M
ột vị đại sứ Trung Quốc đã công tác ở Đức nhiều năm. Sau khi về nước, dựa trên những trải nghiệm thực tế của mình, ông đã viết cuốn hồi ký Ven theo dòng sông Elbe. Trong cuốn hồi ký, ông viết rất nhiều về những chuyện “chưa bao giờ nhìn thấy, nhưng lại khiến tôi cảm thấy suy nghĩ”. Bây giờ chúng ta hãy đọc qua một vài câu chuyện đã khiến cho tác giả bất ngờ và phải “suy nghĩ” này nhé!
1. Xếp hàng - Hãy tôn trọng người khác!
Trước Tết Dương lịch vài hôm, ông đi bưu điện chuyển tiền về cho người nhà. Noel và Tết Dương lịch sắp đến, bưu điện thường ngày vắng vẻ bỗng trở nên tấp nập. Ai cũng bận rộn với gói bưu phẩm của mình, nhưng trước mỗi cửa nhận hàng mọi người đều xếp hàng ngay ngắn, tuyệt nhiên không có một tiếng ồn ào hay hiện tượng chen chúc. Quan sát một hồi lâu, ông cảm nhận được và vô cùng cảm phục tố chất của người Đức.
Nhưng có một chuyện khiến ông lấy làm lạ, khoảng cách giữa người thứ nhất và người thứ hai trong hàng khá xa nhau, khoảng một mét, trước mỗi cửa nhận hàng đều có một vạch kẻ, người đầu tiên đứng phía trong vạch kẻ, người thứ hai đứng bên ngoài vạch kẻ. Khi người thứ nhất chưa rời đi thì người thứ hai tuyệt nhiên không vượt qua vạch kẻ đó, tại sao lại phải như vậy? Khi ông tiến lên là người đứng ở vị trí thứ hai, ông mới hiểu được nguyên nhân vì sao.
Trước mỗi cửa nhận hàng đều có một tấm biển báo, trên đó viết rõ: “Xin hãy tôn trọng quyền riêng tư của người khác, cảm ơn!” Ở nhiều nước châu Âu và châu Mỹ, chúng ta không được tùy tiện hỏi những thông tin như tuổi tác, nghề nghiệp, mức lương, địa chỉ nhà, thành viên gia đình... Đây tuy là những việc rất nhỏ nhưng lại liên quan đến quyền riêng tư của họ, người dân ở những quốc gia này cực kỳ tôn trọng quyền riêng tư của người khác và điều này được pháp luật bảo vệ. Để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, một số nơi công cộng phải xếp hàng như bốt điện thoại, ngân hàng, quầy thu ngân siêu thị... đều có nguyên tắc “khoảng cách một mét” như vậy. Mọi người đều tự giác chấp hành quy định này và rất ít người vi phạm.
2. Ai là người nên đứng bên phải? - Cách quan tâm, chăm sóc người khác
Tác giả là người thường xuyên đi đến những nơi công cộng. Ở Đức, những nơi như thế đều có cầu thang và tay vịn. Mỗi lần dựa tay vào tay vịn cầu thang, ông đều cảm thấy rất lạ, cho dù là đám đông bạn bè đi với nhau hay những cặp tình nhân, họ đều không bao giờ đứng về bên có tay vịn. Ông đem thắc mắc đi hỏi những người xung quanh thì được họ giải thích rằng, khi lên xuống cầu thang, ta nên đứng ở bên phải và để trống phía bên trái, để cho những người có việc gấp sẽ đi lên trước bằng lối đi bên trái. Họ thật biết suy nghĩ cho người khác. Tuy đây không phải quy định của pháp luật, chỉ là thói quen trong cuộc sống hằng ngày, nhưng ông cảm thấy vô cùng thán phục hành động này. Hiện tượng bên phải, bên trái này diễn ra ở rất nhiều nơi: đàn ông đi bên trái, người phụ nữ đi cùng anh ta sẽ đi bên phải, để tránh xe cộ qua lại sẽ đâm hoặc va phải người phụ nữ, người trẻ đi phía bên trái, người già đi bên phải, chủ nhà ngồi bên trái, khách ngồi bên phải... Tất cả những thói quen này đều là để tiện cho việc chăm sóc hoặc bảo vệ người đi cùng mình.
3. Chủ động mở cửa - Nghĩ cho người khác
Tại những nơi công cộng có cửa ra vào ở Đức thường xuyên xảy ra hiện tượng như thế này: khi một người đi vào, anh ta sẽ quay đầu nhìn lại xem phía sau còn người không. Nếu còn, anh ta sẽ giữ cửa và mời người phía sau đi vào; người phía sau đi vào và mỉm cười cảm ơn người giữ cửa cho mình. Ở đây, tất cả mọi người đều làm như vậy, và nó đã trở thành thói quen của người dân.
Trong giao tiếp giữa người với người, chúng ta cần tôn trọng, biết nghĩ cho người khác và tạo thuận lợi cho người khác. Bởi chúng ta đang sống trong cùng một xã hội, chúng ta không tồn tại độc lập mà có sự liên quan và kết nối với nhau. Hãy nhường cái lợi cho người khác và giữ cái khó lại cho mình với tinh thần không mưu lợi cá nhân hay ích kỷ hẹp hòi.
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Người có đạo đức sẽ được mọi người tôn trọng và quý mến, đó là những người biết nghĩ cho người khác và tôn trọng người khác. Đây là đức tính không phải chỉ rèn luyện ngày một, ngày hai là có được, mà nó phải được kiên trì rèn luyện trong một quá trình lâu dài. Ngay từ nhỏ, cha mẹ hãy chú ý rèn luyện cho các con những thói quen tốt bằng cách làm gương cho con ở nơi công cộng và ngay tại nhà. Khi một đứa trẻ có những cử chỉ lễ phép, chắc chắn những người xung quanh cũng sẽ phải tự nhìn lại mình để ứng xử phù hợp. Đó cũng chính là sự lan tỏa tuyệt vời của những thói quen tốt, các em ạ.