C
on người được sinh ra để vươn tới cuộc sống, nhưng điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào anh ta. Anh ta có thể bỏ lỡ cuộc sống. Anh ta có thể vẫn thở, vẫn ăn uống, vẫn già đi, vẫn di chuyển về phía nấm mồ - nhưng đó không phải là sống, đó là cái chết từ từ. Từ lúc chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay… một cái chết từ từ kéo dài bảy mươi năm. Và bởi vì hàng triệu người quanh bạn đang trải qua cái chết chậm đó nên bạn cũng bắt đầu làm theo. Trẻ con học mọi thứ từ những người xung quanh, và xung quanh chúng ta là những người chết.
Vì vậy, trước hết chúng ta phải hiểu “cuộc sống” mà tôi nói là gì. Nó hoàn toàn không đơn giản là già đi, mà nó phải là trưởng thành. Đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Bất kỳ con vật nào cũng có thể già đi, nhưng trưởng thành là đặc quyền của con người. Có rất ít người nắm lấy đặc quyền đó.
Trưởng thành có nghĩa là qua mỗi khoảnh khắc bạn lại tiến sâu hơn vào phần cốt lõi của sự sống; nó có nghĩa là rời xa cái chết, chứ không phải hướng về cái chết. Càng đi sâu vào sự sống, bạn càng hiểu được sự bất tử bên trong mình. Bạn đang rời xa cái chết; đến một lúc nào đó, bạn có thể nhận ra cái chết chẳng qua chỉ là thay quần áo, hoặc chuyển nhà, hoặc thay đổi dạng thức - không có cái gì chết, không cái gì có thể chết được.
Cái chết là ảo tưởng lớn nhất.
Để hiểu về trưởng thành, chỉ cần quan sát một cái cây. Khi cây cao lớn lên thì bộ rễ của cây càng dài ra, cắm sâu vào lòng đất. Có một sự cân bằng ở đây - cây càng cao thì rễ càng sâu. Không thể có một thân cây nào cao năm chục mét với một bộ rễ nhỏ bé; bộ rễ đó không thể chống đỡ một thân cây cao lớn như vậy.
Trong cuộc sống, trưởng thành có nghĩa là phát triển sâu vào trong bản thân mình - đó là nơi có cội rễ của bạn.
Đối với tôi, cội rễ đầu tiên của cuộc sống là thiền. Mọi thứ khác đều là thứ yếu. Và tuổi thơ là giai đoạn tuyệt vời nhất để thiền. Càng già đi, bạn càng đến gần hơn với cái chết và ngày càng khó đi vào trạng thái thiền định.
Thiền có nghĩa là thâm nhập vào tính bất tử của bạn, vào sự vĩnh hằng của bạn, vào tính thiêng liêng thần thánh của bạn. Và đứa trẻ là người có đủ phẩm chất nhất cho việc này bởi vì nó vẫn chưa mang vác gánh nặng của kiến thức, tôn giáo, giáo dục và đủ kiểu rác rưởi khác. Nó vẫn ngây thơ.
Nhưng tiếc thay, sự ngây thơ của đứa trẻ lại bị quy thành sự ngu dốt. Ngu dốt và ngây thơ có một điểm tương đồng, nhưng chúng không giống nhau. Ngu dốt cũng là trạng thái không biết, giống như ngây thơ - nhưng có một sự khác biệt rất lớn mà cho tới tận bây giờ loài người vẫn bỏ qua. Ngây thơ là không am hiểu nhưng cũng không có khao khát muốn am hiểu. Nó hoàn toàn hài lòng, hoàn toàn mãn nguyện.
Trẻ nhỏ không có tham vọng, không có ham muốn. Nó chìm đắm trong khoảnh khắc hiện tại - một chú chim đang tung cánh có thể thu hút toàn bộ ánh nhìn của nó; chỉ một con bướm có màu sắc sặc sỡ cũng khiến nó như bị hút hồn; một chiếc cầu vồng vắt ngang bầu trời… và đứa trẻ không thể nghĩ ra có thứ gì đặc sắc hơn, đẹp đẽ hơn chiếc cầu vồng này. Và cả bầu trời đêm đầy sao, những vì sao nằm phía sau những vì sao…
Sự ngây thơ rất giàu có, trọn vẹn và thuần khiết.
Sự ngu dốt rất nghèo nàn, nó là kẻ ăn mày - nó muốn thứ này, nó muốn thứ kia, nó muốn biết thật nhiều, nó muốn được tôn trọng, nó muốn được giàu có, nó muốn có quyền lực. Sự ngu dốt di chuyển trên con đường của ham muốn. Ngây thơ là một trạng thái không có ham muốn. Nhưng bởi vì cả hai đều không có kiến thức nên chúng ta vẫn luôn nhầm lẫn về bản chất của chúng. Chúng ta mặc nhiên cho rằng chúng giống nhau.
Bước đầu tiên trong nghệ thuật sống là hiểu được sự khác nhau giữa ngây thơ và ngu dốt. Sự ngây thơ phải được hỗ trợ, được bảo vệ - bởi vì đứa trẻ mang theo kho báu vĩ đại nhất, kho báu mà các nhà hiền triết tìm thấy sau những nỗ lực miệt mài. Các nhà hiền triết nói rằng họ lại được trở thành những đứa trẻ, được sinh ra lần nữa. Tại Ấn Độ, một brahmin1 chân chính, một người có hiểu biết chân chính, thường tự gọi mình là dwij, nghĩa là người được sinh ra hai lần. Tại sao lại được sinh ra hai lần? Chuyện gì đã xảy ra với lần chào đời thứ nhất? Tại sao phải cần đến lần chào đời thứ hai? Và anh ta sẽ đạt được gì trong lần chào đời thứ hai? Trong lần chào đời thứ hai, anh ta sẽ đạt được những gì đã có sẵn trong lần chào đời thứ nhất nhưng đã bị xã hội, cha mẹ và những người xung quanh nghiền nát, hủy hoại.
1 Giáo sĩ và học giả Bà La Môn, những người thuộc đẳng cấp cao nhất trong xã hội Ấn Độ cổ đại. (Các chú thích trong quyển sách này đều là của người dịch và ban biên tập, trừ khi có ghi chú khác.)
Mọi đứa trẻ đều bị nhồi nhét kiến thức. Bằng cách nào đó, sự đơn giản của đứa trẻ đã bị loại bỏ, bởi vì sự đơn giản đó không giúp ích gì cho nó trong thế giới đầy cạnh tranh này. Sự đơn giản của đứa trẻ sẽ khiến thế giới nhìn nó như thể nó là một đứa ngốc; sự ngây thơ của nó sẽ bị lợi dụng theo mọi cách có thể. E ngại xã hội, e ngại thế giới mà mình đã tự tay tạo ra, chúng ta tìm cách khiến mỗi đứa trẻ đều thông minh, ranh mãnh và có thật nhiều kiến thức - để nó được xếp vào nhóm người quyền lực chứ không phải nhóm những người bị áp bức, không có sức mạnh trong tay. Và một khi bắt đầu phát triển sai hướng, đứa trẻ sẽ tiếp tục đi theo hướng đó - cả cuộc đời nó di chuyển theo hướng lệch lạc đó.
Bất cứ khi nào bạn nhận ra mình đã bỏ lỡ cuộc sống, yếu tố cơ bản đầu tiên cần được khôi phục là sự ngây thơ. Hãy bỏ kiến thức, quên các nội dung trong kinh sách, quên các tôn giáo, hệ thống thần học và triết lý của bạn. Hãy được sinh ra một lần nữa, trở nên ngây thơ - và điều đó nằm trong tầm tay của bạn. Hãy dọn sạch khỏi tâm trí mình những thứ mà bạn không tự mình biết được, những thứ do vay mượn mà có, những thứ đến từ truyền thống, tục lệ. Hãy cứ bỏ hết tất cả những gì do người khác - cha mẹ, thầy cô, giáo sư - trao cho bạn. Hãy lại đơn giản một lần nữa, hãy lại làm một đứa trẻ một lần nữa. Và bạn có thể làm ra điều kỳ diệu này thông qua thiền định.
Thiền là một phương pháp phẫu thuật kỳ lạ giúp bạn loại bỏ tất cả những gì không thuộc về mình và chỉ giữ lại những gì thuộc bản thể đích thực của bạn. Nó tiêu hủy mọi thứ khác, chỉ để lại bạn trần trụi đứng đó, một mình trong nắng, trong gió. Cứ như thể bạn là người đầu tiên đặt chân lên trái đất - một người không biết gì, phải tự mình khám phá mọi thứ, phải trở thành người tìm kiếm, phải tham gia vào một cuộc hành hương.
Yếu tố cơ bản thứ hai chính là cuộc hành hương đó. Cuộc sống phải là một hành trình tìm kiếm - không phải ham muốn mà là tìm kiếm; không phải tham vọng trở thành thế này thế kia, làm người đứng đầu một quốc gia hoặc lãnh đạo một đất nước, mà là hành trình tìm kiếm để trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”.
Thật kỳ lạ khi những người không biết mình là ai lại đang tìm cách trở thành ai đó. Họ thậm chí còn không biết mình là ai ngay thời điểm này! Họ xa lạ với bản thể của chính mình nhưng lại đặt mục tiêu trở thành ai đó.
Trở thành ai đó là căn bệnh của linh hồn.
Hiện hữu mới chính là bạn.
Và khám phá sự hiện hữu của bạn là bước khởi đầu của cuộc sống. Khi đó, mỗi khoảnh khắc là một phát hiện mới, mỗi khoảnh khắc mang đến một niềm vui mới. Một bí ẩn mới sẽ được khai mở, một tình yêu mới sẽ bắt đầu lớn lên trong bạn, một lòng trắc ẩn mới mà bạn chưa từng cảm nhận được trước đây, một sự nhạy cảm mới với cái đẹp, cái thiện. Bạn trở nên nhạy cảm tới mức ngay cả một ngọn cỏ nhỏ bé nhất cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với bạn. Sự nhạy cảm giúp bạn biết rất rõ ngọn cỏ nhỏ bé ấy cũng quan trọng đối với sự hiện hữu giống như ngôi sao to lớn nhất; sự hiện hữu sẽ khuyết một chút nếu thiếu ngọn cỏ này. Ngọn cỏ nhỏ bé này là duy nhất, không thể thay thế được, nó có tính cá nhân của nó.
Và sự nhạy cảm này sẽ tạo ra cho bạn nhiều tình bạn mới - tình bạn với cây cối, với chim chóc, với muông thú, với núi, với sông, với đại dương, với các vì sao. Cuộc sống sẽ trở nên phong phú hơn khi tình yêu lớn mạnh, khi sự thân thiện phát triển.
Sinh thời, Thánh Francis đã trải qua một chuyện thú vị. Ông ấy luôn cưỡi lừa chu du khắp nơi để chia sẻ những trải nghiệm của bản thân. Khi ông ấy sắp qua đời, các đệ tử đã tề tựu xung quanh để lắng nghe lời căn dặn cuối cùng của ông. Những lời sau cuối của một người luôn là những lời có ý nghĩa nhất bởi vì chúng chứa đựng toàn bộ kinh nghiệm sống của người đó.
Nhưng điều mà các đệ tử nghe được lại khiến họ không thể tin nổi…
Thánh Francis không dành những lời cuối cùng cho các đệ tử mà cho con lừa của mình. Ông ấy nói: “Này người anh em, ta nợ người anh em rất nhiều. Người anh em đã cõng ta trên lưng đi khắp nơi mà không một lời than trách. Trước khi rời khỏi thế giới này, ta chỉ muốn được người anh em tha thứ; ta đã không nhân ái với người anh em”. Đó là những lời sau cuối của Thánh Francis. Phải nhạy cảm đến dường nào mới có thể nói với một con lừa là “Người anh em…” và xin được tha thứ.
Khi bạn nhạy cảm hơn, cuộc sống sẽ trở nên rộng lớn hơn. Nó không còn là hồ nước nhỏ mà sẽ trở thành đại dương. Nó không bị giới hạn trong phạm vi của bạn, vợ và con cái của bạn - nó hoàn toàn không bị giới hạn. Toàn bộ sự hiện hữu trở thành gia đình của bạn, và chỉ khi toàn bộ sự hiện hữu trở thành gia đình của bạn, bạn mới biết cuộc sống là gì - bởi vì không ai là một ốc đảo, tất cả chúng ta đều kết nối với nhau.
Chúng ta là một lục địa rộng lớn, được gắn kết với nhau theo hàng triệu cách.
Và nếu trái tim của chúng ta không ngập tràn tình yêu dành cho cái tổng thể, cuộc sống của chúng ta cũng không thể tràn đầy. Thiền sẽ mang đến cho bạn sự nhạy cảm, một cảm giác chắc chắn rằng mình thuộc về thế giới này - các vì sao là của chúng ta và chúng ta không phải là những con người xa lạ ở đây. Chúng ta vốn thuộc về sự hiện hữu. Chúng ta là một phần của nó, chúng ta là trái tim của nó.
Không chỉ vậy, thiền sẽ mang đến cho bạn sự tĩnh lặng tuyệt vời, bởi vì tất cả những kiến thức vớ vẩn đều không còn nữa. Những ý nghĩ thuộc về những kiến thức đó cũng không còn nữa… Chỉ còn lại sự tĩnh lặng khôn cùng, và bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra sự tĩnh lặng này là thứ âm nhạc duy nhất hiện diện ở đó.
Âm nhạc là một nỗ lực để biến sự tĩnh lặng này thành thực tế. Những nhà tiên tri của phương Đông cổ đại đều nhấn mạnh rằng mọi loại hình nghệ thuật vĩ đại như âm nhạc, thơ ca, khiêu vũ, hội họa, điêu khắc… đều được sinh ra từ thiền định. Chúng đều là một nỗ lực để bằng cách nào đó mang những điều không thể biết vào thế giới của những điều đã biết cho những ai chưa sẵn sàng cho cuộc hành hương - như món quà dành tặng những người chưa sẵn sàng đó. Có lẽ một ca khúc, hoặc một bức tượng, có thể khơi dậy trong bạn khát khao về nguồn.
Lần tới khi bạn bước vào một ngôi chùa, hãy ngồi im, lặng lẽ quan sát bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Bức tượng đó đã được đúc theo một cách thức, một tỷ lệ mà nếu quan sát nó, bạn sẽ chìm vào tĩnh lặng. Đó là sự thiền định mà bức tượng mang lại; nó không liên quan gì đến Phật Thích Ca Mâu Ni.
Đó là lý do tại sao các bức tượng này đều giống nhau - Mahavira, Phật Thích Ca Mâu Ni, Neminatha, Adinatha… Hoặc ví dụ như hai mươi bốn vị tirthankara1 của Kỳ Na giáo, trong cùng một ngôi đền, bạn sẽ thấy cả hai mươi bốn bức tượng này đều giống nhau, giống hệt nhau. Hồi nhỏ, tôi từng hỏi cha: “Cha có biết tại sao cả hai mươi bốn vị này đều giống hệt nhau không? Họ có cùng kích cỡ, cùng một cái mũi, cùng một khuôn mặt, cùng một cơ thể…”. Khi đó, cha tôi đáp: “Cha không biết. Cha luôn thắc mắc tại sao không có chút khác biệt nào. Gần như chưa có ai từng thấy hai người giống hệt nhau trên thế gian này chứ nói gì đến hai mươi bốn người!”.
1 Trong Kỳ Na giáo, tirthankara là người thầy, người đã chinh phục được con đường luân hồi và mở lối cho người khác đi theo.
Nhưng khi đi sâu vào thiền định, tôi đã tìm thấy câu trả lời. Tôi đã tự mình tìm được câu trả lời chứ không phải nhận nó từ ai khác, và câu trả lời đó là những bức tượng này không liên quan gì đến người được tạc tượng. Những bức tượng này liên quan đến những gì đang diễn ra bên trong hai mươi bốn người đó, mà diễn biến đó đều giống hệt nhau. Chúng tôi không bận tâm đến thế giới bên ngoài; chúng tôi chỉ tập trung vào thế giới bên trong. Thế giới bên ngoài không quan trọng. Ai đó trẻ, ai đó già, ai đó da đen, ai đó da trắng, ai đó là đàn ông, ai đó là đàn bà - tất cả đều không quan trọng; điều quan trọng là có một đại dương tĩnh lặng bên trong. Khi đắm chìm trong đại dương mênh mông tĩnh lặng đó, cơ thể có một bộ dáng nhất định.
Bạn đã thấy chuyện này rồi nhưng bạn không nhận ra. Bạn có quan sát bản thân khi tức giận chưa? Cơ thể của bạn có một dáng điệu nhất định. Trong cơn giận dữ, bạn không thể giữ hai bàn tay của mình rộng mở; bạn nắm chặt bàn tay lại thành nắm đấm. Khi tức giận, bạn không thể cười - hay là bạn có thể? Cơ thể phải có một dáng điệu nhất định khi bạn có một cảm xúc nhất định.
Những điều nhỏ bé có liên quan mật thiết với nhau bên trong.
Do đó, những bức tượng kia được tạo ra theo cách mà nếu bạn chỉ ngồi im lặng và quan sát rồi sau đó nhắm mắt lại, một hình ảnh âm bản, một bóng hình sẽ đi vào trong cơ thể của bạn và bạn bắt đầu cảm nhận điều mình chưa từng cảm nhận được trước đây. Những bức tượng và ngôi đền đó không được dựng lên cho mục đích tôn thờ; chúng được tạo ra cho trải nghiệm. Chúng là những phòng thí nghiệm khoa học - chúng không liên quan gì đến tôn giáo! Suốt hàng bao thế kỷ, một khoa học bí mật nào đó đã được sử dụng để các thế hệ tiếp theo có thể tiếp cận những trải nghiệm của thế hệ đi trước. Không phải thông qua sách vở hay lời nói, mà thông qua điều gì đó sâu hơn - thông qua sự tĩnh lặng, thông qua thiền định, thông qua sự bình yên.
Khi sự thân thiện của bạn nảy sinh từ sự tĩnh lặng đó, tình yêu nảy nở; cuộc sống của bạn trở thành một điệu nhảy, một niềm hân hoan, một sự chúc tụng trong từng khoảnh khắc.
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao ở khắp nơi trên thế giới, mọi nền văn hóa, mọi xã hội đều chỉ có vài ngày lễ hội trong năm? Vài ngày mừng vui đó chỉ là một kiểu bù đắp, bởi vì những xã hội này đã tước đoạt hết mọi khoảnh khắc chúc tụng trong cuộc đời bạn và nếu họ không trao cho bạn bất kỳ sự bù đắp nào, cuộc đời bạn có thể trở thành một mối nguy hại đối với nền văn hóa.
Nền văn hóa nào cũng có một kiểu bù đắp nhất định để bạn không cảm thấy hoàn toàn bị nhấn chìm trong đau khổ, trong nỗi buồn. Nhưng sự bù đắp đó là giả.
Pháo sáng và những chùm đèn màu rực rỡ không thể làm cho bạn hân hoan. Chúng chỉ dành cho con nít, còn đối với bạn, chúng chỉ là nỗi phiền toái. Nhưng trong thế giới nội tâm của bạn có thể có những chùm ánh sáng, những ca khúc và những niềm hân hoan luôn tiếp diễn.
Hãy luôn nhớ rằng xã hội bù đắp cho bạn khi nó cảm thấy những gì bị kìm nén trong bạn có thể bùng nổ thành một tình huống nguy hại nếu không được bù đắp. Xã hội tìm cách để bạn giải tỏa những cảm xúc những thứ bị kìm nén đó - nhưng đó không phải là sự vui mừng thật sự và cũng không thể có thật.
Sự chúc tụng đích thực phải đến từ cuộc đời bạn, trong cuộc đời bạn.
Và lễ hội thật sự không thể diễn ra theo lịch biểu, rằng vào ngày đầu tiên của tháng Mười Một bạn sẽ ăn mừng. Thật kỳ lạ, bạn đau khổ suốt cả năm và bỗng nhiên vào ngày đầu tiên của tháng Mười Một, bạn hết khổ và bắt đầu nhảy múa ư? Hoặc những nỗi đau khổ của bạn là giả hoặc ngày đầu tiên của tháng Mười Một là giả; không thể có chuyện cả hai đều là thật. Và khi ngày đầu tiên của tháng Mười Một khép lại, bạn quay về với cái hố tăm tối của mình, ai nấy đều quay về với nỗi khổ của mình, với những mối bất an của mình.
Cuộc sống nên là một lễ hội bất tận, một lễ hội ánh sáng diễn ra quanh năm. Chỉ khi đó bạn mới có thể trưởng thành, bạn mới có thể bung nở.
Hãy biến những điều nhỏ bé thành sự chúc tụng.
Ví dụ, người Nhật có lễ thưởng trà. Tại mọi Thiền viện và trong những gia đình có điều kiện, người ta có một ngôi đền nhỏ dành để uống trà. Giờ đây, uống trà không còn là chuyện bình thường, trần tục; người ta đã biến hoạt động đó thành một buổi lễ. Ngôi đền thưởng trà thường có lối kiến trúc đặc thù: nằm trong một khu vườn xinh đẹp có hồ nước xinh xắn, có thiên nga bơi trong hồ và hoa nở xung quanh. Khách đến thưởng trà phải để giày dép bên ngoài; đó là một ngôi đền. Và khi bước vào đền, bạn không được nói chuyện; bạn phải để mọi suy tư, ý nghĩ và lời nói ở bên ngoài cùng với đôi giày của bạn. Bạn ngồi xuống trong tư thế thiền định và chủ nhà - người phụ nữ pha trà cho bạn - chuyển động theo một nhịp điệu duyên dáng như thể đang múa để chuẩn bị trà, đặt bộ chén trà trước mặt bạn như thể bạn là một vị thần. Cô ấy sẽ cúi chào với tất cả sự cung kính và bạn sẽ đón nhận bằng sự cung kính tương tự.
Trà được pha trong một chiếc ấm đặc biệt và có thể tạo ra những âm thanh tuyệt đẹp, một kiểu âm nhạc riêng. Và lắng nghe giai điệu của trà trước khi uống chính là một phần của lễ thưởng trà. Vì vậy, mọi người đều im lặng để lắng nghe… tiếng chim ríu rít trong vườn, và chiếc ấm cùng với trà đang tấu lên khúc ca riêng. Một bầu không khí bình yên tỏa ra xung quanh…
Khi trà đã được pha xong và được rót vào chén của từng người, bạn không uống trà như cách mọi người ở khắp nơi vẫn làm. Đầu tiên, bạn sẽ ngửi mùi hương của trà. Bạn sẽ nhấp từng ngụm trà như thể nó đến từ thiên đường, bạn sẽ chậm rãi thưởng thức - không có gì phải vội. Ai đó có thể bắt đầu thổi sáo hoặc đánh đàn. Người ta đã biến một thứ bình thường như trà thành một nghi lễ ấn tượng. Khi bước ra khỏi buổi lễ, mọi người đều khỏe khoắn, tươi mới, cảm thấy trẻ trung hơn, tràn đầy nhựa sống hơn.
Và những gì có thể làm được với trà cũng có thể làm được với mọi thứ khác - quần áo của bạn, thức ăn của bạn. Con người đang sống trong trạng thái gần như say ngủ; nếu không, con người sẽ nhận ra mọi chất liệu đều có vẻ đẹp riêng, có cảm nhận riêng của nó. Nếu bạn nhạy cảm thì quần áo không chỉ là thứ che thân mà còn là thứ thể hiện tính cá nhân của bạn, thể hiện khiếu thẩm mỹ của bạn, văn hóa của bạn, bản thể của bạn. Mọi thứ bạn làm nên thể hiện con người bạn; nó mang dấu ấn của bạn. Khi đó, cuộc sống trở thành một lễ hội bất tận.
Ngay cả khi bị bệnh và phải nằm trên giường, bạn sẽ khiến những giây phút nằm trên giường đó trở thành khoảnh khắc của cái đẹp và niềm hân hoan, khoảnh khắc của sự thư giãn và nghỉ ngơi, khoảnh khắc của thiền, khoảnh khắc thưởng thức âm nhạc hoặc thơ ca. Không cần phải buồn bã khi bị bệnh. Bạn nên vui vì trong khi mọi người đến văn phòng làm việc thì bạn được nằm thư giãn trên chiếc giường của mình như một vị vua - ai đó đang pha trà cho bạn, chiếc ấm trà bằng đồng đang tấu lên giai điệu của nó, một người bạn nói rằng muốn đến thổi sáo cho bạn nghe...
Những điều này quan trọng hơn mọi loại thuốc. Khi bạn bị bệnh, hãy gọi bác sĩ, nhưng quan trọng hơn là hãy gọi cho những người yêu thương bạn, bởi vì không có loại thuốc nào quan trọng hơn tình yêu thương. Hãy gọi cho những người có thể tạo ra cái đẹp, âm nhạc, thơ ca quanh bạn, bởi vì không có phương thuốc chữa lành nào hiệu quả hơn một tâm trạng hân hoan vui mừng. Thuốc thang là phương pháp chữa trị ở mức thấp nhất - nhưng dường như chúng ta đã quên hết mọi thứ nên chúng ta phải phụ thuộc vào thuốc và trở nên cáu gắt, buồn bã, như thể bạn đang bỏ lỡ niềm vui to lớn nào đó mà bạn từng có tại nơi làm việc! Tại nơi làm việc, bạn khổ sở - chỉ nghỉ có một ngày mà bạn cũng bám víu vào nỗi khổ đó - bạn không chịu buông nó ra.
Hãy làm cho mọi thứ trở thành một sự sáng tạo, hãy tạo ra kết quả tốt đẹp nhất từ hoàn cảnh tồi tệ nhất - tôi gọi đó là nghệ thuật sống. Và nếu một người đã luôn biến mỗi khoảnh khắc cũng như mỗi giai đoạn của cả cuộc đời mình thành cái đẹp, tình yêu và niềm hân hoan, vậy thì theo lẽ tự nhiên, cái chết của người đó sẽ là đỉnh cao của một đời nỗ lực. Những chi tiết cuối cùng… cái chết của người đó sẽ không xấu xí như nó vẫn thường xảy ra với mọi người mỗi ngày.
Nếu cái chết xấu xí, điều đó có nghĩa là bạn đã lãng phí cả cuộc đời mình. Cái chết nên được đón nhận trong thanh thản, như một cuộc dấn thân đầy yêu thương vào vùng đất lạ, một lời tạm biệt vui vẻ với những người bạn cũ, với thế giới cũ. Không nên có bất kỳ bi kịch nào trong đó.
Vào lúc Thiền sư Lin Chi sắp lìa đời, hàng ngàn đệ tử đã tề tựu quanh ông để lắng nghe những lời dạy cuối cùng, nhưng Lin Chi chỉ nằm đó, mỉm cười và không nói một lời nào.
Nhìn thấy Lin Chi đang hấp hối mà vẫn chưa nói lời trăng trối, một người bạn lâu năm của ông ấy, cũng là một bậc thầy, đã nhắc Lin Chi. Người đó không phải là đệ tử của Lin Chi; đó là lý do ông ấy dám lên tiếng: “Lin Chi, ông đã quên là mình phải nói vài lời cuối rồi sao? Tôi luôn nói trí nhớ của ông không được tốt mà. Ông sắp chết... ông quên rồi sao?”.
Lin Chi đáp: “Hãy lắng nghe”. Và trên mái nhà là tiếng lít rít của hai chú sóc đang chạy nhảy. Thiền sư nói: “Đẹp làm sao”, và ông ấy qua đời.
Đã có một khoảnh khắc tĩnh lặng tuyệt đối khi Lin Chi nói “Hãy lắng nghe”. Mọi người đều nghĩ ông ấy sắp nói điều gì đó quan trọng, nhưng ông ấy chỉ nói về hai chú sóc đang rượt đuổi nhau trên mái nhà… Và ông ấy mỉm cười rồi trút hơi thở cuối cùng. Nhưng ông ấy đã truyền đạt thông điệp sau cùng của mình: đừng phân chia mọi chuyện thành lớn hay nhỏ, quan trọng hay tầm thường. Mọi thứ đều quan trọng. Tại khoảnh khắc này, cái chết của Lin Chi cũng quan trọng như chuyện hai chú sóc nhạy nhảy trên mái nhà, không có gì khác biệt. Trong sự hiện hữu, tất cả đều như nhau. Đó là toàn bộ triết lý của Lin Chi, toàn bộ lời dạy của ông ấy - rằng không có gì vĩ đại và không có gì nhỏ bé; tất cả đều tùy thuộc vào bạn, vào việc bạn làm gì với chúng.
Hãy bắt đầu bằng cách thiền định và mọi thứ sẽ tiếp tục lớn lên trong bạn - sự tĩnh lặng, thanh bình, hạnh phúc, tính nhạy cảm. Và hãy cố gắng đưa vào cuộc sống bất cứ thứ gì bạn có được từ quá trình thiền định. Hãy chia sẻ nó, bởi vì những thứ được chia sẻ đều phát triển nhanh chóng. Và khi đã đến ngưỡng cửa của cái chết, bạn sẽ biết là không có cái chết. Bạn có thể nói lời tạm biệt, không cần phải khóc lóc buồn bã - có thể bạn sẽ khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt vui sướng chứ không phải đau buồn.
Nhưng bạn phải bắt đầu từ sự ngây thơ.
Vì vậy, trước tiên bạn hãy vứt hết mọi thứ vớ vẩn mà mình đang mang vác. Rõ ràng là mọi người đều đang mang theo quá nhiều thứ rác rưởi như vậy! Có người tự hỏi: “Để làm gì?”. Chỉ vì người ta nói với bạn đây là những ý tưởng, những nguyên tắc tuyệt vời hay sao? Bạn đã không khôn ngoan trong chuyện của mình. Giờ thì hãy khôn ngoan hơn một chút.
Cuộc sống rất đơn giản, cuộc sống là một điệu nhảy tươi vui. Toàn bộ trái đất có thể ngập tràn niềm vui và những điệu nhảy, nhưng có những người vì lợi ích riêng của mình mà luôn khăng khăng rằng không ai được tận hưởng cuộc sống, không ai được cười, cuộc sống là tội lỗi, là hình phạt. Làm sao bạn có thể tận hưởng cuộc sống trong một bầu không khí không ngừng nhắc nhở bạn rằng sống là một hình phạt, rằng bạn đang đau khổ bởi vì bạn đã làm những việc sai trái, và cuộc sống là một nhà tù mà bạn bị ném vào đó để chịu khổ?
Tôi nói với bạn rằng cuộc sống không phải là tù đày, không phải là hình phạt. Cuộc sống là một phần thưởng, và phần thưởng đó chỉ được trao cho những ai nỗ lực đạt được nó, xứng đáng có được nó. Giờ thì việc tận hưởng cuộc sống là quyền của bạn; nếu bạn không tận hưởng cuộc sống thì đó sẽ là một tội lỗi. Nếu bạn không làm đẹp cuộc sống, nếu bạn cứ để cuộc sống giống với khi tìm thấy nó, điều đó sẽ đi ngược lại với sự hiện hữu. Đừng như vậy, hãy làm cho cuộc sống vui vẻ hơn một chút, tươi đẹp hơn một chút, ngát hương hơn một chút.