Ngày sinh nhật mình, con trai từ nơi xa nhờ mẹ đặt tặng bố một cái bánh gato, trên có đề dòng chữ: “Con yêu bố!” Con lại còn nhờ mẹ mua biếu bố hai cái áo len gile, loại áo mà bố vẫn thường mặc đi làm. Con bảo ở bên đó, con đã mua tặng bố hai cái rồi, mua bằng tiền con tiết kiệm được, nhưng con sợ khi áo đến tay bố thì trời đã hết lạnh. Nhờ mẹ mua rồi mà con vẫn “kiểm soát” rất chặt chẽ. Mẹ phải chọn màu, chọn dáng như con dặn, sau đó chụp ảnh gửi cho con. Con “duyệt” thì mẹ mới được mua. Thành thử năm nay, sinh nhật bố, mẹ tặng những hai túi quà, phần của mẹ và phần của con. Riêng nhé, không hề lẫn lộn, con đã dặn thế rồi mà. Mình cầm quà, mồ hôi rịn trên trán, vui quá quá chừng chừng! Hôm sinh nhật đúng ngày con thi, vậy mà con vẫn dậy rất sớm để có thể nói lời chúc sinh nhật bố và gửi lời chào mọi người. Con bảo, con để đồng hồ báo thức từ 5 giờ, dậy tắm gội thật thơm tho, sạch sẽ rồi mới gọi về cho bố. Gọi xong, chưa kịp nói lời chào bố, con đã nghẹn ngào... “Con nhớ sinh nhật bố, nhớ nhà, nhớ mọi người.” Và bố, bố cũng nhớ con trong niềm hạnh phúc vô biên. Vì bố thấy, bố mỗi ngày một già đi còn con thì mỗi ngày thêm khôn lớn, trưởng thành.
Thường, “nước mắt chảy xuôi”, chỉ có cha mẹ hát ru con chứ mấy khi con ru cha mẹ. Vậy mà con trai lại nghĩ ra khúc hát ru bố bằng những vần thơ ngọt ngào đằm thắm: Bố ngủ ngon đi/ Trời đông rồi đấy/ Con xa biết mấy/ Dằng dặc trời đêm... Những câu thơ vần nối vần mượt mà như tấm thảm trời lung linh, huyền hoặc. Rồi cùng với những câu thơ, con mở ra một khung cảnh thần tiên thơm ấm, khi có con ở bên: Con sẽ trở về căn nhà mùa hạ/ Ngủ thật ngon bên cha mẹ ân cần/ Như nhánh cỏ thơm cuộn hơi ấm đến bần thần/ Ngồi bên cửa đung đưa bàn chân nhỏ... Những câu thơ ngọt ngào, ấm áp đã gửi gắm lòng con ấm nồng về bên bố.
Mình được sinh ra trên cỏ: “Bà mụ quê hút mũi/ Mầm nhau so đũa vá ngang trời” (Phan Trung Thành). Ấy mà, bằng tuổi này, mình lại được con ru. Cảm ơn con đã “ngược dòng nước mắt”! Lâu nay, các chuyên gia tâm lý thường viết các loại sách phổ biến cách làm bạn với con, cách cha mẹ hiểu tâm lý con, nhất là khi con bước vào tuổi teen. Thảng hoặc mới có sách giúp con cái hiểu lòng cha mẹ. Cha mẹ càng già, càng khao khát cháu con chia sẻ, đồng hành. Bởi khi đó, họ có xu hướng sống lại thơ ấu lần hai. Họ cũng cần lắm những cử chỉ vỗ về, dịu dàng, âu yếm, cần lắm những câu nói yêu thương. Ngần này tuổi rồi, mình mới hiểu thấu điều giản dị ấy. May mắn làm sao, con trai đã đồng cảm và bản thân con đã như làn gió mát ngọt ngào, ngát hương thơm về bên bố. Những việc con làm, những lời con nói, những câu thơ hồn nhiên mà lắng sâu của con giúp lòng mình trở nên mềm dịu trước bão giông. Ôi chao là DỊU DÀNG!
Sinh nhật năm nay, sợ mình buồn vì con trai ở xa, các cháu trong nhà đã đặt một bức tranh bằng vân tay. Bức tranh có hình cây đại thụ xum xuê lá cành. Mỗi quả của cây được biểu tượng bằng hình một trái tim. Mỗi trái tim tượng trưng cho một người thân trong gia đình. Và lá của cây là vân tay của từng người. Có vân tay của đứa cháu gái bé bỏng mới 6 tháng tuổi lại có cả vân tay của bố mẹ mình, những người đã ở tuổi chín mươi. Sự tiếp nối các thế hệ đã kết nên màu xanh cho “cây đời” thêm tươi non, tràn đầy sức sống. Không chỉ vân tay, mọi người còn ghi lời chúc vào hình mỗi trái tim. Phía dưới gốc là lời chúc của bố mẹ, tượng trưng cho“Cây có gốc mới đâm cành thêm ngọn/ Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Tiếp theo là lời chúc của vợ, con, của chị, của em và các cháu. Chị gái và các cháu ở mãi Sài Gòn cũng nhận được bức tranh và ghi những lời chúc vào đó. Chữ chị nắn nót, đẹp từ tâm. Ở đâu và lúc nào, chị cũng ngưỡng mộ và luôn coi mình là thần tượng. Trong mắt chị, mình luôn là đứa em trai tuyệt vời nhất, đáng yêu nhất. Như thể mình vẫn là cậu bé con học ở Nam Định ngày nào được chị xuống thăm rồi rúc đầu vào ngực chị khóc hờn suốt đêm. Như thể chị, mặc dù ốm o, bệnh tật liên miên nhưng vẫn luôn là chỗ dựa cho mình, sẻ chia mọi buồn vui. Như thể chị sẽ không thể nào có sức mạnh để vượt qua từng ấy nỗi đau bệnh tật nếu không có mình trong cuộc đời. Lời chúc của chị chan chứa yêu thương, đậm sâu tình máu huyết. Mình cũng cảm động rưng rưng khi đọc bài thơ chúc mừng sinh nhật rất dài và sâu sắc của cậu em rể. Quay “hậu cảnh” thấy em ngồi xoay trần, mồ hôi nhỏ ròng ròng để nghĩ và viết những dòng thơ tặng anh vợ mà lòng mình nghẹn lại. Tình cảm anh em sẻ chia, thương mến nhau qua từng cử chỉ nhỏ bé mà dung dị. Mỗi trái tim, mỗi lời chúc, tựa những giọt tinh cầu, sáng lấp lánh, ùa vào lòng mình cái rạo rực, cái ấm áp nghĩa tình đậm đà. Những giọt tinh cầu ấy sưởi ấm lòng mình, cho hạnh phúc rạng ngời lấp lánh, cho xuyến xao tràn đầy lồng ngực. Mình hít một hơi thật dài. Ôi chao là DỊU DÀNG.
Buổi lễ sinh nhật của mình thực ra chỉ là “cái cớ” cho một ngày đoàn viên hạnh phúc. Thêm tuổi, với người trẻ thì vui, còn đến tuổi mình, nhắc đến tuổi là thêm nhiều phần e ngại. Tuy lễ “thêm tuổi” không còn đem lại niềm vui về tuổi tác nhưng mình luôn cố tạo dựng một không khí ấm áp để hương vị của sum họp, của niềm vui đoàn viên nhân lên gấp bội. Bố mẹ hai bên nội ngoại, anh chị em, các cháu, những người bạn thân thiết cùng nhau ngồi lại tận hưởng những giây phút của trùng trùng hạnh ngộ. Quên nỗi ngoài kia mưa giông bão nổi, trong nhà chỉ có ấm áp, sẻ chia. Quên nỗi đời thường giành giật bon chen, sau cánh cửa gia đình chỉ là an hòa, êm ấm. Quên nỗi mưu sinh dồn dập, đổi chác bán mua, ngồi bên nhau chỉ thấy nhường nhịn, nghĩ về nhau, lo cho nhau và thương nhau. Vì thế, lễ sinh nhật thực ra là ngày để “sống chậm” lại, để dồn nén năng lượng những tin yêu. Trong buổi lễ, cả nhà sẽ đọc thơ, hát hò. Có năm, vợ còn âm thầm chuẩn bị tập dượt trước bài hát Chuyện tình nhà thơ để biểu diễn đúng ngày sinh nhật mình. Xem lại cái clip, thấy vợ mặc quần sooc lắc lư nghiêng ngả trong cảm xúc: “Anh cho em những ngọt ngào/ Anh cho em những ngày tháng mơ màng”... cả nhà cười lăn lộn. Đọng lại sau những ồn ào đến bật cười ấy là da diết những thương yêu trìu mến. Ôi chao là DỊU DÀNG.
Từ ngày có Facebook, mình có thêm bao nhiêu là bạn, gặp được bao nhiêu học trò cũ. Bạn cũ, bạn mới, tíu tít, rộn ràng. Là người sống nặng tình, coi trọng giá trị nhân văn, sống thủy chung sau trước, mình vui không thể tả. Sinh nhật năm nay, mình được mệnh danh là “tỉ phú” của những lời chúc hay và đẹp. Có những lời chúc không thể không mỉm cười: Chúc chàng lãng tử hào hoa luôn phong độ. Ôi chao, bằng này tuổi mình vẫn được khen là “lãng tử hào hoa” (chả bù ngày xưa tăm tia một em rõ xinh nhưng bị bố em từ chối vì “trông thô mộc quá chẳng có vẻ gì là hào hoa”). Có những lời chúc thực sự tinh tế và sâu sắc: Em không chúc anh hạnh phúc vì anh đã là người hạnh phúc nhất. Em không chúc anh thành công vì anh cũng đã thành công. Em chỉ chúc anh sức khỏe để hưởng trọn vẹn những điều đó... Rất nhiều, rất nhiều những lời chúc, những bó hoa thắm tươi rực rỡ. Nhiều bạn còn chúc những hai lần, trước và đúng ngày sinh nhật. Mình dừng lại trước những lời chúc, đọc chầm chậm, trả lời chầm chậm, cảm nhận chầm chậm. Ôi chao là DỊU DÀNG.
Vậy nên, sinh nhật là thêm một lần ngồi lại chiếc ghế thuở thơ ấu, để tìm lại bình yên sau những truân chuyên, để cảm nhận những dịu dàng... Giữa thời vàng thau lẫn lộn, ta cần nương vào những điều giản dị ấy để tin yêu: “Điểm đi và đích đến trong hành trình của mỗi con người không nhất thiết phải đo bằng giá trị vật chất mà bằng phẩm cách người, nhân nghĩa người” (Trần Đình Dũng).
Sau sinh nhật, thấy thế giới quanh mình dường như đang được vận hành bởi những DỊU DÀNG.