Ô
ng Ferguson đã luôn phải phải gồng mình lên để bảo vệ Cantona bởi cả tài năng xuất chúng cũng như danh tiếng đi kèm tai tiếng của tiền đạo người Pháp. Ngay khi có ý định ký hợp đồng với anh, huấn luyện viên của Manchester United đã được nhắc nhở rằng, một cầu thủ “ngựa chứng” như Cantona cần phải có một người huấn luyện thật đặc biệt để ghìm cương. Nhưng chiến lược gia người Scotland đã bỏ ngoài tai những lời cảnh báo về vấn đề kỷ luật của tiền đạo này. Ông không hề có một chút định kiến gì trước những chuyện tai tiếng của Cantona trước khi anh gia nhập Old Trafford.
“Cậu ấy có chút ương bướng và gàn dở khi thi đấu cho một vài đội bóng trước đó và do vậy đã bị gắn với cái mác bất trị”, huấn luyện viên Ferguson viết trong cuốn Leading. “Người ta đã nhìn nhận về cậu ấy giống như một kẻ quái nhân. Nhưng điều đó không hề khiến tôi lăn tăn. Khi làm việc với một tài năng phi thường, đôi khi cũng cần phải có những cách đối xử... phi thường. Điều đáng kể nhất mà tôi làm với Eric, khi cậu ấy chân ướt chân ráo gia nhập Manchester United, chỉ đơn giản là bỏ qua những gì xảy ra trong quá khứ và đối xử với cậu ấy như một người mà tôi chưa từng biết đến trước đó.”
Những gì ông Ferguson làm với Cantona nghe có vẻ đơn giản, nhưng kỳ công chẳng khác nào hành động chặt ngang thớ gỗ. Bỏ ngoài tai những lời ong tiếng ve về Cantona cũng đồng nghĩa với việc buộc phải chống lại cả thế giới để bênh vực tiền đạo người Pháp.
Còn nhớ hồi anh mới gia nhập Old Trafford, giới truyền thông Anh thường xuyên thắc mắc trước những quyết định của huấn luyện viên Ferguson liên quan đến cầu thủ có tính cách bốc đồng này. Người ta cho rằng, sau khi kết thúc mùa giải 1991/92 ở vị trí á quân, chỉ với 4 điểm kém đội vô địch Leeds United (trong khi mùa giải trước đó chỉ xếp thứ 6), Manchester United chỉ cần cải thiện đôi chút là có đủ khả năng giành chức vô địch quốc gia Anh. Và việc ông Ferguson đưa về Old Trafford một cầu thủ có tính cách nổi loạn như Cantona chẳng khác nào hành động đùa với lửa, nó có thể khiến con tàu mang tên Manchester United tròng trành và bị đắm bất kỳ lúc nào.
Năm 1994, Sky Sports đã dựng một video công phu về những pha phạm lỗi thô bạo của Cantona trên một nền nhạc kích động. Điều đó khiến Ferguson vô cùng giận dữ. Ông cho rằng đang có một âm mưu vùi dập cậu học trò cưng của mình, dù trên thực tế ông chẳng cần thiết phải lời qua tiếng lại với những phóng viên, nhà báo đã bị ông liệt vào danh sách những kẻ thích ném đá đại hội.
Không chỉ bỏ qua quá khứ gây tranh cãi của Cantona, ông Ferguson còn có sự biệt đãi Cantona so với các học trò khác ở Manchester United. Huấn luyện viên người Scotland thường rất nghiêm khắc trong các buổi tập hay trong sinh hoạt hằng ngày của các cầu thủ, nhưng ông sẵn sàng vứt bỏ tất cả các nguyên tắc để tỉ tê tâm sự với Cantona. Ferguson cho rằng, Cantona là một người rất nhạy cảm, cần phải được chăm sóc đặc biệt. Do vậy, ông hay kể cho tiền đạo người Pháp nghe rất nhiều câu chuyện ở Old Trafford để anh dần thẩm thấu và cảm thấy yêu mến Manchester United. Và trên tất cả, ông Ferguson muốn thấy cậu học trò của mình lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và sự lạc quan.
Đề cập đến sự ưu ái hết mực của mình với Cantona, có lần huấn luyện viên Ferguson tự đưa ra giả thiết rằng, có thể do ông nhìn thấy trong cá tính của cậu học trò cưng có nhiều nét tương đồng với ông. Vì thế, ông muốn cố gắng tạo động lực cho Cantona để giúp anh khai phá tối đa tiềm năng của bản thân. Nhìn chung, Ferguson có sự đồng cảm sâu sắc với cậu học trò do cả hai đều có cá tính mạnh và đều bị xem là “người ngoài” - những kẻ không sinh ra và lớn lên ở Anh, nhưng lại đang đóng vai người dẫn đường chỉ lối cho môn thể thao vua ở xứ sở sương mù.
Nhưng cũng có thể giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu hơn. Ferguson là một người có cách nghĩ thoáng và thực dụng. Do vậy, ông hiểu rằng với một cầu thủ có tài năng và cá tính đặc biệt như Cantona, việc cố gò anh vào những khuôn phép có thể sẽ làm hạn chế khả năng ở trên sân của anh. Chỉ bằng cách để Cantona tự do thoải mái nhất, Manchester United mới có cơ hội được hưởng lợi nhiều nhất từ cầu thủ người Pháp.
Và khi được các phóng viên hỏi liệu sự biệt đãi của huấn luyện viên Ferguson dành cho Cantona có làm cho một số thành viên trong phòng thay đồ của Manchester United cảm thấy phẫn nộ hay không, chiến lược gia người Scotland lập tức gạt phắt đi: “Tôi làm tất cả cho Eric, nhưng lại không làm vậy với các cầu thủ khác trong đội bởi cậu ấy là một tài năng phi thường, với những phẩm chất phi thường mà những người khác không bao giờ có được!”
Sự nhìn nhận của huấn luyện viên Ferguson về Cantona, dù đúng hay sai, đều dẫn đến những tranh cãi. Trong cuốn tự truyện của mình, tiền đạo Mark Hughes tỏ vẻ ganh tỵ khi viết: “Huấn luyện viên của Manchester United đã tự phá vỡ những nguyên tắc của mình để chạy theo cầu thủ người Pháp. Cantona rõ ràng có vấn đề trong việc hòa nhập ở Old Trafford. Nhưng do cậu ấy là sản phẩm ‘độc’ do chính Ferguson tạo ra, nên ông ấy phóng lao phải theo lao.”
Nhưng quan trọng là các cầu thủ Manchester United hiểu và chia sẻ với Ferguson. Đó mới là đỉnh cao nghệ thuật trong quản lý nhân sự của huấn luyện viên và qua đó cũng cho thấy sự chín chắn của các cầu thủ ở Old Trafford.
Chính bởi sự biệt đãi dành cho Cantona mà ông Ferguson đã rất tức giận với cú kung-fu của cậu học trò cưng ở Selhurst Park. Huấn luyện viên người Scotland gần như tối ngày chạy theo để giáo hóa Cantona với hy vọng ít nhất có thể “thuần hóa” anh phần nào. Nhưng cuối cùng, tiền đạo này lại biến ông thành trò cười cho thiên hạ. Ông Ferguson thừa hiểu rằng, hành động của Cantona không phải là một sự cố có thể dàn xếp trước sự moi móc đầy láu cá của giới truyền thông.
Phản ứng đầu tiên của huấn luyện viên Ferguson là muốn Manchester United trục xuất Cantona khỏi Old Trafford ngay lập tức, để tránh cho cả con tàu Manchester United bị đắm theo anh. Ông đã phải dùng tới cụm từ “sặc mùi chết chóc” để miêu tả bầu không khí ngột ngạt của đội bóng khi đó. Ngay buổi tối ác mộng đó, ông Ferguson quyết định đến gặp Sir Ronald Smith và Maurice Watkins ở khách sạn Edge, tại Alderley Edge, Cheshire. Smith và Watkins là đồng chủ tịch của câu lạc bộ. Ông được thông báo rằng, giá cổ phiếu của Manchester United trên thị trường chứng khoán vì scandal của Cantona đã tụt hơn 3% chỉ trong vòng 24 giờ.
Ông Smith đồng quan điểm với huấn luyện viên Ferguson là phải tống cổ Cantona khỏi Manchester United càng sớm càng tốt, tránh đêm dài lắm mộng. Trong cuốn hồi ký A year in the Life, Ferguson đã đề cập đến sự tức giận của ông với cậu học trò người Pháp như sau: “Tôi đã từng vì ủng hộ Eric mà gần như bất chấp tất cả. Nhưng lần này, vì Manchester United, tôi nhất định phải có hành động thật mạnh mẽ. Đội bóng cần phải luôn được đặt lên trên bất kỳ cá nhân nào. Tôi cũng đã bày tỏ ý định đó với lãnh đạo câu lạc bộ và nhận được sự đồng tình từ họ.”
Ý định trục xuất Cantona khỏi Manchester United của Ferguson cũng được người vợ Cathy của ông ủng hộ. Cũng phải nhấn mạnh rằng, Cathy có sự ảnh hưởng đến những quyết định trong sự nghiệp cầm quân của huấn luyện viên người Scotland lớn hơn nhiều so với sự tưởng tượng của cổ động viên. Bà Cathy đồng ý với chồng rằng, Cantona cần phải bị đuổi cổ khỏi Old Trafford. Nếu không, ông Ferguson sẽ bị chỉ trích là vì thành tích của đội bóng mà dung túng cho những kẻ suy đồi đạo đức.
Sự lo lắng của Ferguson còn tăng gấp đôi. Ông sợ rằng hành động nông nổi của Cantona sẽ dẫn đến sự quy chụp rằng, tinh thần thể thao chân chính đã bị bóp chết bởi sự dung túng cho một tài năng. Ông cũng đoán trước được rằng, giới truyền thông sẽ còn xới đi xới lại cú kung-fu của Cantona với Simmons nhiều lần, tạo nên cơn bão dư luận ảnh hưởng nghiêm trọng đến Manchester United.
Chiều quá hóa hư. Đó là sai lầm mà Ferguson đã nhận ra trong quá trình cố tìm cách thuần phục Cantona.
Sau đó, huấn luyện viên Ferguson gọi điện xin lời khuyên từ người bạn lớn Richard Greenbury, một cổ động viên nhiệt tình của Manchester United, đồng thời là giám đốc điều hành của tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Marks & Spencer. Greenbury lại có cách nghĩ khác. Ông khuyên Manchester United nên giữ Cantona lại. Ông chỉ ra những rắc rối về mặt pháp lý nếu Manchester United hủy ngang hợp đồng với cầu thủ người Pháp, đồng thời chỉ ra những thiệt hại về mặt kinh tế mà đội bóng phải gánh chịu khi để mất Cantona. Những phân tích đó khiến cả Ferguson lẫn Chủ tịch Smith đều phải giật mình thừa nhận.
Cuối cùng, Ferguson, Smith và Watkins đi đến một quyết định mà họ từng cho là thảm họa và hết sức nên tránh: Manchester United cấm Cantona thi đấu ở đội 1 đến hết mùa bóng, đồng thời phạt anh hai tuần lương, mức phạt hành chính tối đa có thể lúc bấy giờ. Đội bóng đã thông báo quyết định xử phạt đó với Cantona và với ông Gordon Taylor, giám đốc điều hành Hiệp hội cầu thủ nhà nghề Anh.
Đúng tầm giờ ăn trưa của ngày hôm sau, thứ Sáu, ngày 27, tháng 1, Watkins phát đi thông báo đề cập rõ hơn về hình thức xử lý Cantona: “Để đi đến quyết định kỷ luật, khiến Cantona phải tâm phục khẩu phục, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, dựa trên sự tôn trọng những nguyên tắc của đội bóng nói riêng và của bóng đá Anh nói chung.”
Cách xử lý đó của lãnh đạo câu lạc bộ là rất nương tay cho Cantona, nó đồng nghĩa với việc anh vẫn có thể tiếp tục chơi bóng ở đội trẻ của Manchester United trong quãng thời gian bị kỷ luật. Nhưng ông Taylor đã lập tức gạt đi: “Cantona không được phép thi đấu dù là cho đội trẻ hay bất kỳ đâu từ giờ cho đến khi có phán quyết của tòa án.” Liên đoàn bóng đá Anh nhanh chóng gửi hồ sơ liên quan đến án phạt dành cho Cantona lên FIFA và lập tức nhận được sự ủng hộ.
Quá trình đưa ra quyết định kỷ luật Cantona đã được lãnh đạo Manchester United tính toán tỉ mỉ về mặt thời gian để hạn chế tối đa những cuộc điều tra rắc rối của Liên đoàn bóng đá Anh. Manchester United không hy vọng sớm vượt qua sóng gió do Cantona gây ra. Nhưng bằng cách treo giò tiền đạo người Pháp ngay lập tức, họ đã hạn chế được sự soi mói của giới truyền thông, kéo Cantona ra khỏi tâm bão của dư luận, qua đó cũng giảm thiểu thiệt hại cho đội bóng.
Việc lãnh đạo Manchester United để ngỏ khả năng cho Cantona tập luyện và thi đấu cho đội trẻ thực ra cũng có sự tính toán kỹ lưỡng. Đội bóng thành phố Manchester đã lường trước được những phản ứng và hành động quyết liệt từ Liên đoàn bóng đá Anh. Nhưng họ vẫn làm với mục đích đẩy quả bóng về phía FA, để Cantona nghĩ rằng, Manchester United không hề muốn trừng phạt anh, mà chẳng qua họ buộc phải làm theo phán quyết của FA.
Đòn trừng phạt Cantona chưa dừng lại ở đó. Liên đoàn bóng đá Pháp đã quyết định tước băng đội trưởng đội tuyển quốc gia của tiền đạo này, đồng thời không triệu tập anh thi đấu ít nhất cho đến khi mùa bóng khép lại.
Ngay từ đầu, Chủ tịch FFF - Claude Simonet đặc biệt chú ý đến vụ này. Chỉ vài giờ đồng hồ sau cú kung-fu của Cantona, ông đã ám chỉ khả năng tước băng đội trưởng đội tuyển Pháp của tiền đạo đang khoác áo Manchester United, đồng thời kết tội anh đã có hành vi “đi ngược với tinh thần thể thao chân chính”. Ông Simonet khẳng định: “Mức độ nghiêm trọng của hành vi mà Cantona gây ra khiến FFF sẽ buộc phải có thái độ quyết liệt để xử lý thích đáng.”
FFF đã không cho Cantona dù chỉ một chút cơ hội được đứng trước Ủy ban Kỷ luật để tự bào chữa và đấu tranh hòng giữ lại chiếc băng đội trưởng đội tuyển Pháp.
Có thể thấy rất rõ rằng, những người trong hội đồng kỷ luật của FFF đã cố tình làm lớn vụ việc của Cantona một cách hỉ hả. Trong mắt họ, Cantona chưa bao giờ là một cầu thủ chịu cống hiến hết mình trong màu áo đội tuyển quốc gia và luôn thiếu sự tôn trọng dành cho lãnh đạo FFF. Họ không cho phép những yếu tố ngoại cảnh làm ảnh hưởng đến đội tuyển Pháp. Tóm lại, Cantona đã trao cho FFF một sợi dây thòng lọng để họ siết vào cổ anh.
Chỉ có tập đoàn sản xuất dụng cụ thể thao Nike là đi ngược với dư luận, ủng hộ Cantona - cầu thủ mà họ đã ký hợp đồng tài trợ. 36 giờ đồng hồ sau cú kung-fu của Cantona, tức là vào rạng sáng ngày 27/01, Nike tổ chức họp báo, khẳng định sẽ không rút tên Cantona ra khỏi bất kỳ chiến dịch quảng cáo nào của họ.
Nike còn tỏ ra thích thú với toàn bộ câu chuyện của Cantona. Cầu thủ người Pháp, vốn là đại diện cho hình ảnh của tập đoàn sản xuất dụng cụ thể thao khổng lồ này, đã được khéo léo bố trí xuất hiện trên một kênh truyền hình thương mại để nói lời xin lỗi vì cú kung-fu ở Selhurst Park. Đi bất kỳ đâu, người ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh của Cantona hoặc nghe nói về anh. Thậm chí tên của tiền đạo người Pháp vẫn xuất hiện trên các biển quảng cáo bên ngoài sân Old Trafford trong suốt quãng thời gian anh bị cấm thi đấu.
Cantona đúng là “gà đẻ trứng vàng”, ngay cả khi anh không thi đấu.
Nếu như Ferguson, Smith và Watkins cho rằng họ đã tính toán rất hợp lý về quãng thời gian Cantona phải nghỉ thi đấu thì các cầu thủ Manchester United lại không cho là như vậy. Huấn luyện viên người Scotland sau đó đã phải tổ chức họp đội bóng để giải tỏa tâm lý cho các học trò trước đó còn lấy việc Cantona phải lao động công ích ra trêu đùa với nhau. Ông cố làm dịu bớt vấn đề liên quan đến án phạt của Cantona. Sau này, Ferguson có nói rằng, ông đã điều hành cuộc họp hôm đó không tốt. Nhưng điều đáng nói trong buổi họp hôm ấy mà huấn luyện viên của Manchester United, không biết vô tình hay cố ý, không nhắc đến là nhiều trụ cột của đội bóng đã có ý kiến rằng, vụ việc của Cantona đã bị đẩy đi quá xa và án phạt quá dài dành cho tiền đạo người Pháp làm ảnh hưởng đến cơ hội giành chức vô địch Premier League của đội nhà.
Quãng thời gian sau khi án phạt được đưa ra là những ngày Ferguson luôn trong trạng thái sẵn sàng đi làm công việc “dập lửa”. Mặc dù vẫn cảm thấy bị tổn thương vì hành động ngốc nghếch của cậu học trò, Ferguson luôn “xù lông” để bảo vệ Cantona bất kể giờ giấc. Những câu nói trở nên nổi tiếng của ông khi trả lời câu hỏi liệu Cantona có tiếp tục ở lại Manchester United hay không luôn là: “Premier League cần có cậu ấy. Manchester United cần có cậu ấy. Và tôi lại càng cần phải có cậu ấy!”
Ferguson trở nên nghi ngờ tất cả. Ông đã viết trong cuốn nhật ký của mình về mùa giải năm đó: “Mọi người vẫn nói rằng, thời gian có thể chữa lành mọi vết thương. Tôi cũng chỉ hy vọng như thế, hy vọng rằng quãng thời gian Cantona bị cấm thi đấu sẽ giúp mọi thứ ở Manchester United dần ổn định trở lại. Nhưng tôi nghi ngờ vào khả năng đó.”
Sự cảnh giác của huấn luyện viên người Scotland không phải không có cơ sở. Ferguson thừa hiểu rằng, giới truyền thông sẽ không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để tìm ra những sơ hở chết người của Manchester United nhằm khoét sâu vào đó bằng những đòn chỉ trích khiến niềm tin của đội bóng, vốn đang rất mong manh, sẽ càng lung lay dữ dội hơn.
Ông cần ở đội bóng của mình sự đoàn kết, nhất tâm đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ “United - đồng minh”.
Hành động “dập lửa” của huấn luyện viên Ferguson cũng là một bước trong nỗ lực dọn đường đi cho Cantona sau án phạt. Tiền vệ Roy Keane cho rằng, cách xử lý của ông thầy người Scotland sau sự cố ở Selhurst Park cho thấy tầm nhìn xa trông rộng, vốn là điểm mạnh của huấn luyện viên Ferguson. Keane cho rằng, thật khó mà phản đối với cách xử lý đó của ông được. Ferguson đã gạt bỏ danh dự cá nhân, gạt bỏ những thất vọng để hướng đến những điều vĩ đại hơn.
Với việc Manchester United quyết định bao bọc Cantona và việc Ferguson tự thay đổi những nguyên tắc của ông vì mục đích chung của đội bóng, Cantona chắc cũng cảm nhận được tình cảm mà đồng đội và huấn luyện viên dành cho anh. Giống như huấn luyện viên Ferguson viết trong cuốn Leading: “Để kéo ai đó dần thoát khỏi đám đông đang bủa vây và đòi xử lý anh ta, điều quan trọng trước nhất là phải đặt niềm tin tuyệt đối vào anh ta, không để cho anh ta có cảm giác mình đang đi vào ngõ cụt.” Ông có niềm tin “sau cơn mưa, trời lại sáng” với Cantona.
Có một chi tiết rất thú vị là huấn luyện viên Ferguson đã áp dụng những hiểu biết của mình về sinh học để giải thích cho cơn bùng phát của Cantona ở Selhurst Park. Ông giải thích rằng, cầu thủ người Pháp hay bị chứng bệnh hạ đường huyết mỗi khi phải tiêu hao quá nhiều năng lượng. Đó là lý do ở trong các giờ nghỉ, anh luôn phải giải quyết nhu cầu ăn uống để làm tăng lượng đường trong máu. Do vậy, mỗi khi bước vào thi đấu ở hiệp 2, Cantona thường thi đấu “nhiệt” hơn đôi chút, dẫn đến cú kung-fu tai tiếng cũng như những chiếc thẻ đỏ ở các trận đấu với Rangers, Swindon hay Arsenal trước đó.
Nhưng cú xông phi vào cổ động viên Simmons của Cantona được thực hiện chỉ 4 phút sau khi hiệp 2 bắt đầu. Huấn luyện viên Ferguson đã cử chuyên gia y tế của Manchester United đưa ngay cậu học trò cưng đi xét nghiệm máu sau khi anh bị đuổi khỏi sân. Ông hy vọng tìm ra bằng chứng liên quan đến chứng hạ đường huyết của Cantona để thanh minh cho hành động xốc nổi của cầu thủ người Pháp. Nhưng Ferguson đã phải thất vọng.
Tất nhiên, Cantona cần sự ủng hộ từ huấn luyện viên Ferguson và đồng đội, trong bối cảnh giới truyền thông ở nước Anh nói riêng và thế giới nói chung đều nhắm vào cầu thủ người Pháp để “đánh hội đồng”, với rất nhiều đề tài được khai thác liên quan đến cú kung-fu của Cantona và án phạt dành cho anh.
Từng diễn biến dù là nhỏ nhất liên quan đến vụ việc ở Selhurst Park gần như đã được tường thuật trực tiếp trên hai kênh của BBC và ITN News vào ngày thứ Sáu sau đó. Tờ báo nổi tiếng “lá cải” The Sun dành 12 trang chỉ để tập trung vào những câu chuyện quanh pha tấn công cổ động viên Simmons của Cantona. Tờ Mail on Sunday thậm chí còn cử phóng viên cất công sang tận Marseille để khai thác những đề tài “độc” về tuổi thơ dữ dội của Cantona.
Thừa biết không thể trách các tờ báo của Anh đã làm rùm beng vụ này, huấn luyện viên Ferguson chỉ cay đắng “đốp” lại giới truyền thông rằng, liệu có phải không còn gì hay ho hơn không mà tất cả cứ thích chĩa mũi dùi về phía Cantona. Trên thực tế, một cầu thủ vừa nổi tiếng vừa tai tiếng như Cantona đáng phải chịu trách nhiệm trước hành động tấn công cổ động viên có một không hai trong lịch sử bóng đá. Do vậy, những câu chuyện xoay quanh cú kung-fu của Cantona vẫn luôn là đề tài thu hút sự chú ý. Ông Ferguson rất mong các phóng viên, nhà báo biến mất khỏi Trái Đất để được yên chuyện, nhưng đó chỉ là hy vọng hão huyền.
Điều khiến huấn luyện viên Ferguson khó chịu nhất là giới truyền thông đã biến vụ việc của Cantona ở Selhurst Park thành một cuộc “chạy đua vũ trang” với nhau qua mỗi bản tin, mỗi cột bình luận, đẩy hành động bột phát đó lên thành cao trào. Tờ News of the World, vốn rất mạnh trong lĩnh vực khai thác những câu chuyện giật gân, còn đưa tin rằng, Cantona đã phải bí mật đi gặp bác sĩ do bị sang chấn tâm lý sau hành động tấn công cổ động viên Simmons. Chuyện bây giờ nghe hài hước vô cùng, nhưng huấn luyện viên Ferguson hồi đó lại chẳng thấy thú vị chút nào.
Những câu chuyện về Cantona đã đi sâu vào đời sống văn hóa ở xứ sở sương mù. Tờ Daily Telegragh đăng trên trang nhất đội hình bóng đá fantasy do họ tự bầu chọn, nhưng bỏ qua cầu thủ nổi tiếng nhất là Cantona. Chương trình The Word của Channel 4 cử một nhóm thanh niên cầm hoa đến tận cửa nhà của cầu thủ người Pháp rồi đứng ngoài ca hát. Đĩa đơn đầu tiên của ban nhạc Ash lấy tựa đề là “Kung-fu” và được phát hành trong tháng 03/1995 để ăn theo scandal của Cantona.
Ngay cả khi đề cập đến diễn viên Jackie Chan trong những buổi công chiếu phim, người ta cũng mặc những chiếc áo trên tay có in hình Cantona đứng ngạo nghễ nhìn vào đám đông.
Không quá khó hiểu khi hàng tá cầu thủ cũ của Manchester United xếp hàng dài đua nhau công kích Cantona. Cựu thủ môn Alex Stepney cho rằng, cầu thủ người Pháp nên bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Old Trafford, thậm chí cựu hậu vệ Shay Brennan còn quan trọng hóa vấn đề bằng phát ngôn xanh rờn: “Cantona đã phản bội tinh thần bóng đá của Sir Matt Busby.” Cựu huấn luyện viên Tommy Docherty của Manchester United cũng nằm trong số những người căm ghét Cantona với tuyên bố rằng, tiền đạo này nên lập tức bị tống cổ khỏi Old Trafford. Đồng thời, ông không tiếc lời phê phán lãnh đạo câu lạc bộ vì đã cố tìm cách bảo vệ Cantona.
Một trong những lời chỉ trích nặng nề nhất nhắm vào Cantona khi đó xuất phát từ cựu danh thủ Bill Foulkes của Manchester United, cầu thủ được biết đến với tư cách thành viên của “Busby Babe”. Foulkes đã tỏ rõ thái độ bài ngoại khi mang quốc tịch của Cantona ra để lý giải cho cú kung-fu tai tiếng của anh: “Eric là một người Pháp - những người rất khác chúng ta. Do vậy, hành xử của cậu ấy cũng khác xa chúng ta.” Mỉa mai thay, thái độ bài ngoại của những kẻ như Simmons và Foulkes khi đó lại nhận được rất nhiều sự ủng hộ.
Trong số những người nổi tiếng đòi “xử” Cantona sau sự cố ở Selhurst Park có Brian Clough. Huấn luyện viên từng dẫn dắt Nottingham Forest giành 2 Cúp C1 phán một câu sặc mùi bạo lực: “Tôi chỉ muốn xẻo phăng hai ‘hòn bi’ của Cantona đi!” Cũng mỉa mai thay, chính Clough đã từng tấn công kẻ lao xuống đường piste để chia vui cùng thầy trò ông, khi chủ nhà Nottingham Forest đánh bại QPR 5-2 trong trận đấu năm 1989.
Nhìn chung, hầu hết trang nhất các tờ báo khi đó đều vẽ lên hình ảnh một Cantona hoang dã, giống như một quái thú không thể kiểm soát. Bản chất của vụ việc ở Selhurst Park là quá rõ ràng và không ai có thể biện minh cho Cantona. Nhưng những vụ tấn công liên tiếp mà báo chí nhắm vào anh cho thấy mối quan hệ rất không tốt của ngôi sao người Pháp với giới truyền thông xứ sở sương mù.
“Các đài truyền thanh, truyền hình, và rất nhiều tờ báo đã cố tình dẫn dụ khán thính giả/độc giả theo cách của họ”, Cantona sau này nhớ lại. “Họ rắp tâm ném tôi vào tâm bão cho bằng được. Họ ra sức tìm cách lôi kéo đám đông chống lại tôi, đến mức tôi phát chán không thèm bận tâm nữa. Qua cách tấn công hội đồng vào tôi, đám phóng viên, nhà báo cũng đã để lộ bộ mặt thật của họ. Đó là những kẻ đã bẻ cong ngòi bút của mình để tạo nên những sản phẩm giật gân, gây sốc. Họ làm quá đến mức tất cả mọi người đều bắt đầu hiểu thế nào là quyền lực thứ tư.”
Cantona có lẽ đã hơi quá lời. Những cơn sốt của giới truyền thông trong và ngoài sân cỏ trong vài năm gần đây, ví dụ như vụ Luis Suarez cắn trung vệ Giorgio Chiellini tại World Cup 2014; vụ Wayne Bridge không thèm bắt tay John Terry liên quan đến một người phụ nữ; hay chuyện các bình luận viên bóng đá Andy Gray và Richard Keys bị sa thải, v.v... cho thấy rõ xu hướng làm báo ăn theo các sự kiện giật gân, để thỏa mãn và thu hút sự tò mò từ khán thính giả/độc giả. Cantona có quyền nghĩ rằng những phản ứng đó là điên rồ và lố bịch, nhưng anh cũng chẳng thể một mình chống lại cả thế giới.
Nếu như Cantona không thể chạy trốn vào bóng râm trước sự soi mói của giới truyền thông thì ông thầy Ferguson khả kính của anh cũng “chạy trời không khỏi nắng”. Dù đã chai lì trước những lời chỉ trích, huấn luyện viên Ferguson vẫn không khỏi nhảy dựng lên trước những bài báo nhắm vào ông sau cú xông phi tai tiếng của Cantona. Nhiều phóng viên, nhà báo cố tỏ vẻ ta đây bằng cách rêu rao rằng, họ đã cảnh báo Ferguson về thói “ngựa chứng” của cầu thủ người Pháp nhưng ông lại không chịu tiếp thu dẫn đến việc mất kiểm soát trước Cantona. Họ khiến chiến lược gia người Scotland buộc phải tin rằng, đám người làm truyền thông đó chỉ là những kẻ đạo đức giả.
Dẫu sao, những câu chuyện từ Cantona và ông thầy Ferguson chỉ là một phía. Các tờ báo lá cải còn muốn kiếm tiền bằng cách khai thác thông tin từ một hướng khác. Thế nên cũng không quá khó hiểu khi tờ The Sun đã tìm đến cổ động viên Simmons và dụ dỗ anh ta bán thông tin cho họ với số tiền được đồn đoán vào khoảng từ 200 đến 800 nghìn bảng.
Dù báo cáo từ cảnh sát cho thấy Simmons chỉ bị bầm dập đôi chút sau cú kung-fu của Cantona và về cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tờ The Sun đã phóng đại lên gấp 11 lần. “Chiếc giày của Cantona đã xuyên thủng trái tim của tôi” là cái tít trang nhất giật gân dành cho bài phỏng vấn Simmons mà The Sun đã đăng tải.
“Tôi nhìn thấy gần như chỉ toàn tròng trắng trong mắt của anh ấy. Trong đó là cả một trời cuồng nộ.” Những trích lời của Simmons mà The Sun đăng tải đọc mượt không khác gì thơ. “Tôi xoay người lại và không thể tin vào những gì đang xảy ra: Tôi đã bị tấn công bởi một ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới. Hôm đó có tới gần 20 nghìn khán giả trên sân Selhurst Park để chứng kiến trận đấu và những gì lắng đọng lại trong họ có lẽ chỉ là vài giây đồng hồ - khoảnh khắc mà Cantona đã tung cú xông phi vào tôi.” Những lời tâm sự đầy chất thơ đó của Simmons thật trái ngược với những tiếng gào thét thô thiển trong thực tế: “Cút mẹ mày về Pháp đi, thằng con hoang giẻ rách!”
Câu chuyện của Simmons đã kết thúc không hề có hậu. Chẳng bao lâu sau, anh ta bắt đầu cảm thấy hối hận vì đã bán câu chuyện của mình cho tờ The Sun. Các fan cuồng của Manchester United không biết bằng cách nào đó đã lần ra được địa chỉ nhà riêng của Simmons và liên tục kéo đến gây rối. Quá sợ hãi, Simmons phải sang ăn nhờ ở đậu nhà mẹ đẻ. Sau đó, anh bị bạn bè và chính những người thân trong gia đình xa lánh.
Năm 2007, nghĩa là 12 năm sau cú xông phi ở Selhurst Park của Cantona, nhà báo Marc Beauge đã lần tìm đến nơi ở của Simmons. Nạn nhân của Cantona kể lại quãng thời gian nhuốm màu bi kịch sau đó của anh ta: “Tôi còn quá trẻ người non dạ và sau đó đã phải trả một cái giá quá đắt. Cantona được trở lại chơi bóng. Còn tôi bị mất việc làm và cuộc đời như bị dìm xuống bùn đen vạn kiếp không thể ngóc đầu lên.”
Bất chấp làn sóng chỉ trích từ giới truyền thông trong vụ việc của Cantona, có một điều thú vị bên cạnh những bài báo giật gân là sự cảm thông dành cho cầu thủ người Pháp sau khi những cái đầu đã bớt nóng. Dù tất cả đều công nhận hành động của Cantona ở Selhurst Park là không thể chấp nhận được và đáng bị trừng phạt, nhưng cũng có những câu hỏi được đặt ra liên quan đến cách hành xử thiếu chừng mực và tôn trọng với những nhân vật nổi tiếng.
Sự khiêu khích mà Simmons nhắm vào Cantona là rất đáng lên án. Nhiều nhà bình luận cho rằng, trong bóng đá, sự đối nghịch nhau là cần thiết, nhưng không vì thế mà một kẻ bỏ tiền mua vé vào sân có thể cho phép mình cái quyền được bài ngoại hay xúc phạm người khác.
Cựu tiền đạo nổi tiếng của Liverpool, Robbie Fowler sau này viết trong cuốn tự truyện của anh: “Khi Cantona đi qua đám đông và tung cú xông phi vào kẻ đã cố tình tạo nghiệp, tôi đã nghĩ giống như cách nghĩ của rất nhiều cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp khác: ‘Cậu làm tốt đó, Eric ạ!’” Sự ủng hộ của Fowler dành cho Cantona chứng tỏ vấn đề ở Selhurst Park đã vượt quá khuôn khổ của một trận đấu giữa hai đối thủ với nhau.
Andy Townsend, tiền vệ một thời của Aston Villa còn thẳng thắn hơn: “Tôi không cảm thấy một chút thương hại nào cho thằng khốn đó. Tôi dám cá là hắn ta đã vãi một số thứ ra quần sau cú ra đòn đó của Eric.” Rõ ràng, nhiều người ngoài cuộc đã ý thức được rằng, không phải hễ người nổi tiếng thì phải mặc định rằng mình bị đối xử như thế nào cũng im lặng chấp nhận. Tóm lại, lằn ranh giữa hành động tội lỗi và hành động “tử vì đạo” trong tình huống này là rất nhạt nhòa.
Trong giới truyền thông Anh, Richard Williams là một trong những nhà báo hiếm hoi dành sự ủng hộ cho Cantona. Ông viết trên tờ The Independent: “Thật là quá thiển cận khi chỉ nhìn vào một nạn nhân như Simmons để phán quyết Cantona. Cậu ấy chỉ nên bị kết tội nếu không chịu đòi lại lẽ công bằng từ gã cổ động viên mất dạy đó. Càng tìm hiểu sâu về Simmons, tôi càng thấy cú kung-fu của Cantona giống như là hành động thay trời hành đạo.”
Các bình luận viên nổi tiếng Danny Kelly và Danny Baker cũng đồng tình với quan điểm của nhà báo Williams. Trong chương trình 606 trên kênh Radio 5 của BBC, Kelly kêu gọi Manchester United nên lập tức tăng lương cho Cantona như là hình thức “thưởng nóng” cho cú xông phi vào Simmons, còn Baker thì nhẹ nhàng hơn với tuyên bố rằng, giới truyền thông và nhiều người làm bóng đá đã không đúng khi phản ứng thái quá trước cơn bột phát của Cantona.
Nhưng điển hình nhất trong số những người ngoài cuộc lên tiếng bảo vệ Cantona, thật ngạc nhiên lại là một chuyên gia dự đoán ngược đến từ Brazil, đó là “Vua bóng đá” Pele. Ở cương vị Bộ trưởng Thể thao của xứ sở Samba lúc đó, Pele phát biểu: “Eric Cantona dù sao cũng chỉ là một người trần mắt thịt, có hỉ, nộ, ái, ố. Đúng là cậu ấy đã phạm sai lầm, nhưng cách mọi người phản ứng với cậu ấy là điều tồi tệ nhất mà tôi từng thấy. Cantona đáng bị trừng phạt, nhưng không phải bằng cách bắt cậu ta biến mất khỏi làng túc cầu như những gì tôi đọc được trên rất nhiều tờ báo.”
Phản ứng của những người yêu mến Manchester United sau đó cũng khác xa với dự đoán. Nhận được “chỉ thị” từ huấn luyện viên Ferguson là câu lạc bộ phải bảo vệ ngôi sao của mình bằng mọi giá trong suốt thời gian Cantona thi hành án phạt, trong trận đấu của đội nhà ở Old Trafford (thắng Wrexham 5-2 tại vòng 3 FA Cup), cổ động viên của Manchester United trên sân giăng đầy băng rôn bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Cantona, thậm chí nhiều em bé còn vẽ lên mặt những thông điệp yêu thương gửi đến ngôi sao người Pháp. Bên ngoài sân vận động hôm đó, những kẻ cơ hội đã vớ bẫm bằng cách bán hàng ăn theo Cantona như áo đấu của anh, khăn quàng cổ và mũ với những thông điệp ủng hộ thần tượng. Không khí ở trong và ngoài Old Trafford hôm đó cứ như thể Cantona phải vắng mặt vì lý do sức khỏe chứ không phải vì bị cấm thi đấu.
Có một giai thoại về Cantona, ít nổi tiếng hơn so với cú kung-fu ở Selhurst Park và đã bị Manchester United tìm cách cho chìm xuồng, là chuyện diễn ra ở Guadeloupe, trong thời gian tiền đạo người Pháp đang bị cấm tham gia bóng đá.
Chuyện là sau khi Manchester United đến Paris để làm một bộ phim quảng cáo, lãnh đạo đội bóng nhận thấy rằng, sẽ là hợp lý hơn nếu để Cantona đi nghỉ ngơi ở một nơi xa, tránh hoàn toàn khỏi sự đeo bám dai như đỉa của giới truyền thông. Manchester United đã lên kế hoạch rất tỉ mỉ, nhưng kết quả lại không thành công như mong muốn.
Đài truyền hình ITN của Anh đã cử nhà báo Terry Lloyd sang tận Guadeloupe để cố gắng phỏng vấn độc quyền Cantona. Llyod đã tìm cách tiếp cận cầu thủ người Pháp khi anh đang ở cùng với vợ và con mình trong khách sạn. Cantona đã từ chối trả lời phỏng vấn và gọi nhân viên an ninh của khách sạn đuổi cổ Lloyd.
Sáng hôm sau, Lloyd vẫn bám theo Cantona ở bãi biển với một ê-kíp quay phim chụp ảnh hùng hậu. Họ bắt đầu ghi hình Cantona, cố hét to lên những câu hỏi hướng về cầu thủ người Pháp. Đó là cách tiếp cận rất không đàng hoàng, trong bối cảnh Cantona muốn chạy trốn thật xa giới truyền thông cùng với người vợ đang mang thai và rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý. Lloyd đã quá ngoan cố.
Cantona tất nhiên không nhẫn nhịn nổi. Anh vừa gọi lực lượng an ninh vừa xông đến ngăn cản đám người quay phim chụp ảnh. Trong tình huống đó, xô xát là khó tránh khỏi. Theo tường thuật sau đó của Lloyd, Cantona đã đá anh ta, gần giống như cách cầu thủ này đã tung cú xông phi vào cổ động viên Simmons của Crystal Palace. “Tao sẽ giết chết mày!”, Cantona đã hét lên dọa dẫm Lloyd.
Cảnh sát rốt cuộc cũng đã thu hồi lại băng ghi hình của ITN và trả lại cho Cantona. Chỉ khổ cho nhà báo Lloyd. Anh ta đã phải lê lết ra về trong tình trạng bị rạn xương sườn sau cú ra đòn của Cantona.
Dẫu hành động theo dõi và quay phim trái phép là gây tranh cãi, nhưng hành động bạo lực của Cantona cũng đáng phải đặt câu hỏi. May cho cầu thủ người Pháp là hành động đó xảy ra bên ngoài nước Anh. Nếu chuyện đó xảy ra ở nước Anh và bị giới truyền thông chĩa mũi vào, án phạt dành cho Cantona có thể bị tăng lên nặng hơn và sự nghiệp bóng đá của anh ở xứ sở sương mù có thể đã phải khép lại vĩnh viễn.
Trở lại với nước Anh, Manchester United vẫn phải loay hoay tìm cách vượt qua cơn bão tố do Cantona mang đến. Tỉ lệ cược cho khả năng giành chức vô địch Premier League của họ vào cuối mùa giải, trước và sau cú kung-fu của Cantona, đang từ 7/2 (đặt 2 ăn 7) giảm xuống thành 9/2. Giá cổ phiếu của Manchester United trên thị trường chứng khoán cũng tụt thê thảm.
Những đòn thù vẫn đang tiềm ẩn rình rập chờ Cantona trở lại với bóng đá và Manchester United luôn phải đặt mình trong trạng thái sẵn sàng “cứu hỏa”.
Những điều tồi tệ hơn rất nhiều vẫn đang chờ đội bóng thành phố Manchester ở phía trước.