M
ọi người đều phải già đi. Kể từ ngày chào đời, bạn đã bắt đầu già đi - trong từng khoảnh khắc, mỗi ngày. Tuổi thơ là một dòng chảy có điểm khởi đầu và kết thúc, tuổi trẻ cũng vậy - chỉ có tuổi già là không bao giờ kết thúc, bởi vì nó hoàn thành! Đó là tính chất độc đáo của tuổi già, rằng nó mang bạn đến trạng thái nghỉ ngơi cao nhất.
Theo như tôi biết, tôi chưa bao giờ là một đứa trẻ, chưa bao giờ là một thiếu niên, chưa bao giờ già đi và sẽ không bao giờ chết. Tôi chỉ biết có một thứ bên trong tôi, một thứ vĩnh cửu và tuyệt đối không thay đổi. Nhưng nếu bạn muốn biết một vài định luật để áp dụng vào quá trình lão hóa, vào tuổi trung niên, thì đây là vài điều tôi có thể cho các bạn biết, chỉ vì lợi ích của các bạn…
Có nhiều định luật dành cho độ tuổi trung niên, bởi vì trên khắp thế giới, mọi người đều già đi. Và nhiều nhà tư tưởng đã tự hỏi tuổi già là gì.
Định luật đầu tiên là Định luật De Nevers: “Đừng bao giờ suy đoán về những điều chắc chắn”. Đây hiển nhiên là định luật nói về tuổi già; nó có thể là định luật đầu tiên và cũng là định luật cuối cùng. Bạn biết rất rõ mình đang già đi, vậy thì đừng cố suy đoán gì về điều đó, vì làm vậy sẽ càng khiến bạn khổ sở hơn.
Thật là một định luật thú vị - “đừng bao giờ suy đoán về những điều chắc chắn”. Trên thực tế, ngoại trừ cái chết, không có điều gì là chắc chắn trong cuộc sống; mọi thứ đều có thể được suy đoán, trừ cái chết. Và tuổi già chỉ là cánh cửa dẫn tới cái chết.
Dưới đây là một vài định luật khác…
“Tuổi trung niên là khi bạn bắt đầu đánh đổi cảm xúc để lấy các triệu chứng.”
“Bạn biết mình đang già đi khi bị một cô gái từ chối mà lại cảm thấy nhẹ nhõm.”
“Tuổi già là khi bạn bắt đầu tắt đèn vì tiết kiệm tiền điện chứ không vì lý do lãng mạn.”
“Tuổi già là giai đoạn mà giữ được sự ổn định đã có nghĩa là tiến lên phía trước.”
“Tuổi già là khi bạn có thể làm nhiều như trước nhưng bạn chọn không làm.”
Tuổi già là một trải nghiệm bí ẩn, nhưng tất cả những định luật này đều do các bộ óc phương Tây tìm thấy. Tôi chưa thấy có ai trong toàn bộ nền văn hóa phương Đông nói về tuổi già theo cách đó. Ngược lại, phương Đông vô cùng ngợi ca tuổi già. Nếu cuộc đời của bạn chỉ đơn giản di chuyển trên trục ngang, bạn chỉ già đi, nhưng nếu cuộc đời của bạn, tâm thức của bạn đã di chuyển trên trục dọc, vậy là bạn đã đạt được vẻ đẹp và sự rực rỡ của tuổi già. Ở phương Đông, tuổi già đồng nghĩa với sự thông thái.
Đây là hai con đường: một đường đi theo trục ngang, từ tuổi thơ đến tuổi trẻ đến tuổi già, sau đó đến cái chết; một đường đi theo trục dọc, từ tuổi thơ đến tuổi trẻ đến tuổi già, rồi đến sự bất tử. Tính chất của hai con đường này khác nhau một trời một vực, không sao kể hết. Một người chỉ đơn giản trải qua tuổi trẻ đến tuổi già rồi sau đó chết đi là người đã đồng nhất bản thân với cơ thể. Anh ta không biết gì về bản thể của mình, bởi vì bản thể không bao giờ được sinh ra và không bao giờ chết đi; nó luôn hiện hữu, nó đã hiện hữu và nó sẽ mãi hiện hữu. Nó là toàn bộ sự vĩnh hằng.
Trên trục dọc, đứa trẻ cũng trở thành thanh niên, nhưng thời thanh niên trên trục dọc sẽ khác với trên trục ngang. Tuổi thơ hồn nhiên, nhưng đó là khởi điểm của hai chiều hướng khác biệt này. Tuổi trẻ trên trục ngang không có gì ngoài nhục dục, tính dục và đủ mọi kiểu ngu ngốc. Tuổi trẻ trên trục dọc là một hành trình tìm kiếm chân lý, tìm kiếm sự sống - đó là nỗi khao khát được biết chính mình.
Trên trục ngang, tuổi già chỉ đơn giản run rẩy, e sợ cái chết; nó không thể nghĩ được điều gì khác ngoài nghĩa địa, và bóng tối ngày càng trở nên dày đặc. Nó chỉ có thể nhận thức chính nó như một bộ xương chứ không thể là gì khác. Trong khi đó, trên trục dọc, tuổi già là sự chúc tụng; nó đẹp đẽ như mọi giai đoạn mà con người đã trải nghiệm.
Tuổi trẻ có chút dại khờ, nó phải như vậy, nó chưa có kinh nghiệm. Nhưng tuổi già đã có đủ mọi trải nghiệm, tốt và xấu, đúng và sai, và đã đạt đến trạng thái không còn bị tác động bởi bất cứ điều gì có liên quan đến cơ thể hoặc tâm trí. Đó là trạng thái chào đón! Tuổi già trên trục dọc là giữ cho cánh cửa luôn rộng mở để chào đón vị khách tôn quý nhất bước vào. Nó không phải là kết thúc, mà là khởi đầu của một cuộc sống thật sự, của một bản thể đích thực.
Chính vì vậy nên tôi không ngừng phân biệt giữa già đi và trưởng thành. Rất ít người đủ may mắn để trưởng thành. Phần lớn nhân loại chỉ đang già đi, và tất nhiên, họ đều đang di chuyển về phía cái chết. Chỉ ở trên trục dọc, cái chết mới không tồn tại; trục dọc là con đường đến với sự bất tử, đến với sự thiêng liêng. Và lẽ tự nhiên, khi con người già đi theo trục dọc đó, anh ta sẽ có được sự duyên dáng và vẻ đẹp, lòng trắc ẩn và tình yêu.
Điều này đã được nhắc đi nhắc lại… Kinh Phật có nói rằng khi Đức Phật già đi, diện mạo của ngài càng đẹp hơn. Phép màu đích thực chính là đây - chứ không phải đi trên mặt nước, bất kỳ tên say rượu nào cũng có thể thử làm chuyện đó; cũng không phải biến nước thành rượu, mọi tên tội phạm đều có thể làm được việc đó. Đây mới là phép màu thật sự: Đức Phật này càng trở nên đẹp hơn so với thời tuổi trẻ; ông ấy ngày càng hồn nhiên hơn so với thời thơ ấu - đây chính là sự phát triển.
Chừng nào chưa di chuyển trên trục dọc, bạn vẫn đang bỏ lỡ toàn bộ cơ hội của cuộc sống. Khi di chuyển trên trục dọc mỗi ngày, bạn đang đến gần hơn với cuộc sống, không phải xa hơn. Khi đó, sự chào đời của bạn không phải bắt đầu của cái chết, sự chào đời của bạn là bắt đầu của cuộc sống vĩnh hằng. Chỉ hai đường thẳng khác nhau nhưng có quá nhiều khác biệt…
Phương Tây không bao giờ nghĩ về điều đó; trục dọc không bao giờ được nhắc đến bởi vì phương Tây chưa được nuôi dưỡng trong một bầu không khí tâm linh nơi sự giàu có thật sự hiện hữu bên trong mỗi người. Ngay cả khi nghĩ về Thượng đế, họ cũng nghĩ về Thượng đế ở thế giới bên ngoài. Phật Thích Ca Mâu Ni đã có thể phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế - tôi phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế; hoàn toàn không có Thượng đế, đơn giản là vì chúng tôi muốn bạn hướng vào bên trong. Nếu có tồn tại Thượng đế hoặc điều gì đó tương tự thì sự tồn tại đó phải được tìm thấy bên trong bạn. Nó phải được tìm thấy trong sự vĩnh hằng của bạn, trong trạng thái cực lạc của bạn.
Chỉ xem bản thân như một cấu trúc thân-tâm là ý nghĩ nguy hiểm nhất mà con người từng có. Ý nghĩ đó sẽ hủy hoại toàn bộ sự duyên dáng, toàn bộ vẻ đẹp của con người, và họ không ngừng run rẩy, e sợ cái chết cũng như cố gắng trì hoãn tuổi già càng lâu càng tốt. Ở phương Tây, nếu bạn nói với một phụ nữ lớn tuổi rằng “Trông bà trẻ quá” và bà ấy biết mình không còn trẻ, bà ấy sẽ đứng hàng giờ trước gương để kiểm tra xem liệu bản thân mình có còn sót lại chút tuổi trẻ nào không. Nhưng bà ấy sẽ không phủ nhận những lời của bạn, bà ấy cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi nghe những lời đó. Còn ở phương Đông, không ai nói với một phụ nữ lớn tuổi rằng “Trông bà trẻ quá”, vì phương Đông tôn trọng và yêu quý tuổi già đến mức việc nói với ai đó “Trông cô trẻ hơn tuổi của mình” là một sự xúc phạm.
Điều này khiến tôi nhớ tới một chuyện xảy ra khi tôi đang sống cùng một gia đình rất thích xem chỉ tay. Gia đình đó rất quý mến tôi và tôi thường đến thăm họ ít nhất ba lần mỗi năm, mỗi lần như vậy tôi thường ở lại nhà họ ít nhất là ba, bốn ngày. Một lần nọ, khi tôi ở đó, họ mời một người đến xem chỉ tay cho tôi mà không hỏi ý kiến tôi. Khi tôi biết chuyện, mọi thứ đã được an bài xong xuôi, người xem chỉ tay đang ngồi trong phòng khách. Vì vậy, tôi nói: “Được thôi, hãy cùng thưởng thức chuyện này!”.
Tôi chìa tay ra cho người xem chỉ tay, ông ấy xem xét tỉ mỉ và nói: “Ông ít nhất cũng phải tám mươi tuổi”. Tất nhiên, một trong những cô con gái của gia đình đó đã phát hoảng: “Thật ngớ ngẩn. Ông xem chỉ tay kiểu gì vậy…?”. Hồi ấy tôi chỉ hơn ba mươi lăm tuổi, ngay cả một người mù cũng có thể phân biệt giữa một người ba mươi lăm tuổi và một người tám mươi tuổi. Cô gái thật sự giận dữ, cô ấy nói với tôi: “Em sẽ không để ông ta xem chỉ tay nữa. Ông ta mà biết gì chứ?”.
Tôi đáp: “Cô không hiểu. Cô bị ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng phương Tây, được giáo dục theo phong cách phương Tây. Cô du học ở phương Tây nên không thể hiểu được điều ông ấy nói”.
Cô ấy hỏi lại: “Ông ta nói gì? Chuyện đó quá rõ ràng rồi, chẳng cần phải hiểu; ông ta chỉ đang bộc lộ sự ngu ngốc của mình. Một người mới ba mươi lăm tuổi mà ông ta nói là tám mươi ư?”.
Thế là tôi kể cho cô ấy nghe câu chuyện về Ralph Waldo Emerson:
Một người đàn ông hỏi Emerson: “Ông bao nhiêu tuổi?”.
Emerson đáp: “Khoảng ba trăm sáu mươi tuổi”. Người kia không thể tin nổi… và ông ấy đã luôn tin Emerson là một người thành thật! Chuyện gì đã xảy ra, lỡ lời chăng? Ông ấy có bị mất trí nhớ không? Hay ông ấy chỉ nói đùa?
Để chắc chắn, người kia hỏi lại: “Tôi chưa nghe rõ. Xin ông nhắc lại là ông bao nhiêu tuổi…?”.
Emerson đáp: “Anh đã nghe đúng rồi đấy, ba trăm sáu mươi tuổi”.
Người kia nói: “Không thể nào. Trông ông không quá sáu mươi!”.
Emerson đáp: “Anh nói đúng ở một khía cạnh. Xét trên trục dọc, tôi ba trăm sáu mươi tuổi, còn trên trục ngang thì tôi sáu mươi tuổi”.
Có lẽ Emerson là người phương Tây đầu tiên sử dụng cách lý giải về trục ngang và trục dọc. Emerson rất quan tâm đến phương Đông và ông ấy đã nhìn thấy được vài hình ảnh hé lộ khiến ông ấy gần giống với những nhà tiên kiến của Upanishads1. Ông ấy nói: “Anh nói đúng, tôi đã sống sáu mươi năm. Nhưng trong sáu mươi năm đó, tôi đã sống nhiều hơn mức mà anh có thể sống trong ba trăm sáu mươi năm. Tôi đã sống gấp sáu lần thời gian đó”.
1 Còn gọi là Áo nghĩa thư, một văn bản quan trọng trong Ấn Độ giáo.
Trục dọc không tính số năm, nó chỉ tính những trải nghiệm của bạn. Và trên trục dọc là toàn bộ kho báu của sự hiện hữu - không chỉ có sự bất tử, không chỉ có cảm nhận về tính thiêng liêng, mà có cả trải nghiệm đầu tiên về tình yêu không hận thù, trải nghiệm đầu tiên về lòng trắc ẩn, trải nghiệm đầu tiên về thiền - trải nghiệm đầu tiên với cú bùng nổ dữ dội của sự giác ngộ.
Không phải ngẫu nhiên mà “sự khai sáng” ở phương Tây không giống với “sự giác ngộ” ở phương Đông. Phương Tây nói rằng sau thời kỳ đen tối là thời kỳ khai sáng. Họ xem Bertrand Russell, Jean-Paul Sarte, Karl Jaspers như những thiên tài đã giác ngộ. Họ không hiểu rằng họ đang dùng sai nghĩa của một từ, đang làm ô uế từ đó. Cả Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre lẫn Karl Jaspers đều không được giác ngộ.
Sự giác ngộ không xảy ra trên trục ngang. Thậm chí khi đã lớn tuổi, Jean-Paul Sartre vẫn theo đuổi những cô gái trẻ. Bertrand Russell có rất nhiều vợ, và ông ấy sống rất lâu trên trục ngang, gần một thế kỷ. Nhưng ngay cả khi đã già, những mối quan tâm của ông ấy cũng ngớ ngẩn như những mối quan tâm của người trẻ tuổi.
Phương Đông hiểu rằng “sự giác ngộ” không có liên quan gì với thiên tài, không liên quan gì đến trí tuệ, mà nó liên quan đến việc khám phá ra bản thể đích thực của bạn. Nó liên quan đến việc khám phá ra Thượng đế bên trong bạn.
Cho nên, bạn không cần lo lắng về các định luật. Những định luật đó diễn ra trên trục ngang. Trên trục dọc chỉ có tình yêu, không có định luật. Bạn sẽ có nhiều trải nghiệm tâm linh hơn và ít trải nghiệm thể chất hơn, nhiều trải nghiệm thiền định hơn và ít tâm trí hơn, nhiều trải nghiệm thiêng liêng hơn và ít trải nghiệm về thế giới vật chất tầm thường mà chúng ta đã quá đắm chìm trong đó.
Trên trục dọc, bạn sẽ dần dần cảm thấy ham muốn biến mất, tính dục biến mất, tham vọng biến mất, nỗi khao khát quyền lực biến mất… mọi trạng thái nô dịch biến mất - tôn giáo, chính trị, dân tộc. Bạn trở nên giống với một cá nhân đơn lẻ hơn. Và với tính cá nhân của bạn ngày càng trở nên rõ ràng và rực rỡ, toàn nhân loại sẽ hợp nhất trong mắt bạn - bạn không thể phân biệt đối xử.
Có những trải nghiệm cực kỳ sâu sắc trên trục dọc; còn trên trục ngang chỉ có sự sa sút. Trên trục ngang, người già sống trong quá khứ. Người đó nghĩ về những ngày xưa tươi đẹp, những đêm hội hè huyền ảo khi anh ta còn trẻ. Người đó cũng nghĩ về những ngày tươi đẹp khi anh ta không có bất kỳ trách nhiệm nào, khi anh ta còn là một đứa trẻ đuổi bướm hái hoa. Trên thực tế, suốt cả cuộc đời mình, anh ta đã luôn đuổi bướm hái hoa, ngay cả khi về già.
Trên trục ngang, đó là những gì xảy ra - khi già đi, bạn ngày càng chìm đắm trong ham muốn, bởi vì lúc này, bạn biết rằng chỉ có cái chết đang chờ phía trước. Cho nên, bạn muốn tận hưởng càng nhiều càng tốt, mặc dù việc tận hưởng đó trở nên khó khăn bởi bạn đã đánh mất năng lượng của tuổi trẻ. Cho nên, người già trên trục ngang bị ám ảnh về tình dục; anh ta không ngừng nghĩ về tình dục. Người già không có việc gì khác để làm ngoài suy nghĩ - và còn gì khác để nghĩ đây? Anh ta mơ tưởng về những cô gái đẹp.
Người già không ngừng nghĩ về quá khứ - đây là cơ chế tâm lý. Đứa trẻ nghĩ về tương lai bởi vì nó không có quá khứ; nó không có ngày hôm qua nên nó không thể nghĩ về quá khứ. Nó nghĩ về những ngày sắp tới, về toàn bộ cuộc sống lâu dài phía trước. Bảy mươi năm trước mắt cho nó không gian để suy nghĩ… Nó lớn thật nhanh để làm những việc mà mọi người lớn đang làm. Người già không có tương lai - tương lai có nghĩa là cái chết, anh ta thậm chí không muốn nói về tương lai. Tương lai khiến anh ta run rẩy, tương lai có nghĩa là nấm mồ. Thế nên anh ta nói về quá khứ.
Và điều này cũng đúng với các quốc gia. Ví dụ, một quốc gia như Ấn Độ không bao giờ nghĩ về tương lai. Điều đó có nghĩa là nó đã trở nên già nua; nó bộc lộ triệu chứng. Ấn Độ luôn nghĩ về quá khứ. Nó cứ diễn mãi những vở kịch về cuộc đời của Rama và Sita, suốt hàng bao thế kỷ vẫn chỉ có câu chuyện đó, mọi ngôi làng đều trình diễn vở kịch đó. Nó cứ mãi nghĩ về Phật, Mahavira, Adinatha, rồi kinh sách Rigveda và Upanishads. Mọi thứ đều đã trôi qua. Lúc này, Ấn Độ chỉ đang chờ đợi cái chết; nó không có tương lai.
Theo ý tưởng của người Ấn Độ - và đó là ý tưởng của tâm trí già nua, tâm trí của người già - thời đại huy hoàng nhất là hàng triệu năm trước; họ gọi đó là satyuga, thời đại của chân lý. Sau thời đại đó, con người bắt đầu sa sút. Bạn có thể nhìn thấy diễn biến tương tự về mặt tâm lý; đời người được chia thành bốn giai đoạn: tuổi thơ, tuổi trẻ, tuổi trung niên và tuổi già. Tương ứng với bốn giai đoạn này, con người đã phóng chiếu ra bốn giai đoạn của cuộc sống. Giai đoạn thứ nhất là hồn nhiên, giống như một đứa trẻ - rất cân bằng. Họ ví giai đoạn như một cái bàn có bốn chân, cân bằng hoàn hảo. Và sau đó là các giai đoạn sụt giảm…
Tại Ấn Độ, ý tưởng về sự tiến triển không bao giờ tồn tại, mà chỉ có khái niệm ngược lại. Có lẽ bạn chưa từng nghe về khái niệm này - đặc biệt là ở phương Tây - nhưng ở Ấn Độ, người ta nghĩ về quá trình thoái triển chứ không phải tiến triển: “Chúng ta đang co lại, chúng ta đang sa sút”. Trong giai đoạn sa sút đó, cái bàn bị mất một chân, nó chỉ còn ba chân. Nó vẫn cân bằng nhưng không vững như khi có bốn chân. Trong giai đoạn thứ ba, nó mất thêm một chân nữa; lúc này, nó chỉ trụ trên hai chân, hoàn toàn mất cân bằng. Và đây là giai đoạn thứ tư: nó thậm chí không còn đủ hai chân; bạn đang đứng trên một chân - bạn có thể đứng được bao lâu?
Giai đoạn thứ nhất được gọi là satyuga, giai đoạn của chân lý. Giai đoạn thứ hai chỉ đơn giản được gọi là treta, nghĩa là “số ba”, bởi vì lúc này cái bàn chỉ còn lại ba chân. Giai đoạn thứ ba được gọi là dwapar, nghĩa là “hai”. Và giai đoạn thứ tư được gọi là kaliyuga, giai đoạn bóng tối.
Chúng ta đang sống trong giai đoạn bóng tối - đây là tâm trí của người già, tâm trí cho rằng phía trước chỉ có bóng tối và không có gì khác. Đứa trẻ nghĩ về tương lai vàng son; người già nghĩ về quá khứ vàng son. Nhưng điều này chỉ xảy ra trên trục ngang. Trên trục dọc có quá khứ vàng son, hiện tại vàng son, tương lai vàng son; đó là một cuộc sống của sự chúc tụng vô tận.
Cho nên, thay vì lo lắng về các định luật của tuổi già, hãy nghĩ về trục đường mà con tàu của bạn đang di chuyển. Bạn vẫn còn thời gian để đổi tàu; bạn luôn có thời gian để đổi tàu bởi vì luôn có ngã rẽ ở mỗi khoảnh khắc. Bạn có thể dịch chuyển, dịch chuyển từ trục ngang sang trục dọc; đó là điều duy nhất có ý nghĩa trọng đại.