8
giờ 57 phút tối thứ Tư, phóng viên Steve Lindsell đã sẵn sàng tác nghiệp.
Lindsell phải đến Selhurst Park để xem Manchester United nỗ lực giành lại ngôi đầu bảng tại Premier League và làm một phóng sự để kỷ niệm tròn ba năm Cantona sang Anh thi đấu. Anh xuống sân, tìm đến khu vực dành cho phóng viên, chọn vị trí đặt máy. Lindsell hy vọng sẽ chộp được và có thể bán một vài bức ảnh độc, chẳng hạn như một pha ăn mừng bàn thắng, một biểu cảm thất vọng trên gương mặt cầu thủ, hay chỉ đơn giản là hình ảnh huấn luyện viên đút tay vào túi quần để tìm chút hơi ấm trong cái giá lạnh của một buổi tối mùa đông.
Lindsell đã chọn đúng vị trí và đúng thời điểm. Ở những phút đầu hiệp 2 của trận đấu, anh cuống cuồng bấm máy, gần như không kịp thở, để ghi lại khoảnh khắc điên rồ nhất trong một thập kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Premier League. Cầu thủ nổi tiếng nhất trên sân đã nhấc cả hai chân lên khỏi mặt đất để tung ra cú đá kung-fu thẳng vào ngực của một cổ động viên. Xung quanh kẻ bị tấn công là rất nhiều cổ động viên khác - những người đã vội vã tan buổi làm, vội vã rời nhà để kịp đến sân xem bóng đá như bao lần trước đó - nhưng đây hẳn là một trận đấu mà họ suốt đời không thể nào quên.
“Tôi liên tục bấm và bấm máy”, Lindsell kể lại. “Tôi cho rằng mình đã chụp được những bức ảnh chất lượng, nhưng không thể tưởng tượng nổi chúng lại được lan truyền với tốc độ nhanh khủng khiếp đến vậy. Sau khi chụp xong, tôi ra xe của mình ở bên ngoài sân Selhurst Park. Tôi mất khoảng 15 đến 20 phút để xử lý ảnh, rồi gửi đi...”
Trước phút thứ 48 định mệnh của trận đấu, Cantona giống như một kẻ bị “giời đày” trên sân. Crystal Palace trong tình thế vật lộn trụ hạng, đã không từ thủ đoạn nào để ngăn chặn lối chơi tấn công của Manchester United, kể cả những pha vào bóng bạo lực. Trung vệ Richard Shaw - người đã được huấn luyện viên Alan Smith của đội chủ nhà giao nhiệm vụ theo sát Cantona như hình với bóng - đã không để cho anh có dù chỉ là một chút khoảng trống để thể hiện.
Sau trận đấu, phía Crystal Palace thanh minh rằng, Shaw chỉ đơn giản là làm nhiệm vụ theo kèm Cantona. Nhưng ngôi sao người Pháp không cho là như vậy. Cantona phàn nàn rằng anh đã bị “chặt chém” không thương tiếc trong hiệp 1, trong đó có nhiều pha vào bóng ác ý của đối phương đã bị trọng tài Alan Wilkie, không biết vô tình hay cố ý, bỏ qua. Không thể phủ nhận hôm đó, Shaw đã có những tình huống vào bóng trên cả mức quyết liệt với cầu thủ người Pháp. Có lẽ với trọng tài Wilkie, cách kèm người kiểu đó là hoàn toàn bình thường với những cầu thủ đã quen lối chơi bóng chỉ có chạy và sút ở giải hạng Nhất Anh trước đây.
Trọng tài Wilkie vẫn còn nhớ rõ, sau khi hiệp 1 kết thúc, Cantona lập tức lao đến chỗ ông chất vấn: “Không có thẻ vàng nào. Như vậy là sao?” Thủ lĩnh của Manchester United còn lặp đi lặp lại câu hỏi đó khi hai đội rời đường hầm ra sân để bước vào hiệp 2. Nhưng với ông Wilkie, những lời lẽ của huấn luyện viên Ferguson mới thật sự ám ảnh: “Tại sao ông không làm cái công việc chết tiệt của mình đi?” Rất hiếm khi người ta thấy huấn luyện viên của Manchester United mất kiểm soát đến thế.
Trong phòng thay đồ ở giờ nghỉ giữa hai hiệp, huấn luyện viên Ferguson đã gọi riêng Cantona ra để nhắc nhở. Ông cảnh báo cậu học trò cưng không nên bị cuốn vào những chiêu trò của Shaw. “Đừng để nó dắt mũi cậu”, huấn luyện viên Ferguson kể lại chuyện đó trong cuốn tự truyện của ông sau này. “Đấy là điều mà gã đó muốn đạt được. Cậu hãy tránh xa tên đồ tể đó ra cho tôi. Hắn có vẻ đang rất đắc ý với những pha xoạc bóng kinh tởm đó.”
Công bằng mà nói, Shaw là một trung vệ giỏi và có kinh nghiệm. Theo sát Cantona như hình với bóng và khiêu khích khiến ngôi sao người Pháp mất kiểm soát là nhiệm vụ của Shaw. Chẳng thể trách hậu vệ này được. Nếu Crystal Palace không chơi tiểu xảo như vậy, họ không có cửa để hy vọng kiếm điểm trước Manchester United.
“Thiên hạ cứ làm như đó là lỗi của Shaw vậy”, đồng đội John Salako ở Crystal Palace sau này chia sẻ. “Richard đã có một trong những trận đấu xuất thần. Anh ấy được giao nhiệm vụ khóa chặt Eric và đã làm điều đó quá tốt. Eric nổi nóng và mất bình tĩnh bởi anh ấy đã gần như bị Richard vô hiệu hóa hoàn toàn.”
Ba phút sau khi hiệp 2 bắt đầu, thủ môn Peter Schmeichel phát bóng lên. Trong tình huống này, giữa Cantona với Shaw lại có va chạm. Dĩ nhiên, Shaw là kẻ khiêu khích. Trọng tài biên đã vẫy cờ, nhưng Cantona đã “lên cơn điên” và không ngần ngại tung một cước vào Shaw. Đó là một hành vi bạo lực có chủ ý và trọng tài Wilkie lập tức rút thẻ đỏ với Cantona. Trên đường piste, huấn luyện viên Ferguson của Manchester United phẫn nộ đến cùng cực.
Ở tòa sau đó, Cantona thừa nhận rằng, anh đáng bị trọng tài Wilkie đuổi khỏi sân. Tuy nhiên, ngôi sao người Pháp cũng phàn nàn về cách ông đối xử với trung vệ Shaw của đội chủ nhà: “Tôi cho rằng, trọng tài Wilkie đã đúng với trường hợp của tôi”, đó là lời của Cantona được luật sư David Poole đọc trước tòa, “nhưng trước đó, tôi cũng bị đối thủ nhiều lần cố tình phạm lỗi thô bạo, và trọng tài đã cố tình lờ đi.”
Từ vụ Cantona bị đuổi khỏi sân, bóng đá Anh đã phải điều chỉnh một số quy định. Cụ thể, cho đến cuối mùa giải 1994/95, cầu thủ sau khi bị rút thẻ đỏ phải lập tức đi ra ngoài đường piste gần đó nhất, có khi phải đi bộ quá nửa vòng sân để vào đường hầm, nên họ thường xuyên phải đi qua khu vực khán đài dành cho cổ động viên đối thủ và phải hứng chịu những lời lẽ khó nghe. Sau scandal của Cantona, kể từ tháng 08/1995, cầu thủ sau khi bị thẻ đỏ được phép rời sân theo đường ngắn nhất để đi đến đường hầm.
Sân vận động Selhurst Park vốn dĩ luôn đặc quánh bầu không khí thù địch. Chuyện một cầu thủ đối phương bị la ó, chửi rủa thô tục khi đi ngang qua khán đài Main Stand nhiều như cơm bữa. Với Cantona, tình hình còn tệ hơn. Bởi anh là một cầu thủ quá nổi tiếng, đến từ một đội bóng quá nổi tiếng. Trong khi Cantona rảo bước qua khán đài dành cho cổ động viên của Crystal Palace để đi vào đường hầm, người ta thấy có ít nhất hai lần anh đã dừng bước, ngước mắt nhìn lên những kẻ chửi bới, khiêu khích anh một cách rất khó chịu, rồi sau đó lại lầm lũi bước tiếp.
“Không chỉ đơn thuần là những cú vào bóng hay những pha kéo áo thô thiển trên sân của cầu thủ đối phương, buổi tối hôm đó ở Selhurst Park đã vượt quá giới hạn chịu đựng của Eric”, đồng đội Gary Pallister khẳng định như vậy trong một lần đề cập đến scandal của Cantona năm 2015. “Những gì diễn ra trên sân của Crystal Palace giống như là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, sau rất nhiều lần Eric phải cắn răng chịu ấm ức trước sự tấn công từ các cổ động viên ở bất kỳ sân vận động nào mà chúng tôi đặt chân đến.”
“Các bạn không thể tưởng tượng nổi đâu. Eric thường xuyên phải chịu đựng những lời lẽ thô thiển nhắm vào anh ấy mỗi khi chúng tôi đến làm khách trên sân đối phương hay bước xuống khỏi xe bus của đội bóng. Ngay cả khi chúng tôi rủ nhau đi xem đua ngựa để thư giãn, Eric cũng không thoát khỏi những kẻ quá khích. Tôi nhớ có lần, ngay trong lúc đang xem đua ngựa, Cantona đã bị một kẻ mất dạy nào đó ở khán đài ngay phía trên nhổ thẳng một bãi nước bọt vào người. Rõ ràng, Cantona đã trở thành mục tiêu tấn công được nhiều cổ động viên của đối phương yêu thích.”
Trong số những cổ động viên mắc “hội chứng thù ghét Cantona” như thế có anh chàng 20 tuổi Matthew Simmons - kẻ đã khiến danh thủ người Pháp nổi điên, mất kiểm soát dẫn đến cú đá kung-fu tai tiếng. Những người chứng kiến kể lại rằng, Simmons đã lao xuống từ chỗ ngồi của anh ta, qua 11 hàng ghế để có thể tiếp cận Cantona ở khoảng cách gần nhất, rồi văng đủ những lời lẽ thô tục nhất đến ngôi sao của Manchester United. Tuy vậy, Simmons sau đó luôn thanh minh rằng, tất cả chỉ là tình cờ, anh ta rời ghế ngồi, đi xuống dưới chỉ để tìm chỗ đi… toilet.
Simmons đã nói gì khiến Cantona mất bình tĩnh đến vậy? Đó là điều mà rất nhiều người tò mò muốn biết. Theo cách giải thích khá nực cười trong một cuộc trả lời phỏng vấn sau đó, anh ta khẳng định rằng mình chỉ nói: “Biến! Biến! Biến ngay! Cố gắng nhé! Về tắm táp sớm đi, Cantona!” Tuy nhiên, theo lời của một nhân chứng trung lập trước tòa án, Simmons thực tế đã thét vào mặt Cantona: “Cút mẹ mày đi, thằng lừa đảo! Cút về Pháp đi, thằng con hoang giẻ rách!”
Đáng chú ý, tòa án đã đứng về phía nhân chứng trung lập. Những lời biện minh của Simmons bị cho là không có cơ sở. Thẩm phán Jeffrey McCann tin là Cantona đã bị đả kích mạnh mẽ dẫn đến kích động. Simmons bị kết tội tấn công và xúc phạm nhân phẩm người khác. Gã còn bị cho là một kẻ ủng hộ Đảng cực hữu. Cũng có một giả thuyết cho rằng, Simmons không phải là cổ động viên của Crystal Palace. Thực tế, gã là một fan của Fulham và không rõ có động cơ, mục đích gì khi đến Selhurst Park dự khán trận đấu với tư cách cổ động viên đội nhà. Về điểm này, bức màn bí mật đến nay vẫn chưa được hé mở.
Cantona đã trở thành mục tiêu công kích trên diện rộng trước những kẻ luôn cố tìm cách khiêu khích anh. Nếu Shaw là ngôi sao trong tập 1 của bộ phim The Temptation of Cantona, thì Simmons đóng vai chính ở tập 2.
Simmons tiếp tục làm lớn chuyện. Sau khi bị tòa kết tội, phạt 500 bảng Anh và cấm 12 tháng không được đến sân vận động xem bóng đá, hắn đã phi thân qua ghế dành cho bị cáo, vừa tung cước vừa cố đấm một thành viên của bồi thẩm đoàn. Vì hành vi động thủ không thèm động khẩu này, hắn bị phạt tù 7 ngày. Khi bị dẫn độ ra ngoài, Simmons còn hét lên đầy vẻ tuyệt vọng: “Tôi vô tội. Tôi xin thề trước Kinh thánh. Các ngươi là một lũ cặn bã.”
Dù gì đi chăng nữa, hành động của Cantona cũng khiến nhiều người bị sốc. Hãy cùng quay chậm lại tình huống tiền đạo của Manchester United đã tung ra cú kung-fu ở Selhurst Park. Cantona đã bay người xông phi vào giữa ngực của Simmons. Sau đó, do hai chân không chạm đất và mất thăng bằng, Cantona ngã dúi dụi xuống đất. Tiền đạo người Pháp lập tức vùng dậy, thụi liên tục vào người Simmons trong khi gã kia cũng ra sức trả đòn. Quanh họ, các cổ động viên của Crystal Palace không tin vào mắt mình, họ ngạc nhiên và sợ hãi đến sững sờ.
Đồng đội của Cantona là Paul Ince hôm đó cũng bị dính đòn oan. Trong cuộc ẩu đả, anh bị một kẻ quá khích nào đó trên khán đài hắt nước trà nóng vào người. Ince bực bội và đáp lại bằng một cú đấm vào không khí.
Giữa cảnh hỗn loạn đó, người phụ trách phòng thay đồ của Manchester United là Norman Davies lập tức chạy đến hộ tống Cantona vào đường hầm. Ông gần như phải kéo lê cầu thủ người Pháp với sự hỗ trợ của một nhân viên an ninh. Còn Peter Schmeichel vừa chạy theo vừa cố khuyên nhủ Cantona “hạ hỏa”. Tất cả giống như một hoạt cảnh, đặc biệt khi nhìn vào dáng vẻ của thủ môn bên phía đội khách khi anh quay sang phía các cổ động viên của Crystal Palace để tỏ vẻ xin lỗi.
Trở lại với cảnh ẩu đả hỗn loạn ở Selhurst Park. Các cầu thủ Manchester United khi đó đã chạy cả lại phía khán đài dành cho cổ động viên của Crystal Palace. Họ phản ứng dữ dội trước những tiếng la ó, chửi thề được cho là nguyên nhân khiến cho nhiều cái đầu trở nên nóng nảy và mất kiểm soát. Trước tình hình đó, một hàng rào các nhân viên an ninh đã lập tức được thiết lập để ngăn giữa các cầu thủ đội khách với các cổ động viên của Crystal Palace. Vụ việc diễn ra vẻn vẹn chỉ khoảng 7 giây, nhưng dư âm của nó còn kéo dài mãi nhiều năm sau đó.
“Khi đó tôi chỉ biết đứng chết sững”, Pallister kể lại trên tờ Manchester Evening News. “Tôi không thể nào tin nổi những gì đang xảy ra trước mắt. Thực sự là không thể tin nổi. Tôi chỉ nhớ được rằng, ông Norman Davies đã cố tìm cách ngăn Eric lại. Cảm ơn Chúa, may nhờ có ông ấy kéo được Eric đi.”
Norman Davies xứng đáng được khen thưởng trong vai trò của một “người dẹp loạn”. Ông đã khóa chặt được hai tay của Cantona, cố khiêng anh ta như khiêng một chú ếch về được đến phòng thay đồ một cách an toàn. Nhưng như thế cũng chưa hết việc cho Davies. Ông còn phải canh giữ cửa phòng thay đồ thật chặt chẽ, không cho Cantona ra ngoài để tiếp tục ăn thua với Simmons.
“Eric lúc đó như nổi điên”, Davies sau này nhớ lại. “Cậu ấy một mực đòi xông ra khỏi phòng thay đồ để quay lại tìm Simmons. Tôi đã phải khóa cửa lại, rồi sau đó quát lên với cậu ta: ‘Nếu cậu muốn đi, hãy bước qua xác của tôi, trước khi đạp tung cánh cửa!’.”
Sau khi cơn nóng giận của Cantona đã dịu xuống đôi chút, Davies vội vàng pha cho anh một tách trà. Tiền đạo người Pháp uống xong tách trà, rồi nhanh chóng bước vào phòng tắm. Người phụ trách phòng thay đồ của Manchester United có công lớn trong việc dẹp yên một trận phong ba. Nhờ đó, ông được các học trò của Ferguson, vốn bất lực trong việc ngăn cản Cantona “tẩn” nhau với Simmons, ưu ái đặt cho biệt danh “Vaseline”.
Người có thẩm quyền đầu tiên có phản ứng trước scandal ở Selhurst Park là cảnh sát trưởng Terry Collins. Ông tuyên bố rằng, Cantona và Ince được phép cùng đội bóng quay về Manchester, nhưng sẽ bị cảnh sát gọi thẩm vấn trong vòng 48 giờ sau đó. “Trong cuộc đời, tôi chưa từng chứng kiến những chuyện kinh khủng như thế", Collins khẳng định. “Đó phải được coi là một vụ bạo loạn!”
Cũng trong tối hôm đó, Liên đoàn bóng đá Anh lập tức ra thông báo: “Liên đoàn bóng đá Anh rất bàng hoàng trước vụ việc xảy ra ở đường piste sân Selhurst Park. Vụ ẩu đả đó là rất đáng xấu hổ, không chỉ với bản thân những người liên quan, mà nghiêm trọng hơn, với cả nền bóng đá!”
“Liên đoàn bóng đá Anh xin thông báo rằng, cảnh sát đã vào cuộc. Họ đang cân nhắc những bước tiếp theo để tiến hành xử lý. Chúng tôi sẽ phối hợp triệt để với họ. Về phần Liên đoàn bóng đá Anh, chúng tôi sẽ theo sát vụ việc, xác minh làm rõ các hành vi không đúng mực làm ảnh hưởng xấu đến bóng đá. Chúng tôi khẳng định sẽ có hình phạt thích đáng dành cho những kẻ phá hoại. Chúng tôi hứa sẽ xử lý thỏa đáng.”
Nhưng trên tất cả, phản ứng của huấn luyện viên Ferguson trước cú xông phi của Cantona mới khiến nhiều người ngạc nhiên nhất, không hẳn vì khi xảy ra sự việc ông không quan sát được tình huống mà chỉ nghe kể lại với nhiều thông tin gây nhiễu. Một số cầu thủ Manchester United nhớ lại rằng, họ đã vô cùng ngạc nhiên trước sự điềm tĩnh của ông thầy trong phòng thay đồ sau khi trận đấu kết thúc. Ferguson hầu như không đề cập đến vụ việc của Cantona mà chỉ tập trung trách mắng các hậu vệ trong tình huống mắc lỗi để trung vệ Gareth Southgate ghi bàn thắng gỡ hòa 1-1 cho Crystal Palace ở gần cuối trận. Cũng vì thế ở Old Trafford đã xuất hiện “thuyết âm mưu” rằng, huấn luyện viên Ferguson không để tâm đến hành động phi thể thao của Cantona vì quá cưng chiều anh. Tất nhiên, không cầu thủ Manchester United nào đủ dũng cảm để nói ra suy nghĩ đó.
Điều khiến ông Ferguson khó chịu đầu tiên là sự ngớ ngẩn của Cantona, khi anh đã không chịu nghe lời cảnh tỉnh của ông trong giờ nghỉ giữa hiệp đấu với đội chủ nhà Crystal Palace. “Đó không phải là lần đầu tiên tính khí nóng như lửa đã làm khổ cậu ấy và làm ảnh hưởng đến đội bóng. Nếu không vì thế, tài năng của cậu ấy còn tỏa sáng rực rỡ hơn nữa”, Ferguson đã viết như vậy trong cuốn Managing My Life. “Đó đã là lần thứ năm kể từ khi gia nhập Manchester United, cậu ấy bị truất quyền thi đấu. Bỏ qua sự khiêu khích từ phía cầu thủ đối phương cũng như từ các cổ động viên trên khán đài, tôi cảm thấy buồn vì sự ngốc nghếch của cậu ấy!”
“Tiên trách kỷ”, nhưng Ferguson cũng không quên “hậu trách nhân”. Huấn luyện viên của Manchester United đã hết lời chỉ trích trọng tài chính điều khiển trận đấu trên sân Selhurst Park. Trọng tài Alan Wilkie đã không quan sát được vụ ẩu đả bên ngoài đường piste, mặc dù sau đó ông cũng đã được nghe tường thuật lại một cách khá tỉ mỉ và chính xác, thậm chí còn phải ở lại sau trận đấu để phục vụ điều tra. Nhà cầm quân người Scotland tỏ ra vô cùng thất vọng với Wilkie. “Đó là một lỗi đáng nguyền rủa của trọng tài. Nếu ông ấy làm tốt công việc của mình trên sân, điều tồi tệ đã không xảy ra.” Không hiểu những lời trách móc của huấn luyện viên Manchester United nhắm vào chiếc thẻ đỏ mà trọng tài Wilkie dành cho Cantona hay nhắm vào những hệ lụy xảy ra sau đó. Chỉ biết rằng, sau trận đấu với Crystal Palace, cảnh sát đã phải lôi cổ ông Ferguson ra khỏi phòng thay đồ của tổ trọng tài.
Sau khi đáp máy bay về Manchester vào tối muộn hôm đó, huấn luyện viên Ferguson từ chối xem lại băng quay chậm theo đề nghị của cậu con trai Jason - người đã mô tả cú xông phi của Cantona như là “một cú đá Karate”. Thay vào đó, ông lên giường và chập chờn trong giấc ngủ. 4 giờ sáng, Ferguson thức dậy. Một tiếng đồng hồ sau, ông mới bình tĩnh ngồi xem lại băng quay chậm vụ ẩu đả. “Hay ho gớm nhỉ!” là biểu cảm duy nhất của Ferguson sau khi xem.
Có thể hiểu được sự bực bội của huấn luyện viên Ferguson nếu biết rằng cầu thủ mà ông đã đặt trọn niềm tin yêu lại khiến ông thất vọng ghê gớm như thế. Manchester United vì cú kung-fu tai tiếng đó của Cantona đã trở thành trò cười cho thiên hạ. Nếu như những gì tiền đạo người Pháp thể hiện trong hai mùa giải đầu tiên ở Old Trafford cho thấy rằng Ferguson đã sáng suốt như thế nào trong việc nhìn người, thì những hành vi sau đó của anh chẳng khác nào tự phá hủy đi tất cả, khiến ông thầy người Scotland cảm thấy như bị “bôi gio trát trấu” vào mặt.
Huấn luyện viên Ferguson không phải không được cảnh báo trước về thói “ngựa chứng” của Cantona. Từ khi Cantona còn thi đấu cho Auxerre, anh đã từng đấm đồng đội Bruno Martini sau một cuộc tranh cãi nảy lửa. Trong một trận đấu tại Sedan để gây quỹ từ thiện cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi động đất ở Armenia, cầu thủ người Pháp đã đá quả bóng thẳng vào đám đông, sau đó cởi áo ném vào mặt trọng tài, rồi suýt ẩu đả khi ra ngoài đường piste. Tháng 09/1988, Cantona gọi huấn luyện viên trưởng đội tuyển Pháp Henri Michel là “một bọc phân thối” trong một cuộc trả lời phỏng vấn sau trận và bị cấm thi đấu cho đội tuyển quốc gia cho đến khi ông Michel bị sa thải.
Năm 1991, khi còn khoác áo câu lạc bộ Nimes thi đấu trong trận gặp St.Etienne, Cantona bực bội ném quả bóng vào trọng tài và phải chịu án treo giò 4 trận. Khi bị Ủy ban Kỷ luật triệu tập yêu cầu giải thích, đồng thời bị nhắc nhở vì những hành vi không đúng mực, Cantona đã đi đến chỗ ngồi của từng thành viên trong Ủy ban Kỷ luật và lần lượt gằn giọng gọi họ là “những kẻ ngốc nghếch”. Án phạt dành cho anh vì thế được nâng lên thành 2 tháng treo giò.
Trước án phạt rất nặng này, Cantona đã định giải nghệ ở tuổi 25. Nhưng huyền thoại Michel Platini lại cho rằng, nếu vậy thì đó là một mất mát quá lớn cho đội tuyển Pháp. Do vậy, ông đã đến gặp Cantona và thuyết phục anh tiếp tục chơi bóng. Ông khuyên tiền đạo này cân nhắc sang Anh thi đấu, đồng nghĩa với việc đoạn tuyệt hẳn với Ligue 1.
Dù đã rất cố gắng, nhưng huấn luyện viên Ferguson gần như bất lực trong nỗ lực “mềm hóa” Cantona. Sáu tháng sau khi gia nhập Old Trafford, anh bị kết tội hành xử không đúng mực và bị phạt 1.000 bảng Anh. Tiền đạo của Manchester United bị cổ động viên của đội bóng cũ Leeds United tố cáo đã nhổ nước bọt về phía họ. Cantona khi đó thanh minh rằng, anh chỉ nhổ nước bọt vào tường. Ủy ban Kỷ luật Liên đoàn bóng đá Anh khi đó có tình tiết giảm nhẹ án phạt cho Cantona, với lý do anh thường xuyên bị cổ động viên của Leeds biến thành mục tiêu khủng bố tinh thần.
Ở mùa 1993/94, mùa bóng trọn vẹn đầu tiên của Cantona với Manchester United, anh bị trọng tài truất quyền thi đấu 2 lần chỉ trong vòng 4 ngày, trong các trận đấu với Swindon và Arsenal. Lần đầu tiên do lỗi Cantona cố tình giẫm lên ngực của tiền vệ John Moncur (Swindon), còn lần thứ hai do anh phải nhận 2 thẻ vàng trước đội bóng thủ đô London. Huấn luyện viên Ferguson vì thế đã phải nhận những lời chỉ trích nặng nề. Người ta quy kết ông dung túng học trò cưng, khiến Cantona đầu trò, làm hỏng các cầu thủ còn lại của Manchester United.
Chuyện càng trở nên tồi tệ hơn vào tháng 09/1994, khi Manchester United phải đến làm khách tại “chảo lửa” Ali Sami Yen của Galatasaray, vốn nổi tiếng là “miền đất dữ” đối với các đội khách. Cantona lại bị đuổi khỏi sân. Tồi tệ hơn, anh đã bị ăn dùi cui của một cảnh sát trong lúc vào đường hầm. Cantona lúc ấy như bị hóa rồ. Anh cố tìm cách thoát khỏi các nhân viên an ninh và các thành viên ban tổ chức để ăn thua với tên cảnh sát đã “ra đòn” với anh. Rốt cuộc, Cantona bị lôi cổ về phòng thay đồ và bị các đồng đội giữ chặt trong đó cho đến lúc ra xe.
“Pally (Pallister), Robbo (Bryan Robson) và Brucey (Steve Bruce) đã phải rất vất vả kéo Eric lại và không cho anh ấy ra khỏi phòng thay đồ”, Gary Neville kể lại trong cuốn tự truyện của anh sau này. “Tôi nhớ là các đàn anh cứ phải chơi trò 2 kèm 1. Nghĩa là chỉ 2 người được đi tắm, còn 2 người phải ở lại theo sát nhất cử nhất động của Cantona. Nhiệm vụ của họ chỉ kết thúc khi huấn luyện viên xuất hiện.”
Tất cả những chuyện đó nói lên điều gì? Thứ nhất, huấn luyện viên của Manchester United chẳng lạ gì tính khí nóng như lửa của Cantona; thứ hai, mỗi khi “nổi điên”, tiền đạo người Pháp cần có một khoảng thời gian nhất định để hạ hỏa.
Điều không hề dễ dàng chấp nhận đối với Ferguson là tai nạn của Cantona ở Selhurst Park đã được dự báo từ trước, nhưng huấn luyện viên người Scotland lại không thể ngăn chặn. Cú kung-fu đó ban đầu có thể khiến mọi người bị sốc, nhưng nếu nhìn lại cả một quá trình thì chuyện đó cũng chẳng có gì ghê gớm. Huấn luyện viên của Manchester United đã từng nhiều lần cố tìm cách hạ độ “nhiệt” quá mức của Cantona xuống, nhưng ông không thành công, thậm chí giống như là ông bị rơi vào cái bẫy lên xuống thất thường như sơ đồ hình Sin của cái tính khí đầy phức tạp trong con người Cantona.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên tờ The Observer năm 2004, Cantona - có lẽ không chủ tâm - đã bóng gió rằng vụ việc hôm đó là không thể tránh khỏi, đồng thời cũng thừa nhận sự thiếu kiểm soát của mình: “Nếu tôi gặp lại Simmons vào một ngày khác, chuyện có thể đã khác đi, cho dù cậu ấy vẫn xúc phạm tôi như thế. Có lẽ cuộc đời đã sắp đặt số phận tôi phải vậy. Hằng ngày, chúng ta đều phải sống và hành động, giống như một nghệ sĩ xiếc biểu diễn đu dây vậy.”
Trong một lần trả lời phỏng vấn khác, khi đề cập đến sự cạnh tranh, Cantona chia sẻ: “Tôi muốn mình giống như một con bạc khát nước đang đốt đời ở casnio.” Danh thủ người Pháp giải thích: “Con người ta muốn đánh bạc bởi họ muốn thử cảm giác lạ. Họ muốn điều đó ở mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống. Và tôi cũng vậy, cũng muốn mình luôn được trải nghiệm thứ cảm giác của một con bạc khát nước.”
Triết lý đó của Cantona chẳng khác gì nguyên lý “tảng băng trôi”, chìm phía dưới bề mặt của tảng băng là vô số những nguy cơ tiềm ẩn khó lường. Với những người chơi thể thao chuyên nghiệp, cách nghĩ đó rất khó được chấp nhận. Theo lẽ thông thường, người ta luôn phải có những chiến lược cụ thể để vươn tới thành công, dựa trên tinh thần thi đấu vững vàng, với sự điềm tĩnh ngay cả trong những tình huống xấu nhất.
Cantona là một cầu thủ có lối chơi đồng đội, anh gần như không thích thể hiện. Nhưng riêng đối với những quả penalty mà Manchester United được hưởng - theo cách nói của Cantona, chính là khoảnh khắc thể hiện cái tôi cá nhân rõ nhất - thì cầu thủ người Pháp lại muốn độc chiếm. Cantona muốn mọi người phải hướng mắt về phía anh. Cantona luôn nỗ lực hết mình để đi tới thành công, không hẳn chỉ để giúp đội bóng hay cá nhân nào đó giành chiến thắng. Đơn giản chỉ là anh muốn được cháy hết mình với cảm xúc trên sân, được thể hiện mình và đem niềm vui đến cho người khác.
Nghe có vẻ kỳ cục, nhưng triết lý của Cantona lại là sự phản biện thuyết phục. Để trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và luôn duy trì được đỉnh cao phong độ là vô cùng khó. Vì thế, đôi lúc để giúp bản thân tránh bị kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, thay vì đều đặn tập trung cho những chuyện lớn lao như tình yêu và tiền bạc, có đôi lúc người ta cần phải làm cho cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn bằng cách tự tìm cách thỏa mãn một đam mê đặc biệt nào đó. Nhìn chung, nhiều cầu thủ sau khi đã giải nghệ thú nhận rằng, họ có xu hướng “bập” vào nghiện ngập bởi họ luôn có nhu cầu tái tạo năng lượng để tiếp tục theo đuổi những guồng quay của bóng đá.
Cantona tỏ ra khá cực hữu. Thế nên, bất kỳ ai, bất kỳ điều gì ngăn cản, khiến cầu thủ người Pháp không được chơi bóng, không được thỏa đam mê đều bị anh coi là kẻ thù: những trọng tài rút thẻ đỏ với anh, những hậu vệ thích đá thô bạo với anh, những huấn luyện viên với những chiến thuật làm hạn chế khả năng của anh hay những cổ động viên luôn tìm cách tấn công anh, v.v… Tất cả giải thích lý do tại sao dẫn đến những cơn cuồng nộ của Cantona ở Istanbul hay ở Selhurst Park.
Cantona luôn thể hiện mình là một kẻ lập dị theo chiều hướng của những người theo chủ nghĩa tự do như vậy không phải vì bản chất của anh là thế, mà đơn giản chỉ để được cảm thấy mình có quyền tự do ngôn luận.
“Trên tất cả, tôi muốn mình luôn cảm thấy được tự do”, ngôi sao người Pháp viết trong cuốn Cantona on Cantona. “Tôi không thích cảm giác bị bó buộc bởi những quy tắc hay bị chi phối. Tôi luôn tự nhắc mình phải biết tự kiềm chế. Tôi luôn xác định có một lằn ranh giới rõ ràng giữa sự tự do và sự vô kỷ luật. Nhưng ở một chừng mực nào đó, tôi thích những tư tưởng phá cách.”
Vượt ra khỏi những quy tắc xã hội được cho là cứng nhắc, Cantona thích công lý được thực thi theo cảm tính - vốn chẳng theo một tiêu chuẩn nào hết. Thế nên, khi Simmons giở giọng bài ngoại khiêu khích anh, Cantona đã nổi nóng và lập tức “đòi lại công bằng” bằng cú kung-fu tai tiếng. Theo lăng kính đó, những lời biện minh của Simmons, rằng Cantona là một kẻ mất trí, không hẳn là có cơ sở.
Có một điều chắc chắn giữa muôn vàn những lời giải thích về cú xông phi của Cantona: Anh luôn sống đúng với những nguyên tắc sống của mình và chưa bao giờ hối tiếc vì những việc đã làm. “Tôi từng nói rằng lẽ ra tôi phải đạp anh ta mạnh hơn nữa…”, Cantona nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2017. “Tôi chẳng có gì phải hối hận. Đó là một trải nghiệm đáng nhớ. Tôi vỡ ra được nhiều điều và tôi nghĩ là Simmons cũng vậy.”
Có thể sẽ có sự khác biệt đôi chút ở ông Ferguson, nếu nói chuyện với huấn luyện viên của Manchester United vào buổi sáng ngày 26/01/1995. Manchester United hành quân đến miền Nam London để giành 3 điểm tại Selhurst Park, với hy vọng giành lại vị trí đầu bảng tại Premier League. Nhưng “Quỷ đỏ” đã phải ra về mà không thể giành chiến thắng, thậm chí với hai trụ cột có nguy cơ bị kết tội, trong đó tiền đạo xuất sắc nhất của họ bị cuốn vào vòng xoáy thị phi.
Old Trafford cần phải được “rào giậu” cẩn thận. Đang có dấu hiệu của một cơn giông tố sắp ập đến.