“Bốn khó khăn” trong khởi nghiệp kích thích tư duy cộng đồng
Hầu hết người khởi nghiệp luôn làm việc không ngừng nghỉ cho đến hơi thở cuối cùng. Giống như nhà leo núi người Anh George Mallory trả lời câu hỏi của phóng viên báo New York Times năm 1924, “Tại sao ông lại leo lên đỉnh núi?”, ông đã có nói câu nói nổi tiếng: “Bởi vì ngọn núi nằm ở đó!”
Bởi vì ngọn núi nằm ở đó, nên các nhà khởi nghiệp vẫn luôn nỗ lực, không bao giờ dừng lại. Ben Horowitz đã nói trong cuốn Gian nan chồng chất gian nan15 của ông: “Trong hơn 8 năm kể từ khi tôi trở thành người sáng lập công ty, chỉ có 3 ngày thuận lợi, còn lại 8 năm gần như ngày nào cũng gặp gian nan.” Ben Horowitz là một trong những người khởi nghiệp giỏi nhất và người đầu tư thiên thần giỏi nhất ở Thung lũng Silicon. Ông khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, phát hành thành công cổ phiếu ra công chúng trong lần đầu tiên. Sau đó ông đã bán công ty với giá 1,6 tỷ USD và trở thành một nhà đầu tư thành công. Theo quan điểm của Ben Horowitz, khởi nghiệp là “làm thế nào hoàn thành những việc khó khăn hơn nữa”.
15 Gian nan chồng chất gia nan của tác giả Ben Horowitz có tựa đề gốc là The Hard Thing about Hard Things: Building A Business When There Are No Easy Answers
Đúng vậy, ngay từ ngày đầu tiên thành lập công ty khởi nghiệp, chúng ta đã phải đối mặt với thử thách, vô số việc “khó khăn hơn nữa” đang chờ đón chúng ta ở phía trước. Dù bạn khởi nghiệp ở ngành nghề nào, cũng phải giải quyết những vấn đề thực tế về đội nhóm, vốn, sản phẩm, công nghệ, kinh doanh, dịch vụ, khách hàng, tiếp thị, thương hiệu. Công ty khởi nghiệp giống như một cái thùng gỗ được tạo thành từ nhiều thanh gỗ khác nhau, trong đó thanh ngắn nhất sẽ quyết định sức chứa của cả thùng. Rất nhiều người biết đến Nguyên lý thùng gỗ16 và khéo léo ứng dụng trong lĩnh vực khởi nghiệp.
Sau nhiều năm làm việc trong ngành đầu tư mạo hiểm, có sự trao đổi gần gũi với các nhà khởi nghiệp, tôi nhận ra nguyên nhân chính khiến các nhà khởi nghiệp luôn phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Tôi gọi chúng là “bốn khó khăn” trong khởi nghiệp.
16 Nguyên lí này nói rằng, chiếc thùng chúng ta đựng nước được ghép bởi nhiều thanh gỗ, lượng nước trong thùng là do độ cao của những thanh gỗ này quyết định. Nếu có một thanh gỗ nào đó ngắn thì lượng nước cả thùng gỗ sẽ bị hạn chế bởi nó. Thanh gỗ ngắn này trở thành “khuyết điểm” của chiếc thùng. Nếu muốn lượng nước trong thùng tăng lên thì buộc phải thay thanh gỗ ngắn bằng thanh dài hơn.
1. Khó thu hút khách hàng mới
Đây chính là vấn đề đau đầu nhất đối với người khởi nghiệp. Cho dù bạn bán sản phẩm hay dịch vụ, kinh doanh theo mô hình nào, kinh doanh Internet hay các kênh truyền thống, bạn cũng sẽ ngày càng khó thu hút khách hàng. Trên thực tế, hàng triệu doanh nghiệp mới ra đời mỗi năm đều phải đối mặt với vấn đề này. Khi bỏ một số vốn hạn chế vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ và hy vọng sản phẩm hoặc dịch vụ của mình bán được số lượng lớn khi ra mắt thị trường, vấn đề khó thu hút được khách hàng mới sẽ trở thành ngọn núi đầu tiên cản trở bước tiến của bạn.
Trong bối cảnh hầu hết các công ty khởi nghiệp chỉ có nguồn ngân sách eo hẹp dành cho tiếp thị, câu hỏi làm thế nào thu hút được khách hàng mới lại càng gây áp lực lớn hơn. Khi công ty của bạn không có được khách hàng, không có doanh thu, không có dòng tiền dương, trong khi hàng tháng vẫn phải chi trả không thiếu một khoản chi phí cố định nào, thì sẽ không thể duy trì hoạt động trong thời gian dài. Khi số tiền thu về không đủ bù số tiền chi ra, doanh nghiệp sẽ đình trệ. Do đó, chúng ta phải thừa nhận rằng những khó khăn trong việc thu hút khách hàng chính là kẻ thù lớn nhất của công ty khởi nghiệp.
2. Khó giữ chân khách hàng
Bạn đừng vội vui mừng khi thu hút được nhiều khách hàng mới, vì ngay sau đó sẽ nảy sinh vấn đề tiếp theo. Nếu bạn làm thương mại điện tử về một loại sản phẩm hoặc dịch vụ, bạn phải chú ý đến tỷ lệ đặt hàng lại của khách hàng mới. Nếu bạn đang làm phần mềm điện thoại di động, bạn phải chú ý đến tần suất sử dụng của người dùng mới. Còn nếu làm mảng phát triển nội dung trên nền tảng mạng xã hội, bạn phải chú ý đến mức độ hoạt động của khách hàng mới. Nhưng tình hình hiện nay là hầu hết các công ty mới khởi nghiệp không có khả năng duy trì tương tác khách hàng nên khách hàng có độ trung thành thấp. Tỷ lệ khách hàng rời bỏ sản phẩm hoặc dịch vụ rất cao. Nếu bạn nhận ra mình không giữ chân được một khách hàng, bạn sẽ cố gắng tìm kiếm khách hàng khác, nhưng chi phí tìm kiếm khách hàng mới rất cao. Việc này giống câu chuyện con gấu bẻ ngô, nó bẻ được bắp này lại đánh rơi bắp kia, cuối cùng mất bao công sức mà hai tay vẫn chẳng có gì.
Đạo lý giữ chân khách hàng cũng giống như chứa nước trong bể có cả vòi bơm lẫn vòi xả. Nếu chúng ta bơm nước và xả nước cùng một lúc, thì chỉ khi lưu lượng nước bơm vào lớn hơn lưu lượng nước xả ra, lượng nước trong bể mới tăng dần lên nhưng vấn đề là vẫn phải bịt vòi xả nước lại. Đây là tình trạng chung của mọi doanh nghiệp chứ không riêng gì các công ty mới khởi nghiệp. Mọi người đều tập trung vào việc làm thế nào thu hút được khách hàng mới nên khả năng giữ chân khách hàng cũ nói chung rất kém. Ai cũng muốn có khách hàng trung thành nhưng làm cho khách hàng trung thành với doanh nghiệp là một vấn đề cực kỳ khó.
3. Khó khăn trong quảng bá tiếp thị
Chi phí quảng bá và tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ của các công ty khởi nghiệp ngày càng cao. Cho dù bạn sử dụng các kênh quảng cáo trực tuyến Internet hay các kênh ngoại tuyến truyền thống, chi phí vẫn rất lớn, có khi vượt quá định mức chung. Cách quảng cáo tiếp thị phổ biến nhất trên Internet là xếp hạng đấu giá, thực ra nó là một hình thức quảng cáo trả phí. Nếu bạn quảng cáo trên một công cụ tìm kiếm, chi phí bạn phải trả cho mỗi lần nhấp chuột vào từ khóa có thể lên tới hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm nhân dân tệ. Nếu bạn kinh doanh trên một nền tảng thương mại điện tử lớn, bạn cũng không tránh được xếp hạng đấu giá, chi phí quảng cáo của mỗi mục cũng rất cao.
Nói tóm lại, chi phí quảng cáo, tiếp thị trên Internet để có lưu lượng truy cập sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp ngày càng tăng cao đến mức các công ty mới khởi nghiệp khó có thể cầm cự được, trong khi hiệu quả lại ngày càng kém. Còn các phương tiện truyền thông truyền thống như ti-vi, báo giấy, mặc dù liên tục chịu tác động từ Internet, hiệu quả của chiến lược quảng cáo giảm rõ rệt, nhưng hầu hết vẫn là kênh dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng nhất, tính độc quyền của nó dẫn đến chi phí quảng cáo tăng cao. Mặt khác, các kênh quảng cáo truyền thống đó vẫn có vị thế tốt, nếu bạn muốn quảng cáo tiếp thị trên kênh này, bạn sẽ hoa mắt vì đủ loại chi phí trung gian phiền phức mà phần lớn các công ty mới khởi nghiệp đều không gánh nổi. Nhiều công ty khởi nghiệp buộc phải lựa chọn tự quảng bá, thu hút sự chú ý của khách hàng bằng cách đầu cơ, miễn phí, trợ giá… Tuy nhiên, những hoạt động này rất dễ chìm nghỉm trong thời đại bùng nổ thông tin dẫn đến nhiều hoạt động khác cũng không đem lại hiệu quả gì. Nhiều công ty khởi nghiệp quảng bá nội dung bằng cách tự tuyên truyền, cố gắng đưa ra những nội dung hay để thu hút sự chú ý như sử dụng livestream để tạo độ nổi tiếng, tung ra bài viết hoặc video hấp dẫn. Nhưng việc sản xuất nội dung đòi hỏi phải có sự chuyên nghiệp, chuyên môn cao, nhiều công ty khởi nghiệp không có khả năng liên tục tạo ra những nội dung chất lượng. Vì thế, các công ty khởi nghiệp gặp khó khăn trong quảng cáo, tiếp thị là thực tế rõ ràng.
4. Khó khăn trong xây dựng thương hiệu
Hiển nhiên các công ty khởi nghiệp sẽ gặp khó khăn khi muốn xây dựng một thương hiệu có sức ảnh hưởng. Thương hiệu thể hiện độ nổi tiếng và sức ảnh hưởng, nó có giá trị kinh doanh to lớn. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều mong muốn có một thương hiệu có tiếng tăm.
Tuy nhiên, trong thời đại Internet ngày nay, liên tục xuất hiện lượng thông tin khổng lồ, khiến việc truyền bá thương hiệu trở nên ngày càng phức tạp. Vào thời đại Internet di động, truyền thông phi tập trung, mỗi thiết bị truy cập Internet vừa tạo ra nội dung lại vừa lan truyền nội dung, nên càng khó truyền thông theo các nút đơn lẻ. Ví dụ, tivi, báo giấy, cổng thông tin điện tử không còn duy trì hiệu quả mức độ chú ý của người xem. Trong tình hình này, chắc chắn chúng ta cần có sự thay đổi lớn về phương pháp xây dựng thương hiệu.
Trong 20 năm qua, lý thuyết định vị đã phổ biến toàn cầu, tạo ra hàng loạt thương hiệu nổi tiếng. Logic chính của nó là định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Theo tôi, lý thuyết định vị dẫn dắt doanh nghiệp lặp lại truyền thông quảng cáo một cách có kế hoạch trên quy mô lớn bằng chiến lược chủng loại sản phẩm, khiến cho những thông tin ấn tượng về thương hiệu của doanh nghiệp tạo thành một phản xạ có điều kiện với khách hàng, nên còn được gọi là “cuộc chiến giành tâm trí khách hàng”. Khi khách hàng có nhu cầu về một chủng loại sản phẩm nào đó, họ sẽ nghĩ ngay đến thương hiệu của bạn. Nói một cách khách quan, logic định vị thương hiệu vẫn còn đúng cho đến ngày nay, nhưng khi việc truyền bá thông tin và khách hàng chấp nhận thông tin khó dần lên, thì phương pháp định vị cũng cần điều chỉnh và nâng cấp, nếu không hiệu quả sẽ giảm đi rất nhiều. Việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp lớn ngày càng khó khăn, điều đó có nghĩa là việc xây dựng thương hiệu của các công ty mới khởi nghiệp còn khó khăn hơn nữa.
Tôi tin rằng những bạn đã có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp hoặc đang bắt đầu khởi nghiệp đều đã nếm trải bốn khó khăn này. Trên thực tế, bốn khó khăn này không chỉ gây ra vấn đề cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nó cũng tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng không tránh khỏi nhưng họ tạm thời kiểm soát được tình hình với chi phí cao ngất ngưởng. Doanh nghiệp nào giải quyết được bốn khó khăn kia sẽ nhanh chóng trở thành đối thủ đáng gờm của các doanh nghiệp lớn trên thị trường.
Tôi vẫn luôn suy nghĩ về câu hỏi làm thế nào để giải quyết bốn khó khăn trong khởi nghiệp. Tôi cho rằng, trước hết chúng ta cần tìm ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến bốn khó khăn, rồi mới tìm cách giải quyết cả gốc lẫn ngọn của vấn đề. Sau nhiều cố gắng tìm hiểu và nghiên cứu, tôi thấy rằng nguyên nhân sâu xa của bốn khó khăn nằm ở cách tư duy trong quản lý doanh nghiệp. Cách tư duy của chúng ta đã lạc hậu, đi lệch khỏi quỹ đạo hướng đến con người, tức coi khách hàng là trung tâm. Tuy chúng ta luôn chú trọng tạo ra giá trị cho khách hàng nhưng lại không thực sự ý thức được rằng thời đại đã thay đổi. Chúng ta cần hiểu rõ cơn đói tinh thần đã trở thành nỗi đau lớn nhất của khách hàng hiện nay. Những kỳ vọng của khách hàng không chỉ là được đáp ứng nhu cầu về mặt chức năng mà cả nhu cầu tinh thần. Trên cơ sở thỏa mãn nhu cầu chức năng của khách hàng, chúng ta cần cố gắng hết sức thỏa mãn nhu cầu tinh thần thì mới thực sự tạo ra giá trị cho khách hàng. Đây là yêu cầu cơ bản của nền kinh tế cộng đồng với kinh doanh tinh thần, coi việc cân bằng đời sống vật chất và tinh thần của con người là mục tiêu hướng tới.
Bốn khó khăn trong khởi nghiệp đưa chúng ta đến với phương thức tư duy coi con người là gốc, tức là lấy khách hàng làm trung tâm, vừa đáp ứng nhu cầu chức năng lại vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần của khách hàng. Nó chính là tư duy cộng đồng, quy tắc tinh thần sẽ dẫn dắt công cuộc khởi nghiệp sáng tạo. Tôi đã xem chuyên mục phỏng vấn Mã Vân, nhà sáng lập tập đoàn Alibaba và Lưu Cường Đông, nhà sáng lập trang thương mại điện tử JD.com trong chương trình Đối thoại của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc. Tôi rất tán thành quan điểm mà hai nhà khởi nghiệp theo đuổi. Cuộc đời giống như một hành trình khởi nghiệp nhưng sự phát triển của doanh nghiệp lại khác. Ngay cả khi doanh nghiệp đã phát triển với quy mô lớn, người lãnh đạo vẫn phải giữ tâm thế như khi mới khởi nghiệp thì mới có thể đưa doanh nghiệp của mình tiếp tục đổi mới và phát triển hơn nữa. Nhưng tiền đề của sự đổi mới và phát triển là không ngừng tạo ra giá trị cho khách hàng. Nó đòi hỏi người lãnh đạo phải liên tục đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách hàng, hiểu rõ thực trạng của thời đại, thích ứng với các yêu cầu của thời đại, để xây dựng một loại tư duy cộng đồng lấy con người là gốc.
Tư duy cộng đồng sẽ giúp tất cả các nhà khởi nghiệp lên kế hoạch trước cho tương lai, đưa doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ thành doanh nghiệp cộng đồng trên con đường khởi nghiệp sáng tạo. Trong thời đại kinh tế cộng đồng, nếu một doanh nghiệp không thể trở thành doanh nghiệp cộng đồng, nó sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị đào thải. Một doanh nghiệp cộng đồng thực sự sẽ tìm được con đường khởi nghiệp và sáng tạo phù hợp với nền kinh tế cộng đồng, xây dựng hệ thống 5 tầng Hồn, Đạo, Pháp, Thuật, Khí”, lấy giá trị quan là khẩu hiệu, khách hàng là trung tâm, thương hiệu là vũ khí, mô hình kinh doanh là phương pháp và sản phẩm hoặc công nghệ là công cụ. Theo như tôi hiểu và đề xướng, tư duy cộng đồng của các nhà khởi nghiệp chính là như vậy.
Dùng tư duy cộng đồng xây dựng một cộng đồng hiệu quả
Một trong những mục tiêu của người khởi nghiệp khi vận dụng tư duy cộng đồng là học cách tạo ra các cộng đồng hiệu quả. Khi người khởi nghiệp thành thạo kỹ năng xây dựng cộng đồng, họ có thể đối phó hiệu quả với bốn khó khăn trong khởi nghiệp, giảm chi phí thu hút và giữ chân khách hàng, nâng cao hiệu quả tiếp thị, quảng bá và định hình thương hiệu.
Thế nào là một cộng đồng hiệu quả?
Trong thực tiễn khởi nghiệp sáng tạo:
Một cộng đồng hiệu quả là một nhóm liên minh tinh thần có chung lợi ích được tạo thành từ những khách hàng đã có trải nghiệm. Nó có khả năng đáp ứng nhu cầu tinh thần của các thành viên và có giá trị quan rõ ràng.
5 bước xây dựng một cộng đồng hiệu quả:
1. Bạn cần chọn người phù hợp từ những khách hàng đã có trải nghiệm về sản phẩm hoặc dịch vụ để tạo thành một cộng đồng hiệu quả. Số lượng thành viên không nên quá đông, đảm bảo kiểm soát được họ;
2. Bạn cần liên tục tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu tinh thần của các thành viên. Đó chủ yếu là ba loại nhu cầu tinh thần: cảm giác tồn tại, sức sáng tạo và cảm giác hạnh phúc;
3. Bạn cần xây dựng tinh thần cốt lõi của cộng đồng, tức là xây dựng một giá trị quan rõ ràng, liên tục truyền bá và củng cố giá trị quan đó cho các thành viên;
4. Trên cơ sở tinh thần cốt lõi đã có, bạn cần liên tục dán nhãn tinh thần cho các thành viên trong cộng đồng và kết nối với họ để tạo thành một nhóm liên minh tinh thần;
5. Bạn cần liên tục quan tâm đến lợi ích của các thành viên trong cộng đồng, cố gắng xây dựng một nhóm người có chung lợi ích.
Trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo, một cộng đồng hiệu quả là nền tảng giúp doanh nghiệp tạo ra các cộng đồng khách hàng quy mô lớn. Chúng ta có thể gọi đó là cộng đồng khách hàng hạt nhân của doanh nghiệp. Một cộng đồng hiệu quả giống như một hạt giống do người khởi nghiệp tự tay gieo trồng và chăm bón. Cuối cùng hạt giống đó sẽ cho thu hoạch. Các doanh nghiệp gieo hạt giống cộng đồng hiệu quả sẽ có cơ hội gặt hái thành quả của một cộng đồng khách hàng quy mô lớn. Quá trình gieo trồng, cày cấy, chăm sóc vất vả đó là quá trình doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thành một doanh nghiệp vĩ đại.
Năm nguyên tắc của một cộng đồng hiệu quả
1. Giá trị quan cốt lõi là gốc rễ đảm bảo cộng đồng sẽ hoạt động hiệu quả
Nguyên nhân cộng đồng có thể hoạt động hiệu quả là vì nó lấy giá trị quan cốt lõi chung của các thành viên làm nền tảng. Một doanh nghiệp muốn tạo ra một cộng đồng hiệu quả cần xây dựng được giá trị quan cốt lõi rõ ràng dựa trên nền tảng giá trị quan của người sáng lập doanh nghiệp. Đó chính là mong muốn, nguyện vọng ban đầu, phản ánh thái độ sống và niềm tin cuộc sống của người sáng lập. Giá trị cốt lõi của một cộng đồng hiệu quả phải chứa đựng năng lượng tích cực, có tác dụng khuyến khích, lay động người khác hướng đến những điều tốt đẹp, từ đó lan truyền và tác động đến mọi thành viên trong cộng đồng.
2. Thỏa mãn nhu cầu tinh thần để các thành viên yêu thích cộng đồng
Một cộng đồng hiệu quả có thể được các thành viên yêu thích vì về cơ bản nó có thể đáp ứng ba nhu cầu tinh thần của các thành viên, đó là cảm giác tồn tại, sức sáng tạo và cảm giác hạnh phúc. Con người trong thời đại ngày nay thường thiếu những nhu cầu này. Nếu một doanh nghiệp có thể đáp ứng ba nhu cầu tinh thần của khách hàng thông qua sản phẩm hoặc dịch vụ của họ, chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ được khách hàng tìm kiếm và ủng hộ. Cộng đồng hiệu quả là phương tiện để thiết lập mối quan hệ sâu sắc giữa doanh nghiệp và khách hàng hạt nhân, Internet di động cho phép hai bên có thể tương tác không có khoảng cách, vượt ra ngoài giới hạn về không gian và thời gian, tiếp tục đồng hành, trưởng thành và giúp đỡ lẫn nhau, không ngừng đáp ứng nhu cầu tinh thần của các thành viên.
3. Việc lựa chọn thành viên cần chú trọng đến chất lượng, hơn là số lượng
Một cộng đồng hiệu quả có tiêu chí lựa chọn thành viên tương đối cao và cần kiểm soát số lượng thành viên, chú trọng vào chất lượng, chứ không phải số lượng. Mục đích chủ yếu là để cộng đồng có thể phục vụ một nhóm liên minh tinh thần có chung giá trị quan. Khi doanh nghiệp chọn được những thành viên tốt nhất từ nhóm khách hàng hạt nhân, họ cần tập trung vào mục tiêu cốt lõi của nhóm liên minh tinh thần là xem thành viên đó có giá trị quan thống nhất với giá trị quan của cộng đồng hay không. Trong quá trình quản lý cộng đồng, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên sát hạch, kịp thời loại bỏ những thành viên không phù hợp với giá trị chung, bổ sung thành viên mới. Số lượng thành viên của một cộng đồng hiệu quả không nên quá nhiều, nếu không sẽ dễ vượt khỏi tầm kiểm soát. Dựa vào kinh nghiệm của tôi trong một năm xây dựng cộng đồng Tây Hải, tôi cho rằng, nên giới hạn số lượng thành viên của một cộng đồng hiệu quả trong khoảng 100 người.
4. Kiên trì định hướng cộng đồng theo hướng thương mại hóa
Một cộng đồng hiệu quả là cộng đồng khách hàng hạt nhân của doanh nghiệp, cho dù cộng đồng đó được tạo thành từ nhóm khách hàng đã có trải nghiệm sử dụng sản phẩm hay dịch vụ, nhưng trong quá trình hoạt động bình thường vẫn cần tuân thủ nguyên tắc kinh doanh. Khách hàng trải nghiệm là nhóm khách hàng đầu tiên tham gia trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp, do số lượng không nhiều, nên cách tốt nhất là thu hút những khách hàng này qua mạng lưới xã giao, tức là lấy bạn bè và bạn của bạn bè để các thành viên trong cộng đồng có một nền tảng kết nối nhất định, có lợi cho việc xây dựng giá trị quan chung sau này. Khi xây dựng giá trị quan chung cho các thành viên trong cộng đồng, bạn không nên đưa vào quá nhiều màu sắc kinh doanh, phải duy trì mối quan hệ đơn thuần với các thành viên. Thương mại hóa một cách lộ liễu, không phù hợp có thể khiến các thành viên cảm thấy phản cảm, làm hỏng những cố gắng của bạn.
5. Xây dựng một nhóm người có chung lợi ích trên cơ sở nhóm liên minh tinh thần
Một cộng đồng hiệu quả sẽ trở thành nhóm liên minh tinh thần vì có chung giá trị quan, tuy nhiên bạn cũng cần quan tâm đến lợi ích cá nhân của các thành viên trong cộng đồng. Doanh nghiệp là người khởi xướng thành lập cộng đồng hiệu quả nên coi giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là khẩu hiệu để cảm hóa và dẫn dắt các thành viên trong cộng đồng cùng tham gia một sự nghiệp có ý nghĩa. Doanh nghiệp nên khai thác và phát triển tối đa giá trị từ mạng lưới quan hệ xã giao và giá trị truyền thông truyền miệng của mỗi thành viên, đưa nó vào mô hình kinh tế chia sẻ, sau đó ứng dụng công nghệ Internet, xác định chính xác những đóng góp giá trị do từng thành viên cụ thể đem lại, thiết kế một cơ chế hợp lý đảm bảo việc chia sẻ lợi ích chung với các thành viên.
Tám đặc điểm của một cộng đồng hiệu quả
1. Hiểu biết, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau
Trong một cộng đồng hiệu quả, hầu hết các thành viên có thể làm quen với nhau nhưng mỗi thành viên đều có tính độc lập nên sẽ nhận được sự quan tâm và chú ý khác nhau. Giữa các thành viên hình thành mối quan hệ tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Thông thường, trong mỗi cộng đồng hiệu quả đều có một cơ chế, mỗi thành viên phải đảm bảo sử dụng họ tên thật, có thông tin cá nhân, phương thức liên lạc rõ ràng để các thành viên tiện liên lạc, nhận biết và tương tác trao đổi với nhau.
2. Tích cực tham gia, không khí sôi nổi
Trong một cộng đồng hiệu quả, khi các thành viên tích cực tham gia hoạt động sẽ giữ được bầu không khí sôi nổi. Tần suất tương tác giữa các thành viên, mức độ tích cực khi tham gia các hoạt động và tỷ lệ bao phủ đều ở mức cao. Chính sự hưởng ứng rộng rãi của các thành viên đối với hoạt động của cộng đồng đã tạo nên bầu không khí sôi nổi của một cộng đồng hiệu quả. Cho nên “cảm giác tham dự” sẽ được thể hiện đầy đủ trong cộng đồng này.
3. Nội dung phong phú, tương tác mạnh mẽ
Các hoạt động hằng ngày của một cộng đồng hiệu quả có nội dung khá phong phú, chất lượng tương tác giữa các thành viên cũng tương đối cao. Nội dung các hoạt động thường xoay quanh mục tiêu cốt lõi của cộng đồng, có thể làm phong phú thêm nội dung hoạt động bằng cách liên tục đặt ra các mục tiêu mới và hoàn thành chúng. Chúng ta có thể đánh giá chất lượng tương tác giữa các thành viên trong cộng đồng thông qua mức độ trao đổi nội dung giữa các thành viên với nhau và những thay đổi đến từ mỗi thành viên.
4. Quy tắc chuẩn mực, cơ chế rõ ràng
Trong một cộng đồng hiệu quả, hành vi của các thành viên chịu sự ràng buộc của các quy tắc cộng đồng, các quy tắc này không được ghi lại bằng văn bản, nhưng rất rõ ràng. Các quy tắc xuất phát từ nhu cầu thực hiện mục tiêu của cộng đồng và có sự chấp nhận của tất cả các thành viên. Điều này đòi hỏi người quản lý phải có tiêu chí rõ ràng khi lựa chọn thành viên. Đồng thời, cũng phải có tiêu chí rõ ràng về việc cho phép thành viên tham gia hoặc rời khỏi cộng đồng, không tùy ý tăng giảm số lượng thành viên. Chỉ khi thành viên đồng ý và tuân thủ các quy tắc cộng đồng mới được giữ lại trong nhóm.
5. Tổ chức có hiệu quả, kích thích năng lực
Trong một cộng đồng hiệu quả, vai trò tổ chức của nhà lãnh đạo cộng đồng cần phát huy đầy đủ, kích thích khả năng tự tổ chức của các thành viên trong cộng đồng. Người lãnh đạo cộng đồng hiệu quả phải thể hiện được các đặc điểm nhân cách lôi cuốn của mình và truyền năng lượng tích cực đến các thành viên, tạo thành hiệu ứng “làm mẫu” trong cả cộng đồng, khiến cho khả năng tổ chức của cộng đồng trở nên toàn diện. Mặt khác, năng lượng nhân cách cá nhân của mỗi thành viên trong cộng đồng cũng được kích thích. Các thành viên liên tục hình thành mối quan hệ kết nối, chủ động trao đổi, thắt chặt quan hệ và kích thích khả năng tự tổ chức trong nội bộ cộng đồng.
6. Tâm lý gắn kết, ý thức đóng góp
Hầu hết thành viên trong một cộng đồng hiệu quả đều chấp nhận giá trị của cộng đồng, họ dần dần có cảm giác gắn kết về mặt tâm lý. Cảm giác này khiến cho các thành viên gắn bó với cộng đồng, làm tan biến cảm giác cô đơn và cảm giác bất lực của mỗi người, nâng cao tính ổn định của cộng đồng. Một cộng đồng hiệu quả sẽ mang lại cho các thành viên cảm giác ấm áp, thoải mái như ở nhà; đồng thời cũng nâng cao ý thức trách nhiệm của các thành viên đối với cộng đồng, để họ tự nguyện đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.
7. Khả năng gắn kết mạnh mẽ, hành động nhất quán
Một cộng đồng hiệu quả có khả năng gắn kết tập thể mạnh mẽ và có tính nhất quán. Các thành viên đã hình thành kết nối giá trị quan, mối quan hệ giữa họ tương đối ổn định, có sự gắn kết mạnh mẽ, cho nên sự gắn kết trong cộng đồng ngày càng chặt chẽ hơn. Đồng thời, các thành viên trong cộng đồng sẽ dần dần tiếp cận nhau và có sự tương đồng về trải nghiệm tình cảm, phương thức tư duy trên cơ sở mọi người đã tìm hiểu và tin tưởng lẫn nhau. Họ ảnh hưởng lẫn nhau về thái độ sống, niềm tin cá nhân, từ đó hình thành ý thức và năng lực hành động nhất quán trong cộng đồng.
8. Quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, tích cực nhìn về tương lai
Cộng đồng hiệu quả luôn tràn đầy năng lượng, tích cực hướng về phía trước, các thành viên biết quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau một cách vô tư. Năng lượng tích cực này bắt nguồn từ năng lượng nhân cách được các nhà lãnh đạo có nhân cách lôi cuốn liên tục đưa vào cộng đồng. Khi mối quan hệ kết nối trên phương diện tình cảm và giá trị quan trở nên sâu sắc, các thành viên ngày càng biết thấu hiểu, cảm thông, quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau. Những đặc điểm nhân cách lôi cuốn như khoan dung, lương thiện, lòng biết ơn, vị tha sẽ trở thành tài sản tinh thần chung của các thành viên và ngày càng thăng hoa.
Cộng đồng hiệu quả là một kênh tạo dựng khách hàng
Đối với các công ty khởi nghiệp, việc vận dụng tư duy cộng đồng để tạo ra một cộng đồng hiệu quả có thể giúp công ty giải quyết cùng lúc cả hai vấn đề thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ. Cho nên tôi gọi cộng đồng hiệu quả là một kênh tạo dựng khách hàng.
Khách hàng trải nghiệm là kho báu của công ty khởi nghiệp
Cộng đồng hiệu quả là một kênh tạo dựng khách hàng, bắt đầu từ việc thu hút khách hàng tham gia trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ. Khách hàng trải nghiệm17 là nguồn nhân lực tốt nhất để xây dựng một cộng đồng hiệu quả, là mồi lửa giúp các công ty khởi nghiệp có được một cộng đồng khách hàng quy mô lớn sau này. Dùng nhóm khách hàng đầu tiên tham gia trải nghiệm để xây dựng một cộng đồng hiệu quả chính là để những đốm lửa nhỏ có ngày bùng cháy.
17 Khách hàng trải nghiệm chỉ những khách hàng tham gia trải nghiệm dùng thử sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp.
Khách hàng trải nghiệm là kho báu của một công ty khởi nghiệp trên con đường phát triển. Sau khi công ty đã “đánh bóng” sản phẩm hoặc dịch vụ, cần đưa chúng ra thị trường trong thời gian ngắn nhất. Thông thường, các công ty mới khởi nghiệp không có nhiều tiền đầu tư xây dựng kênh quảng cáo và phát hành quảng cảo, có nghĩa là bạn chỉ có thể thực hiện một lộ trình tiếp thị với chi phí thấp, dùng số tiền hạn chế cho những khách hàng tham gia trải nghiệm. Chắc chắn đây là cách làm có hiệu quả cao nhất. Các công ty khởi nghiệp thu hút khách hàng trải nghiệm tức là tìm một số lượng khách hàng nhất định từ nhóm mục tiêu, cho họ thử sử dụng và trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn tạo ra, để khách hàng cảm nhận được mong muốn, nguyện vọng của bạn. Nếu như ngay cả những khách hàng tham gia trải nghiệm cũng không thể chấp nhận sản phẩm thì làm sao doanh nghiệp của bạn có được nhiều khách hàng ủng hộ hơn!
Trong thời đại Internet di động, các nhà khởi nghiệp nên khai thác mạng lưới quan hệ xã giao của đội nhóm, sử dụng hợp lý nền tảng mạng xã hội di động kết hợp với môi trường ngoại tuyến để thực hiện phương án trải nghiệm sản phẩm. Chúng ta không khó tìm ra hàng trăm khách hàng trải nghiệm tại thị trường địa phương, thông qua giới thiệu của bạn bè và lan truyền liên tục trong vòng bạn bè. Chúng ta cần cho khách hàng tham gia trải nghiệm một số ưu đãi về giá, cách làm phổ biến nhất là giảm giá sản phẩm hoặc dịch vụ cùng loại, còn cách làm triệt để nhất là dùng thử miễn phí, thậm chí bù lỗ. Khác với cuộc chiến trợ giá do sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành Internet gây ra, những ưu đãi về giá dành cho khách hàng trải nghiệm chỉ diễn ra trong một phạm vi nhỏ và tất cả đều thuộc nhóm khách hàng tiêu chuẩn, nên nó là cách tốt nhất để các công ty khởi nghiệp có được khách hàng.
Các nhà khởi nghiệp nên suy nghĩ lại về ý nghĩa của các sản phẩm hoặc công nghệ. Theo hệ thống khởi nghiệp sáng tạo 5 tầng Hồn, Đạo, Pháp, Thuật và Khí mà tôi đã nói đến trong chương 4, dù sản phẩm hoặc công nghệ của bạn có xuất sắc đến đâu cũng chỉ là công cụ kết nối với khách hàng. Vì vậy, tìm kiếm loạt khách hàng đầu tiên tham gia trải nghiệm chính là để thiết lập kết nối với khách hàng. Các công ty khởi nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng phản hồi của khách hàng đã tham gia trải nghiệm và hoàn cảnh cá nhân của họ, chú ý xu hướng giá trị quan của khách hàng, từ đó chọn ra khoảng 100 người để bắt đầu xây dựng một cộng đồng hiệu quả theo từng bước. Mục tiêu là sử dụng nhóm khách hàng trải nghiệm làm nhóm hạt nhân để cố gắng tạo ra một nhóm liên minh tinh thần có chung lợi ích và giá trị quan, đáp ứng nhu cầu tinh thần của các thành viên.
Tìm kiếm khách hàng trải nghiệm và ứng xử tử tế với họ là cách bắt buộc để tạo ra một cộng đồng hiệu quả. Tôi tin rằng, khi chúng ta ứng xử tử tế với khách hàng có thể đáp ứng nhu cầu chức năng và cả nhu cầu tinh thần của họ. Như tôi đã nói, nhu cầu tiêu dùng của con người được chia thành ba cấp độ: sinh lý, tâm lý và tinh thần. Cho dù bạn làm ngành nào, bạn chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên một góc độ nhất định, thường là một trong những nhu cầu về “ăn, mặc, ở, sử dụng, đi lại” ở cấp độ sinh lý hoặc nhu cầu về “sức khỏe, làm đẹp, giao tiếp, giải trí” ở cấp độ tâm lý. Đối với khách hàng, một nhu cầu sinh lý hoặc tâm lý riêng lẻ chỉ là một loại nhu cầu chức năng, nó có tính thay thế rất cao. Nếu công ty khởi nghiệp không thể đáp ứng cùng lúc cả nhu cầu chức năng và nhu cầu tinh thần của khách hàng, thì không thể kết nối sâu sắc với khách hàng.
Nghệ thuật, trưởng thành và đóng góp thể hiện ba loại nhu cầu tiêu dùng tinh thần của con người, phản ánh ba nhu cầu tinh thần là cảm giác tồn tại, sức sáng tạo và cảm giác hạnh phúc. Trong ba loại nhu cầu này, cảm giác tồn tại là nền tảng, sức sáng tạo là cần thiết, còn cảm giác hạnh phúc là mục tiêu cuối cùng. Theo tôi, trong thực tế, một cộng đồng hiệu quả có thể liên tục đáp ứng ba loại nhu cầu tinh thần của con người qua ba cách là đồng hành, dẫn dắt và hỗ trợ. Trong đó, đồng hành và dẫn dắt là những cách cơ bản nhất để quản lý một cộng động hiệu quả, hỗ trợ là phương thức quan trọng nhất để các thành viên trong cộng đồng có cảm giác hạnh phúc. Trong quá trình mọi người giúp đỡ lẫn nhau, có thể yêu và được yêu, từ đó sinh ra hạnh phúc. Chỉ bằng cách này mọi người mới có cơ hội thực hiện kết nối giá trị quan tinh thần và liên tục hình thành những điểm chung.
Trong quá trình này, những khách hàng trải nghiệm bạn lựa chọn sẽ dần dần hình thành giá trị quan chung và phát triển thành nhóm liên minh tinh thần, hay còn gọi là một cộng đồng hiệu quả, là nền tảng vững chắc cho công ty khởi nghiệp thu hút và giữ chân số đông khách hàng. Bạn sẽ nhận ra mặc dù số lượng thành viên của cộng đồng này không nhiều, nhưng tiềm năng và sự bùng nổ của nó là cực kỳ lớn. Dựa vào cơ sở kết nối giá trị quan, những khách hàng trải nghiệm sẽ thực sự trở thành khách hàng trung thành, yêu thích sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn một cách vô điều kiện và có sự ủng hộ to lớn. Sự tin tưởng và truyền miệng của họ cũng sẽ mang đến cho bạn lưu lượng khách hàng đáng kinh ngạc.
Quá trình xây dựng một cộng đồng hiệu quả là quá trình thực hiện mong muốn, nguyện vọng ban đầu của nhà khởi nghiệp, thể hiện đầy đủ giá trị quan của nhà khởi nghiệp. Nó sẽ đưa con đường khởi nghiệp trở về đúng quỹ đạo lấy con người là gốc.
Cộng đồng hiệu quả là bộ rễ vững chắc cho một lượng lớn khách hàng
Công ty khởi nghiệp nào cũng đều mong muốn có một lượng lớn khách hàng vì nó chứng tỏ công ty đã lột xác thành một công ty đồ sộ, có doanh thu lớn.
Chuyên gia quản lý người Mỹ Peter Drucker từng nói: “Khách hàng là cơ sở tồn tại của doanh nghiệp.” Quá trình thu hút lượng lớn khách hàng là quá trình đi từ không đến một, và từ một đến n. Nó đòi hỏi chúng ta phải vun đắp một nền móng vững chắc và tạo ra một viễn cảnh tốt đẹp. Theo tôi, cộng đồng hiệu quả chính là bộ rễ nuôi dưỡng khách hàng.
Peter Thiel, người sáng lập PayPal18, nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng Thung lũng Silicon, đã nói trong cuốn sách Zero to One: Notes on Start Ups, or How to Build the Future (Không đến Một: Bài học về khởi nghiệp, hay cách xây dựng tương lai): “Giai đoạn mới bắt đầu khởi nghiệp rất quan trọng. Lời khuyên hãy liên tục thử sai là một sai lầm. Để thành công, bạn cần phải nghiên cứu kết cục trước khi mọi thứ bắt đầu. Từ không đến một tạo cơ hội và giá trị vô hạn cho chính bạn!”
Đó là lý do tại sao các công ty khởi nghiệp cần sự kiên nhẫn rất lớn để xây dựng nền móng, tạo ra một cộng đồng hiệu quả. Những người chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt sẽ không muốn chờ đợi. Còn những người giỏi tính toán sẽ lo lắng những gì họ bỏ ra vào lúc này sẽ không được đền đáp. Vì thế, những nhà khởi nghiệp thực sự có thể thành công phải là những người có thể nhìn trước tương lai và kiên trì đi đến cùng. Điều này cũng chứng minh cho câu nói: “Con đường dẫn đến thành công luôn rộng mở, vì không có nhiều người đủ kiên trì để đi đến cùng.”
18 Một công cụ thanh toán thương mại quốc tế.
Khi bàn về câu hỏi làm thế nào để công ty khởi nghiệp có thể nhanh chóng có được lượng khách hàng lớn, không thể không nhắc đến công ty Xiaomi do Lôi Quân sáng lập. Ngày 15 tháng 1 năm 2016, Xiaomi công bố một bộ tài liệu trong cuộc họp thường niên của công ty. Trong năm 2015, Xiaomi bán được hơn 70 triệu chiếc điện thoại di động, tiếp tục giữ vị trí số một tại thị trường Trung Quốc. Đồng thời, cuộc họp thường niên cũng công bố số lượng người dùng kích hoạt mạng tích lũy của hệ điều hành di động Xiaomi MIUI vượt quá 170 triệu người. Tôi xem qua số liệu báo cáo của Xiaomi, tháng 12 năm 2012, lần đầu tiên số lượng người dùng hệ điều hành MIUI vượt ngưỡng 10 triệu người; ngày 13 tháng 2 năm 2015, tổng số người sử dụng hệ điều hành MIUI vượt ngưỡng 100 triệu người; và tính đến tháng 8 năm 2016, số lượng người sử dụng hệ điều hành MIUI đã vượt quá con số 200 triệu người. Ngày 24 tháng 6 năm 2016, tài khoản Weibo chính thức của cửa hàng ứng dụng Xiaomi đưa tin: “Trong 4 năm, cửa hàng ứng dụng Xiaomi đã đạt trên 50 tỷ lượt tải về! Sự đồng hành của các bạn đã nói lên tình cảm gắn bó lâu bền, cảm ơn sự ủng hộ và đóng góp của mọi người!”
Chúng ta đã quen thuộc với những kỳ tích do Xiaomi tạo ra, nhưng đừng quên công ty này chỉ mới được thành lập vào tháng 4 năm 2010, lần đầu tiên ra mắt sản phẩm vào tháng 8 năm 2011. Xiaomi nhanh chóng nổi lên là một chiến mã trong ngành có những thương hiệu mạnh như Apple, Samsung… và có hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh điện thoại thông minh, cạnh tranh nhau khốc liệt. Hiện nay, Xiaomi không chỉ là một công ty điện thoại di động, mà còn trở thành một công ty kinh doanh tất cả các sản phẩm phục vụ cuộc sống, từ tivi, máy tính xách tay, vali, tai nghe, bộ định tuyến, bóng đèn, bút thử nước, cân điện tử, ổ điện… cho đến balo, túi xách, quần áo, thú nhồi bông… mở ra khả năng phát triển không giới hạn trong tương lai.
Theo tôi, Xiaomi đạt được thành tựu tuyệt vời như vậy chỉ trong vài năm vì họ nhận thức được giá trị của cộng đồng và hiểu rằng chỉ khi tích cực tạo dựng mối quan hệ với khách hàng, có sự ủng hộ của khách hàng, mới có thể tạo nên sức cạnh tranh cốt lõi.
Chúng ta có thể thấy rằng Xiaomi rất coi trọng khách hàng trải nghiệm, dốc sức xây dựng một cộng đồng hiệu quả ngay từ đầu. Xiaomi đã xuất bản video Một trăm nhà tài trợ trong mơ khiến người xem vô cùng xúc động. Trong những ngày đầu thành lập, Xiaomi phát triển hệ điều hành MIUI phiên bản 1.0, thu hút 100 người yêu thích phát triển ứng dụng dùng thử và tham gia nghiên cứu, tạo mọi điều kiện đáp ứng nhu cầu tinh thần của họ, liên tục truyền bá giá trị cốt lõi của Xiaomi, quảng cáo truyền miệng bằng công cụ Internet. Xiaomi đã quản lý cộng đồng thông qua các hoạt động trực tuyến và ngoại tuyến có hiệu quả, nên chỉ trong vòng một năm, công ty này nhanh chóng phát triển 500.000 người sử dụng hệ điều hành MIUI, gây ấn tượng với thành tích 300.000 chiếc điện thoại di động đặt trước ngay trong lần đầu ra mắt.
Trong sáu năm qua, cộng đồng hiệu quả của Xiaomi đã phân chia với tốc độ chóng mặt. Từ cộng đồng trực tuyến chính thức cho đến ngôi nhà Xiaomi ngoại tuyến, hội Xiaomi đồng hương có mặt ở khắp các thành phố. Hội đã kết nối người dùng của Xiaomi thông qua cộng đồng trực tuyến, ngoại tuyến của những người trẻ tuổi; thông qua các hoạt động liên tục đi sâu vào cuộc sống của người dùng, như Ngày hội Bắp rang bơ, Hội đồng hương, Hội xem mắt, Hội tình nguyện, Lễ hội Mi Fan. Họ dán nhãn tinh thần phản ánh giá trị quan bên trong của Xiaomi cho các khách hàng, tiến hành nhân rộng vô số cộng đồng hiệu quả trên phạm vi toàn Trung Quốc, tạo thành cộng đồng khách hàng khổng lồ với quy mô 200 triệu người.
Kinh nghiệm thành công của Xiaomi cho chúng ta thấy, ngay từ đầu các công ty khởi nghiệp nên cố gắng tạo ra một cộng đồng hiệu quả, tiếp cận lối sống và giá trị quan của khách hàng, đáp ứng nhu cầu tinh thần của khách hàng nằm trong cộng đồng đó và không ngừng tạo ra những nhóm liên minh tinh thần có chung giá trị, nhân rộng và phân chia các cộng đồng hiệu quả.
Cộng đồng hiệu quả là kênh bùng phát truyền thông
Đối với các công ty mới khởi nghiệp, những khó khăn trong quảng bá tiếp thị và xây dựng thương hiệu là vấn đề đau đầu, mà chúng ta không thể tránh khỏi. Xét về bản chất, hai vấn đề này đều nằm trong cùng một câu hỏi, làm thế nào quảng bá sản phẩm. Bằng cách dùng tư duy cộng đồng tạo ra một cộng đồng hiệu quả, chúng ta có thể giải quyết cùng lúc hai vấn đề này, nên tôi gọi cộng đồng hiệu quả là kênh bùng phát truyền thông.
Truyền thông truyền miệng hóa giải những khó khăn về quảng bá và tiếp thị
Trong thời đại Internet di động, gần như doanh nghiệp lớn và nhỏ nào cũng đều lo lắng về vấn đề tiếp thị. Đứng trước lượng thông tin khổng lồ và thực trạng khó nắm bắt tâm lý khách hàng, mô hình tiếp thị truyền thống ngày càng kém hiệu quả, những lý thuyết tiếp thị trước đây đã không còn giá trị. Trong quá trình các doanh nghiệp truyền thống thực hiện chuyển sang mô hình kinh doanh “Internet +” hoặc “+ Internet”, chúng ta sẽ nhận ra, họ vẫn phải đối mặt với một vấn đề là làm sao giảm chi phí tiếp thị mà lại thu được hiệu quả cao. Hàng triệu công ty khởi nghiệp mới ra đời mỗi năm đã nhanh chóng ứng dụng công cụ Internet, nhưng họ cũng bị mắc kẹt trong vấn đề quảng bá và tiếp thị.
Chúng ta cần bình tĩnh xem xét đâu là gốc rễ của vấn đề? Internet cung cấp cho doanh nghiệp các công cụ kỹ thuật và kênh truyền thông có khả năng đẩy mạnh tiếp thị, nhưng nó không thúc đẩy truyền thông nội bộ, vì phải có thêm điều kiện nào đó nó mới tạo ra tiềm năng truyền thông. Tất cả các phương tiện truyền thông về cơ bản đều là khâu trung gian giữa doanh nghiệp và khách hàng, chúng đóng vai trò là trạm trung chuyển thông tin. Trong thời đại kinh doanh chức năng “khách hàng không có cảm nhận”, cách tốt nhất để giành lấy tâm trí khách hàng là lan truyền thông tin trên diện rộng và lặp đi lặp lại. Nhưng cùng với đó, chi phí truyền thông tăng cao. Tuy vậy, trong thời đại Internet di động, ai cũng có thể lên mạng xem tin tức, mỗi người đều có thể tạo ra thông tin và lan truyền nó, nên tôi gọi là thời đại “khoảng cách giữa mọi người bằng không, truyền thông thông tin phi tập trung”. Trong hoàn cảnh này, phương thức truyền thông đại chúng đã dần mất hiệu quả, mà chi phí vẫn còn cao, khiến các doanh nghiệp truyền thống vừa và nhỏ, các công ty khởi nghiệp khó tiếp cận.
Vì thế, phần lớn các doanh nghiệp không có đủ chi phí cho quảng cáo tiếp thị đại chúng, lối thoát duy nhất là sử dụng các công cụ Internet để xây dựng kênh truyền thông và tận dụng triệt để đặc điểm mỗi người đều là trung tâm xử lý thông tin và nút truyền thông thông tin, coi truyền thông truyền miệng giữa mọi người là phương tiện truyền thông hiệu quả nhất.
Có thể nói, truyền thông truyền miệng là mô hình truyền thông mạnh nhất trong lĩnh vực tiếp thị. Truyền thông truyền miệng thực hiện lan truyền thông tin bằng cách thúc đẩy chuỗi quan hệ xã hội giữa mọi người. Sức mạnh của truyền miệng đã xuất hiện ngay trong giai đoạn đầu nhân loại bước vào kinh doanh thương mại, văn minh thương mại phát triển dần lên trong nền văn minh nông nghiệp. Cho dù còn thiếu thốn thông tin và phương tiện truyền thông, nhưng truyền miệng luôn đóng vai trò rất lớn trong truyền thông. Ngày nay, khi việc lan truyền thông tin trong thời đại Internet trở nên phổ biến, chúng ta lại xem nhẹ sức mạnh của truyền thông truyền miệng, mà quá sùng bái công nghệ, tài nguyên và lý thuyết, nên dần dần rơi vào tình trạng bỏ gốc lấy ngọn, không có hiệu quả.
Giá trị của truyền thông truyền miệng rất rõ ràng, nhưng điều quan trọng là làm thế nào tạo được sự lan truyền này. Trong thời đại Internet di động, truyền thông truyền miệng vẫn là cách truyền bá thông tin giữa các khách hàng, nhưng hai bên không nhất thiết phải gặp nhau, mà có thể truyền tin qua một mạng xã hội. Trong bối cảnh công nghệ Internet phát triển cao như hiện nay, có rất nhiều kênh truyền thông truyền miệng khác nhau cho chúng ta lựa chọn. Điểm quan trọng là làm thế nào thúc đẩy khách hàng tích cực lan truyền thông tin một cách tự nhiên.
Hoạt động truyền thông truyền miệng bắt nguồn từ một cộng đồng hiệu quả, có thể giúp doanh nghiệp hóa giải những khó khăn trong tiếp thị. Ở phần trước chúng ta đã nói, các thành viên trong một cộng đồng hiệu quả có cảm giác gắn kết và ý thức đóng góp cao độ cho chính cộng đồng của họ. Ngoài ra, họ còn có sự gắn kết mạnh mẽ và hành động nhất quán. Cho nên, các thành viên sẽ có ý thức và khả năng chủ động lan truyền thông tin. Khi hoạt động truyền thông truyền miệng trong cộng đồng tạo thành một sức mạnh tổng thể, sức mạnh đó có thể lan rộng ra thế giới bên ngoài, từ đó phát huy sức mạnh của truyền thông Internet di động phi tập trung và theo chuỗi, với tỷ lệ lan truyền là 1:100 hoặc cao hơn. Nếu nguồn truyền miệng đủ lớn, nó còn có thể tạo sự lan truyền nối tiếp nhau. Khó có thể tưởng tượng được sức mạnh lan truyền này.
Cộng đồng Tây Hải do tôi khởi xướng là ví dụ điển hình về một cộng đồng hiệu quả. Trong hơn một năm qua, cộng đồng Tây Hải đã nhiều lần chứng minh được sức mạnh truyền thông truyền miệng của một cộng đồng hiệu quả. Trước khi xuất bản cuốn Tư duy cộng đồng, tôi đã lần lượt đăng ba bài viết: Ai là nhà đầu tư thiên thần dẫn dắt tư duy cộng đồng, Các nhà đầu tư thành công dạy bạn quy tắc tinh thần trong khởi nghiệp sáng tạo, Tư duy cộng đồng – Luật tinh thần trong khởi nghiệp sáng tạo đều do Hội thiên thần thanh niên Trung Quốc xuất bản. Cả ba bài viết đều đạt hơn 100.000 lượt đọc trong vòng 48 giờ, khiến cuốn sách này được đông đảo mọi người chú ý trước khi nó được chính thức phát hành.
Ngày 4 tháng 8 năm 2016, tôi tham gia Diễn đàn cao cấp Internet + và khuấy động sàn giao dịch chứng khoán thứ ba năm 2016 với bài phát biểu Đầu tư và tin tưởng vào tương lai của sàn giao dịch chứng khoán thứ ba với nội dung chính là nhận biết và thực hành đầu tư dưới ngọn cờ tư bản. Bài viết đạt hơn 100.000 lượt xem trong vòng 24 giờ. Bốn bài viết kể trên đăng công khai trên WeChat, bạn có thể tìm đọc qua chức năng tìm kiếm bài viết. Chúng được chia sẻ rộng rãi nhờ có cộng đồng Tây Hải là nguồn truyền miệng.
Trong quá trình xuất bản cuốn sách Tư duy cộng đồng, cộng đồng Tây Hải đã tham gia ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình. Bộ phim điện ảnh Ông bố vô ưu do công ty Guoguo, công ty Dianping, công ty đầu tư khởi khiệp trẻ Trung Quốc và cộng đồng Tây Hải hợp tác sản xuất, được phát hành vào nửa đầu năm 2017. Ông bố vô ưu là bộ phim đầu tiên của Trung Quốc sử dụng tư duy công đồng để thúc đẩy quảng bá và phát hành phim truyện. Cộng đồng Tây Hải là một trong những cộng đồng hoạt động hiệu quả tiêu biểu nhất ở Trung Quốc, đang không ngừng tạo ra những trường hợp tiếp thị điển hình.
Chứng thực nổi tiếng hóa giải những khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu
Tôi cho rằng, có ba lý do chính khiến việc xây dựng thương hiệu trong thời đại Internet di động ngày càng trở nên khó khăn. Thứ nhất, do có quá nhiều thông tin nhiễu loạn, làm giảm độ nhạy cảm của khách hàng đối với thông tin. Cách quảng bá thông tin tập trung không còn giúp khách hàng tiếp nhận thông tin chính xác và hiệu quả. Thứ hai, khách hàng không có thiện cảm với mô hình kinh doanh chức năng. Trong trường hợp khách hàng không tin tưởng và không có thiện cảm, họ sẽ nảy sinh tâm lý chống đối, bài xích các loại thông tin quảng cáo. Nhiều doanh nghiệp đã bỏ ra rất nhiều tiền vào quảng cáo hấp dẫn, nhưng hiệu quả rất thấp, thậm chí còn phải bù lỗ. Thứ ba, thương hiệu của doanh nghiệp kinh doanh chức năng không có nhân cách, bởi không có khả năng nhân cách hóa thương hiệu, không thể cho khách hàng cảm nhận sự gần gũi, cũng không thể thiết lập kết nối tình cảm và giá trị với khách hàng. Khách hàng và thương hiệu chỉ dừng lại ở kết nối sơ cấp, tức là mối quan hệ mua bán hàng hóa. Mối quan hệ này rất lỏng lẻo, doanh nghiệp rất khó làm cho khách hàng nhận diện thương hiệu.
Tôi cho rằng, có hai cấp độ mục tiêu trong xây dựng thương hiệu: Một là mục tiêu sơ cấp, xây dựng sức ảnh hưởng của thương hiệu; hai là mục tiêu cao cấp, xây dựng sức hấp dẫn của thương hiệu. Hiện nay, hầu như các doanh nghiệp thành công chỉ chú ý đến sức ảnh hưởng, mà bỏ qua sức hấp dẫn của thương hiệu.
1. Sức ảnh hưởng của thương hiệu
Sức ảnh hưởng của thương hiệu là trọng tâm của lý thuyết tiếp thị thương hiệu trong suốt những năm qua, cũng là mong muốn chính của tất cả các doanh nghiệp khi bỏ một số tiền lớn vào truyền thông thương hiệu. Nó chủ yếu giải quyết vấn đề cường độ tác động và tần suất xuất hiện của thương hiệu. Lý thuyết định vị phổ biến trên toàn thế giới trong 20 năm qua là phương pháp luận tiêu biểu nhất nâng cao sức ảnh hưởng của thương hiệu, giúp rất nhiều doanh nghiệp tạo ra sức ảnh hưởng và có được vị thế tương ứng trên thị trường.
2. Sức hấp dẫn của thương hiệu
Sức hấp dẫn của thương hiệu là một loại khả năng mà doanh nghiệp nào cũng hướng đến, nhưng tiếc rằng có rất ít doanh nghiệp thực sự đạt được điều này. Sự hấp dẫn của thương hiệu sẽ tạo ra mối quan hệ sâu sắc giữa thương hiệu và khách hàng. Khách hàng sẽ nhận biết được thương hiệu, ủng hộ, thậm chí yêu thích thương hiệu của doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp cần làm thế nào để khiến khách hàng nảy sinh đam mê và trung thành với thương hiệu của họ? Sau một thời gian dài nghiên cứu và suy nghĩ, tôi nhận thấy chỉ khi chúng ta tiến hành nhân cách hóa thương hiệu, thể hiện nhóm nhân cách lôi cuốn, mới có thể phá bỏ những hạn chế về lan truyền thông tin một chiều cho khách hàng, thực hiện tương tác hai chiều. Khi chúng ta kết nối nhân cách của thương hiệu với nhân cách của khách hàng sẽ tạo ra sức hấp dẫn thực sự của thương hiệu và xây dựng được mối quan hệ sâu sắc với khách hàng.
Tôi đã đề cập trong phần đầu chương 3, xây dựng doanh nghiệp giống với làm người, đều có thể phân tích thông qua cấu trúc nhân cách. Chúng ta cần nhân hóa thương hiệu doanh nghiệp, gán cho nó một cấu trúc nhân cách có đủ ba cấp độ sinh lý, tâm lý và tinh thần giống như con người. Chúng ta có thể kết nối nhân cách thương hiệu với nhân cách khách hàng, kết nối ở mỗi cấp độ sinh lý, tâm lý hay tinh thần sẽ đem lại mối quan hệ tương ứng với khách hàng. Cho nên, khi khách hàng trung thành có kết nối giá trị tinh thần, sức hấp dẫn của thương hiệu sẽ được phát huy tối đa.
Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể nhận ra lý thuyết định vị phù hợp hơn với các doanh nghiệp lớn hiện nay, chứ không phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi lý thuyết định vị chủ trương giành lấy tâm trí của khách hàng nhưng trên thực tế nó chỉ tạo thói quen ghi nhớ bằng cách lan truyền một lượng lớn thông tin xung quanh khách hàng. Thương hiệu thiết lập kết nối nhân cách mang phản ứng thần kinh trên phương diện sinh lý với khách hàng, họ dần hình thành phản xạ có điều kiện với thương hiệu. Đây chỉ là một kết nối nhân cách thương hiệu sơ cấp, thương hiệu có thể có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, nhưng không thể tạo nên sức hấp dẫn thực sự. Bởi, thứ nhất, phần lớn các doanh nghiệp truyền thống vừa và nhỏ, các công ty mới khởi nghiệp không có đủ vốn và tài nguyên để tạo một vòng thông tin xung quanh khách hàng. Thứ hai, việc lan tỏa thông tin này ngày càng trở nên khó hơn trong thời đại Internet di động. Sau cùng, vòng thông tin có sức mạnh đến đâu cũng không thể thiết lập mối quan hệ sâu sắc với khách hàng. Nguyên nhân sâu xa là do thương hiệu không thể tạo cho khách hàng cảm giác tin tưởng, cũng không thể có được sự công nhận của khách hàng về giá trị tinh thần.
Một trong những lý do quan trọng nhất khiến tôi ủng hộ việc vận dụng tư duy cộng đồng để xây dựng một cộng đồng hiệu quả là vì một cộng đồng hiệu quả có thể chứng thực cho thương hiệu, từ đó có thể lan truyền ra bên ngoài qua chiến dịch truyền thông theo chuỗi trong thời đại Internet di động. Khi cộng đồng thúc đẩy hoạt động truyền thông truyền miệng về thương hiệu, doanh nghiệp lấy khách hàng tham gia trải nghiệm cộng đồng là nhóm khởi điểm để chứng thực thương hiệu. Bằng uy tín cá nhân của mỗi khách hàng, họ tiếp tục lan truyền qua chuỗi quan hệ xã hội của mỗi người. Trong quá trình này, uy tín của mỗi người là một nút quan trọng, tạo thành một mạng lưới tín nhiệm cho thương hiệu liên tục được mở rộng. Ở đây bao gồm cả nguyên lý kinh tế học tín nhiệm. Từ mạng lưới tín nhiệm này, thương hiệu của doanh nghiệp có thể liên tục có được sức ảnh hưởng. Quan trọng hơn, nó còn nhận được sự chú ý của nhiều khách hàng tiềm năng qua sự chứng thực của khách hàng. Năng lượng tích cực của nhân cách thương hiệu sẽ không ngừng lan tỏa, giúp nhân cách thương hiệu có cơ hội kết nối với nhiều khách hàng mới hơn trên phương diện tinh thần và giá trị quan. Theo thời gian, thương hiệu của doanh nghiệp có thể thể hiện cả sức ảnh hưởng và sức hấp dẫn, một doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tạo ra thương hiệu của chính mình.
Ở đây, tôi đưa ra một lý thuyết định vị mới. Trước tiên, doanh nghiệp cần tạo ra một cộng đồng hiệu quả bằng tư duy cộng đồng, thúc đẩy thương hiệu xây dựng kết nối nhân cách với khách hàng, hình thành nhân cách hóa thương hiệu và nhóm nhân cách lôi cuốn, lan truyền rộng rãi thông qua hiệu quả truyền thông truyền miệng và chứng thực của cộng đồng. Tiếp đến, thúc đẩy doanh nghiệp thiết lập mối quan hệ kết nối với nhiều khách hàng hơn về mặt tinh thần và giá trị quan, hoàn thành định vị thương hiệu ở cấp độ giá trị quan của khách hàng. Chỉ khi thương hiệu của doanh nghiệp lấy giá trị quan của khách hàng là mục tiêu định vị mới có được sức hấp dẫn thực sự, và thu hút được nhiều khách hàng trung thành hơn.
Lý thuyết định vị mới là một phát hiện mang tính thử nghiệm của tôi, chưa hoàn thiện, nhưng tôi vẫn muốn khuyên các doanh nghiệp nên vận dụng tư duy cộng đồng để xây dựng một cộng đồng hiệu quả. Nó sẽ giúp vô số doanh nghiệp nhỏ có cơ hội đạt được giấc mơ thương hiệu. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp hiện đang cố gắng thực hiện nhân cách hóa thương hiệu, nhưng họ đều hiểu nhầm rằng nhân cách hóa thương hiệu là nhân vật hóa thương hiệu. Họ đưa nhân vật linh hồn của doanh nghiệp làm người phát biểu đại diện cho doanh nghiệp, trở thành trung tâm của dư luận, tiêu điểm chú ý, dùng nhân cách của nhân vật đó để xây dựng nhân cách thương hiệu của doanh nghiệp. Cách nghĩ này rất sai lầm. Khi chúng ta gửi gắm thương hiệu của doanh nghiệp vào một nhân vật, sẽ phải có yêu cầu rất khắt khe đối với nhân vật đó. Một khi hình ảnh của nhân vật đó xuất hiện méo mó trước công chúng, thương hiệu chắc chắn sẽ bị tổn hại. Mặt khác, nhân vật hóa thương hiệu chỉ phù hợp với những doanh nghiệp nổi tiếng. Những doanh nghiệp lớn đó và người sáng lập của họ đã có danh tiếng nhất định. Còn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty mới khởi nghiệp, cách nghĩ này quá viển vông.
Vì thế, tôi khuyến khích tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà khởi nghiệp hãy tìm hiểu về tư duy cộng đồng, cách xây dựng một cộng đồng hiệu quả và lý thuyết mới về định vị thương hiệu. Tôi tin rằng, nó sẽ đem lại nhiều gợi ý và sự hỗ trợ cho mọi người.
Cộng đồng hiệu quả bồi dưỡng nhóm nhân cách lôi cuốn
Quá trình doanh nghiệp xây dựng cộng đồng hiệu quả chính là quá trình hình thành nhóm nhân cách lôi cuốn bằng tư duy cộng đồng. Một cộng đồng hoạt động hiệu quả có thể cung cấp các điều kiện cần thiết đáp ứng nhu cầu tinh thần của khách hàng và tạo mối quan hệ sâu sắc với khách hàng.
Tư duy cộng đồng giúp doanh nghiệp xây dựng cộng đồng hiệu quả bằng cách đáp ứng ba nhu cầu của khách hàng là cảm giác tồn tại, sức sáng tạo, cảm giác hạnh phúc, và đáp ứng sáu nhóm nhu cầu tinh thần là cảm giác an toàn, cảm giác quan trọng, cảm giác mới mẻ, cảm giác trưởng thành, cảm giác kết nối và cảm giác đóng góp.
Cộng đồng hiệu quả là môi trường bồi dưỡng nhóm nhân cách lôi cuốn. Cộng đồng đó cần thực hiện được ba vai trò cùng một lúc là biểu đạt nhân cách thương hiệu, kết nối nhân cách thương hiệu và xây dựng nhân cách thương hiệu mới tạo nên nhóm nhân cách lôi cuốn.
1. Biểu đạt nhân cách thương hiệu
Xét từ vai trò biểu đạt nhân cách thương hiệu, một cộng đồng hiệu quả sẽ thôi thúc doanh nghiệp bộc lộ nhân cách thương hiệu bất cứ lúc nào. Điều này rất quan trọng, hoạt động tiếp thị hay bản thân sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đều có tác động đến cảm nhận của khách hàng nên chúng ta cần chú ý bảo vệ ID nhân cách thương hiệu, tăng chỉ số ấn tượng và chỉ số năng lượng của nhân cách thương hiệu. Trong quá trình biểu đạt nhân cách thương hiệu, nếu doanh nghiệp thể hiện ID nhân cách thương hiệu mang tính tiêu cực thì thương hiệu sẽ bị khách hàng cô lập, xa lánh, làm giảm hoặc thậm chí mất cơ hội tạo nên mối quan hệ sâu sắc với khách hàng.
2. Kết nối nhân cách thương hiệu
Xét từ vai trò kết nối nhân cách thương hiệu, cộng đồng hiệu quả sẽ từng bước tăng cường kết nối giữa nhân cách thương hiệu của doanh nghiệp và nhân cách của khách hàng, từ kết nối nhân cách sơ cấp (kết nối cơ bản ở cấp độ sinh lý), tiến đến kết nối nhân cách trung cấp (kết nối tình cảm ở cấp độ tâm lý) và cuối cùng là thực hiện kết nối nhân cách cao cấp với khách hàng (kết nối giá trị quan ở cấp độ tinh thần). Việc này giúp thương hiệu của doanh nghiệp tạo được sức hấp dẫn và sự gắn kết lớn hơn trong cộng đồng khách hàng.
3. Hình thành nhân cách thương hiệu
Xét từ vai trò hình thành nhân cách thương hiệu, cộng đồng hiệu quả là vườn ươm nhóm nhân cách lôi cuốn, thúc đẩy nhân cách thương hiệu lan tỏa năng lượng tích cực, phát huy vai trò làm mẫu cho khách hàng, từ đó tạo nên một môi trường tốt đẹp để xây dựng nhóm nhân cách lôi cuốn trong cộng đồng khách hàng. Dưới sự ảnh hưởng và cảm hóa đến từ những năng lượng tích cực của nhân cách thương hiệu, các thành viên trong cộng đồng sẽ dần dần củng cố nhân cách lôi cuốn của chính họ, từ đó giúp thương hiệu tiến thêm một bước trong việc xây dựng nhóm nhân cách lôi cuốn.
Nắm bắt cộng đồng hiệu quả và tránh xa cộng đồng kém hiệu quả
Thời đại cộng đồng đã mở ra. Cộng đồng là môi trường cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp hình thành nhân cách lôi cuốn. Bất cứ ai cũng không thể tách khỏi cộng đồng để sống một mình. Chúng ta chỉ có thể vận dụng tư duy cộng đồng, xác định và lựa chọn các cộng đồng hiệu quả, sau đó cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cơ bản là xây dựng nhân cách lôi cuốn.
Chúng ta cần hiểu rõ một thực tế. Cộng đồng là môi trường cần thiết cho sự sinh tồn của chúng ta, nhưng nó cũng có thể trở thành gánh nặng và khiến chúng ta hoang mang. Chúng ta cần vận dụng linh hoạt tư duy cộng đồng, nắm chắc cách phân biệt cộng đồng hiệu quả và cộng đồng kém hiệu quả, phân bổ hợp lý thời gian và năng lượng quý báu của chúng ta để có những trải nghiệm sống chất lượng cao hơn.
Thời đại cộng đồng ra đời trong bối cảnh công nghệ Internet phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống của con người. Hoạt động giao lưu tương tác và trao đổi thông tin giữa chúng ta ngày càng dễ dàng hơn, giúp cho việc hình thành cộng đồng trở nên đơn giản hơn bao giờ hết, tỷ lệ chúng ta chủ động hoặc được thêm vào một hội nhóm nào đó tăng vọt. Chẳng hạn, các nhóm WeChat trên điện thoại di động, có nhiều trường hợp, chúng ta tự nhiên được “mời” vào nhóm. Chúng ta sẽ tạm thời ở lại vì nể mặt bạn bè hoặc kỳ vọng những nhóm đó sẽ đem lại giá trị nhất định, quan sát một thời gian rồi mới quyết định có nên rời khỏi nhóm không. Tuy nhiên, giá trị của hầu hết các nhóm thường trái với mong đợi, chúng ta lãng phí thời gian và năng lượng của mình vào những thông tin nhàm chán, những cuộc trao đổi hời hợt, càng không có được cảm giác tồn tại, tin tưởng, mới mẻ và trưởng thành.
Nói một cách khách quan, rất nhiều cộng đồng hiện nay đều là cộng đồng kém hiệu quả. Bởi chúng có những đặc điểm trái ngược so với cộng đồng hiệu quả. Thứ nhất, các thành viên trong cộng đồng không thể làm quen, hiểu biết lẫn nhau, cũng không thể tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Thứ hai, cộng đồng đó không duy trì được không khí sôi nổi, các thành viên thiếu tích cực và ít tham gia các hoạt động. Thứ ba, nội dung của các hoạt động cộng đồng rất nhàm chán, khô khan, không thể thúc đẩy mối quan hệ tương tác chất lượng và sâu sắc giữa các thành viên. Thứ tư, họ không có quy tắc cộng đồng rõ ràng, cho dù lúc mới thành lập có đưa ra những quy tắc, nhưng không thực hiện nghiêm túc, thêm mới hoặc loại bỏ thành viên cũng không minh bạch, hợp lý. Thứ năm, khả năng tổ chức và tự tổ chức hoạt động tập thể của cộng đồng rất kém, không có người lãnh đạo cộng đồng, các thành viên hoạt động vô tổ chức. Thứ sáu, các thành viên ít ghi nhận giá trị của cộng đồng, thiếu cảm giác tương tác, ý thức trách nhiệm và ý thức đóng góp cho mục tiêu chung. Thứ bảy, cộng đồng thiếu sự gắn kết và khả năng hành động nhất quán. Thứ tám, cộng đồng không thể tập hợp năng lượng tích cực nhìn về phía trước. Các thành viên rất khó tạo ra một bầu không khí tốt đẹp vô tư quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau.
Những thiếu sót cơ bản của một cộng đồng kém hiệu quả không thể hỗ trợ các thành viên hoàn thành nhiệm vụ hình thành nhân cách lôi cuốn. Nếu một người tham gia nhiều cộng đồng kém hiệu quả, anh ta sẽ lãng phí rất nhiều thời gian và năng lượng quý giá. Trong trường hợp này, các thành viên không nhận được sự hỗ trợ để xây dựng nhân cách lôi cuốn, ngược lại còn khiến bản thân rơi vào trạng thái mệt mỏi, khó thoát ra được.
Do đó, chúng ta cần nắm chắc những điểm khác biệt cơ bản giữa cộng đồng hiệu quả và kém hiệu quả, bảo vệ cộng đồng hiệu quả, tránh xa cộng đồng kém hiệu quả.
Tôi cho rằng, trong cuộc đời mỗi người ít nhất nên tạo ra một cộng đồng hiệu quả lấy chính mình là nhân vật trung tâm, và khuyến khích người khác cũng tích cực tham gia xây dựng những cộng đồng hiệu quả. Chúng ta nên vận dụng tư duy cộng đồng vào cộng đồng đó, biến việc xây dựng nhân cách lôi cuốn của cá nhân mình trở thành mục tiêu cơ bản của cộng đồng, kiên trì sử dụng ba loại vũ khí là hình thành nhân cách, biểu đạt nhân cách, kết nối nhân cách để mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên tiếp tục phát triển theo hướng kết nối tinh thần và kết nối giá trị, xây dựng nhân cách lôi cuốn là định hướng chung của các thành viên trong cộng đồng. Từ đó làm lộ diện nhiều nhà lãnh đạo cộng đồng có nhân cách lôi cuốn. Năng lượng đến từ nhân cách lôi cuốn được lan tỏa rộng rãi. Các thành viên của cộng đồng có được cảm giác tồn tại và sức sáng tạo. Đồng thời, cộng đồng hiệu quả này có thể tập hợp năng lượng tích cực để các thành viên biết quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau một cách vô tư, luôn vui vẻ và hạnh phúc.
Xây dựng cộng đồng hiệu quả là lối tắt giúp mỗi chúng ta tạo nên nhân cách lôi cuốn riêng. Trong quá trình này, bản thân chúng ta sẽ có cảm giác tồn tại lớn nhất, sức sáng tạo tốt nhất và tìm thấy niềm hạnh phúc quý giá.
Tu luyện “lục mạch thần kiếm”
Người khởi nghiệp muốn nắm bắt và vận dụng tư duy cộng đồng cần bắt đầu từ việc xây dựng một cộng đồng hiệu quả. Ở đây, tôi đưa ra “lục mạch thần kiếm” để tạo ra một cộng đồng hiệu quả cho tất cả bạn bè tham khảo.
Lục mạch thần kiếm chỉ sáu nhu cầu tinh thần cơ bản của các thành viên cộng đồng. Đó là cảm giác an toàn, cảm giác quan trọng, cảm giác mới mẻ, cảm giác trưởng thành, cảm giác kết nối và cảm giác đóng góp. Thực ra, sáu nhu cầu này thuộc ba nhóm nhu cầu tinh thần chủ yếu của con người: cảm giác tồn tại, sức sáng tạo và cảm giác hạnh phúc. Tôi đã ví chúng là “lục mạch thần kiếm” – một tuyệt kỹ võ công trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung.
Mạch kiếm khí thứ nhất: cảm giác an toàn
Cảm giác an toàn là một loại cảm giác tinh thần mà cộng đồng hiệu quả mang lại cho các thành viên, giúp họ cảm thấy yên tâm, đáng tin cậy. Cảm giác an toàn có hai nhánh nhỏ hơn là cảm giác tin tưởng và cảm giác gắn kết. Đây là hai vấn đề cần được giải quyết đầu tiên trong quá trình xây dựng một cộng đồng hiệu quả.
Để thỏa mãn cảm giác tin tưởng của các thành viên, người xây dựng cộng đồng nên nắm vững hai điều sau:
1. Lựa chọn đối tượng phù hợp, có danh tính rõ ràng
Bạn không nên tùy tiện và mù quáng kết nạp thành viên, nên chọn những đối tượng phù hợp với mục tiêu của cộng đồng. Trước khi kết nạp thành viên, bạn nhất định phải trao đổi, giải thích cho họ hiểu những giá trị mà cộng đồng có thể mang lại cho họ. Đồng thời, bạn cần đưa ra điều kiện để nắm bắt thông tin về danh tính của mỗi thành viên mới, bao gồm họ tên, nghề nghiệp, sở trường, sở thích… và đảm bảo tính xác thực của những thông tin này.
2. Xây dựng quy tắc, kiểm soát quy mô
Bạn cần phải xây dựng quy tắc cộng đồng tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo lời nói và hành động của các thành viên trong cộng đồng luôn phù hợp với đạo đức và pháp luật, ngăn chặn những lời nói và hành động không nhất quán với mục tiêu của cộng đồng, gây hại cho cộng đồng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần kiểm soát quy mô số lượng thành viên trong cộng đồng để các thành viên không cảm thấy áp lực về lượng thông tin quá lớn và áp lực giao lưu, trao đổi. Theo trải nghiệm thực tế của mình, tôi cho rằng chúng ta nên giới hạn số lượng thành viên của cộng đồng trong khoảng 100 người, sẽ dễ tạo được cảm giác tin tưởng giữa các thành viên.
Để thỏa mãn cảm giác gắn kết của các thành viên, người xây dựng cộng đồng nên nắm vững hai nguyên tắc sau:
1. Lan tỏa tình cảm ấm áp, gắn kết sức mạnh
Người xây dựng cộng đồng cần liên tục tạo cơ hội cho các thành viên tương tác trực tuyến và ngoại tuyến, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ về mặt tình cảm. Từ đó, các thành viên có thể tiến hành kết nối nhân cách sâu sắc, truyền tải giá trị quan tích cực, ngưng đọng thành một bầu không khí cộng đồng ấm áp và mạnh mẽ.
2. Các thành viên quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau một cách vô tư
Người xây dựng cộng đồng cần có yêu cầu cao đối với bản thân mình, giống như một người lãnh đạo cộng đồng, cố gắng hình thành nhân cách lôi cuốn, vô tư và nhiệt tình giúp đỡ mỗi thành viên trong cộng đồng, luôn dẫn dắt mọi người quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau thông qua vai trò làm mẫu.
Mạch kiếm khí thứ hai: cảm giác quan trọng
Cảm giác quan trọng chỉ cảm nhận của các thành viên trong cộng đồng khi được người khác quan tâm, coi trọng và tôn trọng. Khi một người biết rằng anh ta thực sự được quan tâm, coi trọng và tôn trọng trong cộng đồng, anh ta sẽ có cảm giác thỏa mãn về mặt tinh thần rằng bản thân anh ta là người có giá trị. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng một cộng đồng hiệu quả là làm cho các thành viên cộng đồng có được sự hài lòng về tinh thần và giá trị cá nhân.
Để thỏa mãn cảm giác quan trọng của các thành viên, người xây dựng cộng đồng cần nắm vững ba điều sau:
1. Quan tâm mọi thành viên, bình đẳng về quyền lợi
Trong quá trình xây dựng một cộng đồng hiệu quả, chúng ta nên quan tâm đầy đủ mỗi thành viên ngay từ thời điểm anh ta chính thức tham gia cộng đồng, như trịnh trọng giới thiệu anh ta với các thành viên khác, tạo không khí chào đón. Thỉnh thoảng có những chủ đề, hoạt động dành riêng cho mỗi thành viên, nêu bật vị trí của anh ta, và cố gắng đảm bảo mọi người đều có quyền lợi như nhau để có sự quan tâm chung.
2. Coi trọng mọi mặt, bình đẳng về cơ hội
Người xây dựng cộng đồng nên coi trọng mọi mặt nhu cầu thực tế và cảm nhận của các thành viên trong cộng đồng để họ nhận được sự coi trọng như nhau. Huy động hiệu quả các nguồn lực của cộng đồng và sức mạnh tập thể để giúp các thành viên giải quyết những vấn đề, khó khăn họ gặp phải trong cuộc sống hoặc công việc.
3. Thật lòng tôn trọng, nhân cách tương đồng
Người xây dựng cộng đồng cần tôn trọng mỗi một thành viên trong cộng đồng một cách chân thành, đảm bảo rằng mọi người có nhân cách gần như nhau. Một cộng đồng hiệu quả sẽ cung cấp cho các thanh viên cơ hội thể hiện bản thân trong khuôn khổ của các quy tắc cộng đồng, đồng thời tạo ra các quy tắc cần thiết, môi trường thuận lợi để bảo vệ lòng tự trọng của mỗi thành viên, cố gắng đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên.
Mạch kiếm khí thứ ba: cảm giác mới mẻ
Cảm giác mới mẻ là một cảm nhận tinh thần mới lạ mà các thành viên trong cộng đồng có được khi liên tục tiếp xúc với những lĩnh vực chưa biết và những điều mới mẻ. Mọi người luôn tò mò về cái mới, không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những gì mình đã biết. Do đó, trong quá trình xây dựng một cộng đồng hiệu quả, chúng ta nên thường xuyên tạo ra các loại khả năng để thỏa mãn cảm giác mới mẻ của các thành viên.
Để thỏa mãn cảm giác mới mẻ của các thành viên, người xây dựng cộng đồng nên nắm vững ba điều sau:
1. Chủ đề mới mẻ, nội dung sinh động
Theo một nghĩa nào đó, người xây dựng cộng đồng vừa đóng vai trò là nhà biên kịch vừa đóng vai trò là đạo diễn. Họ cần nâng cao khả năng thiết kế chủ đề, sản xuất nội dung cho cộng đồng qua quá trình suy nghĩ cẩn thận và thực hành nhiều lần. Điều này giúp những chủ đề trao đổi trong cộng đồng luôn mới mẻ, độc đáo, nội dung hoạt động trực tuyến, ngoại tuyến cũng ngày càng sinh động. Cảm giác mới mẻ được tích lũy dần dần sẽ làm các thành viên trong cộng đồng tràn đầy kỳ vọng, từ đó tích cực tham gia các hoạt động hơn.
2. Tìm hiểu quy luật, nắm bắt nhịp điệu
Cảm giác mới mẻ do cộng đồng tạo ra không phải diễn ra trong chớp nhoáng, mà là một quá trình kéo dài liên tục. Do đó, người xây dựng cộng đồng cần kết hợp với mục tiêu của cộng đồng, thường xuyên thiết kế những chủ đề, hoạt động tương tác phong phú, mới mẻ, sau đó quan sát phản hồi của các thành viên, tìm ra quy luật quản lý cộng đồng phù hợp với nhu cầu cảm giác mới mẻ. Tìm hiểu chu kỳ con người từ chỗ nảy sinh cảm giác mới mẻ đối với một sự vật, sự việc nào đó đến lúc hết hứng thú; từ đó nắm bắt được nhịp điệu của nội dung mới, mắt xích mới và mục tiêu mới, duy trì cảm giác mới mẻ của các thành viên, đồng thời ổn định và kiểm soát cảm giác đó.
3. Tạo bất ngờ và cảm động
Động lực mạnh mẽ nhất để người xây dựng cộng đồng tạo cảm giác mới mẻ cho cộng đồng là liên tục đưa ra những nội dung hoạt động nằm ngoài dự đoán của các thành viên. Cho nên, một mặt, người xây dựng cộng đồng cần suy nghĩ về những gì thành viên quan tâm. Mặt khác, người này cần tiếp tục tạo ra những bất ngờ phù hợp với mối quan tâm đó. Như vậy, mỗi thành viên đều có thể cảm nhận rõ ràng sự tận tâm của người xây dựng cộng đồng qua những điều bất ngờ họ nhận được, từ đó sẽ chú ý hơn đến cộng đồng.
Mạch kiếm khí thứ tư: cảm giác trưởng thành
Cảm giác trưởng thành là cảm giác tinh thần hình thành trong quá trình các thành viên trong cộng đồng không ngừng kiểm điểm, thấu hiểu chính mình, không ngừng thu nhận những kiến thức, kỹ năng, và cải thiện nhân cách. Cảm giác trưởng thành rất quan trọng với mỗi người. Nó mang lại cho chúng ta sự tự đánh giá tích cực và chắc chắn về bản thân, hỗ trợ chúng ta tiếp tục nâng cao sức sáng tạo. Bản chất của trưởng thành là sự lớn lên về nhân cách, bao gồm sự nâng cấp toàn diện về chuẩn mực hành vi thể hiện ra bên ngoài và cả những phẩm chất bên trong của nhân cách. Do đó, một cộng đồng hiệu quả có thể tăng cường sức sáng tạo của mọi người bằng cách liên tục nâng cao cảm giác trưởng thành của các thành viên.
Để thỏa mãn cảm giác trưởng thành của các thành viên, người xây dựng cộng đồng cần nắm vững ba điều sau:
1. Đi đầu làm gương, tạo sự cộng hưởng
Cảm giác trưởng thành của các thành viên trong cộng đồng cần một quá trình. Trước hết, người xây dựng cộng đồng cần đứng ra làm mẫu, khao khát tìm kiếm tri thức mới, theo đuổi tiến bộ, tích cực phát huy vai trò là người dẫn dắt. Họ cần tích cực học hỏi, chia sẻ, quan sát, phán đoán nhạy bén, để có thể kịp thời giới thiệu những kiến thức mới, thông tin mới, có giá trị đến với cộng đồng, giúp các thành viên nảy sinh hứng thú, kích thích tinh thần giao lưu và học hỏi lẫn nhau, từ đó tạo thành một sự cộng hưởng trong tập thể.
2. Chọn người theo tài năng, trăm kẻ khoe tài
Mỗi thành viên đều có những khả năng và giá trị riêng. Người xây dựng cộng đồng cần phát hiện ra điểm mạnh của mỗi thành viên, tích cực chọn người theo tài năng, khám phá tài năng đặc biệt của các thành viên trong những lĩnh vực khác nhau, tạo ra hàng loạt chuyên gia và người có chuyên môn. Đồng thời, chúng ta cũng phải tạo cơ hội cho họ chia sẻ, lan tỏa những kiến thức và khả năng quý giá đó cho các thành viên khác trong cộng đồng để mỗi thành viên đều có cơ hội nâng cao năng lực của bản thân và trưởng thành hơn.
3. Nắm bắt cương mục, trưởng thành về tâm hồn
Chúng ta cần nắm bắt các khâu chính, sau đó mới đến các khâu thứ yếu. Các nhà xây dựng cộng đồng nên tập trung vào mục tiêu làm cho các thành viên trưởng thành về tâm hồn, đó là điểm bùng phát cảm giác trưởng thành trong cộng đồng. Nhu cầu trưởng thành không phải là một nhu cầu đơn lẻ mà là nhu cầu tổng hợp, trong đó điều quan trọng nhất là sự trưởng thành về tâm hồn. Chúng ta có thể đạt được mục tiêu này trong quá trình các thành viên xây dựng nhân cách lôi cuốn, cải thiện nhân cách về mặt động lực và giá trị quan cũng chính là cách hiện thực hóa mục tiêu này.
Mạch kiếm khí thứ năm: cảm giác kết nối
Cảm giác kết nối là cảm giác vui vẻ khi các thành viên liên tục nhận được sự hỗ trợ tài nguyên, hỗ trợ tâm lý và hỗ trợ tinh thần từ cộng đồng. Cảm giác kết nối bắt nguồn từ nhu cầu thực tế là con người không thể tách khỏi cộng đồng. Một người cần phải thiết lập một nút kết nối lâu dài và ổn định với những người xung quanh, đảm bảo sự trao đổi giá trị cần thiết, tạo sự hỗ trợ nhiều mặt cho người đó. Mối quan hệ giữa người với người được xây dựng qua những kết nối nhân cách, giúp mọi người cảm nhận được sự an ủi, hỗ trợ về mặt tâm lý và tinh thần.
Để thỏa mãn cảm giác kết nối của các thành viên, người xây dựng cộng đồng cần nắm vững ba điều sau:
1. Hình thành một mạng lưới quen biết
Muốn thỏa mãn cảm giác kết nối, đòi hỏi người xây dựng cộng đồng cần gia tăng tần suất trao đổi và mức độ tham gia trao đổi của các thành viên, khuyến khích trao đổi sâu một – một, từ đó hầu hết thành viên có thể trở thành những người bạn quen biết nhau. Mỗi người đều có cơ hội làm quen với một nhóm bạn tốt tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau thông qua cộng đồng, từ đó hình thành mạng lưới quan hệ chặt chẽ. Mỗi người đều là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới quan hệ này, nên sẽ trân trọng, không bao giờ từ bỏ mạng lưới bạn bè.
2. Chia nhóm tương tác
Trong cuộc sống thực, một cộng đồng hiệu quả thường có quy mô từ vài chục người đến một trăm người. Có một cách hiệu quả để người xây dựng cộng đồng gia tăng cảm giác kết nối là chia nhỏ tập thể, tạo những nhóm hoạt động ngoại tuyến theo quy mô nhỏ, có tần suất trao đổi cao. Người xây dựng cộng đồng có thể hướng dẫn các thành viên tạo một số nhóm hỗ trợ ngoại tuyến trên tinh thần tham gia tự nguyện, thúc đẩy mỗi nhóm trở thành một tổ chức tự thân trong cộng đồng, có hoạt động giao lưu trao đổi theo chiều sâu và hỗ trợ nhau hiệu quả trong nội bộ nhóm.
3. Kiểm soát cảm xúc và dẫn dắt tinh thần
Cho dù người xây dựng cộng đồng muốn tạo mạng lưới quan hệ chắc chắn, ổn định hay tổ chức tự thân hoạt động ngoại tuyến theo nhóm nhỏ thì cũng cần tuân thủ nguyên tắc kiểm soát cảm xúc, dẫn dắt tinh thần. Nguyên tắc này hoàn toàn thống nhất với nhu cầu xây dựng nhân cách lôi cuốn, vì nó xuất phát từ động lực và giá trị quan trong cấu trúc bên trong nhân cách. Trong quá trình người xây dựng cộng đồng dẫn dắt các thành viên cùng nhau xây dựng nhân cách lôi cuốn. Mọi người sẽ kết hợp, dung hòa, thu hút và tương tác với nhau trên phương diện tinh thần thông qua việc thực hiện kết nối nhân cách và định hình nhân cách, từ đó liên tục tạo ra quan hệ kết nối nhân cách sâu sắc, thúc đẩy tiến trình hình thành nhân cách lôi cuốn.
Mạch kiếm khí thứ sáu: cảm giác đóng góp
Cảm giác đóng góp là một loại cảm giác thỏa mãn mạnh mẽ hình thành trong trái tim của các thành viên khi thể hiện giá trị cá nhân và giá trị xã hội. Cách có được cảm giác đóng góp là vô tư trao gửi yêu thương. Tình yêu lớn lao này bắt nguồn từ tình yêu cuộc sống trong sâu thẳm trái tim. Trong quá trình trao gửi yêu thương, mọi người sẽ liên tục chạm vào tâm hồn của người khác, kích thích người khác đáp lại tình yêu theo bản năng. Loại phản ứng này không tuân theo nguyên tắc trao đổi ngang bằng, cùng có lợi mà tuân theo nguyên tắc cảm động và biết ơn. Trong một cộng đồng hiệu quả, các thành viên quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau một cách vô tư, đóng góp giá trị cá nhân cho lợi ích chung, đồng thời cũng có những đóng góp tương tự cho xã hội thông qua các hoạt động của cộng đồng. Việc thực hiện giá trị cá nhân và giá trị xã hội sẽ giúp nâng cao đáng kể cảm giác đóng góp của các thành viên, giúp họ cùng theo đuổi, đón nhận hạnh phúc trong quá trình yêu và được yêu đó.
Để thỏa mãn cảm giác đóng góp của các thành viên, người xây dựng cộng đồng cần nắm vững ba điều sau đây.
1. Tích cực quan tâm, hào phóng khen ngợi
Người xây dựng cộng đồng cần nỗ lực khuyến khích các thành viên quan tâm lẫn nhau, vừa lấy mình làm gương để kéo mọi người làm theo, lại vừa phải tạo được bầu không khí, tích cực dẫn dắt mọi người. Khi chúng ta tạo ra một bầu không khí trao đổi ấm áp trong cộng đồng, mọi người có thể giãi bày tình cảm thật, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau một cách vô tư và tích cực tham gia giải quyết những khó khăn hoặc vấn đề thực tế mà các thành viên gặp phải trong công việc và cuộc sống. Đồng thời, người xây dựng cộng đồng cũng cần tìm ra một cơ chế khen thưởng hiệu quả, tích cực biểu dương những thành viên có nhân cách thực sự lôi cuốn, nhiệt tình giúp đỡ người khác để họ là những người đầu tiên trải nghiệm cảm giác đóng góp.
2. Nêu cao tinh thần đóng góp và khích lệ thành viên tiên tiến
Người xây dựng cộng đồng cần liên tục khuyến khích các thành viên đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng. Cảm giác đóng góp của các thành viên tự nhiên sẽ được tăng lên rất nhiều trong quá trình họ tham gia đóng góp. Cộng đồng hiệu quả là một tập thể thống nhất, người xây dựng cộng đồng nên giới hạn các nguồn lực và khả năng của cá nhân mình, cố gắng phát động tất cả các thành viên tham gia và đóng góp cho các hoạt động của cộng đồng, đem lại lợi ích lớn hơn cho mọi người. Chúng ta nên xây dựng một cơ chế khen thưởng hợp lý để kịp thời khích lệ những thành viên tiên tiến có đóng góp cho cộng đồng, không chỉ giới hạn ở phần thưởng vật chất mà quan trọng hơn là sự khích lệ về tinh thần, lan tỏa nhân cách lôi cuốn của họ, truyền cảm hứng cho nhiều thành viên khác làm theo.
3. Kiên trì thực hiện hoạt động công ích
Các nhà xây dựng cộng đồng cần phải hiểu rằng, cách nâng cao cảm giác đóng góp của các thành viên hiệu quả nhất là dẫn dắt mọi người tham gia hoạt động phúc lợi xã hội. Đó cũng là cách tốt nhất giúp các thành viên kết hợp giá trị cá nhân với giá trị xã hội. Chúng ta cần lưu ý, việc thực hiện hoạt động công ích không phải chỉ diễn trong một ngày, cũng không phải là một hành động bốc đồng hay khoa trương, mà là một hành động tập thể do những thành viên có nhân cách lôi cuốn khởi xướng và kiên trì thực hiện trong suốt thời gian dài. Qua hoạt động này, các thành viên có thể kết nối nhân cách sâu sắc. Mối quan hệ giữa các thành viên dần dần phát triển từ kết nối tình cảm lên kết nối giá trị quan. Xét về ý nghĩa xã hội, trong quá trình này, các thành viên trong cộng đồng cùng nhau đạt được cảm giác đóng góp, tiếp tục theo đuổi và tìm thấy hạnh phúc chân chính.