Trong suốt thập kỷ 70 của thế kỷ XX, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã thỏa thuận hợp sức với nhau để nâng giá dầu thô từ dưới 3 đô la một thùng vào năm 1973 lên trên 30 đô la một thùng vào năm 1980. Thế giới lo lắng chờ đợi trước mỗi cuộc họp định giá của OPEC. Vào cuối những năm 1970, một số chuyên gia về năng lượng đã dự báo giá dầu có thể tăng lên tới 100 đô la mỗi thùng khi thiên niên kỷ kết thúc. Nhưng sau đó bỗng nhiên thỏa thuận hành động chung này có vẻ như bị phá sản. Giá dầu đi xuống, gần chạm đến ngưỡng 10 đô la một thùng vào đầu năm 1986 trước khi khôi phục lại đến mức 18 đô la một thùng vào năm 19871. Khi chúng tôi đang viết cuốn sách này, cuộc xâm lăng của Iraq đối với Kuwait đã đẩy giá dầu lên 35 đô la một thùng và các chuyên gia đã có những dự đoán rất khác nhau về tương lai của OPEC.
1 Các bài thơ của Robert Frost, Louis Untermeyer biên soạn (New York, Washington Square Press, 1971).
Điều gì chi phối thành công hay thất bại của những thỏa thuận hành động chung (cartel) như vậy? Tổng quát hơn, điều gì chi phối cán cân giữa hợp tác và cạnh tranh, không chỉ trong kinh doanh mà cả trong chính trị và cơ cấu xã hội nữa? Câu hỏi này có thể trả lời ít nhất phần nào bằng cách áp dụng cái chúng ta gọi là nghịch cảnh mà chúng ta đã thấy tại Tổng hành dinh của KGB trong Chương 1.
Câu chuyện của OPEC chính là một trò chơi giống như vậy. Tất nhiên chúng tôi sẽ cách điệu hóa nó một chút, nhấn mạnh vào nghịch cảnh và bỏ qua một số chi tiết lịch sử. Để bắt đầu, hãy xem các quyết định sản xuất của hai thành viên OPEC là Iran và Iraq. Để đơn giản hóa, chúng ta chỉ có hai mức sản lượng cho mỗi quốc gia là 2 hoặc 4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Phụ thuộc vào các quyết định về sản lượng của hai nước này mà tổng sản phẩm dầu thô mỗi ngày trên thị trường thế giới có thể là 4, 6 hoặc 8 triệu thùng. Giả sử mức giá tương ứng với mỗi mức tổng sản lượng sẽ là 25 đô la, 15 đô la và 10 đô la mỗi thùng. Chi phí khai thác là 2 đô la một thùng ở Iran và 4 đô la một thùng ở Iraq. Bây giờ chúng ta có thể chỉ ra mức lợi nhuận (tính bằng đô la mỗi ngày) của hai đối thủ cạnh tranh theo bảng sau. Trong mỗi ô trên bảng, góc trên bên phải là lợi nhuận của Iraq mỗi ngày còn góc dưới bên trái là lợi nhuận tương ứng của Iran.
Mỗi nước đều có một chiến lược lấn át, đó là sản xuất ở mức nhiều hơn trong số hai mức sản lượng có thể. Chẳng hạn Iran thấy rằng dòng lợi nhuận của họ tương ứng với mức sản lượng 4 triệu thùng (52 triệu đô la và 32 triệu đô la) luôn luôn cao hơn lợi nhuận tương ứng với mức sản lượng 2 triệu thùng (46 triệu đô la và 26 triệu đô la). Khi cả hai nước đều chọn chiến lược lấn át của mình, lợi nhuận tương ứng của họ sẽ là 32 và 24 triệu đô la. Không phải là ít, nhưng hợp tác có thể mang lại cho mỗi bên còn nhiều hơn thế, tương ứng là 46 và 42 triệu đô la.
Tình huống khó xử này được gọi là nghịch cảnh người tù. Điểm đáng chú ý là cả hai cùng áp dụng chiến lược lấn át, cố gắng tối đa hóa tỷ phần của mình nhưng kết cục chung thì lại kém hơn so với khi cả hai cùng theo đuổi chiến lược tối thiểu hóa tỷ phần. Vậy thì tại sao họ lại không áp dụng chiến lược tối thiểu hóa tỷ phần? Hãy quay lại để xem vấn đề đối với hai quốc gia này. Ngay cả khi nếu Iran dự định theo đuổi chiến lược tối thiểu hóa tỷ phần và chỉ sản xuất 2 triệu thùng thì Iraq vẫn có động cơ để sản xuất 4 triệu thùng. Khi đó kết cục sẽ là lý tưởng nhất đối với Iraq và là xấu nhất đối với Iran.
Nếu Iran không hợp tác và sản xuất 4 triệu thùng, sẽ là ngu ngốc nếu Iraq hy sinh lợi nhuận của chính mình bằng cách vẫn chỉ sản xuất 2 triệu thùng một ngày. Vấn đề của cartel ở đây là phải tìm cách duy trì chiến lược sản lượng thấp, giá cao để thu được tổng lợi nhuận chung cao nhất, trong khi biết trước sự cám dỗ đối với mỗi bên khi gian lận để thu lợi nhuận trên thiệt hại của bên kia.
Tình huống giữa Iran và Iraq tương tự với những gì đã xảy ra giữa những người tù của KGB. Mỗi người trong bọn họ đều nhận thấy chiến lược lấn át của mình là khai nhận: nếu một người ngoan cố, những người còn lại sẽ được lợi khi đồng ý khai nhận; nếu một người đã khai nhận, chẳng ai còn lại ngu ngốc để tiếp tục ngoan cố. Do vậy, bất kỳ người này làm gì thì người kia cũng vẫn muốn khai nhận. Điều đó đúng với cả hai bên. Và khi cả hai bên cùng khai nhận, mỗi người trong số họ sẽ đều lãnh một mức án nặng hơn. Một lần nữa, sự theo đuổi lợi ích cá nhân một cách ích kỷ dẫn đến một kết cục xấu hơn. Khi không bên nào chịu khai nhận, kết cục sẽ là tốt hơn đối với cả hai. Vấn đề là ở chỗ làm thế nào để đạt tới sự hợp tác như vậy trong sự cạnh tranh vốn luôn để giành được lợi ích riêng cho bản thân mình.
Vấn đề tương tự cũng nảy sinh khi có một vài công ty cùng cạnh tranh trong một ngành công nghiệp. Vấn đề này không chỉ tác hại đến kinh doanh mà cả các sinh viên đang theo học ngành kinh doanh nữa. Một giáo sư trường tổng hợp A&M ở Texas đã cho 27 sinh viên của lớp mình chơi một trò chơi và bẫy họ vào nghịch cảnh của người tù2. Mỗi sinh viên sở hữu một công ty tưởng tượng và cần phải quyết định sẽ sản xuất 1 và góp phần giữ mức giá cao hay sản xuất 2 và thu lợi trên chi phí của những người khác. Căn cứ trên tổng số sinh viên quyết định sản xuất 1, tiền sẽ được trao cho các sinh viên theo bảng sau:
2 Tạp chí Phố Wall, 4/12/1986.
Có thể hình dung dễ hơn và ấn tượng hơn điều này theo sơ đồ sau:
Trò chơi được “sắp đặt” sao cho những sinh viên viết 2 bao giờ cùng nhận được nhiều hơn 50 xu so với người viết 1, nhưng càng nhiều người viết 2 thì tổng lợi ích của cả tập thể càng giảm. Giả sử nếu tất cả 27 người đều dự định viết 1, khi đó mỗi người sẽ nhận được 1,08 đô la. Bây giờ có một sinh viên nghĩ đến việc lén chuyển sang 2. Như vậy còn 26 sinh viên viết 1 và mỗi người giờ đây chỉ nhận được 1,04 đô la (ít hơn 4 xu so với ban đầu), trong khi người chuyển sang 2 nhận được 1,54 đô la (nhiều hơn 46 xu). Điều này luôn đúng với mọi số sinh viên ban đầu quyết định viết 1 thay vì 2. Viết 2 là chiến lược lấn át. Mỗi sinh viên khi chuyển từ 1 sang 2 sẽ làm tăng thu nhập của mình lên 46 xu nhưng lại làm mất của mỗi người còn lại 4 xu, tổng cộng cả tập thể sẽ mất 58 xu. Cho đến khi mọi người đều hành động một cách ích kỷ và tối đa hóa phần thu của mình, mỗi người trong số họ sẽ chỉ còn nhận được 50 xu. Nếu thay vì vậy họ hợp lực cùng tối thiểu hóa thu nhập cá nhân của mình, mỗi người trong số họ sẽ lại nhận được 1,08 đô la. Còn bạn, bạn định chơi như thế nào?
Trong một số lần thực hành của trò chơi này, ban đầu chơi không có thảo luận trước và sau đó có thảo luận để đạt được “sự thông đồng ngầm”, số sinh viên hợp tác viết 1 nằm giữa 3 đến tối đa là 14 người. Trong lượt chơi bắt buộc cuối cùng, con số này là 4.
Tổng số tiền phải trả là 15,82 đô la, ít hơn 13,34 đô la so với trường hợp có sự thông đồng (hợp tác) tuyệt đối. “Chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ không bao giờ tin tưởng tuyệt đối bất kỳ ai một lần nữa”, người đứng đầu nhóm thông đồng lầm bầm như vậy. Thế anh chọn số nào vậy? “À, tôi chọn số 2”, anh ta trả lời.
Tình huống này nhắc chúng tôi đến vị thế của Yossarian trong cuốn sách Mẻ lưới 22 (Catch-22) của Joseph Heller. Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đã gần kết thúc và Yossarian không muốn nằm trong số những người cuối cùng bị chết. Viên sĩ quan chỉ huy của anh ta hỏi: “Giả sử như tất cả mọi người của chúng ta đều nghĩ như anh thì sao?”, và Yossarian đã đáp lại, “vậy thì tôi chắc chắn sẽ là thằng ngu nếu nghĩ khác. Phải vậy không thưa ngài?”.
Các chính trị gia cũng vậy, họ cũng là những người tù của nghịch cảnh tương tự. Năm 1984, tất cả mọi người đều biết rõ rằng ngân sách Mỹ đang thâm hụt rất lớn. Cắt giảm chi phí các khoản quan trọng về mặt chính trị là không khả thi và do vậy việc tăng thuế là không thể tránh khỏi. Nhưng ai sẽ là người thực thi quyền lãnh đạo chính trị để làm điều đó? Ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ, Walter Mondale, đã cố gắng đặt ra các giai đoạn cho việc thay đổi chính sách như vậy trong chiến dịch vận động của mình và đã bị đánh bại một cách thuyết phục bởi Ronald Reagan, người đã hứa sẽ không có chuyện tăng thuế. Năm 1985, vấn đề này bị sa lầy. Không quan trọng việc bạn định hình các phe phái chính trị như thế nào: Đảng Dân chủ đối với Đảng Cộng hòa, Hạ nghị viện đối với Thượng nghị viện, hay Chính phủ đối với Quốc hội - bên nào cũng sẽ đều muốn để bên kia khởi xướng.
Đối với mỗi bên, kết cục tối ưu là để bên kia khởi xướng việc tăng thuế và giảm chi ngân sách và bằng cách đó sẽ phải trả một cái giá chính trị. Ngược lại, nếu tự đề xuất các chính sách như vậy trong khi bên kia vẫn giữ vị thế thụ động thì sẽ mang đến kết cục xấu nhất. Cả hai bên đều đồng ý rằng thực thi lãnh đạo chung, chia sẻ cả sự tin cậy lẫn trách nhiệm sẽ là tốt hơn cho đất nước và cả cho chính họ về lâu dài, so với khi cả hai bên đều thụ động và để cho ngân sách tiếp tục thâm hụt trầm trọng.
Chúng ta có thể trình bày điều này như một trò chơi bằng cách vẽ ra một bảng tổng hợp về các chiến lược và kết cục như vẫn làm. Hai bên chơi sẽ là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Để chỉ ra ai ưu tiên cái gì, chúng tôi sẽ xếp bậc các kết quả từ 1 đến 4 trên quan điểm từng bên. Các số nhỏ hơn đồng nghĩa với thứ hạng ưu tiên hơn. Trong mỗi ô, số thấp hơn bên trái là thứ hạng ưu tiên của Đảng Cộng hòa; số trên bên phải tương ứng là của Đảng Dân chủ.
Các xếp hạng ưu tiên đối với Đảng Cộng hòa và Đảng
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy rằng đối với mỗi bên, thụ động là chiến lược lấn át. Đó chính là cái đã xảy ra; Quốc hội thứ 99 không có một bước đi nào nhằm tăng thuế. Quốc hội 99 thực ra đã thông qua điều luật Gramm-Rudman-Hollings, trong đó có giao việc theo đuổi các chính sách giảm thâm hụt cho những năm sau. Nhưng đó chỉ đơn thuần là làm ra vẻ như vậy, thực tế nó giúp trì hoãn những lựa chọn khó khăn. Các mục tiêu của nó đã đạt được bằng những thủ thuật kế toán nhiều hơn là các biện pháp hạn chế tài khóa thực sự.
1. Làm thế nào đạt được sự hợp tác?
Những người thấy mình bị rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan (nghịch cảnh) của người tù sẽ tìm cách để thoát khỏi đó và đạt được một kết cục hợp tác mà cùng nhau họ đều muốn có được. Nhưng có những người khác lại có thể muốn thấy những người chơi này bị mắc kẹt trong nghịch cảnh đó. Chẳng hạn, người mua sẽ có lợi từ mức giá thấp khi nghịch cảnh người tù ngăn cản các công ty trong một ngành thông đồng với nhau. Trong trường hợp này, xã hội muốn gây trở ngại cho những cố gắng của ngành đó nhằm giải quyết thế khó xử của mình và luật chống độc quyền chính là một phần trong nỗ lực đó. Trong bất kỳ trường hợp nào, dù chúng ta tìm kiếm sự thông đồng hay chống lại nó, trước hết chúng ta cần hiểu những cách thức có thể giúp tránh bị rơi vào nghịch cảnh. Sau đó, chúng ta có thể thử tạo điều kiện cho các cách thức đó hoặc ngăn cản chúng xảy ra, tùy theo mong muốn của chúng ta trong trường hợp xem xét cụ thể.
Vấn đề mấu chốt ở đây là động cơ của những người chơi gian lận trong bất kỳ thỏa thuận nào. Do vậy câu hỏi trọng tâm là làm thế nào những gian lận như vậy có thể bị phát hiện? Viễn cảnh về sự trừng phạt như thế nào có thể làm nản lòng những kẻ gian lận? Chúng ta sẽ cùng xem xét lần lượt các câu trả lời sau đây.
2. Phát hiện gian lận
Một cartel cần phải tìm ra các cách phát hiện gian lận và nếu điều đó xảy ra thì xác định xem ai đã gian lận. Nhận biết một ai đó đã gian lận trong các ví dụ trước rất dễ dàng. Trong trường hợp sản xuất dầu của Iraq và Iran, mức giá sẽ là 25 đô la chỉ khi hai nước hợp tác và sản xuất ở mức 2 triệu thùng một ngày; bất kỳ một mức giá nào dưới 25 đô la cũng là dấu hiệu chứng tỏ gian lận. Trên thực tế vấn đề phức tạp hơn như vậy. Mức giá có thể thấp hơn vì nhu cầu giảm cũng như vì nhà sản xuất gian lận. Trừ khi cartel có khả năng tách riêng các ảnh hưởng này và xác định sự thật, nó có thể nghi ngờ có gian lận và đưa ra các biện pháp trừng phạt khi trên thực tế không có ai gian lận hoặc chỉ là có sai sót cách này hay cách khác.
Điều này sẽ làm giảm bớt tính chính xác và hiệu lực của các biện pháp trừng phạt. Một giải pháp thỏa hiệp là đặt ra một mức giá tới hạn hay còn gọi là giá “khởi sự”; nếu mức giá xuống dưới giá trị này thì cartel sẽ coi là có gian lận và áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Trên thực tế còn một điểm phức tạp nữa. Các trò chơi thuộc loại này thường đa chiều trong lựa chọn và khả năng quan sát được sự gian lận là khác nhau trong mỗi chiều như vậy. Chẳng hạn các công ty cạnh tranh nhau về giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và nhiều khía cạnh khác nữa. Giá có thể tương đối dễ dàng quan sát thấy, mặc dù việc giảm giá bí mật hoặc sự linh hoạt khi tính giá nội bộ có thể gây khó khăn. Trong khi đó có nhiều khía cạnh về chất lượng rất khó theo dõi. Vì vậy, khi một cartel cố gắng áp đặt mức giá thỏa thuận cao họ thường nhận thấy cạnh tranh chuyển sang những khía cạnh mới. Điều này đã từng xảy ra trong ngành hàng không. Trong giai đoạn ngành này bị điều tiết, giá vé là cố định và những kẻ cạnh tranh mới muốn nhảy vào thị trường phải chịu một rào cản về giá. Tình huống này giống như khi các hãng hàng không lập ra một cartel và Ủy ban Hàng không dân dụng đóng vai trò giám sát tuân thủ. Các hãng hàng không bắt đầu cạnh tranh hoặc tìm cách gian lận trong cartel.
Mặc dù không thể giảm giá nhưng họ vẫn có thể đưa thêm giá trị gia tăng thông qua các bữa ăn chất lượng hơn hay các tiếp viên nữ duyên dáng hơn. Khi luật lao động buộc các hãng này phải tuyển cả tiếp viên nam và không được đuổi việc các tiếp viên nữ quá 30 tuổi, cạnh tranh chuyển sang các thời gian biểu bay thẳng, chỗ ngồi rộng rãi và khoảng cách rộng giữa các hàng ghế để duỗi chân thoải mái hơn.
Một ví dụ nữa là chính sách thương mại quốc tế. Thuế quan là công cụ dễ thấy nhất để hạn chế thương mại và các vòng đàm phán liên tục của GATT đã đạt được sự cắt giảm đáng kể mức thuế quan đối với nhau của tất cả các nước công nghiệp. Tuy nhiên, mỗi nước đều phải chịu những áp lực chính trị bên trong từ những thế lực đặc biệt muốn hạn chế nhập khẩu. Do vậy, các quốc gia đã chuyển dần sang những công cụ khác, khó nhận ra hơn, chẳng hạn như các thỏa thuận hạn chế tự nguyện, các quy trình hải quan về định giá, các tiêu chuẩn, các biện pháp hành chính và hạn ngạch phức tạp.
Chủ đề chung của những ví dụ trên là thỏa thuận tập trung vào những khía cạnh lựa chọn minh bạch hơn trong khi cạnh tranh chuyển sang những khía cạnh khó nhận thấy hơn: Chúng tôi gọi đây là “Quy luật tăng dần của tính mù mờ”. Mặc dù bạn có thể không nhận thấy điều này một cách rõ ràng nhưng sự thông đồng vẫn đang gây ảnh hưởng đến bạn. Khi hạn ngạch đối với xe hơi nhập khẩu từ Nhật Bản có hiệu lực vào năm 1981, không những giá của tất cả các xe, cả của Nhật Bản lẫn của Mỹ đều tăng lên mà các loại xe giá rẻ của Nhật Bản cũng biến khỏi thị trường. Sự cạnh tranh trong mù mờ đã gây tác hại đến hai lần: Giá tăng cao hơn và cân bằng trong cơ cấu hàng hóa bị bóp méo.
Nhận biết kẻ gian lận thậm chí có thể còn khó hơn phát hiện ra sự gian lận nữa. Với hai người chơi, bên trung thực biết rõ rằng bên kia đã gian lận. Có thể sẽ khó khăn để khiến kẻ kia thú nhận. Với số người chơi nhiều hơn 2, chúng ta có thể biết rằng đã có kẻ gian lận nhưng không ai biết kẻ đó là ai (trừ chính hắn). Trong trường hợp này, sự trừng phạt để hạn chế sự gian lận cần phải thẳng thừng và gây ảnh hưởng như nhau đến cả người vô tội lẫn kẻ có tội.
Cuối cùng sự gian lận có thể chỉ đơn giản là giữ thế thụ động và do vậy khó phân biệt. Điều này đã xảy ra trong ví dụ của chúng tôi khi sử dụng quyền lãnh đạo để đề xuất tăng thuế. Trong trường hợp như vậy, rất khó luận ra hoặc tuyên bố sự gian lận mà không có bằng chứng, Trong khi hành động tích cực ai cũng nhìn thấy thì có rất nhiều cớ có thể viện dẫn để biện hộ cho sự không hành động gì cả, chẳng hạn có nhiều việc khác gấp gáp hơn, cần có nhiều thời gian hơn để tập trung lực lượng, v.v...
3. Trừng phạt kẻ gian lận
Bên cạnh mỗi kế hoạch để khuyến khích hợp tác thường có một cơ chế để trừng phạt những kẻ gian lận. Người tù thú nhận và khai ra các đồng phạm của mình có thể trở thành mục tiêu trả thù của bạn bè những tù nhân bị khai ra. Cơ hội được thoát khỏi nhà tù nhanh chóng hơn của người đó có thể sẽ trở nên kém hấp dẫn nếu biết những gì đang chờ anh ta bên ngoài nhà tù. Người ta biết rằng cảnh sát thường đe dọa những kẻ buôn bán ma túy để bắt chúng khai bằng cách dọa sẽ thả chúng ra. Sự đe dọa chính là ở chỗ nếu chúng được thả thì những kẻ cung cấp ma túy cho chúng sẽ cho rằng chúng đã phản bội.
Trong ví dụ về cuộc thí nghiệm trong lớp học tại A&M Texas, nếu các sinh viên có thể phát hiện ra ai đã bội ước sau khi đã thỏa thuận và viết số 1, họ sẽ tẩy chay kẻ đó trong suốt học kỳ. Rất ít sinh viên dám bội ước để nhận hình phạt đó chỉ vì 50 xu. Trong OPEC, do có sự liên kết về chính trị và xã hội giữa các quốc gia Ả rập vào thập kỷ 70, quốc gia nào có ý định gian lận cũng sẽ nản lòng do lo sợ bị tẩy chay. Đây là những ví dụ về sự trừng phạt được đưa thêm vào trò chơi ban đầu nhằm giảm động cơ gian lận.
Các hình phạt khác phát sinh ngay bên trong cơ cấu của trò chơi. Thông thường điều này xảy ra vì trò chơi là lặp lại nên lợi ích thu được từ việc gian lận trong lần chơi này sẽ dẫn đến thiệt hại trong các lần chơi khác. Chúng tôi sẽ minh họa điều này bằng ví dụ về dầu thô của Iran và Iraq.
Khả năng trừng phạt phát sinh bởi vì hai nước tham gia vào trò chơi này hằng ngày. Giả sử rằng họ khởi sự trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, mỗi nước chỉ sản xuất 2 triệu thùng dầu mỗi ngày và như vậy có thể giữ giá ở mức cao. Mỗi nước đều luôn luôn bị lôi kéo bởi ý muốn gian lận. Hãy xem bảng lợi nhuận một lần nữa. Chỉ một ngày Iran gian lận thành công trong khi Iraq vẫn trung thành với cam kết có thể làm tăng lợi nhuận của Iran từ 46 lên 52 triệu, tức là một khoản lời 6 triệu đô la.
Câu hỏi là điều gì sẽ xảy ra khi Iraq phát hiện ra sự gian lận. Một kịch bản hợp lý khi đó sẽ là sự tin tưởng lẫn nhau bị phá vỡ và cả hai nước sẽ cùng áp dụng một chế độ sản xuất mới với sản lượng cao dẫn đến giá thấp ngay ngày hôm sau. So với khi các nước còn đang tin tưởng nhau thì điều này đã làm Iran mất đi 14 triệu đô la mỗi ngày (46:32). Lợi nhuận ngắn hạn thu về từ gian lận là nhỏ so với chi phí cho hậu quả: Nếu như Iraq phải mất một tháng để phát hiện sự gian lận của Iran và trả đũa thì một tháng lợi nhuận dôi ra của Iran (180 triệu đô la) sẽ bị xoá hoàn toàn chỉ sau 13 ngày khi lòng tin bị phá vỡ. Tất nhiên thời gian cũng là tiền bạc và lợi nhuận cao ngày hôm này tất nhiên giá trị hơn sự giảm lợi nhuận cũng bằng như vậy trong tương lai; nhưng kể cả như vậy thì tính toán này vẫn cho thấy một sự bất lợi rõ ràng. Đối với Iraq, việc phá vỡ thỏa ước thậm chí còn xấu hơn nữa; lợi nhuận hằng ngày trong suốt thời gian khi gian lận chưa bị phanh phui và do vậy chưa bị trừng phạt là 2 triệu đô la, trong khi tổn thất hằng ngày một khi lòng tin bị phá vỡ là 18 triệu đô la. Trong trường hợp này có thể thấy ngay cả một sự lo ngại rất nhỏ về khả năng sự tin tưởng lẫn nhau có thể bị phá vỡ đã đủ để giữ cho hai đối thủ cạnh tranh phải tôn trọng thỏa thuận của mình.
Lòng tin có thể bị phá vỡ vì rất nhiều lý do. Chẳng hạn cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia Iran và Iraq khiến cho OPEC rất khó áp đặt hạn ngạch về sản lượng lên mỗi quốc gia này. Lòng tin vào sự duy trì mức hạn ngạch của cartel dựa trên khả năng trừng phạt sau đó đối với nước vi phạm thỏa thuận. Nhưng liệu còn sự trừng phạt thêm nào nữa có thể áp đặt lên hai quốc gia đang trừng phạt nhau bằng bom và những cuộc nã pháo vào nhau? Chỉ khi chiến tranh kết thúc, một lần nữa tiềm năng cho hợp tác mới có thể có bởi vì tiềm năng cho sự trừng phạt đã được khôi phục.
Tóm lại, không có một giải pháp nào để đạt được sự hợp tác qua lại lẫn nhau trong trò chơi một lần. Chỉ có trong mối quan hệ đang tiếp diễn mới có thể có cơ hội cho sự trừng phạt và do vậy mới có chiếc gậy để tạo động cơ cho hợp tác. Sự đổ vỡ trong hợp tác tự động mang theo nó một chi phí dưới hình thức là đánh mất lợi nhuận trong tương lai. Nếu chi phí này đủ lớn thì kẻ muốn gian lận sẽ nản lòng và hợp tác sẽ được duy trì.
Có một số điềm báo trước cho nguyên tắc chung này. Điềm thứ nhất xuất hiện khi mối quan hệ có một kết thúc tự nhiên, chẳng hạn như kết thúc một nhiệm kỳ cho một chức vụ được bầu chọn. Trong những tình huống như vậy, trò chơi chỉ lặp lại một số lần nhất định. Áp dụng nguyên tắc nhìn xa hơn và suy luận ngược về, chúng ta thấy sự hợp tác sẽ kết thúc khi không còn thời gian cho sự trừng phạt nữa. Dĩ nhiên chẳng ai muốn tiếp tục hợp tác khi những kẻ khác gian lận. Nếu có ai đó hợp tác, một người chắc chắn sẽ bị mắc kẹt vào lúc cuối. Bởi vì không có ai muốn là kẻ ngu ngốc nên sự hợp tác không bao giờ có điểm khởi đầu. Điều này là đúng bất kể thời gian của trò chơi là bao lâu, chỉ cần điểm kết thúc của nó là biết trước.
Chúng ta sẽ xem xét lập luận này kỹ hơn một chút. Ngay từ khi bắt đầu, cả hai người chơi đều cần phải nhìn xa hơn để dự đoán cho lần chơi cuối cùng. Trong lần chơi cuối, sẽ không còn tương lai để cân nhắc nữa và chiến lược lấn át sẽ là chơi gian lận. Kết cục của lần chơi cuối cùng là biết trước. Bởi vì không có cách nào tác động vào lần chơi cuối cùng nên lần kế trước đó sẽ trở thành lần cuối để cân nhắc. Một lần nữa, chiến lược lấn át là gian lận. Lý do là lần chơi trong giai đoạn kế trước giai đoạn cuối cùng không có tác động gì đến các chiến lược được chọn trong giai đoạn cuối cùng. Do vậy, giai đoạn kế trước giai đoạn cuối có thể được xem xét một cách riêng rẽ. Đối với bất kỳ giai đoạn riêng rẽ nào thì chơi gian lận vẫn là chiến lược lấn át.
Bây giờ thì các lần chơi trong hai giai đoạn cuối có thể được coi là cho trước. Hợp tác trước đó không giúp được gì bởi vì cả hai người chơi đã dự tính gian lận vào hai lần chơi cuối. Do vậy, lần chơi thứ ba tính từ dưới lên thực tế là lần chơi cuối cùng để xem xét. Cũng với cùng một lập luận có thể rút ra rằng chiến lược lấn át chính là chơi gian lận. Lập luận này cứ tiếp tục suốt như vậy ngược về điểm khởi đầu, do vậy kết luận là ngay từ lần chơi đầu tiên đã không có sự hợp tác.
Logic của lập luận trên là rất hoàn hảo, Tuy nhiên, trong thế giới thực chúng ta vẫn thấy những hồi đoạn có hợp tác thành công. Có nhiều cách để giải thích điều này. Một trong số đó là tất cả các trò chơi loại này chỉ lặp lại một số lần nhất định nhưng số lần đó là không biết trước. Một khi lần cuối là không xác định được thì luôn luôn sẽ có khả năng mối quan hệ được tiếp tục sau đó. Khi đó những người chơi có một động cơ để duy trì sự hợp tác vì khả năng tiếp tục quan hệ như vậy trong tương lai; một khi động cơ là đủ lớn thì sự hợp tác sẽ còn tồn tại.
Một giải thích khác là thế giới có một số người “hiền lành” sẽ luôn hợp tác bất kể lợi ích vật chất từ gian lận là bao nhiêu đi nữa. Bây giờ hãy giả sử bạn không phải loại “hiền lành” đó. Nếu bạn xử sự đúng như bản chất của mình trong trò chơi với số lần chơi lặp lại hữu hạn theo kiểu nghịch cảnh người tù, bạn sẽ bắt đầu gian lận ngay lập tức. Điều đó sẽ tiết lộ bản chất của bạn cho người chơi kia. Để giấu đi sự thật (ít nhất là trong một thời gian), bạn buộc phải xử sự tử tế. Vì sao bạn lại muốn làm như vậy? Giả sử bạn bắt đầu bằng cách cư xử tử tế. Khi đó người chơi kia có thể nghĩ rằng bạn cũng nằm trong số những người hiền lành trên thế giới. Sẽ có những lợi ích thực sự thu được khi hợp tác trong một thời gian và người chơi kia sẽ có kế hoạch để đáp lại sự tử tế của bạn để đạt được những lợi ích này. Điều đó sẽ giúp cho cả bạn nữa. Tất nhiên bạn đã có kế hoạch lén chơi gian lận khi trò chơi gần kết thúc, và người chơi kia cũng vậy. Nhưng cả hai người bạn và đối phương đều có một giai đoạn ban đầu hợp tác để hai bên cùng có lợi. Do đó, khi mỗi bên đều đang chờ thời cơ để lợi dụng bên kia thì cả hai sẽ cùng có lợi từ chính sự lừa dối lẫn nhau này.
Giải thích thứ ba cho sự xuất hiện của lòng tin trong tình huống có nghịch cảnh người tù lặp lại là lợi ích thu về từ gian lận đi trước chi phí phát sinh khi hợp tác bị đổ vỡ. Do vậy, tầm quan trọng tương đối giữa lợi ích và chi phí nói trên phụ thuộc vào tầm quan trọng tương đối của hiện tại so với tương lai. Trong bối cảnh kinh doanh, lợi nhuận hiện tại và tương lai được so sánh bằng cách sử dụng mức lãi suất phù hợp để chiết khấu tương lai. Trong chính trị, xét đoán giữa hiện tại và tương lai mang tính chủ quan hơn, nhưng có vẻ như thời gian về sau cuộc bầu cử lần tới là hầu như không còn ý nghĩa gì nữa. Điều này khiến hợp tác rất khó đạt được. Ngay cả trong kinh doanh vào những thời kỳ khó khăn, cả ngành công nghiệp có thể đứng bên bờ vực phá sản và Ban Giám đốc nghĩ rằng chẳng còn có ngày mai nữa, cạnh tranh khi đó sẽ trở nên khốc liệt hơn những thời kỳ bình thường. Tương tự như vậy, nhu cầu của chiến tranh khiến lợi nhuận trong hiện tại quan trọng hơn đối với Iran và Iraq và do vậy sẽ càng gây thêm khó khăn cho OPEC.
4. Sự trừng phạt được bảo đảm
Sự trớ trêu rõ ràng nhất là đòi hỏi có sự tuân thủ theo mức giá thỏa thuận thông qua một bảo đảm sẽ trừng phạt tất cả nhân danh cạnh tranh. Chúng ta bây giờ sẽ sang New York và xem cuộc chiến máy stereo ở đó. Crazy Eddie đã tạo lập thương hiệu cho mình bằng tuyên bố: “Chúng tôi không thể bị bán rẻ. Chúng tôi sẽ không bị bán rẻ. Giá của chúng tôi được bảo đảm là luôn thấp nhất. Giá của chúng tôi là mức giá điên rồ”. Đối thủ chính của ông ta, Newmark&Lewis, cũng không kém phần tham vọng. Với bất kỳ một món hàng nào, bạn cũng sẽ nhận được sự “bảo đảm vô thời hạn cho mức giá thấp nhất” của cửa hàng. Họ hứa sẽ đến bù gấp đôi mức chênh lệch nếu bạn có thể tìm ra mức giá thấp hơn ở nơi khác.
“Nếu sau khi bạn mua hàng, bạn thấy cùng mặt hàng đó được quảng cáo hay có bán với giá rẻ hơn (có bằng chứng trên giấy tờ) bởi bất kỳ một nhà buôn địa phương nào, trong lãnh địa tiếp thị này, trong suốt đời sản phẩm bạn mua, chúng tôi, Newmark&Lewis sẽ vui lòng trả lại cho bạn (bằng séc) 100% số tiền chênh lệch, cộng thêm 25% nữa của số tiền chênh lệch đó, hoặc nếu bạn muốn, Newmark&Lewis sẽ trả cho bạn một tấm thẻ mua hàng có trị giá bằng 200% số tiền chênh lệch kia (trong đó 100% bằng tiền chênh lệch và một thẻ mua hàng cũng có giá trị bằng ngần đó nữa)”.
- Trích dẫn từ phiếu bảo hành giá rẻ suốt đời hàng hóa của Newmark&Lewis -
Mặc dù sặc mùi cạnh tranh, những lời hứa hẹn đánh bại mức giá của đối thủ này có thể khiến cho kỷ luật trong một cartel giá cả được thực thi. Điều đó xảy ra như thế nào?
Giả sử rằng mỗi VCR có giá bán sỉ là 150 đô la và vào thời điểm hiện tại cả Crazy Eddie lẫn Newmark&Lewis đều đang bán lẻ với giá 300 đô la. Crazy Eddie đang dự tính sẽ lén giảm giá xuống chỉ còn 275 đô la. Nếu không có lời hứa đánh bại đối thủ bằng giá rẻ, Crazy Eddie hy vọng mức giá thấp hơn sẽ lôi kéo thêm được một số khách hàng mà nếu không có giảm giá thì họ sẽ sang mua ở cửa hàng của đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn vì nhà họ gần cửa hàng của Newmark&Lewis hơn, hoặc vì họ đã từng mua quen ở đó. Rất không may cho Crazy Eddie, việc giảm giá của hãng sẽ gây ra một tác động ngược chiều.
Với bảo đảm giá rẻ của Newmark&Lewis, những khách hàng này sẽ bị cám dỗ với việc vào cửa hàng của Newmark&Lewis mua VCR giá 300 đô la rồi sau đó đòi bồi thường 50 đô la. Điều đó tương đương với việc Newmark&Lewis giảm giá xuống còn 250 đô la thấp hơn cả đối thủ Crazy Eddie. Nhưng tất nhiên là Newmark&Lewis không muốn mất đi cả 50 đô la. Câu trả lời của hãng này sẽ là cũng giảm giá xuống 275 đô la. Trong mọi khả năng, Crazy Eddie luôn thấy mình thiệt hơn ban đầu. Vậy thì có gì phải nghĩ ngợi nữa? Mức giá sẽ đứng nguyên ở 300 đô la.
Mặc dù cartel là bất hợp pháp ở Mỹ nhưng Crazy Eddie và Newmark&Lewis đã có được một thứ tương tự như vậy. Bạn có thể thấy cartel ngầm của họ có tác dụng như thế nào đối với những yêu cầu tuân thủ về giá mà chúng tôi đã nhắc đến ở trên: phát hiện gian lận và trừng phạt kẻ gian lận. Newmark&Lewis có thể dễ dàng phát hiện ra sự gian lận của Crazy Eddie. Các khách hàng những người mang thông tin về mức giá rẻ hơn của Crazy Eddie và yêu cầu bồi thường đang hành động một cách vô tình giống như những nhân viên giám sát tuân thủ cho cartel. Sự trừng phạt đến với hình thức thỏa thuận về giá bị phá sản và hậu quả là lợi nhuận giảm. Kiểu quảng cáo “đánh bại đối thủ cạnh tranh” cũng khiến cho sự trừng phạt đến một cách tự động và nhanh chóng.
Một vụ chống độc quyền rất nổi tiếng trước Ủy ban thương mại liên bang có liên quan đến việc sử dụng một công cụ tương tự, về hình thức có vẻ như gia tăng cạnh tranh, nhưng trên thực tế có thể biến thành một cơ chế kiểu cartel về thực thi thỏa thuận hành động chung. E. I. Du Pont, Ethyl và các nhà sản xuất chất phụ gia an toàn cho khí ga đã bị phạt vì sử dụng điều khoản “tối huệ khách” (most-favoured- customer ). Điều khoản này nói rằng người bán sẽ dành cho những người mua được ưu đãi này mức giá tốt nhất mà họ đã từng cho bất kỳ khách hàng nào khác. Nhưng hãy nhìn thật sâu hơn nữa. Điều khoản này có nghĩa là nhà sản xuất không thể cạnh tranh bằng cách chào giá thấp để thu hút thêm khách hàng từ đối thủ cạnh tranh của mình, trong khi vẫn lấy mức giá cao như cũ đối với các khách hàng quen. Họ buộc phải giảm giá đồng loạt, điều này làm họ tốn kém hơn nhiều bởi nó làm giảm lợi nhuận biên trên toàn bộ số hàng bán. Bạn có thể nhìn thấy lợi thế của điều khoản này đối với một cartel: Lợi ích thu về do gian lận ít hơn và do vậy cartel có nhiều cơ hội được duy trì hơn.
Trong khi đánh giá các điều khoản tối huệ khách, Ủy ban thương mại liên bang quyết định rằng ở đây có tác động chống cạnh tranh và cấm các doanh nghiệp sử dụng các điều khoản như vậy trong các hợp đồng ký với khách hàng3. Bạn sẽ muốn đưa ra phán quyết như thế nào trong vụ việc giữa Crazy Eddie và Newmark&Lewis? Một thước đo để xác định mức độ khốc liệt của cạnh tranh là mức lợi nhuận dôi dư (markup). Nhiều cửa hàng stereo “hạ giá” thực ra lấy của khách hàng mức lợi nhuận dôi dư đến 100% so với chi phí mua các cấu phần cho hàng hóa của mình. Rất khó nói phần nào trong số lợi nhuận dôi dư là do chi phí lưu kho và quảng cáo, Tuy nhiên, ít nhất sự điên rồ của Crazy Eddie cũng có chỗ trong đó.
3 Quy tắc này không phải là không có mâu thuẫn. Chủ tịch Hội đồng James Miller không có đồng ý kiến. Ông ta cho rằng các điều khoản đã “giảm chi phí tìm kiếm của khách hàng và tạo điều kiện cho họ tìm thấy giá trị tốt nhất giữa những người mua một cách đáng ngờ”.
5. Lựa chọn hình phạt
Khi có một vài hình phạt có thể làm nản lòng sự gian lận và duy trì sự hợp tác, chúng ta nên chọn hình phạt nào trong số đó? Một số tiêu chí sau có thể giúp bạn ở đây.
Có lẽ điều quan trọng nhất là sự đơn giản và minh bạch để người chơi đang suy tính đến chuyện gian lận có thể dễ dàng tính toán và tính toán một cách chính xác hậu quả của nó. Một tiêu chí kiểu như giúp luận ra rằng ai đó đã gian lận khi thấy mức giảm lợi nhuận trung bình của bạn, chẳng hạn trong 17 tháng cuối cùng là thấp hơn 10% so với mức tỷ suất hòa vốn thực trung bình trong cùng thời gian đó, quả là khiến các công ty rất khó tính toán và do đó, nó không phải là một phương tiện làm nản lòng hiệu quả.
Tiếp theo là tính chắc chắn. Những người chơi phải tin tưởng rằng lừa dối sẽ bị phạt và hợp tác sẽ được thưởng. Đây là vấn đề chính của các nước châu Âu khi tìm cách tăng cường tính thực thi của GATT. Khi một nước khiếu nại một nước khác gian lận trong hiệp định thương mại, GATT sẽ khởi sự một quy trình hành chính có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm. Các phán quyết hầu như không có mấy liên quan đến thực tế vụ việc và lại chịu sự sai khiến nhiều hơn từ chính trị quốc tế và ngoại giao. Các thủ tục cưỡng chế thực thi như vậy sẽ rất khó có hiệu lực.
Tiếp theo, chúng ta sẽ đặt câu hỏi mức độ trừng phạt cần phải như thế nào. Suy nghĩ bản năng của hầu hết mọi người là mức độ trừng phạt phải tương xứng với tội lỗi. Nhưng như vậy có thể không đủ để làm nản lòng sự gian lận. Cách chắc chắn nhất để cản trở gian lận là làm sao để hình phạt càng nặng càng tốt. Bởi vì sự đe dọa trừng phạt sẽ giúp duy trì sự hợp tác nên không quan trọng về chuyện mức độ của hình phạt sẽ kinh khủng như thế nào. Sự sợ hãi sẽ khiến tất cả mọi người không dám gian dối, do đó sự phá vỡ hợp tác trên thực tế sẽ không bao giờ xảy ra và chi phí của nó ở đây sẽ chẳng có gì liên quan cả.
6. Ăn miếng trả miếng4
4 Trong Kinh Thánh, chúng ta được dạy: “Nếu những người đàn ông đánh nhau động phải một phụ nữ có thai và người phụ nữ đó sinh non nhưng không có tổn thương nghiêm trọng, kẻ có tội phải bị phạt theo bất kỳ điều gì người chồng của người phụ nữ đó yêu cầu. Nhưng nếu tổn thương là nghiêm trọng thì mạng phải đổi mạng, mắt đổi mắt, răng đổi răng, tay đổi tay, bỏng trả bỏng, vết thương trả vết thương, vết bầm trả vết bầm”. Kinh Tân ước gợi ý hành vi mang tính hợp tác hơn: “Con đã nghe thấy người ta nói ‘mắt đổi mắt, răng đổi răng’. Nhưng ta nói với con rằng đừng chống cự lại kẻ xấu xa. Nếu có ai đó tát con vào má phải, hãy chìa cả má trái ra cho hắn”. Chúng ta đã chuyển từ “hãy làm với kẻ khác những gì kẻ đó đã làm với ta” sang quy tắc vàng “hãy làm với người khác những gì ta muốn họ làm cho ta”. Nếu mọi người đều tuân theo quy tắc vàng này thì sẽ không còn nghịch cảnh người tù. Và nếu chúng ta tư duy trong một viễn cảnh rộng hơn thì mặc dù hợp tác có thể làm giảm thu hoạch của bạn trong một trò chơi cụ thể, phần thưởng tiềm năng sau khi chết sẽ khiến đây trở thành một chiến lược hợp lý ngay cả với những cá nhân ích kỷ.
Những đặc tính mong muốn cho một cơ chế trừng phạt có vẻ như là những yêu cầu rất khắt khe. Tuy nhiên, nhà chính trị học Robert Axelrod của trường tổng hợp Michigan khẳng định rằng quy tắc ăn miếng trả miếng đáp ứng rất tốt với các yêu cầu này5. Ăn miếng trả miếng là một biến tấu của quy tắc xử thế “nợ máu trả bằng máu”: Hãy làm với những kẻ khác đúng như những gì họ đã làm với ta. Chính xác hơn, chiến lược là hợp tác trong giai đoạn đầu và trong các giai đoạn sau làm theo đúng những gì đối thủ đã làm trong giai đoạn trước.
5 Robert Axelrod, Sự biến đổi trong hợp tác (New York, Các cuốn sách cơ bản. 1984).
Axelrod khẳng định rằng ăn miếng trả miếng bao gồm bốn nguyên tắc một cách hiển nhiên cần phải có trong bất kỳ chiến lược hiệu quả nào, đó là: rõ ràng minh bạch, tử tế, dễ kích động và khoan dung. Ăn miếng trả miếng rõ ràng và đơn giản như bạn thấy. Nó cũng là tử tế ở chỗ nó không bao giờ khởi sự gian lận. Nó kích động bởi vì nó không bao giờ để cho sự gian lận tồn tại mà không bị trừng phạt. Và nó khoan dung, bởi vì nó không giữ sự hận thù quá lâu và nó sẵn sàng khôi phục lại hợp tác.
Axelrod đã khẳng định sức mạnh của ăn miếng trả miếng bằng kinh nghiệm thực tiễn chứ không phải chỉ trên lý thuyết. Ông tổ chức một cuộc thi các trò chơi cho hai người theo kiểu nghịch cảnh người tù. Các nhà lý thuyết trò chơi khắp nơi trên thế giới gửi các chiến lược của mình đến tham gia chơi dưới hình thức các chương trình chạy trên máy vi tính. Các chương trình này được khớp với nhau theo từng cặp để chơi trò chơi nghịch cảnh người tù với tổng cộng tất cả là 150 lần. Những người tham gia thi sau đó được xếp hạng dựa trên tổng số điểm mà họ giành được.
Người thắng cuộc là Anatol Rapoport, giáo sư toán học trường tổng hợp Toronto. Chiến lược thắng của ông này chính là ăn miếng trả miếng. Axelrod thực sự đã ngạc nhiên vì điều này. Ông lặp lại cuộc thi, với số người tham gia đông hơn. Một lần nữa Anatol lại nộp chiến lược ăn miếng trả miếng và đánh bại các đối thủ cạnh tranh.
Một trong những đặc điểm ấn tượng nhất của ăn miếng trả miếng là nó làm rất tốt về tổng thể tuy nó không thể đánh bại được bất kỳ ai khi đấu trực tiếp. Kết quả khá nhất chỉ là khi ăn miếng trả miếng cầm hòa được đối thủ. Do vậy, nếu Axelrod đánh điểm các cuộc đấu theo kiểu được ăn cả, ngã về không thì ăn miếng trả miếng sẽ có điểm rất thấp và không thể thắng chung cuộc.
Nhưng Axelrod lại không làm như vậy mà tính theo khoảng cách chênh lệch đến đích. Lợi thế rất lớn của ăn miếng trả miếng là nó luôn về gần đích. Trường hợp xấu nhất là khi ăn miếng trả miếng kết thúc ở chỗ bị đánh bại bởi một sự phản bội… Lý do ăn miếng trả miếng thắng trong cuộc thi là bởi nó luôn cố gắng khuyến khích hợp tác bất kỳ khi nào có thể nhưng tránh lợi dụng điều này. Những người khác có chiến lược đều là hoặc quá cả tin và để hở cho kẻ khác lợi dụng, hoặc lại quá hung hăng cố gạt kẻ khác ra ngoài.
Mặc dù vậy, chúng tôi tin rằng chiến lược ăn miếng trả miếng cũng có vết. Khả năng hiểu nhầm dù là nhỏ nhất có thể dẫn đến thất bại hoàn toàn đối với chiến lược này. Thiếu sót này không thấy rõ khi cài đặt cuộc thi trên máy tính bởi vì sự hiểu nhầm không thể nảy sinh ở đây. Tuy nhiên, khi ăn miếng trả miếng được áp dụng cho các vấn đề đời thực thì điều này là không thể tránh khỏi và kết quả có thể là thảm họa.
Chẳng hạn, vào năm 1987 Mỹ đã quyết định trả đũa khi nghi Liên Xô cài gián điệp và đặt máy nghe trộm điện thoại ở Sứ quán Mỹ tại Mát-xcơ-va bằng cách giảm bớt số các nhà ngoại giao Xô Viết được phép làm việc tại Mỹ. Những người Xô Viết đáp lại bằng cách ưrút các nhân viên hỗ trợ người bản địa khỏi đại sứ quán Mỹ tại Mát-xcơ-va và đặt ra các hạn chế chặt chẽ hơn về quy mô của các đoàn Mỹ sang Liên Xô. Kết quả là cả hai bên cùng gặp khó khăn trong việc thực hiện các chức năng ngoại giao của mình. Một chuỗi các hành động trả đũa kiểu ăn miếng trả miếng khác xảy ra năm 1988 khi Canada phát hiện ra trong số các nhà ngoại giao Liên Xô đến nước này có gián điệp. Họ quyết định giảm bớt số lượng người được phép trong mỗi đoàn của Liên Xô sang và Liên Xô cũng giảm số đại diện của nước này ở nước mình. Cuối cùng, cả hai nước cùng phải ngậm đắng nuốt cay và hợp tác ngoại giao trong tương lai giữa hai nước đã gặp rất nhiều khó khăn.
Vấn đề đối với ăn miếng trả miếng là bất kỳ một sai lầm nào cũng vọng đi vọng lại nhiều lần. Một bên trừng phạt bên kia vì sự phản bội và điều này gây ra cả một phản ứng dây chuyền. Đối thủ đáp lại sự trừng phạt bằng cách đánh trả. Câu trả lời này dẫn đến sự trừng phạt thứ hai. Chiến lược ăn miếng trả miếng không có điểm nào chấp nhận sự trừng phạt mà không có sự phản công lại. Những người Israel trừng phạt những người Palestine vì cuộc tấn công. Những người Palestine phản đối sự trừng phạt đó và trả đũa. Vòng tròn là hoàn hảo và các sự trừng phạt cũng như trả đũa cứ thế mà tiếp diễn mãi.
Mối thù lâu đời giữa Hatfields và Mc Coys hay giữa hai dòng họ Grangerford và Shepherdson của Mark Twain đưa thêm một số ví dụ về ăn miếng trả miếng dẫn đến thiệt hại cả về hai phía như thế nào. Những kẻ hận thù dù ở bên nào cũng không muốn chấm dứt mối hận thù cho đến khi họ đạt được một kết cục hòa. Nhưng trong cố gắng để đạt được điều đó, họ lại liên tục đánh gục nhau hết lần này đến lần khác. Cuối cùng, họ sẽ kết thúc hòa với cái chết của cả hai. Rất hiếm khi có hy vọng quay trở lại và giải quyết mối bất hòa tại điểm khởi đầu bởi vì một khi nó đã bắt đầu, nó sẽ tiếp tục suốt đời. Khi Huck Finn cố gắng hiểu nguồn gốc của mối hận thù giữa Grangerford và Shepherdson, cậu mắc vào vấn đề của quả trứng - con gà như sau:
“Chuyện đó là như thế nào hả Buck?... Là chuyện đất đai à?
Tôi chỉ có thể đoán thôi... tôi không biết chính xác.
Thôi được, thế ai là người đã bắn? Là nhà Grangerford hay Shepherson?
Làm sao mà tôi biết được? Chuyện đó xảy ra lâu lắm rồi. Thế có ai biết không?
À có chứ, bố biết, tôi đoán thế, và một vài người già khác nữa, nhưng họ không biết cuộc cãi vã đầu tiên là vì cái gì”.
Cái chính mà ăn miếng trả miếng thiếu là cách để nói “đủ nghĩa là đủ”. Rất nguy hiểm nếu áp dụng quy tắc đơn giản này vào những tình huống mà nhận thức sai lầm là đặc hữu. Ăn miếng trả miếng quá dễ bị kích động. Bạn cần phải khoan dung hơn khi sự phản bội có vẻ như là một sai lầm hơn là quy tắc. Ngay cả khi sự phản bội là có chủ ý, sau một vòng trừng phạt đủ lâu có thể đã đến lúc nên kêu gọi dừng lại và cố gắng thiết lập lại sự hợp tác. Đồng thời, bạn không muốn là người quá độ lượng và có thể bị lợi dụng. Bạn sẽ thực hiện sự đánh đổi này như thế nào?
Một cách hữu ích để đánh giá một chiến lược là đo lường mức độ hiệu quả khi dùng nó để chống lại chính nó. Nếu bạn nghĩ đến tiến hóa, các chiến lược phù hợp nhất sẽ là trở thành kẻ lấn át, chi phối trong các giống loài. Kết quả là chúng sẽ đụng độ nhau thường xuyên hơn. Trừ khi một chiến lược có thể chống lại chính nó một cách hữu hiệu, còn không bất kỳ thành công ban đầu nào cuối cùng cũng sẽ trở thành tự thất bại.
Thoạt đầu, ăn miếng trả miếng có vẻ rất hiệu quả khi nó chống lại chính nó. Hai kẻ ăn miếng trả miếng sẽ khởi đầu bằng hợp tác và bởi vì mỗi người đều trả lời bằng lòng tốt, sự hợp tác này có vẻ như sẽ tiếp tục mãi mãi. Cặp chiến lược này rõ ràng đã tránh được hoàn toàn vấn đề nghịch cảnh người tù.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu có khả năng xảy ra là một bên hiểu nhầm bước đi của bên kia? Để trả lời, chúng ta sẽ theo hai gia đình, nhà Hatfield và nhà Mc Coy, để xem họ sử dụng ăn miếng trả miếng trong quan hệ hàng xóm của mình.
Họ khởi đầu một cách hòa bình (P).
Giả sử rằng ở vòng thứ tư một Hatfield đã hiểu nhầm một Mc Coy. Mặc dù Mc Coy thành thực muốn giữ hòa bình nhưng nhà Hatfield đã nhìn nhận sai lầm và cho đó là một hành động gây gổ (A).
Sự hiểu nhầm duy nhất đã phản hồi qua lại. Đến vòng thứ năm, sự gây gổ tưởng tượng của nhà Mc Coy đã trở thành sự thực trong câu trả lời của nhà Hatfield. Bây giờ thì hai phe ăn miếng trả miếng đã rơi vào một tình huống trong đó họ luân phiên trả đũa nhau cho lần trả đũa trước đó. Trong vòng thứ sáu, nhà Mc Coy trừng phạt nhà Hatfield do lượt gây sự của nhà này trong vòng thứ năm, dẫn đến nhà Hatfield lại trả đũa lại trong vòng thứ bảy. Và cứ như thế tiếp tục. Cố gắng để hòa khi đang là người thua thực sự không có tác dụng.
Tình huống này cứ tiếp tục như vậy cho đến khi xảy ra lần hiểu nhầm thứ hai. Có hai khả năng phát triển tình huống. Nhà Hatfield có thể hiểu nhầm hòa bình thành gây sự hoặc họ có thể hiểu nhầm gây sự thành hòa bình6. Nếu gây sự được hiểu nhầm thành hòa bình, mối hận thù sẽ chấm dứt (ít nhất là cho đến lần hiểu nhầm tiếp theo).
6 Những sự hiểu nhầm này cũng có thể xảy ra với nhà Mc Coy và tác động của nó cũng giống như vậy.
Nếu lần hiểu nhầm thứ hai là từ hòa bình thành gây sự, hai bên sẽ tiếp tục trả đũa lẫn nhau. Điều này được minh họa ở vòng thứ chín trong hình dưới. Ở đó, đường zích zắc duy nhất khi mắc vào điểm P (hòa bình) bị hiểu nhầm thành A (gây gổ). Hậu quả là nhà Hatfield trả đũa lại trong vòng thứ 11. Cho đến khi có một sự hiểu nhầm nữa xảy ra, cả hai bên sẽ còn tiếp tục trừng phạt bên kia vì sự trừng phạt của bên kia trước đó. Mặc dù những kẻ ăn miếng trả miếng có thể cho ra đòn trừng phạt, họ lại không thể nhận nó.
Chúng ta có thể kết luận gì về ăn miếng trả miếng? Khi có khả năng xảy ra hiểu nhầm, trong dài hạn, ăn miếng trả miếng sẽ có một nửa thời gian hợp tác và một nửa thời gian không. Lý do là vì một khi có sự hiểu nhầm, nó dễ bị nhân thêm lên cũng đúng như nó dễ bị xoá đi. Do đó, ăn miếng trả miếng cũng không hơn gì một chiến lược dựa trên tung đồng xu, với xác suất cho hợp tác và phản bội là như nhau.
Trong thảo luận này, có vẻ như chúng ta thiếu một thứ gia vị quan trọng: đó là xác suất để hiểu nhầm có thể xảy ra. Thực tế là kết luận của chúng tôi không phụ thuộc vào xác suất này. Không quan trọng việc hiểu nhầm có thể hiếm xảy ra đến thế nào (ngay cả khi cơ hội là một phần tỷ), trong dài hạn chiến lược ăn miếng trả miếng vẫn có một nửa thời gian hợp tác, một nửa phản bội, giống như một chiến lược ngẫu nhiên. Khi xác suất của sự hiểu nhầm là rất nhỏ có thể sau một thời gian khá lâu thì sự cố mới xảy ra. Tuy nhiên, một khi sai lầm xảy ra thì nó cũng mất một thời gian khá lâu để có thể xoá đi.
Khả năng có sự hiểu nhầm có nghĩa là bạn cần phải biết tha thứ nhưng không phải là quên hẳn, thay vì ăn miếng trả miếng đơn thuần. Điều này đúng khi có giả định trước rằng cơ hội cho hiểu nhầm là nhỏ, chẳng hạn 5%. Nhưng chiến lược nào bạn sẽ chọn trong tình huống kiểu nghịch cảnh người tù, trong đó có đến 50% cơ hội là bên kia sẽ đoán sai (ngược lại) hành động của bạn? Bạn cần phải tha thứ như thế nào đây?
Một khi xác suất hiểu nhầm lên đến 50% thì sẽ không còn hy vọng đạt được bất kỳ hợp tác nào trong các tình huống kiểu nghịch cảnh người tù. Bạn sẽ luôn phải bất hợp tác. Vì sao vậy? Hãy xem xét hai thái cực. Hãy hình dung bạn luôn luôn hợp tác. Đối tác của bạn sẽ hiểu nhầm bước đi của bạn trong một nửa thời gian. Kết quả là anh ta tin rằng bạn hợp tác một nửa thời gian và phản bội trong nửa thời gian còn lại. Thế còn nếu bạn luôn phản bội thì sao? Một lần nữa bạn vẫn bị hiểu nhầm trong một nửa thời gian. Bây giờ điều đó có lợi cho bạn bởi đối tác của bạn tin tưởng rằng bạn đã hợp tác một nửa thời gian.
Bất kể bạn chọn chiến lược nào cũng không thể tác động đến điều mà đối tác của bạn nhìn thấy. Điều này cũng tựa như đối tác của bạn tung đồng xu để xác định xem anh ta nghĩ bạn đã làm gì. Đơn giản là điều này không hề có liên hệ nào với thực tế khi mà xác suất sai lầm lên đến 50%. Một khi bạn chẳng có hy vọng nào để gây ảnh hưởng đến các lựa chọn tiếp theo của đối tác, bạn hoàn toàn có thể phản bội. Mỗi giai đoạn bạn sẽ nhận được thù lao cao hơn và nó cũng sẽ không làm hại được bạn trong tương lai.
Bài học ở đây là sự đền bù cho việc bỏ qua lỗi lầm chỉ nên đến một mức độ nhất định. Một khi xác suất sai lầm trở nên quá cao, khả năng duy trì hợp tác trong tình huống nghịch cảnh người tù sẽ bị phá vỡ. Đơn giản là vì quá dễ để lợi dụng ở đây. Cơ hội quá lớn cho hiểu nhầm khiến bạn không thể gửi một thông điệp rõ ràng thông qua các hành động của mình. Một khi không có khă năng giao tiếp thông qua hành động thì mọi hy vọng hợp tác sẽ biến mất.
Xác suất 50% cho hiểu nhầm là trường hợp xấu nhất. Nếu chắc chắn rằng hiểu nhầm sẽ xảy ra, bạn chỉ cần hiểu mỗi thông điệp theo cách ngược lại và bằng cách đó xoá đi sự hiểu nhầm. Những người dự báo chứng khoán luôn đưa ra những lời khuyên sai cũng có ích không kém gì những người luôn đúng. Bạn chỉ cần biết cách giải mã các dự báo mà thôi.
Biết được điều này, chúng ta sẽ có thể tìm cách thoát khỏi nghịch cảnh khi sự hiểu nhầm có cơ hội xảy ra với điều kiện cơ hội đó là không quá lớn.
7. Một chiến lược khác thay cho ăn miếng trả miếng
Những đặc tính cơ bản: rõ ràng, tử tế, kích động và khoan dung có vẻ như luôn đúng trong bất kỳ một quy tắc hành xử tốt nào để có thể thoát khỏi nghịch cảnh người tù. Nhưng ăn miếng trả miếng phản ứng quá nhanh khi trừng phạt một ai đó đã từng hợp tác trong quá khứ. Chúng ta cần tìm một chiến lược có sự phân biệt đối xử nhiều hơn: cần phải khoan dung hơn khi sự gian dối là trường hợp ngoại lệ và cần phải trừng phạt khi nó trở thành thường lệ.
Bạn có thể xem xét những chỉ dẫn sau đây như một bước theo hướng đó. (1) Khởi đầu hợp tác. (2) Tiếp tục hợp tác. (3) Đếm xem bao nhiều lần bên đối tác gian dối trong khi bạn vẫn hợp tác. (4) Nếu tỷ lệ những lần gian dối trở nên không thể chấp nhận được, hãy ăn miếng trả miếng. Hãy nhớ rằng không giống như trước, ăn miếng trả miếng không được sử dụng như một phần thưởng cho hành vi tốt; thay vào đó, ăn miếng trả miếng là sự trừng phạt nếu rõ ràng là bên kia đang tìm cách lợi dụng bạn.
Để xác định tỷ lệ gian dối bao nhiêu là không thể chấp nhận được, bạn cần biết lịch sử ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn về các hành động của bên kia. Chỉ trong dài hạn thôi thì chưa đủ. Nếu chỉ vì ai đó hợp tác đã lâu không có nghĩa là bây giờ anh ta sẽ không tìm cách lợi dụng bạn và tự hạ uy tín của mình xuống. Bạn còn cần phải biết xem vậy “lần cuối anh đã làm gì với tôi?”.
Đây là một ví dụ cho một chiến lược như vậy. Tử tế hơn, khoan dung hơn, không quá kích động và phức tạp hơn một chút so với ăn miếng trả miếng. Hãy khởi sự hợp tác và cứ tiếp tục như vậy cho đến khi một trong bốn sát hạch dưới đây thất bại:
• Ấn tượng đầu tiên: Sự gian dối ở ngay bước đầu tiên là không thể chấp nhận được. Chuyển ngay sang ăn miếng trả miếng.
• Ngắn hạn: Cứ hai lần gian dối trong ba lần đi là không thể chấp nhận. Chuyển sang ăn miếng trả miếng.
• Trung hạn: Ba lần gian dối trong 20 lần cuối cùng là không thể chấp nhận. Chuyển sang ăn miếng trả miếng.
• Dài hạn: Năm lần gian dối trong một trăm lần cuối cùng là không thể chấp nhận. Chuyển sang ăn miếng trả miếng.
Sự trừng phạt kiểu ăn miếng trả miếng không cần phải kéo dài mãi mãi. Hãy theo dõi mức độ thường xuyên vi phạm một trong bốn sát hạch trên của phía bên kia. Đối với lần vi phạm đầu tiên, quay lại hợp tác sau 20 lần ăn miếng trả miếng. Nhưng hãy để bên kia có một giai đoạn thử thách. Bớt số lần gian dối trong sát hạch trung hạn và dài hạn đi một lần. Nếu bên kia không vi phạm sự thử thách trong 50 lần thì coi như xoá và chuyển về tiêu chuẩn ban đầu. Nếu bên kia vi phạm sự thử thách, hãy ăn miếng trả miếng mãi mãi.
Các quy tắc chính xác cho các ấn tượng đầu tiên, ấn tượng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn sẽ phụ thuộc vào xác suất của sai sót hay hiểu nhầm, tầm quan trọng bạn đặt vào lợi ích trong tương lai và thiệt hại trong hiện tại, v.v... Nhưng loại chiến lược này có vẻ như hiệu quả hơn chiến lược ăn miếng trả miếng khi đặt trong thế giới thực không hoàn hảo như của chúng ta đây.
Nguyên tắc quan trọng cần nhớ là khi hiểu nhầm có khả năng xảy ra, bạn không nên trừng phạt mọi gian dối bạn nhìn thấy. Bạn cần phải đoán xem liệu có phải có sự hiểu nhầm ở đây hay không, kể cả từ phía bạn cũng như từ phía đối tác. Sự khoan dung vượt mức này cho phép những người khác có thể chơi gian với bạn thêm một chút. Nhưng nếu họ lừa bạn thì thiện chí của họ đã hết. Khi những hiểu nhầm cuối cùng nảy sinh, bạn sẽ không còn đủ kiên nhẫn để bỏ qua nữa. Chủ nghĩa cơ hội phía bên đối tác của bạn sẽ tự làm hại chính mình.
8. Bài tập tình huống số 4
CUỘC ĐỐI ĐẦU GIỮA QUỐC HỘI VÀ CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG
Quốc hội Mỹ và Cục dự trữ liên bang (viết tắt là FED) thường bất đồng với nhau xung quanh chính sách kinh tế. Để giải thích vì sao xung đột lại nảy sinh và nó thường dẫn đến đâu, chúng tôi sẽ trình bày một phân tích xung đột theo kiểu Lý thuyết trò chơi của nhà kinh tế học trường tổng hợp Princeton là Alan Blinder7. Hai cơ quan này có quyền lực riêng rẽ và khá độc lập với nhau trong việc đưa ra các chính sách kinh tế. Chính sách tài khóa (thuế và chi tiêu) thuộc trách nhiệm của Quốc hội, còn chính sách tiền tệ (cung tiền và lãi suất) thuộc trách nhiệm của FED. Mỗi bên đều có thể triển khai các chính sách của mình theo mô hình mở rộng hoặc thắt chặt. Chính sách tài khóa mở rộng hàm ý mức chi tiêu cao và thuế thấp; điều này làm giảm thất nghiệp nhưng tiềm ẩn rủi ro về lạm phát. Chính sách tiền tệ mở rộng có nghĩa là lãi suất thấp và do đó các điều kiện vay tiền sẽ dễ dàng hơn, tuy nhiên, một lần nữa rủi ro lạm phát cũng tiềm ẩn trong đó.
7 Bài tập tình huống này tóm tắt bài tham luận của ông Các vấn đề trong việc phối kết hợp các chính sách tiền tệ và tài khóa trong chuyên san Các vấn đề tiền tệ thập kỷ 80 (Kansas: Ngân hàng dự trữ liên bang Kansas, 1983)
Hai cơ quan này còn phát triển một cách riêng rẽ những ưu tiên về các kết quả kinh tế. Cử tri thích nhận phúc lợi từ chi tiêu của chính phủ, chẳng hạn như mua nhà trợ cấp, và không muốn phải trả thuế. Quốc hội trả lời bằng cách ưu tiên các chính sách mở rộng, trừ khi lạm phát rõ ràng là không tránh khỏi và khá nghiêm trọng. Ngược lại, FED có một quan điểm dài hạn hơn và cho rằng lạm phát là vấn đề quan trọng hơn; do vậy họ thiên về các chính sách thắt chặt.
Vào các năm 1981-1982, Quốc hội không còn coi lạm phát là rủi ro lớn nữa. Họ cảm thấy nền kinh tế đủ sức cho phép có một chính sách tài khóa mở rộng và muốn FED tạo điều kiện bằng việc theo đuổi chính sách tiền tệ mở rộng. Nhưng FED dưới thời của Paul Volcker sợ rằng điều này sẽ chỉ châm ngòi cho lạm phát. Ưu tiên số 1 của FED là khi cả hai chính sách tài khóa và tiền tệ đều là các chính sách thắt chặt. Điều là tối ưu đối với Quốc hội có vẻ lại là dở nhất đối với FED và ngược lại.
Các mối quan tâm của Quốc hội và FED thực ra không hoàn toàn đối ngược. Trong cuộc tìm kiếm sự thỏa hiệp, hai bên đã tranh cãi về những ưu điểm tương đối khi kết hợp một chính sách mở rộng với một chính sách thắt chặt. Bất kỳ cách nào để pha trộn các chính sách cũng gây ra tác động như nhau đối với tình trạng việc làm và lạm phát nói chung, nhưng lại gây ra các tác động khác nhau đối với các khía cạnh quan trọng khác. Mở rộng tài khóa trong khi thắt chặt tiền tệ sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách nặng nề hơn và lãi suất cao hơn do nhu cầu bù đắp khoản thâm hụt trên sẽ đi ngược lại việc thắt chặt đồng tiền. Lãi suất cao sẽ gây tổn hại đặc biệt nặng nề đến các lĩnh vực quan trọng như công nghiệp ôtô và xây dựng. Vốn tư bản nước ngoài sẽ đổ vào do được khuyến khích bởi mức lãi suất cao. Đồng đô la sẽ lên giá và khả năng cạnh tranh của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
Thắt chặt tài khóa cùng với mở rộng tiền tệ sẽ đưa đến tác động ngược lại: Lãi suất thấp và đồng đô la giảm giá khuyến khích các ngành công nghiệp ô tô và xây dựng, giúp cho hàng hóa thương mại của Mỹ trở nên cạnh tranh hơn. Cả Quốc hội lẫn FED đều đặt ưu tiên cho kiểu kết hợp chính sách thứ hai này so với kiểu thứ nhất.
Bạn sẽ tiên đoán như thế nào trong tình huống này? Bạn phán đoán kết cục sẽ là gì? Bạn sẽ đưa giải pháp gì để cải cách quá trình lập chính sách?
THẢO LUẬN
Đây chính là nghịch cảnh người tù. (Nếu không thì tình huống này đã chẳng nằm ở chương này, phải không bạn?) Hãy để Quốc hội và FED liệt kê ra bốn kiểu kết hợp chính sách có thể, số 1 là khả năng tốt nhất còn số 4 là dở nhất cho mỗi tình huống. Khi đó chúng ta sẽ có bảng sau:
Chi tiêu mức cao là đối với Quốc hội; còn đối với FED, đó là tiền tệ thắt chặt. Khi cả hai đều suy nghĩ theo cách này và mỗi bên đều lựa chọn chiến lược ưu tiên của riêng mình, kết quả sẽ là thâm hụt ngân sách và tiền tệ thắt chặt. Điều này đã xảy ra chính xác như vậy vào những năm 1980. Nhưng ở đây có thể có một kết cục khá hơn cho cả hai, đó là thặng dư ngân sách với tiền tệ nới lỏng.
Điều gì ngăn cản hai bên đạt được kết quả mà họ mong muốn?
Câu trả lời một lần nữa nằm trong sự phụ thuộc lẫn nhau của các quyết định. Kết cục cùng mong đợi sẽ đến khi mỗi bên chọn chiến lược xấu hơn cho bản thân. Quốc hội cần phải hạn chế chi tiêu để đạt được một ngân sách cân bằng. Nếu họ làm như vậy, có gì bảo đảm là FED sẽ không trả lời bằng thắt chặt cung tiền tệ? Quốc hội biết rằng FED bị lôi cuốn bởi cơ hội chuyển sang thắt chặt cung tiền tệ để đạt được kết quả lý tưởng cho mình, điều này sẽ dẫn đến kết cục xấu nhất có thể đối với Quốc hội. Quốc hội không tin rằng FED có thể kiềm chế được trước sự lôi cuốn này. Chính là sự bất lực của hai bên để đưa ra những lời hứa đáng tin cho nhau đã khóa các đối thủ trong một kết cục mà cùng nhau họ đáng lẽ đã có thể cải thiện nó hơn nhiều.
Chúng ta có thể gợi ý cách thoát ra khỏi nghịch cảnh này không? Hai bên đang có một quan hệ đang tiếp diễn và sự hợp tác có thể xuất hiện trong trò chơi có nhiều lần chơi lặp lại. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nếu những người chơi đặt một sức nặng đủ lớn vào lợi ích trong tương lai; Các nghị sĩ Quốc hội những người phải chạy đua cho cuộc bầu cử lại 2 năm một lần sẽ thấy khó khăn khi phải hành động với những toan tính quá xa như vậy.
Hãy để chúng tôi thử một cách khác. Cục dự trữ liên bang FED bản thân nó là do Quốc hội lập ra. Ở hầu hết các quốc gia, Chính phủ (Bộ Tài chính) gần như kiểm soát toàn bộ Ngân hàng Trung ương. Nếu như điều này là đúng ở Mỹ thì Quốc hội có thể áp đặt chính sách tiền tệ mở rộng đối với FED và nhận được kết cục họ muốn có nhất. Tất nhiên những người chia sẻ mối quan ngại về lạm phát với FED sẽ cảm thấy điều này là đáng hối tiếc.
Đây có vẻ như là một tình huống mà không có chiến thắng: sự phối kết giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ cũng chẳng khác gì chiến thắng của các mục tiêu chính trị thiển cận của Quốc hội, Tuy nhiên, các tấm séc và cán cân do một cục dự trữ quốc gia hành động độc lập đưa ra sẽ dẫn đến tình huống kiểu nghịch cảnh người tù. Có lẽ giải pháp sẽ là để cho FED lựa chọn về mức chi tiêu và thuế, trong khi Quốc hội sẽ quyết định mức cung tiền chăng?