E
ric Cantona chẳng bao giờ đưa ra một lời xin lỗi dù là muộn màng cho hành động của anh ở Selhurst Park. Thường thì phát ngôn viên của Manchester United là người đưa ra những phát ngôn thay cầu thủ người Pháp. Còn bản thân anh chỉ im lặng, mặc kệ những chiếc camera hay máy ảnh chĩa vào mặt anh cùng những ánh đèn flash khó chịu. Luật sư của Cantona luôn khẳng định trước tòa rằng, Cantona cảm thấy vô cùng hối hận. Nhưng đó không phải là những lời nói xuất phát từ miệng của ngôi sao người Pháp. Điều đó khiến những người theo chủ nghĩa hoài nghi hiểu theo một cách khác: Tất cả những lời biện hộ tốt đẹp trước tòa chỉ là chiến lược để giúp Cantona được giảm nhẹ hình phạt.
Thực ra, cũng có một lần Cantona đã nói hai tiếng “xin lỗi”. Đó là khi anh tham dự một sự kiện quảng cáo của tập đoàn sản xuất dụng cụ thể thao Nike, ít ngày trước khi tái xuất sân cỏ. Nhưng chẳng phải vì cú kung-fu ở Selhurst Park.
“Xin chào các bạn”, Cantona nói, mặt hướng thẳng về phía camera với cái nheo mắt đầy tinh quái. “Tôi muốn nói lời xin lỗi. Tôi đã phạm một vài sai lầm không thể tha thứ. Năm ngoái, trong chiến thắng 5-0 của đội nhà ở trận Derby thành Manchester, tôi chỉ ghi được 1 bàn vào lưới của Manchester City. Tôi xin lỗi vì ở trận đấu với Newcastle, tôi đã dứt điểm chệch cột dọc ở cự ly cách khung thành của đối phương vài mét. Và tôi cũng xin lỗi vì ở Wembley, tôi đã không thể lập được một hat-trick. Tôi tự nhận thấy rằng đó là những điều không thể chấp nhận được và tôi hứa sẽ không tái phạm. Xin cảm ơn các bạn!”
Phải nhấn mạnh rằng, Cantona lúc đó vẫn đang trong thời gian bị kỷ luật. Vì thế, những lời nói cho thấy biểu hiện không hề hối hận của anh về vụ việc xảy ra ở Selhurst Park. FA hoàn toàn có thể hiểu theo hướng tiêu cực và gây khó khăn cho anh. Chưa kể, việc Cantona vẫn tranh thủ kiếm bộn tiền trong thời gian phải thi hành án phạt là rất phản cảm.
“Chúng tôi nói không với bạo lực ở mọi môn thể thao”, ông Simon Taylor - giám đốc marketing của Nike phát biểu. “Eric đã nhận ra sai lầm của mình và chúng tôi không tìm cách vỗ về, an ủi cậu ấy.” Nhưng lời nói đôi khi lại không đi cùng với việc làm. Nike đã rất vui mừng khi được công khai “sở hữu” Cantona miễn phí và khuếch trương hình ảnh của họ thông qua cả sự nổi tiếng lẫn tai tiếng của cầu thủ người Pháp. Cantona sau đó có đưa ra thêm một vài lời giải thích về cú kung-fu của mình, nhưng chỉ để khẳng định rằng anh sẽ không lặp lại scandal đó.
“Đã từng có thời điểm, tôi thường xuyên đánh mất mình vì sự nóng giận. Đã từng có thời điểm, tôi luôn thấy cần phải đứng ngay dậy để phản ứng về một điều gì đó khiến tôi cảm thấy không hài lòng”, Cantona chia sẻ. “Tôi đã từng thấy tự hào khi dám một mình đứng dậy để chống lại những bất công. Nhưng giờ đây, tôi đã bớt sân si. Tôi đã biết cách tự giải thoát mình khỏi những cơn nóng giận bất thường, để tâm hồn được an nhiên hơn.”
Thật tuyệt vời khi Cantona có thể lái được vụ việc ở Selhurst Park theo chiều hướng như vậy. Rõ ràng anh đã loại bỏ được những rắc rối quanh vụ tấn công Simmons một cách ngoạn mục, theo một cách rất riêng. Ngôi sao người Pháp coi mình như một người được Chúa trời phái xuống để đòi lại công lý từ Simmons. Cantona có hứa là sẽ không tái diễn hành vi bạo lực như ở Selhurst Park. Nhưng có lẽ không phải vì anh cảm thấy ăn năn, hối hận. Cách nói của anh giống như là tự rút kinh nghiệm cho bản thân hơn là để làm hài lòng người khác.
Diễn biến tâm lý và hành vi của Cantona đúng là rất thú vị. Anh nói về sự kiềm chế và lựa chọn một cách thật đơn giản: “Tôi cam đoan không tái phạm là bởi vì tôi không muốn làm như thế. Và một khi tôi đã không muốn làm thì chẳng ai bắt tôi làm được.” Trong trường hợp này, ở một chừng mực nào đó, Cantona chỉ xem cú kung-fu vào Simmons như một hành động “xả stress”. Tất nhiên, như mọi người đã biết, anh đã phải lĩnh đủ hậu quả.
Trong cuốn tự truyện Red, hậu vệ Gary Neville đã có sự so sánh về cá tính của cầu thủ người Pháp với đồng đội Roy Keane ở Manchester United: “Giống như Keano, những gì các bạn nhìn thấy trong cách thể hiện cũng chính là con người thật của anh ấy. Cả hai đều giống như những ngọn núi lửa đang phun trào, cho dù họ là cầu thủ bóng đá hay là một anh thợ điện cũng vẫn vậy thôi. Tôi biết có một số người có khả năng nhẫn nhịn đếm từ 1 đến 10 để tự kiềm chế bản thân khi bị ai đó làm tổn thương. Nhưng Roy và Eric không có khả năng đó. Họ không thể hít thở sâu để nuốt cục tức vào bên trong. Họ phản ứng theo bản năng, giống như cách núi lửa tự phun trào vậy.”
Cái nhìn của Neville về Cantona không hẳn hoàn toàn chính xác. Thực tế, chẳng hề tồn tại cái gọi là hành động bản năng thay vì kiểm soát có chủ ý của cầu thủ người Pháp ở Selhurst Park. Cantona tấn công Simmons không phải để đòi lại sự công bằng. Nói như cách của giới trẻ bây giờ, đơn giản là “mình thích thì mình làm thôi”.
Đáng nói là huấn luyện viên Ferguson lại có cùng quan điểm với Neville. Ông cho rằng, những cơn bùng phát của Cantona không hề có chủ ý mà xuất phát từ những khoảnh khắc tê liệt thần kinh. Có thể thấy rõ sự bất đồng quan điểm giữa Cantona với đồng đội của anh và dĩ nhiên với cả ông thầy Ferguson.
Cantona vẫn kiên trì giữ thái độ im lặng một cách có chủ đích trong vụ việc ở Selhurst Park, cho đến khi anh có cơ hội được giải quyết dứt điểm một lần trước truyền thông và dư luận sau phán quyết cuối cùng của tòa án. Một cuộc họp báo đã được bố trí vội vã ở khách sạn Croydon Park, nơi mà Cantona đã nghỉ ngơi một ngày trước khi diễn ra phiên điều trần.
Các nhà báo tham dự đã rất chờ đợi một lời giải thích thấu tình đạt lý. Họ hy vọng Cantona sẽ nói cảm nhận của anh về kết quả của phiên điều trần, sẽ phải công khai thừa nhận sai lầm để rồi sau đó khép lại tất cả mà tập trung cho màn tái xuất sân cỏ. Họ nghĩ rằng anh sẽ phải cảm ơn tòa án, cảm ơn Manchester United, cảm ơn cổ động viên của đội nhà đã hết lòng ủng hộ anh từ khi gia nhập Old Trafford cho tới khi xảy ra sự cố tại Selhurst Park. Và nếu như còn một chút gợn nào, thì họ nghĩ rằng đó chỉ có thể là những lời bình luận của Cantona về khả năng chịu đựng của những cầu thủ đã trở thành nạn nhân của sự kỳ thị, phân biệt đối xử, thậm chí là xúc phạm danh dự từ cổ động viên của đối phương.
Sự chờ đợi và hy vọng đó của giới truyền thông Anh đã được Cantona đáp lại bằng một gáo nước lạnh: “Khi những con hải âu bám theo tàu cá...”, Cantona bắt đầu cuộc nói chuyện bằng một câu lửng lơ, sau đó cố ý dừng lại, nhấp một ngụm nước rồi mới tiếp, “là bởi vì chúng đánh hơi được những con cá mòi quyến rũ chuẩn bị được các thủy thủ ném xuống biển.”
Cantona đứng dậy nói lời cảm ơn giới truyền thông vì đã dành thời gian quan tâm đến anh rồi lập tức rời khỏi phòng họp báo. Hình bóng của Cantona mờ dần theo những ánh đèn flash và chìm khuất trong những tiếng cười sảng khoái của cầu thủ người Pháp khi anh thẳng thừng từ chối những câu hỏi của phóng viên. Cantona rút lui vội vã, bỏ lại các quan chức của Manchester United ngẩn ngơ giữa phòng họp báo.
“Thật là những lời nói hồ đồ”, Maurice Watkins bực dọc nói sau khi Cantona khuất bóng. “Cậu ấy không muốn có mặt ở đây và gặp mặt mọi người để nghe và trả lời những câu hỏi. Bởi có lẽ cậu ấy đã ngán đến tận cổ họng rồi. Cá nhân tôi nghĩ rằng, Eric vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng thần kinh tột độ.”
Watkins đã diễn hơi sâu. Thực ra ông biết rất rõ kế hoạch trả lời họp báo của Cantona. Bởi hai người đã có sự thảo luận từ trước về cách ngôi sao người Pháp sẽ trả lời trước giới truyền thông, trong đó Ned Kelly còn mớm từng lời cho Cantona trước khi anh bước vào phòng họp báo. Trong cuốn The Red and the Black, Ian Ridley thậm chí đã trích dẫn một đoạn trao đổi giữa Cantona với Watkins. Trong đó, Cantona được ngài giám đốc đáng kính của Manchester United nắn chỉnh từng câu, từng lời chẳng khác gì dạy từ vựng tiếng Anh cho anh.
“Gì cơ?”, Cantona hỏi Watkins. “Có phải người Anh gọi chúng là những con chim biển? Ý ông nói là chim hải âu phải không?” “Đúng vậy!”, Watkins đáp lại. “Và con tàu mà ông đề cập là tàu đánh bắt cá nhỉ?”, Cantona hỏi tiếp. “Tàu cá, có lẽ vậy”, Watkins trả lời. “Và loại cá được dùng là loại nào?” Lần này, Watkins nghĩ hơi lâu trước khi bật ra từ “sardines” - cá mòi.
Giới truyền thông Anh đã có những phản ứng kích động trước cách trả lời họp báo của Cantona. Trên tờ Daily Telegraph, phóng viên Ben Fenton mỉa mai: “Cantona đã chạy trốn khỏi cuộc nói chuyện về việc anh ta thoát khỏi cảnh tù tội bằng một bài diễn thuyết sống động về nghề đánh bắt cá.” Phóng viên Mohn Mullin của tờ The Guardian thì giật tít: “Diễn giả nghề cá, diễn giải tội tù”, trong đó ông chỉ ra rằng: “Chúng tôi muốn được nghe một lời giải thích rõ ràng, nhưng chẳng nhận được gì cả.” Còn tờ báo lá cải The Sun lại đặt vấn đề về thần kinh của Cantona: “Ooh-aah, Cantona mới điên khùng làm sao!”
Phóng viên được cho là có cái nhìn sâu sắc nhất về buổi họp báo là Simon Midgley của tờ The Independent: “Liệu có phải chúng ta là những con hải âu, còn anh ta là một con cá mòi? Cantona có ý gì nhỉ?”
Tờ Daily Mail đã mời chuyên gia tâm lý, tiến sĩ Raj Persaud về để phân tích những câu nói của Cantona trong buổi họp báo. Persaud cho rằng, cầu thủ người Pháp bắt giới truyền thông phải đoán già đoán non để thể hiện rằng anh ta siêu việt hơn tất cả. Theo đó, Cantona muốn tạo ra một bầu không khí huyền hoặc, để câu nói của mình giống như một “câu sấm”, khiến người nghe bị kích thích trí tò mò.
Sau cùng, hầu hết đều tán đồng cách suy diễn mà phóng viên Simon Midgley của tờ The Independent đã đưa ra. Cantona đã dùng phép ẩn dụ trong câu nói của mình. Họ diễn giải rằng: Từ “sardines - cá mòi” ở đây phải hiểu là những thông tin hấp dẫn liên quan đến cú kung-fu của Cantona. Còn từ “trawler - tàu cá” là chỉ ngôi sao của Manchester United. Theo suy diễn logic đó, từ “seagull - chim hải âu” phải hiểu chính là giới truyền thông Anh.
Đó là cách suy diễn rất thú vị. Nếu suy rộng hơn nữa, chúng ta có thể hiểu rằng, Cantona đã trách móc giới truyền thông Anh trong buổi họp báo. Chính xác hơn là anh đã chỉ trích các phóng viên, nhà báo chỉ biết khai thác những thông tin theo kiểu ăn xổi khiến người ta phát chán, thay vì đào sâu tìm tòi để có được những câu chuyện mang tính nhân văn. Điều này cũng cho thấy tại sao Cantona luôn dị ứng với các paparazzi chuyên khai thác chuyện đời tư của những người nổi tiếng. Trong cuốn Cantona on Cantona, anh thừa nhận rằng giới truyền thông đóng một vai trò tối quan trọng trong việc kết nối các cổ động viên với bóng đá, nhưng đáng tiếc họ lại để quyền lực đó vuột khỏi tầm tay của mình.
“Tôi không muốn nói rằng tôi là nạn nhân của giới truyền thông. Nhưng tôi đã phải trải qua những giai đoạn khổ sở vì họ”, Cantona kể lại trong cuốn hồi ký của mình. “Nhưng giới truyền thông càng cố tìm cách đào bới, khai thác thông tin về tôi, số người hâm mộ tôi lại càng tăng. Khi các phóng viên, nhà báo tấn công tôi, bộ mặt thật của họ đã lộ rõ.”
Có một nhà báo đã chấp nhận cách giải thích đó thay vì cố tranh cãi bằng cách vin vào những điều cao xa kiểu triết học nửa vời. Đó là cây viết Patrick Barclay. Ông viết trên tờ The Observer để bảo vệ giới truyền thông trước những lời châm chọc của Cantona: “Cantona đã mỉa mai chúng ta khi nói về những chú hải âu bám theo tàu cá để chờ ăn những chú cá mòi mà người ta ném ra. Anh ta đã cố tình lờ đi một điều rằng, chính nhờ đóng góp không nhỏ của giới truyền thông, anh ta mới có nhiều cơ hội kiếm tiền và trở nên giàu có, có thừa tiền để mua những bộ quần áo đắt đỏ mà anh ta đã diện khi ra hầu tòa.”
Một giả thiết thứ hai là những lời của Cantona trong buổi họp báo chẳng có ý nhắm vào ai hết. Bởi trước khi phát biểu, cầu thủ này đã thảo luận rất kỹ với hai sếp Kelly và Watkins. Có thể đó chỉ là những lời buột miệng của Cantona, chúng chẳng có ý nghĩa gì hết.
“Hàng trăm nhà báo đã đổ đến buổi họp báo hôm đó”, Cantona nhớ lại trong một cuộc trả lời phỏng vấn vài năm sau đó. “Họ cố tỏ ra thật nghiêm túc. Nhưng tôi chẳng bao giờ nghĩ họ nghiêm túc về bóng đá. Luật sư của tôi khi ấy đã nhắc nhở: ‘Họ đang chờ anh giải thích thêm một điều gì đó.’ Tôi trả lời dứt khoát là ‘Không’, rồi đi thẳng về nhà.”
“Tôi phải thú thực rằng, lúc đó tôi cũng chẳng biết mình đã nói gì trong buổi họp báo, đó hoàn toàn là những lời vô nghĩa do tôi buộc phải ứng biến trước mọi người. Nhưng sau đó tôi thấy mọi người để ý đến câu nói đó quá, phân tích nó nhiều quá khiến tôi cảm thấy có gì đó hay hay. Tôi chỉ có thể giải thích rằng câu nói đó cũng vu vơ kiểu như câu: ‘Tôi thích những cái rèm cửa kia, dù nó có màu hồng’.”
Mà có khi lúc ấy, giới truyền thông lại đâm đầu vào tranh luận xem “pink curtains - những cái rèm cửa màu hồng” có dụng ý ám chỉ điều gì. Rồi họ sẽ lại suy đoán, liệu có phải Cantona có ý nói rằng có những thứ bạn không thích, nhưng bạn cần phải học cách yêu nó, chỉ đơn giản vì nó chẳng giống bất kỳ điều gì khác. Hay họ lại đưa ra giả thuyết khác rằng, ý của Cantona là những chiếc rèm cửa tuy không có tính thẩm mỹ, nhưng lại có lợi ích không nhỏ, giúp che nắng, che chắn ánh sáng. Cũng có thể, có người sẽ cho rằng tất cả những suy đoán trên đều không chính xác. Đơn giản là Cantona muốn nói rằng bất kỳ cái gì, dù xấu hay đẹp, đều có những chức năng sử dụng riêng của nó.
Có lẽ mọi người cũng đã hiểu ra được điểm mấu chốt của vấn đề. Việc Cantona nói gì, dù những lời nói có ẩn ý nhắm đến ai hay chỉ là những lời vô nghĩa, thì tất cả đều không quan trọng. Vấn đề nằm ở chỗ, cầu thủ người Pháp hiểu rất rõ rằng, bất kỳ phát ngôn nào của anh cũng đều bị cánh phóng viên, nhà báo đem ra mổ xẻ, phân tích trong những bài báo vô bổ. Anh càng nói khó hiểu bao nhiêu, giới truyền thông sẽ lại càng mất thêm nhiều thời gian để phân tích bấy nhiêu.
Thật khó trách được giới truyền thông khi họ bị cuốn theo những lời nói của Cantona. Bởi suy cho cùng, giữa hai bên là mối quan hệ cộng sinh. Nếu Cantona có thể ra chiêu khiến giới truyền thông tạm quên đi cú kung-fu của anh ta, đánh lạc hướng dư luận bằng những câu nói vô nghĩa trong buổi trả lời họp báo sau phiên điều trần thì đơn giản anh ta đúng là một thương gia đại tài. Trong khi các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các tờ báo lá cải có lý do chính đáng để đem những lời nói của Cantona ra mổ xẻ. Ở một giải bóng đá mà các cầu thủ trở thành những người định hướng truyền thông, những lời nói tưởng chừng vô nghĩa của Cantona lại là “liều doping” giúp cho lượng phát hành của nhiều tờ báo tăng đột biến.
Dư âm của câu nói bí ẩn sau phiên điều trần khiến Cantona càng trở nên huyền bí trong con mắt của nhiều người. Sự nổi tiếng của Cantona, bên cạnh tài năng xuất chúng có một phần không nhỏ từ thói vô sư vô sách của anh. Nhưng đó là cá tính của Cantona và anh rất biết cách kết dính tất cả lại với nhau một cách hoàn hảo. Ngoại trừ số 7 George Best trước đó, không một cầu thủ bóng đá nào của Manchester United lại gây được sự chú ý bên ngoài sân cỏ giống như Cantona.
Cho đến lúc bấy giờ, quan điểm bóng đá ở Anh vẫn rất lạc hậu. Người ta cho rằng, đã là cầu thủ thì chỉ nên tập trung vào việc đá bóng. Chấm hết! Những cái tôi cá nhân, những sai lầm luôn được ỉm đi rất kỹ. Với các cầu thủ, việc thể hiện quan điểm chính trị, thời trang hay văn hóa đều bị coi là lập dị, không đáng được tôn trọng.
Chúng ta vừa đề cập đến một cầu thủ mà những gì thể hiện của anh ta trong buổi họp báo sau phiên điều trần tại tòa còn giá trị hơn cả những màn trình diễn xuất sắc nhất trên sân cỏ. Cantona rõ ràng rất ý thức được những gì anh ta đã làm. Giống như cách nói của một người đưa thư ở Ken Loach khi xem phim Looking for Eric: “Thật là hết sức thú vị. Những gì Cantona đã làm cho thấy anh ta đích thị là một diễn viên có tài năng trời phú.”