1. Thưa thầy, em muốn hóa giải nghiệp xấu của mình, em có thể làm việc với các vị Chúa Tể Nghiệp Quả, ngày nào em cũng thiền với mong muốn sẽ kết nối với các vị thần trông coi, quản lý việc ghi chép nghiệp quả vào sổ nợ nghiệp quả của mỗi người, cầu xin họ xóa nghiệp xấu giùm em, may mắn, họ đồng ý thì họ sẽ thực hiện các quy trình chữa lành, loại bỏ hết các năng lượng tiêu cực ra khỏi người em, sau một thời gian, em có thể xóa tất cả các nghiệp xấu mà em đã làm, em được miễn nghiệp trong lần sống này, từ đó, em có thể “thăng thiên” lên các cõi cao hơn, không còn luân hồi nữa, đi qua hành tinh khác sống, được không thầy?
Suy nghĩ đó là sai. Không ai có thể làm được như vậy cả. Các vị thầy không ai làm như vậy, đặc biệt là các vị thần ở trên cao. Nếu bạn muốn đi tắt, bạn sẽ bị dẫn dắt bởi các vị thầy giả.
Các vị thầy, các vị Phật, thần, thánh không bao giờ can thiệp vào nghiệp quả của bạn. Họ không bao giờ nói những điều to tát, họ nói những thứ rất – rất – rất là đơn giản.
Đức Phật nói lời cuối cùng, trước khi ngài rời bỏ thân xác là gì:
“APPO DEEPO BHAVA”
Điều đó có nghĩa là gì?
“HÃY TỰ THẮP SÁNG CHÍNH MÌNH”
Đức Phật chỉ dạy bạn rằng: ONLY YOU!
Chỉ có bạn mới có thể tự chữa lành cho chính mình, hóa giải nghiệp quả của mình.
Bạn duy trì việc thực hành Thiền định đều đặn mỗi ngày, ăn thuần thực vật, gia tăng làm các công việc phụng sự và lắng nghe trái tim mách bảo, bạn sẽ cân bằng được hết nghiệp quả xấu của mình.
2. Làm thế nào để phân biệt giữa giúp đỡ và can thiệp?
Giúp đỡ làm cho người đó trở nên mạnh mẽ, tự lập.
Can thiệp làm cho họ trở nên yếu đuối, phải lệ thuộc vào người khác.
Ví dụ
• Cô ấy là bạn tôi, cô ấy thiếu tiền, đến mượn tiền tôi, tôi cho cô ấy mượn. Vài tháng sau, cô ấy lại đến mượn tiền của tôi, cô ấy yêu cầu tôi giúp đỡ cùng một vấn đề tương tự mà không thấy có gì cải thiện cả, cô ấy lệ thuộc vào tôi. Đó là can thiệp.
• Cô ấy bị đau đầu, tôi đưa cho cô ấy cái nón kim tự tháp, bảo cô ấy thiền đi, đó là giúp đỡ. Nhưng nếu tôi đặt tay chữa lành để cô ấy hết đau đầu, đó là can thiệp.
• Tôi thấy thiền, ăn chay là tốt. Tôi có thể nói ít nhất một lần cho bạn biết. Đó là giúp đỡ. Nhưng sau đó, cứ mỗi lần bạn gặp tôi, tôi cứ nói: thiền và ăn chay, thiền và ăn chay, hai lần, ba lần, bốn lần... cho dù bạn không thích, tôi vẫn cứ nói, tôi ép bạn thực hiện theo ý của tôi, đó là can thiệp.
• Tôi có một người thân trong gia đình. Họ có vấn đề gì đó. Tôi giúp đỡ họ, tôi vui, họ cũng vui. Việc đó được. Nhưng tôi giúp họ, họ vui, tôi không vui, thì cái đó không ổn. Nếu tôi giúp họ, tôi vui, người đó không vui. Đó là can thiệp.
Cách giúp đỡ đúng đắn, là chúng ta cảm thấy vui khi giúp họ, chứ không phải là bạn có một cảm xúc tiêu cực nào đó nổi lên bên trong, thấy tội nghiệp, thương hại, hoặc mặc cảm tội lỗi nên giúp họ.
Khi bạn cảm thấy tội nghiệp cho ai đó nên giúp họ, thì đó là một nghiệp xấu. Bởi vì bạn và người đó đều cùng được tạo ra từ một nguồn sáng tạo, đó là Thượng đế, chúng ta đều là những linh hồn tốt đẹp, mà bạn lại cảm thấy người kia tội nghiệp, thua kém hơn bạn, nên bạn giúp đỡ, thì điều đó có phải là bạn đang sỉ nhục lại cái ông ở trên kia không? Thượng Đế đó!
Không cần phải tội nghiệp cho bất kỳ ai. Bạn chỉ giúp đỡ người khác vì niềm vui bên trong của bạn.
Chúng ta có nhiều cấp độ giúp đỡ:
• Về mặt cơ thể vật lý: cô ấy bị chảy máu, tôi có thể băng bó cho cô ấy.
• Về mặt trí tuệ: cô ấy thiếu hiểu biết, tôi có thể cung cấp thông tin, kiến thức.
• Nhưng về mặt linh hồn: chúng ta phải là tấm gương.
Chỉ có chính bạn phải tự Thiền định để nhận ra bài học của mình, giúp đỡ linh hồn mình tiến hóa, phát triển, người khác không thể giúp bạn được.
Thông qua Thiền định, bạn sẽ thấy rõ hơn, cái nào là can thiệp, cái nào là giúp đỡ.
3. Khi ai đó hung hăng, gây sự, kiếm chuyện với tôi thì tôi phải làm sao?
Nếu bạn lùi lại, người kia cũng sẽ lùi lại. Việc của bạn là hãy yêu thương họ. Nếu bên trong của bạn tràn đầy tình yêu thương, sẽ không ai muốn làm hại bạn.
Tôi không thể nào làm tổn thương ai đó, xong rồi sau đó thì tôi muốn họ yêu thương tôi. Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra.
Nhưng mà... Tự tôi có thể lựa chọn là yêu thương họ. Thì họ sẽ không còn sự lựa chọn nào khác là sẽ phải yêu thương ngược lại tôi.
Bạn hãy làm thử đi!
4. Như thầy đã giảng, khi mình nhổ rau lên ăn, thực vật biết ơn mình, vì mình đã giúp nó tiến hóa lên thành giới động vật. Vậy tại sao, khi mình giết động vật để ăn, nó không cảm ơn mình vì động vật cũng thấp hơn mình, mình cũng đang giúp nó tiến hóa đi lên thành người vậy?
Đây là cách mà tâm trí đã làm việc, bản chất của tâm trí luôn là như vậy. Khi chúng ta lắng nghe theo trái tim, trái tim sẽ dẫn chúng ta đến với sự thật. Khi chúng ta nghe theo tâm trí, thì tâm trí bẻ cong sự thật và dẫn chúng ta đi lạc đường.
Như tôi đã nói, khi mà chúng ta hái trái cây để ăn theo cách mà bạn không hãm hại nó. Thì điều đó được. Nó không giống như động vật, nếu động vật đến với bạn và nó hạnh phúc khi được chết thì việc đó sẽ khác. Nhưng mà sự thật không phải vậy, bởi vì động vật muốn sống.
Bạn thấy, cái cây đó, khi mình không ăn trái của nó, trái chín rụng xuống đất, thối, bỏ, uổng phí, còn khi mình ăn trái của nó, thì cái cây vẫn như vậy. Nhưng khi mình giết động vật để ăn thì sự sống biến mất luôn. Ở đây, chúng ta phải hiểu, tâm thức của thực vật và động vật là khác nhau. Thực vật không giống như động vật.
Mục đích của thực vật tồn tại là để cống hiến cho động vật và con người. Bạn hái trái cây để ăn, cái cây sẽ hạnh phúc, nhưng bạn chặt cây, cây cũng buồn vậy. Cái cây nó không muốn chết. Nhưng trong những trường hợp đặc biệt, nếu bạn cần làm một tuyến đường cho nhiều người đi lại, nhưng có cái cây chắn ngang đường thì bạn có thể giải thích với cái cây, là bạn cần dời nó đi chỗ khác hoặc bạn chặt cây thì nó cũng sẽ vui vẻ chấp nhận điều đó.
Nhưng nếu không có lý do gì hết mà bạn vẫn chặt rất nhiều cây thì bạn đang tạo ra một nghiệp xấu. Nó không phụ thuộc vào hành động bạn làm như thế nào, nó phụ thuộc vào ý định đằng sau hành động đó. Bạn đi qua cái cây, bạn bứt cái lá quăng đi cho vui vậy thôi, thì đó là một nghiệp xấu. Nhưng nếu tôi đến, tôi hái cái lá đó để ăn, thì đó không phải là nghiệp xấu.
5. Khi ai đó bị thai lưu, hoặc muốn phá thai, thì bài học linh hồn dành cho người mẹ là gì?
Chúng ta không thể nào nói được ngay lập tức là bài học của người đó là gì. Cũng trong tình huống phá thai, sảy thai, con chết non đó, thì tùy mỗi người, họ lại có những bài học riêng dành cho họ. Mình đâu có thể biết được mối liên hệ giữa người mẹ và đứa trẻ đó là gì, trong tiền kiếp họ đã kết nối với nhau như thế nào?
Tôi chỉ có thể nói được, vấn đề của người mẹ nằm ở đâu, nhưng tôi không thể nói được bài học của họ là gì, chỉ có người đó, mới nhận định chính xác bài học dành cho họ. Khi người đó tự ngồi xuống thiền, người đó sẽ biết được bài học cần học là gì.
Đối với các trường hợp thai chết lưu trong bụng mẹ:
• Đây là giai đoạn rất là thử thách với linh hồn đứa trẻ. Vì lúc này, đứa trẻ biết trước hoàn cảnh mà mình được sinh ra sẽ như thế nào. Nếu trong bảng kế hoạch đó, đứa trẻ gặp quá nhiều khó khăn, đứa trẻ có thể sẽ sợ xuống Trái đất, đứa trẻ không muốn đầu thai nữa, linh hồn sẽ thoát ra, thai sẽ chết lưu trong bụng mẹ. Đó là tự do ý chí của đứa trẻ.
• Hoặc cũng có thể, đó chỉ là một thỏa thuận nghiệp quả, linh hồn đứa trẻ chỉ đến trong vài tháng mang thai, người mẹ khi mất con, cảm thấy đau khổ, mới tìm hiểu tâm linh. Trước kia, khi chưa có biến cố mất con xảy ra, người mẹ chỉ tập trung vào kiếm tiền, đời sống vật chất. Linh hồn đứa trẻ đến để giúp người mẹ tìm kiếm và đi vào con đường phát triển tâm linh. Bản chất của sự chịu đựng, đau khổ là thai nghén cho nội lực tâm linh phát triển. Điều đó cũng nằm trong kế hoạch linh hồn của đứa trẻ.
Đối với các trường hợp người mẹ muốn bỏ thai: đó là tự do ý chí của người mẹ, người mẹ không muốn giữ thai.
Trong cả hai trường hợp này, thai chết lưu, hay người mẹ muốn bỏ thai, không tạo ra nghiệp quả.
Ví dụ: Người mẹ mang thai, siêu âm thấy thai nhi bị dị tật, người mẹ quyết định bỏ thai. Đó là tự do ý chí của người mẹ, người mẹ muốn dời hợp đồng nghiệp quả “sinh con dị tật” sang kiếp sống tới nữa mới trả. Thì cũng được thôi. Không có việc gì phải cảm thấy tội lỗi trong việc bỏ thai này. Đó là lựa chọn của người mẹ. Nhưng nếu cô ấy thiền, cô ấy nhận ra bài học, tại sao mình phải sinh đứa con dị tật, và cô ấy vẫn quyết định sinh nó ra, vòng lặp nghiệp quả sẽ kết thúc. Thế nào thì nghiệp này cũng phải trả, sinh bây giờ hay kiếp tới mới sinh thì cũng như vậy thôi.
Cô ấy có thể lựa chọn trì hoãn việc “trả nợ” qua lần sống tới.
6. Làm sao để hiện thực hóa mong muốn của chúng ta ra cuộc sống?
Chúng ta đến với cuộc sống có rất nhiều ước mơ, chúng ta muốn: được giàu có, được yêu thương, có những mối quan hệ tốt.
Và có một quy trình rõ ràng để ước muốn của chúng ta thành hiện thực, bao gồm ba bước như sau:
Bước 1: Bạn mong muốn điều gì sẽ trở thành hiện thực, điều ước đó phải thật sự rất rõ ràng, trong suốt như pha lê, diễn ra trong đầu của bạn.
Có nhiều người họ không biết họ muốn gì? Hoặc có người thì có quá nhiều suy nghĩ tiêu cực trong đầu, làm cho những mong muốn bị che mờ đi.
Có rất nhiều người trên hành tinh này, mục đích của họ là muốn được sống hạnh phúc.
Để hiểu được điều gì làm cho bạn hạnh phúc, bạn cần phải Thiền định.
Thiền định là công cụ dẫn bạn đến mục đích sống của bạn. Chỉ thông qua Thiền định, những suy nghĩ của bạn mới trở nên rõ ràng, mong muốn của bạn mới trở nên trong suốt như pha lê.
Bước 2: Không có những suy nghĩ tiêu cực về những ước muốn đó
Khi bạn đã có ý muốn rõ ràng, bạn không nên nghi ngờ, hoài nghi hay lấp lửng, không chắc chắn về những ý định đó.
Ví dụ: Bạn rất muốn công việc đó. Bạn không nên có những suy nghĩ như thế này:
• Ôi, việc đó khó lắm, tôi không làm được đâu.
• Có quá nhiều người cạnh tranh cho vị trí đó, chắc tôi không chen chân vào được đâu.
• Gia đình, vợ chồng, con cái sẽ không ủng hộ tôi làm việc đó.
• Sẽ có những rủi ro nhất định khi tôi làm việc đó.
Bạn không sản sinh những suy nghĩ tiêu cực về ước muốn của mình.
Bạn nhiệt tình tìm hiểu, sốt sắng quan tâm về những vấn đề liên quan đến mong muốn của mình, trao đổi tích cực với người khác về những ý muốn đó.
Hãy hình dung, bạn đang làm việc đó rất thành công.
Khi bạn có những ý định như vậy, thì ước muốn đó trở nên rất mạnh mẽ, rõ ràng, và trong suốt.
Bước 3: Tin tưởng hoàn toàn vào sự sắp đặt của vũ trụ.
Khi bạn chấp nhận hoàn toàn những việc sẽ xảy ra trong cuộc sống, tin tưởng 100% vào sự sắp đặt của vũ trụ, kế hoạch thiêng liêng của Thượng đế, thì việc đó, hoàn toàn sẽ thành hiện thực theo ý muốn của bạn.