Nền kinh tế cộng đồng
Trong hai năm qua, người dùng Internet bàn luận sôi nổi về kinh tế cộng đồng. Nhưng tiếc là khi đó mọi người vẫn chưa làm rõ định nghĩa và bản chất của cộng đồng, nên giải thích rất mơ hồ. Sau đây, chúng ta hãy cùng làm rõ ý nghĩa và bản chất của nền kinh tế cộng đồng.
Ý nghĩa thật sự của nền kinh tế cộng đồng
Muốn hiểu được ý nghĩa của kinh tế cộng đồng, trước tiên chúng ta cần xem lại định nghĩa “kinh tế”. Hầu hết các nhà kinh tế học đều đồng ý với cách giải thích sau: Kinh tế là việc sáng tạo giá trị và thực hiện giá trị, hoạt động kinh tế của con người là sáng tạo giá trị và thực hiện giá trị, đồng thời đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của con người.
Xin lưu ý rằng, định nghĩa kinh tế trong kinh tế học chỉ ra rằng hoạt động kinh tế ngoài việc đáp ứng nhu cầu vật chất của con người, còn cần phải đáp ứng nhu cầu tinh thần. Người nhạy bén sẽ nhận ra, một trong những cơ hội lớn nhất của thời đại kinh tế cộng đồng là thông qua hoạt động kinh tế để đáp ứng nhu cầu tinh thần của mọi người.
Tôi cho rằng, kinh tế cộng đồng là hình thái kinh tế chủ yếu đáp ứng nhu cầu tinh thần, cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người.
Cụ thể, kinh tế cộng đồng lấy việc thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người là khởi đầu sáng tạo giá trị, lấy cộng đồng là phương tiện truyền tải tinh thần để thực hiện giá trị và lấy việc cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần của con người là đích đến cuối cùng. Từ ý nghĩa này, chúng ta có thể phân tích kinh tế cộng đồng theo bốn góc độ sau đây.
1. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu vật chất, kinh tế cộng đồng còn rất chú trọng đến nhu cầu tinh thần của con người
Kinh tế cộng đồng ra đời trong bối cảnh kinh doanh chức năng sắp sụp đổ và thời đại mới của kinh doanh tinh thần đã bắt đầu mở ra. Nó sẽ thúc đẩy chủ thể tạo ra giá trị kinh tế là doanh nghiệp quan tâm sâu sắc đến nhu cầu tinh thần của khách hàng, thực hiện cân bằng nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần của khách hàng thông qua việc liên tục xây dựng các cộng đồng khách hàng có chung giá trị quan, tiếp đến thúc đẩy toàn diện hoạt động kinh tế chuyển mình từ kinh doanh chức năng sang kinh doanh tinh thần.
2. Kinh tế cộng đồng sẽ đảo ngược định hướng giá trị của các hoạt động kinh tế mà chỉ tập trung vào nhu cầu vật chất của khách hàng trước đây
Sự ra đời của thời đại cộng đồng làm nổi bật tầm quan trọng của cộng đồng đối với sự sinh tồn của nhân loại: Cộng đồng dần dần trở thành điều kiện thiết yếu để con người sáng tạo và thực hiện mọi giá trị, từ đó hoạt động kinh tế sẽ có những thay đổi to lớn về định hướng giá trị. Hoạt động kinh tế là một trong những hoạt động cơ bản trong quá trình tồn tại và phát triển của nhân loại. Việc cân bằng đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người chính là định hướng giá trị của hoạt động kinh tế.
3. Kinh tế cộng đồng sẽ đảo ngược cuộc khủng hoảng do xu hướng công nghệ hóa gây ra
Khủng hoảng lớn nhất của nhân loại cho đến nay là ham muốn của con người tỉ lệ thuận với tiến bộ công nghệ. Dưới sự thúc đẩy của ham muốn, những tiến bộ công nghệ và sự phát triển kinh tế đã đi lệch khỏi con đường phục vụ các nhu cầu của con người. Kinh tế cộng đồng nhắc nhở chúng ta biết rằng, nếu hoạt động kinh tế không thể cân bằng đời sống vật chất và đời sống tinh thần, cũng không thể thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người (cảm giác tồn tại, sức sáng tạo và cảm giác hạnh phúc) thì dù khoa học, công nghệ và kinh tế có phát triển đến đâu cũng vô nghĩa.
4. Kinh tế cộng đồng sẽ trở thành một hình thái kinh tế mới trong lịch sử nhân loại
Hình thái kinh tế là một khái niệm trừu tượng, chỉ hoạt động kinh tế mang đặc điểm, cơ cấu riêng của mỗi giai đoạn khác nhau trong lịch sử văn minh nhân loại, đại diện cho trình độ của lực lượng sản xuất tiên tiến tại thời điểm đó. Kinh tế cộng đồng hình thành tiếp nối sau bốn hình thái kinh tế từng xuất hiện trong lịch sử là: kinh tế nguyên thủy, kinh tế nông nghiệp, kinh tế công nghiệp và kinh tế thông tin. Nó ra đời dựa trên mục tiêu chủ yếu là cân bằng đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người, không ngừng thể hiện giá trị của con người; coi việc thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người là đích đến, tổ chức lại các yếu tố sản xuất đã có, tái cơ cấu mô hình sản xuất, dần dần phát triển thành một hình thái kinh tế mới.
Ba bản chất của nền kinh tế cộng đồng
Tìm hiểu bản chất của nền kinh tế cộng đồng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ đặc trưng của nền kinh tế này, nắm bắt được nhịp điệu của nền kinh tế cộng đồng trong cuộc sống hiện thực, từ đó chớp lấy thời cơ đón đầu nền kinh tế cộng đồng. Tôi đã rút ra ba bản chất của kinh tế cộng đồng như sau:
1. Kinh tế cộng đồng là một nền kinh tế nhân bản
Kinh tế cộng đồng khác với kinh tế nguyên thủy, kinh tế nông nghiệp, kinh tế công nghiệp và kinh tế thông tin ở chỗ nó phá vỡ những giới hạn trong tư duy của nhân loại trước kia về định nghĩa hình thái kinh tế, không còn chịu ràng buộc của bất kỳ điều kiện, yếu tố bên ngoài nào, mà quay trở lại định nghĩa coi con người là trung tâm. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhu cầu tinh thần của con người trở thành định hướng giá trị chủ yếu của hoạt động kinh tế. Vì thế, kinh tế cộng đồng là hình thái kinh tế hoàn toàn coi con người là gốc (gọi tắt là “nền kinh tế nhân bản”). Nó không chỉ chú ý đáp ứng nhu cầu vật chất của con người, mà còn rất quan tâm đến nhu cầu tinh thần, làm cho hoạt động kinh tế càng có ý nghĩa hơn.
2. Kinh tế cộng đồng quan tâm tới bản tính con người
Khác với các hình thái kinh tế trước đây, kinh tế cộng đồng là hình thái kinh tế quan tâm mọi mặt bản tính của con người. Về cơ bản, nó phục vụ cho trạng thái sinh tồn của con người, nhấn mạnh vào cả hoạt động kinh tế và ba yếu tố của nhân tính là tính sinh học, tính xã hội, tính tinh thần, cố gắng duy trì thế cân bằng giữa ba yếu tố này. Kinh tế cộng đồng sẽ đảo ngược cuộc khủng hoảng nhân tính do xu hướng công nghệ hóa đã diễn ra suốt hơn 200 năm qua, đảm bảo hoạt động kinh tế quay lại mục tiêu chính là cân bằng đời sống vật chất và tinh thần của con người. Do đó, kinh tế cộng đồng là hình thái kinh tế hướng đến bản tính của con người, còn được gọi là nền kinh tế nhân bản. Nó sẽ đưa nhân loại thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của xu hướng công nghệ hóa kể từ cách mạng công nghiệp đến nay.
3. Kinh tế cộng đồng là một nền kinh tế có nhân cách
Không giống với hình thái kinh tế nào trước đây, kinh tế cộng đồng là một hình thái kinh tế đặc biệt coi trọng nhân cách. Nó nhấn mạnh vai trò then chốt của nhân cách hóa thương hiệu và nhóm nhân cách lôi cuốn trong các hoạt động kinh tế của nhân loại. Nền kinh tế cộng đồng đòi hỏi doanh nghiệp cần chú ý đến ID nhân cách thương hiệu, chỉ số nhân cách thương hiệu và biểu đồ K-line nhân cách thương hiệu. Doanh nghiệp cần thực hiện nhân cách hóa thương hiệu, không ngừng đưa kết nối nhân cách của thương hiệu với khách hàng lên một tầm cao mới và xây dựng mối quan hệ sâu sắc với khách hàng. Doanh nghiệp cũng cần hình thành nhóm nhân cách lôi cuốn, liên tục nâng cao năng lượng tích cực của nhân cách thương hiệu, thì mới có cơ hội nhận được sự chào đón và ủng hộ của khách hàng. Bởi vậy, kinh tế cộng đồng là một nền kinh tế được nhân cách hóa, gọi tắt là nền kinh tế nhân cách, nó sẽ thôi thúc chủ thể tham gia mọi hoạt động kinh tế cùng xây dựng nhóm nhân cách lôi cuốn.
Kinh tế cộng đồng thể hiện sáu sức hấp dẫn
Kinh tế cộng đồng xuất hiện cùng với thời đại kinh doanh tinh thần mới có thể phục vụ nhu cầu tinh thần của con người, cân bằng đời sống vật chất và tinh thần của con người. Theo tôi, nền kinh tế cộng đồng có sáu bản chất đặc biệt, tôi gọi là sáu sức hấp dẫn của nền kinh tế cộng đồng.
Nhu cầu tinh thần dẫn dắt nhu cầu tiêu dùng
Điểm khác biệt lớn nhất giữa nền kinh tế cộng đồng và các hình thái kinh tế khác là mức độ thỏa mãn nhu cầu tinh thần. Kinh tế công nghiệp và kinh tế thông tin thể hiện kết quả khi con người đi theo hướng công nghệ hóa.
Nhược điểm của hai hình thái kinh tế này là không thể đáp ứng toàn diện nhu cầu của con người, quá coi trọng nhu cầu vật chất mà xem nhẹ nhu cầu tinh thần, dẫn đến sự mất cân bằng giữa thế giới vật chất và thế giới tinh thần. Nếu không thay đổi, khi kinh tế càng phát triển, những sai lầm này càng trở nên nghiêm trọng.
Kinh tế cộng đồng là một hình thái kinh tế trong đó nhu cầu tinh thần sẽ chi phối nhu cầu tiêu dùng. Có thể chia nhu cầu tiêu dùng của con người thành ba cấp bậc là nhu cầu sinh lý, nhu cầu tâm lý và nhu cầu tinh thần theo trật tự từ thấp đến cao. Việc tạo ra giá trị và lan truyền giá trị trong nền kinh tế cộng đồng bắt đầu từ nhu cầu tinh thần của con người. Khi doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu tinh thần của một người, có thể dễ dàng nắm bắt nhu cầu tâm lý và sinh lý của anh ta. Ngược lại, nếu doanh nghiệp bắt đầu từ thỏa mãn nhu cầu sinh lý ở tầng thấp, thì rất khó nắm bắt được nhu cầu tâm lý và tinh thần ở tầng cao hơn.
Nhân cách hóa thương hiệu trở thành khởi nguồn sáng tạo giá trị
Trong thời đại kinh tế cộng đồng, doanh nghiệp vẫn là chủ thể tạo ra mọi giá trị kinh tế. Còn trong thời đại kinh tế công nghiệp và kinh tế thông tin, nguồn gốc của hệ thống giá trị là chức năng của sản phẩm, công nghệ hoặc dịch vụ của doanh nghiệp, xuất phát điểm của nó là đáp ứng nhu cầu chức năng vật chất của khách hàng. Kinh tế cộng đồng khác với hai hình thái kinh tế này ở chỗ, khởi nguồn tạo ra giá trị không đến từ sản phẩm, công nghệ hay dịch vụ, mà là đến từ việc doanh nghiệp thực hiện nhân cách hóa thương hiệu, thỏa mãn nhu cầu tinh thần của khách hàng. Nhân cách hóa thương hiệu thể hiện mong muốn, hoài bão của một doanh nghiệp. Tuy những mong muốn, hoài bão đó không thể định lượng và rất khó nắm bắt, nhưng nhân cách thương hiệu lại có cấu trúc ý nghĩa rõ ràng, có thể nắm bắt và định hình được.
Nhân cách hóa thương hiệu sẽ trở thành khởi nguồn sáng tạo giá trị bởi kinh tế cộng đồng thực chất là một nền kinh tế nhân cách. Kinh tế cộng đồng đòi hỏi chủ thể tạo ra giá trị, tức là doanh nghiệp phải coi việc nhân cách hóa thương hiệu là nền tảng phát triển và phải dựa vào cộng đồng khách hàng để xây dựng nhóm nhân cách lôi cuốn. Trong tương lai, một doanh nghiệp nổi bật trong nền kinh tế cộng đồng phải có nhóm nhân cách hấp dẫn.
Cộng đồng khách hàng hiệu quả là phương tiện lan truyền giá trị
Cách nền kinh tế cộng đồng tạo ra và lan truyền giá trị khác với nền kinh tế công nghiệp và kinh tế thông tin trước đây. Kinh tế cộng đồng không còn mù quáng theo đuổi giá trị chức năng của sản phẩm hay dịch vụ, mà chú trọng đến vấn đề, liệu nó có thể mang lại giá trị tinh thần cho khách hàng hay không? Giá trị tinh thần đó lấy việc thỏa mãn nhu cầu tinh thần của khách hàng làm tiền đề, nhưng doanh nghiệp không thể thỏa mãn nhu cầu tinh thần của từng khách hàng. Doanh nghiệp cần dựa vào nhóm khách hàng của mình để xây dựng một liên minh tinh thần có chung giá trị quan, nghĩa là tạo ra một cộng đồng khách hàng hiệu quả. Điều đó giúp doanh nghiệp kết nối với khách hàng ở cấp độ tinh thần, có cơ hội thỏa mãn nhu cầu tinh thần của họ, sau đó lan truyền giá trị của nền kinh tế cộng đồng. Kinh tế cộng đồng đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhận thức được giá trị của một cộng đồng khách hàng hiệu quả. Bằng cách tạo ra một cộng đồng khách hàng chất lượng, có thể nhân rộng, các doanh nghiệp sẽ có không gian tạo ra giá trị thực sự cho nền kinh tế cộng đồng.
Xu hướng chính là trao quyền làm chủ cho người tiêu dùng
Thời đại công nghiệp và thời đại Internet chưa thực sự đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng. Nguyên nhân chủ yếu là do những hạn chế của mô hình kinh doanh chức năng. Trong kinh doanh chức năng, doanh nghiệp và khách hàng có kết nối nhân cách hời hợt, hai bên chỉ duy trì mối quan hệ mua bán hàng hóa. Thương hiệu không có nhân cách, doanh nghiệp xem nhẹ nhu cầu tinh thần của khách hàng, giá trị của cộng đồng khách hàng, không thiết lập mối quan hệ sâu sắc với khách hàng. Theo một nghĩa nào đó, doanh nghiệp và khách hàng ở thế đối lập trong ván cờ lợi ích. Nhưng kinh tế cộng đồng hoàn toàn khác, nó ra đời cùng thời với kinh doanh tinh thần, quan tâm cả nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần của con người, coi trọng giá trị của cộng đồng khách hàng, không ngừng nỗ lực xây dựng kết nối giá trị với khách hàng thông qua nhân cách hóa thương hiệu và nhóm nhân cách lôi cuốn, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là nhận được sự công nhận và ủng hộ của khách hàng. Trong thời đại kinh tế cộng đồng, doanh nghiệp phải đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu và hết sức chú ý đến những cảm nhận, đánh giá của họ. Sự phổ biến của Internet và môi trường truyền thông phi tập trung sẽ biến người tiêu dùng thành người quyết định sự sống còn của một thương hiệu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thương mại của nhân loại quyền quyết định này thuộc về người tiêu dùng.
Ứng dụng đầy đủ internet và công nghệ dữ liệu lớn
Kinh tế cộng đồng ra đời dựa trên nền tảng kinh tế công nghiệp và kinh tế thông tin, tận dụng cơ sở hạ tầng và giao thức truyền thông Internet. Internet có thể giúp các doanh nghiệp trong thời đại kinh tế cộng đồng nâng cao đáng kể hiệu quả sàng lọc và quảng bá thông tin, cũng như chất lượng trao đổi thông tin, hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp trong việc xây dựng một cộng đồng khách hàng hiệu quả. Công nghệ phân tích dữ liệu lớn phát triển mạnh mẽ trong thời đại Internet cũng sẽ được ứng dụng trong thời đại kinh tế cộng đồng. Dựa vào mối quan hệ sâu sắc với khách hàng trong cộng đồng khách hàng hiệu quả, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục lưu trữ dữ liệu khách hàng trên đám mây và theo dõi sát sao nhu cầu của họ, kịp thời phân tích chính xác dữ liệu khách hàng, từ đó đưa ra dự đoán và chiến lược kinh doanh tốt nhất.
Tối ưu hóa việc phân phối và chia sẻ tài nguyên xã hội
Kinh tế cộng đồng là hình thái kinh tế mà các doanh nghiệp có khoảng cách gần nhất với người tiêu dùng. Doanh nghiệp chủ trương truyền tải giá trị riêng thông qua nhân cách hóa thương hiệu và xây dựng những cộng đồng khách hàng có chung giá trị quan. Cộng đồng khách hàng này là một nhóm liên minh tinh thần xuyên thời gian và không gian, có thể giúp doanh nghiệp có một mối quan hệ sâu sắc với khách hàng. Khi thiết lập được mối quan hệ như vậy, thì doanh nghiệp có thể kịp thời nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Việc sản xuất theo nhu cầu đó và hàng loạt hoạt động tiền bán hàng sẽ trở thành trạng thái bình thường của nền kinh tế cộng đồng. Mô hình kinh doanh C2B trở nên phổ biến trong nền kinh tế cộng đồng. Đồng thời, doanh nghiệp có thể liên tục thu hút khách hàng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của doanh nghiệp, thiết lập một cơ chế chia sẻ lợi ích chung bằng cách khai thác triệt để truyền thông và tận dụng mối quan hệ của khách hàng, biến họ trở thành đối tác của doanh nghiệp, từ đó cho phép doanh nghiệp phát triển một mô hình kinh tế chia sẻ. Kinh tế cộng đồng là một hình thái kinh tế góp phần tối ưu hóa việc phân phối và chia sẻ nguồn tài nguyên xã hội.
Các doanh nghiệp cộng đồng sẽ nở rộ trong nền kinh tế cộng đồng
Kinh tế Internet toàn cầu phát triển vượt bậc trong 20 năm qua đã tạo ra hàng loạt doanh nghiệp Internet – loại hình doanh nghiệp có thế mạnh đặc biệt về công nghệ Internet, giúp họ trở thành những công ty vĩ đại như Google, Apple, Facebook, Amazon, Tencent, Alibaba... Các công ty này đều có lượng khách hàng khổng lồ, chiếm vị trí hàng đầu hoặc độc quyền trong lĩnh vực của mình. Trong 5 năm qua, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet di động tại Trung Quốc, một số doanh nghiệp Internet đã đạt được sự phát triển thần tốc như Xiaomi, LeEco, Didi Chuxing, Dianping, Toutiao... không những nhanh chóng trở thành doanh nghiệp kỳ lân, mà còn là siêu kỳ lân được định giá hàng chục tỷ đô-la chỉ trong vài năm ngắn ngủi.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế, khởi nghiệp trong thời đại Internet ngày càng khó khăn. Hầu hết mọi lĩnh vực đều có những doanh nghiệp khổng lồ hoặc siêu kỳ lân thâu tóm. Họ là những ngọn núi sừng sững đứng trước mặt các nhà khởi nghiệp đi sau.
Ngày 26 tháng 5 năm 2016, Trình Duy, nhà sáng lập ứng dụng gọi xe Didi Chuxing đã có một bài phát biểu tuyệt vời tại Học viện Hành chính Quốc gia Trung Quốc, nói về những kinh nghiệm của anh trong việc tìm hiểu nền kinh tế chia sẻ. Trình Duy thẳng thắn chỉ ra nửa đầu của 20 năm Internet vào Trung Quốc đã kết thúc, còn nửa sau đang bắt đầu mở ra, có rất ít cơ hội khởi nghiệp, xu hướng khởi nghiệp bây giờ đã đến giai đoạn thắt cổ chai, không còn cơ hội kết nối. Trình Duy cho rằng nửa sau là trí tuệ nhân tạo, thể hiện bằng các thuật toán tiên tiến, dịch vụ điện toán đám mây quy mô lớn và khả năng quét dữ liệu trên phạm vi rộng.
Tôi khâm phục Trình Duy vì có thể tạo ra vị thế hiện tại cho Didi Chuxing trong ngành chỉ trong bốn năm, nhưng tôi cũng lo ngại. Với tư cách là một người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm đầu tư mạo hiểm, tôi đặt rất nhiều kỳ vọng vào nhà khởi nghiệp xuất sắc thuộc thế hệ 8x này. Tôi hy vọng anh ấy sẽ trở thành người lãnh đạo thế hệ doanh nhân mới. Nhưng tôi buồn và lấy làm tiếc, vì đại diện của những doanh nhân mới nổi lại sa đà vào kinh doanh chức năng. Cho dù công nghệ tiến bộ hơn, trí tuệ nhân tạo ưu việt hơn, thì cũng không thể kết nối hiệu quả với giá trị quan của khách hàng, càng không thể xây dựng mối quan hệ sâu sắc với những khách hàng trung thành.
Chúng ta có thể nhận ra điểm này từ cuộc chiến giá cước xe công nghệ năm 2016. Từ khi LeEco nắm giữ phần lớn cổ phần của Didao Yongche, chính sách trợ giá cao của Didao Yongche đã nhanh chóng trở thành mối đe dọa lớn với Didi Chuxing. Xét từ góc độ khách hàng, một bộ phận lớn khách hàng cao cấp của Didi đã trở thành khách hàng của Didao trong một thời gian ngắn, ít nhất là cho đến khi chưa sử dụng hết số dư tài khoản, bộ phận khách hàng này tạm thời không thuộc về Didi. Từ góc độ người lái xe cũng xuất hiện vấn đề tương tự. Bao nhiêu tài xế do Didi vất vả đào tạo qua một đêm đã chạy hết sang Didao. Trình trạng này lặp đi lặp lại suốt một thời gian dài giữa Didi Chuxing và Didao Yongche. Những khách hàng bình thường như chúng ta khó có thể tưởng tượng được sự khốc liệt trong cạnh tranh. Không một doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài cuộc cạnh tranh này. Nó thể hiện tình trạng “3 không” trong kinh doanh chức năng. Các doanh nghiệp chỉ cạnh tranh trên phương diện chức năng, họ cạnh tranh về giá, về công nghệ, trải nghiệm sử dụng, chứ không thể chạm tới nhu cầu tinh thần của khách hàng, không thể kết nối sâu hơn với tình cảm, giá trị quan của khách hàng. Kết cục chỉ có thể là khách hàng không có cảm nhận, cạnh tranh không lành mạnh, thương hiệu không có nhân cách.
Trong làn sóng khởi nghiệp Internet hiện nay, khởi nghiệp gian nan là điều bình thường. Các doanh nghiệp chật vật tồn tại là sự thật rõ ràng. Những công ty mới khởi nghiệp cần vượt qua sự trói buộc vị trí của các doanh nghiệp Internet, đồng thời xem xét làm thế nào ứng dụng công nghệ Internet, tư duy cộng đồng để xây dựng một doanh nghiệp cộng đồng. Đây là cơ hội khởi nghiệp lớn nhất và chỉ đến một lần trong bối cảnh thời đại kinh doanh chức năng sắp khép lại, mở ra thời đại kinh doanh tinh thần. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể hóa giải lời nguyền khởi nghiệp là hành trình gian nan “bước từ địa ngục lên thiên đường, giữa đường ngang qua nhân gian” và tránh nằm trong 99% những người khởi nghiệp thất bại.
Hàng triệu, hàng chục triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ truyền thống đã có những việc làm vô ích khi cố gắng đón đầu xu hướng “Internet +”. Các doanh nghiệp truyền thống đang sứt đầu mẻ trán vì bị các doanh nghiệp Internet tấn công. Khi họ còn đang tự ti vì thiếu tư duy Internet để nhanh chóng chuyển đổi thành doanh nghiệp Internet, thì cơ hội kinh doanh tinh thần đang mở ra với họ. Để mở ra con đường kinh doanh tinh thần, các doanh nghiệp cần phải vượt qua những ràng buộc của kinh doanh chức năng, nếu không, dù họ có tiến tới “Internet +” hay “+ Internet” cũng đều vô nghĩa. Bước vào kinh doanh tinh thần chính là vận dụng tư duy cộng đồng để biến mình thành một doanh nghiệp cộng đồng. Loại hình doanh nghiệp này có thể lắp thêm đôi cánh cho các doanh nghiệp truyền thống của Trung Quốc, giúp họ nhanh chóng vượt qua các doanh nghiệp Internet và phát triển mạnh mẽ.
Doanh nghiệp cộng đồng là loại hình doanh nghiệp mới ra đời nhờ vận dụng tư duy cộng đồng vào nền kinh tế cộng đồng. Nó có lý luận chỉ đạo và phương pháp thực tiễn hoàn chỉnh hơn so với doanh nghiệp Internet. Xét về tính phù hợp với thời đại kinh doanh tinh thần trong tương lai, các doanh nghiệp cộng đồng có ba ưu thế lớn là chi phí thấp, hiệu suất cao và chất lượng (trải nghiệm của khách hàng) tốt, nên có sức sống mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp Internet.
Tôi đã so sánh một cách có hệ thống các đặc điểm của doanh nghiệp cộng đồng với doanh nghiệp Internet, phân tích sự khác biệt giữa hai loại hình doanh nghiệp theo 16 tiêu chí, bạn đọc có thể tự hiểu và suy ngẫm. Hy vọng điều này có thể mang đến cho tất cả các nhà khởi nghiệp và doanh nhân truyền thống những gợi ý, giúp họ thuận lợi bước trên con đường kinh tế cộng đồng trong thời đại kinh doanh tinh thần.
Phân biệt các doanh nghiệp cộng đồng và doanh nghiệp Internet theo 16 tiêu chí:
Sứ mệnh quan trọng của nền kinh tế cộng đồng ở trung quốc
Kinh tế cộng đồng là một hình thái kinh tế hướng tới con người và tương lai, đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người. Kinh tế cộng đồng có thể giúp con người gia tăng cảm giác tồn tại, sức sáng tạo và cảm giác hạnh phúc. Vì vậy, kinh tế cộng đồng có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Tôi mạo muội dự đoán, khi nền kinh tế của Trung Quốc thuận lợi chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp, kinh tế thông tin sang nền kinh tế cộng đồng, thì nền kinh tế cộng đồng trong tương lai có thể gánh vác sứ mệnh nâng cao phúc lợi xã hội, sức mạnh tổng hợp quốc gia và sức gắn kết của dân tộc Trung Hoa.
Tốc độ phát triển của nền kinh tế cộng đồng ở Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào việc Trung Quốc có một lượng lớn các doanh nghiệp cộng đồng trong tương lai hay không. Mà sự gia tăng của các doanh nghiệp cộng đồng lại phụ thuộc phần lớn vào hai nguồn sức mạnh tập thể: Thứ nhất là số lượng khổng lồ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có. Thứ hai là sự gia tăng liên tục các công ty mới khởi nghiệp. Hiện nay Trung Quốc có hàng chục triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, mỗi năm lại có thêm một triệu công ty khởi nghiệp mới ra đời. Họ chính là nền tảng hỗ trợ kinh tế và xã hội Trung Quốc.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là lực lượng chính giải quyết vấn đề việc làm trong xã hội Trung Quốc. Hiện nay, có khoảng 80% số người lao động ở khu vực thành thị có việc làm trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nếu không đảm bảo sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dẫn đến hàng loạt các vấn đề xã hội. Từ năm 2015, các công ty khởi nghiệp Trung Quốc tăng mạnh. Mỗi năm có hàng triệu công ty mới ra đời, ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình. Cho nên, nếu tỷ lệ khởi nghiệp thành công thấp không được cải thiện, có khả năng sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Hậu quả lớn nhất do khởi nghiệp thất bại không phải là mất tiền bạc, thời gian và sức lực, quan trọng hơn nó đánh vào niềm tin của người khởi nghiệp. Có rất nhiều người không đủ vững vàng không thể lấy lại sự tự tin, suy sụp suốt một thời gian dài.
Hàng chục triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp tăng thêm mỗi năm ở Trung Quốc đã khiến cho môi trường khởi nghiệp trở nên rất khó khăn. Hậu quả của nó ngày càng rõ rệt. Các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên tục phải đối mặt với những thách thức sống còn, tiềm năng phát triển giảm sút, không còn đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai. Đây là một sự thật. Bất cứ ai đang trực tiếp tham gia quản lý doanh nghiệp hoặc khởi nghiệp đều có cảm giác lo sợ này.
Đối mặt với thực tế khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lãnh đạo và chính quyền Trung Quốc đã rất quan tâm chú ý, nỗ lực ban hành những chính sách thay đổi cơ chế, miễn giảm thuế, hỗ trợ nguồn vốn để nâng đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và công ty mới khởi nghiệp. Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều thay đổi về thị trường vốn. Việc mở sàn giao dịch chứng khoán thứ ba cho thấy nhà nước luôn đặt nhiệm vụ hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích khởi nghiệp ở vị trí quan trọng trong quá trình thực hiện cải cách sâu rộng, phát huy vai trò điều tiết vĩ mô của chính phủ trong nền kinh tế thị trường, tích cực duy trì môi trường cho doanh nghiệp tồn tại.
Tuy nhiên, xét theo quy luật tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, các chính sách, việc làm của chính phủ chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Còn yếu tố quyết định vẫn là sự sáng tạo của chính người khởi nghiệp và doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có khả năng nắm bắt nhu cầu của khách hàng, không ngừng đổi mới để tạo ra giá trị. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, việc khách hàng tin tưởng, chấp nhận sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp là chìa khóa để doanh nghiệp có thể liên tục tạo ra dòng tiền, cũng là cánh cửa mở ra sự tồn tại và phát triển của tất cả các doanh nghiệp.
Phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty mới khởi nghiệp không phải không có khả năng tạo ra giá trị. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng. Các nhà khởi nghiệp tham gia vào làn sóng người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp vì họ tin rằng đã phát hiện ra nhu cầu của khách hàng và có thể cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng được nhu cầu đó. Sở dĩ các doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt thử thách nghiêm trọng về khả năng tồn tại chủ yếu là do khâu chuyển đổi giá trị, tức là hầu hết các doanh nghiệp đều gặp vấn đề kết nối với khách hàng. Biểu hiện cụ thể là khách hàng không biết, không hiểu, không tin tưởng sản phẩm hoặc dịch vụ, không thanh toán hóa đơn, dẫn đến doanh nghiệp không có đủ vốn để duy trì, tất nhiên sẽ xuất hiện cuộc khủng hoảng.
Doanh nghiệp xuất hiện vấn đề kết nối với khách hàng là điều bình thường trong nền kinh tế công nghiệp và kinh tế thông tin. Suy cho cùng là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ và công ty khởi nghiệp không thể thoát khỏi tình trạng “3 không” – khách hàng không có cảm nhận, cạnh tranh không lành mạnh, thương hiệu không có nhân cách trong kinh doanh chức năng, nên họ đồng loạt rơi vào hoàn cảnh thiếu khách hàng trung thành. Nền kinh tế cộng đồng sinh ra để giải quyết những vấn đề này. Nó mở ra thời đại kinh doanh tinh thần, khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra cộng đồng khách hàng hiệu quả, thực hiện kinh doanh nhân cách hóa tức là nhân cách hóa thương hiệu và xây dựng cho thương hiệu nhóm nhân cách lôi cuốn, đồng thời kích thích lan truyền thương hiệu và định hình thương hiệu thông qua cộng đồng khách hàng, từ đó thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ, giảm chi phí tiếp thị quảng bá thương hiệu. Doanh nghiệp cộng đồng chính là lực lượng chính của nền kinh tế cộng đồng.
Sự xuất hiện của các doanh nghiệp cộng đồng cho thấy các doanh nghiệp truyền thống vừa và nhỏ của Trung Quốc đã tìm được hướng chuyển đổi kinh doanh, còn các công ty mới khởi nghiệp cũng tìm thấy hướng phát triển. Các doanh nghiệp cộng đồng phát triển dựa trên nền tảng Internet trong 20 năm qua. Hiện tại, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về Internet di động với gần 800 triệu người dùng, cơ sở hạ tầng Internet và công nghệ truyền thông hoàn chỉnh nhất. Tất cả các doanh nghiệp truyền thống, công ty mới khởi nghiệp đều có cơ hội và quyền lợi như nhau.
Người quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà khởi nghiệp nên tìm hiểu và nắm bắt tư duy cộng đồng để biến doanh nghiệp của mình thành doanh nghiệp cộng đồng. Muốn xây dựng một doanh nghiệp cộng đồng, chúng ta phải nhận thức được đâu là sức cạnh tranh chính của doanh nghiệp cộng đồng; bắt đầu nghiên cứu nhu cầu tinh thần của người tiêu dùng, lập kế hoạch cho sản phẩm và dịch vụ của mình; bắt đầu coi nhân cách hóa thương hiệu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp; biết cách xây dựng một cộng đồng khách hàng thực sự hiệu quả; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, quan tâm đến mức độ hài lòng của người tiêu dùng; biết ứng dụng hiệu quả Internet, điện toán đám mây và dữ liệu lớn; tạo được một nền tảng kinh tế chia sẻ mà doanh nghiệp có kết nối sâu sắc với khách hàng.
Nền kinh tế cộng đồng của Trung Quốc cần đến hàng triệu doanh nghiệp cộng đồng để hỗ trợ hệ sinh thái kinh tế cộng đồng. Trong quá trình Trung Quốc đẩy mạnh kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và thực hiện hiện đại hóa mang bản sắc của Trung Quốc, nền kinh tế cộng đồng sẽ không ngừng thúc đẩy hàng chục triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp chuyển đổi nâng cấp mô hình kinh doanh, xây dựng cộng đồng khách hàng, tìm được không gian tồn tại và phát triển trong làn sóng kinh tế cộng đồng, cung cấp nguồn sức mạnh cho tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết vấn đề việc làm và vấn đề dân sinh.
Đó chính là sứ mệnh quan trọng của nền kinh tế cộng đồng. Chúng ta cần phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp cộng đồng để có một tương lai tốt đẹp hơn!
Chiến lược khởi nghiệp sáng tạo trong nền kinh tế cộng đồng
Hiện nay Trung Quốc đại lục có một làn sóng khởi nghiệp sáng tạo chưa từng có, tạo ra động lực mới mẻ và mạnh mẽ cho nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Chiến lược người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp chính thức được đưa vào văn kiện của Chính phủ Trung Quốc năm 2015. Tôi tin rằng trong vòng 5 đến 10 năm tới, khởi nghiệp sáng tạo sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trường kỳ và có thể trở thành một trào lưu của thời đại và có ảnh hưởng sâu rộng.
Khẩu hiệu “Internet thay đổi các ngành nghề truyền thống” trở nên quen thuộc với mọi người, rất nhiều ngành nghề truyền thống cũng lấy “Internet +” hoặc “+ Internet” làm mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh doanh. Dưới sự dẫn dắt của tư tưởng này, kinh tế Internet đã trở thành phong trào chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc, về cơ bản tư duy Internet được coi là lý luận định hướng.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, tư duy Internet thực chất là một cách tư duy giới hạn. Vì vậy, tôi xin nhấn mạnh lại lần nữa, việc coi tư duy Internet là định hướng chung của nền kinh tế sẽ đi lệch khỏi mong muốn phát triển kinh tế bền vững. Phương pháp luận máy móc này hạn chế tư duy, dẫn đến người tiêu dùng ngày càng đánh mất cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần.
Hình thái kinh tế Internet là tiêu chí thể hiện thời đại kinh doanh chức năng đã phát triển đến đỉnh cao.Nếu như tất cả các doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp khởi nghiệp đồng loạt chuyển sang mô hình kinh tế Internet, chắc chắn sẽ trở thành các doanh nghiệp “Internet +” hoặc “+ Internet”. Nhưng trong giai đoạn phát triển tiếp theo, những doanh nghiệp này vẫn phải đối mặt với muôn vàn vấn đề khó khăn xuất hiện từ trước khi ứng dụng Internet mà dù họ có cố gắng thế nào cũng không tránh được. Khi các doanh nghiệp truyền thống được phủ sóng Internet, những vấn đề đau đầu như khó thu hút khách hàng, khó giữ chân khách hàng, chi phí tiếp thị, quảng cáo, truyền thông thương hiệu đắt đỏ cũng vẫn sẽ tiếp tục gây khó khăn, cản trở sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Do đó, trong nền kinh tế Internet, mặc dù các doanh nghiệp truyền thống ứng dụng thành công công nghệ Internet, vẫn không thể thoát khỏi tình trạng kinh doanh chức năng, về cơ bản không thể giải quyết vấn đề “khách hàng không có cảm nhận, cạnh tranh không lành mạnh, thương hiệu không có nhân cách”. Trong phần ba của chương này, tôi đã dùng 16 tiêu chí để miêu tả các doanh nghiệp Internet và so sánh với các doanh nghiệp cộng đồng. Từ đó, tôi rút ra một kết luận quan trọng: Sức sống của doanh nghiệp cộng đồng mạnh mẽ hơn nhiều so với doanh nghiệp Internet.
Các doanh nghiệp cộng đồng tiên tiến hơn, đáng tin cậy hơn các doanh nghiệp Internet vì hai loại hình doanh nghiệp này có hướng phát triển khác nhau. Ngay từ đầu, các doanh nghiệp cộng đồng đã vận dụng tư duy cộng đồng vào con đường kinh doanh tinh thần, còn các doanh nghiệp Internet lại sa đà vào tư duy Internet, nên cứ mãi đi theo hướng kinh doanh chức năng.
Nếu chúng ta coi tư duy Internet là tư duy định hướng công cuộc khởi nghiệp sáng tạo trong nền tảng kinh tế Internet, thì kiểu khởi nghiệp này không thể phá bỏ được những hạn chế của kinh doanh chức năng. Do đó, sự chuyển đổi của các doanh nghiệp truyền thống và công ty khởi nghiệp vẫn chỉ dừng lại ở con đường mòn là kinh doanh chức năng dẫn đến cạnh tranh thị trường càng hỗn loạn, thực trạng phát triển của hầu hết các doanh nghiệp càng xấu hơn.
Kiểu khởi nghiệp sáng tạo này bắt nguồn từ thời đại kinh doanh chức năng và đã cắm rễ trong nền kinh tế Internet. Cho dù chúng ta thực hiện sáng tạo công nghệ hay sáng tạo mô hình, cho dù chúng ta là người khởi nghiệp ưu tú hay người khởi nghiệp bình thường thì con đường khởi nghiệp này cũng không thể thay đổi căn bản tình trạng “cạnh tranh khốc liệt, kẻ thắng làm vua” đang diễn ra trong mọi ngành nghề. Nó không thể giúp một số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi đúng đắn, cũng không thể giúp vô số công ty khởi nghiệp nâng cao tỷ lệ sống còn.
Trong một năm vừa qua, tôi luôn suy nghĩ bản chất của khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại kinh tế cộng đồng là gì? Nên triển khai như thế nào để doanh nghiệp phát triển lâu bền hơn và có giá trị hơn? Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, tôi đã tóm lược thành hệ thống khởi nghiệp sáng tạo 5 tầng trong nền kinh tế cộng đồng là: Hồn, Đạo, Pháp, Thuật và Khí theo trật tự từ cao đến thấp.
Tôi lấy khái niệm “Đạo, Pháp, Thuật, Khí” từ Đạo đức kinh của Lão Tử. Xét theo tư tưởng Đạo giáo, Đạo là đạo trời, là chân lý tuyệt đối, là phép tự nhiên bao quát toàn bộ thế giới, vượt ra ngoài không gian và thời gian. Pháp là quy tắc, cách thức tìm Đạo, tức là cách nắm bắt Đạo trời. Thuật là phương pháp, hình thức thể hiện của Pháp, nó là phương pháp thực hiện được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa Đạo và Pháp về mặt công cụ. Khí là công cụ, có thể hữu hình hoặc vô hình.
Trên bốn cơ sở Đạo, Pháp, Thuật và Khí, tôi đã thêm một chữ Hồn, nghĩa là tìm cho khởi nghiệp sáng tạo một linh hồn, coi Hồn như một tiêu chuẩn dẫn dắt hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, phản ánh hoàn chỉnh hơn, sinh động hơn bản chất của nó. Hồn lấy giá trị quan làm tiêu chuẩn, Đạo lấy khách hàng làm gốc rễ, Pháp lấy thương hiệu là quy tắc, Thuật lấy mô hình kinh doanh là phương pháp, Thuật lấy sản phẩm hoặc công nghệ làm công cụ. Đây là hệ thống khởi nghiệp 5 tầng trong nền kinh tế cộng đồng. Để dễ hiểu, tôi gọi chúng là Chiến lược khởi nghiệp sáng tạo (như trong bảng dưới đây).
Chiến lược khởi nghiệp sáng tạo (hệ thống khởi nghiệp sáng tạo 5 tầng) trong nền kinh tế cộng đồng