Sáng trở dậy, người mệt nhoài, uể oải sau một đêm đánh vật với những cơn mê. Xuống dưới nhà, vợ hỏi: “Anh ăn gì?” “Ờ thì ăn gì chả được, phở hay cơm đều có cái hay của nó.” Hihi. Trong lúc cơm đang hì hụi làm phở, mình tranh thủ ngồi viết vài dòng tự họa “chân rung”.
Ngày còn nhỏ, mình được coi là “cây thơ” của làng. Chuyện gỉ chuyện gi cũng có thể viết thành thơ. Từ chuyện xếp hàng đi mua nước mắm, chuyện cãi nhau từ nhà hàng xóm, chuyện người gõ kẻng vui tính, đến cả chuyện đi nhặt phân trâu cũng thành thơ. Mình có đến vài tập thơ kiểu: “Nhặt phân trâu vẫn vang câu hát/ Giọng véo von bát ngát cánh đồng/ Hát lên vọng đến đồi thông/ Ngàn xanh bỗng hóa ngập tràn hồn ai”... Ui chà chà! Phải nói là thơ mình đầy tinh thần lao động sản xuất, đúng như các loại khẩu hiệu viết ở bảng tin đầu xóm. Từ phân trâu chuyển thành “ngàn xanh” lại còn “ngập tràn hồn ai” nữa thì cũng kinh ra phết. Thơ mình được truyền khẩu khắp trong xóm ngoài làng. Chị gái còn tỉ mẩn lưu lại những bài thơ “kinh điển” bằng nét chữ con gái rất điệu đà. Bất kể chỗ nào viết lên được, mình đều ghi thơ ra đó. Trên tường nhà, tường bếp, trên sân gạch, cổng ngõ, trên tàu lá... Ngày ấy, giấy hiếm vô cùng mà toàn là giấy đen mủn. Mỗi năm bố mẹ chắt bóp mua cho vài quyển vở là tốt lắm rồi, lấy đâu ra giấy mà làm thơ. Vậy nên nhiều khi ý thơ đến, không có gì để ghi ra, đành lẩm nhẩm trong đầu. Bao nhiêu là thơ rơi rụng cùng với sấp ngửa những sớm, những khuya miệt mài mò cua bắt ốc, cắt cỏ chăn trâu. Sau này ngẫm lại thấy tiếc. Giá mà ngày ấy có nhiều giấy để viết thì chắc nền thơ phú nước nhà đã có thêm một “thi nhân”. Hihi! Nhưng dẫu không thành nhà thơ thì cái máu văn chương thơ phú vẫn “nhiễm” vào mình ngay từ những ngày bé tỉ tì ti ấy. Lớn lên, hễ quen cô nào hôm trước, y như rằng ngày hôm sau mình sẽ gửi tặng vài bài thơ.
Cô nào cô nấy nhận được thơ, mắt cứ chớp chớp liên hồi kì trận, còn miệng thì ỏn ẻn: “Thơ anh hay ghê!” Mình vờ ngượng ngùng, lắc đầu: “Nôm na thôi em, có vần vè gì đâu mà gọi là thơ.” Chối thế nhưng khi quay đi thì trong bụng mừng rơn. Bởi vậy, “sự nghiệp” thơ của mình gắn với kha khá cuộc tình. Gặp nhau, thơ. Nắm tay, thơ. Giận hờn, thơ. Đi chơi, thơ. Khóc lóc, thơ. Cả chia tay cũng thơ luôn. Xì tai thơ mình lúc ấy đại loại là: “Tối nay trời run trên mái ngói/ Khói bếp nhà ai ấm hồn anh/ Em đừng quên nhé nhen khói ấm/ Thấm đẫm hồn anh vị bình yên”. Nàng của mình nghe xong, hiểu liền, cả tối chỉ loay hoay nấu nướng. “Vị bình yên” được quy ra thành vị của rau xào, cá rán, thơm phưng phức. Sướng cực! Thơ có tác dụng như thế đó. Mình thực sự rất MÊ THƠ.
Ngày nhỏ, ăn đói mặc rét, đường kính là thứ thuộc hàng xa xỉ. Trẻ con, nhìn thấy chút đường là thèm nhỏ nước miếng. Một lần, đi học về, thấy có cái gói màu trắng để ở gian buồng, mình mở cờ trong bụng, nghĩ chắc bố mua đường về chuẩn bị làm bánh. Mình hăm hở bốc một nhúm cho vào miệng. Sau đó là giàn giụa nước mắt như thể có một luồng gió dội thốc ngược từ ruột gan phèo phổi trào lên. Thì ra cái gói màu trắng ấy không phải đường mà là gói đạm mẹ đang chuẩn bị mang bón ruộng. Mồm miệng xưng vều, nhức buốt! Nhưng cơn rát bỏng trong miệng đau thì ít mà xót xa thương mình thì nhiều. Mình ra góc cây rơm ngồi khóc lặng từng cơn, những giọt nước mắt thi nhau lăn dài trên khuôn mặt trẻ thơ. Lúc ấy, chỉ nghĩ sau này lớn lên có tiền, nhất định mình sẽ mua thật nhiều đường, ăn cho đã. Chẳng biết có phải vì lời tự nhủ trong chiều hôm ấy và vì cái khát đồ ngọt ngấm sâu vào tiềm thức không mà sau này, mình rất thích ăn đường, ăn bánh kẹo. Các vị chua, cay, mặn đều không phải sở trường của mình. Mình rất thích các món ăn theo kiểu người Miền Nam. Thậm chí nhiều khi còn dặn vợ cho thêm đường vào canh. Vợ cằn nhằn, nấu canh hay nấu nước đường đây không biết. Mình thường “thủ” bánh kẹo mang theo mỗi khi đi công tác. Lúc ngồi rỗi hay trên tàu xe lại lôi bánh kẹo ra nhâm nhi. Thích ăn ngọt, và cùng với đó mình cũng thích nghe nói ngọt. Hễ ai ngọt ngào một tí là y như rằng cảm động rung rinh. Đi mua hàng, hễ cháu nào thả giọng ngọt ngào: “Anh ơi, anh mua cho em đi”, là khỏi cần suy nghĩ, mình mua ngay tắp lự (dù về nhà vợ hỏi phải nói giảm đi vài giá). Còn cô nào rỗng ruễnh: “Chị ơi (gọi vợ mình) chú ấy mặc cái lày đẹp chưa lày,” là bái bai ngay, khỏi cần nghĩ ngợi. Hihi! Thi thoảng có cố nhân nhắn tin hỏi, “Anh ơi anh khỏe không? Anh ngủ ngon chứ?” Thế là thao thức mất ngủ mấy đêm liền, vì sự ân tình, vì tri âm tri kỉ. Khổ thế! Có bận đi ngoài đường, bị một cháu gái bất tử tạt ngang qua, lạng sát vào mình, cái tay lái của cháu ngoặc vào tay lái của mình. Cháu gái đi sai nhưng do chủ động nên chẳng hề hấn gì, còn mình thì ngã lăn nhào ra đất, người một nơi, xe một nẻo. Cháu gái nhanh nhảu mồm năm miệng mười, “Anh ơi, anh ơi, em xin lỗi, em xin lỗi. Anh có sao không?” Mình mặt nhăn như quả táo tàu, đầu lắc, tay xua, miệng thì lào tào phào: “Không sao, em yên tâm, chuyện nhỏ mà.” Cháu lại xuýt xoa: “Em vô ý quá, khổ thân anh.” Rồi nhảy phốc lên xe chuồn thẳng. Mình tập tễnh kéo cái xe, lúc ấy mới thấy yếm xem lung lay như răng ông lão. Thôi, còn người còn của, không bị sao là may rồi. Mình ngơ ngẩn bên đường nhìn khói xe cháu gái vút thành vệt dài, váy áo tung bay, lòng nhẹ nhõm. Đấy, đã bảo là mình MÊ NGỌT.
Nếu ai hỏi mình ao ước điều gì lớn nhất, mình sẽ trả lời ngay không cần suy nghĩ, mình ao ước bình an. Cuộc sống với chuỗi những biến cố dồn dập không kịp thở khiến mình chỉ ước được bình an. Trong nhà ai cũng khỏe là bình an. Buổi tối cả nhà cùng ngồi quây quần bên mâm cơm là bình an. Đi làm về thấy vợ mặt mũi tươi tỉnh là bình an. Hihi. Thì bởi, trong tiếng Hán, chữ An được chiết tự bởi bộ nữ và miên (cái mái nhà). Vậy nên, cứ có phụ nữ dưới mái nhà là bình an. Mỗi lần đi chùa, mình chỉ chắp tay cầu An. Đi xin chữ hay tự viết thư pháp cũng chỉ độc chữ An. Tất cả những từ ghép với “an” mang nghĩa tích cực đều nằm trong phạm trù yêu thích của mình như: An lành, an hòa, an lạc, bình an... “An” từ nghĩa chỉ trạng thái, trong sự cuồng nhiệt của mình, đã chuyển loại thành các từ loại khác. Bất kể đồ gì bắt đầu bằng chữ An đều được mình dùng nhiệt tình. Chè An thần, bánh đậu xanh Hòa An và cả... giấy vệ sinh An An nữa. Đứa cháu vừa ra đời, cả nhà gọi điện nhờ đặt tên, khỏi cần suy nghĩ, mình đặt luôn tên Gia An. Vợ thường cằn nhằn, khổ quá, sao không tìm cô nào tên An mà cưới có phải lúc nào cũng có An ngay bên cạnh không. Mình lờ tờ phờ, không, ngoài em ra, cưới cô nào dù tên An cũng sẽ đệm thêm chữ Bất. Vợ cười loe toe, mặt mũi sáng lóa. Đúng là phụ nữ. Nhưng nói gì thì nói, mình vẫn MÊ AN.
Ngót tứ tuần, mình bắt đầu có một đam mê mãnh liệt và cháy bỏng hơn bất cứ đam mê nào khác. Đam mê có tên gọi là CON. Từ khi con ra đời, cái ước ao luôn ở bên con khiến mình hoàn toàn thay đổi. Đi làm từ sáng đến chiều là đã nhớ con. Từ một người quen vùng vẫy đi ngược về xuôi, mình thành nhu mì, chỉ muốn quanh quẩn ở bên con. Đi công tác xa lắc xa lơ cũng đưa con đi cùng. Bố lên lớp dạy, con ở nhà học bài. Tan buổi dạy, bố ào về phòng, ôm con thơm lấy thơm để. Rồi rong ruổi đi chơi cùng nhau, cười hớn hở, quên hết mọi nhọc nhằn. Mình thấy lạ, sao nhiều người đàn ông đã có gia đình mà mỗi chiều đi làm về lại có thể hăm hở nhào đến quán bia quên cả thời gian. Cả như mình, quán bia đóng cửa hết! Thời gian đó, về nhà ngồi bên con hay lắm. Nó sẽ rúc đầu vào người mình rồi hai bố con bày đồ chơi ra khắp nhà, vãi tung tóe, cười vang vang. Bố vừa nằm xuống con đã lôi dậy bằng những trò con nít, bằng một mớ những câu hỏi không đầu không cuối. Chỉ cần nhìn thấy đôi mắt trong veo của con thì tim ông bố nào rồi cũng “mềm nhũn”. Mình mê con đến độ nhớ từng vết xước xát trên người con. Nào khi con nhức đầu sổ mũi. Nào khi con hu hi ho trái nắng trở trời. Mình thường thức trắng đêm lắng nghe từng nhịp thở của con. Thích nhất là lúc hai bố con cùng ngồi tán gẫu những chuyện trên trời dưới bể. Mình được thể “ba hoa” rằng, có cô ấy xinh lắm, mê bố lắm nhé mà bố thì không hề nhúc nhích. Lại có cô kia chân dài thật là dài, tán mãi mà bố không thèm đổ. Còn có cô xinh mê man, giàu cực là giàu mà cưa bố cả năm bố vẫn tỉnh tình tinh. Con phá lên cười, hoan hô đôm đốp nói, bố giỏi nhở, giỏi nhở. Thế mà hàng tá cô chân dài vẫn không vượt qua được một cô chả xinh, chả chân dài, chả giàu, chả giỏi. Cô ấy kinhhh nhỉiiii. Hai bố con kéo dài giọng, thì thào. Rồi nháy mắt, gật gù, ra chiều ngậm ngùi, do “số phận” cả thôi. Lại cười như nắc nẻ. Nhác thấy “cô đó” đi qua, lườm phát, hai bố con im re, đồng thanh: “Mẹ tuyệt nhất!” Cô đó vừa đi khỏi lại cười như pháo nổ. Yêu quá những buổi chiều như thế. Đã bảo rồi, mình rất MÊ CON.
Mình luôn bị ám ảnh bởi cái đói, cái nghèo từ thuở ấu thơ. Những ngày nước lụt băng đồng, cả làng ăn sắn, khoai thay cơm có khi cả tháng trời, chờ đến khi nước rút. Mình luôn thèm được ăn bát cơm trắng không độn khoai khô, sắn héo. Có hôm mình đi bắt cua giữa trời đông hun hút, đói run cóng người. Lập cập lên bờ, đói lả, mình gục xuống, thiếp đi ngay trên bờ ruộng ngập gió bấc mưa phùn. Trong cơn mê, chỉ độc mơ thấy mình ngồi trước một nồi cơm to, bốc hơi nghi ngút. Mình ăn thỏa thuê mà mãi vẫn thấy đói, thấy thèm. Giật mình tỉnh dậy, không thấy nồi cơm đâu, nước mắt chìm vào trong cỏ bời bời, buốt thấu xương. Bởi vậy, cái thèm thuồng đó theo mình mãi, để sau này, ăn gì vẫn luôn phải có cơm. Đi ăn cưới, đi ăn tiệc, ngồi ăn với bạn bè... mà chưa có lưng cơm thì thế nào về nhà cũng ăn thêm một bát. Bún, cháo, phở các loại không phải là sở trường của mình. Bưng bát cơm trắng trên tay, đến tận bây giờ mình vẫn giữ nguyên niềm xúc động trước những hạt ngọc thực của đất trời. Đối với mình, chỉ cần bát cơm trắng với miếng cá đồng kho là chẳng đặc sản nào bằng. Chả cần ăn thêm gì, chả có mong ước gì! Đã bảo là mình MÊ CƠM mà.
Dĩ nhiên, mình cũng mê một số thứ khác nữa nhưng chưa kịp và chưa tiện nói ở đây. Vì trong bếp cơm đã làm xong phở. Cơm hay phở thì cũng phải chén cái đã. Hì hì.
P/S: Bài viết này tự phác họa “chân rung” trước ngày sinh nhật.