C
húng ta đang sống trong thời gian và thời gian đó diễn ra theo chiều ngang. Nó di chuyển từ A đến B đến C rồi đến D; mọi thứ đều theo đường thẳng. Sự vĩnh hằng diễn ra theo chiều dọc. Nó không di chuyển từ A đến B rồi từ B đến C. Nó di chuyển từ A đến A cao hơn rồi đến A cao hơn nữa. Nó tiếp tục di chuyển lên trên. Khoảnh khắc sự vĩnh hằng giao hòa với thời gian rất hiếm khi xảy ra, bởi vì chuyện đó chỉ xảy ra khi thiền đã đạt đến trạng thái chín muồi, trưởng thành, khi bạn đã chạm tới nội tâm sâu kín nhất của mình. Khi đó, bỗng nhiên bạn nhận thức được mình là một giao lộ nơi có một đường thẳng di chuyển theo phương nằm ngang - hay nói cách khác, đó là sự tầm thường, bình thường, vô nghĩa và tiến thẳng tới cái chết. Đường thẳng nằm ngang này tiếp tục hướng tới nấm mồ.
Tôi đã từng kể với các bạn câu chuyện này, một câu chuyện rất ý nghĩa:
Một vị vua vĩ đại nhìn thấy một chiếc bóng trong giấc mơ của mình và sợ hãi ngay cả trong mơ. Ông ấy hỏi chiếc bóng: “Ngươi muốn gì?”.
Chiếc bóng trả lời: “Ta không đến để cầu xin điều gì. Ta chỉ đến để thông báo với ngài rằng tối nay, ngay tại nơi này, khi mặt trời khuất bóng, ngài sẽ trút hơi thở cuối cùng. Thường thì ta không thông báo với ai nhưng vì ngài là một vị vua vĩ đại nên ta chỉ muốn bày tỏ sự tôn trọng đối với ngài”.
Vị hoàng đế sợ đến mức tỉnh giấc trong trạng thái ướt đẫm mồ hôi, không biết nên làm gì. Việc duy nhất ông ấy có thể nghĩ ra là triệu tập tất cả nhà thông thái, nhà chiêm tinh, nhà tiên tri để tìm hiểu ý nghĩa của giấc mơ đó. Người ta cho rằng việc đoán mộng được bắt đầu bởi Sigmund Freud nhưng điều đó không đúng, nó đã có từ một ngàn năm trước đó với vị hoàng đế này!
Ngay giữa đêm, tất cả các nhà tiên tri trong kinh thành, tất cả những nhà thông thái, tất cả những ai quan tâm đến tương lai - những người đoán mộng - đều được triệu vào cung. Câu chuyện trong mơ đó thật đơn giản, nhưng họ đã mang theo kinh sách và bắt đầu tranh luận với nhau: “Giấc mơ đó không thể có nghĩa như vậy” hay “Đây mới là ý nghĩa của nó”. Họ đã lãng phí thời gian và mặt trời đã bắt đầu ló dạng.
Vị hoàng đế có một người hầu già mà ngài tôn trọng như cha của mình - bởi vì vua cha đã qua đời từ khi hoàng đế còn nhỏ. Vì nhận thấy con trai còn quá nhỏ nên vua cha đã trao quyền giám hộ cho người hầu này và căn dặn: “Hãy chăm sóc để hoàng tử trở thành người thừa kế của ta và không đánh mất vương quốc này”. Người hầu đã tuân lời, và giờ đây, ông ấy đã già yếu. Nhưng hoàng đế không đối xử với ông ấy như người hầu mà tôn trọng ông ấy gần giống như cha mình. Lúc này, người hầu già bước đến bên hoàng đế và nói: “Thần có hai điều muốn tâu với bệ hạ. Bệ hạ đã luôn lắng nghe thần. Thần không phải là nhà tiên tri, cũng không phải nhà chiêm tinh và thần không biết những chuyện vô nghĩa đang diễn ra ở đây là gì hay những kinh sách mà mọi người đang xem xét. Thần chỉ biết một chuyện hiển nhiên, đó là một khi mặt trời mọc thì mặt trời sẽ lặn, và hoàng hôn cũng sẽ sớm xuất hiện. Còn những người này, những người được cho là rất hiểu biết này, chưa bao giờ kết luận được điều gì suốt hàng bao thế kỷ qua, nói gì đến chỉ trong một ngày… Họ sẽ cãi cọ, tranh luận, bác bỏ ý kiến của nhau, nhưng bệ hạ đừng hy vọng họ sẽ đi đến một sự đồng thuận hay đưa ra một kết luận nào. Thôi thì cứ để họ tranh luận. Điều thứ hai mà thần muốn tâu với bệ hạ là bệ hạ có một con ngựa chạy nhanh nhất thế giới. Lúc này bệ hạ nên nhảy lên lưng ngựa và trốn khỏi hoàng cung càng nhanh càng tốt. Chắc chắn là bệ hạ không nên có mặt ở đây; bệ hạ nên rời đi thật xa”.
Lời khuyên rất đơn giản nhưng cũng rất hợp lý. Vị hoàng đế cứ để mặc những nhà thông thái tranh luận với nhau - họ thậm chí còn không nhận ra ngài đã rời đi. Vị hoàng đế có một con ngựa đáng giá cả vương quốc. Ngài rất tự hào về nó, chưa từng có một con ngựa nào sở hữu sức mạnh như vậy. Giữa ngài ấy và con ngựa có một thứ tình yêu, một mối quan hệ sâu sắc, một sự đồng điệu với nhau. Vị hoàng đế nói với ngựa: “Dường như cái chết của ta đang đến. Chiếc bóng đó chính là cái chết. Ngươi hãy đưa ta đi khỏi nơi này, càng xa càng tốt”.
Con ngựa gật đầu và thực hiện yêu cầu đó. Khi đêm xuống, khi mặt trời vừa khuất, nó đã đưa vị hoàng đế đi cách xa vương quốc của ngài ấy đến hàng trăm dặm. Họ đã tiến vào một vương quốc khác. Vị hoàng đế rất vui mừng. Ngài xuống ngựa và buộc ngựa vào một thân cây để nó nghỉ ngơi. Bởi vì cả hai chưa ăn uống gì nên ngài nói với con ngựa: “Cảm ơn anh bạn. Giờ ta sẽ đi chuẩn bị thức ăn cho cả hai. Chúng ta đã đi rất xa, không có gì phải sợ nữa. Nhưng ngươi đã chứng minh được câu chuyện người ta kể về khả năng của ngươi. Ngươi di chuyển êm ru như một đám mây nhưng với tốc độ siêu phàm”.
Thế nhưng trong lúc vị hoàng đế đang buộc ngựa vào thân cây thì chiếc bóng xuất hiện và nói: “Ta đã lo rằng ngài không thể làm được điều này nhưng ngài có một con ngựa rất cừ. Ta cũng rất cảm ơn nó - đây chính là nơi ngài sẽ chết và bây giờ chính là thời điểm. Ta đã rất lo lắng - ngài đã ở cách đây quá xa, làm sao ta có thể mang ngài đến đây được? Nhưng con ngựa đã làm được. Nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó”.
Đó là một câu chuyện kỳ lạ, nhưng nó cho thấy dù bạn di chuyển theo phương nằm ngang đến bất cứ nơi nào, với tốc độ ra sao thì cuối cùng bạn cũng sẽ đến một nghĩa trang nào đó. Thật kỳ lạ rằng mỗi khoảnh khắc trôi qua, nấm mồ của chúng ta lại đến gần hơn - ngay cả khi bạn không di chuyển, nấm mồ cũng sẽ di chuyển về phía bạn. Nói cách khác, dòng thời gian theo phương nằm ngang chính là sự khả tử của con người.
Nhưng nếu có thể chạm đến tâm điểm sự hiện hữu của mình, đến trạng thái tĩnh lặng của nội tâm sâu kín nhất, bạn có thể nhìn thấy hai con đường: con đường ngang và con đường dọc.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng biểu tượng thập tự giá không thuộc về Cơ Đốc giáo. Nó vốn là chữ Vạn1, một biểu tượng cổ xưa của phương Đông, của người Aryan. Đó là lý do vì sao Adolf Hitler, kẻ luôn nghĩ mình là một trong những người mang dòng máu Aryan thuần khiết nhất, đã chọn chữ Vạn làm biểu tượng của mình. Chữ Vạn đơn giản chỉ là hai đường thẳng giao nhau. Tại Ấn Độ, cứ vào đầu năm mới, giới thương nhân lại mở đầu những quyển sổ sách mới của họ bằng một chữ Vạn, dù có thể họ cũng không biết tại sao mình phải làm vậy. Biểu tượng thập tự giá của Cơ Đốc giáo chỉ đơn giản là một phần của chữ Vạn, nhưng nó cũng là một đường dọc và một đường ngang. Đôi tay của Chúa Jesus dang ra theo chiều ngang; đầu và thân của ông ấy nằm theo chiều dọc.
1 Chữ Vạn là một biểu tượng tôn giáo cổ xưa trong các nền văn hóa của Á-Âu. Trong Ấn Độ giáo, biểu tượng chữ Vạn xoay theo chiều kim đồng hồ được gọi là swastika 卐, đại diện cho mặt trời, còn chữ Vạn ngược chiều kim đồng hồ là sauwastika 卍, đại diện cho đêm tối.
Trong một khoảnh khắc thiền định, bạn bỗng nhận thấy mình có thể di chuyển theo hai hướng - hoặc ngang hoặc dọc. Chiều dọc chứa đựng sự tĩnh lặng, phúc lạc, cực lạc; chiều ngang chứa đựng đôi tay, công việc, thế giới.
Khi đã biết bản thân là một giao lộ, con người không thể nào thờ ơ, anh ta không thể nào không quan tâm đến con đường dọc. Anh ta biết con đường ngang nhưng chưa biết con đường dọc, con đường mở ra cánh cửa đến với sự vĩnh hằng, nơi cái chết không tồn tại, nơi con người chỉ đơn giản trở thành một phần của vũ trụ rộng lớn, nơi con người đánh mất mọi ràng buộc, kể cả ràng buộc của thể xác.
Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói: “Sinh là khổ, đời là khổ, tử là khổ”. Ý của ông ấy là việc di chuyển trên con đường nằm ngang đồng nghĩa với việc mãi bị giày vò trong đau đớn, khổ ải. Cuộc sống của bạn không thể là một cuộc sống của vũ điệu, của niềm hân hoan - nếu nó cứ mãi như vậy thì tự sát là giải pháp duy nhất. Đó là kết luận của chủ nghĩa hiện sinh đương đại phương Tây - triết lý của Jean- Paul Sartre, Jaspers, Heidegger, Kierkegaard và nhiều nhà tư tưởng khác. Họ đều cho rằng cuộc sống là vô nghĩa. Và đúng là như vậy trên bình diện nằm ngang, bởi vì ở đó chỉ có đau đớn, thống khổ, bệnh tật, già yếu. Bạn bị nhốt trong một cơ thể nhỏ bé trong khi tâm thức của bạn rộng lớn như vũ trụ bao la.
Một khi đã phát hiện ra chiều dọc, con người bắt đầu di chuyển theo trục dọc đó. Di chuyển theo chiều dọc không có nghĩa là bạn phải từ bỏ thế giới này, nhưng chắc chắn bạn không còn chỉ là một phần của thế giới này, nghĩa là thế giới này trở nên phù du, mất đi tầm quan trọng của nó. Điều đó không có nghĩa rằng bạn phải từ bỏ thế giới này rồi trốn lên núi và tìm đến các tu viện. Ý nghĩa đơn giản là cho dù ở đâu, bạn sẽ bắt đầu sống một cuộc sống hướng vào bên trong mà trước đây bạn không thể thực hiện được.
Trước đây, bạn là người hướng ra bên ngoài; giờ đây, bạn trở thành một người hướng vào bên trong. Bạn có thể dễ dàng điều khiển cơ thể mình đi theo hướng này, nếu bạn nhớ rằng mình không phải là cơ thể. Khi đó, cơ thể có thể được sử dụng theo nhiều cách nhằm giúp bạn di chuyển trên trục dọc. Khi trục dọc giao với trục ngang - một tia sáng thẳng đứng chiếu vào cuộc đời tăm tối đang trải theo chiều ngang của bạn - đó sẽ là khởi đầu của sự giác ngộ.
Bạn sẽ trông như cũ nhưng bạn không còn giống như cũ. Đối với những người có cái nhìn thấu tỏ, bạn cũng không còn trông như cũ, và ít ra là đối với bản thân, bạn sẽ không bao giờ trông như cũ và không thể nào giống như cũ. Bạn sẽ hiện hữu trong thế giới này nhưng thế giới này sẽ không hiện hữu trong bạn. Tham vọng, lòng ham muốn, sự đố kỵ sẽ bắt đầu bốc hơi. Bạn không cần phải nỗ lực từ bỏ chúng, bạn chỉ cần di chuyển trên trục dọc và chúng sẽ bắt đầu biến mất bởi vì chúng không thể tồn tại trên trục dọc. Chúng chỉ có thể tồn tại trong bóng tối của trục ngang, nơi mọi người luôn cạnh tranh nhau, mọi người luôn chứa đầy dục vọng, ham muốn quyền lực, khát vọng thống trị, khát khao trở thành ai đó đặc biệt.
Trên trục dọc, tất cả những điều xuẩn ngốc này chỉ đơn giản biến mất. Bạn trở nên thật nhẹ nhàng, không có trọng lượng, giống như một đóa hoa sen - ở trong nước, nhưng không bị nước chạm vào. Bạn vẫn hiện diện trong thế giới này nhưng thế giới này không còn tác động đến bạn. Ngược lại, bạn bắt đầu tác động đến thế giới, không phải bằng nỗ lực có ý thức mà chỉ bằng chính bản thể của bạn, sự hiện diện của bạn, nét duyên dáng của bạn, vẻ đẹp của bạn. Vẻ đẹp này phát triển từ bên trong và bắt đầu lan tỏa rộng khắp xung quanh bạn. Nó sẽ chạm tới những người có trái tim rộng mở và sẽ gây e ngại cho những ai sống khép lòng - khép hết các cửa sổ lẫn cửa lớn.
Những người sống khép lòng sẽ không tiếp xúc với một người di chuyển theo trục dọc. Và để thuyết phục bản thân, họ tìm ra cả ngàn lẻ một lý do, ngàn lẻ một lời nói dối để biện minh cho việc đó. Nhưng nguyên nhân cơ bản là họ sợ bị phơi bày.
Người di chuyển theo trục dọc sẽ trở thành gần giống như một tấm gương. Nếu đến gần anh ta, bạn sẽ nhìn thấy khuôn mặt thật của mình - bạn sẽ nhìn thấy sự xấu xí của mình, bạn sẽ nhìn thấy tham vọng thường trực của mình, bạn sẽ nhìn thấy chiếc bình bát khất thực của mình.
Có lẽ, một câu chuyện nữa sẽ giúp ích cho bạn.
Sáng sớm, một người ăn xin cầm chiếc bình bát bước vào vườn thượng uyển. Đó là nơi nhà vua thường đến tản bộ vào buổi sáng; nếu không có khu vườn này, bạn sẽ không có cách nào diện kiến nhà vua, đặc biệt là khi bạn là một người ăn xin - cả triều đình sẽ chặn bạn lại. Vì vậy, người ăn xin đã chọn thời điểm nhà vua muốn được một mình tĩnh lặng giữa thiên nhiên, đắm mình trong vẻ đẹp và sự sống động của thiên nhiên mà không có cận thần nào bên cạnh. Người ăn xin đã gặp nhà vua ở đó.
Nhà vua nói: “Không phải lúc này… Ta không muốn gặp ai cả”.
Người ăn xin đáp lời: “Thần là một kẻ ăn xin. Các cận thần của bệ hạ canh giữ quá nghiêm ngặt và thật khó để một kẻ ăn xin như thần diện kiến bệ hạ. Xin bệ hạ hãy gặp thần”.
Nhà vua chỉ muốn thoát khỏi sự quấy rầy này. Ngài nói: “Ngươi muốn gì? Nói đi và ta sẽ ban cho ngươi. Đừng quấy rầy buổi sáng tĩnh lặng của ta”.
Người ăn xin đáp: “Bệ hạ hãy nghĩ thật kỹ trước khi ban cho thần thứ gì đó”.
Nhà vua đáp: “Ngươi thật kỳ lạ. Chính ngươi là kẻ tự ý bước vào khu vườn này khi chưa được phép và khăng khăng muốn được diện kiến ta. Giờ thì ta nói với ngươi, nếu ngươi muốn gì thì cứ nói đi. Đừng quấy rầy sự yên bình và tĩnh lặng của ta”.
Người ăn xin cười lớn: “Sự yên bình mà có thể bị quấy rầy thì không phải là sự yên bình. Sự tĩnh lặng mà có thể bị quấy rầy thì chỉ là một giấc mơ chứ không phải thực tại”.
Nghe vậy, nhà vua mới nhìn người ăn xin. Ông ấy đang nói điều gì đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhà vua nghĩ: “Đây hẳn không phải là một người ăn xin bình thường”. Và người ăn xin lại nói: “Bệ hạ hãy nghĩ thật kỹ, bởi vì thần chỉ muốn bệ hạ lấp đầy chiếc bình bát này bằng bất cứ thứ gì và rồi thần sẽ rời đi. Nhưng chiếc bình bát phải đầy”.
Nhà vua cười lớn: “Ngươi điên rồi. Ngươi nghĩ rằng ta không thể đổ đầy chiếc bình bát của ngươi sao?”. Nói đoạn, nhà vua cho gọi quan phụ trách ngân khố và ra lệnh: “Hãy đổ đầy kim cương và đá quý vào chiếc bình bát này”.
Vị quan đó không biết chuyện gì đã xảy ra. Không có ai từng lấy kim cương đổ đầy chiếc bình bát. Và người ăn xin nhắc lại: “Hãy nhớ, chừng nào chiếc bình bát chưa đầy, ta sẽ không đi đâu cả”. Đó là trận đấu giữa nhà vua và người ăn xin.
Và chuyện xảy ra sau đó rất kỳ lạ… Khi được đổ vào bát, những viên kim cương biến mất ngay lập tức. Nhà vua vô cùng bối rối. Nhưng ngài nói: “Cho dù có chuyện gì, thậm chí phải dùng toàn bộ quốc khố, ta không thể thua một kẻ ăn xin. Ta đã thắng cả nhiều vị hoàng đế của các vương quốc hùng mạnh khác!”. Và thế là toàn bộ quốc khố đều biến mất trong chiếc bình bát! Tin đồn lan xa và hàng ngàn người kéo đến xem chuyện gì đang diễn ra. Họ chưa từng nhìn thấy nhà vua run rẩy và suy sụp như vậy.
Cuối cùng, khi không còn lại gì trong quốc khố và chiếc bình bát vẫn trống rỗng như cũ, nhà vua quỳ sụp dưới chân người ăn xin và nói: “Ngài phải tha thứ cho ta, ta đã không hiểu chuyện. Ta chưa từng nghĩ về những điều này. Ta đã cố gắng hết sức, nhưng lúc này… ta không còn gì để cho ngài. Ta sẽ xem như ngài đã tha thứ cho ta nếu ngài chịu nói cho ta biết bí mật của chiếc bình bát. Đó là một chiếc bình bát rất kỳ lạ - lẽ ra chỉ cần vài viên kim cương là có thể lấp đầy nó nhưng nó đã nuốt hết toàn bộ quốc khố!”.
Người ăn xin cười đáp: “Bệ hạ không cần lo lắng. Đây không phải là chiếc bình bát. Ta đã tìm thấy một cái sọ người và tạo ra chiếc bình bát này từ cái sọ đó. Nó vẫn không quên thói quen cũ. Bệ hạ đã nhìn vào chiếc bình bát của mình chưa, nhìn vào đầu của mình chưa? Hãy trao cho nó mọi thứ và nó sẽ đòi thêm nữa, thêm nữa và thêm nữa. Nó chỉ biết một thứ ngôn ngữ, đó là ‘thêm nữa’. Nó luôn trống rỗng, nó luôn là kẻ ăn xin”.
Trên trục ngang chỉ tồn tại những người ăn xin, bởi vì họ đều hối hả xin thêm và càng có thêm lại càng không thỏa mãn - không phải là bạn không thể đạt tới vị trí mình mong muốn, nhưng khoảnh khắc đạt tới nơi đó, bạn sẽ nhìn thấy những vị trí cao hơn. Có thể bạn sẽ thấy một thoáng hạnh phúc trong phút chốc, nhưng trong khoảnh khắc tiếp theo, nỗi thất vọng quen thuộc lại xuất hiện và cuộc rượt đuổi lại bắt đầu. Bạn không thể thỏa mãn ý nghĩ “nhiều hơn nữa” này. Về bản chất, ý nghĩa đó là không thể thỏa mãn được. Và đây là trục ngang, con đường của “nhiều hơn, nhiều hơn và nhiều hơn nữa”.
Vậy trục dọc là gì? Trục dọc là trục của “càng ngày càng ít”, đến mức hoàn toàn trống rỗng, đến mức không là ai cả. Đó chỉ là một ấn ký trên mặt nước chứ thậm chí còn không phải trên cát; bạn chưa tạo ra nó thì nó đã biến mất. Người sống ở trục dọc là sannyasin đích thực, người hạnh phúc vô bờ khi không là ai cả, ngập tràn hạnh phúc với sự thuần khiết của nội tâm trống rỗng bởi vì chỉ có sự trống rỗng mới thuần khiết - người tuyệt đối hài lòng với sự trần trụi của mình, bởi vì chỉ có cái không-có-gì mới có thể hòa nhịp với vũ trụ.
Một khi sự hòa nhịp với vũ trụ này xảy ra thì theo một nghĩa nào đó, bạn không còn nữa. Nhưng thay vào đó, lần đầu tiên, bạn là cả vũ trụ. Ngay cả những vì sao ở rất xa cũng hiện diện bên trong bạn, cái hư vô của bạn có thể chứa đựng những vì sao ấy. Bông hoa, mặt trời, mặt trăng… và toàn bộ giai điệu của sự hiện hữu. Bạn không còn là một cái tôi, cái tôi của bạn biến mất. Nhưng như vậy không có nghĩa là bạn biến mất, mà ngược lại, vào khoảnh khắc cái tôi của bạn biến mất, bạn hiện diện.
Thật là một niềm hạnh phúc vô bờ khi hiện hữu mà không cảm thấy cái tôi, không cảm nhận bất kỳ cái tôi nào, không đòi hỏi bất kỳ điều gì khác nữa. Bạn còn có thể đòi hỏi gì nữa? Bạn có cái hư vô, và trong cái hư vô này, bạn đã trở thành cả vũ trụ mà không cần phải chinh phục cả vũ trụ. Khi đó, những chú chim sơn ca sẽ không chỉ hót bên ngoài bạn. Chúng ở bên ngoài bởi vì cơ thể bạn tạo ra rào cản.
Trên trục dọc, bạn sẽ càng ngày càng hướng về tâm thức và ít hướng tới cơ thể. Toàn bộ sự đồng nhất với cơ thể sẽ biến mất. Trong cái hư vô, những chú sơn ca sẽ hiện diện bên trong bạn; những bông hoa, những thân cây và buổi sáng tươi đẹp này sẽ hiện diện bên trong bạn. Trên thực tế, khi đó sẽ không còn “bên ngoài” nào nữa. Mọi thứ đã nằm trọn trong tầm nhìn của bạn. Và không gì có thể phong phú hơn cuộc sống khi mọi thứ đã hiện diện bên trong bạn. Khi mặt trời, mặt trăng, các vì sao và toàn bộ thời gian và không gian vô tận đều hiện diện bên trong bạn… bạn còn muốn gì thêm nữa?
Đây chính xác là ý nghĩa của sự giác ngộ: cái tôi biến mất để toàn bộ sự hiện hữu bao la như đại dương trở thành một phần bên trong bạn.
Kabir, nhà thần bí vĩ đại của Ấn Độ, là người không được học hành nhưng đã viết ra những dòng thơ vô cùng ý nghĩa. Ông đã viết một dòng thơ tuyệt đẹp khi còn trẻ: “Ngay khi giọt sương rời khỏi lá sen vào buổi sáng, lấp lánh như ngọc trai, rơi xuống đại dương…”. Ông ấy viết tiếp: “Chuyện tương tự đã xảy ra với ta. Ôi, người bạn yêu quý của ta, ta đã đi tìm. Thay vì tìm thấy chính mình, ta đã biến mất vào vũ trụ. Giọt sương đã biến mất vào lòng đại dương”.
Thế nhưng trước khi chết, ông ấy đã nói với con trai Kamal của mình: “Con hãy sửa câu thơ đó cho ta”.
Kamal đáp: “Con đã luôn nghĩ dòng thơ đó có vấn đề”. Sau đó, Kamal đưa cho cha xem bản sửa của mình. Câu thơ đó đã được sửa, trước cả khi Kabir nhận ra. Đó là lý do vì sao Kabir gọi con trai của mình là Kamal - “Con đúng là phép màu”. Kamal có nghĩa là phép màu. Và người con trai đúng là một phép màu. Người đó đã thay đổi dòng thơ mà Kabir muốn sửa: “Ôi, người bạn yêu quý của ta, ta đã đi tìm, đi tìm chính mình. Thay vì tìm thấy chính mình, ta đã tìm thấy toàn thế giới, toàn vũ trụ. Giọt sương đó không biến mất vào lòng đại dương, chính đại dương đã biến mất vào giọt sương”.
Và khi đại dương biến mất vào giọt sương, giọt sương đó chỉ đơn giản mất hết các ranh giới của nó, không còn gì khác.
Trên trục dọc, bạn trở nên ngày càng ít đi. Và đến một ngày, bạn không còn nữa.
Thiền sư Rinzai có một thói quen rất gàn nhưng thú vị. Mỗi sáng khi thức giấc, trước khi mở mắt ra, ông ấy sẽ nói: “Rinzai, ngươi vẫn ở đó chứ?”.
Đệ tử của ông ấy hỏi: “Thầy nói điều vô nghĩa gì vậy?”.
Ông ấy đáp: “Ta đang đợi khoảnh khắc nghe được câu trả lời ‘Không. Sự hiện hữu thì có, nhưng Rinzai thì không’”.
Đây là đỉnh cao tối thượng của tâm thức nhân loại mà con người có thể đạt tới. Đây là phúc lành tối thượng. Và chừng nào chưa đạt tới đỉnh cao này, con người vẫn còn lang thang trong những lối mòn tăm tối, mù quáng, đau đớn và phiền muộn. Anh ta có thể tích lũy nhiều kiến thức, anh ta có thể trở thành một học giả vĩ đại, nhưng điều đó chẳng giúp ích được gì. Bản chất cốt lõi của toàn bộ trải nghiệm tôn giáo chỉ có một, và đó là một điều rất đơn giản, đó là thiền.
Bạn đi vào bên trong. Thật khó thoát khỏi những ý nghĩ bát nháo trong đầu bạn, nhưng bạn không phải là ý nghĩ. Bạn có thể thoát khỏi đám đông hỗn loạn đó, bạn có thể tạo ra khoảng cách giữa mình và các ý nghĩ. Và khi khoảng cách đó ngày càng lớn, các ý nghĩ bắt đầu rơi xuống như lá rụng - bởi vì chính bạn và sự đồng nhất của bạn với những ý nghĩ đó đã nuôi dưỡng chúng. Khi bạn không cung cấp dưỡng chất cho các ý nghĩ thì chúng không thể tồn tại được. Bạn đã bao giờ gặp một ý nghĩ nào tự tồn tại chưa?
Và hãy cố gắng giữ trạng thái trung lập - theo lời Phật Thích Ca Mâu Ni là upeksha1. Hãy thử bỏ qua toàn bộ tâm trí và một khoảng cách sẽ được tạo ra, khi đó, bạn sẽ đạt đến trạng thái nơi toàn bộ dưỡng chất dành cho các ý nghĩ sẽ dừng lại. Chúng chỉ đơn giản biến mất; chúng là những bọt bong bóng xà phòng. Và khoảnh khắc khi tất cả các ý nghĩ biến mất, bạn sẽ thấy mình ở trong hoàn cảnh tương tự Rinzai khi tự hỏi “Rinzai, ngươi vẫn còn đó chứ?”. Và bạn sẽ chờ đợi khoảnh khắc lớn lao, cơ hội to lớn và hiếm hoi khi câu trả lời là “Không. Cái gã Rinzai đó là ai vậy?”.
1 Upeksha trong tiếng Phạn có nghĩa là tâm trí cân bằng, thanh thản, buông bỏ, không vướng mắc.
Sự tĩnh lặng này là thiền, và nó không phải là một tài năng. Không phải ai cũng có thể là Picasso, Rabindranath hay Michelangelo - họ là những nhân tài. Nhưng mọi người đều có thể giác ngộ bởi vì đó không phải là tài năng; đó là bản chất vốn có bên trong mà bạn chưa nhận thức được. Và bạn sẽ mãi không nhận thức nếu vẫn bị các ý nghĩ bủa vây. Bạn chỉ nhận thức về thực tại tối thượng khi không có gì ngăn cản, khi quanh bạn chỉ là hư vô.
Trục dọc này hiếm khi xảy ra. Có lẽ nó là thứ hiếm thấy duy nhất trong sự hiện hữu, bởi vì nó sẽ đưa bạn đến với hành trình của vĩnh hằng, của bất tử. Tâm trí sẽ không thể nào hiểu được những bông hoa nở trên những con đường đó, và những trải nghiệm xảy ra ở đó sẽ không thể nào lý giải được. Nhưng theo một cách rất kỳ lạ, bản thân người đó sẽ trở thành sự biểu lộ. Đôi mắt của người đó sẽ cho thấy chiều sâu của trái tim, cử chỉ của người đó sẽ toát lên nét duyên dáng của chuyển động trên trục dọc. Toàn bộ cuộc sống của người đó tỏa sáng, rung động và tạo ra một trường năng lượng.
Những người mang định kiến, những người đã quyết định và có sẵn kết luận… tôi cảm thấy tiếc cho họ. Còn những người cởi mở, không định kiến, chưa có bất kỳ kết luận nào sẽ lập tức bắt đầu cảm nhận được rung động đó, sự tỏa sáng đó. Và một sự đồng điệu nhất định có thể xảy ra giữa trái tim của người di chuyển trên trục dọc và trái tim của người chưa di chuyển trên trục dọc… Khoảnh khắc khi sự đồng điệu đó xảy ra, bạn cũng bắt đầu di chuyển trên trục dọc.
Những lời này chỉ đơn giản giải thích cho những điều không thể lý giải được bằng lời.