Người ta nói “Sinh ư nghệ, tử ư nghệ”, ngẫm lại câu này mình thấy đúng ra phết! Hehe.
Thoạt kì thủy, mình quen một nàng da trắng, tóc dài, môi đỏ như son, son đỏ như môi. Hồi đó, chưa có tắm trắng, thế mà nàng chụp ảnh trông vẫn thấy nõn nà, ai cũng nghi hoặc: Người gì mà da trắng thế không biết! Nói như ngôn ngữ bây giờ thì chắc là “Dùng phần mềm Ngọc Trinh”! Đã đẹp, nàng lại còn lãng mạn nữa mới tuyệt chứ. Chao ôi. Mây gió trăng hoa tuyết nguyệt đầy ắp trong các cuốn sổ của nàng. Bởi lẽ đó, nàng rất thích dùng các cách nói hình tượng với những ví von hay tuyệt cú. Từ khi quen nàng, mình luôn phải kè kè bên mình cuốn từ điển thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ, rồi các điển tích. Ôi chao là căng thẳng vô chừng nhưng mà cũng thú vị ra phết. Cảm thấy nói chuyện với nàng thật không bõ công bao năm nghiên cứu về ngôn ngữ. Vì thế, sau một thời gian quen nhau, thấy có vẻ mặn mà, mình dè dặt: “Về quê anh chơi nhé.” Gương mặt nàng bừng sáng, nhíu đôi lông mày thanh tú, miệng cười khoe hàm răng ngà ngọc: “Anh ơi! Về quê anh à? Thế thì vui lắm, em chắc sẽ được thỏa sức ngắm những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những buổi đêm nhìn lấp lánh ánh sao trời. Em sẽ được nhìn tận mắt những giọt mồ hôi của người nông dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho giời. Còn gì hay hơn. Về để mặc áo the, đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao, kể chuyện tình bằng lời ngô khoai, lời lúa mới và bằng lời em, anh nhé.” Ôi chao, những câu trả lời dễ thương và đẹp như một bài thơ. Mình cảm động run người, nói: “Ử, ừ! Về chứ, về chứ.”
Về quê, nàng lướt qua cánh đồng, lướt qua gò đồi, lướt qua những ổ gà, ổ voi. Vậy mà nàng nói vẫn hay như hát. Tiếc là hồi đó mình chưa có máy ghi âm chứ nếu ghi lại chắc là đã đóng góp thêm cho nền văn mẫu nước nhà vài bài tuyệt hảo. Nàng về, mẹ mình vui như hội. Bao năm mẹ sợ con trai mải học, mải lo lắng việc nhà nên quên chuyện vợ con. Bây giờ thấy dẫn về nhà một nàng đẹp ngang Bạch Tuyết thì vui hơn cổ tích. Mẹ chạy xuống bếp cời lửa nấu cơm. Trưa mùa hè, nắng như đổ lửa. Nàng ngồi vắt chân lại cảm thán: “Chao ôi, nắng ở quê anh hình như đẹp hơn nơi khác, cứ đậm đà như mật ong.” Mình gật gật: “Đẹp, đẹp. Nhưng mà em ơi, xuống bếp xem chuẩn bị cơm với mẹ, anh đói quá rồi.” Nàng kêu: “Ủ ôi, em quên!” Rồi chạy xuống. Nàng đứng ngoài cửa bếp, thánh thót: “Bác ơi! Mồ hôi bác chảy ròng ròng kìa. Bác để con giúp nhé!” Mẹ mình gạt đi: “Thôi cháu lên nhà, bác làm ù một tí là xong.” Nàng hớn hở: “Vậy a, vậy a, bác vất vả với cháu quá. Cháu đứng đây đợi xem bác có gì cần sai bảo không bác nhé.” Sau mấy câu vậy a thẽ thọt, nàng thơ thẩn bên giậu mùng tơi hái hoa bắt bướm. Rõ khổ! Rồi cũng ăn xong bữa. Mẹ mình bảo thôi để bác rửa bát cho, cháu cầm bát cơm nguội này ra đổ vào cái liễn mẻ cho bác. Nàng tung tăng đi. Một lát sau, mẹ gọi mình ra thì thầm: “Này, bạn con không biết cái liễn là cái gì à? Nó đem cơm đổ hết cả vào... lọ mắm tép mẹ đang ngâm.” Mình hốt hoảng. Mẹ kéo tay: “Thôi, nó dân thành phố, không biết cũng là thường.”
Suốt quãng đường về, nàng lại tiếp tục... làm văn mẫu. Nhưng mình thấy hình như... đuối hơn. Có vẻ vốn ngôn ngữ phong phú dồi dào của nàng sẽ chẳng bao giờ được bổ sung thêm những từ dân dã, quê mùa, cục mịch như mẹ, như cha, như anh, như chị mình vẫn dùng. Và hình như, nàng đã... thuộc về một thế giới khác. Mơ ơi!
Nàng thứ hai! Mình quyết định rồi, lần này sẽ là một nàng dân dã cho hợp người hợp cảnh. Tuyệt, mọi thứ rất ổn. Nói năng thẳng đuột, không cần rào trước đón sau, không tầm chương trích cú. Mình xếp hết từ điển thành ngữ, tục ngữ vào một chỗ. Đối với nàng, những mây những gió những trăng chỉ đơn thuần là một hiện tượng tự nhiên. Mọi thành tựu nghiên cứu, sáng tạo của mình không có “xi nhê” gì với nàng. Mình nhớ hồi đó để phục vụ cho phần thực nghiệm của luận án tiến sỹ, mình mày mò cả năm trời mới thiết kế được một bộ thực hành dạy chữ. Mình tâm đắc hớn hở khoe nàng, xem xong, nàng buông một câu xanh mơn mởn: “Ôi chao! Em thấy thứ này bán đầy ở các cửa hàng sách!” Ơ kìa, bán đầy là đầy thế nào? Mình cứng ắc cổ, chả bắn thêm được câu nào. Cũng có lần, mình nổi hứng làm thơ tặng nàng: “Giữ cho anh giấc mộng này/ Ngọt ngào năm tháng đủ đầy con tim”. Nàng nghe xong, mắt trợn, mồm há, bảo: “Anh có khiếm khuyết gì về tim à? Sao lại không đủ đầy? Sao lại phải giữ? Bệnh về tim là nguy hiểm lắm. Em có cô bạn làm ở bệnh viện Bạch Mai, hôm nào em đưa anh đi khám nhé.” Mặt mình dài thuốt thuồn thuột, dài như cái bơm, miệng méo xẹo, xua tay: “Không, anh khỏe lắm, vật được cả trâu ấy chứ!” (trong bụng nghĩ: Anh muốn vật cho em một phát ngất luôn), rõ bực. Đau khổ thế nhưng được cái là nàng chăm sóc mình rất kĩ. Ngày nào cũng chạy qua nhà, nấu nấu nướng nướng thơm phức cả mũi. Tình yêu đúng là đi qua cái dạ dày. Nhiều lúc ăn xong nghĩ, cứ thế này cũng được, chẳng thơ phú, vần vè. Nhịn ăn thì chết chứ nhịn thơ thì có sao. Và tự nhủ lòng yên tâm. Ấy thế nhưng, một hôm, sau lúc ăn uống no nê, đúng món cá kho sở trường, mình cao hứng nhìn thẳng vào mắt nàng thổ lộ: “Anh sẽ đi với em đến cuối đất cùng trời.” Nàng thay vì xúc động, lăn ra cười ngặt nghẽo: “Thế anh theo em cả vào... nhà vệ sinh nữ à?” Đất dưới chân có sụp cũng không kinh khủng bằng cảm giác của mình khi ấy. Đành chia tay em thui. Mơ ơi.
Nàng thứ ba! Lần này thì rất ổn. Nàng hiểu hết những nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa tường minh, nghĩa hàm ẩn của tất cả những vấn đề mình cần nói, cần giải thích. Sự nhạy cảm về ngôn ngữ của nàng làm mình sướng rung rinh. Nhiều lúc mình mới nói nửa câu nàng đã hiểu. Ví dụ, chỉ cần nói: “Trời hôm nay nóng thế!” Nàng lập tức: “Anh để em lấy nước. Chắc anh có chuyện gì căng thẳng, ngột ngạt à?” Đấy, đã bảo nói một hiểu mười mà lị. Nàng không bao giờ đợi mình nhắc nhở, ỉ ôi, tất tần tật đều tự suy ra và hiểu hết, thế mới tài. Hihi. Chuyện sẽ không có gì đáng nói và sẽ là một kết thúc có hậu, nếu như... Đêm ấy, mình và nàng ngồi bên nhau giữa bờ đê trăng thanh gió mát, cảnh vật hữu tình, thơ mộng đảo điên. Mình nắm tay nàng nói những lời nồng cháy. Nàng chớp chớp mắt, e lệ, tóc bay lòa xòa trong hương đêm thuần khiết. Rồi đột nhiên nàng rấm rứt khóc. Chưa kịp hiểu chuyện gì, nàng đã chỉ tay lên bầu trời lồng lộng thỏ thẻ: “Sao anh lại ngỏ lời vào một đêm trăng khuyết. Em biết anh định nói gì rồi, em dự đoán được rồi...” Nàng đau khổ. Bởi nàng cho rằng mình “đã chọn trước đêm rằm” (thay vì “biết tròn trước đêm rằm” như lời bài hát). Biết làm sao. Rồi nàng bỏ đi. Mình ngồi bời bời trên bờ đê thanh vắng, một mình một vầng trăng... chưa tròn. Mơ ơi!
Nàng thứ tư! Thực sự là quá ổn. Xinh đẹp vừa phải, nói năng vừa phải, hiểu nghĩa các từ ở mức độ... vừa phải. Biết lúc nào thì dùng nghĩa từ điển, lúc nào thì dùng nghĩa văn cảnh. Hiểu về nông thôn Bắc bộ, những từ ngữ dân gian, biết lo lắng công việc, nấu ăn ngon. Nói chung là quá nhiều ưu điểm. Nhược điểm duy nhất của nàng là do ảnh hưởng của phương ngữ quê nàng nên nàng thường có xu hướng nói nguyên âm a thành e. Ví dụ, cần nói: “Anh thích ăn món gì nào?” Nàng sẽ nói: “Anh thích ăn món gì nèo?” Hoặc tệ hơn, “em yêu chim chào mào”. Nàng sẽ nói: “Em yêu chim chèo mèo.” Nghe mãi mới hiểu là chim gì! Nhưng không sao, rồi cũng quen, lại còn thấy dễ thương. Đôi lúc cao hứng, mình còn học nói theo cách của nàng: “Anh bẻo em ngồi tẹo dáng cho anh chụp mà seo em cứ tựa vèo gốc cây thế.” Vui ra phết. Mọi việc sẽ còn vui nữa nếu như không có Tết năm ấy. Nàng bận áo dài, tinh khôi, mặt ngời hạnh phúc, trịnh trọng chúc bố mẹ mình: “Cháu chúc hai béc, luôn vui vẻ, và: ‘Mã đ.. thành công’.” Thui rùi! Mình chết lặng. Mơ ơi!
Khổ thế, thế chẳng phải “Sinh ư nghệ, tử ư nghệ” là gì.
Thành thử, mấy chục năm trời, mình toàn ca bài: Môi nào vẫn còn thơm...
Cho đến khi gặp một cô chân ngắn. Chẳng nói năng gì. Mình cưới luôn. Khỏi phải nghĩ, hì hi...