“Chúng ta phải tổ chức một cuộc chiến thật khốc liệt. Kẻ thù đừng hòng đặt được tay lên dù chỉ miếng bánh, lít dầu nào. Các nông trang phải lùa đàn gia súc của mình ra khỏi đây và nhổ toàn bộ cây lương thực lên. Cái gì không thể lấy đi thì hãy tiêu huỷ. Các cây cầu và các con đường phải được gài mìn. Rừng và các kho hàng phải đốt toàn bộ. Chúng ta phải tạo ra những điều kiện không thể chịu nổi cho kẻ thù” - Joseph Stalin, tuyên bố về cuộc phòng thủ “vườn không nhà trống” chống quân phát xít, ngày 3 tháng 7 năm 1941.
Ngày nay, chiến dịch của Stalin vẫn tiếp tục sống trên những chiến trường do các công ty kiểm soát. Khi Western Pacific dự định thôn tính nhà in Houghton Mifflin, nhà in này trả lời bằng việc đe dọa sẽ giải tán các tác giả cộng tác viên của mình. John Kenneth, Galbraith, Archibald MacLeish, Arthur Schlesinger Jr. và nhiều tác giả sách giáo khoa nổi tiếng khác đe dọa sẽ tìm nhà in khác để cộng tác nếu Houghton Mifflin bị mua lại. “Khi Chủ tịch Western Pacific là Howard (Mickey) Newman nhận được vài lá thư đầu tiên từ các tác giả, ông ta cho đó là chuyện nực cười và gọi đó là “một âm mưu có sắp đặt”. Khi ông ta bắt đầu nhận được ngày càng nhiều thư hơn, ông ta mới dần nhận ra rằng “ta chuẩn bị mua công ty này và ta sẽ chẳng nhận được gì hết”1. Western Pacific rút khỏi ý định mua lại và Houghton Mifflin tiếp tục hoạt động như một nhà in độc lập.
1 Tổ chức đầu tư (6/1979).
Chiến lược kiểu như vậy không phải bao giờ cũng có kết quả. Khi Rupert Murdoch quan tâm đến việc thôn tính tạp chí New York, ban điều hành tạp chí khi đó cũng đã lên kế hoạch chống lại ông ta. Nhiều nhà báo nổi tiếng của tạp chí đã đe dọa bỏ tạp chí nếu Murdoch giành quyền kiểm soát ở đó. Nhưng Murdoch không nản chí. Ông ta vẫn mua lại New York. Các nhà báo bỏ đi. Nhưng những người làm quảng cáo thì ở lại. Và Murdoch đã có được cái ông ta tìm kiếm. Các nhà báo đã đốt nhầm đồng cỏ. Để chiến lược vườn không nhà trống có hiệu quả, bạn phải tiêu hủy những gì kẻ xâm lược cần nhưng đó có thể không phải là cái mà những người chủ sở hữu hiện tại đang đánh giá cao.
Chúng tôi không gợi ý bất kỳ một sự tán đồng về mặt đạo đức nào đối với những chiến thuật như vậy cũng như các kết cục của nó, dù chúng thành công hay không. Chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra những tình huống khi xã hội sẽ muốn ngăn chặn những sự phá hoại vô ích. Mục đích của chúng tôi là giải thích bản chất của các chiến lược này để bạn có thể sử dụng nó hoặc ngăn chặn nó tốt hơn.
Sự phòng ngự kiểu vườn không nhà trống chỉ là một ví dụ của thứ công cụ mà các nhà lý thuyết trò chơi gọi là các bước đi chiến lược2. Một bước đi chiến lược được thiết kế để làm thay đổi suy nghĩ và hành động của những người khác theo hướng có lợi cho bạn. Đặc điểm của các bước đi là để hạn chế một cách có mục đích sự tự do trong hành động của bạn. Điều này có thể được làm một cách vô điều kiện, thí dụ một ứng cử viên Tổng thống có thể cam kết sẽ không tăng thuế trong nhiệm kỳ. Hoặc sự tự do có thể bị hạn chế bởi vì bước đi chiến lược đã quy định về quy tắc đối phó trong những tình huống khác nhau. Chẳng hạn, nhiều bang có luật bắt buộc phải có bản án với những tội phạm có vũ trang; những đạo luật như vậy nhằm mục đích hạn chế quyền tự do phán xét của toà.
2 Thuật ngữ này và hầu hết các phân tích được Thomas Schelling đưa ra lần đầu tiên trong cuốn Chiến lược của xung đột (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1960).
Bạn có thể nghĩ rằng sẽ luôn tốt hơn nếu để mở các lựa chọn. Nhưng trong lĩnh vực Lý thuyết trò chơi, điều này không còn đúng nữa. Sự thiếu tự do của bạn có một giá trị chiến lược. Nó làm thay đổi kỳ vọng của những người chơi khác về câu trả lời của bạn trong tương lai và bạn có thể biến điều này thành lợi thế cho mình. Những người khác biết rằng khi bạn được tự do hành động, bạn cũng được tự do để đầu hàng. Theo lời của Oscar Wilde thì: “Tôi có thể kiềm chế mọi thứ trừ sự cám dỗ”3.
3 Oscar Wilde, Chiếc quạt của bà Windermere (London: Methuen, 1909).
1. Các bước đi vô điều kiện
Hãy tưởng tượng ra cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Nhật để phát triển sản phẩm ti vi có độ phân giải cao. Mặc dù Mỹ có lợi thế công nghệ, họ bị hạn chế bởi nguồn lực có hạn do ngân sách đang thâm hụt. Nhật đã sử dụng sự bất lợi này và một lần nữa đã đánh bại Mỹ. Nhưng chính bước đi chiến lược mà mới thoạt nhìn có vẻ như gây cản trở đối với Mỹ thì sau đó lại có thể làm thay đổi tất cả.
Khi không có bước đi vô điều kiện nào, Washington và Tokyo sẽ cùng đồng thời chọn chiến lược của mình. Mỗi nước sẽ quyết định giữa mức đầu tư cao hay thấp cho nghiên cứu phát triển; ở mức cao, hoạt động nghiên cứu phát triển sẽ mất ít thời gian hơn nhưng chi phí cũng cao hơn. Chúng ta sẽ mô tả điều này như một trò chơi và lập bảng thu hoạch. Mỗi bên có hai chiến lược và như vậy sẽ có bốn kết hợp có thể.
Chúng ta giả sử rằng cả hai bên đều cho rằng cuộc đua đầu tư mức cao là kịch bản xấu nhất - Nhật cho rằng như vậy bởi Mỹ có nhiều khả năng thắng trong cuộc đấu toàn lực này hơn, còn Mỹ thì lo ngại bởi chi phí quá cao. Hãy gọi đó là thu hoạch 1 cho mỗi bên. Kết quả xấu thứ hai (thu hoạch 2) đối với mỗi bên là khi họ theo đuổi mức đầu tư thấp trong khi đối phương dốc toàn lực: Điều đó cũng giống với khi bạn vẫn tiêu tiền mà hầu như không có cơ hội chiến thắng.
Kết quả tốt nhất đối với Nhật (thu hoạch 4) là khi họ theo đuổi mức đầu tư cao trong khi Mỹ theo đuổi mức thấp; có hội thành công của họ là rất cao vì vấn đề chi phí đối với họ không quan trọng. Đối với Mỹ, tình huống khả quan nhất sẽ là khi cả hai cùng đầu tư mức thấp; họ sẽ có khả năng thắng nhiều hơn ở mức thấp này.
Đầu tư mức thấp là chiến lược lấn át đối với Mỹ. Vấn đề của Mỹ là người Nhật có thể dự tính được điều này. Câu trả lời tối ưu của Nhật là theo đuổi chiến lược đầu tư mức cao. Điểm cân bằng của trò chơi nằm ở ô trên bên phải, khi thu hoạch của Mỹ là cận xấu nhất. Để cải thiện vị thế của họ, cần viện đến bước đi chiến lược.
Giả sử rằng Mỹ giành được quyền đi trước. Họ công bố nỗ lực vô điều kiện của mình trước khi người Nhật đạt đến quyết định của mình. Điều này biến trò chơi với các bước đi đồng thời thành trò chơi với các bước đi luân phiên và Mỹ là nước đi trước. Bảng của chúng ta sẽ được chuyển thành đồ thị cây.
Trò chơi này được hóa giải bằng cách nhìn xa hơn và suy luận ngược về. Nếu Mỹ theo đuổi đầu tư mức thấp, người Nhật sẽ trả lời bằng mức cao và thu hoạch của Mỹ sẽ là 2. Nếu Mỹ theo đuổi nỗ lực mức cao, người Nhật trả lời bằng mức thấp và thu hoạch của Mỹ sẽ là 3. Do vậy, Mỹ nên tuyên bố đầu tư mức cao, đoán trước được rằng Nhật sẽ trả lời bằng mức thấp. Đây sẽ là điểm cân bằng của trò chơi với các bước đi luân phiên. Nó cho Mỹ thu hoạch là 3, nhiều hơn thu hoạch 2 khi trò chơi là với các bước đi đồng thời.
Bước đi chiến lược đã mang lợi thế đến cho Mỹ chính là tuyên bố đơn phương và vô điều kiện về lựa chọn của họ. Lựa chọn này không phải là cái mà Mỹ sẽ chọn trong trò chơi đồng thời. Đây là chỗ mà tư duy chiến lược bước vào. Mỹ sẽ chẳng nhận được gì nếu tuyên bố lựa chọn nỗ lực ở mức thấp; người Nhật đằng nào cũng luôn dự tính như vậy ngay cả khi không có lời tuyên bố trên.
Để hành xử một cách chiến lược, bạn phải cam kết không theo đuổi chiến lược cân bằng trong trò chơi với các bước đi luân phiên. Bước đi chiến lược thay đổi kỳ vọng của người Nhật và do vậy làm thay đổi cả câu trả lời của họ. Một khi họ nghĩ rằng Mỹ cam kết nỗ lực mức cao, họ sẽ chọn mức thấp. Tất nhiên sau khi Nhật đã chọn con đường cho mình rồi, Mỹ tốt nhất là đổi ý và chuyển sang cũng áp dụng chiến lược mức thấp.
Điều này đặt ra một số câu hỏi: Vì sao người Nhật lại phải tin vào lời tuyên bố của Mỹ? Chẳng lẽ họ không tính đến khả năng Mỹ sẽ đổi ý hay sao? Và nếu đã tính đến điều này thì họ có nên cứ chọn nỗ lực ở mức cao hay không?
Nói cách khác, tính đáng tin cậy trong bước đi trước vô điều kiện của Mỹ là cần phải đặt câu hỏi. Nếu không đáng tin, bước đi đó sẽ chẳng có tác dụng gì. Hầu hết các bước đi chiến lược phải đối mặt với vấn đề về mức độ tin cậy. Hãy nhớ lại những ví dụ đầu chương này. Mặc dù lời cam kết của nhà chính trị gia không tăng thuế là vô điều kiện, nó không phải là không thể đảo ngược. Một khi đã trúng cử rồi, luôn có thể tìm ra những cách biện hộ để tăng thuế. Các quy tắc có điều kiện cũng có khả năng là những ngoại lệ khi thời điểm đến; bản án bắt buộc sẽ được hủy bỏ khi bác sĩ thần kinh sử dụng khẩu súng bất hợp pháp để tự vệ chống lại một bệnh nhân lên cơn loạn trí.
Để bước đi chiến lược trở nên đáng tin, bạn cần làm thêm một động tác hỗ trợ khiến cho việc đảo ngược bước đi đó là rất tốn kém, thậm chí là không thể. Tính đáng tin cậy đòi hỏi phải có cam kết đối với bước đi chiến lược. Trong trường hợp Stalin đe dọa để cho quân thù chết đói, việc đốt cháy các cánh đồng khiến cho lời đe dọa trở nên đáng tin. Trong một số trường hợp khác, vấn đề lòng tin nằm ở mức độ tác động. Tiền lệ trong hệ thống pháp luật khiến quy tắc kết án bắt buộc là đáng tin (trong hầu như mọi trường hợp); đối với những lời hứa của các chính trị gia ngoại lệ còn nhiều hơn thông lệ. Trong cuộc chạy đua với ti vi có độ phân giải cao, Mỹ có thể sẽ cam kết đặt ra một quỹ cho các công ty liên quan có thể xin tài trợ nhằm tăng độ tin cậy về nỗ lực cao cho nghiên cứu phát triển.
Các bước đi chiến lược như vậy bao gồm hai thành tố: Loạt hành động được lên kế hoạch và một cam kết khiến cho các hành động đó trở nên đáng tin cậy. Trong chương này chúng ta sẽ tập trung vào hành động. Chúng ta sẽ phân loại và giải thích các loại hành vi chiến lược khác nhau, tạm thời bỏ sang bên vấn đề làm thế nào để chúng trở nên đáng tin. Tương tự như khi nấu nướng, chương sau sẽ đưa ra những công thức để làm món cam kết. Chúng ta tiếp tục sau đây với một bảng chọn các kiểu bước đi.
2. Đe dọa và hứa hẹn
Một bước đi vô điều kiện trao cho người chơi có khả năng nắm lấy thế chủ động và đi trước một lợi thế chiến lược. Ngay cả khi bạn thực tế không đi trước, bạn cũng có thể đạt được một lợi thế chiến lược tương tự thông qua cam kết sẽ thực hiện quy tắc đối phó (response rule). Quy tắc đối phó quy định hành động của bạn như lời đáp trả bước đi của những người khác. Mặc dù bạn hành động như một người đi sau, cam kết thực hiện quy tắc đối phó cần phải có trước khi những người khác thực hiện bước đi của họ. Một phụ huynh nói với con “sẽ không có món tráng miệng nếu con không chịu ăn rau” chính là đang thiết lập quy tắc đối phó như vậy. Tất nhiên quy tắc này cần phải đã có và được thông báo rõ ràng trước khi đứa con mang món rau của nó cho chú chó ăn.
Các quy tắc đối phó rơi vào hai thể loại chung: đe dọa và hứa hẹn. Đe dọa là một quy tắc đối phó trừng phạt những người không hợp tác với bạn. Có những đe dọa mang tính ép buộc, chẳng hạn như khi bọn khủng bố bắt cóc một chiếc máy bay và thiết lập một quy tắc đối phó là các hành khách sẽ bị giết chết nếu đòi hỏi của chúng bị từ chối; và những đe dọa làm nản chí, như khi Mỹ đe dọa rằng họ sẽ trả lời bằng vũ khí hạt nhân nếu Liên Xô tấn công bất kỳ một quốc gia thành viên NATO nào. Một đe dọa ép buộc được thiết kế để khiến ai đó đến với hành động, trong khi đe dọa làm nản chí được thiết kế để ngăn cản một ai đó đến với hành động. Cả hai kiểu đe dọa này cùng có chung một đặc điểm: Đó là cả hai bên sẽ cùng chịu thiệt nếu sự đe dọa được thực hiện.
Loại quy tắc đối phó thứ hai là hứa hẹn. Đây là lời đề nghị sẽ thưởng cho ai đó vì đã hợp tác với bạn. Để tìm kiếm nhân chứng, công tố viên hứa với một người bị kiện là sẽ cho anh ta hưởng mức án khoan hồng nếu anh ta chịu đứng ra làm chứng chống lại kẻ tòng phạm với mình. Một lời hứa ép buộc được thiết kế để khiến cho ai đó thực hiện một hành động nào đó có lợi, chẳng hạn như đứng ra làm chứng trước toà. Một lời hứa làm nản chí được thiết kế để ngăn cản ai đó hành động bất lợi, chẳng hạn như khi bọn cướp hứa với nhân chứng sẽ chia phần cho anh ta nếu anh ta giữ im lặng. Cả hai kiểu hứa này cũng có một đặc điểm chung: đó là một khi hành động được thực hiện (hoặc không được thực hiện) thì người hứa sẽ có động cơ để không thực hiện lời hứa của mình.
Đôi khi sự khác biệt giữa một lời dọa dẫm và một lời hứa là không rõ ràng. Một người bạn ở New York nhận một lời hứa như sau:
Nếu cậu cho tớ “vay” 20 đô la tớ hứa sẽ không làm hại cậu. Có lẽ đây là một lời đe dọa ngầm thì phù hợp hơn, bởi vì rằng nếu người bạn của chúng ta không cho anh chàng kia vay tiền thì người bạn đó sẽ bị anh ta làm hại.
Như câu chuyện trên cho thấy, sự khác biệt giữa lời đe dọa và lời hứa phụ thuộc vào cái mà bạn gọi là hiện trạng (status quo). Một người bạn xấu dọa sẽ làm hại bạn nếu bạn không đưa cho hắn ta ít tiền. Nếu bạn không đưa, hắn sẽ bắt đầu làm hại bạn, tạo ra một hiện trạng mới và hứa sẽ dừng lại một khi bạn đưa tiền cho hắn. Một lời đe dọa ép buộc cũng giống như lời hứa làm nản chí ở sự thay đổi hiện trạng; cũng như vậy, một lời đe dọa làm nản chí và một lời hứa ép buộc chỉ khác nhau ở hiện trạng của chúng mà thôi.
3. Cảnh báo và đảm bảo
Đặc điểm chung của tất các những lời đe dọa và lời hứa là như sau: quy tắc đối phó trói buộc bạn vào lời cam kết sẽ thực hiện những hành động mà nếu không có quy tắc đó thì bạn sẽ không làm. Nếu quy tắc chỉ nói rằng bạn sẽ luôn luôn làm điều gì tốt nhất thì cũng giống như không có quy tắc nào cả. Bởi vì không có thay đổi trong kỳ vọng của những người khác về hành động trong tương lai của bạn nên quy tắc đối phó cũng chẳng gây ra một tác động nào ở đây. Tuy vậy, ít nhất ở đây có vai trò thông tin khi bạn khẳng định điều gì sẽ xảy ra mà không có quy tắc nào cả; những lời tuyên bố này được gọi là cảnh báo và bảo đảm.
Khi việc thực hiện lời đe dọa là để có lợi cho bạn, chúng ta gọi đó là cảnh báo. Chẳng hạn, nếu Tổng thống cảnh báo rằng ông ta sẽ dùng quyền phủ quyết đối với đạo luật mà ông ta không thích, đó đơn thuần chỉ là nói ra dự định của ông ta. Đó sẽ là sự đe dọa nếu mặc dù sẵn sàng ký thông qua đạo luật nhưng ông ta lại đưa ra một cam kết mang tính chiến lược rằng sẽ dùng quyền phủ quyết nó để ép Quốc hội đưa ra một điều gì đó tốt hơn.
Lời cảnh báo được sử dụng để thông báo cho những người khác về tác động của các hành động mà họ làm. Khi một người cha cảnh báo con rằng mặt bếp rất nóng, người cha đó chỉ khẳng định một sự thật chứ nó chưa phải là chiến lược.
Khi việc thực hiện “lời hứa” là có lợi cho bạn, chúng tôi gọi đó là lời bảo đảm. Đứa con bỏ qua lời cảnh báo của cha rằng mặt bếp nóng và bị bỏng sẽ bảo đảm với người cha rằng nó sẽ không bao giờ làm như thế nữa.
Chúng tôi nhấn mạnh sự khác biệt này là có lý do. Lời đe dọa và lời hứa là những bước đi chiến lược thực sự trong khi cảnh báo và đảm bảo đóng vai trò truyền thông tin nhiều hơn. Cảnh báo và đảm bảo không làm thay đổi quy tắc đối phó nhằm gây ảnh hưởng đến bên kia. Thay vào đó, bạn đơn giản chỉ thông báo cho họ biết bạn muốn trả lời họ như thế nào trên cơ sở những hành động của họ. Hoàn toàn ngược lại, mục tiêu duy nhất của một lời đe dọa hay một lời hứa là làm thay đổi quy tắc đối phó của bạn ra ngoài câu trả lời tối ưu tại thời điểm đưa ra. Điều này được làm không phải như một sự thông báo mà là để điều chỉnh. Bởi vì lời đe dọa và lời hứa chỉ ra rằng bạn sẽ hành động ngược lại với lợi ích của chính bạn nên ở đây có vấn đề về tính đáng tin cậy. Sau khi những người khác đã thực hiện bước đi của mình, bạn có động cơ để không giữ lời đe dọa hoặc lời hứa của bạn nữa. Do vậy, một cam kết là cần thiết để bảo đảm cho tính đáng tin cậy.
Chúng tôi tổng kết lại các lựa chọn cho bước đi chiến lược trong bảng dưới đây. Một bước đi vô điều kiện là một quy tắc đối phó trong đó bạn đi trước và hành động của bạn là xác định. Đe dọa và hứa hẹn sẽ nảy sinh khi bạn là người đi sau. Đó là các bước có điều kiện do câu trả lời bị chi phối bởi một quy tắc phụ thuộc vào điều mà đối phương làm.
Một bước đi chiến lược luôn luôn là hành động đón đầu.
Quy tắc đối phó đã phải có sẵn trước khi bên kia thực hiện bước đi. Điều đó có nghĩa là trò chơi sẽ luôn được phân tích như trò chơi với các bước luân phiên bất kể bước chiến lược nào được thực hiện. Khi bạn là người không khoan nhượng, những người khác sẽ đáp trả hành động vô điều kiện của bạn. Với lời đe dọa và lời hứa hẹn, trước hết bạn đặt ra quy tắc đối phó, sau đó những người khác sẽ đi bước của mình và bạn đáp lại theo quy tắc đối phó đó của mình.
Kết quả là cam kết đối với một hành động hoặc một quy tắc đối phó sẽ biến một trò chơi đáng ra sẽ là với những bước đi đồng thời thành trò chơi với những bước đi luân phiên. Mặc dù thu hoạch là không thay đổi nhưng trò chơi lần này với những bước đi đồng thời với cũng trò chơi đó lần khác với những bước đi luân phiên có thể đem đến những kết cục hết sức khác nhau. Những kết cục khác nhau này là do các quy tắc chơi khác nhau. Chúng tôi đã minh họa tác động này với bước đi vô điều kiện trong câu chuyện của hai đối thủ cạnh tranh Mỹ và Nhật; bây giờ chúng ta sẽ xem xét lời đe dọa và lời hứa trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô, sau đó sẽ là cuộc đối đầu giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.
4. Hạt nhân nản chí
Trong suốt gần 40 năm tồn tại, Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) luôn cố tìm kiếm cách để làm nản lòng bất kỳ một nỗ lực tấn công nào của Liên Xô sang Tây Âu. Sự phòng vệ thông thường của các lực lượng NATO có vẻ như sẽ không thành công. Cấu phần trước tiên trong nỗ lực ngăn chặn của NATO là dựa trên các lực lượng hạt nhân của Mỹ. Nhưng một sự đáp trả hạt nhân sẽ hủy diệt toàn thế giới. Liệu điều này sẽ có hiệu lực như thế nào?
Chúng tôi sẽ trình bày trò chơi bằng cây đồ thị. Liên Xô đi bước đầu tiên. Nếu họ không tấn công, chúng ta sẽ còn nguyên hiện trạng; điểm sẽ là 0 cho cả hai bên. Nếu họ tấn công và NATO nỗ lực phòng thủ theo cách thông thường, giả sử khi đó thu hoạch của Liên Xô sẽ là 1 trong khi của Mỹ là -1. Một sự đáp trả bằng hạt nhân sẽ mang lại điểm -100 cho cả hai bên.
Trong trò chơi này Liên Xô đã nhìn xa hơn và dự đoán rằng cuộc tấn công của họ sẽ không gây ra một sự đáp trả hạt nhân. Dù sao điều này cũng không có lợi cho nước Mỹ. Như vậy, việc tấn công sẽ cho họ lợi thế thu hoạch 1 điểm; không tấn công, thu hoạch bằng 0. Do đó họ sẽ chọn tấn công.
Nếu bạn nghĩ rằng một kịch bản như vậy khó có thể xảy ra thì các đồng minh châu Âu của Mỹ lại nghĩ rằng việc Mỹ sẽ bỏ rơi họ khi họ cần đúng như vậy là hoàn toàn có thể. Họ muốn Mỹ đưa ra cam kết một cách đáng tin cậy về một sự đáp trả hạt nhân.
Chúng tôi tạm thời sẽ để vấn đề về sự đáng tin cậy sang một bên và xem xét cơ chế để lời đe dọa có thể có tác dụng. Bây giờ Mỹ sẽ đi bước đầu tiên, chính xác là đưa ra sẵn một quy tắc đối phó. Một quy tắc thích đáng chính là lời đe dọa: “Nếu những người Xô Viết tấn công Tây Âu, câu trả lời của chúng tôi sẽ là bom hạt nhân”. Nếu Mỹ không đưa ra một lời đe dọa như vậy thì phần còn lại của trò chơi sẽ được giải như trước. Với lời đe dọa đã có, lựa chọn phòng ngự thông thường không còn nữa. Toàn bộ cây trò chơi sẽ có hình như sau:
Một khi đã có lời đe dọa của Mỹ, Liên Xô nhìn xa hơn và nhận ra rằng cuộc tấn công sẽ gặp phải sự đáp trả bằng hạt nhân và kết quả sẽ là thu hoạch -100 cho Liên Xô. Họ chọn giữ nguyên hiện trạng (không làm gì) và không tấn công nữa. Bây giờ thì Mỹ trong bước đi đầu tiên của mình sẽ nhìn thấy trước tất cả những điều đó và thấy rằng họ sẽ có thu hoạch 0 với lời đe dọa và thu hoạch 1 nếu không có lời đe dọa đó. Do vậy lợi ích của Mỹ sẽ sai khiến để đưa ra lời đe dọa.
Một lần nữa hãy để ý rằng quy tắc đối phó của Mỹ đòi hỏi họ phải làm điều không phải là câu trả lời tối ưu của họ khi thực hiện nó. Mục đích chiến lược chính là nằm ở đây:
Bằng việc thay đổi cảm nhận của Liên Xô về câu trả lời của Mỹ sau sự kiện, Mỹ đã có thể thay đổi chính “sự kiện” - đó là quyết định của Liên Xô về việc có xâm lược các nước Tây Âu không.
Quy tắc này cần phải đã có sẵn trước khi đối phương thực hiện hành động mà bạn muốn gây ảnh hưởng. Sau sự kiện, dù là bước đi vô điều kiện, lời đe dọa hay lời hứa cũng đều không còn ý nghĩa gì nữa.
Bước đi đầu tiên này cần phải hoặc được quan sát thấy, hoặc suy luận ra, nếu không thì bạn không thể sử dụng nó để gây ra một tác động chiến lược. Trong bộ phim Dr. Strangelove, Liên Xô lắp đặt hệ thống ngăn chặn phát hiện tên lửa của mình ngày thứ Sáu nhưng chậm đến mãi thứ Hai mới thông báo cho Mỹ. Trong hai ngày cuối tuần, Tướng không quân Mỹ Jack D. Ripper ra lệnh cho phi đội máy bay của mình tung ra một đợt tấn công hạt nhân. Hệ thống ngăn chặn đã thất bại bởi nó không được quan sát thấy.
Tính có thể quan sát được không cần phải là trực tiếp như người ta tưởng. Có thể không nhất thiết phải quan sát tận mắt hành động của người khác nếu hành động đó có thể suy đoán từ hậu quả. Nếu tôi bị dị ứng với các loài giáp xác, tôi có thể nói rằng bạn đã nấu món ăn với tôm ngay cả khi tôi không vào bếp4.
4 Việc bỏ phiếu kín là để giúp những người bỏ phiểu khỏi chịu áp lực theo cách này. Nhưng một lần nữa, sự suy luận sẽ làm công việc của mình không cần đến sự quan sát thực tế. Việc tôi có thể quan sát được anh đã đi là chưa đủ; tôi còn phải có khả năng luận giải bước đi của anh là gì. Mặc dù lá phiếu của tôi có thể là bí mật khi nó được bỏ vào hòm phiếu, kết quả bầu cuối cùng là không thể giữ bí mật. Nếu ứng cử viên đã đút lót cho 100 người và chỉ nhận được 47 phiếu bầu, anh ta sẽ biết rằng ai đó (thực tế là có những 53 người) đã chơi xỏ mình. Nếu anh ta trừng trị cả 100 người mà anh ta đã đút lót thì trong quá trình đó, anh ta thế nào cũng sẽ bắt trúng người. Mặc dù không thật sắc bén nhưng kỹ thuật này có thể phá vỡ tính bí mật của hòm phiếu khi cuộc bầu cử chỉ có một số ít người bỏ phiếu (trong mỗi tiểu khu).
Cũng giống như bước đi vô điều kiện của bạn phải được nhìn thấy nếu nó là để gây ảnh hưởng đến đối thủ của bạn, hành động của đối thủ cũng phải có thể quan sát thấy nếu bạn dự định gây ảnh hưởng đến chúng bằng lời đe dọa hoặc lời hứa. Nếu không, bạn sẽ không thể kiểm tra được sự phục tùng của anh ta và anh ta cũng sẽ biết điều đó.
Bây giờ khi bạn đã nhìn thấy các bước đi đáng tin vô điều kiện và lời đe dọa có tác động như thế nào, bạn sẽ có khả năng phân tích hầu hết tất cả các tình huống đơn giản loại này mà không cần phải vẽ chi tiết một cây trò chơi. Suy luận nhẩm thường đã là đủ ở đây. Còn nếu cảm thấy chưa đủ và bạn nghi ngờ liệu việc lập luận miệng suông có thể bao quát hết các trường hợp được không, bạn luôn có thể kiểm tra việc suy luận bằng cách vẽ một đồ thị cây.
5. Các chiến lược của thời điểm
Năm 1981, Ronald Reagan được bầu làm Tổng thống mới với số phiếu ủng hộ rất cao. Nhưng liệu ông ta có thể thực hiện được ý định cải cách thuế của mình thông qua Quốc hội được không? Những vạch đấu đã được vẽ ra trong cuộc chiến xung quanh đề xuất ngân sách đầu tiên của ông ta. Những người Dân chủ muốn Reagan nhân nhượng và hy sinh một phần trong chương trình cắt giảm thuế để giảm bớt thâm hụt ngân sách. Những người Cộng hòa thì lại muốn có một nền kinh tế hướng cung. Kết cục cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc hai bên chơi trò chơi này như thế nào.
Ở Thượng viện, Đảng Dân chủ ủng hộ ngân sách của Reagan với hy vọng sẽ lôi kéo được một số thành viên Đảng Cộng hòa thỏa hiệp để có được một sự ủng hộ của cả hai đảng. Nhưng những người Cộng hòa rất cứng rắn với kế hoạch ban đầu. Do vậy, vấn đề được chuyển sang Hạ viện. Liệu có chiến lược nào tốt hơn cho những người Dân chủ ở đây hay không?
Leonard Silk dành hai cột trong tờ NewYork Times để trình bày một cách ngắn gọn các khả năng chiến lược có thể5. Theo cách ông ta mô tả các cuộc thương lượng thì mỗi đảng đều có hai lựa chọn và như vậy sẽ có bốn kết cục có thể xảy ra. Chúng tôi vẽ lại bảng trò chơi của Silk dưới đây.
5 Bối cảnh kinh tế, tờ New York Times 10/4/1981, trang D2 và 15/4/1981, trang D2.
Bảng xếp hạng các kết cục đối với các phe (Dân chủ, Cộng hòa)
Phe Dân chủ cho rằng kết cục tốt nhất là khi họ công kích Reagan và phe Cộng hòa phải nhân nhượng, bởi phe Dân chủ khi đó có thể tăng uy tín trong lĩnh vực tài khóa khi thực thi một ngân sách có lợi cho họ. Đối với phe Cộng hòa, kết cục tốt nhất nằm ở góc trên bên trái, khi ngân sách của Reagan nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng. Khi phe Dân chủ công kích, còn phe Cộng hòa giữ vị thế cứng rắn thì kết quả sẽ rơi vào thế bế tắc và cả hai bên cùng chịu thiệt. Phe Dân chủ sẽ sẵn sàng giảm nhẹ sự công kích của mình nếu phe Cộng hòa nhân nhượng; khi đó cả hai bên sẽ cùng đạt được kết cục tốt thứ hai cho mình.
Vấn đề chính của phe Dân chủ là phe Cộng hòa đang có một chiến lược lấn át: Đó là ủng hộ tuyệt đối Reagan. Nếu phe Dân chủ ủng hộ Reagan về cơ bản thì phe Cộng hòa sẽ ủng hộ tuyệt đối ông ta để giữ vững kết quả tốt nhất cho họ. Nếu phe Dân chủ công kích Reagan thì phe Cộng hòa sẽ phải ủng hộ Reagan để tránh rơi vào kết cục xấu nhất. Dù phe Dân chủ làm gì đi nữa thì việc phe Cộng hòa ủng hộ tuyệt đối Reagan cũng là một chiến lược tốt hơn cho họ6.
6 Thêm vào đó, Silk còn nhận thấy rằng ủng hộ Reagan tuyệt đối còn cho những người Cộng hòa có được một vị thế tốt hơn so với những người Dân chủ bất kể phe Dân chủ chọn chiến lược nào. Trong ô trên bên trái, vị trí thứ 1 của đảng Cộng hòa là tốt hơn vị trí thứ 3 của Đảng Dân chủ trong khi ở ô dưới bên trái, vị trí 3 của Đảng Cộng hòa vẫn tốt hơn vị trí thứ 4 của Đảng Dân chủ. Như vậy là Đảng Cộng hòa luôn vượt lên trên. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói trong Chương 2, mỗi người chơi cần cố gắng tối đa hóa vị trí của chính mình mà không tính đến rốt cuộc ai sẽ là người đứng trên. Ý nghĩa đúng đắn của sự lấn át là một chiến lược giúp bạn nhiều hơn các chiến lược khác chứ không phải là giúp bạn vượt trên đối thủ. Trong chừng mực những người chơi quan tâm đến vị trí tương đối của mình, điều này phải được bao gồm trong bảng xếp hạng thu hoạch ở trên rồi.
Như vậy, chiến lược của Đảng Cộng hòa có thể dễ dàng đoán ra. Phe Dân chủ cần phải trù tính rằng phe Cộng hòa sẽ ủng hộ Reagan một cách tuyệt đối và do vậy họ sẽ chọn làm điều tốt nhất cho mình khi đó là ủng hộ Reagan về cơ bản. Đây chính là điều đã xảy ra ở Thượng viện.
Cho đến giờ thì kết cục là hết sức có lợi cho phe Cộng hòa. Để cải thiện vị thế của mình, phe Dân chủ cần phải đi thêm một bước đi chiến lược nào đó. Họ cần phải biến tình huống thành trò chơi với những bước đi luân phiên, đi trước và để cho phe Cộng hòa đáp trả lại chiến lược của họ7. Chúng ta sẽ xem đe dọa, hứa hẹn và các bước đi khác sẽ làm thay đổi cục diện theo hướng có lợi cho phe Dân chủ như thế nào.
7 Bởi vì những người Cộng hòa đã ở kết cục ưu tiên nhất rồi nên họ không thể làm gì để cải thiện hơn nữa vị trí của mình. Mục tiêu của họ đơn thuần chỉ là giữ nguyên hiện trạng. Mối quan tâm của họ là ngăn cản phe Dân chủ thực hiện bước đi chiến lược có thể khiến thay đổi cục diện trò chơi.
Không có một chiến lược cơ bản nào có vẻ có tác dụng đối với phe Dân chủ. Các bước đi vô điều kiện, những lời hứa, thậm chí lời đe dọa cũng thất bại. Chỉ có sự kết hợp giữa lời đe dọa và lời hứa hẹn có thể khiến phe Cộng hòa phải nhân nhượng.
Vấn đề với bước đi vô điều kiện là nó không làm ảnh hưởng gì đến vị thế của phe Cộng hòa. Phe Dân chủ hiện tại đang được chờ đợi sẽ ủng hộ Reagan. Cam kết rằng họ sẽ hành động như vậy không làm thay đổi suy nghĩ của những người Cộng hòa và do đó sẽ đưa đến cùng một kết cục. Khả năng chiến lược duy nhất đối với phe Dân chủ là công kích Reagan một cách vô điều kiện. Trong trường hợp này, họ có thể nhìn xa hơn và suy luận ngược về rằng phe Cộng hòa sẽ vẫn đáp trả bằng việc ủng hộ tuyệt đối Reagan (bởi vì đây là chiến lược lấn át của họ). Nhưng sự kết hợp giữa một bên là phe Dân chủ công kích Tổng thống trong khi phe Cộng hòa ủng hộ tuyệt đối sẽ đưa lại một kết cục còn xấu hơn cho phe Dân chủ so với khi cả hai bên cùng ủng hộ Tổng thống.
Phe Dân chủ muốn đẩy phe Cộng hòa chuyển từ ủng hộ Reagan tuyệt đối sang thỏa hiệp. Do đó, họ có thể hứa sẽ ủng hộ Reagan nếu phe Cộng hòa đồng ý thỏa hiệp8. Nhưng một lời hứa như vậy sẽ không giúp được gì cho họ cả. Phe Cộng hòa biết rằng nếu họ bỏ qua lời hứa và cứ ủng hộ Reagan tuyệt đối thì câu trả lời tốt nhất của phe Dân chủ khi đó cũng vẫn là ủng hộ Reagan. Tác động của lời hứa từ phe Dân chủ là cuối cùng họ sẽ ủng hộ Reagan vô điều kiện. Những người Cộng hòa đánh giá cao động thái đó và họ tiếp tục ủng hộ Reagan tuyệt đối, bằng cách đó duy trì kết cục tốt nhất cho mình. Lời hứa ở đây là vô giá trị. Phe Cộng hòa có thể an tâm bỏ qua nó.
8 Nếu những người Cộng hòa đồng ý, phe Dân chủ sẽ có động cơ để bội ước. Lời hứa như vậy phải làm sao để không thể đảo ngược lại để nó có tác dụng.
Phe Dân chủ chỉ có một lời đe dọa mà họ có thể sử dụng để ngăn cản sự ủng hộ tuyệt đối của phe Cộng hòa đối với Reagan. Họ có thể đe dọa sẽ công kích Reagan nếu phe Cộng hòa ủng hộ Tổng thống tuyệt đối. Nhưng lời đe dọa thôi chưa đủ. Tác động của lời đe dọa là phe Dân chủ đã cam kết công kích Reagan vô điều kiện. Nếu phe Cộng hòa ủng hộ Tổng thống, phe Dân chủ sẽ thực hiện lời đe dọa của mình và công kích Reagan; nếu phe Công hòa thỏa hiệp, phe Dân chủ sẽ được lợi nhất khi họ công kích Reagan. Bởi phe Dân chủ sẽ luôn công kích Reagan bất kể phe Cộng hòa như thế nào nên phe Cộng hòa sẽ ủng hộ tuyệt đối Reagan, nghĩa là chọn khả năng tốt hơn trong hai khả năng còn lại.
Lời hứa kết thúc với kết quả tương đương với sự ủng hộ vô điều kiện của phe Dân chủ đối với Reagan, trong khi lời đe dọa cho kết quả tương tự như khi phe Dân chủ công kích Reagan vô điều kiện. Cả hai đều không có tác dụng làm thay đổi hành động của phe Cộng hòa.
Nếu phe Dân chủ kết hợp lời hứa với lời đe dọa, họ sẽ đạt được một kết quả tốt hơn cho mình. Họ có thể hứa sẽ ủng hộ Reagan nếu phe Cộng hòa thỏa hiệp và đe dọa sẽ công kích Regan nếu phe Cộng hòa ủng hộ tuyệt đối kế hoạch ngân sách của Tổng thống. Chiến lược này sẽ giúp đạt được mục tiêu của phe Dân chủ. Với cả lời hứa lẫn lời đe dọa có sẵn đó, phe Cộng hòa sẽ đứng giữa lựa chọn hoặc thỏa hiệp và được phe Dân chủ ủng hộ phần lớn kế hoạch của Tổng thống, hoặc ủng hộ tuyệt đối và do đó sẽ khiêu khích phe Dân chủ công kích Tổng thống. Giữa hai lựa chọn như vậy, họ sẽ chọn thỏa hiệp.
Điều đã diễn ra trên thực tế là phe Cộng hòa ủng hộ tuyệt đối kế hoạch của Tổng thống ở cả Thượng viện và Hạ viện. Những người phe Dân chủ ở Thượng viện đi theo phe Cộng hòa. Tại Hạ viện, sự chống cự ban đầu nhanh chóng chuyển thành chiến lược thứ ba: Họ khiến Reagan không thể tự do hành động trong trò chơi giảm thuế. Kết quả là cả hai đảng đã giảm thuế theo kiểu “Cây thông Noel” (hàm ý chỉ có tác dụng trong một thời gian rất ngắn - ND). Các dự thảo luật kinh tế cho vấn đề này vừa đúng đến hạn phải đưa ra thông qua và các cuộc thương thảo nhằm thoát ra khỏi thế khó khăn được phát triển thành những trò chơi chiến lược mới.
6. Các bước đi chiến lược khác
Ngoài ba bước đi chiến lược cơ bản trên bạn còn có nhiều lựa chọn phức tạp hơn nữa. Thay vì xác lập quy tắc đối phó một cách trực tiếp, bạn có thể để cho một ai đó nữa sử dụng lợi thế từ một trong các chiến lược này một cách có chủ đích. Ở đây có ba lựa chọn là:
• Bạn có thể để cho ai đó thực hiện một bước đi vô điều kiện trước khi bạn đáp trả;
• Bạn có thể chờ lời đe dọa đưa ra trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào.
• Bạn có thể chờ cho lời hứa được đưa ra trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào.
Chúng ta đã thấy những ví dụ trong đó bên nào có thể đi trước còn làm được tốt hơn bằng cách từ bỏ hoặc nhường lại quyền lựa chọn đó và để cho bên kia thực hiện một bước đi vô điều kiện. Điều này đúng trong tất cả các trường hợp khi đi theo tốt hơn là đi trước, như trong các câu chuyện về giải đua thuyền Cúp châu Mỹ và trò cá cược ở trường Cambridge. Trong khi từ bỏ thế chủ động có thể trở thành lợi thế, đây không phải là một nguyên tắc chung. Đôi khi mục tiêu của bạn là ngăn cản không cho đối phương đưa ra một cam kết vô điều kiện. Nhà chiến lược quân sự Trung Quốc - Tôn Tử đã viết: “Khi anh bao vây kẻ thù, hãy để chừa lại một lối thoát”9. Khi để chừa lại một lối thoát, kẻ thù có thể cho rằng đó là con đường an toàn. Nếu không còn đường thoát, chúng sẽ đánh trả với sự dũng mãnh của một kẻ liều lĩnh đến tuyệt vọng. Tôn Tử đã chủ ý tước khỏi kẻ thù cơ hội đưa ra một cam kết hết sức đáng tin cậy về một cuộc chiến cảm tử.
9 Bản dịch Tôn Tử của Lionel Giles. Tôn Tử nói về nghệ thuật chiến tranh.
Để người khác đe dọa bạn không bao giờ là lợi thế. Bạn luôn có thể làm điều mà họ muốn bạn làm không cần đến lời đe dọa. Việc họ có thể làm bạn thiệt hơn nếu bạn không hợp tác cũng không giúp được gì, bởi nó hạn chế các khả năng lựa chọn của bạn. Tuy nhiên nhận định này chỉ đúng khi chỉ có một mình lời đe dọa là có thể. Nếu bên kia có thể đưa ra cả lời đe dọa và lời hứa hẹn thì trong cả hai bạn đều có thể có cách để có lợi hơn.
7. Dùng búa tạ đập hạt dẻ?
Một điều rõ ràng là khi bạn đưa ra lời hứa, bạn không nên hứa quá mức cần thiết. Nếu lời hứa thực sự có ảnh hưởng đến hành vi của bên kia, bạn phải dự tính sẽ thực hiện lời hứa của mình. Điều này cần phải được làm sao cho càng ít tốn kém càng tốt, nghĩa là bạn chỉ hứa ở mức tối thiểu cần thiết mà thôi.
Đối với lời đe dọa thì điều này khó hơn. Bạn không cần phải đe dọa ai đó nhiều hơn mức cần thiết. Nhưng lý do ở đây lại tế nhị hơn.
Vì sao Mỹ lại không đe dọa tấn công người Nhật bằng quân sự khi họ không đồng ý nhập khẩu nhiều gạo, thịt bò và cam hơn từ Mỹ?10 Ý tưởng này có thể là hấp dẫn đối với một số chủ trang trại Mỹ và một số chính trị gia. Nhưng ở đây có một số lý do thuyết phục để chống lại.
10 Thực tế, một lời đe dọa kiểu như vậy đã được sử dụng vào năm 1853. Những chiếc tàu chiến đen của Đô đốc Mathew C. Perry đã thuyết phục được tướng Nhật mở cửa thị trường Nhật cho thương mại từ Mỹ. Ngày nay, người Nhật vẫn mô tả áp lực quá mức của Mỹ đòi mở cửa các thị trường Nhật như “những con tàu chiến đen thứ hai”.
1. Sẽ chẳng có ai tin vào lời đe dọa và do vậy, nó sẽ không có tác dụng.
2. Ngay cả khi lời đe dọa có tác dụng, người Nhật sáng suốt cũng có thể muốn kiểm chứng lại xem liệu Mỹ có thực là đồng minh tốt của họ hay không?
3. Nếu người Nhật không nhập khẩu nhiều cam hơn từ Mỹ và phía Mỹ thực hiện lời đe dọa của mình, các nước còn lại trên thế giới và đặc biệt Nhật sẽ trừng phạt Mỹ bởi biện pháp họ lựa chọn là không phù hợp. Nhưng nếu Mỹ không thực hiện lời đe dọa của mình thì uy tín của họ sẽ bị ảnh hưởng. Cách này hay cách khác, Mỹ đều thua thiệt.
4. Sự đe dọa làm giảm tính minh bạch trong vấn đề gốc bằng việc đưa ra vấn đề quân sự không hề liên quan đến vấn đề gốc.
Bản chất của tất cả các điểm nêu trên là sự đe dọa quá lớn để được coi là đáng tin cậy, quá tốn kém để có thể thực hiện và quá nghiêm trọng để có thể đặt cược cả uy tín vào đó.
Thực ra mối quan ngại đầu tiên của người chơi khi đưa ra lời đe dọa là ngược lại - lời đe dọa phải đủ mạnh để đạt được sự nản chí hoặc sự ép buộc mong muốn. Điều quan trọng tiếp theo là tính đáng tin cậy, sao cho đối phương tin rằng nếu họ bất chấp lời đe dọa thì họ sẽ phải chịu những hậu quả đã được báo trước. Trong bối cảnh lý tưởng thì chẳng có gì đáng phải suy nghĩ. Nếu người chơi bị đe dọa biết được và lo sợ hậu quả xảy ra khi bất chấp lời đe dọa đó thì anh ta sẽ tuân thủ. Hành động đe dọa sẽ không bao giờ phải thực hiện đến. Vậy thì tại sao phải đắn đo chuyện lời đe dọa đáng sợ đến mức nào một khi nó sẽ không được thực hiện?
Điểm mấu chốt ở đây là các bối cảnh không bao giờ có thể được coi là lý tưởng theo đúng nghĩa này. Nếu chúng ta xem xét các lý do để không đưa ra lời đe dọa dùng sức mạnh quân sự trong trường hợp này, chúng ta sẽ thấy rõ thực tế khác với tình huống lý tưởng như thế nào.
Trước hết, chính động thái đưa ra lời đe dọa có thể đã rất tốn kém. Các nước, các doanh nghiệp và các cá nhân đều tham gia vào rất nhiều trò chơi và những gì họ làm ở một trò chơi này sẽ có ảnh hưởng đến tất cả các trò chơi khác. Trong tương lai, người ta sẽ luôn nhớ đến lời đe dọa quá mức này khi Mỹ giao dịch với Nhật Bản và với các nước khác. Người ta sẽ ngần ngại khi phải giao dịch với Mỹ và Mỹ sẽ bỏ lỡ những lợi ích mà thương mại và liên minh mang lại.
Thứ hai, một lời đe dọa quá mức có thể phản tác dụng ngay trong trò chơi mà nó được đưa ra áp dụng. Người Nhật sẽ vung tay lên trời với sự kinh hoàng, yêu cầu thế giới có ý kiến và những người Mỹ phải xử sự tử tế hơn, đặc biệt họ sẽ tìm cách kéo dài các cuộc thương lượng khiến cho thời gian biểu của các yêu sách mở cửa thị trường còn trở nên chậm hơn thay vì nhanh hơn.
Thứ ba, lý thuyết cho rằng một sự đe dọa thành công là sự đe dọa không bao giờ cần phải thực hiện sẽ chỉ đúng chừng nào chúng ta còn chắc chắn rằng không có một sai lầm không thể thấy trước nào xảy ra. Giả sử chúng ta đánh giá sai về sức mạnh của những người chủ trang trại ở Nhật và họ sẵn sàng để quốc gia của mình nhảy vào một cuộc chiến tranh hơn là nhìn thấy thị trường được bảo hộ của mình biến mất.
Hoặc giả dụ rằng người Nhật đồng ý với những điều kiện do Mỹ đặt ra nhưng một chỉ huy quân đội Mỹ nào đó lại hồi tưởng lại những ký ức tù binh chiến tranh và nóng lòng muốn báo thù, nhân cơ hội này tấn công luôn. Khả năng những sai lầm kiểu đó có thể xảy ra khiến người Mỹ luôn phải dừng lại một chút để suy nghĩ trước khi buộc mình vào một lời đe dọa rất ghê gớm như vậy.
Cuối cùng, cũng trên quan điểm như vậy, lời đe dọa sẽ bắt đầu mất tính đáng tin cậy chính bởi vì nó quá ghê gớm. Nếu người Nhật không tin rằng người Mỹ thực sự quyết tâm thực hiện lời đe dọa thì nó sẽ chẳng khiến họ nhụt chí đi chút nào.
Kết luận là cần phải cố gắng để có một lời đe dọa thích hợp nhất vừa đủ để làm được việc, sao cho mức độ trừng phạt phù hợp với tội lỗi. Khi Mỹ muốn khuyến khích Nhật Bản nhập khẩu nhiều cam hơn, sẽ phù hợp hơn nếu họ chỉ sử dụng lời đe dọa trả đũa. Thí dụ Mỹ có thể trả đũa Nhật Bản bằng cách giảm hạn ngạch nhập khẩu xe hơi và các sản phẩm điện tử từ Nhật Bản.
Đôi khi những lời đe dọa phù hợp là đã có sẵn. Lúc khác, chỉ có những lời đe dọa quá mức và chúng phải được làm giảm nhẹ hơn trước khi đưa ra áp dụng. Chính sách bên miệng hố chiến tranh có lẽ là công cụ làm giảm nhẹ tốt nhất kiểu này và chúng tôi sẽ giải thích nó kỹ hơn trong Chương 9.
8. Bài tập tình huống số 5
BOEING, BOEING, ĐI RỒI Ư?
Phát triển một loại máy bay thương mại mới thực sự là một việc hết sức mạo hiểm. Chi phí chỉ để thiết kế một động cơ mới thôi cũng có thể mất đến 2 tỷ đô la. Không phải là quá khi nói rằng sản xuất một chiếc máy bay mới hiện đại hơn đòi hỏi phải “đặt cược sinh mệnh của cả một công ty”11. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi các chính phủ cũng bị lôi kéo vào chuyện này, mỗi chính phủ đều cố gắng tạo ra một thị trường lớn hơn cho các doanh nghiệp nước mình.
11 Xem Các trò chơi thể thao của John Newhouse (New York: Alfred A.Knopf, 1983)
Chúng ta sẽ nghiên cứu thị trường cho loại máy bay phản lực cỡ trung chở 150 hành khách: Boeing 727 và Airbus 320. Boeing phát triển máy bay 727 trước. Liệu việc Airbus cũng nhảy vào thị trường này có ý nghĩa gì đối với họ không?
Các thị trường trước hết cho loại máy bay này là Mỹ và các nước thuộc Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC). Chúng ta giả thiết rằng mỗi thị trường đáng giá 900 triệu đô la đối với một công ty độc quyền. Khi hai công ty cạnh tranh trực tiếp, tổng lợi nhuận giảm xuống từ 900 triệu đô la còn 600 triệu đô la, được chia đều cho hai công ty. Mặc dù lợi nhuận giảm nhưng cạnh tranh khiến cho giá máy bay rẻ đi, giá vé cũng rẻ theo và người tiêu dùng có lợi. Lợi ích đó của người tiêu dùng ở mỗi thị trường là 700 triệu đô la.
Airbus Industries dự tính chi 1 tỷ đô la để phát triển loại máy bay mới Airbus 320. Không có sự hỗ trợ của chính phủ, họ có thể dự tính thu hoạch 300 triệu đô la trên mỗi thị trường Mỹ và EEC. Tổng lợi nhuận 600 triệu đô la không đủ để bù đắp chi phí nghiên cứu phát triển. Chính phủ các nước EEC không thể hỗ trợ trực tiếp dưới hình thức trợ cấp bởi ngân sách của họ đã phải cam kết trợ cấp cho các trang trại nông nghiệp. Trong cuộc đánh đổi truyền thống giữa súng và bơ, EEC đã đi theo bơ và hầu như chẳng còn lại bao nhiêu cho cả súng lẫn Airbus.
Giả sử người ta gọi đến cho bạn ở Brussels12 và xin ý kiến của bạn xem liệu EEC có nên hỗ trợ Airbus bằng cách cho họ một thị trường bảo hộ, nghĩa là yêu cầu các hãng hàng không châu Âu chỉ mua Airbus 320 thay cho Boeing 727 hay không. Bạn sẽ nói gì? Bạn dự tính chính phủ Mỹ sẽ phản ứng ra sao?
12 Thủ đô Bỉ, đồng thời cũng được coi là thủ đô chính trị của châu Âu - ND.
THẢO LUẬN
Nếu EEC bảo hộ thị trường sân nhà trong khi thị trường Mỹ vẫn mở cửa, Airbus sẽ thu lãi độc quyền 900 triệu đô la ở châu Âu và 300 triệu đô la ở Mỹ. Tổng mức lãi này đủ để bù đắp cho chi phí nghiên cứu phát triển 1 tỷ đô la nói trên.
Liệu chính sách này có lợi cho EEC nói chung hay không? Chúng ta cần phải cân nhắc giữa lợi nhuận của Airbus và thiệt hại của người tiêu dùng châu Âu. Nếu thị trường không được bảo hộ, Airbus sẽ không nhảy vào. Boeing sẽ chiếm độc quyền ở châu Âu. Người tiêu dùng chẳng được lợi gì hơn. Do vậy, họ sẽ chẳng mất gì khi Airbus được lợi. Lợi ích kinh tế chung đối với toàn EEC đúng bằng lợi nhuận của Airbus. Có vẻ như chính phủ EEC nên ủng hộ dự án kinh doanh này bằng cách hứa bảo hộ thị trường.
Điều quan trọng là EEC cam kết thực hiện chính sách bảo hộ của mình. Giả sử như họ để ngỏ khả năng này và Airbus nhảy vào thị trường. Tại thời điểm đó chính phủ chưa có động cơ để bảo hộ Airbus. Việc cứ để mở cửa thị trường sẽ làm giảm lợi nhuận dự tính của Airbus đi 600 triệu đô la (từ lãi 200 triệu xuống lỗ 400 triệu đô la), tuy nhiên sự cạnh tranh của Boeing sẽ giúp cho người tiêu dùng châu Âu được lợi thêm 700 triệu đô la. Biết vậy, Airbus sẽ không nhảy vào thị trường nữa bởi họ không nhận được lời cam kết đáng tin cậy rằng chính phủ EEC sẽ duy trì một thị trường bảo hộ cho họ.
Vậy còn người Mỹ sẽ phản ứng ra sao? Nếu Mỹ hành động nhanh, họ cũng sẽ cam kết bảo hộ thị trường nội địa của mình trước khi Airbus bắt tay vào sản xuất. Hãy cùng nhìn xa hơn và suy luận ngược về. Nếu thị trường Mỹ vẫn để ngỏ thì bức tranh sẽ được mở ra giống như trước. Boeing sẽ phải đóng cửa ở châu Âu và chỉ kiếm được 300 triệu đô la trong cuộc cạnh tranh với Airbus trên đất Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ thu lợi 700 triệu đô la từ cuộc cạnh tranh giữa hai hãng. Tổng lợi ích mà nền kinh tế Mỹ thu được là 1 tỷ đô la.
Giả sử Mỹ trả đũa lại và yêu cầu các hãng hàng không Mỹ chỉ mua Boeing 727 thay cho Airbus 320. Khi đó ngay cả lợi nhuận độc quyền của Airbus ở châu Âu 900 triệu đô la cũng không còn đủ để bù đắp chi phí nghiên cứu phát triển nữa. Do đó Airbus 320 sẽ không bao giờ được sản xuất. Boeing sẽ hưởng vị thế độc quyền trên cả hai thị trưòng và kiếm được khoản lợi nhuận 1,8 tỷ đô la. Tổng lợi ích kinh tế này cao hơn rất nhiều so với khi họ để ngỏ thị trường13.
13 Chúng tôi đã chọn những con số cụ thể cho chi phí và lợi nhuận để nêu vấn đề bằng cách đơn giản nhất; các con số khác có thể đưa ra các kết cục khác. Đọc thêm về chủ đề này trong Sử dụng các biện pháp bảo hộ và trợ cấp để khuyến khích và làm nản lòng những người nhảy vào thị trường tiềm năng của Avinash Dixit và Albert Kyle, American Economic Review (tháng 3/1985):139-52.