Trong ta có rất nhiều loại cảm xúc khác nhau như buồn, vui, giận, hờn... Trong tất cả những loại cảm xúc trên, năng lượng của sự sân giận thường thiêu đốt tâm can ta nhiều nhất. Một khi năng lượng của sự giận giữ phát khởi, ta không còn kiềm chế được chính mình. Ta sẽ quát tháo. Ta sẽ để cho năng lượng giận giữ nổ ra như ngọn núi lửa phun ra những dòng nham thạch thiêu đốt tất cả những gì nó đi ngang qua.
Năng lượng của sân giận đã đốt cháy những mối quan hệ tốt đẹp của ta với người. Năng lượng sân giận đã làm cho trái tim của những người ta yêu thương ngày càng xa rời ta. Năng lượng giận giữ đã làm cho lá gan của ta bị tổn thương. Năng lượng giận giữ đã đốt cháy những mầm công Đức mà ta đã gieo trồng.
Để rồi sau khi cơn bão của sân giận đi qua, ta thấy xung quanh mình chỉ còn lại sự hoang tàn và đổ nát. Ta hối hận. Ta hối hận về những gì ta đã làm, đã nói. Ta mong ước giá như ta đừng nói những điều đó, giá như ta đừng làm những điều đó thì hay biết mấy. Nhưng ta đã làm rồi, nhưng ta đã nói rồi và những đổ vỡ đã xảy ra rồi.
Rồi ta tự hứa với chính mình là lần sau mình sẽ không lập lại những điều tương tự như vậy nữa. Vậy mà lần sau ta lại tái diễn những điều như thế, rồi ta lại hối hận... Chuỗi hành động này cứ tiếp diễn làm khổ ta và làm khổ những người xung quanh mình.
Để chuyển hoá được năng lượng của sân giận, cách hay nhất là phát triển tâm yêu thương. Tâm yêu thương như những giọt nước trên bình tịnh thủy của bồ tát Quán Thế Âm, có công năng dập tắt những ngọn lửa của sự sân giận.
Để phát triển được tâm yêu thương ta phải có khả năng nhìn sâu và nghe sâu. Nhìn sâu và nghe sâu giúp cho ta hiểu được chính mình và hiểu được những người xung quanh. Chỉ khi nào hiểu được tận nguồn những khổ đau và cảm xúc trong lòng thì khi đó ta mới có cơ hội chuyển hoá và phát triển tâm yêu thương.
Khi nhìn sâu như vậy ta khám phá ra được rằng nguồn gốc của sự sân giận của chính mình thường bắt nguồn từ những tri giác sai lầm, và sự thiếu truyền thông giữa mình với người. Ta cũng khám phá ra được rằng những năng lượng cảm xúc mạnh này đã được trao truyền từ cha mẹ, ông bà.
Ông bà và cha mẹ cũng đã từng có lúc giận dữ như vậy và mình may mắn hơn những thế hệ trước là biết cách thực tập nhìn sâu, nghe sâu để chuyển hoá sự sân giận, để phát triển tâm yêu thương.
Khi nhận ra được điều này, ta lại khám phá thêm một điều khác nữa là nếu như ta không chuyển hoá được những năng lượng tiêu cực này thì ta cũng sẽ truyền trao những năng lượng này cho con cháu của ta.
Nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy rằng một khi ta bị năng lượng của sân giận chi phối, ta sẽ không kiềm chế được âm thanh và ngôn từ của giọng nói mình. Những gì ta nói ra lúc giận nó chua, cay và đắng lắm, nó sẽ làm cho khoảng cách trái tim giữa ta và người xa dần. Khoảng cách trái tim giữa ta và người xa đến nỗi tuy ta và người đứng rất gần nhau mà ta phải quát tháo lên thì ta mới tin rằng người kia mới có thể nghe được những gì ta nói.
Do đó khi giận, ta nên nhớ một điều rằng khi giận thì không nói và chỉ nói ra khi đã biết rằng mình không còn bị cảm xúc của cơn giận chi phối nữa.
Có một câu chuyện như thế này:
“Có một vị hiền triết đã hỏi các đệ tử rằng:
- Tại sao trong cơn giận dữ người ta thường phải hét thật to vào mặt nhau?
Sau một lúc suy nghĩ, một trong những đệ tử ấy đã trả lời:
- Bởi vì người ta mất bình tĩnh, mất tự chủ!
Vị hiền triết không đồng ý với câu trả lời, ngài bảo:
- Nhưng tại sao phải hét lên trong khi cả hai đang ở cạnh nhau, tại sao không thể nói với một âm thanh vừa phải đủ nghe?
Các đệ tử lại phải ngẫm nghĩ để trả lời nhưng không có câu giải thích nào khiến vị thầy của họ hài lòng.
Sau cùng ông bảo:
- Khi hai người đang giận nhau thì trái tim của họ đã không còn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật to. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ càng phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.
Ngưng một chút, ngài lại hỏi:
- Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào? Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, tại sao? Bởi vì trái tim của họ cận kề nhau. Khoảng cách giữa họ rất nhỏ…
Vị hiền triết tiếp tục:
- Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng ngay cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Vì qua ánh mắt đó họ đã biết đối phương nghĩ gì, muốn gì.
Ngài kết luận:
- Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề, phải giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gì khiến các con cảm thấy xa cách nhau… Nếu không thì có một ngày khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa thì các con sẽ không còn tìm ra được đường quay trở về nữa!”
Khi trái tim xích gần
Khi yêu thương rộng mở
Ta không còn lo sợ
Năng lượng của giận, sân.