Nhà mình mới tìm được cô giúp việc. Cô người Nam Định, chất phác, thật thà, khỏe mạnh. Cô ấy đến ở cùng nhà mang theo nắng và gió của vùng đất ven biển ùa vào căn nhà nhỏ. Phải cái cô này nói ngọng, cứ “níu na níu nô” suốt ngày. Từ ngày có cô ấy, cả nhà chuyện trò cứ gọi là rung bần bật vì đặc trưng thổ ngữ quê cô phát âm cong lưỡi ở tất cả các âm đầu /r/. Ví dụ đây là một đoạn đối thoại ngắn:
“Em ở nhà anh cứ thoải mái, cần nhất là thật thà. Mọi việc có vợ anh lo liệu. Anh đi làm suốt ngày, chẳng để tâm chuyện gì đâu.”
“Anh cứ yên tâm đi nàm, không phải no nắng rì nhé. Em nà người ở nhưng cũng được ráo rục nên cũng trọng ranh rự nắm.”
“Ờ được thế còn no nắng nàm rì. Vui quá còn rì!”
“Đấy anh nại trêu iem.”
Cô ấy khỏe mạnh phải cái béo nên đau khổ lắm. Cô luôn miệng bảo: “Chồng iem trẻ nắm, nó nại có tính năng nhăng nên iem không đẹp nà không được.”
Thế nên đến bữa cô ngồi gảnh gót, nhấc lên đặt xuống, sợi giá cắn đôi. Hôm nọ, mình ca cẩm: “Khổ thật, vợ đã ăn ít, bây giờ đến cô cũng gảy gót nữa, tôi chả thiết ăn uống gì nữa.”
Cô ấy trợn mắt bảo: “Anh cứ ăn đi, để ý đến iem nàm rì. Iem vừa ăn ở chỗ ông bà ba cái bánh rán rồi. Iem đọc báo, họ bảo ăn ít cơm thì đỡ béo.”
Mình gật gù: “Báo họ khuyên phải đấy, iem cứ ăn bánh rán thay cơm, chả mấy chốc mà thành người mẫu.”
Vợ mình ngồi cười tủm tỉm. Cô ấy thì sung sướng lắm. Đến ngay cả cái cười cũng rung bần bật!
Thi thoảng rỗi rãi, cô ấy tâm sự với vợ chồng mình:
“Chồng iem nó không thích béo. Ai cũng bảo sao chồng trẻ mà vợ nại rà thế. Thế có chết iem không.”
Vợ mình an ủi:
“Chị lo rì, chị có ruyên thế, chồng bỏ sao được.”
Mình phụ họa: “Ruyên, em quá ruyên!” Lại cười rung bần bật.
Được khen, cao hứng cô ấy hào hển: “Ngày trước, núc em còn thanh niên, nhiều đứa đến tán iem mà iem không ưa. Có một anh rõ đẹp rai nắm nhưng phải tội... mồm nắm nông quá, nên iem từ chối.”
Cả hai vợ chồng mình há hốc mồm, đồng thanh nói: “Cái rì, cái rì nắm nông?”
Cô ấy cũng ngạc nhiên không kém: “Nà nông quanh mồm ấy, khiếp, trông đen sì sì khiếp khiếp nà.”
À hiểu rồi, là râu!
Hai vợ chồng ôm bụng cười chảy cả nước mắt.
Mình hỏi: “Thế ở quê cô gọi râu là nông à?” “Vâng, chả thế.”
Ôi trời! Thế cái câu tổng kết: “Mọc ở đầu thì gọi là tóc/ Mọc quanh mồm thì gọi là râu/ Còn mọc ở đâu thì gọi là lông gắn liền với tên bộ phận ấy” áp dụng ở quê cô thành sai à.
Vợ mình lườm mình rõ dài, nói: “Anh có thôi cái tổng kết ấy đi không!” Hihi.
Chuyện râu và nông vẫn chưa dừng ở đó.
Một hôm mình mua về mấy quả kiwi. Buổi tối, cô ấy gọi điện từ bếp lên hỏi (cô này rất ngại trèo cầu thang nên thường gọi điện từ tầng dưới lên tầng trên): “Iem gọi cho cô không được nên gọi anh. Anh ơi, cái quả đầy nông ná có cần cất vào tủ nạnh không?”
Mình nhớ mãi không biết cái quả đầy nông ná là gì, quay sang hỏi vợ. Vợ cũng suy nghĩ mông lung lắm rồi đoán: “Chắc củ từ anh ạ, chiều em có mua ít củ từ về luộc cho bố mẹ.”
“À, thế thì không cần cất tủ lạnh đâu. Nông ná cũng kệ nó.”
Sáng dậy, nhìn đống kiwi chín rũ, vợ mình à lên: “Hóa ra cái quả đầy nông ná là quả kiwi anh ạ.”
Mình nghe thế lẩm bẩm: “Nhiều quả khác chứ cứ gì kiwi nhở.”
Vợ lại lườm phát, nói lầm bầm: “Cho ráo vào tủ nạnh bây giờ.”
Hihi, vui phết!
Từ chuyện cô giúp việc, mình lan man nhớ lại mấy chuyện cũng thuộc phạm trù phương ngữ mình đã từng gặp phải.
Có lần, mình đi dạy ở mấy tỉnh miền Trung. Con gái miền Trung xinh và dịu dàng kinh hồn. Có một em cũng cảm mến mình. Em trắng trẻo, mắt đen láy. Ngộ nhất là mái tóc ngắn, khác hẳn với những thiếu nữ miền Trung khác. Mình nói gì em cũng chỉ cười tủm tỉm, yêu ơi là yêu. Một hôm, em rủ mình đến nhà chơi. Em nói, bố em cũng thích thơ văn mà thầy thì thơ văn thông kim bác cổ, chắc hợp với bố em lắm. Ôi chà, OK luôn, mình đi mà trong lòng thì phơi phới niềm vui.
Mình tìm theo địa chỉ. Nhà em đây rồi. Giàn hoa đầu ngõ với những chùm tím hồng mơn man khoe sắc.
Nó cứ dịu dàng, mặn mà như em vậy. Mình hít một hơi thật sâu, nhấn chuông. Cổng mở nhưng không thấy có người. Chờ một hồi không có ai ra, mình nhẹ nhàng lấy tay mở cửa cất tiếng gọi em. Bỗng đâu từ trong sân nhà, một con chó lực lưỡng, hùng dũng lao ra sủa ầm ĩ. Mình chưa kịp định thần nó đã ngoạm lấy quần mình “xơi” một miếng nơi cổ chân tứa máu. Mình vừa sợ vừa đau tái người. Mồ hôi đầm đìa. Lúc này em mới thắt thẻo chạy ra: “Hổng có răng, hổng có răng đâu thầy à!” Mình mặt méo xẹo, tay ôm chân thều thào: “Ở! ờ! Con chó nhà em hổng có răng nhưng nó đã xơi tái của thầy một miếng chân rồi!” Lúc ấy em mới nhìn xuống chân mình hốt hoảng: “Có răng không thầy?” Mình éo ẹo: “Răng nhiều, răng đầy mồm.” Em xem chừng ân hận. Em la lối con chó “đầy răng”. Em chạy lăng xăng băng chân, bôi thuốc cho mình. Mình thất thểu với cái chân đau mà miệng vẫn cố nhoẻn cười: “Có răng đâu, có răng đâu!”
Hôm sau, em nhắn tin đầy đau khổ và ân hận: “Thầy ơi, thầy có đau lắm không? Em ngại quá! Thầy à, con chó nhà em em nghĩ là hổng có răng, nhưng để cho chắc, thầy cứ đi tiêm phòng đi nhé.”
Thôi xong! Rút kinh nghiệm cái vụ “hổng có răng”, mình lao đi tiêm phòng ngay tắp lự. Khổ thế. Từ sau lần ấy, mỗi khi có dịp công tác qua mảnh đất miền Trung, mình lại bồi hồi với “có răng và không răng”. Hihi.
Đận khác, mình dạy ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hôm đó, khi bàn về một số vấn đề trong cách chơi chữ của người Việt, mình thao thao giảng về nghệ thuật nói lái - một kiểu chơi chữ đặc biệt thú vị. Ví như: “Dòng châu lai láng, đĩa dầu chong / Công khó đợi chờ, biết có không / Nhắc bạn thêm thương người nhạn bắc / Trông đời ngao ngán giữa trời đông”. Cả lớp thích thú ồ lên, lẩm nhẩm đọc theo. Mình cao hứng, yêu cầu học viên tự lấy ví dụ. Mình chỉ vào một học viên nữ ngồi đầu bàn. Cô này đứng lên, không lấy ví dụ ngay mà bắt đầu bằng câu hỏi: “Thưa thầy, học môn của thầy rất thú vị. Nhưng em xin hỏi thầy đã biết tên em chưa ạ?” Mình nói: “Chưa, thực sự là tôi chưa biết tên em.” Cô học viên tiếp lời: “Dạ, thưa thầy, em có một rổ ngô gồm 12 cái, khi thầy hỏi tên, em chỉ vào rổ ngô. Vậy tên em là gì?” Cả lớp cười ồ. Mình chậm rãi: “Làm “giáo chức” tuy nghèo đôi khi phải “dứt cháo” nhưng lại được những giây phút rất tuyệt vời nhờ có những học viên hóm hỉnh như bạn... Tố Nga.” Mình vừa dứt lời, cả lớp vỗ tay rần rần. Bạn Tố Nga đỏ bừng mặt, mỉm cười sung sướng.
Sau lần đó, mình cũng hay trò chuyện với Tố Nga. Trong câu chuyện, mình và bạn ấy vẫn giữ thói quen dùng cách nói lái. Kiểu như: Em chả lo gì, chỉ lo già. Hay các cô nàng thích chàng ngông mà không thích chồng ngang. Nói chung là rất vui.
Hôm ấy, sau buổi học, Tố Nga thỏ thẻ: “Chiều nay thầy đi uống cafe với em nhé, em có điều bí mật muốn được bật mí.” Mình cười to: “Café thì mình không biết uống vì sợ mất ngủ. Nhưng mình sẽ đến để được nghe em bật mí, để xem “cây sầu đông mọc ở đồng sâu hay ở đầu sông”.” Cả hai thầy trò đều cười thoải mái.
Chiều, mình mượn chiếc xe máy của anh bạn, thong thả đến chỗ hẹn. Nắng phương Nam vàng rực. Gió nhẹ hây hây. Chỗ Tố Nga hẹn là vùng ngoại ô, cách nơi mình dạy chừng vài ba cây số. Hai bên đường, cảnh sắc như làng quê Bắc Bộ, cũng ruộng lúa, cũng bạt ngàn lau lách. Xe đang bon bon bỗng xuất hiện một đàn heo băng qua đường. Mình dừng lại đúng lúc Tố Nga gọi điện trách sao đến chậm. Tiện thể, mình thanh minh thanh nga luôn: “À, tại vì hương qua đèo, hương qua đèo em ạ!” Bỗng tít tít, điện thoại tắt cái rụp. Mình ngơ ngác rồi lao nhanh đến chỗ hẹn. Chả thấy Tố Nga đâu. Chủ quán lạch bạch cánh cụp cánh xòe chạy ra đưa tờ giấy nói có cô gái chờ thầy không được vừa đi rồi. Cô dặn, khi nào thầy đến tìm thì đưa. Mình vội vàng mở ra, trong giấy chỉ vẻn vẹn dòng chữ: “Thầy còn bận chở cô Hương nên để khi khác mình gặp nhau thầy ạ.”
Thôi xong! Hương ơi là hương mà heo ơi là heo!
Aiza, vài mẩu chuyện vui về ngôn ngữ để thấy, trong cuộc sống, cứ như lời cô giúp việc: “Chả cần no nắng, ní nuận nàm rì.” Mình cứ vui với cái cô mộc mạc, chân chất nhà mình, kẻo không thì “bỏ ráo vào tủ nạnh” không chừng. Hihi.