C
âu hỏi : Tôi đã nghe tất cả các buổi nói chuyện của ngài và tôi đã đọc hết mọi cuốn sách của ngài. Tôi xin hỏi ngài một cách nghiêm chỉnh nhất, mục đích của cuộc đời tôi có thể là gì nếu – như ngài đã nói – tất cả tư duy phải dừng lại, tất cả kiến thức phải được kiềm chế, tất cả ký ức mất đi? Làm sao ngài liên hệ trạng thái bản thể đó - dù theo ngài cụ thể nó là gì đi nữa - với thế giới mà chúng ta đang sống? Bản thể như vậy có mối quan hệ gì tới nỗi buồn và sự hiện hữu đau khổ của chúng ta?
Krishnamurti : Chúng ta muốn biết trạng thái này là gì, mà nó chỉ có thể hiện hữu khi tất cả kiến thức, khi chủ thể công nhận không còn. Chúng ta muốn biết trạng thái này có mối quan hệ gì với thế giới của chúng ta về hoạt động thường nhật, những theo đuổi hằng ngày. Chúng ta biết cuộc sống của chúng ta hiện tại là gì – buồn, đau khổ, sợ hãi không ngừng, vô thường, tạm thời. Chúng ta biết điều đó rất rõ. Chúng ta muốn biết trạng thái khác này có mối quan hệ gì với trạng thái đó – và nếu chúng ta gạt kiến thức qua một bên, không bị ràng buộc ký ức, vân vân, thì mục đích của sự hiện hữu là gì.
Mục đích của sự tồn tại theo định nghĩa hiện giờ của chúng ta là gì – không phải về mặt lý thuyết, mà về mặt thực tế? Mục đích của sự hiện hữu mỗi ngày là gì? Chỉ là để tồn tại – cùng với tất cả nỗi đau khổ của nó, với tất cả sự phiền não và hỗn loạn, chiến tranh, sự tàn phá của nó, vân vân, không phải vậy sao? Chúng ta có thể phát minh ra những lý thuyết, chúng ta có thể nói: “Không nên thế này, mà nên thế kia”. Nhưng đó chỉ là lý thuyết, chúng không phải sự thật hiển nhiên. Điều chúng ta biết là sự hỗn loạn, đau khổ, chịu đựng, sự đối kháng bất tận. Chúng ta cũng biết, nếu mình nhận thức được, thì làm sao những chuyện này xảy ra. Mục đích của cuộc đời, trong từng khoảnh khắc, ở mỗi ngày, là hủy hoại lẫn nhau, lợi dụng lẫn nhau, hoặc ở cương vị cá nhân hoặc ở cương vị loài người nói chung. Trong nỗi cô đơn của mình, trong nỗi đau khổ của mình, chúng ta cố lợi dụng người khác, cố trốn thoát khỏi chính mình – thông qua việc giải trí, thông qua thần thánh, thông qua kiến thức, thông qua mỗi dạng niềm tin, thông qua sự đồng nhất hóa. Đó là mục đích của chúng ta, dù hữu thức hay vô thức, trong khi chúng ta sống. Có chăng một mục đích sâu xa hơn và bao quát hơn, một mục đích mà không thuộc về sự hỗn loạn, sự chiếm hữu? Trạng thái không nỗ lực đó có mối liên hệ nào với cuộc sống hằng ngày của chúng ta không?
Chắc chắn rằng không có liên hệ nào với cuộc sống của chúng ta. Làm sao có được? Nếu tâm trí của tôi rối loạn, đau khổ, cô đơn, thì làm thế nào có thể dính líu tới thứ gì đó không thuộc về chính nó? Làm sao sự thật có thể liên quan tới sự sai lầm, tới ảo tưởng? Chúng ta không muốn thừa nhận điều đó, bởi vì niềm hy vọng của mình, sự hỗn độn của mình khiến chúng ta tin vào điều gì đó to tát hơn, cao quý hơn, mà chúng ta nói rằng có liên quan tới mình. Và trong nỗi tuyệt vọng của mình, chúng ta tìm kiếm sự thật, với hy vọng rằng sự khám phá đó khiến nỗi tuyệt vọng của chúng ta biến mất.
Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng một tâm trí rối loạn, một tâm trí đầy phiền não, một cái tâm nhận thức được về sự trống rỗng, nỗi cô đơn của chính nó thì không bao giờ tìm được gì ngoài chính nó. Những gì nằm ngoài tâm trí chỉ có thể bắt đầu hiện hữu khi các nguyên nhân gây hỗn loạn, đau khổ bị tiêu trừ hoặc được thấu hiểu. Tất cả những gì tôi đã và đang nói, đang thảo luận, là làm sao để hiểu chính mình, bởi vì không có sự tự biết mình, trạng thái khác không xuất hiện, và nếu có thì chỉ là một ảo tưởng. Nếu có thể hiểu toàn bộ quá trình của chính mình trong từng khoảnh khắc, thì chúng ta sẽ thấy rằng khi giải tỏa sự rối loạn của riêng mình, trạng thái khác bắt đầu hiện hữu. Lúc đó, việc trải nghiệm trạng thái kia sẽ có mối quan hệ với trạng thái này. Nhưng trạng thái này sẽ không bao giờ có mối quan hệ với trạng thái kia. Đang ở phía bên này của tấm màn, và đang trong bóng tối, thì làm sao người ta có thể trải nghiệm về ánh sáng, về sự tự do? Nhưng một khi có kinh nghiệm về sự thật, thì bạn có thể liên hệ nó với thế giới mà chúng ta đang sống này.
Nếu chưa bao giờ biết tình thương là gì, mà chỉ tranh cãi, gây đau khổ, xung đột không ngừng, thì làm sao chúng ta có thể trải nghiệm về tình thương khi mà nó không thuộc về tất cả điều này? Nhưng một khi đã trải nghiệm nó, chúng ta không phải bận tâm về việc khám phá mối quan hệ. Lúc đó, tình thương, trí tuệ sẽ thực hiện chức năng của nó. Nhưng để trải nghiệm trạng thái đó, tất cả kiến thức, ký ức được tích lũy, những hoạt động tự đồng nhất hóa phải dừng lại để tâm trí không có khả năng phóng chiếu bất cứ cảm giác nào. Khi ấy, sau khi trải nghiệm được điều đó, thì có hành động trên thế giới này.
Chắc chắn rằng đó là mục đích của sự hiện hữu – tức là vượt qua hoạt động vị kỷ của tâm trí. Khi đã trải nghiệm trạng thái đó, cái trạng thái không thể đo lường được bằng tâm trí, thì chính sự trải nghiệm đó mang lại cuộc cách mạng nội tại. Lúc đó, nếu có tình thương, thì không có vấn đề xã hội. Không có vấn đề thuộc bất cứ loại nào khi tình thương hiện hữu. Chính vì chúng ta không biết làm sao để thương yêu, chúng ta mới có những vấn đề về xã hội, về các hệ thống triết lý trong việc xử trí các vấn đề của mình. Tôi cho rằng những vấn đề này không bao giờ có thể được giải quyết bởi bất cứ hệ thống nào, dù của cánh tả hay cánh hữu hay phe trung lập. Chúng – sự hỗn loạn của chúng ta, nỗi đau khổ của chúng ta, sự tự hủy hoại của chúng ta – chỉ có thể được giải quyết khi chúng ta có thể trải nghiệm trạng thái không phải là sự tự phóng chiếu.