Chỉ bằng cách kết hợp giữa kể chuyện và quản lý thì các công ty mới có thể tạo ra một văn hóa doanh nghiệp độc đáo
1
XÂY DỰNG HÌNH ẢNH DOANH NGHIỆP BẰNG CÁC CÂU CHUYỆN
Câu chuyện là hơi thở và nhịp đập của công ty
Giáo sư nổi tiếng Howard Gardner của Đại học Harvard đã phát hiện ra rằng, mọi người có thể giao tiếp tốt hơn thông qua những câu chuyện, và những câu chuyện thực sự có tác dụng gắn kết.
Câu chuyện xây dựng nên hình tượng doanh nghiệp
Câu chuyện doanh nghiệp không phải là những câu chuyện cười xuất hiện trên bàn rượu, mà là những câu chuyện thú vị xảy ra trong quá trình hoạt động của công ty, mang tính tích cực và tạo động lực cho toàn bộ nhân viên.
Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, những câu chuyện này có ý nghĩa rất đặc biệt. Chúng không chỉ truyền động lực cho các nhân viên nỗ lực để đạt được mục tiêu của họ mà còn thúc đẩy hình ảnh của công ty.
Sức lan tỏa của câu chuyện phụ thuộc vào nội dung và giá trị của chính nó, và mọi người dùng câu chuyện ấy để tiếp thêm hy vọng cho chính mình và những người xung quanh. Đối với sự phát triển của doanh nghiệp, một câu chuyện thu hút sự chú ý có thể cứu vãn cả công ty, và những tin đồn thất thiệt cũng có thể hủy hoại doanh nghiệp.
Câu chuyện về hình tượng doanh nghiệp có thể hiểu là một phương tiện quảng bá thương hiệu. Hình ảnh doanh nghiệp là một dạng biểu ngữ của công ty, thể hiện vinh quang trong quá khứ và dẫn dắt hoạt động trong tương lai. Còn câu chuyện doanh nghiệp giúp hình ảnh doanh nghiệp trở nên tròn trịa, đầy đủ hơn. Phương thức quảng cáo này có thể truyền tải một cách sinh động hình ảnh của công ty đến người tiêu dùng và hướng dẫn họ xác định các giá trị của công ty. Sự đổi mới của Apple, sự quyến rũ của rượu Mao Đài… đều là những câu chuyện quảng bá hấp dẫn và có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.
Câu chuyện doanh nghiệp phản ánh truyền thống và lịch sử của công ty, và nó là một sự tồn tại lâu dài. Truyền thông bằng những câu chuyện có tính lan truyền cao, dễ chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng và dần lấy được lòng tin của họ hơn so với những quảng cáo phi thực tế.
Chúng ta có thể thấy dù là công ty thuộc top Fortune 500 hay công ty lâu đời thì hầu hết đều có câu chuyện của riêng mình. Họ dựa vào câu chuyện để xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, truyền bá văn hóa doanh nghiệp và thu hút người tiêu dùng. Câu chuyện là hơi thở và nhịp đập của công ty.
Doanh nghiệp cần chú ý duy trì hình ảnh của mình, vì quá trình xây dựng hình ảnh doanh nghiệp không hề dễ dàng, và thành quả cũng rất khó đạt được. Nhân viên không nên có lời nói hay hành vi gây tổn hại đến hình tượng và uy tín của công ty. Chỉ khi mọi nhân viên đều coi trọng công ty và hình ảnh của chính mình thì họ mới có thể thực sự cống hiến cho công ty.
Một câu chuyện doanh nghiệp tích cực là một dạng năng lượng tích cực đối với cả bên trong lẫn bên ngoài công ty. Nó có thể giúp lãnh đạo gắn kết nhân viên tốt hơn, cho phép nhân viên đồng nhất với văn hóa doanh nghiệp, nâng cao ý thức tập thể và giúp cho việc giao tiếp trở nên dễ dàng và suôn sẻ hơn. Truyền bá những câu chuyện của công ty ra bên ngoài có thể giúp tăng mức hiểu biết và nhận thức của người tiêu dùng về công ty.
Hình tượng doanh nghiệp là một thanh gươm sắc bén, có thể giúp các công ty chiến thắng đối thủ và đưa họ lên một tầm cao mới.
Tầm quan trọng của câu chuyện đối với nhân viên
Câu chuyện doanh nghiệp có ích lợi rất lớn đối với việc xây dựng hình ảnh bên ngoài của công ty, và trong nội bộ công ty, nó cũng là một cách để tập hợp “lực hướng tâm” của đội ngũ nhân viên.
Khi nhắc đến câu chuyện Cửa hàng bánh bao “Chó không thèm đếm xỉa”, người ta luôn tò mò về nguồn gốc của cái tên này.
Vào thời Tây An của nhà Thanh, có một cửa hàng bán bánh bao hấp của một anh chàng tên là Cẩu Tử. Nhờ khéo tay nên bánh bao của anh ta rất được các thực khách yêu thích, rất nhiều người nghe tiếng thơm nên đến mua, ngày nào cũng có hàng dài người xếp hàng ngoài cửa. Cẩu Tử bận rộn đến mức thời gian nghỉ ngơi hay chào hỏi khách cũng không có, bận đến mức ai hỏi anh ta cũng chẳng kịp đáp lời, vì vậy mọi người dần gọi cửa hàng này là “Chó không thèm đếm xỉa”.
Đây chính là nguồn gốc của cửa hàng bánh bao “Chó không thèm đếm xỉa”. Đó không chỉ là câu chuyện có thể khơi dậy hứng thú của các nhân viên mà còn là hiện thân của tinh thần và thái độ làm việc thầm lặng, tích cực.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng những câu chuyện tương tự để thúc đẩy nhân viên nỗ lực phấn đấu trong công việc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có những câu chuyện ngắn để trau dồi cho nhân viên văn hóa và quy định của công ty.
2
VẬN DỤNG TỐT CÂU CHUYỆN DOANH NGHIỆP
"Nội dung của các câu chuyện có thể khác nhau nhưng mục tiêu đều giống nhau, đó là đưa doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và hiện thực hóa giấc mơ của doanh nghiệp:"
Kết hợp khả năng kể chuyện và khả năng lãnh đạo
Lãnh đạo giỏi kể chuyện thôi thì chưa đủ. Chỉ có kết hợp khả năng kể chuyện và khả năng dẫn dắt thì các lãnh đạo mới có thể tạo ra một văn hóa doanh nghiệp thân thiện và độc đáo. Kể chuyện sinh động kèm dẫn dắt chắc chắn sẽ giúp nhân viên dễ dàng nhận thức về văn hóa của công ty, từ đó tự giác chấn chỉnh thái độ làm việc của mình.
Khả năng lãnh đạo là một điểm cực kỳ quan trọng trong quản lý doanh nghiệp, sao cho tận dụng triệt để các nguồn lực xung quanh trong phạm vi có thể kiểm soát, “bày binh bố trận” một cách hợp lý, khách quan, đạt kết quả cao nhất mà ít tốn công sức nhất và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.
Điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải nhìn nhận từ góc độ vĩ mô và tính đến tình hình tổng thể. Trong công việc phải luôn giữ vững quan điểm về tình hình chung, kiên định hướng tới mục tiêu đề ra và không bao giờ lãng quên nhiệm vụ cũng như thành quả mà mình hướng tới. Ý chí của lãnh đạo sẽ quyết định phần lớn sự thành bại của tổ chức.
“Thương trường như chiến trường”, chỉ trong chốc lát đã có hàng ngàn hàng vạn sự thay đổi. Điều này có nghĩa là các lãnh đạo phải trải nghiệm và cảm nhận mọi khía cạnh của doanh nghiệp ở mức độ sâu hơn. Nhân viên không phải là những cỗ máy vận hành liên tục, họ là những con người bằng xương bằng thịt với những ý tưởng của riêng mình. Mỗi nhân viên là một mắt xích cấu thành nên doanh nghiệp, giúp nó vận hành đúng đắn và chính xác, và chính nhân viên là lực lượng đảm bảo sự vững chắc của công ty. Lãnh đạo cần quan tâm đến sự phát triển của nhân viên, thấu hiểu nhu cầu của họ, đối xử với họ một cách bình đẳng và tôn trọng.
Cốt lõi của lãnh đạo doanh nghiệp là lãnh đạo con người. Khi giải quyết vấn đề, bạn nên thảo luận về nó, không chỉ trích nhân viên và không phủ nhận hoàn toàn công sức của họ chỉ vì một sai lầm nào đó.
Khả năng lãnh đạo của người đứng đầu sẽ thúc đẩy tính nhân văn trong tổ chức, đặc biệt là trong quá trình giải quyết một cách có trật tự các vấn đề của công ty. Các lãnh đạo nên tạo ra một văn hóa doanh nghiệp và môi trường làm việc tích cực, quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên, từ chối những hành vi cá nhân theo kiểu “anh hùng chủ nghĩa”. Khả năng lãnh đạo của người đứng đầu sẽ quyết định thái độ làm việc của các nhân viên.
Lãnh đạo cần nâng cao khả năng kể chuyện
Các lãnh đạo có thể cải thiện khả năng kể chuyện thông qua ba điểm sau:
1. Trước hết, mỗi doanh nghiệp đều có những giá trị cốt lõi, những mục tiêu để tất cả các thành viên từ trên xuống dưới đồng lòng hướng tới, và mục đích của những câu chuyện là giúp cho nhân viên hiểu rõ những điều đó. Những câu chuyện đời thường của chúng ta thường chỉ mang tính giải trí, gây cười, không nhằm truyền đạt suy nghĩ, quan điểm hay giá trị gì sâu sắc. Nhưng trong môi trường doanh nghiệp công ty, chúng ta không nên sử dụng những câu chuyện này, và câu chuyện của lãnh đạo nên định hướng và khơi dậy tư duy của nhân viên.
2. Thứ hai, câu chuyện của lãnh đạo cần phải có chủ đề rõ ràng. Phần kết thúc sẽ rút ra bài học từ câu chuyện để nhân viên có thể hiểu rõ thông điệp của lãnh đạo.
3. Cuối cùng, câu chuyện cần có bố cục rõ ràng, nội dung mạch lạc. Những câu chuyện quá phức tạp sẽ không thích hợp với hoạt động truyền bá, khiến nhân viên khó ghi nhớ. Các lãnh đạo nên đơn giản hóa các thông điệp của mình để chúng phục vụ doanh nghiệp tốt hơn; đồng thời nên giúp nhân viên xem xét, sắp xếp và tóm tắt những câu chuyện khác nhau về văn hóa doanh nghiệp, để chúng có thể ăn sâu bén rễ và trở thành chất dinh dưỡng của công ty. Đây là một biểu hiện của năng lực lãnh đạo, đồng thời cũng là trách nhiệm của những người đứng đầu.
Mỗi câu chuyện mà lãnh đạo kể đều phục vụ sự phát triển của công ty, đây là nhiệm vụ mà người đứng đầu cần liên tục cải tiến. Các hệ thống quản lý hiện đại cũng đã thừa nhận vai trò quan trọng của năng lực lãnh đạo và khả năng kể chuyện.
Các lãnh đạo hãy nhớ rằng, mặc dù nội dung của các câu chuyện có thể khác nhau nhưng mục tiêu đều giống nhau, đó là đưa doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và hiện thực hóa giấc mơ doanh nghiệp.
3
KHI KỂ CHUYỆN TRỞ THÀNH VĂN HÓA DOANH NGHIỆP
"Khi việc kể chuyện trở thành một trong những nét văn hóa trung tâm của toàn doanh nghiệp thì doanh nghiệp ấy sẽ trở thành một khối đoàn kết và đồng lòng hơn bao giờ hết"
Trong doanh nghiệp không nên chỉ có duy nhất một người kể chuyện
Các lãnh đạo xuất sắc sẽ không chỉ kể chuyện, mà còn xây dựng văn hóa kể chuyện trong công ty. Quá trình hình thành và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp cần những câu chuyện tham gia hỗ trợ, thế nên sẽ thật đáng tiếc nếu chỉ có một mình lãnh đạo biết kể chuyện. Khi việc kể chuyện trở thành một trong những nét văn hóa trung tâm của toàn bộ doanh nghiệp thì doanh nghiệp ấy sẽ trở thành một khối đoàn kết và đồng lòng.
Nếu như mọi nhân viên đều biết cách kể chuyện, vậy thì trong quá trình bán hàng, họ có thể sử dụng những câu chuyện để cải thiện doanh số, đó là điều may mắn của công ty. Đây không phải là hành động khoe khoang, mà là dựa trên cơ sở chất lượng để giới thiệu sản phẩm, công ty và văn hóa doanh nghiệp một cách phù hợp. Chỉ bằng cách giỏi nắm bắt các câu chuyện và giúp các nhân viên học cách kể chuyện, công ty mới có thể không ngừng tiến lên.
Nhiều lãnh đạo nổi bật và có tầm ảnh hưởng ngay từ khi còn là nhân viên bởi vì họ giỏi sử dụng câu chuyện để diễn đạt và giao tiếp hiệu quả với đồng nghiệp cũng như cấp trên. Cộng với hiệu suất công việc không ngừng được cải thiện, họ nhanh chóng tiến lên vị trí quản lý.
Điều các nhân viên đánh giá cao ở một câu chuyện là tinh thần doanh nghiệp, nhưng thứ họ nhận được lại là tinh thần phấn đấu hết mình, để từ đó tự khích lệ bản thân nỗ lực cống hiến hơn nữa.
Hoạt động kể chuyện chính là biểu hiện của văn hóa và tinh thần doanh nghiệp. Câu chuyện doanh nghiệp là một kho tàng tinh thần quý giá, một thứ bảo vật không thể đánh đổi bằng tiền bạc hay vật chất.
Câu chuyện cũng là một phần của văn hóa doanh nghiệp
Một nhóm khảo sát đã tiến hành phỏng vấn 400 công nhân viên từ mọi tầng lớp xã hội. 2/3 trong số họ bày tỏ sự không hài lòng với lãnh đạo doanh nghiệp. Họ tin rằng lãnh đạo của mình không thể giải thích cặn kẽ về văn hóa doanh nghiệp, và những người đứng đầu này thiếu nhận thức rõ ràng về mục tiêu và triển vọng của công ty. Thậm chí khá nhiều người còn cho rằng lãnh đạo của họ không thể thúc đẩy cấp dưới một cách hiệu quả và dẫn dắt đội nhóm hoàn thành mục tiêu.
Với tư cách là người quản lý, nếu lãnh đạo không hiểu rõ điểm cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp, thì nhân viên cũng không thể thấm nhuần văn hóa doanh nghiệp. Các lãnh đạo nên làm gương và truyền bá văn hóa doanh nghiệp bằng những câu chuyện, coi nó như một phần của văn hóa doanh nghiệp. Lãnh đạo cũng có thể thiết lập một hệ thống khen thưởng để thúc đẩy nhân viên tích cực tìm hiểu các câu chuyện doanh nghiệp.
Tại công ty General Motors (Mỹ), hoạt động kể chuyện đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa doanh nghiệp. Cả nhân viên mới và cũ đều thích áp dụng phương pháp này để chứng minh quan điểm của họ. Khi tuyển dụng, công ty cũng coi trọng khả năng kể chuyện của ứng viên, qua nhiều vòng phỏng vấn, người phụ trách sẽ chọn ra những nhân viên phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Công ty tin rằng: “Các lãnh đạo tạo ra văn hóa doanh nghiệp, và ngược lại, văn hóa doanh nghiệp sẽ ươm mầm cho các thế hệ lãnh đạo tiếp theo.”
Các công ty phải đặc biệt chú trọng tới bối cảnh, nắm bắt cơ hội kể chuyện để lan truyền sức hấp dẫn của công ty. Câu chuyện doanh nghiệp có thể xuất hiện và đóng vai trò hỗ trợ cho lãnh đạo khi giao lưu với nhân viên, xây dựng lòng tin và gắn kết đội nhóm; trong những sự kiện mà các giá trị của công ty có thể được thúc đẩy; trong những tình huống mà lãnh đạo cần truyền đạt tư tưởng của mình; trong quá trình đào tạo nhân viên; và khi cần vạch ra kế hoạch và viễn cảnh tương lai của công ty.
Văn hóa kể chuyện không nên xa rời thực tế
Các câu chuyện kể trong công ty không nên quá cầu kỳ, dù là lãnh đạo hay nhân viên cũng nên kể câu chuyện của những người thành công và cả những người bình thường. Chỉ những câu chuyện gần gũi với cuộc sống mới có thể chạm đến trái tim người nghe và khơi dậy sự đồng cảm nơi họ.
4
DANH NGÔN – THỦ PHÁP KỂ CHUYỆN KHÔNG BAO GIỜ LỖI THỜI
Danh ngôn là các khẩu hiệu động viên hiệu quả nhất đối với nhân viên, đồng thời cũng là cách để các lãnh đạo đốc thúc chính mình
Danh ngôn là những câu nói ngắn gọn, hàm súc đúc kết trí tuệ, tinh hoa, trải nghiệm của những bậc hiền triết, có tác dụng cảnh tỉnh hoặc xoa dịu tâm hồn con người.
Rất nhiều công ty cũng sử dụng các câu danh ngôn để truyền tải tinh thần doanh nghiệp, từ đó động viên, thúc đẩy lãnh đạo cũng như nhân viên cống hiến hết mình.
Danh ngôn tại doanh nghiệp
Mặc dù danh ngôn có tác dụng khuyến khích hoặc cảnh tỉnh, nhưng không phải câu nói nổi tiếng nào cũng có thể lan truyền trong doanh nghiệp. Trong bất kỳ công ty nào, trước tiên cần lựa chọn những câu danh ngôn phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, có giá trị hướng dẫn hoặc cảnh báo tích cực đối với nhân viên.
Danh ngôn sử dụng trong doanh nghiệp khác với những câu nói thể hiện cảm xúc cá nhân, vì vậy chúng ta phải chú ý đến tính hợp lý của nó. Những câu danh ngôn này không nên quá dài, vừa khó nhớ vừa không phát huy hết giá trị. Nên lựa chọn những câu có nội dung đơn giản, dễ hiểu và chứa đựng tinh thần cốt lõi mà doanh nghiệp muốn truyền tải, như vậy mới có sức thuyết phục với nhân viên. Doanh nghiệp cũng nên chọn những câu nói, câu trích dẫn nổi tiếng, truyền cảm hứng của các doanh nhân thành đạt. Chúng sẽ trở thành các khẩu hiệu động viên hiệu quả nhất đối với nhân viên, đồng thời cũng là cách để các lãnh đạo đốc thúc chính mình.
Danh ngôn cần phải phù hợp với mục tiêu lâu dài của doanh nghiệp
Những câu danh ngôn được sử dụng như một tôn chỉ của doanh nghiệp phải phù hợp với văn hóa và mục tiêu của doanh nghiệp, không thể hôm nay thực hiện rồi ngày mai lại bỏ. Điều này không chỉ làm nhân viên mất phương hướng mà còn khiến họ có ấn tượng rằng lãnh đạo là người không có lập trường.
Những người đứng đầu nên có sự hiểu biết sâu sắc đối với các câu danh ngôn, có sự đồng cảm một cách triệt để, như vậy mới có thể áp dụng chúng để phát huy kỹ năng lãnh đạo của mình. Nếu giá trị mà công ty quảng bá đi ngược lại với quan điểm cá nhân của người quản lý thì đó sẽ là một sự tổn hại đối với công ty. Lãnh đạo cũng phải là người đi đầu trong việc thực hiện và quán triệt tinh thần này, giúp văn hóa doanh nghiệp trở nên đặc sắc hơn.
Danh ngôn phải truyền tải tinh thần doanh nghiệp
Những câu danh ngôn sử dụng trong doanh nghiệp thực chất là sự cụ thể hóa tinh thần của doanh nghiệp, nó đại diện cho giá trị cốt lõi cũng như phương hướng của công ty.
Rất nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn những câu nói nổi tiếng như một phần trong văn hóa doanh nghiệp của mình, nhưng chúng lại không được thường xuyên sử dụng để tạo động lực thúc đẩy nhân viên cống hiến. Những câu danh ngôn như vậy không có giá trị.
Trong cuộc họp, các lãnh đạo nên sử dụng danh ngôn để tóm tắt hoặc tuyên dương việc làm hay kết quả công việc của nhân viên, giúp cho việc khen thưởng trở nên uyển chuyển hơn. Trong các loại văn bản hoặc tài liệu tuyên truyền nội bộ, doanh nghiệp cũng nên thường xuyên nhắc đến các câu danh ngôn đó, như vậy mới giúp cho việc truyền đạt tinh thần của doanh nghiệp có hiệu quả cao.
Phương pháp cải biên danh ngôn
Một số câu danh ngôn không thích hợp để sử dụng trực tiếp trong doanh nghiệp do chúng quá dài hoặc quá ngắn, hoặc ý nghĩa không rõ ràng. Nếu đó là một câu nói nổi tiếng hữu ích và có thể cải thiện hoạt động của doanh nghiệp, vậy thì chúng ta hãy thay đổi một chút để nó trở nên phù hợp hơn và có thể sử dụng được. Dưới đây là một vài phương án cải biên danh ngôn mà các doanh nghiệp có thể tham khảo:
1. Phương pháp ẩn dụ. “Ẩn” là lồng giá trị, tinh thần của văn hóa doanh nghiệp vào câu danh ngôn và để nó tự phát huy tác dụng.
2. Phương pháp cải biên hình thức. Một số câu danh ngôn có hình thức ngắn gọn và nhịp điệu độc đáo, giúp chúng thu hút và dễ nhớ hơn. Doanh nghiệp cũng có thể sửa đổi danh ngôn của mình theo cách này, vừa thể hiện giá trị cốt lõi của công ty, vừa không làm mất đi vẻ đẹp của nhịp điệu.
3. Phương pháp diễn giải thay thế. Một câu danh ngôn có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Đặc biệt là với những câu danh ngôn cổ, bản thân chúng vốn có ý cảnh và nhịp điệu nghệ thuật độc đáo. Việc sử dụng câu từ hiện đại để diễn giải ý nghĩa, giá trị cổ xưa của chúng cũng sẽ làm nảy sinh những hàm nghĩa mới, có thể phục vụ cho những mục tiêu hiện tại. Nhưng khi áp dụng phương pháp cải biên này, chúng ta nên chú ý đến cả ý nghĩa cổ xưa và ý nghĩa hiện đại, đừng khiến chúng trái ngược nhau hoàn toàn.
Ví dụ, phương châm của công ty Haier là: “Nhật sự nhật tốt, nhật thanh nhật cao.” Mặc dù chỉ gồm tám chữ đơn giản, nhưng nó phác họa chính xác thái độ làm việc mà công ty tin tưởng, đó là: “Công việc hôm nay phải hoàn thành ngay hôm nay. Chất lượng công việc của hôm nay phải tốt hơn hôm qua và mục tiêu của ngày mai phải cao hơn hôm nay.” Có thể thấy rằng phương châm của Haier xuất phát từ câu nói “Việc hôm nay chớ để ngày mai” nhằm nhắc nhở nhân viên không được trì hoãn công việc mà phải nhanh chóng hoàn thành nó. Haier đã diễn giải câu châm ngôn trên và biến nó thành khẩu hiệu của mình, vừa giữ được giá trị, vừa phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp.
Kể từ khi thành lập cho đến nay, Haier luôn đề cao tinh thần làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm như vậy. Tất cả nhân viên của Haier không hề coi khẩu hiệu này chỉ là một câu nói suông, họ tin tưởng phương châm của công ty và luôn giữ vững chuẩn mực khi làm việc. Họ áp dụng “Phương pháp quản lý Nhật thanh” để kiểm soát toàn diện và xử lý công việc của mỗi ngày, tôi tin rằng đây cũng là hiệu quả điều hành tốt nhất mà tất cả các công ty đã và đang theo đuổi. Chính những tiêu chuẩn cao, yêu cầu cao và thái độ nghiêm túc chấp hành như vậy đã giúp Haier đứng vững hàng chục năm tại thị trường trong nước và ngày càng tỏa sáng trên trường quốc tế.
5
NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG CÂU CHUYỆN TRONG DOANH NGHIỆP
"Câu chuyện là cách để quảng bá sản phẩm đến công chúng, nhưng tiền đề phải là công ty sở hữu những sản phẩm chất lượng cao"
Những tình huống không phù hợp với hoạt động kể chuyện
Trước tiên, trong những trường hợp khẩn cấp, không phù hợp với việc kể chuyện, không có thời gian kể chuyện thì lãnh đạo nên truyền đạt ngay những chỉ dẫn và giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt. Việc phản ứng không kịp thời sẽ khiến cho cuộc khủng hoảng trở nên phức tạp và gây ra những tác động tiêu cực hơn. Với những tình huống này, lãnh đạo nên tập trung đối phó với sự cố và ứng xử với nhân viên bằng một thái độ đúng mực, sau khi giải quyết xong sự việc thì cần nhìn lại để rút ra bài học cần thiết và cải thiện hiệu quả công việc. Điều quan trọng nhất là đảm bảo sự công bằng, hợp tình hợp lý, tránh để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến việc ra quyết định.
Ngoài ra, trong các cuộc họp, lãnh đạo cũng nên cân nhắc tình huống thích hợp để kể chuyện. Vào những dịp trang trọng, không khí phải nghiêm túc và không nên làm chậm trễ thời gian của những người tham gia. Nếu tiến hành kể chuyện trong tình huống này, lãnh đạo cần nhấn mạnh vào thông điệp muốn truyền tải một cách rõ ràng.
Các quy chế khác nhau của một doanh nghiệp là những tiêu chuẩn mà nhân viên cần tham khảo trong công việc và chúng không thể được truyền đạt thông qua những câu chuyện. Việc sử dụng các câu chuyện để truyền đạt quy chế sẽ làm giảm tính nghiêm túc của chúng và khiến nhân viên lầm tưởng rằng các quy định này không cần phải tuân thủ nghiêm ngặt, từ đó gây ra tình trạng hỗn loạn trong nội bộ doanh nghiệp.
Câu chuyện là quá trình và sản phẩm là điểm khởi đầu
Câu chuyện có vai trò hướng dẫn và chỉ đường, nhưng đối với các công ty, sản phẩm mới là thứ quan trọng nhất, giúp họ có chỗ đứng trên thị trường. Câu chuyện sẽ thúc đẩy người tiêu dùng mua sản phẩm, sau khi sử dụng, họ sẽ có hai phản ứng khác nhau: nếu chất lượng sản phẩm vượt ngoài mong đợi, người tiêu dùng sẽ tin tưởng thương hiệu, trở thành người hâm mộ sản phẩm, giới thiệu với người khác và tiếp tục mua thêm lần thứ hai; nếu chất lượng sản phẩm chỉ ở mức trung bình, người tiêu dùng sẽ cảm thấy thất vọng, chuyển sang lựa chọn sản phẩm khác ở lần mua sau, hoặc có thể quay lại mua sản phẩm cũ, nhưng sự không hài lòng tích tụ lâu ngày sẽ dẫn đến sự phản cảm. Điểm này cần được coi trọng; nếu chất lượng của sản phẩm khiến cho người tiêu dùng thất vọng, họ sẽ không tiếp tục mua hàng và sẽ chia sẻ trải nghiệm mua sắm thất bại của mình với bạn bè.
Câu chuyện là cách để quảng bá sản phẩm đến công chúng, nhưng tiền đề phải là công ty sở hữu những sản phẩm chất lượng cao.
Chăm chút cho câu chuyện một cách hợp lý
Tương lai của công ty và hiệu quả của sản phẩm được mô tả trong câu chuyện cần dựa trên những điều kiện thực tế, chỉ nên “tô vẽ” một cách thích hợp và cung cấp những kỳ vọng cho khách hàng trong một phạm vi hợp lý. Những mô tả quá khoa trương sẽ chỉ khiến cho người tiêu dùng thấy phản cảm và không thể tin tưởng mà thôi.
Nếu chỉ dùng câu chuyện để thu hút người tiêu dùng mà chất lượng sản phẩm vẫn giậm chân tại chỗ thì chẳng khác gì “uống thuốc độc giải cơn khát” hay “vẽ bánh cho thỏa cơn đói”. Các doanh nghiệp nên coi trọng câu chuyện, nhưng cũng nên coi trọng khách hàng đang đứng đằng sau câu chuyện đó và thỏa mãn mong muốn của họ.
Cần liên tục làm mới câu chuyện
Những câu chuyện lặp lại sẽ rất dễ nhớ, nhưng đồng thời cũng rất dễ bị bỏ qua. Đối với những khách hàng và nhân viên khác nhau, nên sử dụng những câu chuyện khác nhau để kích thích tiềm năng của họ, dùng đi dùng lại một câu chuyện sẽ chỉ khiến mọi người cảm thấy nhàm chán.
Những câu chuyện khác nhau sẽ kích thích tư duy đổi mới của nhân viên, đồng thời thu hút lại sự chú ý của người tiêu dùng và thúc đẩy hành vi mua hàng lần thứ hai của họ.
Một vị lãnh đạo rất tức giận vì hiệu quả hoạt động của bộ phận quảng cáo trong mấy tháng gần đây rất kém. Trong cuộc họp, ông lớn tiếng khiển trách nhân viên của bộ phận này và sau đó kể cho họ nghe một câu chuyện. Đây là một câu chuyện xưa, có tên là Mua tráp trả ngọc.
Sau khi kể xong câu chuyện, vị lãnh đạo đã đúc kết ra một quy luật có thể áp dụng trong thị trường hiện đại: “Sự chênh lệch giá cả thông thường giữa ngọc và tráp là sự chênh lệch giữa giá trị của ngọc trai và cái tráp, vì ngọc trai là vật quý giá hơn rất nhiều so với tráp gỗ. Nhưng chúng ta là những người sáng tạo và chúng ta phải phá bỏ quan niệm này. Nếu giá trị của cái tráp được mở rộng và nó trở thành mặt hàng hiếm, thì việc ‘mua tráp trả ngọc’ sẽ không còn là điều vô lý.”
Vị lãnh đạo tiếp tục giải thích: “Trong kế hoạch lần này, khách hàng yêu cầu biến những viên kẹo bình thường thành những viên kẹo đặc biệt. Rất khó để gây ấn tượng với người tiêu dùng chỉ bằng sự quyến rũ của các hương vị kẹo vì đa số chúng đều đã quen thuộc với mọi người. Nguyên liệu được lựa chọn cũng không có gì đặc biệt, khó có thể gây ấn tượng với khách hàng, việc dùng những câu chuyện để thu hút người tiêu dùng chỉ phù hợp trong một thời gian nhất định, không thể thúc đẩy họ mua hàng về lâu về dài. Muốn kích thích người tiêu dùng sau khi sức mua của họ suy giảm, chúng ta có thể áp dụng câu chuyện Mua tráp trả ngọc ở trên. Chúng ta có thể đầu tư thiết kế bao bì bắt mắt với số lượng có hạn, nâng cao giá trị bên ngoài của những viên kẹo, để gây ấn tượng thị giác với người tiêu dùng, khiến họ thấy hứng thú với sản phẩm, thậm chí mua sản phẩm vì bao bì đóng gói.”
Sau khi lắng nghe lời khuyên của vị lãnh đạo, bộ phận quảng cáo nảy ra ý tưởng thiết kế một hộp kẹo có hình dáng độc đáo nhằm thu hút và kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Thiết kế này đã làm hài lòng vị lãnh đạo cũng như các khách hàng.
Mua tráp trả ngọc là câu chuyện đã quen thuộc với chúng ta, nhưng vị lãnh đạo trên đã tìm ra một khía cạnh mới, kể câu chuyện cũ bằng một góc nhìn độc đáo, từ đó truyền cảm hứng cho các nhân viên và đạt được mục tiêu của mình.
Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng không thể tách rời yếu tố đổi mới, nó sẽ thay đổi cách tư duy của toàn thể lãnh đạo và nhân viên, thúc đẩy doanh số bán hàng và đẩy mạnh quá trình tiến lên của công ty. Nếu kết hợp câu chuyện và sự đổi mới thì sẽ tạo ra một nguồn sức mạnh vô hạn. Đặc biệt điều này cần được tiến hành trong mọi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp để mang lại sức sống cho doanh nghiệp ấy.
CÂU CHUYỆN
Ba câu chuyện của Phan Thạch Ngật1
1 Phan Thạch Ngật: Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Công ty Bất động sản Soho, Trung Quốc.
Khi Phan Thạch Ngật có bài phát biểu tại Đại học Thanh Hoa, ông đã kể ba câu chuyện.
Câu chuyện đầu tiên là về gia đình ông. Vào những năm 1970, vùng quê Cam Túc nơi ông sinh sống xảy ra hạn hán, vì không có đủ lương thực, nhiều dân làng đã chạy đến Thiểm Tây. Nhưng gia đình của Phan Thạch Ngật không rời đi, họ quyết tâm ở lại. Cùng năm đó, em gái Phạm Thạch Ngật ra đời, nhưng không có điều kiện nuôi nấng nên cha mẹ ông quyết định cho một gia đình khác nhận nuôi. Đó là một gia đình ở ngôi làng lân cận, nhà họ có nuôi một con cừu, vì thế cha mẹ ông không phải lo lắng về việc cô con gái mới sinh của mình bị thiếu ăn.
Hai nhà thương lượng với nhau và gia đình kia mang theo một gói bánh quy khi đến đón cô gái nhỏ. Mẹ của Phan Thạch Ngật bọc con gái bằng chiếc chăn bông còn khá mới và cũng là chiếc chăn duy nhất trong nhà. Cả gia đình đã khóc khi phải chia tay thành viên mới. Chỉ có cha của Phạm Thạch Ngật là nói với gia đình kia rằng: “Khi đứa trẻ này lớn lên, hãy cho nó đến trường.” Phan Thạch Ngật hỏi mẹ: “Cái chăn bông cũng đã được cho đi. Buổi tối nhà mình đắp bằng gì ạ?” Mẹ ông trả lời: “Cứ để cái chăn bông đó đi cùng em gái con.”
Những năm sau đó, cuộc sống của gia đình Phan Thạch Ngật rất khó khăn và việc học của ông trở thành một vấn đề nan giải. Khi mẹ ốm nặng, Phan Thạch Ngật đã ba lần dừng việc học, và ông cảm thấy vô cùng biết ơn mỗi lần được trở lại lớp. Một người hàng xóm trong làng nói với cha mẹ ông rằng: “Nhà anh chị giờ nghèo nhất làng, sao anh chị vẫn muốn cho con đi học? Chẳng thà cho nó nghỉ quách đi rồi ở nhà phụ giúp gia đình, dù là nhặt mớ rau dại ngoài đồng cũng được.” Cha mẹ ông không hề bị lung lay, chỉ cần có cơ hội cho con đi học, họ vẫn sẽ gắng hết sức để Phan Thạch Ngật được tới trường.
Câu chuyện thứ hai là về ngôi làng mà Phan Thạch Ngật sống hồi nhỏ. Khi đã thành đạt, ông thường về quê làm từ thiện. Mỗi lần trở về, ông đều thấy dân làng trồng táo, đó là truyền thống của làng. Một năm nọ, ông về vừa đúng vụ thu hoạch táo. Những trái táo to, đỏ, ngọt, thơm ngon nhưng ít người đến thu hoạch, ông xót xa khi trông thấy chúng bị vứt cho thối rữa dưới đất.
Năm sau, khi ông quay lại quê, tiết trời giá lạnh khiến sản lượng táo giảm rất nhiều, trên mỗi cây chỉ lưa thưa vài quả, đa số đều sứt sẹo, quả nhỏ nhưng giá thu mua lại cao một cách kỳ lạ. Đám lái buôn thậm chí còn tranh nhau thu mua. Ngay cả những quả táo trông rất xấu xí cũng được bán vào các nhà máy sản xuất nước trái cây xuất khẩu ra nước ngoài.
Câu chuyện thứ ba mà Phan Thạch Ngật kể liên quan đến quá trình kinh doanh của ông.
Năm 1999, Phan Thạch Ngật lần đầu đặt chân đến nước Mỹ, đi từ bờ Tây sang bờ Đông và gặp gỡ nhiều bạn bè. Tất cả họ đều nói với ông về cùng một thứ: Internet. Khi ấy là thời điểm Internet mới xuất hiện, rất nhiều người nảy ra ý tưởng kinh doanh trên nền tảng này. Sau nhiều lần trao đổi, Phan Thạch Ngật cũng quyết định khởi nghiệp trên Internet.
Mười năm sau, ông lại đến Mỹ, hành trình cũng tương tự như lần trước. Lần này bạn bè lại bàn luận về máy móc, và Phan Thạch Ngật cho rằng đây là một bản nâng cấp của công nghệ Internet không dây.
Internet là một phát minh vĩ đại của thời đại, nó đã thay đổi không gian, thời gian và khoảng cách trong cuộc sống của chúng ta. Internet tạo ra một phương thức giao tiếp mới và cũng hình thành nên những mô hình kinh doanh độc đáo. Công việc kinh doanh của Phan Thạch Ngật cũng từng bước phát triển nhờ vào Internet.
Trong ba câu chuyện trên, có thể thấy rằng câu chuyện đầu tiên rõ ràng là hấp dẫn nhất, vì nó chiếm được cảm xúc của khán giả.
Mở đầu câu chuyện kể về bối cảnh chung của thời đại với giọng văn u buồn, sau đó lồng ghép các chi tiết “vùng quê Cam Túc xảy ra hạn hán, không có đủ lương thực” và “em gái Phan Thạch Ngật ra đời” để mô tả tình cảnh gian nan của cả gia đình ông. Chi tiết “mẹ của Phan Thạch Ngật bọc con gái bằng chiếc chăn bông còn khá mới và cũng là chiếc chăn bông duy nhất trong nhà” thể hiện sự miễn cưỡng của người mẹ khi phải gửi đứa con mới sinh cho gia đình khác nuôi.
Cuộc đối thoại giữa Phan Thạch Ngật và mẹ một lần nữa tô đậm sự khốn khó của gia đình ông và giải thích lý do tại sao việc học của ông bị gián đoạn. Sau đó, lời nói của người hàng xóm và việc cha mẹ ông không từ bỏ quyết tâm cho con tới trường đã tạo nên sự tương phản hết sức rõ rệt giữa hai lối tư duy.
Nhìn vào thành công của Phan Thạch Ngật ngày hôm nay, chúng ta có thể nhận ra thông điệp mà ông muốn gửi gắm, đó là: Giáo dục, bao gồm cả giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường, đều không thể thiếu để hình thành nên nhân cách của một con người. Phan Thạch Ngật luôn tin rằng nếu chỉ có một cơ hội học tập thì nên trao nó cho phụ nữ, bởi phụ nữ gánh vác trách nhiệm sinh nở, và họ cũng là những người thầy đầu tiên của con cái. Lời nói và cách cư xử của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự trưởng thành của đứa trẻ.
Trong ba câu chuyện, chỉ có câu chuyện đầu tiên là có những tình tiết làm lay động trái tim người nghe, vì vậy nó có hiệu quả kể chuyện tốt nhất. Ngược lại, câu chuyện thứ hai và thứ ba lại thiếu thông tin, do đó không khơi dậy cảm xúc của khán giả.
Cuối bài phát biểu, Phan Thạch Ngật nói rằng: “’Hôm nay, thông tin đã đủ thông suốt, chẳng có gì tôi biết mà bạn không biết nữa.’ Câu nói này chỉ đúng một nửa, bởi vì nhận thức của mọi người về cùng một thứ là khác nhau, và điều mang lại lợi ích rất lớn cho chúng ta thường là cảm ngộ của mọi người, chứ không phải những vật chất cụ thể.” Điều này cũng minh họa cho tầm quan trọng của cảm xúc, và nó cũng đúng khi áp dụng cho việc kể chuyện. Lay động khán giả bằng cảm xúc và thúc đẩy họ đi theo cảm xúc một cách phù hợp sẽ mang lại những kết quả phi thường.