1
TIN TỨC VÀ CÂU CHUYỆN
Tin tức là câu chuyện có thật, đồng thời cũng là câu chuyện trực quan và mang đến nhiều cảm xúc nhất
Sáng tác tin tức và câu chuyện
Chúng ta không mấy xa lạ với tin tức nhưng “sáng tác tin tức” thì lại ít người biết đến. Đối với việc sáng tác tin tức, điều quan trọng nhất là tính chân thực, có thể coi đó là ngọn nguồn sinh mệnh của lĩnh vực này. Trên cơ sở tính chân thực, việc sáng tác tin tức sẽ mở rộng nội dung phỏng vấn tin tức, xử lý tư liệu tin tức trực tiếp thành tác phẩm tin tức, truyền tải đến người đọc thông qua các công cụ tin tức.
Tin tức và câu chuyện tưởng như chẳng hề liên quan đến nhau nhưng thực tế không phải vậy. Mặc dù tin tức chủ yếu áp dụng phương thức tường thuật nhưng nội dung phần lớn là những câu chuyện với các hình thức khác nhau, những câu chuyện có thật này cũng là nguyên mẫu của các loại hình sáng tác như tiểu thuyết, phim ảnh... Có thể nói, tin tức chính là câu chuyện có thật, đồng thời cũng là câu chuyện trực quan và mang đến nhiều cảm xúc nhất.
Sáu yếu tố của tin tức
Sáu yếu tố của tin tức chính là “5W + 1H”, viết tắt của Who (ai), When (khi nào), Where (ở đâu), What (cái gì), Why (tại sao), How (làm thế nào), đề cập đến nhân vật, thời gian, địa điểm, sự kiện, lý do và quá trình phát triển của tình tiết thường xuất hiện trong câu chuyện. Chỉ khi hội tụ đủ sáu yếu tố này thì tin tức mới được coi là đủ tiêu chuẩn. Sáu yếu tố này cho phép chúng ta sàng lọc thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả, dễ dàng nắm bắt nội dung chính trong một lượng lớn thông tin.
Tin tức bao gồm tiêu đề, lời dẫn, bối cảnh, nội dung chính và kết luận, đồng thời còn phải đảm bảo các yếu tố “chân thực và cụ thể, phản ứng nhanh, quan điểm rõ ràng và ngôn từ súc tích”. Việc sáng tác tin tức dựa trên sự diễn đạt bằng văn bản của những câu chuyện có thật, mọi thông tin truyền đạt tới công chúng đều phải dựa trên cơ sở sự thật. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa tin tức và tác phẩm văn học. Những câu chuyện văn học không nhất thiết phải có thật, mà sẽ có nhiều sự phóng đại và xử lý mang tính nghệ thuật.
Ngoài việc chất liệu sáng tác đều xuất phát từ cuộc sống, tin tức và câu chuyện văn học còn có một điểm chung, đó là cả hai đều phải có tính đại diện. Tuy là hai thể loại khác nhau nhưng đều phản ánh bản chất của cuộc sống. Vì vậy, dù là tin tức hay tác phẩm văn học, khi sáng tác chúng ta đều cần sàng lọc một số lượng lớn sự kiện, lựa chọn những tình huống mang tính tiêu biểu để đưa vào nội dung, như vậy mới thu hút công chúng. Những nội dung rập khuôn “trăm lần như một” chắc chắn sẽ bị nhấn chìm giữa một biển thông tin, không có vai trò cảnh báo cũng như không đạt được hiệu quả tuyên truyền.
Sự thật cũng cần phải sống động
Tin tức, với tư cách là một phương thức mô tả về các sự kiện, thường khiến người ta cảm thấy nhàm chán. Tin tức vốn dựa trên sự thật, nên việc sáng tác là không dễ dàng, đã vậy lại cần những ý tưởng mới mẻ, vì vậy khó lại càng thêm khó.
Muốn câu chuyện trong tin tức trở nên sinh động, có tính đổi mới, không bị cứng nhắc, rập khuôn và nhàm chán thì chúng ta cần tới rất nhiều sự miêu tả, đồng thời phải giỏi sử dụng miêu tả chi tiết. Điều này rất giống với phương pháp miêu tả trong các tác phẩm văn học, nó làm nổi bật bầu không khí và nhân vật, khơi gợi chủ đề. Ngoài ra, chúng ta có thể áp dụng thủ pháp tương phản, nhấn mạnh… khi đề cập đến các sự kiện có thật và tăng sức hấp dẫn cho tin tức.
Tính sinh động của tin tức còn thể hiện ở từ “mới”. Việc truyền tải thông tin mới có thể tăng cường thu hút sự chú ý của công chúng, đồng thời đáp ứng yêu cầu về tính kịp thời của tin tức và cung cấp thông tin cho người đọc. Tin tức chính thống khác với tin tức giải trí, bởi nó cần chỉ dẫn thực tế. Các vấn đề mới xuất hiện liên tục, vậy nên chúng ta phải tìm cách làm nổi bật từ “mới” này trong các bài tin tức.
Tin tức cần chặt chẽ, những con số và cái tên cụ thể cũng có thể thể hiện sức sống của thông tin và làm nổi bật những điểm chính. Dù trong câu chuyện hay trong tin tức, những con người, sự kiện, thời gian và địa điểm sẽ giúp người đọc nhập tâm vào tình huống và hiểu được cảm xúc của các nhân vật.
Tinh chỉnh các câu chuyện trong tin tức
Trước tiên, câu chuyện trong mỗi bài tin tức thường chỉ truyền đạt về một sự kiện hoặc miêu tả một nhân vật, điều này có thể giúp chúng ta sắp xếp nội dung tin tức một cách hiệu quả, đơn giản và trực quan. Một câu chuyện chỉ cần giải thích rõ ràng nguyên nhân, diễn biến và kết thúc của một sự việc là được. Nếu sự việc phức tạp và có nhiều tuyến nhân vật, chúng ta có thể chia nhỏ tin tức để người đọc dễ dàng theo dõi.
Thứ hai, việc đưa tin phải dựa trên sự thật. Việc mô tả chi tiết có thể giúp khắc họa nhân vật một cách có chiều sâu, nhưng đừng phóng đại.
Cuối cùng, khán giả của tin tức chủ yếu là những người bình thường, thế nên các thông tin cũng phải “bình dân”, gắn liền với cuộc sống thì mới có sức hút. Mọi người luôn có sự hứng thú, quan tâm đối với tin tức, dù là nhân viên văn phòng hay nông dân cũng đều tò mò về những điều mới mẻ xảy ra xung quanh mình. Đây chính là ý nghĩa và sứ mệnh của tin tức.
Tin tức và câu chuyện vừa liên quan đến nhau lại vừa khác biệt. Khi sử dụng câu chuyện để truyền đạt tin tức, ngoài việc chú ý đến các yêu cầu của tin tức, chúng ta cũng có thể vận dụng một số kỹ năng viết truyện để giúp thông tin trở nên hấp dẫn hơn.
2
DIỄN GIẢNG VÀ CÂU CHUYỆN
"Một bài diễn giảng sẽ phản ánh giá trị tư tưởng của diễn giả, và một câu chuyện phù hợp sẽ làm thăng hoa chủ đề của bài diễn giảng một cách hiệu quả"
Vai trò của câu chuyện trong bài diễn giảng
Dù là diễn giảng theo loại hình nào thì việc thu hút khán giả vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của diễn giả. Có rất nhiều kỹ thuật để nâng cao sức hấp dẫn của bài phát biểu, trong đó kể chuyện là một mẹo rất hiệu quả, phổ biến và đơn giản mà nhiều diễn giả thường áp dụng. Một bài diễn thuyết hấp dẫn chắc chắn sẽ liên quan đến những câu chuyện.
Trong quá trình phát biểu, chúng ta không chỉ kể câu chuyện mà còn làm rõ mục đích của bài diễn giảng, có thể là truyền cảm hứng, cung cấp tri thức hoặc đề cao khát vọng.
Khi lựa chọn một câu chuyện, nhất định phải để cho câu chuyện phục vụ chủ đề của bài phát biểu, tìm ra mối liên hệ giữa câu chuyện và chủ đề, gợi ra những ý chính trong quá trình kể chuyện, và cuối cùng là tổng kết lại chủ đề một lần nữa. Cần bóc dần từng lớp, gợi mở từ nông đến sâu, như vậy khán giả mới dễ tiếp thu quan điểm của chúng ta.
Nói tóm lại, một bài diễn giảng sẽ phản ánh giá trị tư tưởng của diễn giả, và một câu chuyện phù hợp sẽ làm thăng hoa chủ đề của bài diễn giảng một cách hiệu quả.
Phương pháp lựa chọn câu chuyện cho bài diễn giảng
Diễn giả có thể mượn rất nhiều câu chuyện khác nhau để thể hiện chủ đề của bài phát biểu, nhưng tốt nhất nên sử dụng những câu chuyện quen thuộc và có tính tiêu biểu.
Thông thường, các diễn giả sẽ chọn những mẩu chuyện ngắn xảy ra xung quanh họ làm phần mở đầu, những ví dụ gần gũi với cuộc sống như vậy có thể dễ dàng rút ngắn khoảng cách giữa người nghe và người nói. Những câu chuyện được lựa chọn sẽ là các “điểm”, còn quan điểm cốt lõi trong bài phát biểu sẽ là “diện”. Đi từ “điểm” đến “diện”, từ nhỏ đến rộng, như vậy mới có thể khiến khán giả chăm chú theo dõi bài diễn giảng và đồng cảm với quan điểm của diễn giả.
Các câu chuyện trong bài phát biểu thường đơn giản, dễ hiểu, giả có thể dễ dàng tổng kết ý nghĩa của nó, đồng thời đó cũng là chủ đề của bài diễn giảng.
Mặc dù những câu chuyện mà diễn giả sử dụng phải có tính đại diện, nhưng điều đó không có nghĩa là nhất định phải lựa chọn những câu chuyện lịch sử. Hãy nhớ rằng câu chuyện cũng cần bắt kịp với xu thế thời đại.
Câu chuyện mới mẻ thì ngôn từ cũng phải mới mẻ. Diễn giả có thể sử dụng ngôn ngữ nói hay các từ lóng thông dụng một cách thích hợp khi kể chuyện để làm cho bài phát biểu vui tươi và gần gũi hơn.
Những hành động nhỏ hỗ trợ bài diễn giảng
Diễn giả thường đứng trên sân khấu còn khán giả ngồi ở phía dưới, khoảng cách ở giữa vô hình trung làm tăng thêm sự căng thẳng và lạ lẫm cho diễn giả, đồng thời cũng gia tăng sự tò mò, mong đợi của khán giả. Nếu diễn giả không có những hành động tương tác, khán giả sẽ nhanh chóng cảm thấy nhàm chán, không thể tập trung vào bài phát biểu. Ngược lại, nếu khán giả không phản hồi lại nội dung được cung cấp, diễn giả cũng sẽ dần đánh mất sự tự tin.
Để gia tăng tương tác giữa bản thân và đám đông, diễn giả có thể thực hiện một số “hành động nhỏ”.
Diễn giả thường hiếm khi chú ý đến hành động của mình, trong khi thực tế đây lại là ấn tượng đầu tiên của khán giả đối với bạn. “Tư thế thư giãn” là một tư thế vừa thoải mái vừa thuận tiện cho diễn giả trong quá trình phát biểu. Tư thế này cũng có thể hiểu là cách người nói tự nhắc nhở bản thân hãy thư giãn và đừng căng thẳng quá mức. Càng căng thẳng sẽ càng khiến động tác của bạn trở nên cứng nhắc, gượng gạo và thiếu tự nhiên, thậm chí đôi khi còn khiến bạn không thể cất lời. Đặc biệt là khi kể chuyện, nếu khán giả đang rất thoải mái mà bạn vẫn giữ thái độ nghiêm túc thì chắc chắn sẽ gây ra tác dụng ngược.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tư thế thích hợp cho thấy một người đang hoàn toàn thư giãn là chân đứng rộng bằng vai, thân người hơi thẳng. Để giảm bớt sự căng thẳng khi phát biểu, bạn có thể sử dụng động tác tay để minh họa cho bài phát biểu hoặc nắm tay vào thành bàn để bản thân được thả lỏng.
Trong lúc phát biểu, hãy chú ý giao tiếp bằng mắt với khán giả. Nhiều người ngại nói trước đám đông, đối diện với đông người, thậm chí còn không dám giao tiếp với họ. Đây không phải là một biểu hiện tốt.
Khi đối diện với đám đông, đừng quá nghiêm trọng, đừng nhìn chằm chằm vào họ hoặc có thái độ lạnh nhạt, mà hãy mỉm cười thân thiện với khán giả. Đứng trên sân khấu với vô số ánh mắt đổ dồn về phía mình quả thực là một áp lực vô hình đối với diễn giả, nhưng áp lực này chỉ có bản thân chúng ta mới có thể vượt qua, tránh né sẽ không giúp ích được gì.
Nhiều diễn giả nổi tiếng đã tiết lộ mẹo duy trì sự bình tĩnh khi phát biểu của họ, đó là tìm kiếm và giao tiếp bằng mắt với những khán giả phản ứng tích cực với họ. Liên tục đưa mắt nhìn về những người này trong quá trình diễn giảng sẽ giúp người nói diễn đạt trôi chảy hơn, duy trì được sự tự tin và đẩy lùi sự căng thẳng.
Ngoài ngôn từ, biểu cảm cũng có thể giúp diễn giả tạo dựng hình ảnh cá nhân. Nét mặt của bạn sẽ gây ấn tượng với khán giả, sau khi trải qua sự chọn lọc của não bộ, những điểm đặc biệt nhất sẽ lưu lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí họ. Đây là quá trình chọn lọc tự phát của não bộ và không chịu ảnh hưởng bởi cảm xúc chủ quan. Biểu cảm tích cực đương nhiên sẽ nhận được nhiều tràng pháo tay hơn, điều này không chỉ giúp bạn thiết lập một hình ảnh tốt mà còn khiến khán giả cảm nhận được nguồn năng lượng mà bạn muốn truyền tải.
Cảm xúc tiêu cực là điều mà mọi người không muốn nhớ đến, những biểu hiện buồn bã, mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng... sẽ không giúp ích cho bài phát biểu. Ví dụ: Nếu câu chuyện của một diễn giả rất hấp dẫn và chủ đề bài diễn giảng cũng rất tích cực, nhưng anh ta lại luôn có biểu hiện ngập ngừng, luống cuống trong lúc phát biểu thì khán giả sẽ không cảm thấy thuyết phục và tin tưởng lập luận của anh ta, ngay cả khi nó hợp lý.
Biểu cảm vốn rất khó kiểm soát, nhất là khi diễn giả không thể nhìn thấy chính mình. Vì vậy, bạn có thể thực hiện một số hành động nhỏ để nhắc nhở bản thân chú ý duy trì trạng thái tốt. Trước hết, không được cúi đầu khi đang nói, hãy cố gắng nhìn thẳng về phía trước để không tạo cảm giác ủ rũ, chán nản cho người khác.
Ngoài ra, hãy nói với tốc độ vừa phải. Quá nhanh hay quá chậm đều dễ khiến người nghe khó theo dõi bài phát biểu, từ đó họ sẽ mất hứng thú và không muốn lắng nghe bạn nữa. Duy trì tốc độ nói vừa phải cũng sẽ giúp bạn thư giãn và giảm căng thẳng. Sau khi ổn định cảm xúc, biểu cảm trên khuôn mặt bạn sẽ trở nên tự nhiên và bài diễn giảng sẽ diễn ra mượt mà, trơn tru hơn rất nhiều.
3
QUẢNG CÁO VÀ CÂU CHUYỆN
"Quảng cáo không chỉ đơn giản là kể câu chuyện mà phải thể hiện cảm xúc thông qua câu chuyện"
Câu chuyện quảng cáo chạm đến trái tim người tiêu dùng
Khi nhắc đến quảng cáo, nhiều người sẽ liên tưởng đến những hình ảnh quen thuộc: những cô người mẫu với dáng người thướt tha, gương mặt nghiêm nghị liên tục thay đổi động tác trong các thước phim thời trang; trên một con phố đông đúc, một chiếc ô tô bóng loáng từ từ đi vào ống kính; một vài ngôi sao nổi tiếng đang tụ tập, cùng nhau trò chuyện về một sản phẩm nào đó… Chúng ta có thể bắt gặp mọi loại quảng cáo trong cuộc sống, nhưng để làm ra chúng lại không hề đơn giản.
Muốn có những thước phim quảng cáo chạm đến trái tim khán giả, việc lồng ghép vào đó những câu chuyện sẽ gây ấn tượng tốt hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng một câu chuyện có đầy đủ mở đầu, diễn biến và kết thúc lại tương đối khó, bởi một mẩu quảng cáo thường ngắn ngủi mấy chục giây cho đến vài phút. Ngay cả khi đã có một câu chuyện, bạn cũng phải xem xét những ý tưởng mà nó truyền tải. Quảng cáo không chỉ đơn giản là kể câu chuyện mà phải thể hiện cảm xúc thông qua câu chuyện.
Thiết lập câu chuyện cho quảng cáo
Bởi vì quảng cáo bị giới hạn về thời gian, thế nên câu chuyện mà nó truyền tải phải ngắn gọn và ấn tượng. Hiện nay, hạn chế của quảng cáo nằm ở chỗ nó không thể đào sâu vào giá trị cốt lõi của câu chuyện trong một không gian ngắn, phần lớn quảng cáo chỉ chạy theo thị hiếu và không có vai trò dẫn dắt người tiêu dùng.
Quảng cáo thường chọn những câu chuyện có tình tiết đơn giản, ý nghĩa phong phú và phù hợp với chủ đề muốn truyền tải. Quá trình này gian nan hơn nhiều so với việc quay phim hay chụp hình, vì nó sẽ quyết định sự thành công của cả chiến dịch quảng cáo. Dù ít hay nhiều, những chi tiết phổ biến, gần gũi trong cuộc sống vẫn nên được thêm thắt vào câu chuyện để rút ngắn khoảng cách giữa quảng cáo và thực tế, khiến khán giả cảm thấy quen thuộc với sản phẩm.
Quảng cáo có tác động trực tiếp nhất đến sức mua, do đó câu chuyện không chỉ cần hấp dẫn mà còn phải kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Nhịp điệu của câu chuyện cũng đặc biệt quan trọng. Nó sẽ giúp cho quảng cáo tràn đầy cảm xúc, dễ dàng thu hút sự chú ý của khán giả trong thời gian ngắn.
Phương tiện truyền thông là chìa khóa để lan truyền quảng cáo
Việc tuyên truyền quảng cáo không thể tách rời công cụ truyền thông. Nếu muốn quảng cáo được lan truyền nhanh hơn và rộng hơn, bạn cần có nhiều công cụ truyền thông để hoàn thành mục tiêu này. Trên tivi, radio, Internet, tạp chí... luôn xuất hiện rất nhiều quảng cáo, nhưng số lượng mà khán giả nhớ đến lại vô cùng hạn chế. Càng nhiều không có nghĩa là càng tốt, đầu tư quảng cáo một cách thích hợp có thể giúp truyền thông hiệu quả mà không lãng phí tiền bạc, nhân lực. Lựa chọn phương tiện phù hợp cũng sẽ giúp quảng cáo nâng tầm ảnh hưởng theo cấp số nhân.
Khi lựa chọn công cụ truyền thông, chúng ta cần xem xét đối tượng sử dụng chúng. Người trẻ thích tất cả các loại phương tiện truyền thông mới, và tất nhiên nếu muốn thu hút họ thì chúng ta phải lựa chọn sử dụng các công cụ thích hợp; trong khi đó độ nhạy cảm của người trung niên hay người cao tuổi đối với các phương tiện truyền thông mới là khá thấp, họ thích các phương thức quảng cáo truyền thống hơn. Đối với những quảng cáo có hình tượng mạnh mẽ, biển quảng cáo ngoài trời sẽ có hiệu quả hơn; còn quảng cáo có nhiều tình tiết thì sẽ phù hợp loại hình video.
4
PHIM ẢNH VÀ CÂU CHUYỆN
"Một câu chuyện hay chưa chắc đã là một bộ phim hay, nhưng một bộ phim hay nhất định phải có một câu chuyện xuất sắc làm nền tảng"
Dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa và nền kinh tế đa loại hình, ngành điện ảnh Trung Quốc đã đạt được những bước phát triển chưa từng có. Tiếc rằng quãng thời gian vàng không kéo dài lâu, sau hàng chục năm phát triển, ngành điện ảnh Đại Lục đã bước vào thời kỳ suy yếu. Ngoại trừ một số rất ít tác phẩm xuất sắc, kỹ năng diễn xuất của diễn viên trong nhiều bộ phim là vấn đề đáng lo ngại, khả năng kể chuyện của đội ngũ biên kịch, đạo diễn lại càng khiến khán giả thất vọng.
Nền tảng của bộ phim là câu chuyện
Một câu chuyện hay chưa chắc đã là một bộ phim hay, nhưng một bộ phim hay nhất định phải có một câu chuyện xuất sắc làm nền tảng. Những tác phẩm hay phải được dẫn dắt bởi những giá trị đúng đắn.
Mỗi bộ phim kể một câu chuyện. Chất lượng của bộ phim phụ thuộc vào câu chuyện nó kể có phù hợp hay không. Nếu khán giả có thể đồng cảm với các nhân vật và dõi theo nhịp điệu của câu chuyện thì đây là một bộ phim đạt tiêu chuẩn.
Làm thế nào để kể một câu chuyện hay trong một bộ phim là vấn đề khiến nhiều đạo diễn đau đầu. Dù vẫn chưa có những tiêu chuẩn chính xác, nhưng về cơ bản các tác phẩm điện ảnh xuất sắc đều có một vài điểm tương đồng nhất định.
Sự vận dụng của ngôn ngữ điện ảnh khi kể chuyện
Đầu tiên, một bộ phim hay cần có trang phục, đạo cụ để làm nổi bật diễn viên, còn diễn viên cũng dựa vào kỹ năng diễn xuất và cách đọc thoại để chinh phục khán giả. Thứ hai, góc quay, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, chỉnh sửa hậu kỳ… sẽ bổ sung thêm rất nhiều sắc thái cho phim. Cùng một câu chuyện, mỗi đạo diễn có một phong cách kể chuyện khác nhau. Các lễ trao giải lớn cũng đề ra nhiều giải thưởng về công nghệ làm phim, nhằm khuyến khích các đoàn phim nỗ lực hơn nữa ở những khía cạnh mà khán giả không thể thấy, tìm ra “điểm đột phá” và làm phong phú thêm cho nội dung của phim.
Nhịp điệu trần thuật của Chinatown (tạm dịch: Phố Tàu) khiến nó trở thành một bộ phim hài trinh thám đặc biệt; những cảnh quay kinh điển của The Matrix (tạm dịch: Ma trận) vẫn là điều mà rất nhiều bộ phim khác muốn học hỏi; màn đụng độ ở rừng tre trong Ngọa hổ tàng long có sự kết hợp giữa âm nhạc và vũ đạo, để lại nhiều cảm xúc cho khán giả; hay những thức phim có chiều sâu của Birdman (tạm dịch: Người Chim) đã giúp bộ phim giành được giải thưởng Oscar một cách thuyết phục.
Cấu trúc của câu chuyện trong bộ phim
Một bộ phim thường có ba phần: mở đầu, diến biến và kết thúc, lần lượt đảm nhận các vai trò xây dựng tình tiết, thúc đẩy xung đột và giải quyết vấn đề.
Phần mở đầu có nhiệm vụ giới thiệu bối cảnh và nhân vật của câu chuyện với khán giả, đồng thời dẫn dắt đến cao trào xung đột của bộ phim.
Phần diễn biến sẽ thúc đẩy xung đột bùng nổ. Đây là điểm thú vị nhất trong toàn bộ phim, và nó cũng là điểm mấu chốt để đánh giá chất lượng và giá trị của bộ phim ấy, đồng thời ảnh hướng đến đến phương hướng của phần kết.
Khi có xung đột thì ắt phải giải quyết, kết quả của việc giải quyết vấn đề chính là phần kết thúc của bộ phim. Xung đột phải có cái kết hợp lý, có sự liên kết một cách lô-gíc với những tình tiết xuất hiện trước đó, giải tỏa cảm xúc của nhân vật, để khán giả cảm thấy “mãn nguyện”.
Khắc họa các nhân vật trong phim
Những nhân vật trong một bộ phim hay sẽ luôn lưu dấu ấn trong lòng khán giả. Để đặc tả hình tượng của nhân vật, lời nói và hành vi của người này phải phù hợp với tính cách của anh ta và giúp truyền tải chủ đề của câu chuyện. Các nhân vật sở hữu hình tượng gần gũi có thể nhanh chóng khơi dậy sự đồng cảm của khán giả. Thành công trong việc xây dựng nhân vật có thể bù đắp cho những thiếu sót trong các khía cạnh khác của bộ phim.
Ngoài ra, các nhân vật cũng có vai trò vô cùng quan trọng để dẫn dắt nhịp điệu câu chuyện. Tính cách của nhân vật sẽ quyết định sự kiện xảy đến với họ, từ đó ảnh hưởng tới tiết tấu của phim. Mỗi nhân vật trong mỗi giai đoạn khác nhau sẽ khiến câu chuyện diễn biến theo một nhịp điệu khác nhau.
5
TRUYỆN TRANH VÀ CÂU CHUYỆN
Một tác phẩm truyện tranh thành công phải là một bộ truyện có thể khơi gợi tình cảm của độc giả
Truyện tranh là gì?
Truyện tranh là hình thức thể hiện câu chuyện bằng cách kết hợp hình ảnh và văn bản. Độc giả của truyện tranh không chỉ có các em thiếu nhi mà nó còn được rất nhiều thanh thiếu niên cũng như cả người lớn yêu thích và ủng hộ.
Hiện nay, hai dòng truyện tranh lớn mạnh nhất trên thế giới là truyện tranh Nhật Bản (Manga) và truyện tranh Âu- Mỹ (Comic). Ngoài ra, truyện tranh Trung Quốc (Manhua) và truyện tranh Hàn Quốc (Manhwa) cũng ngày càng phát triển và chiếm thị phần lớn.
Không dừng lại ở những trang sách, ngày nay truyện tranh đã trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ, kéo theo đó là những sản phẩm ăn theo “hái ra tiền” như mô hình nhân vật truyện tranh (figure), lễ hội hóa trang (cosplay), phim hoạt hình, phim người đóng…
Tính cách của nhân vật đóng vai trò quan trọng trong truyện tranh
Nhân vật chính của một bộ truyện tranh nên có tính cách tích cực. Nhiều nhân vật chính được độc giả yêu thích không chỉ vì họ tỏa ra “vòng hào quang” của “người đứng ở vị trí trung tâm”, mà còn vì những nhân vật này thường thể hiện những đặc điểm tốt trong bản chất con người. Độc giả có thể tìm thấy những khía cạnh tích cực ở họ, coi đó là tấm gương để noi theo trong cuộc sống.
Thông thường, nhân vật chính trong truyện tranh sẽ là một người có tính cách ngay thẳng, thỉnh thoảng bộc lộ những khuyết điểm nhỏ, điều này sẽ giúp họ chân thực và gần gũi hơn. Mỗi người trong thực tế cũng đều có những khuyết điểm của riêng mình, vì vậy thông qua trải nghiệm của nhân vật chính, chúng ta có thể trưởng thành cùng họ.
Tiêu chí đánh giá một bộ truyện tranh
Vậy đâu là những tiêu chí để đánh giá chất lượng của một bộ truyện tranh?
Nói một cách chính xác, không có sự khác biệt giữa bộ truyện tranh hay và dở, cái “dở” của ngày hôm nay có thể trở thành cái “hay” của ngày mai. Để nhận xét về một bộ truyện tranh, trước tiên cần xem xét các yếu tố cơ bản sau: cốt truyện, cách xây dựng nhân vật và triển khai tình tiết, phong cách vẽ của họa sĩ…
Đối với độc giả, các nhóm tuổi và nhóm thị hiếu khác nhau sẽ có những tiêu chuẩn đánh giá khác nhau, nhưng xét về gốc rễ, độc giả xem truyện tranh để thỏa mãn một cảm xúc, mong muốn mà họ chưa thể thực hiện trong cuộc sống thực. Một tác phẩm truyện tranh thành công phải là một bộ truyện có thể khơi gợi tình cảm của độc giả.
Đối với các tác giả, truyện tranh không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là biểu hiện của khát vọng sáng tạo. Đối với những tác giả truyện tranh đã nổi tiếng, sức ảnh hưởng và giá trị của họ đương nhiên là cao. Tuy nhiên, tác giả truyện tranh cũng phải có đạo đức nghề nghiệp, phải tránh xa những tác phẩm thô tục, kém chất lượng, dùng thực lực và trí tưởng tượng để sáng tạo ra tác phẩm, thúc đẩy lĩnh vực truyện tranh phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
6
TÁC GIẢ VÀ CÂU CHUYỆN
"Nhà văn là nhóm người coi việc kể chuyện là nghề nghiệp của mình, vì vậy việc viết văn có mối quan hệ chặt chẽ hơn cả với câu chuyện"
Rất nhiều ngành nghề có liên quan đến việc kể chuyện, trong số đó, nhà văn là nhóm người coi việc kể chuyện là nghề nghiệp của mình, vì vậy việc viết văn có mối quan hệ chặt chẽ hơn cả với câu chuyện. Họ dựa vào óc quan sát, kiến thức và năng lực về ngôn từ của mình để tạo ra những tác phẩm của riêng họ.
Khả năng lên ý tưởng và triển khai ý tưởng
Điểm khác biệt giữa nhà văn và những người kể chuyện là họ sở hữu một loại “kỹ năng nghệ thuật tiềm ẩn”, đó là khả năng lên ý tưởng và triển khai ý tưởng. Đây không phải là những kỹ năng có được trong ngày một ngày hai, mà phải có sự luyện tập và tích lũy lâu dài.
Khả năng lên ý tưởng thể hiện ở năng lực làm chủ tác phẩm của họ. Một trong những vấn đề mà rất nhiều tác giả gặp phải đó là “cái kết dở dang”, viết hoài viết mãi thì phát hiện ra không còn gì để viết, hoặc viết quá độ dài quy định. Đây là biểu hiện của việc không nắm chắc kết cấu của câu chuyện. Ngoài ra, khả năng lên ý tưởng còn thể hiện qua sự liên kết và lô-gíc giữa các nút thắt trong toàn bộ câu chuyện.
Có ý tưởng thôi chưa đủ, nhà văn còn cần triển khai các ý tưởng này để tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Khả năng triển khai ý tưởng cho thấy năng lực quan sát, vận dụng ngôn từ và biểu đạt của tác giả. Đây sẽ là những yếu tố giúp thể hiện rõ sự khác biệt giữa các câu chuyện.
Khả năng lên ý tưởng và triển khai ý tưởng là hai năng lực sắc bén mà một nhà văn bắt buộc phải có, chúng sẽ bổ sung cho nhau và giúp tác giả sáng tạo nên một tác phẩm có giá trị.
Khả năng thu hút người đọc của tác giả
Ngày nay, yêu cầu của độc giả đối với các tác phẩm văn học về cơ bản đều xuất phát từ thị hiếu của họ. Những câu chuyện đặc sắc có thể thu hút sự chú ý của độc giả và khiến họ yêu thích tác phẩm trong một thời gian dài.
Muốn nắm bắt trái tim của độc giả, bạn phải khơi dậy trí tò mò và níu kéo sự hiếu kỳ của họ. Trong quá trình đọc tác phẩm, nếu người đọc tự hỏi rằng “Chuyện gì đang xảy ra?” thì coi như bạn đã thành công một nửa, và một nửa còn lại phụ thuộc vào việc bạn phải khiến họ tiếp tục tự vấn: “Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?”
Muốn có một tác phẩm hấp dẫn, chúng ta cần bổ sung những phân đoạn cuốn hút cho câu chuyện để tiếp tục dẫn dắt độc giả, có thể để chúng xuất hiện ngay ở phần giới thiệu.
Giới thiệu là một bước quan trọng để người đọc hiểu về tác phẩm. Phần giới thiệu có nhiệm vụ tóm tắt nội dung tổng thể của câu chuyện, nó cần ngắn gọn, súc tích, đồng thời nêu được những điểm chính và một vài chi tiết thú vị để độc giả cảm thấy hứng thú và tò mò ngay từ phút ban đầu.
7
TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ VÀ CÂU CHUYỆN
"Một cốt truyện hoàn chỉnh sẽ giúp người chơi hòa mình vào nhân vật và bối cảnh của trò chơi"
Câu chuyện trong trò chơi điện tử
Nói đến các trò chơi điện tử, hay còn gọi là game, chúng ta thường không nghĩ đến mối quan hệ của chúng với câu chuyện, nhưng trên thực tế, một cốt truyện hoàn chỉnh sẽ giúp người chơi hòa mình vào nhân vật và bối cảnh của trò chơi. Nếu thiếu đi câu chuyện, bố cục của trò chơi sẽ trở nên hạn chế, sức hấp dẫn của các nhân vật cũng giảm đi rất nhiều.
Tùy thuộc vào chủ đề, thế giới trong trò chơi điện tử có thể là câu chuyện tình yêu, lịch sử, khoa học viễn tưởng, trinh thám, kinh dị…
Nói chung, tình tiết câu chuyện của trò chơi điện tử sẽ không quá phức tạp. Tuy nhiên, cũng có một số nhà sản xuất thiết kế câu chuyện với nhiều diễn biến hơn để thu hút người chơi, khiến họ dành nhiều thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ hơn.
So với những trò chơi điện tử không có bối cảnh câu chuyện, những trò chơi có nội dung thường được chào đón hơn.
Câu chuyện của World of Warcraft
World of Warcraft là một sản phẩm rất thành công của công ty nổi tiếng Blizzard Entertainment, là trò chơi điện tử trực tuyến đầu tiên do hãng sản xuất và thuộc thể loại nhập vai trực tuyến với nhiều người cùng chơi. Tiền thân của nó là Warcraft, và cả hai đều là trò chơi có cốt truyện.
World of Warcraft có bối cảnh vũ trụ ảo với một dòng thời gian hoàn chỉnh. Sau khi lựa chọn nhân vật, người chơi sẽ phải hoàn thành các nhiệm vụ để được thăng cấp. Trò chơi có tốc độ rất nhanh, mang đến cho người chơi cảm giác hồi hộp, kịch tính của một cuộc phiêu lưu. Có thể nói, nhà sản xuất đã xây dựng thành công câu chuyện của World of Warcraft và mức độ chi tiết, công phu của nó đã sớm vượt xa các trò chơi trực tuyến hiện nay.
Hiện tại, World of Warcraft có hơn 10 triệu người chơi trả phí trên toàn cầu, đánh bại các trò chơi điện tử khác và lập kỷ lục Guinness thế giới.
Thế giới bí ẩn trong Silent Hill
Năm 1999, trò chơi điện tử có tên Silent Hill được phát hành và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Đây là một trò chơi có chủ đề kinh dị sinh tồn với màu sắc u tối.
Silent Hill sử dụng một truyền thuyết cổ xưa làm phần giới thiệu và dẫn dắt người chơi đi qua sự kiện đã xảy ra với gia đình của nhân vật chính. Bối cảnh phức tạp của nhân vật chính cùng với nhiều bí mật khác nhau trong câu chuyện khiến nó trở nên kỳ lạ và bí ẩn. Đây là yếu tố hấp dẫn đối với tiểu thuyết và phim nhưng lại là con dao hai lưỡi đối với trò chơi điện tử. Nếu ứng dụng đúng cách có thể tạo nên bầu không khí phù hợp với chủ đề của trò chơi, nhưng quá chú trọng vào tình tiết câu chuyện sẽ làm giảm nhịp độ của nó và khiến người chơi dần mất hứng thú.
Sau khi trở nên nổi tiếng, Silent Hill được chuyển thể thành bộ phim cùng tên, tái hiện lại câu chuyện của nhân vật chính trong trò chơi. Phần một và phần hai của Silent Hill lần lượt lên sóng vào năm 2006 và 2012, thu về nhiều đánh giá trái chiều. Có người cho rằng bản chuyển thể là một bộ phim kinh dị rất thành công với tình tiết kịch tính và hãi hùng, nhưng cũng có nhiều khán giả nhận xét phim có cốt truyện phức tạp, nhiều yếu tố, tình tiết khó hiểu.
Thành công của Silent Hill nằm ở sự kết hợp tài tình giữa trò chơi và câu chuyện, giúp người chơi được đóng vai và trải nghiệm câu chuyện của nhân vật chính.