Phía tường bên ngoài thiền đường cần quét vôi mới. Tường cao nên cần bắt thang nhưng lại vướng bụi cây Nguyệt Quế mọc lâu năm. Các chú phật tử cùng nhau bàn và quyết định làm trống bụi cây để thực hiện công việc của mình.
Trong lúc làm trống bụi cây thì một tổ chim sáo rơi xuống. Vài chú chim sáo con bị hất tung ra khỏi tổ. Nhưng may mắn thay không có chú chim sáo nào bị thương.
Và câu chuyện các chú sáo con và chiếc tổ mới bắt đầu từ đây!
Sau khi phát hiện tổ chim sáo với năm chú sáo con, tôi đã quyết định chăm sóc chúng cùng bố mẹ của chúng. Tôi mua cho các chú chim sáo một cái lồng mới, và thiết kế lại để chúng có thể tránh mưa và tránh nắng.
Các chú vẫn còn nhỏ, lông tơ vẫn còn chưa mọc. Tuy vậy đầu các chú lúc nào cũng ngẩng cao đòi ăn khi tôi tiến đến gần. Các chú ăn rất khỏe và nhanh. Tôi đã mua một bịch thức ăn làm từ nhiều loại ngũ cốc về, và đút các chú ăn. Sau đó mới phát hiện là mẹ của các chú vẫn còn tìm mồi, và nuôi các chú.
Các chú sáo lớn rất nhanh. Chỉ trong vòng một tuần thôi mà lông và cánh đã mọc dày. Trong suốt thời gian đó tôi thường quan sát các chú sáo lớn lên từng ngày. Các chú rất thông minh. Mỗi khi tôi tới gần, nghe tiếng gọi của tôi là cả đội đều đáp lại và ngẩng cao đầu đòi ăn. Các chú nhận biết được người lạ, người quen và cả sự hiện diện yêu thương của mẹ các chú.
Một mẹ nuôi năm con thật vất vả! Các chú đòi ăn liên tục, tôi nghĩ nhờ mình giúp các chú ăn nên mẹ các chú cũng đỡ phần nào.
Cứ vài phút là chim mẹ tha về một con mồi, cả ngày như vậy thì thật là vất vả. Sự hy sinh của bố, mẹ trong các loài lúc nào cũng vô cùng lớn. Bậc bố mẹ ít có khi nào nghĩ cho bản thân mình, tất cả yêu thương đều dành cho con cái.
Nhưng đôi khi để con cái hiểu ra được điều này thì không phải dễ, phải đợi đến khi mình trở thành ông bố, bà mẹ rồi mới hiểu được tình thương này của bố, mẹ mình. Rồi mình mới biết ơn và trân quí, nhưng cuộc đời đôi lúc trớ trêu. Lúc hiểu ra được rồi thì có thể bố mẹ đã không còn, và câu nói biết ơn cũng không kịp trao đến hai đấng sinh thành.
Khi cho ăn và quan sát tổ của bầy chim sáo con, tôi phát hiện tổ rất sạch. Hoàn toàn không thấy phân của các chú sáo con trong tổ. Và các chú sáo con lại lớn rất rất nhanh. Tôi nghĩ hay là “các chú chỉ cho vô thôi mà không cho ra, nên lớn nhanh như vậy mà tổ lại sạch nữa”.
Và một hôm tình cờ, tôi phát hiện ra chim mẹ đem thức ăn vào tổ cho chim con, sau đó tha phân của các chú chim con ra và làm sạch tổ. Thắc mắc của tôi đã được giải tỏa: các chú chim thật sự có “cho vô và cũng có cho ra”.
Chú chim cũng vậy, mà con người cũng vậy. Bố mẹ nào cũng muốn các con mình được gọn gàng, sạch sẽ, tươm tất. “Nghèo thì cho sạch, rách cho thơm”.
Tôi thấy ra được rằng các loài dường như hình dáng bên ngoài có khác nhau, nhưng tận cùng bên trong, nơi sâu thẳm nhất vẫn có cái gì tương đồng, vẫn có điều gì đó mà mình có thể cảm thông, và kết nối. Phải chăng đấy chính là Tánh Phật. Muôn loài đều có Phật Tánh cả. Muôn loài nên được bình đẳng. Được quyền sống, phát triển và có chỗ ở. Được quyền tự do và phát triển đúng thuộc tính của mỗi loài.
Loài người chỉ là một trong muôn vạn loài trên hành tinh này mà thôi. Vậy mà sự lan rộng của loài người đã làm tuyệt chủng bao nhiêu loài khác đồng cư trên cơ thể của đất mẹ thân yêu này.
Tôi thấy được rằng Tâm thức của loài người, sự tồn tại của nền văn minh nhân loại được kéo dài chỉ khi nào loài người ý thức được sự bình đẳng tôn trọng giữa mình với muôn loài khác. Nếu làm ngược lại, tàn phá môi trường, thiên nhiên hủy hoại môi trường sinh thái, môi trường sống của các loài khác thì đất mẹ sẽ dạy cho loài người những bài học bằng chính cơn thịnh nộ của người.
Nếu loài người không học được bài học này, thì có lẽ một ngày nào đó mẹ thiên nhiên buộc phải xoá sổ loài người, để cho một tâm thức loài mới tiến hoá phù hợp hơn.
Không có quyền lực và sức mạnh nào hơn được quyền lực và sức mạnh của tự nhiên. Thay vì luôn muốn làm chủ tự nhiên thì loài người hãy biết trở về sống thuận với tự nhiên và hài hoà với muôn loài khác. Chỉ có làm được điều này thì tương lai mới có mặt cho con cháu của loài người.
Những chú sáo con đã đủ lông, đủ cánh. Chiếc lồng rộng lớn khi xưa bây giờ đã trở nên chật hẹp. Các chú đã rời tổ. Các chú đã đi tìm cho mình một không gian mới rộng lớn hơn và cũng đầy mạo hiểm hơn.
Nhưng đó cũng là lẽ đương nhiên. Có ai trưởng thành mà không qua thử thách. Có ai lớn lên mà chưa từng vấp ngã bao giờ. Tôi quan sát các chú sáo con. Một khi các chú đã rời tổ thì không chú nào quay lại cả.
Các chú không quay lại tổ không phải là không biết ơn cội nguồn, không nhớ về chiếc tổ ấm áp. Các chú không quay về tổ có lẽ bởi vì lúc bấy giờ các chú coi bầu trời bao la, thiên nhiên rộng lớn này chính là tổ mới của mình. Ở đó mình có thể tự do bay lượn, vui đùa. Không một điều gì có thể giới hạn.
Các chú không về tổ nữa, không về lại chiếc lồng nhỏ bé mà tôi đã làm cho các chú nữa. Nhưng tôi vẫn muốn để chiếc lồng ở đấy. Mỗi khi đi ngang qua nhìn thấy chiếc lồng, lại nhắc tôi nhớ về năm chú sáo con. Năm sinh vật nhiệm màu của tạo hoá đã từng lớn lên, trưởng thành và tung đôi cánh của mình thực hiện tại đây một cuộc bay đầu tiên trong đời để đến với khung trời tự do.
Hai tiếng Tự Do vô cùng linh thiêng. Tự Do chính là độc lập và trách nhiệm. Tự Do chính là hạnh phúc. Và tôi cũng luôn cầu mong cho đất nước tôi sẽ có được một sự Tự Do thật sự. Tự Do khỏi bất kì mọi Ý thức hệ, mọi chủ thuyết, mọi đảng phái và bầu trời dân chủ rộng mở mỗi ngày.
Chỉ có Tự Do thật sự mới có tiếng nói của dân chủ. Mới có sự phát huy, sáng tạo và phát triển bền vững.
Nhìn chiếc lồng trống không, mà tôi thấy hạnh phúc. Khi các bạn đến thăm tôi, tôi sẽ chỉ cho các bạn thấy chiếc lồng vẫn còn treo nơi đó. Chiếc lồng trống không phải là biểu tượng của sự ràng buộc, với tôi chiếc lồng trống không ấy là biểu tượng của sự tự do và trách nhiệm.