C
ầu thủ và cổ động viên đã rất ngạc nhiên trước án phạt quá dài mà Manchester United dành cho Cantona. Nhưng nước cờ đó nằm trong toan tính của ban lãnh đạo câu lạc bộ. Giám đốc điều hành FA, ông Graham Kelly ban đầu phát biểu rằng, Cantona cần phải bị trừng phạt thật nặng để làm gương, nhưng chỉ một ngày sau vụ việc, ông lại “chuyền bóng” sang Manchester United để đội bóng thành phố Manchester phải đóng vai quan tòa. “Ngay từ đầu, tôi đã chỉ thị Manchester United phải làm thật quyết liệt và cho ra nhẽ chuyện của Cantona”, Kelly nói. “Chúng ta đều tự hiểu rằng Manchester United sẽ không ngồi yên. Họ sẽ xử lý vụ việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không chỉ để tốt cho câu lạc bộ mà cho lợi ích của cả nền thể thao nói chung.”
Cả huấn luyện viên Ferguson cùng hai sếp lớn Smith và Watkins của Manchester United đều tin chắc rằng, với việc chủ động treo giò Cantona đến hết mùa giải, họ có thể chặn đứng được một bản án có thể còn nghiệt ngã hơn dành cho Cantona từ FA. Sau này, trong cuốn tự truyện Managing My Life, Ferguson tiết lộ, giữa lãnh đạo FA với phía Manchester United đã có những cuộc điện thoại trao đổi trước khi quyết định án phạt với Cantona. Hai bên đi đến thống nhất sẽ nhìn nhau mà liệu việc. Thỏa thuận cuối cùng là: Chỉ cần Manchester United trừng phạt Cantona bằng một bản án thích đáng là đủ. FA sẽ căn cứ theo đó để đưa ra quãng thời gian kỷ luật cầu thủ người Pháp sao cho đồng bộ với quyết định của Manchester United.
Nhưng FA đã “lật kèo” vào phút chót. Cantona được triệu tập đến Sopwell House, gần St Albans. Anh bị chất vấn suốt hai giờ đồng hồ và được yêu cầu đưa ra lời giải thích rõ ràng về cú xông phi. Chủ tọa hôm đó có các ông Geoffrey Thompson, Chủ tịch Ian Stott của Oldham Athletic và Gordon McKeag - Chủ tịch Football League. Sau khi lắng nghe, họ tạm dừng vài giờ đồng hồ để quyết định số phận của cầu thủ người Pháp. Cuối cùng, họ đưa ra án phạt treo giò Cantona dài gấp đôi bản án mà Manchester United tuyên phạt ngôi sao của họ trước đó. Ngoài ra, Cantona còn phải nộp phạt 10 nghìn bảng Anh vì đã làm xấu hình ảnh của bóng đá.
Bản án của FA nêu rõ:
“Các thành viên hội đồng FA đi đến thống nhất rằng, hành vi bạo lực của Eric Cantona, sau khi bị thẻ đỏ trong trận đấu hôm 25/01 giữa Manchester United với Crystal Palace đã làm xấu đi hình ảnh fair-play của môn thể thao vua. Eric Cantona đã vi phạm nghiêm trọng điều lệ do FA ban hành.
Sau khi xem xét kỹ hành vi của Cantona cũng như những gì cầu thủ này đã phải chịu đựng vì những sự khiêu khích, dựa trên bản án mà đội bóng chủ quản Manchester United đã đưa ra với Cantona, và dựa trên sự ăn năn của bản thân cầu thủ trước hội đồng FA cũng như những lời xin lỗi thành khẩn, FA quyết định lập tức cấm Cantona tham gia mọi hoạt động bóng đá cho đến hết ngày 30/09/1995, kèm theo số tiền phạt 10 nghìn bảng Anh.”
Manchester United nói chung và Cantona nói riêng đều choáng váng trước án phạt của FA. Huấn luyện viên Ferguson hiểu rất rõ rằng, đội bóng không thể phản kháng trước án phạt bởi làm vậy chẳng khác nào hành động rũ bỏ trách nhiệm. Nhưng trong thâm tâm ông vẫn nghĩ rằng FA đã đưa ra một bản án quá nghiêm khắc, với chủ ý mang tính răn đe rất rõ ràng nhằm tránh phải chứng kiến những hành vi tương tự như cú kung-fu của Cantona.
Ferguson cũng đồng thời vạch trần trò đạo đức giả của các quan chức FA trong án phạt dành cho Cantona. Ông đề cập đến một bài báo trên tờ The Guardian kể về một cầu thủ thi đấu ở một giải “cỏ” của Anh đã nhảy vào giữa đám đông và đấm vỡ hàm của một cổ động viên. Anh ta chỉ bị FA phạt treo giò 2 tuần. Huấn luyện viên người Scotland cho rằng trong vụ việc lần này, sự nổi tiếng của Cantona đã khiến anh phải trả một giá rất đắt.
Những gì sau đó lẽ ra còn tồi tệ hơn nữa với Cantona. Kelly tiếp tục tuyên bố rằng, một án phạt cấm cầu thủ người Pháp thi đấu suốt đời đang được FA xem xét. Tuy nhiên, ý định này sau đó đã phải chìm xuống, một phần do dư luận bảo vệ Cantona với lập luận: Tuổi nghề của một cầu thủ bóng đá là rất ngắn và do vậy lệnh cấm thi đấu vĩnh viễn là không công bằng với Cantona, nếu không muốn nói là đi ngược với nhân quyền.
Bên cạnh những lời giải thích trước án phạt nặng dành cho Cantona, có hai lý do khiến cầu thủ người Pháp cảm nhận rõ sức mạnh quyền lực của FA. Bởi án phạt đó lôi cả Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) vào cuộc. Cantona đã bị tước băng đội trưởng đội tuyển quốc gia một cách phũ phàng. FFF rõ ràng không còn dám tin tưởng vào Cantona và ngược lại anh cũng vậy. Cantona không giấu giếm sự khinh miệt dành cho những kẻ suốt ngày chỉ biết mặc complet ngồi phán chuyện thượng tầng của bóng đá. Thái độ đó càng khiến những kẻ không ưa Cantona có thêm cớ để “trảm” anh một cách không thương tiếc.
Có lẽ chúng ta cũng cần phải nhìn lại xem bóng đá Anh đang đứng ở vị thế nào ở giữa những năm 1990. Premier League ra đời là dựa trên đồng tâm hiệp lực của các đội bóng có máu mặt tại Anh nhằm ăn chia lợi ích càng nhiều càng tốt. FA đã được hưởng lợi từ sự nâng tầm từ giải Division One lên thành Premier League.
Bóng đá Anh đã phải trải qua một cơn bĩ cực trong những năm 1980: Nạn hooligan có tổ chức trong bóng đá xứ sở sương mù, điển hình là thảm họa Heysel năm 1985 đã khiến các đội bóng hàng đầu của họ bị cấm thi đấu ở đấu trường châu lục trong suốt 5 năm. Các cổ động viên chân chính do vậy cũng bị chính quyền và cảnh sát nước này đánh đồng với các hooligan. Điều đó vô hình trung đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin của người hâm mộ đối với FA nói riêng và chính quyền nói chung.
Trong tình thế đó, FA luôn sẵn sàng “dìm xuống bùn đen” bất kỳ điều gì tồi tệ mà họ coi là “di sản cũ” của Division One. Các quan chức FA luôn bày tỏ quan điểm rằng, bình minh của Premier League phải thật xán lạn, lung linh, và không bạo lực.
Thế nên, cú kung-fu của Cantona đã khiến những người làm bóng đá Anh bị sốc nặng. FA lo sợ rằng, hành động bạo lực đó có thể sẽ biến thành nguồn cơn kéo theo nạn bạo lực quay trở lại hoành hành trên các sân cỏ. Do vậy, việc họ đưa ra án phạt nặng mang tính răn đe, cảnh cáo đối với Cantona là hoàn toàn dễ hiểu. Cantona cần biết rằng, anh chỉ là một trường hợp không may mắn, bị FA mang ra xử để “lấy le”. Cầu thủ người Pháp không nên quá ngạc nhiên và sốc trước án phạt đó.
Sau này, cú đá của Cantona đã được một đàn em tái diễn lại. Tháng 11/2017, hậu vệ Patrice Evra của Marseille đã tung thẳng một cú đá vào đầu của một cổ động viên trong trận đấu giữa đội nhà với Vitoria de Guimaraes ở Europa League. Cũng giống như trường hợp của Cantona hơn 20 năm về trước, Evra cũng bị bài ngoại. Cú ra đòn của cầu thủ khoác áo Marseille cũng na ná với cú kung-fu của Cantona. Khác biệt duy nhất là Cantona đã tung ra một series đòn không trượt phát nào, còn Evra chỉ kịp tung ra một cước trước khi bị lôi cổ đi.
Marseille đã lập tức hủy hợp đồng với Evra, dù khi công bố với giới truyền thông họ cố nói giảm đi rằng cựu tuyển thủ Pháp ra đi với sự đồng thuận của hai bên. Đáng chú ý, UEFA chỉ phạt Evra 7 tháng treo giò trong phạm vi ở châu Âu. Đó rõ ràng không phải là một án phạt nặng nếu so với những gì Cantona đã phải nhận.
Huấn luyện viên Ferguson đã rất tức giận với phán quyết của FA. Ông từ chối mọi sự kiện, mọi cuộc gặp gỡ, họp báo của FA sau đó, mà thường nhường cho ông Watkins đi đại diện. Nếu như ông Watkins tỏ thái độ khá thận trọng trước giới truyền thông khi chỉ đưa ra nhận xét đại khái rằng: “Án phạt dành cho Cantona là hơi nghiêm khắc”, thì Ferguson lại hoàn toàn trái ngược.
Ba tuần sau đó, huấn luyện viên Ferguson bày tỏ quan điểm: “Tôi cho rằng, sẽ không có cầu thủ nào trong lịch sử bóng đá lại phải nhận một án phạt nặng đến như vậy, trừ khi anh ta làm thịt con chó của Bert Millichip (Millichip sau này đã được bầu làm chủ tịch mới của FA).” Nhà cầm quân người Scotland đã mỉa mai rằng: “Khi ai đó đang làm tốt công việc của mình, chúng ta cần phải hạ gục họ.” Cũng không quá khó hiểu tại sao ông Ferguson lại khó nuốt trôi cục tức đến vậy.
Hành trình khổ ải của Cantona không phải kết thúc ở Sopwell House. Anh vẫn còn những rắc rối với tòa án cần phải giải quyết. Vào ngày 23/03, Cantona cùng đồng đội Ince được đưa tới tòa án Croydon Magistrate để đối chất. Phiên tòa giống như một trò hề. Lực lượng an ninh được huy động rầm rộ để bảo vệ hai ngôi sao của Manchester United. Giới truyền thông xúm đông xúm đỏ trước cổng phiên tòa để chào đón họ như là những người hùng. Bên trong phiên tòa, có tới 10 cảnh sát được bố trí khắp nơi - đúng là một sự lãng phí nhân lực khủng khiếp! Trong cuốn The Red and the Black, cây bút Ian Ridley chỉ ra rằng, ở cùng thời điểm, cùng một phiên tòa như thế, ngay cả khi xét xử một tên sát nhân, người ta cũng chỉ cần tối đa 6 cảnh sát.
Ince kiên quyết không nhận tội và sau đó anh đã được tha bổng. Tòa án không tìm ra lý do chính đáng để kết tội tiền vệ của Manchester United. Nhưng Cantona thì trái lại. Anh bị tuyên phạt 14 ngày phải ngồi “bóc lịch” tại nhà tù HM High Down ở Surrey. Mỉa mai thay, trong ngày huấn luyện viên Ferguson được nữ hoàng Anh trao tặng huân chương đế chế ở điện Buckingham thì cậu học trò cưng của ông lại bị tống cổ vào tù.
Trong phiên tòa xử Cantona, chủ tọa Jean Pearch kết luận: “Bị cáo là một người nổi tiếng, luôn được dư luận chú ý. Một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ luôn xem bị cáo là tấm gương. Và rõ ràng bị cáo đã nêu một tấm gương xấu. Vì lý do đó, bị cáo đáng phải bị tống giam 2 tuần để có thời gian nhìn lại bản thân.”
Luật sư của Cantona lập tức yêu cầu được kháng án, sau khi đề nghị nộp tiền bảo lãnh cho Cantona được tại ngoại bị tòa bác bỏ. Chân sút người Pháp phải ngồi 3 giờ đồng hồ trong nhà tù cho đến khi luật sư thuyết phục được tòa cho Cantona nộp phạt 500 bảng để được tại ngoại trong thời gian chờ kháng cáo.
Bản án mà tòa dành cho Cantona thực sự là quá nghiệt ngã. Nếu xét trên phương diện những vụ hành hung thông thường kiểu như thế ở Anh lúc bấy giờ, không quá 4% số vụ kết thúc bằng con đường thẳng tới nhà tù. Nếu đúng là Cantona đã bị cổ động viên Simmons lăng mạ (hành vi cũng đáng bị pháp luật xử lý nghiêm) và anh ta chỉ bị thâm tím mình mẩy đôi chút sau cú kung-fu của Cantona, thì ngôi sao người Pháp đáng nằm trong số 96% được cho phép tại ngoại.
Trên chương trình Newsnight của BBC, luật sư nổi tiếng Michael Mansfield thẳng thắn chỉ ra rằng, tòa án đã bất công với Cantona. Ông còn dẫn chứng về trường hợp ba lính nhảy dù của Anh vừa bị kết tội tấn công người khác một cách vô cớ, nhưng chỉ bị tòa án phạt bằng hình thức lao động công ích.
Tuy vậy, những người làm quản lý bóng đá lại đồng tình với cách xử của tòa án. Giám đốc PFA Taylor khẳng định rằng, Cantona bị phạt nặng không hẳn bởi hành vi của anh mà bởi anh là một người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn tới giới trẻ. Ông cho rằng, những lời mà chủ tọa Pearch kết luận về Cantona trước tòa là “chuẩn không cần chỉnh”. Nhưng một câu hỏi đặt ra là: Nếu như Cantona phải chịu trách nhiệm vì sự nổi tiếng của anh ta bằng một bản án nghiêm khắc hơn những người bình thường khác, thì liệu anh và các ngôi sao bóng đá khác có nên nhận được sự bảo vệ của pháp luật trước những lời lẽ lăng mạ hay hành vi khiêu khích từ những kẻ như Simmons?
Một bầu không khí vô cùng ảm đạm đã bao phủ Old Trafford sau bản án mà Cantona phải nhận. Đội trưởng Bruce đã phải dùng đến cụm từ “hoàn toàn suy sụp” để miêu tả cảm giác của mình, đồng thời buộc tội tòa án đã biến Cantona thành hình nhân thế mạng cho những thứ xấu xa đang tồn tại trong bóng đá. Bruce không tin vào khả năng Cantona sẽ kháng án thành công. Còn đồng đội Lee Sharpe lại bày tỏ sự quan ngại về tinh thần của Cantona: “Tôi chỉ thấy lo lắng không biết Cantona có đủ nghị lực để chịu đựng được hay không.” Còn giám đốc điều hành Martin Edwards của Manchester United lại chơi “bài ngửa” với FA bằng tuyên bố đội bóng sẽ sớm áp dụng những chính sách bảo vệ cầu thủ để giúp họ tránh đi vào vết xe đổ như trường hợp của Cantona với FA.
“Nếu biết trước tòa án và FA trừng phạt Cantona nặng đến như vậy, chúng tôi sẽ không đưa ra án treo giò quá nghiêm khắc dành cho cậu ấy”, Edward phát biểu. “Chúng tôi đã rất nghiêm túc khi đưa ra lệnh cấm cậu ấy thi đấu đến hết mùa giải. Chúng tôi cho rằng câu lạc bộ đã xử cậu ấy ở mức nặng nhất có thể. Nhưng FA sau đó lại biến chúng tôi thành trò cười khi quyết định xử lý mạnh tay hơn. Và bây giờ là thêm một bản án nghiệt ngã nữa, cho một hành vi phạm tội duy nhất.”
Trong trường hợp này, ông Edwards có lẽ đã có một chút nhầm lẫn, thay vì phần nào hiểu được vấn đề như một bộ phận không nhỏ những người thuộc phe Manchester United. Trong trường hợp của Cantona, giám đốc điều hành của Manchester United không hiểu được rằng, án phạt trong thể thao và án phạt của tòa án là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt. Cách suy luận rằng tòa án cần phải xem xét án phạt mà cầu thủ người Pháp đã phải nhận từ câu lạc bộ và FA để đối chiếu khi xét xử là rất nông cạn.
Phản ứng khách quan nhất trước án phạt mà tòa án đưa ra đến từ cổ động viên Kathy Churchman của Crystal Palace, người đã đứng ngay cạnh Simmons khi anh này bị Cantona cho ăn đòn ở Selhurst Park: “Khi nghe tin Cantona phải ngồi tù, tôi chỉ biết thảng thốt hét lên: ‘Thật không thể tin nổi!’ Tôi cho rằng, anh ta đáng bị trừng phạt vì cú kung-fu đó, nhưng chỉ nên là một án treo giò, chứ không phải là một án tù.”
Cantona có 8 ngày để kháng án. Tại phiên điều trần ngày 31/03, luật sư David Poole của chân sút người Pháp nhấn mạnh nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, nhấn mạnh cả về sự ăn năn, hối hận của Cantona. Việc ngôi sao của Manchester United bị kết án tù làm dấy lên làn sóng phản đối. Người ta đặt ra câu hỏi: Liệu những người nổi tiếng còn phải nín nhịn, chịu đựng những hành vi khiêu khích, lăng mạ đến khi nào trong khi họ không được bảo vệ và không có quyền được phản ứng?
Poole thừa nhận rằng, Cantona đáng bị trừng phạt và việc anh bị cấm thi đấu cho Manchester United trong một thời gian dài đã đủ để cầu thủ người Pháp có thời gian nhìn nhận lại bản thân. Luật sư này cho rằng một án treo giò như thế là nhân văn, có tính giáo dục thậm chí còn cao hơn là tống Cantona vào tù. Poole cũng khoét sâu vào các dữ liệu thống kê liên quan đến những bản án khác, dành cho những hành vi tương tự như của Cantona, để chứng minh rằng tòa án đã có sự phân biệt đối xử chỉ vì thân chủ của ông là người nổi tiếng. Poole chốt lại một cách đanh thép rằng, ông cảm thấy tòa án đã đi ngược lại với chính phương châm mà hệ thống tư pháp Anh luôn đề cao: Trước tòa, tất cả mọi người đều cần phải được đối xử bình đẳng và công bằng.
Lần này, những lời biện hộ của luật sư Poole đã được lắng nghe bởi những cái tai biết tiếp thu. Có lẽ quá ngạc nhiên trước những phản ứng với án phạt ban đầu dành cho Cantona, thẩm phán Ian Davies đã rất tập trung nghe và có những lời cảm thông, chia sẻ. Bầu không khí phiên điều trần khác hẳn sự ngột ngạt, áp đặt của chủ tọa Pearch trong phiên tòa trước đó.
“Chúng tôi cho rằng, Cantona đã hành động theo bản năng”, Davies nói. “Đừng nói với anh ta về Guadeloupe. Chúng tôi cho rằng, Cantona đã không hành động như thế nếu không bị đả kích quá nặng nề trước những hành động khiêu khích nhắm vào cậu ấy.” Án phạt tù Cantona cuối cùng đã bị hủy và được thay thế bằng 120 giờ lao động công ích.
Khi Cantona rời khỏi tòa sau phiên điều trần thành công, các phóng viên, nhà báo vây quanh anh, máy ảnh, camera đua nhau chĩa về phía cầu thủ người Pháp để phỏng vấn. Trong khung cảnh lộn xộn đó, một đám cổ động viên quá khích của Crystal Palace đồng thanh hét lớn: “Thằng cặn bã người Pháp. Cút cha mày về Pháp đi!” Đó là bằng chứng cho thấy, Cantona luôn bị khiêu khích đến cực độ, ngay cả khi anh đứng trước cánh cổng của cơ quan thực thi pháp lý.
Nếu kháng án bất thành, Cantona sẽ phải vào tù. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh ấy sẽ sớm phải rời khỏi nước Anh. “Chúng tôi đứng chết lặng, sốc toàn tập trước phán quyết ban đầu của tòa án. Cá nhân tôi cho rằng, nhiều người đã cố tìm cách khiến Cantona cảm thấy chán ghét và tìm cách rời khỏi nước Anh”, luật sư Jean-Jacques Amorfini của Cantona tâm sự sau khi rời phiên tòa đầu tiên do thẩm phán Pearch làm chủ tọa.
Cánh phóng viên thể thao ở Anh dù chẳng rõ đầu cua tai nheo cho lắm, nhưng sau vụ việc, họ biết chắc là Cantona khó tìm được một ngôi nhà mới nào tuyệt vời như Manchester United. “Rõ ràng ông Ferguson đang trông chờ Cantona sẽ sớm tìm lại nhiệt huyết với bóng đá Anh, giống như trước khi anh ta vướng vào những rắc rối với pháp luật nơi này”, David Lacey viết trên tờ The Guardian. Thực tế là cầu thủ người Pháp cũng chẳng có nhiều sự lựa chọn để ra đi. Bởi sau tai tiếng ở Selhurst Park, dù anh đi đâu cũng rất rủi ro.
Sau vụ việc, luật sư Amorfini của Cantona bất ngờ lại quay sang chỉ trích Manchester United: “Chúng tôi thực sự sốc nặng khi biết rằng, luật sư mà Manchester United thuê để bảo vệ quyền lợi cho Cantona lại khuyên cậu ấy nhận tội để mong chờ vào sự khoan dung của tòa án.”
Trong vụ việc này, chỉ có một người chẳng bao giờ lên tiếng. Đó chính là Cantona. Anh đã sử dụng quyền im lặng trước tòa, trước giới truyền thông. Anh không tham dự bất kỳ buổi họp báo nào của Manchester United hay FA sau cú kung-fu ở Selhurst Park, mà chỉ trao đổi trực tiếp với luật sư của mình. Cách làm đó của Cantona rõ ràng rất có tác dụng và gây sự chú ý thậm chí chẳng kém những gì cầu thủ người Pháp đã làm đối với cổ động viên Simmons.