Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, được mất thắng thua dường như chỉ là những ý niệm, những quan điểm sống mà mỗi người tự đặt ra cho chính mình hay bị điều kiện hoá bởi gia đình, học đường, môi trường sống hoặc ý thức hệ tôn giáo, chính trị.
Chúng ta ít có khi nào có cơ hội nhìn lại những sự ảnh hưởng này!
Khi mỗi chúng ta bước vào cảnh giới của tu tập, chúng ta từ từ nhận thấy rằng yêu thương chính là năng lượng vĩ đại nhất. Năng lượng yêu thương vượt lên trên thắng thua, vượt lên trên những rào cản của sự khác biệt tôn giáo, chủng tộc, quốc gia, ý thức hệ chính trị...
Một khi năng lượng yêu thương phát khởi trong ta rồi thì lập tức ta sẽ có một hướng đi, một con đường.
Năng lượng yêu thương đó chính là vị thầy bên trong của mỗi người. Vị thầy này sẽ dẫn dắt ta đi về nẻo tươi sáng và hạnh phúc nhất của cuộc đời.
Có yêu thương ta sẽ có trí tuệ. Có yêu thương ta sẽ có được cái dũng của bậc thánh nhân. Có yêu thương ta sẽ cảm thông được nỗi khổ của muôn loài.
Trước khi bạn đến với một tôn giáo nào, thì bạn hãy nên đến với lòng yêu thương trong chính mình trước.
Tôn giáo mà không có sự yêu thương đủ với cuộc đời, với muôn loài thì sẽ có chiến tranh tôn giáo.
Một học thuyết chính trị được nhiều người theo, được một quốc gia áp dụng nếu không dựa trên nền tảng của từ bi thì sẽ dẫn dắt vô số thế hệ vào địa ngục trần gian, khổ đau không bút mực tả xiết.
Vì vậy trong đời sống hàng ngày, trước một sự chọn lựa nào đó thì ta nên chọn lựa YÊU THƯƠNG. Ta biết nếu ta chọn điều này, điều mà dựa trên nền tảng yêu thương ta sẽ thua, ta sẽ bị thiệt phần nào đó về vật chất, nhưng điều đó có hề gì khi tình yêu thương trong ta được nở hoa.
Còn nếu như ta đánh mất đi lòng yêu thương thì bất cứ ta có thắng được điều gì, thì chiến thắng đó bản chất của nó đã thua rồi.
Và tôi sẽ giới thiệu bạn một câu chuyện thật hay, ý nghĩa. Câu chuyện này sẽ mình họa cho những gì tôi viết ở bên trên:
Có một hòa thượng lên núi chặt củi, trên đường trở về, ông phát hiện cậu thiếu niên nọ đã bắt được một con bướm và đang cố gắng khom hai bàn tay lại để giữ cho nó khỏi bay.
Nhìn thấy người tu hành, cậu cất lời:
“Thưa hòa thượng, cháu và ngài đánh cược một ván được không?”
Hòa thượng hỏi lại:
“Cược thế nào?”
“Ngài đoán xem con bướm trong tay cháu sống hay chết? Nếu ngài đoán sai, bó củi sẽ thuộc về cháu”, – cậu thiếu niên trả lời.
Vị hòa thượng nọ đồng ý và đoán:
“Con bướm trong tay cháu chết rồi.”
Cậu thiếu niên cười lớn đáp:
“Ngài đoán sai rồi.”
Nói đoạn, cậu mở tay ra, con bướm từ trong bay lên.
Hòa thượng nói:
“Được, gánh củi này thuộc về cháu.”
Nói xong, ông đặt gánh củi xuống, vui vẻ bước đi.
Cậu thiếu niên không biết vì sao hòa thượng lại có thể vui vẻ đến như vậy nhưng nhìn gánh củi trước mặt, cậu ta cũng không để tâm lắm mà vui vẻ gánh gánh củi về nhà.
Nhìn thấy con về, người cha liền hỏi số củi đó ở đâu ra, cậu mới đem chuyện kể lại cho cha nghe.
Nghe hết câu chuyện của con trai, đột nhiên ông giơ tay tát con một cái, giọng giận dữ:
“Con ơi là con! Con hồ đồ quá rồi! Con nghĩ là mình đã thắng sao? Ngay cả khi con đã thua, con cũng không hề biết mình đã thua đấy.”
Lời cha nói khiến cậu con trai ngơ ngác, không hiểu gì. Người cha liền lệnh cho cậu ta gánh bó củi lên vai, hai cha con mang củi đến trả cho nhà chùa.
Nhìn thấy vị hòa thượng nọ, người cha liền cất tiếng:
“Thưa thầy, con trai tôi đắc tội với thầy, xin thầy lượng thứ.”
Hòa thượng gật đầu, mỉm cười nhưng không nói gì.
Trên đường trở về nhà, cậu thiếu niên sau một khoảng thời gian băn khoăn cuối cùng cũng đã nói ra những nghi vấn trong lòng.
Người cha thở dài, nói:
“Vị hòa thượng đó cố ý đoán con bướm chết, như thế con mới thả nó ra và thắng được gánh củi. Nếu ông ấy nói con bướm còn sống, con sẽ bóp chết con bướm và con cũng sẽ thắng cược.
Con cho rằng vị hòa thượng đó không biết con tính toán gì sao? Người ta thua một bó củi nhưng đã thắng được thứ giá trị hơn rất nhiều, đó là lòng từ bi. Còn con, con đã thua, đã để mất thứ quý giá đó mà chẳng hề hay biết.”