V
ấn đề mà đa phần chúng ta đều phải đương đầu là liệu cá nhân chỉ đơn thuần là phương tiện của xã hội hay đó là cứu cánh của xã hội. Bạn và tôi đều là những cá nhân được xã hội và chính phủ sử dụng, hướng dẫn, giáo dục, kiểm soát, định hướng theo một khuôn mẫu nào đó; hay xã hội, nhà nước tồn tại là vì cá nhân? Cá nhân là cứu cánh của xã hội, hay họ chỉ đơn thuần là con rối để được dạy bảo, khai thác, tàn sát như một phương tiện của chiến tranh? Đó là vấn đề mà đa số chúng ta gặp phải. Đó là vấn đề của thế giới. Tức là liệu cá nhân chỉ đơn thuần là phương tiện của xã hội, là một món đồ chơi do những ảnh hưởng đúc nặn ra; hay chính xã hội hiện hữu là vì cá nhân.
Bạn sẽ tìm hiểu điều này như thế nào? Đó là vấn đề nghiêm túc, phải vậy không? Nếu cá nhân thuần túy là phương tiện của xã hội, thì xã hội quan trọng hơn nhiều so với cá nhân chứ. Nếu đúng như thế, thì chúng ta phải từ bỏ cá tính và phụng sự cho xã hội. Toàn bộ hệ thống giáo dục của chúng ta phải được cách mạng hóa hoàn toàn và cá nhân biến thành phương tiện để được sử dụng rồi phá hủy, trừ khử, tống khứ. Song nếu xã hội tồn tại vì cá nhân, thì chức năng của xã hội không phải là khiến cá nhân đó phải tuân thủ bất cứ khuôn mẫu nào, mà là để cho họ cảm nhận, thấy thôi thúc về sự tự do. Vì vậy, chúng ta phải tìm ra điều nào là không đúng.
Bạn tìm hiểu vấn đề này ra sao? Đây là vấn đề sống còn, phải vậy không? Nó không bị phụ thuộc vào bất cứ ý thức hệ nào, dù của cánh tả hay cánh hữu. Nếu nó phụ thuộc vào một ý thức hệ, thì nó chỉ đơn thuần là vấn đề của quan niệm. Mà các ý niệm thì luôn luôn nuôi dưỡng sự thù hận, hỗn loạn và xung đột. Nếu lệ thuộc vào những cuốn sách của cánh tả hoặc cánh hữu, hay những cuốn kinh, thì bạn sẽ phụ thuộc vào những quan niệm riêng thuần túy, dù đó là của Phật, của Chúa, hay bất cứ ai khác. Chúng là những ý niệm, không phải chân lý. Một sự kiện thì không bao giờ có thể bị chối bỏ. Nhưng còn quan niệm về sự kiện đó thì lại có thể phủ nhận. Nếu khám phá được đâu là sự thật của vấn đề, thì chúng ta sẽ có thể hành động một cách độc lập với quan niệm. Do đó, chẳng phải nhất thiết cần bỏ ngoài tai những gì người khác nói hay sao? Quan niệm của người ở tả phái hoặc những nhà lãnh đạo khác là kết quả từ địa vị của họ, vì vậy nếu việc khám phá của bạn phụ thuộc vào những gì tìm thấy trong sách vở, thì bạn chỉ đơn thuần đang bị ý kiến, quan niệm ràng buộc. Và đó không phải là vấn đề kiến thức.
Vậy ta khám phá sự thật của điều này bằng cách nào đây? Chúng ta sẽ hành động dựa trên chính điều ấy. Để đi tìm sự thật của điều ấy, phải thoát khỏi tất cả sự tuyên truyền, tức là bạn phải có khả năng nhìn vào vấn đề một cách độc lập, không chịu ảnh hưởng của quan niệm. Toàn bộ nhiệm vụ của giáo dục là để thức tỉnh cá nhân. Để thấy sự thật, bạn sẽ phải rất sáng tỏ, mà điều này có nghĩa là bạn không thể lệ thuộc vào lãnh đạo. Khi chọn lựa một nhà lãnh đạo, bạn làm như vậy là do sự bối rối của mình, và vì vậy nhà lãnh đạo của bạn cũng bị bối rối. Và đó là điều đang xảy ra trên thế giới. Do đó, bạn không thể trông chờ nhà lãnh đạo của bạn sẽ hướng dẫn hay giúp đỡ.
Một cái tâm muốn hiểu một vấn đề thì không chỉ phải hiểu vấn đề đó trọn vẹn, đầy đủ, mà còn phải có thể theo dõi nó một cách nhanh chóng, bởi vì vấn đề thì không bao giờ đứng yên. Vấn đề luôn luôn mới mẻ, cho dù đó là về nạn đói, tâm lý, hay bất cứ vấn đề nào khác. Bất cứ cuộc khủng hoảng nào cũng luôn luôn mới mẻ. Do đó, để hiểu nó, tâm trí phải luôn luôn tươi mới, sáng tỏ, nhanh nhạy khi theo đuổi nó. Tôi nghĩ đa phần chúng ta đều nhận ra tính cấp bách của cuộc cách mạng nội tâm, mà chỉ nó mới có thể mang lại sự biến chuyển triệt để cho thế giới ngoại tại, cho xã hội. Đây là vấn đề mà chính tôi và tất cả những ai có ý định một cách nghiêm túc đều đang bận tâm. Vấn đề của chúng ta là làm sao để mang lại một sự biến chuyển cơ bản, triệt để trong xã hội. Và sự chuyển biến ngoại giới này không thể diễn ra mà không có cuộc cách mạng nội tại. Bởi vì xã hội luôn luôn đứng yên, nên bất cứ hành động, bất cứ sự cải cách nào được thực hiện mà không có cuộc cách mạng nội tâm thì cũng trở nên bất động giống như vậy. Vì vậy, chẳng có hy vọng gì nếu không có cuộc cách mạng nội tâm không ngừng này, bởi vì không có nó, thì hành động bên ngoài chỉ là lặp lại theo thói quen mà thôi. Hành động tương giao giữa bạn và người khác, giữa bạn và tôi, chính là xã hội. Và khi xã hội đó trở nên bất động, nó sẽ không có sinh khí, chừng nào còn chưa có cuộc cách mạng nội tâm không ngừng này, chưa có một sự biến chuyển tâm lý sáng tạo. Và chính vì không có cuộc cách mạng nội tại này mà xã hội luôn luôn bất động, bị kết tụ, và do đó, không ngừng bị phá vỡ.
Mối tương giao giữa bản thân bạn và nỗi đau khổ, rối loạn bên trong và xung quanh bạn là gì? Chắc chắn tình trạng hỗn loạn này, nỗi đau khổ này không tự nhiên mà hiện hữu. Chính bạn và tôi đã tạo ra nó, chứ không phải do một người theo chủ nghĩa Tư bản, Cộng sản, hay một xã hội Phát xít nào cả. Chỉ bạn và tôi đã tạo ra nó trong mối quan hệ tương hỗ của chúng ta. Trên thực tế, nội tâm bên trong của bạn sẽ phóng chiếu ra bên ngoài, ra thế giới. Bạn là gì, bạn nghĩ gì, bạn cảm thấy thế nào, và bạn làm gì trong sự tồn tại mỗi ngày đều được phóng chiếu ra bên ngoài, và chính điều đó tạo thành thế giới. Nếu nội tâm chúng ta đau khổ, bối rối, hỗn loạn, thì khi phóng chiếu, điều đó trở thành thế giới, trở thành xã hội, bởi vì mối tương giao giữa bản thân bạn và bản thân tôi, giữa bản thân tôi với người khác chính là xã hội – mà xã hội là sản phẩm cho mối quan hệ của chúng ta. Nếu mối quan hệ của chúng ta rối loạn, ích kỷ, hẹp hòi, hạn chế, mang nặng chủ nghĩa dân tộc, thì chúng ta cũng phóng chiếu điều đó và đẩy sự hỗn loạn ra thế giới.
Bạn là thế nào, thì thế giới là thế đó. Vì vậy, vấn đề của bạn là vấn đề của thế giới. Đây chắc hẳn là một sự thật đơn giản và căn bản, phải vậy không? Trong mối quan hệ với một hay nhiều người, chúng ta dường như luôn phần nào bỏ qua điểm này. Thông qua một hệ thống hoặc một cuộc cách mạng, chúng ta muốn mang lại sự thay đổi trong tư tưởng hoặc giá trị dựa trên một hệ thống, mà quên rằng chính là bạn và tôi mới là những người tạo thành xã hội, là những người gây ra sự hỗn loạn hoặc tạo nên trật tự bằng chính lối sống của mình. Vì vậy, chúng ta phải bắt đầu từ những điều gần gũi, tức là chúng ta phải quan tâm tới chính mình trong sự tồn tại mỗi ngày, trong những suy nghĩ, cảm nhận và hành động mỗi ngày, thể hiện trong cách chúng ta mưu sinh và trong mối tương giao của chúng ta với các ý tưởng hoặc niềm tin. Đây là hoạt động thường nhật của chúng ta, phải vậy không? Chúng ta bận tâm tới sinh kế, công ăn việc làm, kiếm tiền; chúng ta bận tâm tới các mối quan hệ với gia đình hoặc láng giềng; và chúng ta bận tâm tới những ý tưởng và niềm tin. Giờ đây, nếu xem xét mối bận tâm của mình, thì bạn sẽ thấy nói chung nó dựa trên sự ganh tỵ, mà đó không chỉ là một phương tiện để mưu sinh. Xã hội được hình thành tới mức là một quá trình của sự xung đột không ngớt, một sự biến đổi không ngừng. Nó dựa trên lòng tham, lòng ganh tỵ, ganh tỵ với những người có địa vị cao hơn mình. Chẳng hạn, thư ký thì muốn trở thành giám đốc, và điều đó cho thấy rằng người đó không chỉ bận tâm về việc mưu sinh kiếm sống, mà còn muốn đạt được địa vị và danh tiếng. Thái độ này tự nhiên sẽ gây ra tác động xấu trong xã hội, trong các mối quan hệ, nhưng nếu bạn và tôi chỉ bận tâm với sinh kế, thì chúng ta nên tìm ra cách mưu sinh đúng, tức là kiếm tiền mà không dựa trên sự đố kỵ. Thói đố kỵ là một trong những yếu tố gây hại nhiều nhất trong tương giao bởi vì nó cho thấy sự khao khát quyền lực, địa vị, và cuối cùng thì nó dẫn tới chính trị. Chính trị và sự đố kỵ có mối quan hệ gần gũi với nhau. Viên thư ký, khi tìm cách leo lên địa vị giám đốc, đã trở thành một nhân tố trong việc tạo ra quyền lực-chính trị và điều đó sản sinh ra sự xung đột. Và vì vậy, chính người thư ký đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho tình trạng xung đột.
Vậy các mối quan hệ của chúng ta được dựa trên điều gì? Mối tương giao giữa bạn và tôi, giữa bạn và người khác – tức là xã hội – thì dựa trên điều gì? Chắc chắn không phải là tình thương, mặc dù chúng ta nói nhiều về điều đó. Nó không dựa trên tình thương, bởi vì nếu có tình thương thì sẽ có trật tự, sẽ có bình an, hạnh phúc giữa bạn và tôi. Nhưng trong mối quan hệ giữa bạn và tôi, có nhiều cái ác khoác lấy cái vỏ kính trọng. Nếu chúng ta đều bình đẳng trong tư tưởng, trong cảm nhận, thì sẽ không có sự kính trọng, sẽ không có ác tâm, bởi vì chúng ta là hai cá nhân gặp gỡ nhau, chứ không phải là thầy và trò, không phải là chồng ức hiếp vợ, cũng không phải là vợ lấn át chồng. Khi có ác tâm, thì sẽ có mong muốn thống trị, điều này gợi lên sự ganh tỵ, sân hận, mê đắm. Trong mối quan hệ của chúng ta, tất cả những cảm xúc đó gây nên sự xung đột không ngừng mà chúng ta đang vùng vẫy để thoát ra, và điều này lại tạo ra thêm tình trạng hỗn loạn, thêm nỗi đau khổ, bất hạnh.
Bây giờ, nhắc tới những ý niệm vốn dĩ là một phần của cuộc sống hằng ngày, những niềm tin và công thức của chúng ta, chẳng phải chúng xuyên tạc tâm trí chúng ta hay sao? Và ngu muội là gì? Ngu muội là gán các giá trị sai lầm cho những thứ do khối óc hoặc đôi tay tạo ra. Đa phần những tư tưởng của chúng ta phát sinh từ bản năng tự vệ, phải vậy không? Chẳng phải các ý niệm của chúng ta, phải, rất nhiều trong số chúng, bị gán cho ý nghĩa sai lầm, mà bản thân nó không hề có hay sao? Do đó, khi chúng ta tin tưởng vào bất cứ hình thái nào, dù là tôn giáo, kinh tế hay xã hội, khi chúng ta tin tưởng vào Thượng Đế, vào những ý niệm, vào một hệ thống xã hội làm cho người với người xa nhau, vào chủ nghĩa dân tộc,… thì chắc chắn rằng chúng ta đang gán cho niềm tin một ý nghĩa sai lầm. Và điều đó cho thấy sự ngu muội, bởi vì niềm tin gây chia rẽ chứ không gắn kết con người với nhau. Vì vậy, chúng ta thấy rằng bằng cách sống của mình, chúng ta có thể tạo ra trật tự hay hỗn độn, bình an hay xung đột, hạnh phúc hay đau khổ.
Do đó, vấn đề của chúng ta là liệu có thể có một xã hội bất động cùng lúc với một cá nhân có cuộc cách mạng nội tâm không ngừng đang diễn ra không, chẳng phải sao? Tức là cuộc cách mạng trong xã hội phải bắt đầu với sự biến chuyển nội tại về mặt tâm lý của cá nhân. Đa phần chúng ta muốn thấy một sự biến chuyển triệt để về cấu trúc xã hội. Đó chính là toàn bộ cuộc chiến đang diễn ra trên thế giới – tiến hành một cuộc cách mạng xã hội bằng chủ nghĩa Cộng sản hoặc bất cứ phương tiện nào khác. Và giờ đây, nếu có một cuộc cách mạng xã hội, tức là một hành động liên quan tới cấu trúc bên ngoài của con người, thì dù có triệt để đi nữa, cuộc cách mạng xã hội đó có thể về bản chất vẫn là bất động, nếu không có cuộc cách mạng nội tại của cá nhân, không có sự biến chuyển về mặt tâm lý. Do đó, để tạo ra một xã hội không lặp lại lối mòn, cũng không bất động, không phân rã, một xã hội luôn luôn sinh động, thì điều bắt buộc phải có chính là một cuộc cách mạng trong cấu trúc tâm lý của cá nhân, bởi vì nếu không có cuộc cách mạng tâm lý bên trong, thì sự biến chuyển thuần túy ở bên ngoài cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Đó là do xã hội thì luôn luôn bị kết tụ, bất động, và vì vậy luôn luôn phân rã. Dù có ban hành luật pháp nhiều bao nhiêu và khôn ngoan bao nhiêu đi nữa, thì xã hội vẫn luôn trong quá trình suy tàn, bởi vì cuộc cách mạng phải diễn ra ở bên trong, chứ không chỉ ở bên ngoài.
Tôi nghĩ quan trọng là cần hiểu được điều này và không bỏ qua nó. Một hành động ngoại tại khi đã hoàn tất, thì sẽ là hết, là bất động. Nếu mối quan hệ giữa những cá nhân, tức là xã hội, không phải là kết quả của cuộc cách mạng nội tại, thì cấu trúc xã hội – vốn đang bất động – sẽ hấp thu cá nhân đó, và vì vậy, khiến họ cũng trở nên bất động, lặp lại theo lối mòn giống như vậy. Khi nhận ra điều này, nhận ra ý nghĩa phi thường của sự việc này, thì có thể không còn gì phải thắc mắc về chuyện đồng ý hay bất đồng nữa. Đó là một thực tế: Xã hội thì luôn luôn đang kết tụ và hấp thu cá nhân và cuộc cách mạng sáng tạo không ngừng đó chỉ có thể diễn ra bên trong cá nhân, không phải trong xã hội, không phải ở ngoại giới. Tức là cuộc cách mạng sáng tạo chỉ có thể diễn ra trong mối tương giao giữa các cá nhân, nghĩa là xã hội. Chúng ta thấy cấu trúc của xã hội hiện nay ở Ấn Độ, Âu châu, Mỹ châu, ở mọi nơi trên thế giới, đang phân rã nhanh chóng đến thế nào. Và ta cũng có thể thấy được điều đó trong cuộc sống của chính chúng ta. Chúng ta có thể quan sát điều đó khi xuống phố. Chúng ta không cần những sử gia vĩ đại nói cho biết sự thật rằng xã hội chúng ta đang suy thoái. Do đó, phải có các kiến trúc sư mới, những nhà xây dựng mới nhằm kiến tạo một xã hội mới. Cấu trúc đó phải được xây dựng dựa trên một nền tảng mới, trên những sự kiện và giá trị mới được khám phá. Song những kiến trúc sư như vậy vẫn chưa xuất hiện. Không có nhà xây dựng nào quan sát để nhận ra sự thật rằng cấu trúc xã hội đó đang sụp đổ và tự biến mình thành những kiến trúc sư. Đó là vấn đề của chúng ta. Chúng ta thấy xã hội đang suy thoái, đang phân rã. Và chính chúng ta, bạn và tôi, phải trở thành những kiến trúc sư. Bạn và tôi phải tái khám phá những giá trị và kiến tạo một nền tảng căn cơ hơn, trường tồn hơn. Bởi vì nếu khâm phục hoặc tôn trọng các kiến trúc sư chuyên nghiệp, những nhà xây dựng về chính trị và tôn giáo, chúng ta sẽ lại rơi vào vị trí y hệt như trước đây.
Bởi vì bạn và tôi không sáng tạo, nên chúng ta đã đẩy xã hội tới tình trạng hỗn độn này. Vì vậy, bạn và tôi phải sáng tạo, bởi vì đây là một vấn đề cấp bách. Bạn và tôi phải nhận thức được những nguyên nhân cho sự sụp đổ của xã hội và kiến tạo một cấu trúc mới không dựa trên sự bắt chước thuần túy, mà dựa trên sự hiểu biết sáng tạo của chúng ta. Vậy chẳng phải điều này ngụ ý tư duy phủ nhận sao? Tư duy phủ nhận là dạng thức hiểu biết cao nhất. Tức là để hiểu tư duy sáng tạo là gì, chúng ta phải tiếp cận vấn đề một cách tiêu cực, bởi vì cách tiếp cận tích cực đối với vấn đề – rằng bạn và tôi phải trở nên sáng tạo để kiến tạo một cấu trúc xã hội mới – sẽ là sự mô phỏng, bắt chước. Để hiểu điều gì đang sụp đổ, chúng ta phải khảo sát nó, xem xét nó một cách tiêu cực – không phải với một hệ thống tích cực, một công thức tích cực, một kết luận tích cực.
Tại sao xã hội lại suy thoái, sụp đổ, như nó rõ ràng đang diễn ra? Một trong những lý do cơ bản là chính cá nhân, tức là bạn, đã ngừng sáng tạo. Tôi sẽ giải thích rõ hơn. Bạn và tôi đã bắt chước, chúng ta đang sao chép ở cả bên ngoài và bên trong. Về mặt ngoại giới, khi học hỏi một kỹ thuật mới, khi giao tiếp với nhau ở mức độ lời nói, đương nhiên phải có sự bắt chước, sao chép. Tôi sao chép từ ngữ. Để trở thành một kỹ sư, trước tiên tôi phải học kỹ thuật, rồi sử dụng kỹ thuật đó để xây dựng một cây cầu. Như vậy, phải có một mức độ mô phỏng, sao chép nào đó về mặt kỹ thuật bên ngoài, song một khi đã bắt chước về mặt tâm lý ở bên trong, thì chắc chắn chúng ta sẽ ngừng sáng tạo. Nền giáo dục, cấu trúc xã hội và cái được gọi là đời sống tâm linh của chúng ta đều dựa trên sự mô phỏng. Tức là tôi vừa vặn ăn khớp vào một công thức xã hội hoặc tôn giáo cụ thể nào đó. Và như vậy, tôi ngừng trở thành một cá nhân đích thực. Về mặt tâm lý, tôi trở thành một cái máy thuần túy lặp lại những phản ứng có điều kiện nhất định, cho dù tôi là tín đồ của Hindu giáo, Thiên Chúa giáo hay Phật giáo, dù tôi là người Đức hay người Anh. Phản ứng của chúng ta được quy định theo khuôn mẫu của xã hội, dù là phương Đông hay phương Tây, dù trong tôn giáo hay ngoài thế tục. Vì vậy, một trong những nguyên nhân căn cơ khiến xã hội phân rã là sự mô phỏng, sao chép, và một trong các yếu tố gây phân rã là nhà lãnh đạo có bản tính bắt chước.
Để hiểu được bản chất của một xã hội đang phân rã, chẳng phải rất cần tìm hiểu xem bạn và tôi, các cá nhân, có thể sáng tạo được hay không sao? Chúng ta có thể thấy rằng khi có sự bắt chước, thì phải có sự phân rã. Khi đã có quyền lực tác động, thì phải có sự sao chép. Và do toàn bộ tính chất tâm lý, tinh thần của chúng ta đều dựa trên sự tác động của uy quyền, nên để sáng tạo, phải thoát khỏi uy quyền đó. Bạn không chú ý rằng trong những khoảnh khắc sáng tạo, những khoảnh khắc thật hạnh phúc với sự hứng thú đầy sinh động đó, thì không có cảm giác lặp lại, không có cảm giác của sự sao chép sao? Những khoảnh khắc như vậy lúc nào cũng mới mẻ, tươi tắn, đầy sáng tạo và hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta thấy rằng một trong những nguyên nhân căn cơ cho sự phân rã của xã hội là sao chép, tức là sự sùng bái uy quyền.