình thức phân biệt. Không thù hận hay bất bình.
d. Kiên Nhẫn (Titikha): Chấp nhận, chịu đựng mọi sự một cách thoải mái vì hiểu rõ luật Nhân quả.
e. Bền Chí (Samadhana): Tập trung mọi nỗ lực vào mục đích chính, không để cho sa ngã hay bất cứ việc gì cám dỗ, lôi kéo.
f. Tin Tưởng (Saddha): Hiểu biết và ý thức rõ con đường của mình, tin tưởng vào vị thầy hướng dẫn cũng như ý thức về mục đích tối hậu của con đường lựa chọn.
4. Giải thoát (An: Mumukhsatva; Pali: Anuloma): Sự tha thiết rời khỏi luân hồi sinh tử. Chấp nhận và chịu đựng những hậu quả đã gây và cố gắng không gây thêm nhân nữa. Đây là điều kiện rất quan trọng cho những đệ tử muốn được Điểm đạo (Initiation) để thực sự bước chân vào con đường các bậc hiền triết.