5
Goldilocks Hợm Hĩnh Và Chú Ngựa Thành Troy
Kiến tạo và duy trì liên minh
“Lúc này, những chú chim Sneetch có ngôi sao trên bụng đang tự hào nhảy nhót. Những chú chim Sneetch với cái bụng trơn nhẵn cảm thấy rất ngại ngùng.Có ngôi sao trên bụng chẳng phải là điều gì to tát. Chuyện ấy thực sự rất nhỏ bé chẳng đáng để bạn bận tâm. Bởi vì tất cả những chú chim Sneetch đều có sao ở bụng.Chúng cứ khoe khoang rằng: ‘Chúng ta là những chú chim Sneetch tốt mã nhất ở bãi biển này’. Chúng sẽ nhăn mặt, khịt mũi khi nhìn thấy bạn và nhanh chóng chê bai rằng: ‘Chúng ta chẳng việc gì phải nói chuyện với đứa không có sao trên bụng’.”
- Dr. Seuss
Những ký ức về sự vĩ đại của bà có thể phai mờ, nhưng không một ai ở nước Mỹ này hành động vì quyền bầu cử cho phụ nữ nhiệt thành hơn Lucy Stone. Năm 1855, bà đã đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ và kêu gọi hàng ngàn người đi theo mình, những người ấy tự ví mình là những “thần dân” của Lucy Stone. Trong thế kỷ tiếp theo, người ta thấy trong những người đồng hành cùng Lucy Stone có cả phi công Amelia Earhart, nhà thơ Edna St. Vincent Millay và nghệ sĩ Georgia O’Keeffe. Ngày nay, trong số những ngôi sao nổi tiếng, cũng có một vài nghệ sĩ đi theo Lucy Stone là Beyoncé, Sheryl Sandberg, Sarah Jessica Parker, và người sáng lập Spanx là Sara Blakely.
Lucy Stone là người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ vẫn giữ lại tên bà sau khi kết hôn. Đó là một trong nhiều thứ đầu tiên về bà. Ngoài ra, bà còn có những thứ đầu tiên khác như: bà là người phụ nữ đầu tiên lấy bằng cử nhân ở trường Đại học Massachusetts; bà là người Mỹ đầu tiên trở thành diễn giả toàn thời gian về các quyền phụ nữ, có khả năng tập hợp vô số người ủng hộ và biến họ trở thành những người sẵn sàng quảng bá cho phong trào của bà; bà trở thành một trong số ít những người phụ nữ có thể diễn thuyết trước công chúng về mọi thứ và có thể một mình đứng ra chia sẻ về quyền phụ nữ; bà có thể dẫn dắt những hội nghị quốc gia, và bà cũng tự mình cho ra mắt tờ thời báo đầu tiên trong cả nước dành riêng cho phụ nữ mang tên Woman’s Journal, tồn tại bền bỉ suốt một nửa thế kỷ. Theo lời Carrie Chapman Catt, những người tán thành quyền bầu cử cho phụ nữ đã vận động thành công Tu Chính án thứ Mười chín, công nhận quyền bầu cử của phụ nữ: “Sự thành công cho quyền bầu cử của phụ nữ ngày hôm nay sẽ không thể diễn ra nếu không có sự tham gia của tờ Woman’s Journal”.
Năm 1851, Stone đã tổ chức một hội nghị về quyền phụ nữ nhưng không phát biểu gì cho đến khi bà bị buộc đứng lên bục vào ngày cuối cùng của hội nghị. “Chúng ta muốn trở thành một điều gì đó to tát hơn là chỉ sống như những kẻ phụ thuộc trong xã hội”, Stone nhấn mạnh và kêu gọi phụ nữ hãy kiến nghị với các cơ quan lập pháp nhà nước về quyền bỏ phiếu và quyền sở hữu tài sản của phụ nữ. Lập trường của bà đã trở thành phát súng khơi mào phong trào đòi quyền lợi cho phụ nữ. Những lời nói mạnh mẽ của bà còn vang xa qua Đại Tây Dương và trở thành nguồn cảm hứng cho hai triết gia người Anh John Stuart Mill và Harriet Taylor Mill xuất bản bài luận nổi tiếng về sự giải phóng phụ nữ, giúp định hình các hoạt động vì quyền bầu cử của phụ nữ ở Anh.
Ở Mỹ, có lẽ ảnh hưởng quan trọng nhất của bà trên các hoạt động vì quyền phụ nữ là câu chuyện của nữ giáo viên ở Rochester tên là Susan B. Anthony – những bài phát biểu của bà Stone đã truyền cảm hứng cho cô tham gia các phong trào đấu tranh đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Hai năm sau, những đại cử tri đương thời như Elizabeth Cady Stanton, đã viết những nhận xét tốt đẹp với Anthony về Stone: “Chúng ta không có một người phụ nữ nào khác có thể so sánh với bà ấy”.
Trong một thập niên rưỡi sau đó, Stone, Anthony và Stanton đã hợp tác với nhau trong vai trò các nhà lãnh đạo nổi tiếng cho các phong trào lớn vì quyền lợi của phụ nữ. Nhưng trước khi họ nhận ra họ đang cùng hành động vì một mục tiêu chung về quyền bầu cử bình đẳng cho phụ nữ thì liên minh của họ sụp đổ.
Năm 1869, Anthony và Stanton cắt đứt sự hợp tác của họ với Stone, tách ra để thành lập tổ chức của riêng họ về quyền bầu cử của phụ nữ. Các cựu đồng minh ngày nào giờ lại đấu tranh gay gắt với nhau như các đối thủ, xuất bản những ấn phẩm báo chí riêng, đơn phương tranh cử, kêu gọi tài trợ và có những chương trình vận động hành lang độc lập. “Sự chia rẽ”, như nhà sử học Jean Baker đã nhận xét một cách cay đắng, “đã dẫn đến việc nhân bản những nguồn lực cho một phong trào, khiến phong trào thu nhỏ dần và hạn chế về mặt tổ chức”. Nhưng điều này cũng củng cố minh chứng rằng phụ nữ không thích hợp cho đời sống chính trị và làm mồi cho giới truyền thông báo chí tập trung mỉa mai rằng vụ việc là “những con gà tức nhau tiếng gáy” hơn là nguyên do thật sự đằng sau. Anthony đã vạch ra một âm mưu hủy hoại những lãnh đạo đến từ tổ chức của Stone. Sự thù địch với Stone đã nhen nhóm và phát triển mạnh mẽ trong Anthony và Stanton đến mức họ không hề đề cập đến tổ chức của bà trong bài viết tổng kết lịch sử phong trào đấu tranh vì quyền bầu cử của phụ nữ. Động thái này thực sự gây sốc cho cả con gái của Stanton và chính cô đã sửa chữa những sai sót của mẹ bằng cách viết một chương về những nỗ lực của Stone cho phong trào. Ba nhà lãnh đạo này đã từng cùng nhau cam kết sâu sắc cho cùng một vấn đề thì tại sao câu chuyện của họ lại kết thúc trong xung đột mang tính tàn sát nhau như vậy?
Chương này sẽ phân tích nguồn gốc hình thành liên minh nhằm mục tiêu phát triển sâu rộng, và cách nào để vượt qua những rào cản ngăn chặn những liên minh này thành công. Theo định nghĩa, hầu hết các nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng vốn có thường liên quan đến một phong trào do một nhóm thiểu số thực hiện để thách thức đa số. Các liên minh thì rất mạnh mẽ, nhưng cũng không ổn định vì chúng phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa các thành viên. Xung đột giữa Lucy Stone với Susan B. Anthony và Elizabeth Cady Stanton đã làm tan vỡ liên minh quan trọng nhất trong phong trào đấu tranh đòi quyền bầu cử cho phụ nữ, khiến nó gần như sụp đổ. Khi phân tích những thách thức trên cùng với câu chuyện về cuộc đấu tranh của một doanh nhân tài năng nhằm thuyết phục mọi người cho mình một cơ hội phát triển ý tưởng, về câu chuyện của một bộ phim bom tấn của Disney hầu như đã không được thực hiện, và sự sụp đổ của phong trào Occupy Wall Street, bạn sẽ thấy việc xây dựng liên minh hữu hiệu quan trọng như thế nào trong việc tạo thế cân bằng hài hòa giữa các cá nhân đáng kính và chính sách thực dụng. Bằng cách đó, bạn sẽ tìm ra lý do tại sao việc cất lên bài hát O Canada có thể giúp chúng ta hình thành những liên minh, tại sao những thủ thuật thông thường gây ảnh hưởng nhiều hơn các giá trị thông thường, lý do tại sao các bang ở phía Tây lại giành được quyền bầu cử sớm hơn các bang ở phía Đông và phía Nam, và tại sao sẽ khôn ngoan hơn nếu ta hợp tác với kẻ thù hơn đám đồng minh giả tạo.
Điểm cốt lõi ở đây là lý thuyết Goldilocks hợm hĩnh trong việc hình thành liên minh. Những người sáng lập một phong trào thường được xem là thành viên nòng cốt nhất của phong trào đó vì ý tưởng và lý tưởng của họ sẽ làm cho những người đi theo họ cảm thấy choáng ngợp. Để hình thành liên minh với các nhóm đối lập, cách tốt nhất là làm dịu đi gần như hoàn toàn nguyên nhân gây xung đột. Tuy nhiên, để thu hút đồng minh tham gia, điều cần thiết là truyền tải thông điệp được kiểm soát, không quá nóng hoặc quá lạnh, mà là vừa phải.
Thói vị kỷ vì những khác biệt nhỏ
Chúng tôi cho rằng các mục tiêu chung sẽ kết dính các nhóm với nhau, nhưng thực tế là chúng thường dẫn nhóm mình đi theo hướng ly khai, chia rẽ. Theo nhà tâm lý học Judith White ở Dartmouth, có một cách khác để hiểu những đứt gãy trong liên minh là khái niệm về sự thù địch theo phương ngang (horizontal hostility). Mặc dù họ cùng chia sẻ một mục tiêu cơ bản nhưng các nhóm cực đoan thường chê bai các nhóm khác là kẻ mạo danh và phản bội. Như Sigmund Freud đã viết cách đây một thế kỷ, “Đó chính xác là những khác biệt nhỏ giữa từng người mà từ đó hình thành cơ sở cho những cảm giác xa lạ và thù địch giữa họ”.
White nhận thấy điều này có mặt ở khắp mọi nơi. Khi một người phụ nữ khiếm thính giành vương miện Hoa hậu Mỹ, thay vì cổ vũ cô ấy như một người tiên phong thì các nhà hoạt động vì người khiếm thính lại lên tiếng phản đối. Vì cô ấy nói bằng lời hơn là sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, cô ấy không “đủ điếc” để đại diện cho nhóm người khiếm thính. Khi một người phụ nữ da ngăm đen được bổ nhiệm làm giáo sư luật tại một trường đại học, Hiệp hội Sinh viên Da đen của trường ấy phản đối với lý do da cô ấy không đủ đen như họ để đại diện cho họ. Một nhà hoạt động vì môi trường triệt để bác bỏ những nhà hoạt động chính thống của tổ chức Hòa bình Xanh vì ông nghĩ tổ chức này giống như một “con quái vật ngu ngốc bị thúc đẩy bởi vô số lợi ích kinh tế” và là “một mối đe dọa lớn đến tính nguyên bản của phong trào vì môi trường”. Để giải thích tại sao loại tình trạng thù địch này xảy ra, White đã dẫn đầu thực hiện những nghiên cứu thú vị về sự thù địch theo phương ngang trong các phong trào khác nhau và giữa các nhóm thiểu số.
Trong một nghiên cứu khác, những người ăn chay thuần (vegan) và người ăn chay bình thường (vegetarian) đánh giá các thành viên trong nhóm mình và những thành viên của nhóm còn lại so với những người không ăn chay. Những người ăn chay thuần biểu lộ thành kiến của họ đối với những người ăn chay thông thường cao gấp gần ba lần so với cách người ăn chay thông thường đánh giá những người ăn chay thuần. Trong mắt của những người ăn chay thuần cực đoan thì những người ăn chay chính thống phải là những người có thể làm được tất cả mọi thứ: không ăn các sản phẩm từ động vật (như trứng) nếu họ thực sự quan tâm đến nguồn gốc của việc ăn chay. Trong một nghiên cứu khác ở Hy Lạp, các thành viên của một đảng bảo thủ nhất khi đánh giá về một đảng tương tự thì họ ít bao dung hơn so với khi họ đánh giá về các thành viên thuộc một đảng tự do, và các thành viên của đảng tự do nhất cũng tỏ ra khắc nghiệt hơn đối với các bên tự do thay vì các đảng bảo thủ nhất. Người Do Thái chính thống đánh giá những phụ nữ Do Thái bảo thủ gay gắt hơn so với những phụ nữ Do Thái không hành đạo hoặc tham dự tất cả các ngày lễ tôn giáo. Thông điệp ở đây rất rõ ràng: Nếu bạn là một tín đồ thực sự, bạn sẽ hòa được vào tất cả các nhóm. Tuy nhiên, nếu bạn càng xác tín mạnh mẽ với một nhóm cực đoan thì bạn sẽ càng mong muốn tìm cách phân biệt bản thân mình với các nhóm chính thống ôn hòa hơn, nhóm có thể sẽ đe dọa các giá trị của bạn.
Đó cũng là tình trạng thù địch khiến cho Susan B. Anthony và Elizabeth Cady Stanton tách ra khỏi nhóm của Lucy Stone. Anthony và Stanton tương đối cực đoan, còn Stone thì chính thống hơn. Liên minh giữa họ rạn nứt vào năm 1866, khi Anthony và Stanton hợp tác với kẻ phân biệt chủng tộc nổi tiếng, George Francis Train, người ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ bởi vì ông ta tin rằng phụ nữ có thể giúp giảm nhẹ sự ảnh hưởng chính trị của người Mỹ gốc Phi. Stone đã đứng ngoài quan sát những gì họ làm với Train, cũng như việc họ cho phép ông ta góp quỹ cho những hoạt động của họ.
Mâu thuẫn càng lớn hơn khi Anthony và Stanton phản đối đề nghị sửa đổi Tu Chính án thứ Mười lăm cho phép đàn ông Mỹ gốc Phi được quyền bầu cử. Họ đã thể hiện một đường lối cứng nhắc: Nếu phụ nữ không được quyền bầu cử thì các nhóm thiểu số khác cũng không được làm điều đó. Họ đã trở nên cực đoan không chỉ bởi vì họ thiếu linh hoạt mà còn vì họ đã cố gắng tiếp cận các cử tri ủng hộ Tu Chính án của đảng tự do. Nhưng Stone lại đồng cảm hơn với lý do đưa đến chế độ bãi nô. Tại hội nghị về các quyền bình đẳng, bà đã nỗ lực xây dựng một cầu nối giữa các nhà hoạt động vì quyền của người da đen với Anthony và Stanton, đồng thời tuyên bố ủng hộ việc tiếp tục phát triển liên minh:
“Có lẽ cả hai bên đều đúng... Phụ nữ mắc vô số những sai lầm lớn gây trở ngại cho chính mình và người da đen cũng thế, họ cũng mắc vô số kể những sai lầm không thể hiểu được... Tôi cảm tạ Chúa vì Tu Chính án thứ Mười lăm và mong rằng nó sẽ được thông qua tại mỗi tiểu bang. Tôi biết ơn từ tận đáy lòng khi nhìn thấy bất kỳ ai thoát khỏi cái hố sâu phân biệt khủng khiếp đó.”
Anthony và Stanton đánh giá những hỗ trợ của Stone cho quyền bầu cử của người da đen như một sự phản bội với phong trào phụ nữ. Họ quyết định không giữ lời hứa về sự cam kết của họ vì một tổ chức chung và tuyên bố sẽ hình thành các tổ chức về quyền bầu cử quốc gia của phụ nữ trong tuần tiếp theo, vào tháng Năm năm 1869. Stone và nhóm cộng sự đã công bố một lá thư kêu gọi một tổ chức toàn diện hơn, nhưng không có kết quả. Họ có rất ít lựa chọn từ sự suy yếu kia nên đành phải tạo ra nhóm của riêng mình. Trong hơn hai thập niên, họ duy trì khoảng cách, làm việc độc lập trong một số vấn đề và phối hợp nhau nếu gặp vấn đề chung.
Khi phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ bị chia rẽ, Lucy Stone cần đến những đồng minh mới khác tương tự như Anthony và Stanton. Tất cả họ đều nhận được sự hỗ trợ từ nơi mà họ không ngờ tới nhất – Liên đoàn Phụ nữ Cơ đốc Đấu tranh Ôn hòa (The Woman’s Christian Temperance Union, WCTU), vốn được thành lập để đấu tranh chống lại việc nghiện rượu, vì những người đàn ông say rượu thường bạo hành vợ mình và để gia đình rơi vào cảnh nghèo đói. Ngược lại với các nhóm hoạt động vì quyền bầu cử của phụ nữ, tổ chức WCTU là nơi tập trung những người bảo thủ mạnh mẽ. Các thành viên của tổ chức thường là những phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu với niềm tin tôn giáo mạnh mẽ và tôn trọng giá trị truyền thống. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, quan hệ liên minh giữa những thành viên thuộc tổ chức WCTU và những người hoạt động vì quyền bầu cử cho phụ nữ xuất hiện ở hầu hết các bang trên toàn quốc. Những nguyên do khiến đôi bên hợp tác với nhau khá rõ ràng, đó là vì: Hoạt động của phong trào vì quyền bầu cử cho phụ nữ đã bị đình trệ trong việc gây ảnh hưởng đến hoạt động lập pháp; trong khi đó, sự tràn lên của những tổ chức chống phong trào vì quyền bầu cử phụ nữ đã khiến các thành viên của phong trào này suy yếu dần. Vào đầu những năm 1880, tổ chức của Stanton và Anthony giảm xuống chỉ còn một trăm thành viên.
Trong khi đó, tổ chức WCTU đã có một sự bùng nổ về số lượng thành viên, gia tăng từ vài ngàn người trong năm 1874 đến mười ba ngàn người vào năm 1876, và hơn một trăm ngàn người vào năm 1890. Với sự hỗ trợ của tổ chức phụ nữ lớn nhất cả nước, các nhà hoạt động vì quyền bầu cử cho phụ nữ có thể thực hiện những cải tiến có ý nghĩa. Điều khó hiểu là tại sao WCTU lại đồng ý hợp tác với những nhà hoạt động vì quyền bầu cử cho phụ nữ.
Trong một thí nghiệm thông minh, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Stanford là Scott Wiltermuth và Chip Heath đã chỉ định ngẫu nhiên những người trong ba nhóm trên nghe bài quốc ca O Canada trong những điều kiện khác nhau nhưng diễn ra đồng thời giữa các nhóm. Trong điều kiện có kiểm soát, những người tham gia đọc thầm ca từ khi bài hát được phát lên. Trong điều kiện đồng bộ, họ đã đồng thanh hát lớn bài hát. Trong điều kiện không đồng bộ, tất cả họ đã hát, nhưng không đồng thanh, mỗi người nghe bài hát với nhịp điệu khác nhau.
Những người tham gia nghĩ rằng họ đang được kiểm tra về khả năng ca hát của mình. Nhưng rồi lại có một thí nghiệm khác: Sau khi hát xong, họ tham gia một nghiên cứu mà ở đó họ có cơ hội giữ tiền lại hay chia sẻ nó với nhóm mình. Một vài phút ca hát ít ỏi có lẽ sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến hành vi của họ, nhưng thực tế là có. Nhóm người hát cùng nhau chia sẻ với nhóm mình nhiều hơn. Họ cho biết rằng họ có cảm giác giống nhau hay tương đồng nhiều hơn và cảm giác ấy cho họ cảm thấy họ là một nhóm hơn là những người tham gia trong các điều kiện khác1.
1 Trong một thí nghiệm được thực hiện bởi nhà tâm lý học Erica Boothby của trường Đại học Yale cho thấy: Người ta thích sô-cô-la nhiều hơn khi họ nếm thử nó cùng lúc với người khác. Tôi không thích sô-cô-la, nên thử nghiệm này cũng sẽ không hiệu quả với tôi, nhưng nghiên cứu tiếp theo của họ chỉ ra rằng nếu ăn loại sô-cô-la cực kỳ đắng thì cảm giác khó chịu sẽ lớn hơn nhiều khi nếm nó đồng thời với một người khác. Rõ ràng, những trải nghiệm tích cực và tiêu cực đều được khuếch đại lên khi chúng ta chia sẻ chúng, dẫn đến cảm giác tương đồng rõ nét hơn. (Adam Grant)
Trong khi tìm kiếm liên minh với các nhóm nhằm chia sẻ những giá trị của mình, chúng tôi đã xem xét kỹ tầm quan trọng của việc chia sẻ những thủ thuật chiến lược của chúng tôi. Gần đây, nhà xã hội học Wooseok Jung và Brayden King của trường Đại học Northwestern và Sarah Soule của trường Đại học Stanford đã theo dõi sự liên minh khác thường giữa các phong trào xã hội – như liên minh giữa các nhà hoạt động môi trường và những nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính, giữa phong trào vì quyền phụ nữ và phong trào vì hòa bình, giữa một căn cứ hải quân và một bộ lạc thổ dân châu Mỹ. Họ phát hiện ra rằng những tổ chức có các chiến thuật chung được dự đoán là sẽ liên minh với nhau. Thậm chí cho dù họ có quan tâm đến những nguyên nhân khác nhau thì các nhóm cũng sẽ nhận thấy những mối tương quan giữa họ khi họ có cùng phương thức gắn kết. Nếu thập niên vừa qua bạn có tham gia vào các cuộc biểu tình hay tuần hành nào thì bạn cũng sẽ thấy thật dễ dàng để cảm nhận mình có bản sắc và tính cộng đồng chung với một tổ chức hoạt động theo cùng cách với bạn.
Lucy Stone nhận ra những mục tiêu chung là không đủ cho một liên minh phát triển mạnh, bà lưu ý rằng: “Mọi người sẽ khác nhau trong việc xem xét các phương pháp và phương tiện tốt nhất”. Stanton, về phần mình, “đã chỉ ra rằng sự khác biệt trong các phương pháp trở thành ‘vấn đề thiết yếu’ gây chia rẽ hai hội”. Stone cam kết vận động ở mức nhà nước; Anthony và Stanton muốn sửa đổi hiến pháp liên bang. Stone đưa đàn ông vào tổ chức mình; Anthony và Stanton có xu hướng đặt ra chế độ thành viên chỉ có phụ nữ. Stone tìm cách truyền cảm hứng cho sự thay đổi thông qua diễn thuyết và các cuộc họp; Anthony và Stanton chạm trán mạnh hơn, với việc Anthony đi bỏ phiếu bất hợp pháp và khuyến khích phụ nữ khác làm theo.
Những người hoạt động vì quyền bầu cử của phụ nữ đã liên minh với các nhà hoạt động có cách làm việc ôn hòa hơn. Hai nhóm tìm thấy điểm chung ở chính phương pháp làm việc. Cùng thời điểm khi nữ giới tổ chức các câu lạc bộ WCTU địa phương, Lucy Stone cũng giới thiệu các câu lạc bộ vì quyền bầu cử của phụ nữ. Cả hai bên đều có một quá khứ nổi tiếng với việc vận động hành lang và xuất bản. Họ bắt đầu làm việc cùng nhau để vận động hành lang và nói chuyện trước cơ quan lập pháp nhà nước, xuất bản các bài báo và phân phát tài liệu, tổ chức các cuộc họp, các cuộc biểu tình và các cuộc tranh luận quyền bầu cử2. Cùng lúc ấy, các nhà hoạt động vì quyền bầu cử của phụ nữ và các nhà hoạt động ôn hòa thuyết phục một số bang công nhận phụ nữ có quyền bầu cử. Và khi làm như vậy, các nhà hoạt động vì quyền bầu cử của phụ nữ phát hiện ra một nguyên lý sâu sắc trong việc củng cố liên minh. Nguyên lý đó đã được lý giải bởi một doanh nhân trẻ nhìn xa trông rộng, người đã tìm ra một đường hướng đáng kinh ngạc cho phép thuyết phục những người có tư tưởng tiêu cực trao cho ý tưởng của cô một cơ hội.
2 Việc tương đồng về mặt chiến thuật chỉ tạo thuận lợi cho các liên minh tới một mức độ nào đó. Khi sự chồng chéo giữa các chiến thuật ở các nhóm cao hơn đến 61%, các liên minh trở nên ít có khả năng duy trì tiếp được. Khi những phương pháp của họ khá giống nhau, các nhóm có ít hơn cơ hội học hỏi và đạt được một lợi ích nào đó từ nhau; những nỗ lực của họ có thể sẽ trở nên thừa thãi. Mặc dù tổ chức WCTU và các nhóm vì quyền bầu cử của phụ nữ chia sẻ một số chiến thuật với nhau nhưng họ cũng vẫn có một số phương pháp độc đáo để dạy cho nhau. Các nhà hoạt động vì quyền bầu cử của phụ nữ bắt đầu đi bộ trong các cuộc tuần hành và dựng các gian hàng tại hội chợ; tổ chức WCTU ngày càng đệ trình nhiều đơn kiến nghị. Ngoài ra, sự khác biệt về mức độ hoạt động cũng rất quan trọng: Các phong trào có nhiều khả năng phải được sắp xếp lại khi có một phong trào ở trạng thái ôn hòa hơn phong trào khác, đối nghịch với khi không có sự khác biệt về trạng thái hoạt động, cũng như khi mà sự khác biệt về trạng thái hoạt động giữa các nhóm quá cách biệt. Rõ ràng một nhóm có mức độ hoạt động yếu hơn sẽ theo đuổi khả năng được liên kết với một nhóm có mức độ hoạt động mạnh hơn, nhưng cũng mang lại lợi ích cho các nhóm có mức hoạt động mạnh hơn đó. Các nhà xã hội học Jung, King và Soule giải thích: “Là những nhà hoạt động thách thức trước những trật tự xã hội đã và đang được thiết lập, họ cần phải làm mới các phong trào và liên tục cập nhật chương trình nghị sự để trở thành những nhóm hoạt động vượt trội, xác thực và thích đáng. Nếu họ thất bại trong công cuộc đổi mới chương trình nghị sự cho các phong trào và không gắn liền các hoạt động với những ý tưởng mới, phong trào đó có thể trở nên lỗi thời và mất đi sự kết nối với chính những cử tri nòng cốt của nó. Vì lý do này, các phong trào có mức hoạt động mạnh có lẽ nên tìm cách tìm hiểu và cập nhật những vấn đề mới nổi hoặc các vấn đề đã bị lờ đi trước đó”. (Adam Grant)
Những con người cấp tiến mạnh mẽ
Năm 2011, một sinh viên đại học năm cuối tên là Meredith Perry nhận thấy có sai sót gì đó rất cơ bản trong công nghệ. Cô ấy không cần một thiết bị dây cáp nào để gọi được điện thoại hay kết nối Internet. Tất cả mọi thiết bị từng có dây trước đây bây giờ đều là không dây… ngoại trừ một thứ. Ngồi trong phòng ký túc xá của mình, cô vẫn bị buộc phải bám dính lấy bức tường bởi các thiết bị lỗi thời của mình: chúng cần được sạc pin. Để có thể sử dụng điện thoại và chiếc máy tính của mình, cô phải luôn đảm bảo là chúng được cắm điện. Nhưng cô muốn dùng năng lượng không dây.
Cô bắt đầu nghĩ đến những thiết bị có thể phát ra chùm tia năng lượng xuyên không khí. Các tín hiệu từ một chiếc điều khiển tivi từ xa quá yếu, sóng radio thì kém hiệu quả, còn tia X-quang lại quá nguy hiểm. Thế rồi cô vô tình biết được một thiết bị có thể chuyển đổi các rung động vật lý thành năng lượng. Thiết bị đó, nếu bạn đặt nó dưới một chiếc xe lửa, bạn có thể lấy được năng lượng do tàu tạo ra. Mặc dù nghe có vẻ không thực tế lắm vì không có nhiều người lại gần tàu lửa để lấy năng lượng thu nạp từ nó, nhưng cô nhận ra rằng âm thanh truyền qua không khí bằng những xung động. Nếu cô ấy có thể sử dụng sóng siêu âm vô hình và không gây tiếng động để tạo ra các xung động trong không khí và chuyển đổi chúng thành năng lượng không dây thì sao?
Giáo sư vật lý của cô nói rằng điều đó là không thể. Các kỹ sư sóng siêu âm cũng xác nhận là điều đó không thể thực hiện được. Một vài người trong số các nhà khoa học đáng tôn trọng nhất trên thế giới cũng nói rằng cô đang lãng phí thời gian và công sức của mình. Nhưng sau đó, cô ấy đã giành chiến thắng trong một cuộc thi phát minh sáng chế, và một nhà báo đã thách thức cô giới thiệu công nghệ này tại một sự kiện kỹ thuật số chỉ bốn tuần sau đó. Mặc dù có cơ sở chứng minh cho khái niệm mới trên, nhưng cô chưa có nguyên mẫu để mô tả khái niệm này nên cô gặp phải vấn đề như chuyện “con gà và quả trứng”: Cô cần kinh phí để tạo nên một nguyên mẫu, nhưng ý tưởng của cô quá tiên tiến nên các nhà đầu tư muốn nhìn thấy mẫu trước tiên. Là người sáng lập duy nhất của công ty khởi nghiệp về công nghệ nhưng lại không có nền tảng về kỹ thuật, cô cần có đồng minh để tiến xa hơn.
Ba năm sau, tôi gặp Perry tại một sự kiện của Google. Sau khi kêu gọi được 750 ngàn đô-la tiền đầu tư khởi nghiệp từ Mark Cuban, Marissa Mayer và Quỹ sáng lập Peter Thiel, nhóm của cô vừa hoàn thành nguyên mẫu cho tính năng đầu tiên của sản phẩm. Nó có thể cung cấp năng lượng cho các thiết bị nhanh hơn từ một khoảng cách xa hơn so với dùng dây sạc, và sản phẩm cung cấp năng lượng không dây sẽ sẵn sàng ra mắt người tiêu dùng trong vòng hai năm tới. Đến cuối năm 2014, uBeam, công ty của cô, đã đăng ký được mười tám bằng sáng chế và huy động được 10 triệu đô-la tiền đầu tư mạo hiểm.
Perry được xem là ứng cử viên cho giải Nobel cùng với Snoop Dogg, người đã từng đạt giải Nobel, cùng với cựu Tổng thống Bill Clinton. Cô là người duy nhất được hoan nghênh nhiệt liệt. Mọi người tiếp tục tranh luận về việc sản phẩm sẽ hoạt động tốt ra sao, nhưng cô đã vượt qua những rào cản cơ bản để chứng minh tính khả thi của công nghệ mới này. “Mỗi cá nhân đơn lẻ hiện đang làm việc cho các công ty đã không nghĩ sản phẩm này có thể được thực hiện hoặc vô cùng hoài nghi về tính khả thi của nó”, Perry nói.
Perry đã phải đối mặt với một vấn đề đặc biệt về tính độc đáo khi cố gắng giải quyết tình trạng hiện tại, đó là vượt qua sự hoài nghi của những cổ đông chính về tiềm năng đối với sản phẩm của cô. Những nỗ lực ban đầu của cô bị đè bẹp. Cô đã không thuyết phục được các chuyên gia kỹ thuật, những người nhanh chóng chỉ ra những lỗ hổng về mặt toán học và vật lý trong sản phẩm khiến họ không cần xem xét đến việc hợp tác với cô. Có lẽ họ cho rằng việc cô thuê họ làm việc theo dạng hợp đồng sẽ không hiệu quả vì cô sẽ trì hoãn việc trả lương cho họ – họ có thể không bao giờ thấy được tấm phiếu thanh toán tiền lương của mình.
Cuối cùng, Perry đã có một động thái thông minh mà cô cho rằng sẽ có tác dụng; cô chỉ đơn giản ngừng giải thích cho các chuyên gia kỹ thuật về thứ sản phẩm mà cô đang cố gắng tạo ra. Thay vì trình bày kế hoạch tạo ra nguồn năng lượng không dây, cô chỉ đơn thuần cung cấp cho họ các thông số kỹ thuật của thứ công nghệ cô muốn. Lần trước cô nói với họ thế này: “Tôi đang cố gắng thiết kế một bộ chuyển đổi có thể truyền năng lượng qua không khí”, thì lần này cô nói với họ: “Tôi đang tìm người thiết kế một bộ chuyển đổi với các thông số như thế này. Các anh làm được việc này chứ?”.
Cách tiếp cận này thật sự hiệu quả. Cô đã thuyết phục được hai chuyên gia âm thanh thiết kế một chiếc máy phát tín hiệu, một người khác thiết kế một bộ tiếp nhận và một kỹ sư điện thiết lập các thiết bị điện tử. “Trong đầu tôi, những rủi ro dường như đang đến cùng một lúc. Trường hợp xấu nhất là tôi có thể bị kiện”, Perry thừa nhận. “Nhưng chẳng còn cách nào khác, tôi cần phải tận dụng tối đa tất cả kiến thức và kỹ năng mà tôi có”. Cô nhanh chóng tiến đến với ý tưởng cộng tác cùng các tiến sĩ đến từ Oxford và Stanford, để có được những tính toán và mô phỏng chứng minh rằng: Ý tưởng này khả thi về mặt lý thuyết. Những tính toán ấy đủ để thu hút tài trợ cho bước đầu của dự án và sự tham gia của một giám đốc công nghệ tài năng, người ban đầu đã rất hoài nghi về dự án này. “Khi tôi cho ông ấy xem tất cả những sáng chế này, ông đã nói ‘Ôi trời, chúng ta có thể làm được thứ này đấy’.”
Trong buổi nói chuyện về một cuốn sách trong chương trình TED, Simon Sinek đã lập luận rằng nếu chúng ta muốn truyền cảm hứng cho người khác, chúng ta nên bắt đầu với câu hỏi tại sao. Nếu chúng ta truyền đạt tầm nhìn đằng sau những ý tưởng của mình, và mục đích đưa chúng ta đến với ý tưởng đó, mọi người sẽ ở xung quanh lắng nghe chúng ta. Đây là một lời khuyên thực sự hiệu quả, nhưng đó là khi bạn không thực hiện một điều gì đó độc đáo thách thức hiện trạng đang có. Khi một người cố gắng giải thích lý do cho sự thay đổi về mặt đạo đức của họ, họ sẽ dễ va chạm với các niềm tin sâu xa. Tương tự như vậy, những người sáng tạo vượt ra khỏi lề thói khi giải thích lý do cho những hành động độc đáo của mình sẽ phải đối mặt với việc vi phạm những quan niệm thông thường trong cuộc sống.
Các nhà nghiên cứu Debra Meyerson và Maureen Scully đã tìm hiểu và phát hiện ra rằng để thành công, những người độc đáo nhất thường trở thành những người cấp tiến mạnh mẽ nhất (dù có thể bị cho là cực đoan trong xã hội của họ). Họ tin vào những giá trị vượt ra khỏi con đường truyền thống và những ý tưởng đi ngược lại các khuynh hướng đó, tuy nhiên họ nên học cách giảm nhẹ sự chống đối gay gắt của mình bằng cách thể hiện những niềm tin và ý tưởng theo những cách ít gây sốc và trông lôi cuốn hơn đối với thị hiếu đại chúng. Meredith Perry là một người cực đoan có xu hướng ôn hòa: Cô đã làm cho ý tưởng hoang đường của cô trở nên thực tế hơn, hợp lý hơn bằng cách giấu đi những đặc tính gây tranh cãi nhất. Khi cô không thể thuyết phục được các chuyên gia kỹ thuật thực hiện một bước nhảy cho dự án của mình, sau đó cô đã cố thuyết phục họ lần nữa bằng cách che giấu đi mục đích thực sự của mình.
Chuyển hướng tập trung từ tại sao sang làm thế nào có thể giúp mọi người bớt cực đoan hơn. Trong một loạt các thí nghiệm, khi những người có quan điểm chính trị cực đoan được yêu cầu giải thích lý do đằng sau những ưu đãi chính sách của họ, họ lại bị mắc kẹt với chính những quan điểm của mình. Việc giải thích sẽ cho họ cơ hội để khẳng định chắc nịch những niềm tin ấy. Thế nhưng khi trả lời, họ đã trở nên ôn hòa hơn. Việc xem xét mình sẽ thực hiện điều ấy bằng cách nào giúp họ đương đầu với những lỗ hổng kiến thức của mình và nhận ra rằng một số quan điểm cực đoan của họ là không thực tế.
Để hình thành liên minh, những người độc đáo có thể làm dịu đi tính cực đoan bằng cách che giấu tầm nhìn thực sự của họ bên trong một con ngựa thành Troy. Thượng úy Hải quân Hoa Kỳ, Josh Steinman có một tầm nhìn lớn trong việc thúc đẩy quân đội tiếp cận với những công nghệ bên ngoài bằng cách tạo ra Silicon Valley. Steinman biết ông sẽ phải đối mặt với những ý kiến phản kháng nếu ông trình bày một dự án cấp tiến, ảnh hưởng sâu rộng giúp thay đổi cách nhìn của hải quân về cách tiếp cận với những đổi mới. Vậy là ông trình bày dự án này theo cách ôn hòa hơn. Ông đã trình bày một số công nghệ mới giúp cập nhật tin tức kịp thời trên không với Đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ. Cảm thấy tò mò, Đô đốc Greenert đã hỏi thêm rằng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, và Chuẩn Đô đốc Scott Stearney hỏi Steinman thẳng vào vấn đề, rằng quân đội nên nghĩ như thế nào về công nghệ trong tương lai. “Đó là lúc chúng ta đánh được một cú trúng đích”, Steinman nhắc lại. “Tương lai sẽ nằm ở các ứng dụng phần mềm, không phải phần cứng, và chúng ta cần một diện mạo mới cho Hải quân Mỹ, tất cả chúng đều có ở Silicon Valley”.
Vài tháng sau, sau khi các cán bộ cơ sở khác trình bày những trường hợp tương tự về tầm quan trọng của phần mềm, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ đã đưa ra một bài phát biểu ủng hộ cho ý tưởng này, bài phát biểu hiện còn được lưu giữ ở Lầu Năm Góc. Không lâu sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng thông báo việc mở tòa sứ quán tại Silicon Valley. Như thế, Steinman đã tận dụng điều mà nhà tâm lý học Robert Cialdini gọi là lý thuyết “kẹt chân trong cửa”, nghĩa là bạn nên đưa ra một yêu cầu nhỏ trước khi đề cập đến một điều gì khác lớn lao hơn nhằm đảm bảo có một cam kết khởi đầu cho việc giải quyết vấn đề lớn hơn bạn muốn. Bằng cách mở đầu với một yêu cầu mang tính ôn hòa thay vì cực đoan, Steinman đã có được những đồng minh cho mình.
Các liên minh thường tan vỡ khi những thành viên từ chối làm dịu đi tính cực đoan của mình. Đó là một trong những thất bại lớn của phong trào Occupy Wall Street, một cuộc biểu tình chống lại sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội vào năm 2011. Năm đó, các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Mỹ ủng hộ phong trào, nhưng rồi sau đó họ không ủng hộ nó nữa. Nhà hoạt động Srdja Popovic thấy ngạc nhiên vì việc định vị phong trào một cách cực đoan đã làm các đồng minh tiềm năng lánh xa nó. Ông lập luận rằng: Sai lầm chết người ở đây là việc đặt tên cho phong trào sau khi tiết lộ những chiến thuật cực đoan khiến cho ít người quan tâm đến nó. Ông tin rằng chỉ cần dán nhãn lại cho phong trào là “The 99 Percent” thì nó sẽ vẫn có thể tồn tại. Cái tên “Occupy” (chiếm lấy) ngụ ý rằng cách duy nhất để làm được điều gì đó là bạn phải bỏ lại tất cả mọi thứ bạn đang làm và bắt đầu tìm kiếm, chiếm hữu một điều gì đó khác. Popovic viết: “Chiếm lấy vẫn chỉ là một thứ vũ khí đơn lẻ trong cả kho vũ khí khổng lồ để tìm được hòa bình, và quan trọng hơn nữa, một xu hướng, một phong trào cần có những người phù hợp nhất định cống hiến cho nó... Những phong trào, luôn phải đối mặt với những trận chiến gian nan, càng cần phải thu hút thêm nhiều người tham gia hơn bình thường nếu họ muốn thành công”. “The 99 Percent” không phải là ngoại lệ, nó mời gọi tất cả mọi người tham gia và sử dụng những chiến thuật ưa thích của riêng họ. Bằng cách giảm nhẹ tính cực đoan trong tên gọi của phong trào và mở rộng những phương thức hoạt động của nó, phong trào có thể nhận được sự hỗ trợ từ những công dân nổi tiếng hơn.
Trong phong trào vì quyền bầu cử của phụ nữ, đây là nơi mà tính vị kỷ đối với những khác biệt nhỏ đã dẫn đến những ý tưởng quái gở. Khi Anthony và Stanton hợp tác với kẻ phân biệt chủng tộc George Francis Train vào năm 1867, Stone đã viết rằng việc hỗ trợ cho phong trào vì quyền bầu cử cho phụ nữ của Train là “đủ để lên án Train trong tâm trí tất cả những người chống đối ông”, và chồng bà đã cảnh báo Anthony rằng liên minh này sẽ gây ra “những tổn thất không thể bù đắp đối với việc bầu cử của cả phụ nữ lẫn người da đen”3.
3 Là một đồng minh lâu năm, William Lloyd Garrison đã nài nỉ Anthony lùi lại: “Với tất cả sự thân thiết của tình bạn, và với sự tôn trọng cao nhất dành cho phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ, tôi không thể ngăn mình bày tỏ sự hối tiếc và ngạc nhiên của tôi về việc bà và bà Stanton dường như đã lạc đường khi chấp nhận đồng hành và hợp tác với George Francis Train, một tên hề mất trí có bộ não hình bán nguyệt... Bản thân bà rồi sẽ phải chịu thua trước sự nhạo báng và lên án đúng đắn của mọi người, và sẽ phải nhận ra rằng cái phong trào mà bà đang cố gắng dốc sức vì nó sẽ trở nên không còn cần thiết nữa... Còn cái tên Train kia có thể sẽ được xem là hình mẫu trong tâm trí của mọi người, nhưng không phải là một người để noi gương mà là một con kangaroo, khỉ đột hay hà mã”. (Adam Grant)
Nhưng niềm tin mạnh mẽ của Anthony – rằng nếu phụ nữ không thể có quyền bầu cử thì người da đen cũng không thể có – thì không hề lay chuyển. Bà tiến hành vận động vì quyền bầu cử của phụ nữ với Train khắp tiểu bang Kansas và chấp nhận nguồn tài trợ của ông để lập ra một tờ báo chuyên về quyền bầu cử. Khi Stone đối chất với Anthony về việc bà làm suy giảm danh tiếng của Hiệp hội vì quyền bình đẳng của họ bằng cách hợp tác với Train, Anthony thủ thế: “Tôi biết cô đang có vấn đề gì. Cô ghen tỵ, hằn học và ghét bỏ tôi khi thấy tôi có một tờ báo, còn cô thì không”. Stanton đứng về phía Anthony, ủng hộ quyết định của bà trong việc hợp tác với Train: “Đây là một hành động đúng đắn và khôn ngoan khi nhận trợ giúp từ một người ranh ma như ông Train”, bà nói, “với điều kiện là ông ấy không xúi giục chúng ta phải hạ thấp tiêu chuẩn của phong trào”.
Liên minh này sau đó đã cho thấy kết quả của việc đầu tư vào nó là vô ích: Kansas đã có cơ hội để trở thành bang đầu tiên thông qua quyền bầu cử cho phụ nữ, nhưng cuối cùng lại thất bại và tất nhiên kiến nghị về quyền bầu cử của người da đen cũng thất bại theo. Nhiều người trong tổ chức liên minh với ông Train đã phải chịu trách nhiệm cho cả hai thất bại này. Một vài năm sau, khi Stanton và Anthony thành lập hiệp hội riêng của họ, thay vì học tập từ những sai lầm trong quá khứ, họ lại từ chối làm dịu bớt lập trường cực đoan của mình bằng cách cho rằng bất cứ ai ủng hộ quyền bầu cử cho phụ nữ đều là bạn của họ. Và Stanton lại lập nên một liên minh khác, và liên minh này giống như là một đám mây đen vần vũ bên trên phong trào của bà. Stanton gia nhập lực lượng với Victoria Woodhull, một nhà hoạt động và là người phụ nữ đầu tiên tranh cử chức vụ tổng thống Mỹ, nhưng lại làm suy yếu phong trào vì quyền bầu cử của phụ nữ với một chương trình nghị sự đầy tính cực đoan. Woodhull từng là một kẻ lừa lọc và bán rẻ danh dự bản thân trong quá khứ, là người chủ trương ủng hộ tự do tình dục và từng tuyên bố rằng bà có “quyền tự nhiên, quyền không thể bác bỏ hay tước đoạt đối với việc tự do yêu đương, có thể yêu lâu dài hay ngắn ngủi tùy tôi, có thể thay đổi tình yêu đó mỗi ngày nếu tôi thích”.
Phe chống đối lại phong trào vì quyền bầu cử của phụ nữ đã lợi dụng sự xuất hiện của Woodhull trong phong trào để rao giảng rằng phong trào này thực sự nghiêng về tình dục bừa bãi hơn là vì quyền bầu cử. Một số lượng lớn thành viên từ các tổ chức Anthony và Stanton đã rút khỏi phong trào, đến mức họ không thể tập trung đủ thành viên để tổ chức một cuộc hội họp. Các nhà hoạt động vì quyền bầu cử phụ nữ nhận xét rằng chiến dịch của Woodhull “rất hiệu quả trong việc khiến các thành viên sợ hãi mà rút khỏi vị trí của họ”. Liên minh này “phải hứng chịu một cơn bão chỉ trích nghiêm trọng”, và người viết tiểu sử của Anthony sau này viết rằng liên minh này đã tạo nên các phong trào vô ích chẳng khác nào “cơn mưa mùa Hạ dưới những cơn lốc xoáy hung bạo của Missouri”.
Khi duy trì liên minh với Woodhull, Stanton có lẽ đã không nhìn nhận ra được những giá trị của chủ nghĩa cực đoan. Bà rời bỏ Stone và nhiều đồng minh tiềm năng khác trước đây trong quá khứ khi bỏ qua những khác biệt đáng kể trong cách mà những người trong cuộc và người ngoài cuộc đánh giá về một liên minh phù hợp là như thế nào. Sai lầm này của Stanton đã được mô tả trong một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu về quản trị Blake Ashforth và Peter Reingen, những người đã nhận ra rằng người trong cuộc và người ngoài cuộc có những cái nhìn rất khác nhau về việc nhận thấy ai là người phù hợp để liên minh. Đối với người trong cuộc, người đại diện chính là người giữ vị trí trung tâm và có khả năng kết nối nhất trong nhóm. Ở trong nhóm các nhà hoạt động vì quyền bầu cử cho phụ nữ, những người đó rõ ràng là Stanton và Anthony. Nhưng đối với người ngoài cuộc, người đại diện cho nhóm phải là người có những quan điểm cực đoan nhất. Đó là Woodhull: Vụ bê bối cá nhân của bà ấy đã làm lu mờ động cơ của phong trào hoạt động vì quyền bầu cử cho phụ nữ và gây chán ngán cho nhiều người cởi mở với ý tưởng đòi quyền bầu cử cho phụ nữ với tâm thái ôn hòa nhưng không ủng hộ việc tự do tình dục cho phụ nữ. Như một người ngoài cuộc đánh giá phong trào vì quyền bầu cử cho phụ nữ vô cùng cực đoan mà Anthony và Stanton đang dẫn dắt, Stone dường như có ít lựa chọn ngoại trừ việc giữ cho tổ chức của bà cách xa khỏi những gì họ đang làm.
Làm đồng minh với kẻ thù tốt hơn sống cùng những kẻ hai mặt
Trong tiểu thuyết The Godfather phần hai, Michael Corleone khuyên: “Hãy gần gũi với bạn bè, nhưng gần gũi hơn nữa với kẻ thù của anh”. Nhưng, chúng ta nên làm gì đối với những người không rơi vào một trong hai trường hợp ấy?
Thông thường, chúng ta xem các mối quan hệ của chúng ta dựa trên một chiều quan điểm từ tích cực đến tiêu cực. Những người bạn thân nhất của chúng ta là nơi chống lưng của chúng ta; còn những kẻ thù tệ nhất đang tích cực hoạt động chống lại chúng ta. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta cần phải vẽ ra hai trục độc lập: một trục là về việc một mối quan hệ có tính tích cực như thế nào, và một cái trục khác là về việc một mối quan hệ gây ra ảnh hưởng tiêu cực ra sao. Cùng những mối quan hệ hoàn toàn tích cực hoặc hoàn toàn tiêu cực, chúng ta có những mối quan hệ vừa gây ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực. Các nhà tâm lý gọi đó là mối quan hệ mâu thuẫn. Bạn có thể biết đó là những kẻ vừa là bạn vừa là thù – những người đôi khi hỗ trợ bạn và đôi khi làm hại bạn.
Tiêu cực |
Tích cực |
||
Thấp |
Cao |
||
Thấp |
Người quen:thờ ơ, lãnh đạm |
Bạn bè:kiên định hỗ trợ |
|
CAO |
Kẻ thù:luôn tìm cách hãm hại |
Vừa là bạn, vừa là thù:mâu thuẫn |
Mối quan hệ của Stone với cả Stanton và Anthony là mối quan hệ mâu thuẫn sâu sắc – họ vừa là đồng minh, vừa là kẻ thù. Một mặt, bà rất ngưỡng mộ sự khôn ngoan của Stanton và sự chăm chỉ của Anthony, và họ đã chứng minh được hiệu quả trong việc liên kết giữa họ. Mặt khác, Stone phản đối những “người bạn điên cuồng” và “đồng minh quái gở”, đã đe dọa đến sự đứng đắn của phong trào vì quyền bầu cử của phụ nữ. Anthony và Stanton là điển hình cho những kẻ hai lòng. Họ đã ký tên Stone trên thư khen ngợi một người ủng hộ nạn phân biệt chủng tộc giúp đỡ họ mà không cần đến sự cho phép của bà. Ngay sau đó, Stone đã viết cho Stanton vào mùa Thu năm 1869, đề nghị “một sự hợp tác tích cực, nồng nhiệt của tất cả các bạn bè trong phong trào, tốt hơn là tự đi một mình”, và đảm bảo với Stanton rằng tổ chức của Stone “sẽ không bao giờ trở thành kẻ thù hay đối kháng với tổ chức của Stanton”. Tuy nhiên, tại hội nghị ra mắt nhóm của Stone, Anthony đã cố gắng thực hiện một cuộc đảo chính bất ngờ để bầu Stanton lên làm chủ tịch. Stone đã mời Anthony lên bục, và Anthony đã kết thúc bài nói chuyện của mình bằng cách buộc tội Stone về những nỗ lực nhằm “vô hiệu hóa và nghiền nát” tổ chức của bà ấy.
Năm 1872, Stanton tiến hành hòa giải với Stone bằng một đề nghị và thúc giục bà ấy rằng: “Hãy quên đi quá khứ đã qua. Hãy chôn vùi tất cả những lời chỉ trích cá nhân để tập trung vào công việc trước mắt chúng ta”. Stone đã đón nhận những nghĩa cử hòa giải đó, chia sẻ các bài viết và bài phát biểu của Stanton trong tờ báo của mình. Sau đó có một lá thư từ Anthony gửi đến, đề xuất “hợp tác và thực hiện một chiến dịch có hệ thống”, mời Stone đến Rochester để “giải quyết một vấn đề mà tất cả chúng ta sẽ cùng nhau tham gia với vai trò là những người phụ nữ tuyệt vời”. Nhưng Stone đã từ chối.
Nhận thức lại, thật dễ dàng phán xét sự từ chối của Stone là một sai lầm bướng bỉnh. Nếu bà chấp nhận, các tổ chức có lẽ đã giành được quyền bầu cử cho phụ nữ từ nhiều năm trước. Nhưng nếu bạn xem xét mức độ căng thẳng mà mối quan hệ mâu thuẫn này tác động đến một người mạnh như thế nào, bạn có thể sẽ nhận ra sự khôn ngoan trong phản ứng của Stone.
Để khám phá ra cách thức hiệu quả nhất nhằm xử lý các mối quan hệ mâu thuẫn, Michelle Duffy, Giáo sư quản trị tại trường Đại học Minnesota, đã dẫn dắt một nghiên cứu khảo sát các sĩ quan cảnh sát về mức độ thường xuyên bị suy sụp và được hỗ trợ bởi đồng nghiệp thân cận nhất của họ như thế nào, cũng như mức căng thẳng trong công việc của họ và những lần nghỉ việc. Không có gì ngạc nhiên, các mối quan hệ tiêu cực thường tạo sự căng thẳng. Khi nhân viên cảm thấy bị suy sụp bởi những đồng nghiệp thân cận nhất của họ, họ sẽ ít tận tuỵ hơn, hay vi phạm kỷ luật hơn, và vắng mặt thường xuyên hơn.
Điều gì xảy ra khi các đồng nghiệp hay phá hoại thỉnh thoảng lại hỗ trợ họ? Mọi việc không hề tốt hơn mà còn xấu đi. Bị phá hoại và được hỗ trợ bởi cùng một người thậm chí chỉ làm cho người đó trở nên lỏng lẻo trong các cam kết và làm việc sai lệch nhiều hơn4. Những mối quan hệ mang tính tiêu cực thật khó chịu, nhưng chúng có thể dự đoán được: Nếu một đồng nghiệp luôn phá bạn, bạn có thể giữ khoảng cách với họ và đoán được điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Nhưng khi bạn đối phó với một mối quan hệ mâu thuẫn, bạn phải liên tục cảnh giác, phải vật lộn với những câu hỏi rằng khi nào mình có thể thực sự tin tưởng được người này. Cũng như nhóm của Duffy giải thích: “Phải mất nhiều năng lượng cảm xúc và nguồn lực hơn để đối phó với những cá nhân không kiên định”.
4 Tin tốt là khi các sĩ quan bị phá hoại bởi một người nhưng được hỗ trợ bởi một người khác, họ cảm thấy tốt hơn. Sự hỗ trợ từ một đồng nghiệp hoặc một người giám sát với hiệu ứng phụ đệm, bảo vệ các sĩ quan chống lại những căng thẳng và việc phải nghỉ việc do sự phá hoại ngầm nào đó gây ra. (Adam Grant)
Trong một loạt các nghiên cứu mang tính đột phá, nhà tâm lý học Bert Uchino nhận thấy rằng mối quan hệ mâu thuẫn gây ra tình trạng sức khỏe yếu kém nhiều hơn so với các mối quan hệ tiêu cực. Trong một nghiên cứu khác, những mối quan hệ mâu thuẫn được dự đoán là gây ra tỷ lệ căng thẳng, tuyệt vọng, và sự không hài lòng cao hơn trong cuộc sống. Trong một nghiên cứu khác, những người lớn tuổi hơn đánh giá mối quan hệ với mười người quan trọng nhất trong cuộc đời họ, đồng thời hoàn thành hai nhiệm vụ cực kỳ khó chịu và gây nhiều lo lắng: phát biểu trước công chúng mà có ít sự chuẩn bị và tham gia một bài kiểm tra toán với tốc độ cực nhanh. Càng có nhiều mối quan hệ mâu thuẫn thì nhịp tim của người tham gia càng tăng nhanh khi thực hiện cả hai nhiệm vụ này.
Lucy Stone hiểu rõ những rủi ro khi hình thành liên minh với các mối quan hệ mâu thuẫn. Năm 1871, bà đã viết về những mối quan hệ mâu thuẫn như sau: Tốt nhất là “không nên bắt tay với những người đó… Họ là những kẻ thù sau này của chúng ta. Chúng ta không biết họ có phải là bạn của chúng ta hay không”. Chuyên gia nghiên cứu người Mỹ và người viết tiểu sử Andrea Moore Kerr đã ghi lại rằng Stone “đã không thể dự đoán hay kiểm soát hành vi của một trong hai người, Stanton hoặc Anthony”. Đáp lại điều đó, theo Baker, Stone “đã tìm cách giữ cho tổ chức của mình không bị ảnh hưởng bởi “những cơn ác mộng khiếp nhược” gây ra bởi các lực lượng của Stanton - Anthony”.
Bản năng của chúng ta là cắt đứt những mối quan hệ xấu và tận dụng những mối quan hệ mâu thuẫn. Nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy chúng ta thường làm điều ngược lại: cắt đứt những mối quan hệ mâu thuẫn và cố gắng thay đổi kẻ thù của mình.
Trong nỗ lực thách thức hiện trạng, những người tư duy khác biệt thường lờ đi những đối thủ của họ. Nếu một ai đó khăng khăng chống lại sự thay đổi của bạn, theo logic, bạn không cần phí thời gian với anh ta. Thay vào đó, tập trung vào việc tăng cường mối quan hệ với những người đã từng hỗ trợ bạn.
Nhưng những đồng minh tốt nhất của chúng ta không phải là những người luôn ủng hộ chúng ta về mọi chuyện. Họ là những người lúc đầu chống lại chúng ta, và sau đó đã thay đổi quan điểm.
Nửa thế kỷ trước, nhà tâm lý học nổi tiếng Elliot Aronson đã tiến hành một loạt các thí nghiệm cho thấy rằng chúng ta thường nhạy cảm hơn trong việc giành được hoặc mất đi sự quý trọng hơn là chính mức độ sự quý trọng của người khác đối với ta như thế nào. Khi một ai đó luôn ủng hộ chúng ta, chúng ta xem nó hiển nhiên là như vậy – và có thể đánh giá thấp điều đó. Nhưng chúng ta lại trân trọng người nào đó ban đầu là địch thủ, sau đó thay đổi và nhiệt tình ủng hộ chúng ta. “Một người thích chúng ta nhiều hơn qua thời gian sẽ được chúng ta ưa thích hơn so với một người đã luôn luôn yêu thích chúng ta”, Aronson giải thích. “Chúng ta nhận thấy rằng mình đáng giá hơn khi một người nào đó có cảm xúc tiêu cực với ta ngay từ đầu, sau đó dần dần trở nên tích cực, hơn là những người luôn luôn tích cực với ta trong mọi chuyện.”
Khi chúng ta có một mối quan hệ đặc biệt mạnh mẽ với các đối thủ đã được ta thay đổi, họ sẽ cảm thấy giống như cách chúng ta cảm nhận chứ? Câu trả lời là “Có”, và đây là lợi thế thứ hai của việc thay đổi những người đối kháng với bạn. Để thích chúng ta, họ phải nỗ lực đặc biệt để vượt qua những ấn tượng tiêu cực ban đầu của họ về chúng ta, họ phải nói chuyện với bản thân là tôi đã nhìn nhận sai về người đó. Để tiến xa hơn và tránh những bất hòa dựa trên nhận thức có thể làm thay đổi tâm trí họ trở lại lần nữa, họ sẽ được thúc đẩy bởi một động lực đặc biệt để duy trì một mối quan hệ tích cực.
Thứ ba, và quan trọng nhất, đó là việc những kẻ thù trước đây của chúng ta đã thay đổi quan điểm sẽ có tính thuyết phục để những người khác tham gia phong trào của chúng ta hơn ai hết. Họ có thể đại diện chúng ta dẫn dắt những cuộc tranh luận tốt hơn, vì họ hiểu được những mối nghi ngờ và e dè của những người đối kháng, cũng như những người trung lập. Và họ cũng là nơi đáng tin cậy hơn, bởi vì họ không phải là những người lúc nào cũng lạc quan hay “những người nói ‘Có’” với mọi thứ. Trong một nghiên cứu của Aronson, người ta dễ bị thuyết phục thay đổi quan điểm của mình nhiều hơn cả bởi những người lúc đầu đối kháng tiêu cực với ý tưởng đó và sau đó thay đổi trở nên tích cực hơn. Gần đây hơn, những chuyên viên tập đoàn đã bị ảnh hưởng một cách khôn khéo bởi các thành viên hội đồng quản trị, những người đã tranh luận với họ ngay từ đầu và sau đó lại tin tưởng “ý kiến của họ xuất phát từ việc nghiên cứu kỹ lưỡng”5.
5 Tất nhiên, không phải mọi mối quan hệ tiêu cực đều có thể thay đổi và trở nên tốt đẹp. Nhà bình luận Chuck Klosterman phát hiện ra một khác biệt quan trọng giữa kẻ thù thông thường – những người có thể trở thành đồng minh và những kẻ thù không đội trời chung: “Bạn là kiểu kẻ thù thông thường, mặc dù thực tế là bạn đang khinh thường anh ta. Nếu kẻ thù thông thường của bạn mời bạn ra ngoài uống một ly với anh ta, bạn sẽ chấp nhận lời mời đó... Nhưng bạn sẽ không bao giờ uống nước với kẻ thù không đội trời chung với bạn, trừ khi bạn đang muốn tìm cách pha độc vào ly rượu Gin của anh ta”. (Adam Grant)
Thay vì né tránh kẻ đối lập với mình, Lucy Stone cố gắng lôi kéo họ và tích cực tham gia với họ. Bà đã thay đổi được quan điểm của Julia Ward Howe, một nhà thơ lỗi lạc đã từng viết bản The Battle Hymn of the Republic. Howe được mời tham dự một cuộc họp về quyền bầu cử cho phụ nữ và đến đó một cách miễn cưỡng, “với sự chống đối trong lòng”, xem Stone như là một trong những người mà bà “không ưa”. Nhưng sau khi nghe bài phát biểu của Stone, Howe đã trở thành một đồng minh thân cận và là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại của phong trào.
Năm 1855, một kẻ chất vấn đã phá hoại một hội nghị bằng cách mô tả các nhà hoạt động vì quyền bầu cử của phụ nữ là những người không thích hợp với hôn nhân, chê bai nhóm tổ chức phong trào như là “một nhóm những phụ nữ đầy thất vọng”. Thay vì lờ anh ta đi, Lucy Stone đã trực tiếp nhắc đến anh trong bài phát biểu của mình, khiến khán giả vỗ tay reo hò:
Diễn giả sau cùng ám chỉ phong trào này là của những người phụ nữ đầy thất vọng. Từ những năm đầu tiên đến những năm sau này mà ký ức của tôi còn nhớ được, tôi đã là một người phụ nữ đầy thất vọng... Tôi đã thất vọng khi tìm kiếm một sự nghiệp… mọi công ăn việc làm đã đóng lại với tôi, ngoại trừ việc làm giáo viên, thợ may và quản gia. Trong giáo dục, trong hôn nhân, trong tôn giáo, trong mọi việc, rất nhiều phụ nữ chúng tôi phải chịu nỗi thất vọng. Và công việc của cuộc đời tôi sẽ tô đậm thêm nỗi thất vọng này trong trái tim của mỗi phụ nữ cho đến khi họ không thể chịu khuất phục được nữa.
Khi Stone đi xung quanh và treo áp phích thông báo các bài phát biểu bị hủy bỏ, mấy người đàn ông trẻ đi theo bà và tháo chúng xuống. Stone hỏi những người ấy rằng họ có yêu mẹ họ không? Chắc chắn rồi. Thế họ có yêu chị em của họ không? Tất nhiên. Và bà giải thích rằng ở miền Nam, những người đàn ông đến tuổi quy định sẽ bị bán làm nô lệ, và sẽ không bao giờ nhìn thấy gia đình của mình một lần nào nữa. Theo như Kerr giải thích, “Bà ấy sau đó có mời họ đến tham dự các bài giảng buổi tối của bà như ‘những khách mời đặc biệt’. Những lần thu nạp hội viên đường phố như vậy của bà có thể tìm ra những đồng minh hữu ích, và có thể xoa dịu đi những rắc rối khác”.
Năm 1859, một sinh viên đại học tên là Frances Willard đã viết trên trang báo của bà rằng Lucy Stone đang ở trong thị trấn và lưu ý rằng: “Tôi không thích các quan điểm của bà ấy”. Tuy nhiên, bất kể những ý kiến bảo thủ riêng mình, Willard vẫn tham gia phong trào đấu tranh ôn hòa, và vài năm sau đó, bà đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo đấu tranh về quyền bầu cử cho phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn nhất. Bà cho rằng Stone chính là động lực đằng sau sự thay đổi quan điểm của mình:
Tôi nhớ khi xưa tôi cũng e sợ Susan và Lucy. Nhưng bây giờ, tôi yêu quý và tôn vinh những người phụ nữ này, và tôi không thể diễn tả thành lời cảm xúc của mình về những mong ước dành cho những người phụ nữ này, những người đã khiến cho con người nhút nhát như tôi tiến lên và lấy lại vị trí của mình trong thế giới này. Nếu không có họ dấn thân và đi tiên phong như vậy, chúng ta đã không dám làm gì.
Năm 1876, Willard dẫn đầu một nỗ lực gắn kết những người hoạt động vì quyền bầu cử cho phụ nữ với những người đấu tranh ôn hòa. Nghiên cứu sau đó cho thấy rằng trong hai thập niên tiếp theo, mỗi lần Willard đến thăm một bang nào, thì xu hướng xuất hiện liên minh giữa nhóm hoạt động ôn hòa và nhóm đòi quyền bầu cử cho phụ nữ sẽ tăng vọt. Làm thế nào mà bà thuyết phục được các thành viên WCTU bảo thủ chấp nhận hợp tác với các nhà hoạt động vì quyền bầu cử của phụ nữ tự do? Một manh mối về sự thành công của bà có thể được tìm thấy ở Hollywood, nơi mà sự sống còn của một bộ phim phụ thuộc vào việc những nhà biên kịch có thể thuyết phục những giám đốc điều hành mua những ý tưởng đó tốt đến mức nào.
Sự thân quen mở rộng cánh cửa trái tim
Vào những năm đầu thập niên 1990, một nhóm các nhà biên kịch đã đề xuất một ý tưởng chưa từng có ở Disney: Họ muốn làm một bộ phim hoạt hình dựa trên một nội dung độc đáo. Họ đã có những tuyệt tác được chuyển thể từ những câu chuyện cổ tích lâu đời như Cinderella và Snow White trong suốt nửa thế kỷ qua, và lần này họ muốn bắt tay vào việc viết một câu chuyện hoàn toàn mới lạ. Giám đốc phim trường Jeffrey Katzenberg hoài nghi về dự án này và ông nói với các đồng nghiệp rằng đây chỉ là một cuộc thử nghiệm. “Không ai tự tin vào nó cả”, đạo diễn Rob Minkoff nhắc lại. “Nó sẽ chỉ được xem là một bộ phim hạng B ở Disney”.
Kịch bản trên cuối cùng được chuyển thể thành bộ phim The Lion King, đó là bộ phim có doanh thu cao nhất năm 1994, đạt hai giải Oscar và một giải Quả cầu vàng. Katzenberg đã nói rằng ông sẽ quỳ xuống trong sự cảm kích nếu bộ phim mang lại doanh thu 50 triệu đô-la. Tính đến năm 2014, bộ phim đã mang về hơn 1 tỷ đô-la doanh thu.
Giống như nhiều ý tưởng độc đáo khác, bộ phim dường như không nhận được kết quả tốt đẹp ngay từ ban đầu. Nó được dựng nên từ ý tưởng “Bambi ở châu Phi cùng những chú sư tử” (thay vì những chú nai). Nhưng sau khi kịch bản đầu tiên thất bại, năm nhà biên kịch đã ngồi cùng nhau để viết lại kịch bản. Họ ngồi trong suốt hai ngày, tranh luận về các ý tưởng và dệt nên một câu chuyện sử thi về sự kế thừa của các vị vua, rồi sau đó trình bày câu chuyện này cho một nhóm giám đốc điều hành Disney. Người đầu tiên phản ứng về kịch bản này là Giám đốc điều hành Michael Eisner. Như nắm bắt được cơ hội, anh hỏi: “Các anh có thể chuyển thể nó thành tác phẩm King Lear không?”.
Thật trùng hợp, Minkoff vừa đọc lại tác phẩm này của Shakespeare vài tuần trước đó, và anh đã giải thích rằng ý tưởng từ King Lear không phù hợp. Sau đó, từ phía sau căn phòng, một nhà sản xuất tên là Maureen Donley đưa ra đề nghị về một tác phẩm khác của Shakespeare: “Không, là tác phẩm Hamlet”.
Đột nhiên, mọi người đồng loạt thở phào. Họ đều nhận ra điều đó. Minkoff nói. “Chắc chắn đó chính là Hamlet – người chú ruột giết chết cha Hamlet, và sau đó người con trai là Hamlet đã giết người chú để trả thù cho cha mình. Vậy là sau đó, chúng tôi quyết định bộ phim này sẽ là Hamlet và những chú sư tử”. Vào khoảnh khắc then chốt đó, bộ phim như bừng lên một tia sáng xanh hy vọng.
Để hiểu điều gì đã cứu sống bộ phim trong phòng dựng, tôi quay sang Justin Berg, chuyên gia sáng tạo tại trường Đại học Stanford. Các nhà biên kịch đã phải bắt đầu với những chú sư tử, Berg giải thích. Nếu họ bắt đầu với Hamlet, họ đã có thể kết thúc bộ phim này với một sản phẩm hoạt hình nhái lại tác phẩm kinh điển của Shakespeare. Bắt đầu với một mẫu hình tiểu thuyết là chìa khóa để bộ phim trở nên độc đáo, nhưng nó cũng là một thách thức.
Trong một thí nghiệm, Berg yêu cầu mọi người thiết kế một sản phẩm mới hỗ trợ các sinh viên đại học phỏng vấn xin việc hiệu quả hơn. Ông hướng dẫn họ bắt đầu với ý tưởng quen thuộc về những tệp đựng hồ sơ ba khoen, và sau đó đến với một ý tưởng mới lạ. Những nhà quản lý hiệu sách và những khách hàng đánh giá các ý tưởng thu thập được là hoàn toàn thông thường.
Theo Berg, bước đầu tạo nên những ý tưởng cũng giống như nét cọ vẽ đầu tiên mà một họa sĩ vẽ lên tấm bạt: Nó định hình đường lối cho phần còn lại của bức tranh, quyết định những gì chúng ta tưởng tượng. Những người tham gia thí nghiệm của Berg đã bắt đầu với một tệp đựng hồ sơ ba khoen và sáng tạo nên những sản phẩm thông dụng (như một tập hồ sơ với những ngăn nhỏ đựng sơ yếu lý lịch và danh thiếp), không phải là một thử thách đánh đố gì cả. Để đạt được điều gì đó độc đáo, chúng ta cần bắt đầu từ một nơi chốn ít quen thuộc hơn.
Vậy là, thay vì tệp đựng hồ sơ ba khoen, Berg mang đến cho những người tham gia thí nghiệm một điểm khởi đầu mới lạ hơn: đôi giày trượt pa-tin một hàng bánh. Họ không còn bị “đóng khung” trong khuôn khổ truyền thống, họ đã nghĩ ra những ý tưởng có mức sáng tạo cao hơn đến 37%. Một người tham gia thí nghiệm đã nhận thấy trong suốt các buổi phỏng vấn xin việc, có một điều khó khăn là ứng viên không biết được rằng bao nhiêu thời gian đã trôi qua, và họ cũng không muốn mình bị đánh giá là bất lịch sự khi cứ nhìn đồng hồ hay ngừng giao tiếp bằng mắt với nhà phỏng vấn. Giải pháp được khuyên là tạo nên một chiếc đồng hồ đeo tay giúp chúng ta theo dõi giờ giấc chỉ bằng cái chạm tay, với những bộ phận như bánh xe trên giày trượt pa-tin có khả năng thay đổi hình dạng hoặc cấu tạo bề mặt ngoài khi thời gian trôi đi.
Dù một điểm khởi đầu mới lạ thật sự sẽ giúp nuôi dưỡng tính độc đáo cho các ý tưởng, nhưng không phải lúc nào cũng khiến nó trở nên dễ chấp nhận hay hữu ích đối với người dùng. Nếu như giày trượt pa-tin có thể được thiết kế thành chiếc đồng hồ theo dõi giờ một cách kín đáo, thì việc dùng tay siết đồng hồ sẽ là một hành vi kỳ quặc. Để giải quyết vấn đề này, Berg cho mọi người sản phẩm khởi đầu là đôi giày trượt, nhưng kèm theo một yếu tố: sau khi họ phát triển ý tưởng, ông ấy sẽ đưa ra một tấm hình chụp những vật dụng mọi người thường dùng trong các buổi phỏng vấn xin việc, sau đó yêu cầu họ dành thêm vài phút suy nghĩ về thiết kế của họ. Với người đang tìm kiếm một giải pháp theo dõi giờ giấc tinh tế hơn, việc này đã tạo nên sự khác biệt. Sau khi xem qua các vật dụng thường xuất hiện trong một buổi phỏng vấn xin việc, nhà phát minh này đã thiết kế một cây bút mực có khả năng báo giờ khi được chạm vào, thay vì chiếc đồng hồ chạm tay như trước.
Những ý tưởng hứa hẹn nhất bắt đầu với sự mới lạ, sau đó thêm một chút quen thuộc, sẽ có hiệu ứng tốt hơn những ý tưởng chúng ta nghĩ ra trước đó. Trung bình, một điểm khởi đầu mới lạ kèm theo một chi tiết quen thuộc dẫn đến ý tưởng nảy sinh được đánh giá cao hơn 14% về tính hữu dụng mà không phải hy sinh bất cứ ý tưởng sáng tạo nào. Như Berg chỉ ra, nếu bạn bắt đầu cuộc thí nghiệm với một cây bút thay vì một đôi giày trượt pa-tin, có khả năng bạn sẽ kết thúc ý tưởng của mình với thứ gì đó rất giống một cây bút thuần túy. Nhưng bằng việc bắt đầu với một vật dụng ngoài mong đợi trong bối cảnh buổi phỏng vấn xin việc, như một đôi giày trượt, rồi sau đó kết hợp với sự xuất hiện của một chiếc bút quen thuộc, bạn có thể hình thành nên một ý tưởng vừa độc đáo vừa hữu dụng.
Trong ví dụ về phim The Lion King, đó chính xác là điều đã xảy ra khi Maureen Donley đề nghị xây dựng một kịch bản tương tự tác phẩm Hamlet. Các nhà làm phim lồng ghép hài hòa kịch bản mới lạ của bối cảnh thảo nguyên châu Phi vào một câu chuyện kinh điển, và nhờ vào sự quen thuộc trong tác phẩm kinh điển Hamlet mà nhiều khán giả có thể hiểu được câu chuyện từ đó. Minkoff giải thích: “Với nội dung hoàn toàn lạ lẫm, bạn có thể bị mất khán giả. Các nhà làm phim muốn tác phẩm ăn khách, vì thế họ phải tìm kiếm những giải pháp. Họ phải mang đến cho khán giả điều gì đó quen thuộc và có thể hiểu để bám vào”. Nhóm làm phim The Lion King tiếp tục thu nhặt ý tưởng từ Hamlet. Khi nhận ra mình cần một tình tiết “đắt giá”, họ đã thêm cảnh ngài khỉ đầu chó Rafiki giảng dạy cho Simba một bài học về tầm quan trọng của việc phải nhớ rằng mình là ai.
Trong phong trào đấu tranh giành quyền bầu cử cho nữ giới, những người đấu tranh ôn hòa đã không góp mặt cho đến khi một lãnh đạo đang lên đưa ra một lý lẽ quen thuộc. Nhà xã hội học Holly McCammon tại Vanderbilt chỉ ra hai mặt trận chính mà những người đấu tranh vì quyền bầu cử cho phụ nữ đã sử dụng trong cuộc đấu tranh đòi quyền bầu cử: công lý và cải cách xã hội. Mặt trận vì công lý tập trung giành lấy sự công bằng, nhấn mạnh rằng quyền bầu cử của nữ giới là chính đáng. Mặt trận cải cách xã hội tập trung cải thiện xã hội, nhắc nhở rằng những phẩm chất chăm sóc, nội trợ và đạo đức của nữ giới sẽ khiến đất nước tốt đẹp hơn. Vào thời đó, đấu tranh vì công lý được xem là một phong trào cực đoan, vì nó đi ngược lại các khuôn mẫu truyền thống về giới khi đề xướng rằng nữ giới và nam giới bình đẳng với nhau trong mọi lĩnh vực. Mặt trận cải cách xã hội thì ôn hòa hơn, vì họ thừa nhận vai trò về giới, đồng thời cho rằng phẩm chất riêng của mỗi giới vốn được những người bảo thủ tôn vinh trong đời sống gia đình cũng có thể đóng góp cho cộng đồng. Trong vai trò “những bà mẹ cộng đồng”, những phụ nữ có quyền tự do bầu cử có thể đem lại lợi ích cho xã hội bằng cách phát triển giáo dục, giúp hạn chế tham nhũng trong chính quyền, và giúp đỡ người nghèo.
Khi McCammon và đồng nghiệp phân tích những bài diễn thuyết về quyền bầu cử cho nữ giới, các mục báo, băng-rôn, và tờ bướm được phát hành trong khoảng thời gian một phần tư thế kỷ, họ nhận thấy những phong trào vì công lý xuất hiện sớm nhất và thường xuyên nhất. Nhìn chung, các nhà hoạt động vì quyền bầu cử cho nữ giới tổ chức những hoạt động đấu tranh giành công lý chiếm tỷ lệ 30%, những hoạt động của mặt trận cải cách xã hội thì chiếm một nửa tỷ lệ đó. Nhưng những phong trào đấu tranh giành công lý dường như vô ích với các thành viên thuộc WCTU, những người này vin vào các vai trò truyền thống về giới và phủ nhận quan điểm cho rằng nữ giới bình đẳng với nam giới. Mặt trận cải cách xã hội cũng thất bại trong việc củng cố những giá trị lâu đời: những nhà hoạt động ôn hòa với quan điểm bảo thủ lúc đó hướng tới sự ổn định, không phải sự thay đổi. Chính Frances Willard, lúc bấy giờ là một lãnh đạo đang lên của WCTU, đã khéo léo điều chỉnh lại phong trào và khiến nó được chấp nhận rộng rãi.
Họ đã giành thắng lợi ở miền Tây Hoa Kỳ như thế nào?
Frances Willard không sử dụng lý lẽ công lý hay cải cách xã hội. Thậm chí bà cũng không đặt vấn đề về một cuộc bỏ phiếu giành quyền bầu cử cho phụ nữ.
Thay vào đó, bà gọi đó là một “cuộc bỏ phiếu để bảo vệ xứ sở”.
Willard xem cuộc chiến giành quyền bầu cử cho phụ nữ như “một vũ khí bảo vệ… trước những con sâu rượu”. So sánh hoạt động của mình như “một chiếc kính râm bảo vệ mạnh mẽ”, bà cam kết sẽ dùng nó để “đốt và thiêu cháy các quán rượu, cho đến khi chúng khô quắt và bốc hơi như sương mù”. Bảo vệ xứ sở trở thành một mục tiêu quen thuộc với các thành viên WCTU. Giờ đây, phong trào giành quyền bầu cử cho phụ nữ có thể được sử dụng như một phương tiện nhằm đạt được mục tiêu mong muốn: Nếu những người đấu tranh ôn hòa muốn chống lại việc lạm dụng rượu bia, họ cần phải bỏ phiếu. Baker viết:
Đó là một cách tiếp cận gián tiếp đến quyền bầu cử dành cho nữ giới, được xây dựng trên nền tảng tôn giáo của việc bảo vệ quê nhà, nhưng nó đã kết nối được hai phong trào cải cách hùng hậu nhất của phụ nữ Hoa Kỳ. Quyền bầu cử cho nữ giới, một động lực chung trong tâm trí của Anthony và Stanton trên nền tảng quyền cơ bản, đã trở thành một công cụ cho Willard… trong việc tạo nên một chiến lược thu hút những người phụ nữ trong gia đình.
Khi McCammon thực hiện một nghiên cứu dài bốn thập niên tìm hiểu liên minh giữa WCTU và những nhà hoạt động vì quyền bầu cử cho nữ giới, ông tìm được các dữ liệu cho thấy sau khi những nhà hoạt động vì quyền bầu cử phụ nữ tiến hành đấu tranh vì công lý ở một bang nọ, không hề có sự gia tăng khả năng liên minh với WCTU tại bang đó trong những năm sau – mà thực tế là, khả năng liên minh còn kém đi đôi chút. Nhưng khi các nhà hoạt động vì quyền bầu cử trình bày về kế hoạch bảo vệ quê nhà, khả năng hợp lực với các thành viên WCTU tại bang đó đã gia tăng đáng kể, tương tự đối với khả năng thông qua quyền bầu cử của nữ giới của bang đó6. Như vậy, sự lãnh đạo của Willard đã giúp phụ nữ giành được trọn vẹn quyền bầu cử tại một số bang và quyền được bầu cử vào ban quản trị trường học tại mười chín bang. Cách tiếp cận này đặc biệt hiệu quả ở các bang miền Tây. Trước khi Tu Chính án thứ Mười chín trao cho phụ nữ quyền bầu cử hoàn toàn, 81% các bang và lãnh thổ miền Tây Hoa Kỳ đã thông qua luật bầu cử của nữ giới, so với hai bang ở miền Đông và không bang nào ở miền Nam thực hiện luật này.
6 Khẩu hiệu bảo vệ xứ sở của Willard đã tạo nên sự thay đổi lớn một cách thích đáng, nhưng nó đi xa được tới mức nào thì còn phụ thuộc vào từng thời điểm. Bà đã tạo nên ảnh hưởng lớn nhất khi WCTU đối mặt với những đe dọa. Khi bà ghé thăm các bang sau khi lệnh cấm sản xuất rượu bị bác bỏ và các quán rượu xuất hiện nhiều hơn, khả năng liên minh giữa WCTU với các nhà hoạt động vì quyền bầu cử của nữ giới tăng lên cao hơn bao giờ hết. Những thành viên bảo thủ của WCTU cảm thấy rằng sứ mệnh của họ đang bị đe dọa, và bắt đầu xem mặt trận giành quyền bầu cử cho nữ giới như là một vũ khí lợi hại trong cuộc chiến chống lại lạm dụng rượu bia của họ. “Willard đã diễn giải và giúp các thành viên WCTU hiểu được những thất bại của họ là kết quả của sự yếu kém trong chính trị”, McCammon và một đồng nghiệp giải thích. “Bằng cách thuyết phục các thành viên WCTU rằng quyền bầu cử của phụ nữ có thể giúp chiến thắng lệnh cấm rượu bia, Willard đã đồng nhất hệ tư tưởng của các thành viên WCTU với hệ tư tưởng của những người đấu tranh cho quyền bầu cử của nữ giới”. (Adam Grant)
Suýt chút nữa Frances Willard đã khởi động phong trào đấu tranh giành quyền bầu cử cho nữ giới. Nghiên cứu của Justin Berg cho thấy rằng nếu như nữ giới thời đó bắt đầu với mục tiêu quen thuộc là bảo vệ quê nhà, có khả năng họ sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến quyền bầu cử. Tư duy cấp tiến thường đóng vai trò quan trọng trong việc tạo làn sóng mới trong xã hội. Nhưng một khi ý tưởng cấp tiến về quyền bầu cử được gieo mầm, những người đấu tranh cho quyền bầu cử của nữ giới với cách thức độc đáo hơn sẽ cần một chất xúc tác ôn hòa để chạm tới đông đảo quần chúng. Frances Willard đã giành được sự tín nhiệm đặc biệt của các nhà vận động ôn hòa do bà vận dụng một cách trơn tru những tư tưởng quen thuộc vào các bài phát biểu của mình. Bà sử dụng rất nhiều triết lý tôn giáo, thường xuyên trích dẫn Kinh Thánh.
Frances Willard là một tinh hoa về nhà lãnh đạo cấp tiến ôn hòa. “Dưới sự lãnh đạo của Willard, dường như không điều gì là cực đoan cả”, Baker viết, thậm chí cả khi “bà đang hướng tới những nguyên nhân tiến bộ hơn nữa”. Những hành động của bà mang đến cho chúng ta hai bài học về việc thuyết phục những đối tác tiềm năng gia nhập lực lượng với chúng ta. Đầu tiên, chúng ta cần nghĩ khác đi về những giá trị. Thay vì cho rằng những người khác sẽ có chung quan điểm với chúng ta, hãy cố gắng thuyết phục họ đi theo con đường của chúng ta, chúng ta phải cho họ thấy những giá trị mà chúng ta đang theo đuổi tương đồng với những giá trị của họ. Nếu chúng ta liên hệ được giá trị của những việc chúng ta đang làm với những giá trị mà người khác đang hướng tới thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Thứ hai, như chúng ta đã thấy trong trường hợp che đậy mục tiêu thực sự khi tạo ra nguồn năng lượng không dây của Meredith Perry, tính minh bạch không phải luôn là cách xử sự hiệu quả nhất. Mặc dù rất muốn cởi mở và thành thật với những đối tác tiềm năng, nhưng những nhà hoạt động theo phương thức độc đáo đôi khi cũng phải điều chỉnh lại các ý tưởng nhằm lôi kéo những đối tượng của mình. Willard đã giấu việc đấu tranh cho quyền bầu cử phụ nữ vào sau tấm bình phong chống lạm dụng rượu bia.
Nhưng cách thức đó không phải lúc nào cũng có hiệu quả với mọi nhóm đối tượng bà nhắm đến. Phong trào đấu tranh vì công lý thu hút được những phụ nữ cấp tiến nhất, vì họ ủng hộ bình đẳng giới. Với các nhà vận động ôn hòa mang tư tưởng bảo thủ cao, việc đấu tranh bảo vệ xứ sở sẽ gắn kết các liên minh. Nhưng trong khía cạnh thuyết phục các đồng minh khác thật sự gia nhập phong trào đấu tranh giành quyền bầu cử, mặt trận bảo vệ quê nhà lại tỏ ra quá mềm yếu. Nghiên cứu của McCammon chỉ ra rằng để lôi kéo nhiều phụ nữ hơn tin vào việc giành quyền bầu cử cho nữ giới như mục đích cuối cùng, không phải là phương tiện hướng tới một mục đích khác, cần phải dùng tới phương pháp Goldilock (một hướng tiếp cận không quá khó cũng không quá dễ): mặt trận cải cách xã hội ôn hòa. Để những nhà lãnh đạo phong trào “thành công trong việc tuyển chọn các ứng viên tiềm năng, họ phải tạo sự cân bằng hợp lý giữa việc đề cao những giá trị văn hóa sẵn có với việc thách thức tư duy thủ cựu”. Số thành viên trong các tổ chức vì quyền bầu cử cho phụ nữ ở các bang không thay đổi sau khi các nhà vận động vì quyền bầu cử trình bày những vấn đề của họ theo khía cạnh đấu tranh vì công lý hay bảo vệ quê nhà, nhưng lại tăng đột biến sau khi họ nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong việc cải tạo xã hội – và lộ trình thiết lập luật bầu cử cho nữ giới cũng được cải thiện. “Tính đột phá là điều mọi người mong muốn, nhưng chúng ta phải khôn khéo”, Rob Minkoff giải thích. “Nếu mục tiêu không đủ tính đột phá, nó sẽ nhàm chán hoặc tẻ nhạt. Nếu nó quá đột phá, nó có thể trở nên khó hiểu với khán giả. Mục tiêu là đưa cho khán giả bao thư để họ tự mở, chứ không phải xé toạc bao thư.”
Suốt cuộc đời mình, Lucy Stone đã liên tục dùng công lý và sự bình đẳng khi trò chuyện với những phụ nữ từng tham gia phong trào đấu tranh đòi quyền bầu cử cho nữ giới. Nhưng khi tiếp cận những đối tượng ngoài cuộc ấy, bà lại thận trọng lồng ghép lập luận về cải cách xã hội và tôn trọng các vai trò truyền thống về giới. Năm 1853, khi một khán giả quá khích làm gián đoạn tiến trình của một hội nghị về quyền phụ nữ, Stone đã ra mặt. Thay vì phủ đầu người này với lập luận về công lý, bà đã công nhận những đóng góp của phụ nữ trong môi trường gia đình: “Tôi nghĩ rằng bất kỳ phụ nữ nào đứng trên ngai vàng của chính mái nhà của họ, ban phát tại nơi đó tình yêu, sự thiện lương, hòa bình, và gửi tặng đến thế giới những con người tuyệt vời, những con người có thể giúp thế giới này tốt đẹp hơn, đều giữ một vị trí cao hơn bất kỳ một cái đầu đội vương miện nào”. Bà cho rằng nữ giới có thể cống hiến nhiều hơn nữa, và mô tả việc họ có thể đến với những nghề nghiệp như thế nào, cống hiến ra sao mà không phải so đo với nam giới. Khi bà đề cập đến một phụ nữ nắm vai trò bộ trưởng, một số khán giả phản đối một cách thô lỗ, và Stone lại một lần nữa nhắc cho họ nhớ rằng bà ủng hộ vai trò của phụ nữ trong gia đình: “Một số người tỏ ra thô lỗ là vì họ không có người mẹ dạy họ cách thể hiện tốt hơn”.
Đoàn kết để chiến thắng: Thiết lập liên minh bất chấp bất đồng
Sau hai thập niên xung đột, hai tổ chức đấu tranh giành quyền bầu cử cho nữ giới cuối cùng cũng tìm được điểm chung về triết lý và chiến lược. Elizabeth Cady Stanton và Susan B. Anthony từng tránh né các liên minh cấp tiến trong hơn một thập niên, nhưng giờ đây họ đang đầu tư toàn bộ sức lực của mình vào việc giáo dục cộng đồng. Stanton quản lý việc ghi chép lại lịch sử phong trào; Anthony di chuyển khắp đất nước để thuyết trình, vận động hành lang, và chia sẻ cùng quan điểm với Lucy Stone về giá trị của việc liên minh với những nhà hoạt động ôn hòa và một chiến dịch ôn hòa hơn, chỉ tập trung vào quyền bầu cử cho nữ giới thay vì những vấn đề khác của phụ nữ.
Nhiều năm trước, khi nghiên cứu về xung đột giữa Israel và Palestine, nhà tâm lý học Herbert Kelman của trường Đại học Harvard nhận thấy rằng các xung đột giữa hai nhóm thường nảy sinh và trở nên trầm trọng bởi chính những xung đột trong nội bộ nhóm. Dù tổ chức của Stone cũng được lợi từ việc sáp nhập, nhưng đã có những bất đồng bên trong tổ chức của Anthony và Stanton. Stanton phản đối việc liên minh với những nhà hoạt động ôn hòa và chỉ tập trung đấu tranh vì quyền bầu cử cho nữ giới; nhiều thành viên thắc mắc rằng quyền này nên được thông qua ở cấp độ tiểu bang hay liên bang, và nó nên được phê chuẩn một phần hay toàn phần.
Dù Stone rất có ảnh hưởng trong việc thuyết phục đồng minh, nhưng bà không phải là người đàm phán ngang tầm với Anthony. Khi sự ngờ vực giữa hai người phụ nữ này trở nên sâu sắc, tình trạng liên minh sẽ phụ thuộc vào những cá nhân đang đấu đá với nhau, lúc này họ xuất hiện không còn với tư cách những lãnh đạo, mà giống như hai cột thu lôi. Như Blake Ashforth và Peter Reingen viết, tình hình này suýt chút nữa đã khiến các thành viên của mỗi tổ chức “đổ lỗi cho sự rạn nứt vì tranh cãi” trên quan điểm cấp tiến của Stanton, để mà “mỗi bên có thể cho rằng mâu thuẫn xảy ra nhiều hơn là do bên kia”, trong khi lại thiết lập nền tảng để “hợp tác với những thành viên khác trong nhóm đối địch”. Để xây dựng liên minh bất chấp những xung đột, Kelman nhận thấy rằng việc để những kẻ hiếu chiến đi đàm phán hiếm khi đem lại hiệu quả. Bạn cần để những người chủ trương hòa bình của mỗi nhóm ngồi xuống, lắng nghe quan điểm của nhau, nhận diện những mục tiêu và giải pháp chung, và cùng tham gia giải quyết vấn đề7.
7 Năm 1990, Kelman tập hợp một loạt những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng từ Israel và Palestine đến tham dự một hội thảo không chính thức, họ gặp gỡ nhau thường xuyên trong suốt hơn ba năm. Một hội thảo điển hình có sự góp mặt của ba đến sáu đại biểu đến từ mỗi nước, cùng hai đến bốn người cố vấn. Các đại biểu chia sẻ quan điểm của mình, tránh đổ lỗi lẫn nhau hay phán xét quan điểm của nhau, mà chỉ tập trung phân tích tác động từ hành vi của họ đối với xung đột. Sau khi tất cả những người tham gia trình bày những mối quan ngại, thấu hiểu và ghi nhận ý kiến của những đại biểu khác, họ tiến hành hợp tác giải quyết vấn đề. Không lâu sau khi hội nghị kết thúc vào năm 1993, Hiệp định Hòa bình Oslo đã được ký kết. Đó là lần đầu tiên chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine đạt tới một thỏa thuận trực diện với nhau. Những nhà lãnh đạo nhờ đó đã được trao giải Nobel Hòa bình, và những người trong cuộc ghi nhận công lao của Kelman như là đại diện xúc tác. (Adam Grant)
Stone và Anthony đã nhận thấy giá trị của việc loại bỏ những người hiếu chiến ra khỏi cuộc thảo luận, họ quyết định mỗi người cử ra bảy thành viên trong tổ chức của mình để thành lập một ủy ban chung nhằm đàm phán về các điều khoản. Nhưng những nguyên tắc đề ra bởi Stone và Anthony không đủ để tạo một nền tảng chung cho sự đồng thuận, vì ủy ban đến từ tổ chức của Anthony mâu thuẫn với nhau đến nỗi họ phải chỉ định một ủy ban độc lập khác gồm tám thành viên để giúp họ. Cuối cùng, khi đã đạt được thỏa thuận, đề xuất họ đưa ra đã vượt xa khỏi phạm vi các nguyên tắc giao ước đến nỗi ủy ban phía Stone không có đủ quyền hạn để quyết định.
Năm 1890, ba năm sau nỗ lực hợp nhất, Stone nhận ra những thách thức trong tình trạng đoàn kết và giá trị của việc tìm người kế thừa: “Những người trẻ hơn muốn hợp nhất và những người già còn ghi nhớ lý do của sự chia rẽ sẽ sớm ra đi”. Con gái và chồng bà đã đàm phán thành công về các điều khoản liên minh với ủy ban của Anthony, và các tổ chức của họ đã được sáp nhập. Về phần mình, Anthony dần hiểu ra giá trị của trường phái cấp tiến ôn hòa, đến mức Stanton phải than phiền: “Lucy và Susan giống nhau ở điểm chỉ nhìn thấy quyền bầu cử dành cho phụ nữ. Họ không quan tâm đến những mối gắn kết về tôn giáo và xã hội. Những phụ nữ trẻ trong cả hai hội đoàn cũng vậy, vì thế mà họ sáp nhập với nhau dễ dàng vì họ có duy nhất một quan điểm và cùng một mục tiêu”.
Mặc dù Anthony và Stanton chưa bao giờ làm lành với Stone, nhưng khi Stone qua đời, những đóng góp tuyệt đối của bà đã khiến họ phải ngợi ca bà. “Không có ai đáng vinh danh hơn Lucy Stone”, Anthony tuyên bố. “Chúng ta chưa từng có một người phụ nữ nào của phong trào trong suốt năm mươi năm có khả năng bước đến trước mặt công chúng và làm tan chảy trái tim mọi người như người phụ nữ này. Chỉ có bà ấy.”
Trong mắt Stanton, “chưa có cái chết của người phụ nữ nào ở Mỹ làm dấy lên lòng kính trọng và tiếc thương to lớn đến thế từ quần chúng”. Stone đã là “người đầu tiên thực sự làm lay động trái tim nhân dân về những điều bất công đối với phụ nữ”, và bất đồng giữa họ nhiều năm về trước là do Stone “cảm nhận những bất công của giai cấp nô lệ sâu sắc hơn những bất công của chính bà – triết lý của tôi thì ích kỷ hơn”.
“Những người không nhớ về quá khứ sẽ bị buộc phải nếm trải lại chúng”, triết gia George Santayana đã viết. Điều đó sẽ được chứng minh là đúng đối với phong trào giành quyền bầu cử cho phụ nữ tại Mỹ, ít nhất là trong hai sự kiện. Năm 1890, hai thành viên trong tổ chức của Anthony nổi giận khi bà có dự định thiết lập tổ chức tầm cỡ quốc gia và thâm nhập vào trường phái cấp tiến ôn hòa, họ đã ly khai để thiết lập nhóm đối địch nhằm tấn công các nỗ lực đoàn kết. Anthony và Stanton đã dẹp được âm mưu đó, nhưng họ đã không thể có mặt để cảnh báo những người kế nhiệm mình trước những kẻ ích kỷ chỉ muốn bảo vệ những khác biệt nhỏ. Đầu thế kỷ hai mươi, trong tuổi xế chiều của cuộc đời, họ trao quyền lãnh đạo tổ chức vì quyền bầu cử của phụ nữ quốc gia cho Carrie Chapman Catt, lúc bấy giờ là một nhà hoạt động ôn hòa và là thành viên WCTU.
Nhưng một phụ nữ cấp tiến hơn, tên là Alice Paul, không bằng lòng với việc theo đuổi cuộc chiến giành quyền bầu cử cho phụ nữ bằng chiến thuật ôn hòa như thuyết trình, viết báo và vận động hành lang, bà muốn có những hành động quyết liệt hơn. Bà bắt đầu tuyệt thực để biểu tình, phủ nhận vị trí không nhất quán đảng phái của Catt, đồng thời quy trách nhiệm cho Đảng Dân chủ về thất bại trong việc thông qua quyền bầu cử cho nữ giới. Các hoạt động của Paul cấp tiến đến mức bà bị khai trừ khỏi tổ chức quyền bầu cử quốc gia, và bà đã lập nên tổ chức của riêng mình vào năm 1916. Cho tới năm 1918, tổ chức toàn quốc đã có đến hơn một triệu thành viên; tổ chức của Paul chỉ có mười ngàn, và giống như những người tiền nhiệm của mình, bà tránh việc liên minh với những người Mỹ gốc Phi. Nhóm của bà biểu tình bên ngoài Nhà Trắng và chế giễu Tổng thống Woodrow Wilson, việc này cũng có thể giúp tạo nên một sự thay đổi lớn. Nhưng chính sự lãnh đạo của Catt – tiến bộ mà không quá cực đoan – cuối cùng đã khiến Wilson ủng hộ việc đưa ra Tu Chính án.
Trong lúc hấp hối trên giường vào năm 1893, Lucy Stone đã thều thào bốn từ với con gái bà: “Make the world better” (Hãy làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn). Phải mất thêm hai mươi bảy năm nữa Tu Chính án thứ Mười chín mới được thông qua. Nhưng khi nữ giới giành được quyền bầu cử hoàn toàn trong cả nước, dấu ấn của Stone trong phong trào cấp tiến ôn hòa đã trở nên mạnh mẽ và rõ nét hơn bao giờ hết. Kerr tóm tắt: “Mô hình tổ chức mà Stone tạo nên về sau đã được áp dụng bởi Carrie Chapman Catt, khiến họ giành được thắng lợi với Tu Chính án thứ Mười chín vào năm 1920”.